T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 165)

https://eqhsih9ofx5.exactdn.com/2019/02/clip_image002_thumb-50x50.jpg?strip=all&lossy=1&ssl=1

Ca dao tình tự (17)

Nói đến đồng tính luyến ái

Đàn ông nằm với đàn ông

Như gốc, như gác, như chông như chà

 (Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Triết lý củ khoai

Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chặp
Nào ngờ đâu.. bầm dập đến hôm nay!
(Thích Tánh Tuệ)

Chữ nghĩa làng văn

Cụ cử Nguyễn Văn Tú, người đã tìm ra bản thảo Lưu Hương Ký trong tủ sách gia đình ở Hành Thiện, Nam Định và đã gởi về cho toà báo Văn Sử Địa từ năm 1957. Tập Lưu Hương Ký sau đó đã được chuyển về thư viện của Viện Văn học ở Hà Nội.

Bẩy năm sau, ông Trần Thanh Mại, một chuyên gia văn học, người công bố một số bài, phiên âm sang Quốc ngữ từ Lưu Hương Ký, trong Tạp chí Văn học tháng 3/1963.

Rồi đến học giả Hoàng Xuân Hãn nghiên cứu Lưu Hương Ký trên văn bản những bản phiên âm của Trần Thanh Mại để viết tiểu sử của Hồ Xuân Hương (chứ không được thấy mặt các bản gốc chữ Hán và chữ Nôm trong Lưu Hương Ký).

(Nguyễn Ngọc Bích – Săn lùng hơn 40 năm thi phẩm của HXH)

Ca dao tình tự (18)

Nói đến đồng tính luyến ái

Đàn bà nằm với đàn bà

Như lụa, như lĩnh, như hoa trên cành

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Chơi chữ

Chơi chữ là dùng phương thức diễn đạt sao cho hai lựơng ngữ nghĩa khác hẳn nhau đựơc biểu đạt bởi cùng một hình thức ngôn ngữ, nhằm tạo nên sự thú vị mang tính chất chữ nghĩa. Càng làm phong phú thêm ngôn ngữ, văn chương Việt Nam.

Chơi chữ trong văn chương:

Hay một câu đố nhân gian , do đám học trò đến thăm thầy đồ, thấy nhà đóng cửa mà bên trong thì nghe có tiếng rúc rích và tiếng giừơng kêu ọt ẹt, các trò bấm nhau cừơi.

Thầy thấy thẹn liền ra câu đối , nếu đối đựơc thì mới mở cửa :
” Sĩ đáo ngọai gia, thầm bất thầm , thì bất thì, thầm thì thầm thì”

Một anh nho sinh mới đối lại :
” Sư ngọa trung phòng, ọt bất ọt, ẹt bất ẹt, ọt ẹt ọt ẹt”

Chữ nghĩa làng văn (IV)

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đưa ra tại Paris từ năm 1952 và giáo sư Trần Thanh Mại, đưa ra tại Hà Nội năm 1964, cho rằng: Toàn bộ thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, tất thảy đều không phải của Hồ Xuân Hương mà là thơ dân gian của các ông đồ, sáng, nhuận sắc cùng thời với truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn.

(Nguồn: Trần Nhuận Minh – Vấn đề Hồ Xuân Hương, đã rõ)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

 

Yến lão 2

Chiếu nhất, một cụ ngồi thì được biếu cả một cỗ gọi là cỗ một, chiếu nhì, hai cụ ngồi là cỗ đôi thì được biếu mỗi cụ một nửa cỗ, những cỗ dưới là đồng hạng cứ bốn cụ một cỗ.

Từ ngàn xưa, những khi có việc làng, không hề có bóng phụ nữ nơi đình trung. Ngày yến, sự hiện diện của các lão bà đem lại cho dân làng một cảm giác đặc biệt vui vể đầm ấm. Mỹ tục yến lão là do đạo hiếu mà ra, một đặc tính dân tộc, có ý nghĩa rất trọng hậu, trẻ vui đạo trẻ, già vui tuổi già, trái ngược hẳn với cái thảm cảnh ở mấy nước văn minh cường thịnh cứ đến tuổi già là bị liệt vào hạng người vô dụng, ăn hại xã hội, con cháu ít chăm nom, người đời lạnh nhạt.

