T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 96)

clip_image001

Thành ngữ trong Tự điển thành ngữ tiếng Việt

Từ điển phải là khuôn vàng thước ngọc cho người tra cứu nó, vì vậy người làm từ điển phải sàng lọc mà loại bỏ những hình thức «ăn theo» của người làm từ điển trước những hình thức dị dạng đã thấy (và chưa thấy hết) như Từ điển thành ngữ Việt Nam do Nguyễn Như Ý. Những thành ngữ sai này đã cho thấy thái độ thiếu trách nhiệm của các nhà biên soạn Từ điển thành ngữ Việt Nam đối với ngôn ngữ.

– «Cơm cao gạo kém» gốc là «thóc cao gạo kém». Các nhà biên soạn cũng có ghi chú: «như thóc cao gạo kém». Nhưng «như» thế nào cho được khi mà thóc là chuyện ngoài thị trường còn cơm thì đã là chuyện trong cái nồi của mỗi gia đình? Câu thành ngữ gốc chỉ nói về giá cả mà thôi nên không thể đưa «cơm» vào được.

– «Chia duyên rẽ thuý» gốc là «chia uyên rẽ thuý». «Uyên» mới đối với «thuý» còn «duyên» thì đối không chỉnh nên trở thành vô … duyên!

– «Dựa thừng dựa chảo» gốc là «lộn thừng lộn chảo». Đổi thành «dựa» thì vô nghĩa.

– «Đường dây mối rợ» gốc là «đầu dây mối rợ». Đầu và mối là những chỗ cốt yếu còn đường thì … tràn lan, tùm lum nên đâu có thể nào tuỳ tiện thay «đầu» bằng «đường» !

(Phan Trọng Hoa – Thành ngữ, tục ngữ khó hiểu)

Giai thoại Cao Bá Quát và Nguyễn Văn Siêu

Thời bấy giờ có ông Nguyễn Văn Siêu nổi tiếng là hay chữ. Được biết ông Siêu dạy học ở Hà Nội, ông Quát từ Bắc Ninh sang Hà Nội đến trường của ông Siêu dạy để nghe giảng bài. Ông Quát tới nơi, đứng cửa sổ dòm vào, thấy một ông đồ khoảng 25, 26 tuổi, ngồi trên một cái chõng cũ siêu vẹo, học trò thì ngồi lê la dưới đất, chứng tỏ là một lớp học nghèo. Thầy đồ Siêu nhìn thấy một anh chàng trẻ tuổi chừng mười lăm, mười sáu, thơ thẩn đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, thầy đồ hỏi:
– Anh đi đâu mà đứng ở đây?
Ông Quát trả lời:
– Tôi là học trò đi qua trường thấy thầy giảng văn muốn xin thầy cho vào nhập học.
Ông Siêu muốn thử tài học của anh, bèn nói:
– Nếu thật anh là học trò, thì anh đối thử vế đối này:
”Tiên sinh tọa tịch thượng, cót chi két, két chi cót, cót cót két két”.
(ông thầy ngồi trên chõng, (kêu) cót két, két cót, cót cót két két).

Ông Quát đối lại:
-“Tiểu tử nhập đình trung, thẩn chi thơ, thơ chi thẩn, thẩn thẩn thơ thơ”

(trò nhỏ vào sân trường, (đi) thẩn thơ, thơ thẩn, thẩn thẩn thơ thơ).
Nguyễn văn Siêu nghe vế đối tài tình rất phục, mời vào trong ngồi, hỏi tên tuổi và lai lịch mới biết là Cao bá Quát ở Bắc Ninh, là người mà ông đã nghe tiếng đồn là thần đồng. Về sau hai người đi lại thăm nhau luôn và trở thành đôi bạn thân thiết mặc dầu tuổi tác chênh lệch, rồi hai ông nổi tiếng khắp nơi, được người đời khen tặng là “thần Siêu thánh Quát”.
Cao Bá Quát còn ít tuổi nên có tính kiêu căng, ai ông cũng chê là học dốt. Ông nói: “Cả thiên hạ có 4 bồ chữ, anh Bá Đạt tôi và ông Nguyễn văn Siêu giữ một bồ, một mình tôi chiếm hai bồ, còn một bồ thì phân phối cho cả thiên hạ.”

