T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 176)

  

Chữ nghĩa làng văn

Làm thơ, theo tôi yếu tố quan trọng nhất là cảm hứng, sau đó là kiến thức từ việc đọc và học hỏi bạn cùng mang nghiệp. Tôi nghĩ, tính thơ mộng không còn là yếu tính của thơ hôm nay, mà thơ là sự dấy loạn của ngôn ngữ, hình tượng, ý tưởng, cảm xúc…

Với tôi, cảm xúc quyết định sự thành công của bài thơ. Những yếu tố khác như: ngôn ngữ, hình tượng, cấu trúc, kỹ thuật… đều có chung việc là bồi đắp và chuyển tải cảm xúc đến người đọc.

(Nguồn: Thận Nhiên)

 

Phúng ông Lý Pheo

Cuộc trần ai cay đắng mặc ai ai, tưởng như khi cỗ nhớn mâm đầy, một miếng giữa làng danh phận thế;

Sự nhân thế tỉnh mơ là thế thế, này thôi lúc kèn đưa trống tiễn,

ngã ba đường cái vợ con ai.

(Câu đối của Tản Đà)

 

Phở Sài Gòn (16)

 Tại Sài gòn, trước 1945, Phở chiếm vị trí khiêm tốn.Theo nhà văn Tô Hoài, ở Sài Gòn năm 1940 chỉ có hai chỗ bán phở Bắc. Một ở hẻm đường Espagne tức là đường Lê Thánh Tôn hiện nay và một ở chợ cũ (khu vực Hàm Nghi). Đến năm 1950 nghĩa là 10 năm sau, phở Bắc chỉ phát triển thêm mỗi một tiệm ở đường La Grandière (Lý Tự Trọng).

Sau 1954, dân Bắc di cư vào Nam và cũng mang Phở vào Nam. Trong khi ngoài Bắc, dân chúng dưới ngọn cờ máu, phải ăn Phở Quốc Doanh, do đảng tài tình lãnh đạo cho nên đã phát sinh ra lối “Phở không người lái” thì trong Nam, Phở có thịt đầy đủ, có nhiều loại tùy thích mà lựa chọn như thịt bò chín , thịt bò tái, sụn, nạm, đuôi bò, gân, ngẫu pín, phở gà, phở bò gà… Vì Phở bây giờ đi vào vương quốc “giá sống”, nhập gia tùy tục, phở có thêm món rau phong phú như giá, rau húng, ngò gai…

(Sơn Trung – Lịch sử Phở)

 

Chữ nghĩa làng văn

Trong công việc viết lách, theo tôi, yếu tố quan trọng nhất là kiến thức. Những thứ khác cũng cần nhưng không phải là hàng đầu. Nhà thơ cần kiến thức để biết những gì người đã làm và chưa làm, từ đó, tìm tòi cho mình một lối đi riêng.

Là người làm thơ thiên về thị giác, tôi xem mỗi chữ như một hình ảnh. Khi viết, tôi không quan tâm nhiều đến đề tài, cảm xúc hay tư tưởng. Tôi chỉ thích chơi với chữ. Tôi thường bắt đầu một bài thơ bằng cách trải một số chữ ra trên trang giấy rồi cố gắng nâng chữ này lên, hạ chữ kia xuống, làm sao cho chúng hài hoà với nhau như là những màu sắc trong một bức tranh. Có khi trò chơi kéo dài cả năm trời. Bài thơ càng lúc càng rõ nét dần. Đến một lúc nào đó tôi cảm thấy là nên dừng lại thì tôi ngừng bút.

(Nguồn: Lê Văn Tài)

 

Chữ và nghĩa

Chồng người đi ngược về xuôi

Chồng tôi ngồi bếp để… buồi chấm gio!

 

“Phở Tàu”, phở Việt (17)

 Nói chung phở, hai bên hoàn toàn khác nhau. Khi nội dung hoàn toàn khác nhau thì không thể bảo chung nguồn gốc. Tại Hà Nội, người Tàu bán hàng “ngưu nhục phấn” và người Việt bán phở.