Lúc vãn niên, tóc bạc da mồi, với cuộc sống buồn tẻ nơi thôn dã năm tháng trôi, các cụ hẳn cũng cảm thấy sung sướng đã được cả làng tỏ tình quý trọng, quý trọng rất mực trong cuộc rước đón những buổi yến ẩm, con cháu các cụ thì được hãnh diện là gia đình có phúc mới được tuổi thọ, cho nên nhiều nhà, dù ngèo cũng ráng may sắm cho ông bà đi dự yến. Cụ thì mũ ni nhung đen, áo vóc đại hồng, cụ thì khăn nhiễu tam giang, giầy văn hài, cụ thì áo đoạn huyền quần lụa bạch, có những cụ nhà bần hàn, quanh năm quần nâu áo vải lúc này cũng quần chúc bâu, áo the thâm, áo láng chéo go, dép mới thay quai… Y phục tuỳ hoàn cảnh mỗi nhà, không có lệ định nào, chỉ trừ màu vàng của nhà vua, quan dân đều không được mặc. Trước ngực, dưới vòng dây thao quàng cổ là túi gấm màu lam, màu huyền đựng trầu, thuốc, cối, chày..

Đám rước quan lão, y phục màu sắc như vậy với võng lọng cờ quạt, vừa gợi cảm. Những nhà từ mấy đời không hề có ông cha được dự, không khỏi bùi ngùi tiếc thương người đã khuất, không khỏi thèm muốn ước mong cho gia đình đời nay và đời sau.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Cha ông xưa đúc kết được kinh nghiệm sống và truyền khẩu cho đời con cháu mai sau qua ca dao và thành ngữ…

Nay con cháu mai sau đời sau chế tác “lung tung, trống kèn” những thành ngữ, danh ngôn cho riêng họ :

  • Bầu ơi thương lấy bí cùng, mai sau có lúc… nấu chung một nồi.

Đế Gò Đen

 Rượu đế Gò Đen, thường được gọi tắt là “Đế Gò Đen”, là tên một loại rượu trắng nổi tiếng của miền Nam. Đây là một loại rượu được nấu từ gạo, hoặc nếp mỡ, nếp than, theo phương pháp cổ truyền, sản xuất ở địa danh Gò Đen, Bến Lức, tỉnh Long An.

Đây là một loại rượu đế có nồng độ cồn rất cao, có thể lên đến 50 độ cồn, như rượu Mao Đài của Tàu, đế Gò Đen được nhấn mạnh về vấn đề thổ nhưỡng, nên để có một sản phẩm ngon, đế Gò Đen phải được nấu tại vùng Gò Đen. Theo truyền thống đế Gò Đen được nấu từ gạo. Tuy nhiên, ngày nay những người sành rượu thường rất chuộng loại đế Gò Đen được nấu từ gạo nếp. Loại rượu gạo này rất nhiều địa phương ở Việt Nam nấu, chất lượng cũng khác nhau tùy vùng như rượu nếp, rượu nếp than.

“Rượu Đế Gò Đen xưa và nay (rượu nếp than, rượu nếp trắng, rượu chuối hột) đã nổi tiếng “đệ nhất tửu”.

Ca dao tình tự (19)

Kho tàng ca dao với 12487 bài thì chỉ có

242 bài nới đến tình yêu ngoài vòng lễ giáo.

 (Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Chữ nghĩa làng văn

Một lần là tởn tới già
Chớ đi nước mặn mà hà ăn chân!

