T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 211)

clip_image002

Người người lớp lớp…

1954, Trần Dần tham gia chiến địch Điện Biên Phủ với Đỗ Nhuận, họa sĩ Tô Ngọc Vân. Cái chết của Tô Ngọc Vân trong chiến dịch tác động mạnh mẽ đến ông. Ông viết một hơi tiểu thuyết Người người lớp lớp.

Cái ve cái chén cái bầu sau lưng

 Duy Tân

Vua Duy Tân lên làm vua, phong trào Văn Thân bí mật liên lạc với vua để tìm phương cứu quốc. Năm 1915, Trần Cao Vân và Thái Phiên hợp tác với vua mưu đồ khởi sư Họ hẹn gặp nhau trên bờ sông Ngự, giả làm người đi câu để tránh tai mắt địch.

Chiều chiều ông Ngự ra câu
Cái ve cái chén cái bầu sau lưng
Rồi mưu đồ phục quốc của vua Duy Tân cũng bị thất bại và vua phải đi đàỵ Người dân Huế thương tiếc vua cùng các nghĩa sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên đã hiến thân vì nước. Và trên dòng Hương Giang, nhiều năm sau, trên các chuyến đò dọc, người ta còn nghe mấy câu hò trầm thống, bi đát, đầy tâm sự của kẻ mang hoài bão cứu nước không thành:

Trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu
Ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm
Ai nhớ ai mong
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non.

(Ca dao lịch sử – Phương Nghi)

Đổi họ

(…trích lục lại)

“Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam” của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội thực hiện năm 1987. Tác giả đã đổi những nhân vật họ “Huỳnh” thành “Hoàng”, “Chu” thành “Châu”,Vũ” thành “Võ”.. v .v…

Do đó trong từ điển có những danh nhân như Hoàng Thúc Kháng, Hoàng Tịnh Của, Châu Mạnh Trinh, Võ Ngọc Phan, Võ Trọng Phụng… Làm như vậy không những kỳ quặc mà còn là một điều bất kính với tiền nhân.

(Đặng Trần Huân – Chữ nghĩa bề bề)

Những cái cũ & xưa nhất của Saigon
Người kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên

Người Việt Nam đầu tiên vẽ bản đồ địa lý và đồ họa Sài Gòn theo phương pháp phương Tây
Ông Trần Văn Học, sinh quán ở Bình Dương, giỏi Quốc ngữ, Latinh và tiếng Tây Dương, được giới thiệu làm thông ngôn cho Nguyễn Ánh. Ông phụ trách việc dịch sách kỹ thuật phương Tây, đồng thời kiêm việc chế tạo hỏa xa, địa lôi và các loại binh khí. Năm 1790, Nguyễn Ánh xây thành Bát Quái. Trần Văn Học phụ trách “phác họa đường xá và phân khu phố phường”. Ông rất có tài vẽ địa đồ, họa đồ và kỹ thuật bản đồ như: tỉ lệ, trắc địa, và vẽ gần như chính xác các thành trì và công trình. Ông được coi người đầu tiên vẽ bản đồ Sài Gòn – Gia Định theo phương pháp phương Tây

 Mỹ thuật

 Đông Sơn Nhất Linh đỗ đầu cuộc thi tuyển nhưng chỉ học một năm tại trường Mỹ Thuật Đông Dương. Khi bắt đầu Phong Hóa, ông phụ trách trang trí, vẽ minh họa cho toàn thể báo nhà, về sau, chỉ còn minh họa riêng các truyện mình viết thôi… Những năm sau Phong Hóa và Ngày Nay luôn luôn có họa sĩ nhà nghề trình bầy báo, vẽ tranh. Những họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Giá Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường, Nguyễn Tường Lân (họa sĩ trùng tên với Thạch Lam), Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung… đều có cộng tác với báo Phong Hóa, Ngày Nay.

Hàng năm, trên Phong Hóa và Ngày Nay đều có bài viết phê bình tranh của những phòng triển lãm ở Hà Nội, do Nguyễn Đỗ Cung, Tô Tử Tô Ngọc Vân, Lemur Nguyễn Cát Tường, Thạch Lam… viết. Điều này đã nâng cao óc thẩm mỹ, lòng yêu vẻ đẹp của người đọc. Ngoài ra, báo Ngày Nay dùng nhiều tranh vẽ rất có giá trị của các họa sĩ tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Đông Dương làm bìa báo. Được đặc biệt chú ý là:
Tranh bìa báo Xuân Ngày Nay số 46, 1937 của Nguyễn Gia Trí,
Tranh bìa báo Xuân Ngày Nay số 198, 1940 của Tô Ngọc Vân

Cũng nhờ tòa báo luôn tổ chức những cuộc thi có thưởng, như những cuộc thi vẽ tranh khôi hài và tranh Lý Toét… đã lôi cuốn được rất nhiều họa sĩ bên ngoài tòa soạn tham dự vào việc vẽ tranh cho Phong Hóa, như Mạnh Quỳnh, Trần An, Ngym, Dlan,… Ngay cả Bút Sơn người sáng tác ra Xã Xệ, là một độc giả ở tận Saigon, gửi tranh Xã Xệ đầu tiên tới tòa soạn năm 1934.

