T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 73)

clip_image001

Tục ngữ Tầu

Ngật Tào Tháo đích phạn, biện Lưu Bị đích sự

(Ăn cơm Tào Tháo, lo việc Lưu Bị)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Chữ nghĩa làng văn II

Năm tôi (Nguyễn Dữ) học lớp nhất trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây (Thị Nghè, 1954) gặp mấy chuyện nửa cười nửa mếu. Và xin bắt đầu lại câu chuyện, mỗi tuần phải viết một bài chánh tả. Viết xong, cả lớp đổi tập cho nhau. Cô giáo đọc lại, giảng nghĩa, chỉ cách viết các chữ khó. Cả lớp dò theo, sửa lỗi cho nhau. Bạn bè đứa nào cũng khoái bắt lỗi thằng ngồi bên cạnh. Đứa nào cũng chăm chú sửa cho bạn, không bỏ sót một cái dấu phết. Sửa bài như vậy vừa nhanh, vừa kĩ, lại vừa đỡ mệt cho cô.

Có lần tôi bị một lỗi vì một cái lá, mà đây chỉ là cái lá chuối “nỏn “.

Cô giáo nhấn mạnh chữ ” nỏn ” dấu hỏi. Tôi giơ tay xin nói. Cô hất hàm cho phép. ” Thưa cô, nõn dấu ngã chớ không phải dấu hỏi “. Cô giáo lắc đầu : ” Dấu hỏi chớ không phải… dấu ngả “. ” Dạ, nõn dấu ngã “. ” Cãi bậy “. Cô đập thước kẻ xuống bàn : ” Lên đây coi “. Tôi bất đắc dĩ phải lên chỗ cô đứng. Cô cầm thước chỉ vào trang sách. ” Sách viết dấu hỏi nè, thấy chưa ? “. Tôi bắt đầu run. ” Dạ thấy “. Trong bụng muốn nói thêm ” Thấy cả mẹ em rồi, cô ơi “. Nói có sách, mách có chứng đàng hoàng, đâu phải chuyện giỡn. Cãi nữa thì ăn đòn. Em chịu thua cô.

Mấy năm sau mới được học câu Tận tín thư bất như vô thư. Thấm thía nhưng hơi muộn.

Chỉ tiếc cho cái lá chuối ” nỏn “, già héo mất rồi.

(Nguyễn Dư – Chiviet.free.fr)

Chữ và nghĩa: Biên Hòa

Đất này xưa kia được gọi là Đông Phố. Nhưng đúng ra là Giãn Phố, vì hai chữ Đông và Giãn viết theo Tầu hơi giống nhau.

Biên Hòa có nghĩa là “hòa” bình ở “biên” cương (với Chân Lạp).

Trên Biên Hòa là Hố Nai (hố sập nai).

(Hồ Đình Vũ – Nguồn gốc một số địa danh miền Nam)

“Khóc Thị Bằng” không phải của Tự Đức (I)

Bài thơ đây không phải là thơ Tự Đức mà là thơ Nguyễn Gia Thiều. Ngô Tất Tố đã chứng minh điều này từ năm 1918 trên báo Nam Phong trong mục Nam âm thi thoại, trong cuốn Thi văn bình chú, Lê Mạc Tây Sơn (Sài Gòn, 1957, trang 91). Ngoài ra, Trần Danh Án (1754-1794) có dịch bài thơ nôm của Nguyễn Gia Thiều khóc người ái thiếp tên Bằng Cơ ra chữ Hán với hai câu:
Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh
Tùng phong khâm thử hộ dư hương

Sở dĩ có sự gán ghép là vì Tự Đức thường ưa sửa thơ thiên hạ, khi nhuận sắc có sửa hai chữ mảnh gương thành cổ kính và manh áo thành tàn y, rồi xếp vào hồ sơ của mình, nên Dương Quảng Hàm mới nhầm ra thơ Tự Đức, rồi người sau cứ truyền tụng như thế. Ngoài Ngô Tất Tố, các chuyên gia thơ cung đình triều Nguyễn, như Phan Văn Dật, Bửu Cầm, đều nói không phải của vua, vì trong thư khố, không tìm thấy vết tích gì bài thơ này, và tên họ một bà phi nào tương tợ ngoài một bà Hoàng quý phi, hai bà phi, và 103 cung tần nhưng chẳng có ai tên Thị Bằng.

Sinh thời, học giả Hoàng Xuân Hãn cũng nói vậy.

(Ban Mai – Thi Vũ – Hai vần thơ đẹp)

Khi các cụ ta xưa… xổ nho

Chém cha cái nước sông Bờ

Nghĩ rằng báng nước, ai ngờ báng con

(Ca dao)

Đêm năm canh ngày sáu khắc

Thời gian, thì giờ là một đề tài xưa như trái đất và to như cái đình.

