T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 169)

Chữ nghĩa làng văn (1) 

Câu đối là những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý, chữ và luật bằng trắc cân xứng với nhau. Một đôi câu đối thì mỗi câu là một vế: vế trên, vế dưới; nếu do một người nghĩ ra và một người đáp lại thì gọi là: vế ra (xuất), vế đối.

– Đối chữ:

Về thanh: bằng đối trắc, trắc đối bằng:

. . . . .

Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quảy;

Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.

Tết (Trần Tế Xương)

(Khuyết danh – Tiếng Việt lý thú)

 

Chữ nghĩa văn hóa ẩm thực

Chả giò vất vả, nhọc sức theo bước chân của những người di dân ngược Bắc suôi Nam. Món ăn này khởi thủy từ Sài Gòn. Ngày xưa còn ngăn sông cách trở, vượt đèo lội suối ra tới Hà Nội được người Bắc gọi là…”nem Sài Gòn”. Theo những người viết đi trước ngày ấy ở Hồ Gươm có nhiều bảng thật to, quảng cáo cho nhiều quán trước ga tầu điện cho món Nam kỳ này. Nem Sài gòn nổi tiếng thời đó có hiệu ăn Tế Mỹ, cuốn nem nhân cua biển, hơi bẹt một tí rán phồng vừa đủ vàng chấm nước mắm pha dấm ớt, kèm vài lõi bắp cải chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay út có vị chua chua, nếu dùng để đưa cay với ly rượu Mơ, ngon thật không còn gì bằng.

Theo cuộc di cư 54, không gọi là nem Sài Gòn nữa mà mang cái tên mới là “chả giò”, vẫn là món ăn của người miền Nam do…người Bắc làm.

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Theo “Tự điển tiếng Việt dành cho học sinh” ở Hà Nội (Vũ Chất):

Cao ráo: cao và khô ráo

Phúc thần (6)

Cũng theo sách Việt Nam phong tục, thì mỗi làng phụng sự một vị Thần hoàng; có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị, gọi chung là Phúc Thần.

Phúc Thần có ba hạng:

Thượng đẳng thần là những thần danh sơn Đại xuyên, và các bậc thiên thần như Sử đồng tử, Liễu Hạnh công chúa…Các vị ấy có sự tích linh dị, mà không rõ tung tích ẩn hiện thế nào, cho nên gọi là Thiên thần. Thứ nữa là các vị nhân thần như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…Các vị này khi sanh tiền có đại công lao với dân với nước; lúc mất đi, hoặc bởi nhà vua tinh biểu công trạng mà lập đền thờ hoặc bởi lòng dân nhớ công đức mà thờ. Các bực ấy đều có sự tích công trạng hiển hách và họ tên rõ ràng, lịch triều có mỹ tự bao phong làm Thượng đẳng thần.

Trung đẳng thần là những vị thần ân làng thờ đã lâu, có họ tên mà không rõ công trạng, hoặc là có quan tước mà không rõ họ tên, hoặc là thần có chút linh vị, tới khi nhà vua sai tinh kỳ đảo võ, cũng có ứng nghiệm thì triều đình cũng liệt vào tự điển, mà phong làm Trung đẳng thần.

Hạ đẳng thần do dân xã thờ phụng, mà không rõ sự tích ra làm sao, nhưng cũng thuộc về bực chính thần, thì triều đình cũng theo lòng dân mà phong cho làm Hạ đẳng thần.

(Thần Thành hoàng – Bùi Thụy Đào Nguyên)

 

Phết

Phết: dáng dấp bề ngoài

(ra phết quan lớn)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Giai thoại nhà chùa (1)

Chuyện rằng, có một ông làm nghề hàng giát, nhà ở ngay bên cạnh chùa. Sáng nào cũng vậy, khoảng đầu giờ dần cứ thấy thầy chùa dậy gõ mõ tung kinh thì ông cũng dậy giết lợn là vừa.

Tối hôm ấy, thầy chùa sang nhà ông hàng giát chơi uống nước, cái thứ chè móc câu làm thầy chùa mất ngủ. Vừa chợp mắt được một lúc thì thầy chùa mộng thấy một phụ nữ cứ năn nỉ “ Thầy ơi Thầy cứu mẹ con con với”. Rồi thầy chùa cũng ngủ thiếp đi, lúc tỉnh dậy thi trời đã sáng rõ.

Ông hàng giát nhà bên cạnh ngủ không nghe thấy tiếng chuông mõ của nhà chùa cũng ngủ luôn. Khi dậy vội vàng xuống chuồng lợn thì con lợn mới bắt về chiều qua để giết đã đẻ 5 con, giá như Thầy chùa không có giấc mộng, không ngủ quên thì chắc chắn mẹ con nhà lợn đã chết. Ngày hôm ấy ông hàng giát ra vào không yên, không hiểu ông suy nghĩ điều gì? Hóa ra ông mang con dao còn vấy máu lợn sang chùa đứng trước cửa Tam Bảo mà thề rằng: Từ nay ông bỏ nghề giết lợn, rồi ông cắm con dao xuống đó…

Tại nơi mà ông hàng giát cắm con dao vấy máu lợn mọc lên một cây có lá hình con dao màu đỏ tím như tiết lợn.

