T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 208)

clip_image002

 

Chữ nghĩa làng văn

Đã có nhiều cách định nghĩa về truyện ngắn, nhưng nếu nói nôm na, đưa ra một định nghĩa để làm việc thì truyện ngắn chính là cách cưa lấy một khúc đời sống. Ở đây, có thể nói ngắn gọn, nói trực tiếp. Cái ngắn thích hợp với cuộc sống nhanh bây giờ.

(Nguồn: Một thể văn tập…Tô Hoài)

Bồ bịch

Ðây là hiện tượng mượn âm trong ngôn ngữ bị hiện tượng tỉnh lược chi phối. Tại sao có từ bồ bịch, nghĩa là nhân tình? Nguyên trước đây có một từ ghép bồ bịch, chỉ hai nông cụ. Bồ là dụng cụ đựng lúa, có đáy; còn bịch cũng là nông cụ đựng lúa nhưng là tấm ví khoanh tròn, không đáy vì lấy nền nhà làm đáy.

Do đó, ca dao VN có câu:

Bởi anh chăm việc canh nông

Cho nên mới có bồ trong bịch ngoài.

(Lê Trung Hoa – Hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ)

Cái hay cái dở ăn ở thơ Bùi Giáng (5)

Trong một dịp ngồi chuyện phiếm với Phạm Duy, tôi (Đỗ Quyên) nhắc đến thơ họ Bùi với ý ca, họ Phạm gật gù vẻ cho qua, rồi không đừng được ông hơi nhăn mặt: “Nhưng lắm câu nhàm! Lặp lại quá, cậu ạ!”. Cái nhàm ở cấu tứ, nhịp điệu, ngôn từ trong thơ Bùi Giáng, nhiều người nhận ra như thế.

Nguyễn Hưng Quốc đã bình giá thơ Bùi Giáng mà tôi nghĩ có thể như một lý giải khả ái về vụ nhàm lặp:

“Tôi cho đây là đặc điểm nổi bật nhất trong phong cách thơ Bùi Giáng: thơ Bùi Giáng chính là sự xoá nhòa của mọi đường biên quen thuộc vốn được mọi người chấp nhận như là một quy ước, một luật lệ trong văn học từ xưa đến nay”.

(Đỗ Quyên)

Chữ nghĩa làng văn

Nếu muốn viết một truyện ngắn hay anh phải vô tư với chính anh và đừng chiều theo đám đông độc giả kia. Anh phải tạo dựng cho độc giả cái mà họ phải đọc chứ không phải chỉ mang đến cho họ cái mà họ muốn đọc. Đó là hai công việc hoàn toàn khác nhau.

Mốt

Mốt: ngày kia

(mai mốt)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ Việt cổ

 Từ cổ tiếng Việt trong “Đại Nam quốc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Paulus Của. Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại

 dối em : ru em

 (Phạm Xuân Độ)

Cái hay cái dở ở thơ Bùi Giáng (6)

Khi Bùi Giáng tếu táo về Nguyễn Trãi:
– Sáo tai, nhàm mắt: “Nghĩ tới Nguyễn Trãi, không còn can đảm đâu viết nên một lời gì cả” (trang 64, cuốn Một);
Lúc Bùi Giáng đại ngôn với Nguyễn Du:
– “Đọc ông Nguyễn Du mãi cũng chán. (…) Thơ Nguyễn Công Trứ là một con zéro. Thơ Cao Bá Quát là một con zéro rưỡi (…) Hàng vạn bài na ná giọng điệu giống nhau. Chỉ còn mấy bài của Ngân Giang nữ sĩ và Vân Đài nữ sĩ là có linh hồn” (trang 30, cuốn Hai); “Người Việt Nam có thể không đọc Nguyễn Du, nhưng không thể nào không đọc bài thơ kia (bài Rằm Tháng Giêng – ĐQ) của Hồ Dzếnh” (trang 36, cuốn Hai);

(Đỗ Quyên)

Phú

Phú là một loại thể văn có hai vế thuận nhau hay đối nghịch nhau, số âm tiết trong mỗi câu và số câu trong bài phú không hạn định.

Chữ nghĩa làng văn

Cái được viết hay cái được kể, dưới hình thức một cảm xúc mới thuộc về lãnh vực văn học, gắn liền với người cầm bút cần thật nhiều bản lĩnh cũng như tài năng. Không để ý đến điều đó, vì vậy có nhiều người cầm quên đi một việc quan trọng là:

–  Rèn luyện kỹ thuật viết.