Bàn về thời gian thì có thể bàn…hết năm này sang năm khác, bàn cho đến khi ” Trai trẻ bao lâu mà đầu bạc “…cũng chưa chắc đã đi tới đâu. Nhưng vẫn thích bàn. Triết gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ ngày ngày thi nhau bàn.

Thời gian là cái gì mà làm cho người ta say mê bàn như vậy?

Chả là cái gì cả ! Chưa ai thấy mặt mũi thời gian ngang dọc ra sao. Nhưng phải nhắm mắt thừa nhận rằng thời gian rất hấp dẫn, rất quan trọng. Chả thế mà khắp đông tây nam bắc, từ thời thượng cổ đến tận bây giờ, người ta thi nhau sáng chế máy này máy nọ để đo thời gian. Người ta rủ nhau đi đo cái vô hình vô ảnh. Đo cái mà mắt trần không thấy được. Các thứ máy đo thời gian, thô sơ hay tinh xảo, to hay nhỏ, ta đều gọi chung là đồng hồ.

Theo truyền thuyết thì người Trung Quốc đã biết dùng đồng hồ nước từ đời Hoàng Đế (khoảng 2500 năm trước tây lịch). Một nghìn năm sau (1500 năm trước tây lịch), người Ai Cập mới sáng chế đồng hồ cát (clepsydre). Phải chờ thêm hơn 2000 năm nữa, vào khoảng năm 1300 tây lịch, người Âu mới có đồng hồ có bánh xe. Năm 1904 xuất hiện đồng hồ đeo tay, và mới từ vài chục năm nay lại có thêm đồng hồ quartz, đồng hồ điện tử, v..v…

Vậy xin hỏi nước ta biết dùng đồng hồ từ bao giờ ?

Dạ, không biết! Rốt cuộc, bàn về thời gian chỉ…mất thì giờ!

(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)

Chữ nghĩa với cây…I

Hỏi : Cây được con gái thèm muốn…là cây gì?

Đáp: …

Viết và nói tiếng Việt

Giáo sư Cao Xuân Hạo là nhà ngữ học ở Hà Nội đã viết nhiều bài về tình trạng “viết và nói tiếng Việt”. Tiếng Việt và tiếng “Hán-Việt” bị sử dụng sai nghĩa, sai ngữ pháp như: Răn đe hay ngăn đe?

Về điểm này, cần phải giải thích một chút về từ nguyên: cặp từ mới chỉ xuất hiện vào giữa thập kỷ 1960 khi Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến không quân tại miền Bắc. Giới quân sự Mỹ gọi hành động này là deterrence response, tức là đánh phủ đầu để cảnh cáo.

Cánh biên dịch chúng tôi bàn với nhau, tham khảo cả ý kiến của Giáo sư Ðặng Chấn Liêu, một chuyên gia hàng đầu về tiếng Anh, và cuối cùng thống nhất dịch là phản ứng ngăn đe (hàm ý vừa ngăn chặn vừa đe dọa).

Vậy là từ ngăn đe có trước, rồi sau đó người ta đọc chệch thành răn đe và viết rập theo như thế luôn. Ðời sống ngôn ngữ có những phát triển thật bất ngờ: Về sau, bất cứ khi nào tôi viết ngăn đe, người ta đều sửa thành “răn đe”! Tôi tò mò giở Ðại từ điển tiếng Việt của Bộ Giáo dục và Ðào tạo và Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam ra tra:

Hỡi ôi, trong đó chỉ có từ mục răn đe mà không có ngăn đe!

Nét đặc biệt trong tiếng Huế

Thổ ngữ ở Huế thì nhiều lắm và cũng lạ lắm. Vì đề mục có hạn, không thể giải thích từng chữ một, nên xin được ghép thổ ngữ thành từng câu, từng nhóm thổ ngữ, vừa đỡ nhàm chán lại ra câu ra kéo, có đầu có đuôi hơn:
Chộ chưa ? Nỏ chộ !

(Thấy chưa ? Không thấy !)

Nỏ là lối phủ nhận gọn gàng pha chút giận hờn, chanh cốm như chả biết, chả ăn, chả thèm vào ! Hắn mô rồi ? Nỏ biết ! Chữ nỏ biết ở đây pha chút, chút xíu thôi sự phủi tay về cái chuyện hắn đang ở đâu ! Tục ngữ Huế: Có vỏ mà nỏ có ruột .

(Nguồn ĐatViet.com)

Chữ nghĩa với cây…II

Đáp : …Cây tăm.