Câu trên này dân gian đặt ra để tự cảnh cáo lấy mình, đã khờ dại đi vào cạm bẫy của người ta, bị thất thu thua lỗ, tróc vẩy trầy da, “chu choa” là dại, cũng chỉ vì nghe lời đường mật, hoặc tự mình dấn thân, không biết suy tính lợi hại, để đến nổi phải gánh chịu những hậu qủa ê chề đau đớn. Lúc bấy giờ mới rút kinh nghiệm, tuy đã muộn màng sẽ không dại gì mà làm lại như vậy nữa.
Nghĩa đen của câu này, và đặc biệt là nơi vế hai, có nói tới nước mặn và hà ăn chân. Ai ở miền biển, có tụ tập ghe thuyền nhiều, đều biết một giống vật nhỏ bé, tên là con hà, tên Pháp là taret, hơi giống con gián nhưng nhỏ bé, hình lép, có răng nhọn, chuyên đục đẽo ghe thuyền gỗ mà ăn với bọt nước biển. Cho nên cứ đến mùa nắng ráo, thì đám dân chài lật ngược thuyền, thắp đuốc huí gỗ khắp châu thân phía ngoài, để tiêu diệt những con hà đó.

Dân chài nước ta từ thời xa xưa, vốn là dân miền duyên hải và hải đảo, đã nắm vững kỹ thuật tạo tác ghe thuyền. Muốn cho gỗ ráp lại được dính chặt với nhau, và nước không thấm vào bên trong, họ đã vào rừng tràm (melaleuca leucadendron), tước vỏ mềm như điền điển (liège) đem về nhét vào chỗ hai tấm gỗ, lấy búa mà gõ nơi giáp mối, làm thế nào cho miếng vỏ tràm bị kẹt cứng vào giữa hai thành gỗ. Lúc thuyền được ráp xong rồi, thì dân chài lấy chất nhựa (sève, résine) của cây dầu (dipterocarpus alatus), phết trét mấy lớp phía ngoài ghe và một lớp phiá trong, để cho ghe được hoàn toàn “chấn nước” (imperméable, waterproof).

Trở về con hà, thật sự nó không moi chân của dân chài mà ăn, như ăn gỗ ghe vậy đâu! Nhưng mà nước mặn vốn có chất chlore và thấm nhiều chất iode và calcium, ba thứ ấy mà thấm vào bàn chân và các ngón chân, lâu ngày trải qua nhiều năm tháng, sẽ bị moi chợt như mặt rỗ, mà thiên hạ xem như bị hà ăn chân!

(Thái Văn Kiểm – Kho tàng tiếng Việt)

 

Lẹt

Lẹt: không đủ sức

(nổ lẹt đẹt)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Giai thoại làng văn

Bài tuỳ bút nhan đề Phở của Nguyễn Tuân được đăng lần đầu ngay ở số 1 (10/5/1957) và đăng phần tiếp ở số 2 (17/5/1957) của tuần báo Văn. Xin nhớ tuần báo Văn chỉ hiện diện trong làng báo Hà Nội từ 10/5/1957 đến 17/1/1958, chấm dứt ở số 37, với lý do tạm dừng để kiểm điểm, và trên thực tế là dừng lại vĩnh viễn.

Hơn 4 tháng sau, sau đợt tập trung chống Nhân văn – Giai phẩm, bộ máy Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật VN và Hội Nhà văn VN được chấn chỉnh lại, Hội Nhà Văn mới xuất bản tờ Văn học với định kỳ ban đầu 10 ngày/ 1 số (“tam cá nguyệt san”), đánh số từ 1, thư ký toà soạn là Nguyễn Đình Thi, tuyên bố là tờ báo mới, “mới cả về tinh thần lẫn tên gọi”, tức là không vương vấn gì với tờ tuần báo đã đăng Phở, Tiếng bạc cuối cùng (truyện của Hồ Dzếnh), Phòng số 6 (truyện dịch của Chekhov), Lời mẹ dặn (của Phùng Quán), Đống máy (của Minh Hoàng), Ông Năm Chuột (của Phan Khôi), v.v…, tờ tuần báo đã bị tạp chí Học tập và tạp chí Văn nghệ phê phán nghiêm khắc nhưng không chịu tiếp thu, cuối cùng bị ngừng lại mãi mãi.

(Lại Nguyên Ân – Những hư cấu văn học sử cần đính chính)

 

Tiếng Việt trên net

ko = không
lém = lắm
muh = mà

(Nguồn: Gio-o.com)

 

Chơi chữ

Chơi chữ là dùng phương thức diễn đạt sao cho hai lựơng ngữ nghĩa khác hẳn nhau đựơc biểu đạt bởi cùng một hình thức ngôn ngữ, nhằm tạo nên sự thú vị mang tính chất chữ nghĩa. Càng làm phong phú thêm ngôn ngữ, văn chương Việt Nam .