Người ta gọi là cây Huyết Dụ.

(Đông Ngọc Hoa – Vài sự tích xưa)

Tiếng Việt với điện thư

Nàng gửi chàng cái điện thư:

– Anh khong len mau, em thay bo ngay chang tiec.

Chàng hiểu là:

– Anh không lên mau, em thay bồ ngay chẳng tiếc.

Nhưng nàng muốn nói là:

– Ảnh không lên mầu, em thảy bỏ ngay chẳng tiếc.

 

Bia ngoại truyện (2)

Tên bia:

– Heineken: “Hôn em ít nên em khóc em nhéo” hoặc có thể đọc ngược lại “Nếu em khôn em nằm im em hưởng”
– Tiger: “Tình iêu giết em rồi” và “Thấy ít ghé em rầu”
– San Miguel: “Sao anh nhớ mà ít ghé uống em lo”
– Carlsberg: “Cho anh ráng lấy sức bế em ra giường”
– Corona: “Còn ốm ròm ốm nhách à”

(Nhậu – Phan Hạnh)

 

Giai thoại làng văn xóm chữ

Toàn chó cả thôi

Ích Khiêm người làng Phong Lệ, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Vốn dòng dõi người cao nguyên, trước họ Ong đến đời Tự Đức thi đỗ cử nhân, vua cho đổi thành họ Ông.

Bấy giờ vua Tự Đức đã mất, triều chính rối loạn, Tường Thuyết chuyên quyền, văn thần võ tướng chỉ là một lũ cầu an không ai lo đến việc nước. Ông bực dọc bèn đặt ra một tiệc mời khắp mặt đại thần tới dự. Các món ăn đều làm bằng thịt chó.

Lúc vào tiệc, nhiều người không ăn được thịt chó, ngập ngừng hỏi món ăn khác, thì ông trả lời:

– Bẩm, bữa cơm hôm nay toàn chó cả thôi.

Cơm xong, các quan gọi nước, mãi không thấy người nhà đưa lên. Vì ông đã dặn trước đừng đưa nên ai nấy đều khô cổ vì rượu. Một lúc sau, người nhà lên ông mắng ầm:

– Lũ chúng bay chỉ biết ngồi ăn hại, còn thì không biết việc nước là gì cả.

Các quan đều tím mặt.

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Giai thoại làng nho 1963)

 

Trích…“Tập làm văn”

Đề: Tả cây chuối
Nhà em có cây chuối rất to, chiều nào em cũng leo lên cây chuối ngồi hóng mát. Khi em leo lên, cành chuối rung rinh

 

Chữ và nghĩa

Rồi mùa rạ ngã rơm khô
Bậu về quê bậu, biết nơi đâu mà tìm!

Trong câu này có chữ rồi thay chữ mút, có chữ bậu thay chữ bạn, có chữ đâu thay chữ mô. Và ta nên chú ý vần âu (bậu, đâu) thay vần ô (khô; mô) mà vẫn giữ âm hưởng trùng vận, và đây là “nội vận” (bậu và đâu).

Ngoài ra ta cũng nên lưu ý nơi chữ bậu. Trong Nam có câu ca dao dí dỏm, mặc dầu nghe rất dữ tợn như “xin tí huyết”:
Ví dầu tình bậu muốn thôi,
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Bậu ra cho khỏi tay ta
Cái xương bậu nát, cái da bậu mòn!

Hai câu trước là đưa ra sự kiện có thể xảy ra, còn hai câu nối tiếp là “dằn mặt, đe dọa, hăm he xé xác, nghe mà rởn gáy, rùng mình”. Nhưng mà không can chi, người mình ưa “giơ cao đánh khẽ”, chỉ khoa trương bằng lời nói, mà rốt cuộc cũng nương tay.

Cái điều chúng ta thắc mắc là chữ bậu. Theo tôi do sự rút ngắn của hai chữ “phàng dậu” là cách đọc theo giọng Quảng Đông của hai chữ bằng hữu. Còn hai chữ mạo dậu mà ta thường nghe phía Hải Phòng, Chợ Lớn, là do hai chữ ma hữu, có nghiã là “không có” chi cả!

(Thành ngữ tiếng Việt – Bao La Cư Sĩ)

Trích…“Tập làm văn”Đề: Miêu tả về bố
Bố em có một hàm răng vàng, hàm răng vàng luôn chỉ bảo em những điều hay lẽ phải. .