Thực chất hai món hàng khác nhau tuy cùng nấu chung bột gạo với thịt bò, thịt trâu. Mà trên thế gian này, việc nấu thịt với gạo hay mì là phổ biến. Việt Nam có cháo bò, cháo gà, miến gà, xáo trâu, bún bò, bún bò kho. Tàu có mì, hủ tiếu, hoành thánh. Pháp có soup…Nếu người Tàu sáng tạo món Phở, sao sau 1945 tại Việt Nam họ không bán món này mà chỉ có người Việt bán? Tại Sài Gòn, món hàng phổ biến của người Tàu là mỳ, hủ tiếu, hoành thánh chứ không phải là phở. Chính người Tàu cũng phân biệt ra “ngưu nhục phấn” của họ với “Việt Nam ngưu nhục phấn”.

Do vậy, Phở là quốc hồn, quốc túy của người Việt cũng không sai.

(Sơn Trung – Lịch sử Phở)

 

Ngơi

Ngơi: nghỉ ngơi

(thổ ngơi: thích hợp do chữ “nghi” đọc chệch)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Chữ nghĩa làng văn

Cái mới là cần thiết. Nhưng nhà thơ có tài năng thật sự là người có khả năng hà hơi, phù phép cho những con chữ phập phồng hít thở; mang máu me, xương xẩu của cuộc đời. Còn sự biểu diễn sắp xếp những “xác chữ” có cấu trúc lạ mắt, có âm điệu lạ tai… chỉ là những tiểu xảo trong trò chơi chữ nghĩa. Chưa phải là Thơ.

Cái mới và sự làm dáng, lập dị chỉ cách nhau một chút tơ sương mong manh. Nhà thơ là kẻ làm xiếc trên sợi tơ sương đó. Chính hắn, với lòng tự trọng và những rung động ‘thật’ sẽ quyết định cho ra đời, trình làng, bài thơ và cũng là món hàng ‘thật’, ít ra cũng phải có giá trị với người đọc và khe khắt nhất là chính hắn.

(Tản mạn về cái mới trong thơ – Thận Nhiên)

 

Rượu ngoại…ngoại truyện (1)

Nhân dịp sinh nhật 200 năm người Tô Cách Lan khai sinh ra Johnnie Walker. Tại Thượng Hải, chai Johnnie Walker được bán đấu giá với…giá 24000 USD.

(Nguồn: Nhật Vy)

 

Nghĩa chữ trong thơ tôi

Ngay bản thân tôi (Hoàng Cầm) cũng không hiểu những từ ngữ chính mình viết ra mang ý nghĩa gì cụ thể. Ai hỏi tôi lá diêu bông, cỏ bồng thi là lá gì, cỏ gì, ở đâu? Tôi chịu không giải thích được (…) Miếu Hai Cô (….) cầu bà Sấm (…) bến cô Mưa (…) tôi cũng chịu không có lời giải đáp

(Lại Nguyên Ân – Trích Hoàng Cầm tác phẩm – Thơ)

 

Rượu trong văn học (8)

Nhà thơ núi Tản sông Đà yêu văn chương lẫn rượu nồng đến nỗi người bạn Tú Mỡ Hồ trọng Hiếu phải làm thơ nói về ông:
“Từ khi Hiếu xuất thế,
“Vẫn nhớ cảnh thiên tiên:
“Bữa cơm thường phải rượu,
“Nhưng túi lại rỗng tiền.

*
“Liền xoay nghề văn chương,
“Viết bừa bán phố phường.
“Thơ chạy tha hồ uống,
“Say khướt suốt đêm trường.

*
“Rượu ngon thức nhắm ngon.
“Giọng văn lại càng giòn;
(Trời đày Nguyễn Khắc Hiếu – Giòng nước ngược I)

(Khuyết danh – Tết nói chuyện rượu)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Nam nói nhà tiêu, Bắc là nhà xí.

Nam nói trong ruột, Bắc gọi trong lòng.

Bắc gọi hào phóng, Nam cho rộng rải.

Nam kêu bông cải, Bắc gọi sú lơ

 

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Cải táng 2

Về ngôi mộ xác ướp mới phát hiện ở Cát Hanh.

