T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 104)

 penrefiil

Ngôn sử

Khi hắn vừa tốt nghiệp cử nhân văn khoa thì miền Nam thay đổi chế độ, hắn mở một quán cà phê nhỏ để sống qua ngày. Thì giờ rảnh rỗi hắn nghiên cứu về một môn học mà hắn gọi là môn “ngôn sử”.
Hắn nói ngôn sử tiếng Pháp philologie, tôi chẳng hiểu gì cả. Hắn giải thích đó là môn học nghiên cứu lịch sử, cấu trúc và cách tạo thành của ngôn ngữ. Tôi vẫn mù tịt.  Hắn tặng vợ tôi một cái túi xách tay Louis Vuiton và nói đó là là một ti mố. Hắn giải thích “mố” cũng là tiếng mới xuất hiện, dùng thay cho “thời trang”, hay “mốt” trước đây.
Hắn cho tôi một sơ-mi lụa và nói đó là lụa thực chứ không phải lụa đểu.
Tôi hỏi lụa đểu là gì thì hắn phì cười :
– Mày lỗi thời quá rồi. Bây giờ trong nước người ta không nói là “giả” nữa mà nói là “đểu”. Hàng đểu, bằng đểu, rượu đểu, thuốc đểu.

Tôi, sực nhớ ra hắn là một nhà ngôn sử, bèn hỏi hắn :
– Thế mầy nghĩ gì về những từ mới này ?
Hắn bỗng trở thành nghiêm trang, trầm mặc một lúc rồi nói :
– Ngôn ngữ của dân tộc nó cũng gắn liền với lịch sử. Cái gì thường trực và lâu dài cũng trở thành ám ảnh rồi đi vào ngôn ngữ.

Hắn dừng lại một lúc rồi nói tiếp :
– Nhân loại tiến triển qua các thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt. Chúng ta cũng có thời kỳ đồ đểu.

(Lượm lặt của thiên hạ – Web: bacdau.wordpress.com)

Chuyện chữ nghĩa

Trong phần “Giải & Đáp” của Thuần Thảo có câu hỏi: Chị Thảo là người “văn chương quán tuyệt, nhưng để mua vui với em, xin chị trả lời câu hỏi của em như sau:

“…Ở Việt Nam nếu mấy bà mấy cô không rậm rạp thì người Bắc, người Nam gọi là vô mao. Riêng ở xứ Huế, nếu mà cô nào, mụ nào “vô mao” thì người ta gọi là “đoi”. Vậy chữ “đoi” này sao lại dành riêng cho đàn bà xứ Huế? Phát xuất từ đâu?

Trả lời: Vì không quán tuyệt, nên chị Thảo phải tra tự điển về chữ “đoi”.

Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản viết: đoi là “trôn”, trôn là đáy, là đít hay chỗ cuối cùng của cơ thể. Nếu có ai biết hơn, xin cho Thuần Thảo biết với. Vì học thêm tiếng địa phương cũng là điều tốt.

(Thuần Thảo – báo Văn Nghệ Tiền Phong)

Từ hày tự

Từ/tự điển đều dùng được vì từ theo chữ Hán là lời văn.

Cũng theo Thiều Chửu, nói ra thành văn là từ chương.

Ăn mày chữ nghĩa

Ngư Triều Ân là một hoạn quan đời nhà Đường là Thái Bạch Sơn Nhân, am hiểu Phật học và có thể bấm đốt ngón tay tính toán mọi việc, rất được vua tôn kính. Vào thời Đại Tông (năm 768), nhà vua có chiếu mời Thiền sư Tuệ Trung vào cung truyền pháp.

Tuệ Trung là một vị cao tăng nổi tiếng đương thời, ông tiếp thu tông pháp của vị tổ thứ sáu Huệ Năng, núi Bạch Nhai. Khi Tuệ Trung nhận chiếu vào cung, Đại Tông có ý để cho hai vị tuyệt thế cao nhân này gặp nhau. Tục ngữ có câu: Văn vô đệ nhị, vũ vô đệ nhứt. Tuệ Trung và Thái Bạch Sơn Nhân vừa gặp nhau đã thử sức so tài ngay. Tuệ Trung hỏi:
– Chẳng hay Thái Bạch Sơn Nhân có sở trường gì?
Thái Bạch Sơn Nhân đáp:
– Tôi am tường về núi, về đất, hiểu biết về con người, tính toán được sự sống, sự chết và muôn loài. Tôi tinh thông toán pháp, không gì là không biết, không gì là không hiểu.
Tuệ Trung mỉm cười nói:
– Vậy thì xin hỏi ngài, mảnh đất chỗ cung điện này là đất gì?
Thái Bạch Sơn Nhân đáp:

– Để tôi tính xem chút đã.
Tuệ Trung nói:
– Cần gì phải tính, ngài biết chữ, ngài hãy xem tôi viết chữ gì đây.
Nói rồi Tuệ Trung thuận vạch lên nền đất một vạch. Thái Bạch Sơn Nhân trả lời ngay:
– Chữ nhất.
Tuệ Trung nói:
– Vạch một nét lên nền đất, chẳng phải là chữ vương sao? (Chữ thổ là đất, vạch thêm một nét thành chữ vương) Nơi ngài đang đứng là đất của nhà vua, chẳng lẽ phải tính mới biết được ư?

Truyện Kiều bằng chữ quốc ngữ II

Gạt bỏ dịch đúng dịch sai, tại sao truyện Kiều cùng một bản chữ Nôm mà nhiều người dịch khác nhau. Như chỉ một câu “Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay” người thì vàng hồ, người thì vàng bó…

Thi sĩ Đông Hồ đã đưa ra nhận định thậc xác đáng như sau:

“Chữ Nôm thì tự ý ai muốn đọc ra sao mà không được. Trừ một số ít chữ có định lệ phổ thông, còn thì cứ trài trại, mài mại gần chữ gì thông nghĩa thì cứ theo ý nghĩ của mình mà đọc. Lại thêm kẻ ở một vùng, người đọc ở một cõi thì sự đọc chữ Nôm tai hại cho văn chương không phải là ít”.

(Trần Bích San – Văn Khảo)

Chữ nghĩa bói toán

Người ta tuổi ngọ, tuổi mùi

Riêng tôi ngậm ngùi một mình tuổi thân

“Ngựa”“dê” dường như đi cặp với nhau?

Năm tao, bẩy tuyết

Nguyễn Khuyến có bốn câu thơ:

Chờ mãi anh sang, anh chả sang

Thế mà hôm nọ hát bên làng

Năm tao, bảy tuyết anh hò hẹn

Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng

Tao ở đầy là “lần”, “lượt”, “phen”. Tuyết là “năm”, “bẩy” hay “nhiều lần”, “nhiều bận”.

Năm tao, bảy tuyết còn nghĩa khác nữa là “nhiều” hoặc “vất vả”.

Nguyễn Tuân trong Sông Đà cũng có câu: “Phần nhiều họ kéo đến đây là hạng tứ bất tử cả đấy. Trốn chúa lộn chồng năm tao, bẩy tuyết, ba chìm năm nổi chín cái lênh đênh, vỡ nợ tam tứ từng”.

(Hà Phương Hoài)

Bát canh hầu

Canh có nhiều nghĩa: sửa đổi, từng trải. Hay là một món canh rau cải, cá thịt.

Tích Hán Bái Công khi hàn vi, tới nhà chị dâu được ăn bát canh ngon. Bái Công ăn hết, muốn đòi ăn thêm. Chị dâu biết ý, lấy cái môi vét, cào cào vào cái nồi sồn sột ra dấu không còn canh, đừng gọi thêm nữa. Sau Bái Công lên làm vua, phong con trai của chị dâu là “Bát canh hầu”. Tức là tước “Hầu vét canh” để đền ơn chị dâu ngày trước.

Vua Tự Đức cũng hay phong tước cho vật dụng, như cái nghiên mực là “Tức Mặc hầu”.

Tục ngữ Tầu

Ôn cố như tri tân

(Ôn cũ như biết mới)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Bài thơ Qua Đèo Ngang

 Trong Contes et Légendes du Pays d’Annam của Lê Văn Phát, viết năm 1913, có bài “Le Râle d’eau ”  . Trong ” Le Râle d’eau ” lại có bài “Đèo Ngang”, vô danh, rặt chữ Nôm, văn phong rất mộc mạc, còn nội dung thì giống hệt nội dung bài “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.

Bài  ” Le Râle d’eau ” kể chuyện ngày xưa. Chuyện vua La Hoa (?) nước Chiêm Thành đem quân đánh Giao Chỉ. Môt cận thần tên Quốc đã hết lời can gián và xin hoãn lại cuộc viễn chinh, nhưng nhà vua không nghe. Biết rằng trận chiến này thế nào cũng đem lại thất bại, Quốc xin theo, hầu quyết tâm bảo vệ an toàn cho chúa.