Cả vú lấp miệng em
Bà mẹ, khi nghe trẻ khóc, không cần dỗ dành, vỗ về, gì cả mà lập tức dùng bầu vú sữa để lấp miệng đứa bé. Nhờ được bú tí mẹ, đứa trẻ không còn khóc nữa. Cái hiện tượng bình thường mà chúng ta vẫn gặp, vẫn thấy hàng ngày được dân gian biến thành câu cả vú lấp miệng em để chỉ thế mạnh của mình để chèn ép, lấn át kẻ khác.
Ở trong thành ngữ này, riêng từ “cả” hơi khó hiểu. Nhiều người đã hiểu cả trong cả vú lấp miệng em chỉ gộp, chỉ tổng thể với nghĩa là “tất cả, toàn bộ”, như trong cả nhà, cả con gà…Nhưng cách hiểu này là không chính xác. Thực ra, cả trong thành ngữ này có ý nghĩa là “to, lớn”, như nghĩa của cả trong đũa cả, cả lưng rộng háng, cả hơi lớn tiếng…

Dạy văn, mổ lợn

Viết văn chẳng khó gì, na ná như mổ lợn, thao tác chính là lọc phần thịt, để trơ ra phần cốt – cái nội dung xã hội của tác phẩm.

(Phạm Duy Nghĩa – Người nhà ông Luân)

Giai thoại làng văn

Tôi dừng lại ở góc đường Gia Long và đường Nguyễn Trung Trực. Tại nơi này nhìn qua Thư viện Quốc gia, Đại học Văn khoa hồi xưa, có kiosque bán cà phê, nhìn sang bên kia là tòa báo Ðại Dân Tộc, phía góc đường Thủ Khoa Huân, Gia Long là báo Sống. Nói tóm lại có rất nhiều tòa báo trên quãng đường ấy. Ký giả, phóng viên, nhà văn sáng sáng ngồi đầy các quán cà phê lề đường, tất cả đều quen nhau, nên tình nghĩa bạn bè cũng rộn rã.

Hình ảnh nhà văn Lê Xuyên, anh em quen đùa gọi là chú Tư Cầu, tên tác phẩm nổi tiếng của anh viết về đồng quê Nam Bộ, dĩ nhiên là có những mối tình quê mùa mà tiêu biểu là nhân vật chú Tư Cầu. Trước ngày miền Nam bại trận, Lê Xuyên là tổng thư ký báo Sài Gòn Mai rồi Ðại Dân Tộc, anh có cái nhạy cảm của người làm báo, của người viết văn. Nhà văn Lê Xuyên hay nhà báo Lê Xuyên cũng được. Nhưng anh em gọi anh là chú Tư Cầu cho thêm phần thân mật.

Nhưng hình ảnh của nhà văn Lê Xuyên gây ấn tượng nhất cho tôi là sau ngày chế độ Sài Gòn bại trận, tôi vẫn còn thấy anh ngồi ở quán cà phê đó vào những buổi sáng kế tiếp. Mắt nhìn lên tòa soạn xưa buồn rười rượi, y nguyên như ngồi uống cà phê chờ anh chef typo xuốn báo cáo đã đủ khuôn, xin lệnh chạy máy, hay cần lấp một lỗ hổng. Bây giờ không còn gì nữa, không vắng lặng mà có cái xôn xao ở góc đường, góc công viên.

Ðã lâu rồi tôi không có ghé qua anh. Ðường về Chợ Lớn đối với tôi bây giờ xa vời vợi, nhưng phải đi chứ. Thăm một người bạn sau nhiều năm giam mình ở ấp Ðông Ba cũng là một điều hay.

Kia kìa, chú Tư Cầu còn đó, sau cái quầy bán thuốc lá cũ rích, con người anh cũng cũ rích, gầy guộc và đầy chất Nam bộ chân chất. Cái mũ bánh tiêu rúm ró chụp trên đầu, cái sơ mi mỏng lét, mòn cả vai, cái quần tây màu nâu ống cao ống thấp, đôi dép không rõ bằng vật liệu gì nữa. Mặt anh gầy rộc, xanh mét.

Tôi gọi anh:

“Chú Tư Cầu!”

Anh nhìn tôi một giây xong mới nói thong thả:

“Chú Tư Cầu…chết rồi!”

(Nguyễn Thụy Long – “Chú Tư Cầu” Lê Xuyên)

Help..!

Một cô bé bị một con chó dữ đuổi theo nên vừa chạy vừa kêu to: “Help…help…help…”
Một ông lão ngồi trong nhà nhìn ra, rồi gật gù nói với bà lão ngồi kế bên: “bà coi con nhỏ điên kia kìa……. chó rượt mà cứ kêu là heo, heo, heo…?!?”

Ngộ Không

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search