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Hà Nội: Chai bia được rót quay vòng cho nhiều ly.
Sài Gòn: Chai của ai người ấy uống.

Chữ nghĩa hiện thực

Giữa đường nhặt cánh hoa rơi.

Lượm lên phủi phủi: “Cũ người mới ta”.

Chữ nghĩa không hay…chết liền III

Báo Tuổi Trẻ Sài Gòn có nhặt ra một số hạt sạn của các báo ở trong nước. Xin mượn vài hạt sạn trình làng.

Báo Thanh Niên số 219 viết: “TFS đã không ngần ngại lao vào làm phim những nhân vật lịch sử dài tập như phim Hàn Quốc. Bộ phim sắp hoàn thành là:

Chúa Tầu Kim Quy trong truyện Lục Vân Tiên.

Chúa Tầu Kim Quy là nhân vật tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Còn Lục Vân Tiên ai mà chẳng biết là nhân vật chính của truyện bằng thơ của Nguyễn Đình Chiểu

Chưa hết: Chúa Tầu Kim Quy không là …nhân vật lịch sử!”.

(Chữ nghĩa ngày nay: báo Ngày Nay)

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Thực tế Đồng Đăng là một huyện lỵ sát biên giới phía Bắc, xa Lạng Sơn trên 10km, cách Ải Nam Quan 3km, chỉ có phố Kỳ Lừa. Núi Tô Thị và chùa Tam Thanh nằm ngay thị xã Lạng Sơn, bên kia sông Kỳ Cùng. Như thế câu ca dao trên đúng chăng?

Vì chợ Lạng Sơn có cái cầu nhỏ gọi là cầu Kỳ Lừa. Có thể mấy câu trên có từ thuở Lạng Sơn và Đồng Đăng là một?

Mai Thảo

Trên mộ bia của Mai Thảo có khắc bốn câu thơ trích

từ tập thơ Ta thấy hình ta những miếu đền của ông:

Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi

(Phạm Ngũ Yên – tạp chí Tin Văn)

Vũ phu

“Vũ phu” tiếng Hán là đá giống như ngọc.

Tiếng Việt là người chồng…đánh đập vợ.

Logic

Khoảng những năm ’60 hay ’70 tôi đọc một cuốn sách xuất bản ở Hà-nội “Dậy tiếng Việt ở Ðại học”, tôi đã bắt gập chữ lô-gích ngay trong mấy trang đầu mà không đặt trong dấu ngoặc kép, không in nghiêng, cũng không dịch, coi như ai cũng hiểu.

Tôi thử đem ra dùng với một bà cụ đã sống ở Pháp từ lâu, am hiểu một số Pháp ngữ thông dụng, nhưng bị cụ chặn lại hỏi ngay “Lô-gích là cái gì ?”, tôi nói là “hợp lý” thì cụ thôi không hỏi nữa. Tôi thử đặt mình vào địa vị một người không học ngoại ngữ Tây phương, không hiểu “lô-gích” là gì, tất nhiên phải giở tự vị ra tra.

Trong cuốn Từ điển Pháp Việt, do Ủy ban Khoa học xã hội xuất bản năm 1981, tôi thấy dịch “logique” là: 1) logic học, 2) sách logic, 3) lôgic..v..v.. chẳng thấy sáng nghĩa hơn, người ta không hiểu mới tra tự vị, giảng “logique” là “lôgic” thì có khác gì không giảng ? Phải giở tự vị Ðào Duy Anh ra mới được biết “logique”…là “hợp lý”.

(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Dân “Bách Việt”, tiếng “Bách ngữ)

Chữ nghĩa làng văn

Tiếng Việt khó thật, ngoài 24 chữ cái của vần Latin rồi. Còn bày thêm ra a, â, ă, d, đ, ơ, u, ư…nữa. Lại còn thêm 5 dấu sắc (‘), huyền (`), hỏi (?), ngã (~), nặng (.).