Chữ nghĩa làng văn

Thể thơ, bản thân nó chỉ là khuôn hình của tác phẩm văn học. Cũng giống như khuôn hình làm bánh trung thu vậy. Nhưng chất lượng của bánh trung thu không phụ thuộc vào cái khuôn đúc bánh, mà nó tùy thuộc vào phẩm chất các nguyên liệu của người làm bánh. Cố nhiên, độ dày độ mỏng, độ vuông độ tròn, tỉ lệ cân đối hay không cân đối, dáng vẻ bắt mắt hay không bắt mắt… Thể thơ lục bát cũng vậy. Nó vốn có từ trong dân gian. Nhiều người và qua nhiều đời đã dùng nó để đúc ra các bài ca, khúc hát…

Nhưng phải đến Nguyễn Du , với tài năng lỗi lạc của mình, ông mơi đúc ra được một truyện Kiều tuyệt tác. Trong quá trình đúc truyện Kiều, ông đồng thời cũng căn chỉnh, uốn nắn lại cho cái khuôn hình lục bát trở thành thuần khiết và điển phạm nhất.

Nhưng vì sao khi viết truyện Kiều, Nguyễn Du lại chọn thể thơ lục bát? Thực ra thì Nguyễn Du cũng đã từng viết rất nhiều thơ chữ Hán theo thể thơ bát cú Đường luật. Ông cũng đã viết “Văn tế thập loại chúng sinh” nổi tiếng bằng thể thơ song thất lục bát. Trước ông đã có người dùng bát cú Đường luật để kể chuyện và không thành công. Nhiều người khác cũng đã dùng thơ lục bát để diễn nôm lại các câu truyện cổ nhưng cũng rất ít thành công về mặt nghệ thuật văn chương. Nhưng khi viết truyện Kiều, Nguyễn Du vẫn lựa chọn thể lục bát. Có lẽ là vì ông đã nhìn thấy những ưu việt hơn hẳn của thể thơ lục bát so với các thể thơ khác.

(Đỗ Đình Tuân – Những ưu việt của thơ lục bát)

 

Trích…“Tập làm văn”

Đề: Tả con lợn nhà em
Con lợn nhà em đầu tròn như quả bóng da, người nó hình cái hộp các-tông còn cái đuôi thì giống cái chân chống xe máy!

Chữ và nghĩa (3)

Tục ngữ là sản phẩm của quá khứ. Vì vậy, khi dạy tục ngữ, tất phải đối mặt với những từ ngữ cổ hết sức xa lạ với học sinh. Giới biên soạn sách giáo khoa e dè như thế kể cũng phải, vì khó lòng có thể né tránh được những từ ngữ “hiểm hóc”, đến độ từng gây lúng túng cho không ít các nhà học giả danh tiếng. Ðể dễ hình dung những gì vừa nêu đó, chúng tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng những trở ngại về từ ngữ cổ.

Xin nêu một dẫn chứng cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam vừa dẫn đã chép lộn “tràng” trong câu áo cứ tràng; làng cứ xã thành chàng, rồi diễn giải: “Nói tính ỷ lại của người đàn bà, cũng như tính ỷ lại của người dân trong thôn xóm, không thấy được vai trò làm chủ của mình” .

Thực ra, tràng là một từ cổ chỉ cái vạt trước của chiếc áo dài (thời xưa). Bởi thế, đây không phải là lời chê trách thói ỷ lại, mà là lời nhắc nhở người đời sau nên dựa vào cái gì khi định cắt may/bình phẩm về áo quần, cũng như nên dựa vào ai khi cần xét đoán/bình phẩm về dân tình sinh sống trong làng xã. 

(Tạp chí Ngôn ngữ  – Nguyễn Đức Dương)

 

Trích…“Tập làm văn”

Đề: Tả người thầy em yêu quý nhất
Thấm thoắt đã ba mùa hoa ban nở, thầy giáo phải tạm biệt chúng em để về xuôi. Cả làng cả bản đứng tiễn thầy vô cùng ngậm ngùi. Riêng em đứng nhìn theo thầy cho đến khi thầy xa dần, xa dần, đến khi nhỏ bằng con chó em mới quay lại bản.

 

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ (6)

Trong giới Hán học Trung Quốc và Việt Nam khá phổ biến ý kiến khẳng định rằng ngay từ cuối đời Tần (cuối thế kỷ thứ III TCN) chữ Hán đã bắt đầu được truyền vào Bắc bộ Việt Nam. Căn cứ duy nhất của họ là đoạn ghi trong Sử ký Tư Mã Thiên: “Năm 33 (tức 214 TCN – V.T.K.) Tần Thuỷ Hoàng đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương, lập thành các quận Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải; cho những người đi đày đến đấy canh giữ”.

Cũng dựa vào đoạn ghi chép đó, có người cho rằng những người bị đi đày này “… nghiễm nhiên trở thành những sứ giả chở chữ Hán và tiếng Hán tới phương Nam”.

(Chữ Hán truyền vào VN bằng cách nào? – Vũ Thế Khôi)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search