Một ngôi mộ xác ướp được phát hiện trên cánh đồng Mả Vôi thuộc xã Cát Hanh huyện Phù Cát, tỉnh Nghĩa Bình.

Ngôi mộ được táng theo lối trong quan ngoài quách. Quách được xây dựng bằng một hợp chất gồm vôi sống, cát và một số chất kết dính như nhiều ngôi mộ đã phát hiện thời Lê Trịnh và thời Nguyễn. Quan tài bằng gỗ, mặt ngoài trát một lớp ngăn thấm rất kín. Quan tài có chân và nắp là một nửa thân gỗ còn nguyên lớp vỏ bào không nhẵn. Thi hài chôn trong mộ là một phụ nữ khoảng 60 tuổi, cao 154,5 cm, chân trái bị gãy và liền lại khi còn sống nên ngắn hơn chân phải 3,1cm. Thi thể hầu như còn nguyên vẹn và các khớp xương, nhất là xương sống và các khớp vai còn có thể cử động rất mềm dẻo. Y trang phục của người chết gồm ba lớp áo mặc, khăn nhiễu đội đầu, đội hài da, một chiếc áo dài mầu đen kê dưới tay phải. Vải liệm gồm 7 súc đặt theo chiều dài và súc đặt theo chiều ngang.

Đáy quan tài có một lớp trấu và lúa không sấy, chất gạo còn khá tốt. Giữa nắp quan tài và xác là một lớp là chuối khô. Giấy bản chèn cũng buộc bằng dây chuối khô. Đặc biệt, quan tài chứa một dung dịch ngâm giữ xác có màu nâu trong. Thành phần hoá học của dung dịch chưa xác định được, nhưng không có thuỷ ngân (Hg) arsenic (as) và tinh dầu thông.

Theo gia phả của dòng họ và sự ghi nhận của thân nhân thì chủ ngôi mộ là bà Nguyễn Thị Trọng, vợ thứ ba của ông Lê Văn Thể.

Ngôi mộ ướp xác này là một tư liệu khoa học có giá trị về nhiều phương diện:

– Đây là ngôi mộ ướp xác đầu tiên tìm thấy từ một tỉnh xa nhất về phía nam.

– So với những ngôi mộ ướp các được phát hiện ở các tỉnh phía Bắc, ngôi mộ này có những đặc điểm riêng cần nghiên cứu như: Nắp quan tài là một nửa thân cây để nguyên vỏ, thi hài ngâm trong dung dịch giữ xác…

– Những di vật trong ngôi mộ phản ánh nghi thức mai táng y trang phục các nghề thủ công, phong tục tập quán và lối sống xã hội đương thời.

– Chủ nhân của ngôi mộ thuộc gia đình Tây Sơn và có quan hệ mật thiết với Tây Sơn nên những do vật đó cúng là những chứng tích về đời sống văn hoá xã hội, kinh tế thời bấy giờ.

(Trích “Quang Trung Nguyễn Huệ- con người và sự nghiệp”- Phan Huy Lê.)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Thấy ai đánh rắm to ở đâu là tìm đến

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao, thành ngữ)

 

Lúc đêm khuya (6)

Năm 75 quê hương như trong ca dao coi như thôi rồi. May mắn, khá nhiều “lời quê” đã được kịp thời chép xuống. Sau đây là ít lời ngẫu nhiên nhặt ra từ một số “cảo thơm”, với nhan đề tạm đặt. Khi nào có điều kiện, lại xin nhặt nữa.

Bài hát xẩm “dân gian” hơn, mà cũng thực là thấm thía. Tác giả nó có phải một nhà nho