Thế nên có câu thơ về dấu cũng hay:

Chị huyền (`) mang nặng (.) ngã (~) đau

Sau không sắc (‘) thuốc, hỏi (?) sao cho lành

Nhưng không hay ho bằng 1 chữ với 5 dấu, 5 nghĩa khác nhau…

le, lé, lè, lẹ, lẻ, lẽ….

(Lê Anh Tuấn – Báo Sài Gòn Nhỏ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ðã gần bẩy chục năm trời
Ðắng cay, chua chát, ngọt bùi có nhau
Bây giờ: Mày trước tao sau
Kiếp sau hẹn gặp: Lại tao với mày !

Giai thoại Mạc Đĩnh Chi

Chuyện kể, trong lần Mạc Đĩnh Chi đi sứ năm 1308, do đường xa, mưa gió nên sứ bộ đến cửa ải Nam Quan chậm mất một ngày. Viên quan giữ cửa ải không cho mở cửa để sứ bộ qua. Mạc Đĩnh Chi nói mãi chúng cũng không chịu cho qua. Sau đó họ ném từ trên cửa ải xuống một vế câu đối, bảo hễ đối được thì sẽ mở cửa cho qua, còn nếu chưa đối được thì hãy ở tạm bên dưới qua đêm, đợi đến sáng hôm sau..

Vế ra đối viết :

– Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.

Nghĩa là :

– Qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mới khách qua đường qua cửa quan.

Thật là một câu đối hiểm hóc, nội dung nói lên việc Mạc Đĩnh Chi đang cần qua cửa quan để sang Yên Kinh. Song khó ở chỗ trong 11 chữ của vế đối mà có tới bốn lần nhắc lại chữ quan. Mạc Đĩnh Chi nghĩ vế ra quả là khó đối lại nhưng im lặng thì mất thể diện.

Ông ứng khẩu đọc lại vế đối :

– Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.

Nghĩa là :

– Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước.

Mọi người đều đang bí thì nghe Mạc Đĩnh Chi đọc vế đối lại. Quân lính nhà Nguyên phải chịu và mở cửa ải để ông đi qua. (Vế đối cũng có bốn chứ đối).

Khác biệt văn hóa

Con gái Sài Gòn người đẹp hơn mặt.
Con gái Hà Nội mặt đẹp hơn người.

Thành ngữ từ bàn nhậu trước 75

Nếu trước 75, miền Nam có những câu “thành ngữ” một thời một thưở về thuốc lá như Lucky, Salem, Captain, Pall Mall..v..v..thì nay miền Bắc có câu vè về thuốc lá:

Sa-pa : Nói ba hiểu một

Sông Cầu : Nói đâu hiểu đấy

Sa-mít : Nói ít hiểu nhiều

Ba số : Chửi bố cũng làm

Truyện cực ngắn: Truyện văn chương

Nói cách khác, truyện thật ngắn thì ngắn hơn truyện ngắn; truyện cực ngắn lại càng ngắn hơn truyện thật ngắn. Ngắn đến độ không thể ngắn hơn được nữa. Như truyện thật ngắn sau:
”Hắn viết chưa xong câu thơ, một thế kỷ đã trôi qua. Khi bài thơ hoàn tất, hắn đã hoá thành người tiền sử”.

Nhũn như con chi chi

Trong hồi ký Thi tù tùng thoại, hồi ký của Hùynh Thúc Kháng ở Côn Đảo 1915 có ghi thú chơi tổ tôm, chắn với 120 quân bài. Trong đó có bốn quân bài: chi chi, nhị sách, bát sách và cửu vạn.

Vì cây bài “chi chi” có giá trị thấp nhất trong 120 quân bài. Nói “nhũn như con chi chi “ là nói thái độ của người biết mình hèn kém. “Nhũn” đây là nhũn nhặn, không phải là mềm nhũn như con “chi chi” là một loài cá mềm nhũn.

(Hoàng Hải Thủy – báo Văn Nghệ Tiền Phong)

 

Ngộ Không

(Sưu Tầm)

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search