Cuộc chiến xảy ra ở Đèo Ngang. La Hoa, quá hiếu chiến, quá chủ quan, tiến thẳng đến trận tiền, nên bị trúng tên mà chết. Quá đau đớn, Quốc liều xông ra chém giết giữa muôn tên ngàn giáo để báo thù. Nhưng đơn thương độc mã, nên Quốc đã chết dưới làn sóng của địch quân. Quá uất ức, hồn của Quốc không siêu thoát được, cứ phảng phất quanh Đèo Ngang để tìm xác chủ, nhưng vô hiệu quả. Sau đó Quốc tái sinh dưới dạng con chim Cuốc để đêm đêm rít lên những tiếng kêu bi ai của một vị trung thần khóc quốc vương tử trận: “Quốc Quốc, La Hoa “, Quốc ở  đây, còn La Hoa ở  đâu ?

Một văn nhân vô danh, đi qua Đèo Ngang, nhớ lại chuyện xưa, đã làm bài thơ ” Đèo Ngang “.

Sau đây là bài “Đèo Ngang” theo ông Lê Văn Phát :

Qua ải Đèo Ngang bóng ác tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen ba.
Non cao rải rác tiều vài lão,
Đất rộng lai rai xóm mấy nhà.
Nhớ chúa đau lòng con Quốc-Quốc,
Kêu người mỏi miệng tiếng Hoa-Hoa.
Dừng chơn ngóng cổ miền non nước,
Một tấm lòng riêng ta với ta.

(Vô danh)

Vậy phải chăng Bà Huyện đã lấy bài đó, đã có từ lâu, và trau chuốt lại thành một bài thơ bất hủ “Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà – Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” như ta đã biết?
(Nguyễn Vĩnh-Tráng – Chimviet.free.fr)

Mầu sắc…tâm trạng

Loại màu hữu cảm thứ tư không chở thêm cảm giác nào cả, cũng không chứa cảm tưởng về phía trong của đối tượng. Màu kia màu nọ ở đây chẳng qua cái cớ để người nhìn nói lên tâm trạng của chính mình.

Khi Thạch Lam văn “Trời hồng phơi phới…”, ai cũng biết Trời chẳng làm sao cả, chính Thạch Lam (hay nhân vật của ông) mới đang cảm thấy… lâng lâng. Khi Vũ Hoàng Chương thơ “Màu tím thờ ơ vạt áo ai!”, độc giả Việt Nam hẳn dư hiểu thờ ơ có liên hệ với tâm trạng của thi sĩ chứ không phải của vạt áo! Khi Hoàng Cầm chợt hoài cảm “Mắt thời gian càng miên man xanh”, Tô Hoài bỗng nhớ giàn đỗ ván nở một đóa hoa tím ngẩn ngơ, nhớ một buổi chiều vàng ngây ngất.

Nguyễn Huy Thiệp tả “lạc đề” những hoa gạo đỏ xao xuyến bồn chồn, những hoa ban trắng khắc khoải, nao lòng v.v., thì đích thị các nhà thơ nhà văn đang miên man cảm xúc, chứ hoa nọ hoa kia, buổi chiều, “mắt thời gian”, dù xanh, đỏ, tím, vàng, cũng không hề biết ngẩn ngơ, xao xuyến, bồn chồn… Trong Miếng ngon Hà Nội, nhân luận về món hẩu lốn thường dùng sau Tết, Vũ Bằng đâm nhớ vợ và cao hứng nhại thơ Ðoàn Phú Tứ: “Màu thời gian tim tím, hương mùa xuân thanh thanh…”. Nhạc sĩ Ðoàn Chuẩn sáng tác ít, nhưng nhạc ông có vài bài phổ biến rộng. Chắc nhiều người còn nhớ Gửi người em gái: “Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng (…) Hà Nội chờ đón Tết, vắng bóng người đi…” Cái màu thời gian “hẩu lốn” của Vũ Bằng, cái màu của thứ hoa “bé xinh xinh” của Ðoàn Chuẩn, nó chất chứa nỗi niềm nên dù không bị âm điệu của thơ của nhạc chi phối, nó cũng không chịu viết là tím tím đâu.(8)

(8) Tím tím chỉ là hơi tím, không hữu cảm, nhưng xanh xanh thì có thể chứa cảm xúc, như trong “thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu” (Chinh Phụ), “chân mây mặt đất một màu xanh xanh” (Kiều), “sông Tần một dải xanh xanh” (Kiều).

(Thu Tứ – Tìm tòi và suy nghĩ)

 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search