Lúc đêm khuya, trăng lạnh, sương mờ,
Canh tàn, rượu tỉnh, lúc bấy giờ em mới nghĩ thương thân!
Em tiếc thay em trong giá, trắng ngần,
Nỡ gieo thân mình vào chốn bụi trần mà chơi.
Chốn hang sâu lẩn khuất hương trời,
Non xanh nước biếc dễ mấy ai người biết cho.
Con chim khôn đã mắc phải dò,
Thì còn vui chi nữa, cái kiếp giang hồ, hỡi các chị em ơi!
Tính đốt ngón tay đã quá nửa xuân rồi,
Đầu xanh mấy lúc cũng da mồi tóc sương.
Kiếp hồng nhan, càng nghĩ đến càng thương,
Tài tình chi cho lắm để vấn vương cái nợ ở đời.
Trông non sông mà lại thẹn với Trời,
Khi vui, em vui gượng, khi cười, em cười suông.
Ruột con tằm, trăm mối vẫn tơ vương,
Bên trời góc biển, em biết gửi can trường vào đâu…

(Thu Tứ – Ca dao tuyển 1)

 

Văn hóa ẩm thực (1)

Văn học chữ Hán của người Việt Nam hình như không có một tác phẩm nào viết về ẩm thực truyền thống. Phạm Đình Hổ ngồi dưới mưa “tùy bút” đủ thứ chuyện nhưng chỉ nhắc trà Tàu mà không động mảy may tới cái đáng động hơn nhiều là những thức bày trên mâm cơm nhà ông! Dù ai đó có viết về cái ăn của người Việt Nam, viết bằng chữ Hán thì làm sao cho đến đầu đến đũa được!

Chữ Nôm viết ra tiếng Việt, nếu dùng để viết về cái ăn của ta thì tiện lắm. Nhưng văn học chữ Nôm hình như cũng không có lấy một tác phẩm nào về đề tài ẩm thực.

Dĩ nhiên dân tộc Việt Nam từ lâu đã có “miếng ngon”. Tại sao nhà nho ta xưa kia không nhắc đến?

Có thể nghĩ ấy bởi giới các nho sĩ, mà nho thì quan niệm “văn” phải hoặc chở “đạo”, hoặc chứa sử, hoặc diễn tình cảm cao nhã, hoặc nữa để kể những chuyện đáng kể là cùng (1), chứ không thể nào lại đi tấm tắc, trầm trồ một trong bốn “khoái”. Nhưng thời xưa bên Tàu người ta có viết về ăn!(2) Tại sao nho Tàu thoải mái “bàn” chuyện ăn cua với kho thịt heo, mà nho ta lại lúng túng kiêng “tán” thưởng thức giò lụa với nướng chả?

Thiết tưởng không có vấn đề kiêng cữ gì ở đây hết. Ta cũng như Tàu không hề né nhắc đến cái ăn. Mặt khác, khi cầm bút lên nho ta cũng như nho Tàu điển hình không dành cho đề tài ăn uống chút ưu tiên nào. Vì cái ăn không được ưu tiên, nên ở đâu viết thật nhiều ở đó mới thỉnh thoảng có một đôi bài về nó. Nho Tàu viết tiếng Tàu đã mấy ngàn năm, viết ra không biết bao nhiêu lời mà kể, do đó lác đác có văn ăn cua kho thịt. Nho ta viết tiếng ta mới bất quá vài trăm năm, cho nên chưa kịp động đến thịt nướng với giò, thế thôi.

(1) Như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Vũ Trung tùy bút, Hoàng Lê nhất thống chí.

(2) Như Lý Lạp Ông, Viên Mai.

(Người Việt viết về ăn – Thu Tứ)

 

Gian nhân di mặc

Nguyễn Hữu Tiến, bút hiệu Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, sinh năm 1875, quán Từ Liêm, Hà Đông, tạ thế năm 1941. Ông cộng tác với Nam Phong của Phạm Quỳnh 17 năm, vừa biên khảo, vừa dịch thuật và sáng tác. Năm 1915, ông đã xuất bản tập biên khảo nổi tiếng về nữ sĩ Hồ Xuân Hương với tựa đề Gian nhân di mặc (Nét mực giai nhân để lại), Trong tập biên khảo này, ông kể lại nhiều giai thoại về nữ sĩ này nhưng không dẫn chứng nguồn tài liệu chuẩn mực nào. Nên tác phẩm của ông được coi như truyện ký hơn là là một biên khảo có giá trị.

(Nguyễn Hữu Tiến và việc bảo tồn văn hóa cổ – Hoàng Yên Lưu)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search