Tạo nhiều trùng âm: Cái khó là trong câu ca dao làm sao lập đi lập lại cho trùng âm mà nghe vẫn hay: Dưới miệt Bến Tre, Cà Mâu mới nói chữ ” R ” thành ra chữ ” G “:
” Con cá nhảy gồ gồ trên cái gộ

Ý là:” Con cá nhảy rồ rồ trên cái rổ

 

Câu đố

 Xét trong quan hệ với vật đố, tức cách biểu thị vật đố ra sao, hình ảnh ở lời đố thường được sử dụng theo thiên can.  Dùng thiên can để miêu tả vật có sử dụng lửa. Một số vật có sử dụng lửa, thì hay dùng thiên can (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỉ, canh, tân, nhâm, quý), có thể một số hay tất cả, để miêu tả. Thí dụ:
“Da trắng như màu thiếc
Ruột rối như rau câu
Bính đinh hoả đánh trên đầu,
Nhâm quý thuỷ thân đằng đít”

(Điếu thuốc)

 Cách sử dụng hình ảnh trong câu đố cho thấy thể loại này là sự mới mẻ, lạ thường. Những hình ảnh được tạo nên bởi lối nhân hoá (hay động vật hoá, thực vật hoá,… ), và cách tả thực. Do góc nhìn không bình thường, có khi dùng hình thức đánh tráo các quan hệ ngữ pháp, nên tạo ra những vật dị kì. Những cách miêu tả như vậy chỉ có và được chấp nhận trong câu đố, tạo cho thể loại này một phong cách rất riêng. 
(Triều Nguyễn – Cách sử dụng hình ảnh trong câu đố)

Chữ nghĩa làng…nhậu

Rượu lưu li chân quỳ tay rót,

Cha mẹ uống rồi nối gót theo anh

Chữ và nghĩa

Biện pháp tu từ hay tu từ pháp. Từ dùng trong nước, ra ngoài nước. Trong Nam, xưa, được gọi “mỹ từ pháp”. Nhưng “tu từ” là một từ có trong tự điển được xuất bản tại miền Nam trước 1975.

Cả hai từ đều hay. Dù sao, xét về mặt cấu tạo từ pháp, từ “tu từ pháp”, với nghĩa là “phương pháp làm đẹp từ ngữ”, có vẻ hợp lý hơn là cấu tạo “mỹ từ pháp”. “Mỹ” là một tính từ; “mỹ từ” là “từ đẹp”. Vậy, “phương pháp từ đẹp” là gì? Có phải nó là hiểu ngầm của “phương pháp (làm cho) từ (ngữ) đẹp hơn/lên”, hoặc “phương pháp làm đẹp từ ngữ”. Nếu thế, ta lại sẽ trở về với ý nghĩa của “tu từ pháp”, trong đó, “tu” là một động từ, có nghĩa là “sửa lại”, “sửa sang cho tốt đẹp hơn”, như “tu kỷ” là “sửa mình”.

Hán-Việt Tự -Điển của Nguyễn Văn Khôn định nghĩa “tu từ” là “sửa sang, trau chuốt văn chương cho trôi chảy, gọn gàng và sáng sủa”; còn Hán-Việt Từ-Điển của Đào Duy Anh thì định nghĩa “tu từ” là “sửa sang văn từ cho hay”. Cả hai quyển sách này, dù không có từ “tu từ pháp” nhưng đều lại có từ “tu từ học”. Quyển đầu định nghĩa “tu từ học” là “môn học nghiên cứu cách viết văn cho trôi chảy, gọn gàng và sáng sủa”; quyển sau định nghĩa là “môn học nghiên cứu các phép tắc để trau dồi từ cú cho hay “. Cả hai sách này không có những mục từ “mỹ từ” và “mỹ từ pháp”.

(Bùi Vĩnh Phúc – Trên đường bay của chữ)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search