Cũng cần nhắc lại là trên tờ báo chủ trương trào phúng Phong Hóa, chính Nhất Linh Đông Sơn sáng tác ra Lý Toét. Tranh đầu tiên “Lý Toét ra tỉnh” của ông đăng trên Phong Hóa vào năm 1933. Những Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh, Ba Ếch là những nhân vật hoạt kê sáng giá của cả một thời đại, nhà báo dùng để chế diễu, đùa cợt những thói hư tật xấu của dân ta, để tự biết mà sửa đổi. Và đồng thời cũng khơi dậy lòng thương người dân quê nghèo khó, đang chịu trăm bề khốn khổ, không được học hành hiểu biết, nên chỉ biết mình khổ, nhẫn nại chịu khổ, chịu nhục, bị đè nén bóc lột dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.
(Phạm Thảo Nguyên – Giới thiệu Phong Hóa-Ngày Nay)

Chơi chữ

 Chơi chữ là các hiện tượng đồng âm, đa nghĩa,… trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng bóng gió, châm biếm trong lời nói, trong đó ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cách,.. nhằm đem lại những liên tưởng bất ngờ, lý thú.

Nguyễn Công Trứ trong bài Hàn nho phong vị phú, có câu “Ngày ba bữa vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no; đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cổng thường bỏ ngỏ”.

Người đọc dễ liên tưởng đến hai câu chữ Hán “quân tử thực vô cầu bão” (người quân tử chăm lo việc đạo lí, không lấy chuyện ăn ngon mặc đẹp làm điều) và “thái bình chi thế, ngoại hộ bất bế” (đời ấm no, cửa ngoài không cần đóng do không có trộm cướp gì), mà cho rằng chàng nho sĩ họ Nguyễn đang ở trạng thái an bần lạc đạo (chịu nghèo khổ mà vui với lẽ đạo).
(Chơi chữ là gì? – Triều Nguyễn)

Đề:

 Em hãy kể lại câu truyện “Thánh Gióng”.

Ngày xửa ngày xưa, đất nước ta sinh ra được một cậu bé Thánh Gióng trông rất là quái nhân vì đã 3 tuổi mà vẫn không biết nói biết cười. Đột nhiên một hôm giặc tới, Thánh Gióng nhảy tót lên mình ngựa, sau khi đã ăn một bữa cơm khủng khiếp với hàng thúng cà muối mặn mà vẫn không khát nước. Thánh Gióng đánh giặc xong không biết đường về nhà vì chưa ra khỏi nhà lần nào. Thánh Gióng không biết đi đâu về đâu nên đành phải bay lên trời.

Giai thoại làng văn

Thập niên 1930-1940, trên diễn đàn văn học đất Bắc, có hai khuynh hướng báo chí đối lập nhau: một bên là Tự Lực văn đoàn với Phong Hoá, Ngày Nay và một bên là những tờ báo chống lại Tự Lực văn đoàn, như Tiểu thuyết thứ bẩy, Hữu Ích, Phổ Thông bán nguyệt san thuộc nhà xuất bản Tân Dân của Vũ Ðình Long, với các nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Lan Khai, Tchya Ðái Ðức Tuấn, Trương Tửu…

Sự đối lập nghề nghiệp này tạo ra những cuộc bút chiến nẩy lửa hoặc những cách phê bình độc địa nhau trên mặt báo. Ngày nay đọc lại những bài tranh luận này, chúng ta thấy nổi bật khía cạnh hiềm tị cạnh tranh nghề nghiệp nhiều là hơn đối lập tư tưởng.

Chỉ riêng trường hợp đối chất giữa Khái Hưng-Nhất Linh và Vũ Trọng Phụng là có nguyên do sâu xa hơn, đó là sự đối lập tư tưởng và phong cách văn học giữa Khái Hưng-Nhất Linh và Vũ Trọng Phụng.

Sự bất đồng xẩy ra trên một số nét rõ ràng: Khái Hưng chê Vũ Trọng Phụng chỉ nhìn thấy cái xấu trong con người và Nhất Linh chê vũ Trọng Phụng dâm ô. Vũ Trọng Phụng phản bác rằng mình chỉ nói lên sự thực. Thái độ này rất dễ hiểu, bởi Vũ Trọng Phụng đi ra ngoài hệ tư tưởng chính thống của  văn học đương thời.

Thập niên 30-40, trên văn đàn Việt Nam, có hai hệ tư tưởng nòng cốt: thứ nhất, đề cao cái đẹp, văn hay, phong cách lãng mạn, trong văn chương Tự lực văn đoàn, văn chương Nguyễn Tuân và Thơ Mới. Thứ nhì, vạch trần sự xấu xa của xã hội cũ trong các tác phẩm Tự Lực văn đoàn, vạch trần sự bóc lột của giai cấp giầu có, phía các nhà văn hiện thực như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng và các nhà viết phóng sự như Tam Lang, Nguyễn Ðình Lạp, Hoàng Ðạo…

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search