(Viết – Nguyễn Hưng Quốc)

Mơn

Mơn: vuốt ve, lấy lòng

(cười mơn, nói mơn – mơn tới: men tới)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn

Ngày xưa, nhà văn lớn là một tài năng lớn; ngày nay, một nhà văn lớn không những là một tài năng lớn mà nhất thiết còn phải là một nhà thông thái và một nhà tư tưởng. Thời của những thiên tài vô học đã qua rồi. Có điều sự học hỏi của nhà văn khác với sự học hỏi của một người thợ: người thợ học chủ yếu để bắt chước; người cầm bút học chủ yếu để… né tránh. Ở đây, chúng ta lại thấy người cầm bút ở một tình thế oái oăm: hắn phải biết thật nhiều để không được sử dụng lại những gì hắn đã biết.

(Viết – Nguyễn Hưng Quốc)

Ố túy cương tửu

 Ố: ghét. Túy: say sưa.

Ghét say sưa nhưng lại thích uống rượu. Thành ngữ Hán Việt

này ám chỉ những người nói một đàng làm một nẻo.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Tình cà (3)

Anh cà nhỏng không đi làm gì cả

Thân cà tàng chỉ có khẩu cà nông

Em cà rỡn le lưỡi giống cà rồng

Nên tình mãi cà bông hạch cà đụi

Tửng là gọn lỏn và bất ngờ

Trong truyện ngắn Con cá chết dại của Sơn Nam, Hai Ty mê Hồng mà chưa có dịp làm quen, bữa đó đứng trên bờ rạch thấy Hồng bơi xuồng ngang qua, Hai chưa kịp chào hỏi đã hăm nhảy xuống rạch để níu xuồng Hồng lại! Hai Ty như vậy, các bạn nghe kể đều bảo là “tửng”.

Trong truyện Lý con sáo sang sông của Nguyễn Ngọc Tư, Út Thà sắp lấy chồng mà không phải lấy người thương là Phi. Mặc nhà gái lu bu sửa soạn nhóm họ, cô dâu tỉnh bơ một xuồng một mái chèo qua thăm Phi. Út ngồi nhậu mắm lóc với Phi hồi lâu rồi chợt nói: “Sao tự nhiên em qua đây lãng xẹt vậy không biết?”.

Út như vậy, các bạn cho là “tửng”. Tửng chắc chắn là “gọn lỏn”.

Nhưng Hai Ty hăm nhảy rạch là do “mết” Hồng, Út Thà chèo xuồng qua thăm Phi là vì yêu Phi, chứ Hai với Út đâu có cà rỡn. Tửng hình như không hàm ý đùa.

Bất ngờ là một nét khác của tửng. Tửng là gọn lỏn và bất ngờ.

(Tưng tửng và tửng – Thu Tứ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Một số trường hợp tương tự với hiện tượng mượn âm. Trái sầu riêng có nguồn gốc từ Malaysia là đu-riêng. Ban đầu (giữa thế kỷ 19) người Việt dùng cả hai từ, sau loại hẳn từ đu-riêng.

Huyện Kế Sách ở tỉnh Sóc Trăng gốc Khmerlà Ksach, nghĩa là “cát”. Vì gần âm với từ kế sách (phương kế, sách lược) nên Kế Sách đã thay thế Ksach.

Ðèo ở phía bắc thành phố Nha Trang do kỹ sư người Pháp Rury điều khiển sửa sang nên Pháp dùng tên người này đặt cho đèo. Người Việt đã gọi là đèo…Rù Rì.

(Lê Trung Hoa – Hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ)

Tam Thiên Tự

 So sánh sách vở lòng chữ Hán thông dụng Tam Thiên Tự :

Thiên trời, địa đất

Cử cất, tồn còn

Tử con, tôn cháu

Lục sáu, tam ba

Thì phải công nhận sách của Tự Ðức công phu hơn và cũng có phương pháp hơn. Tam Thiên Tự tuy có vần, nhưng liệt kê ngữ vựng một cách tùy tiện. Ngược lại tác phẩm Tự Ðức Thánh Chế Tự Học Giải Nghĩa Ca được hệ thống hóa bằng cách phân loại và đặc biệt sử dụng thơ Lục Bát là thể thơ quen thuộc với người Việt-Nam nên dễ đọc dễ nhớ:

Thiên trời, địa đất, vị ngôi

Phú che, tái chở, lưu trôi, mãn đầy

Cao cao, bác rộng, hậu dày

Thần mai, mộ tối, chuyển xây, di dời

Chữ nghĩa làng văn

Thỉnh thoảng trong bài viết đâu đó có những câu: “chuyện nổ như gạo rang, chuyện dai như giẻ rách, chuyện đổ bốn chân giường, chuyện long ba bức vách”. Những câu ấy. nguyên bản nằm trong bài thơ chúc tết, mừng xuân của Trần Tế Xương:

Ngày xuân mừng quý khách

Khi vui lọ đàn phách

Chuyện nở như gạo rang,

Chuyện giai như chão rách,

Gẫy cả bốn chân giường,

Xiêu cả mấy bức vách

(Mừng Tết con Ngựa – Trà Lũ)

Tưng tửng là tự nhiên, giản dị

Trở lại với Nguyễn Ngọc Tư cho biết để văn có giọng tưng tửng người viết cần dùng những lời “dân dã, không quan cách”.

Thế nào là lời quan cách?

Đại khái, nói cách quan thì lời không để lồ lộ ý, lời trịnh trọng, cầu kỳ bao bọc ý lại như áo mũ cân đai hia hốt bao bọc da thịt tóc tai quan! Lời quan dài, lắm chữ, nghe rồi phải… lột phẩm phục mới hiểu được ý.

Còn thế nào là lời “dân cách”?

Hình như quan cách ba miền không khác nhau: hễ đã làm quan thì đều nói năng một lối.  Nhưng dân cách mỗi miền mỗi khác. Người dân trong Nam quen lối sống hồn nhiên, nên nghĩ sao là nói thẳng ra vậy chứ không vòng vo, úp mở, rào trước đón sau.  Lời nói dân dã Nam bộ tự nhiên, giản dị.

Vậy tưng tửng là tự nhiên, giản dị.

(Tưng tửng và tửng – Thu Tứ)

Chữ nghĩa làng văn

Tác giả “Đợi chờ” là Ha Jin quan niệm, viết văn tức là kể một câu chuyện. Nhưng người kể chuyện không nên hướng dẫn cho độc giả mà cần tôn trọng sự thông minh và khả năng thẩm thấu tác phẩm theo cách riêng của họ.
(Nhà văn không nên giảng giải cho độc giả – Ha Jin)

Từ Hồ Biểu Chánh đến Khái Hưng

Khi Nguyễn Văn Trung công bố văn bản Thầy Lazaro Phiền năm 1987, tác phẩm của Nguyễn Trọng Quản nghiễm nhiên trở thành tiểu thuyết quốc ngữ sớm nhất viết theo lối Tây phương, xuất hiện một trăm năm trước (1887) ở Nam Kỳ. Những lập luận vẫn coi Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách (viết 1922, in 1925) là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên không còn đứng vững.

Công trình nghiên cứu Lục châu học của Nguyễn Văn Trung dẫn đến việc nhìn lại chức năng khai phá của vùng Lục Tỉnh trong nền văn học quốc ngữ, và định vị lại vai trò của Nguyễn Trọng Quản như nhà văn quốc ngữ đầu tiên, và Hồ Biểu Chánh như nhà văn tiên phong xây dựng nền tiểu thuyết hiện đại Việt Nam (với tác phẩm Ai làm được, viết ở Cà Mau năm 1912, in năm 1922 ở Sài Gòn). Từ những mốc mới này, sự phân chia các thời kỳ tiểu thuyết Việt Nam, có lẽ nên sắp xếp như sau:

1887-1912: Từ Nguyễn Trọng Quản Thầy Lazaro Phiền đến Hồ Biểu Chánh Ai làm được: thời kỳ phôi thai tiểu thuyết quốc ngữ.

1912-1932: Từ Hồ Biểu Chánh Ai làm được đến Khái Hưng Hồn Bướm Mơ Tiên: Thời kỳ hình thành tiểu thuyết hiện đại.

1932-1946: Từ Khái Hưng Hồn Bướm Mơ Tiên đến Chùa đàn của Nguyễn Tuân: thời kỳ toàn thịnh của tiểu thuyết hiện đại.

(Khái Hưng 1896/1947 – Thụy Khuê)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search