T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 222)

3 Đi chợ tính tiền

Đến đây bài toán trong bài ca dao đã giải được giải. Ghi lại như sau, bên phải là các phép tính đã giải. (tính theo đơn vị: đồng)

Một quan tiền tốt mang đi,  {600}   
Nàng mua những gì chàng tính chẳng ra. 
Thoạt tiên mua ba tiền gà,  {3×60} = 180

Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu. {60+30}+3 = 93

Trở lại mua sáu đồng cau,  = 6

Tiền rưỡi miếng thịt, giá rau mười đồng. {1,5×60}+10 = 100
Có gì mà tính chẳng thông?
Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi.  60+30+6 – 96
Ba mươi đồng rượu chàng ơi, =  30
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng. 30+20 = 50 
Hai chén nước mắm rõ ràng,
Hai bảy mười bốn, kẻo chàng hồ nghi.  {2×7} = 14
Hăm mốt (21) đồng bột nấu chè,  =  21
Mười đồng nải chuối, chẵn thì một quan. = 10

Cộng = 600

Trong sách sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, bên dưới bài học thuộc lòng này có 3 từ giải nghĩa, ghi nguyên văn như sau:

“Gỉai nghĩa: Tiền tốt = tiền tiêu được.

Vàng = đồ làm bằng giấy cúng rồi đốt đi.

Hồ nghi = ngờ vực, không biết rõ”.

Nhưng sao gọi là tiền tốt? Một bài cao dao được lưu truyền, được in trong sách giáo khoa từ lúc ra đời (Bản in đầu tiên năm 1927) đến lúc cải tiến thay đổi. Thế là người viết phải đi tìm tiếp.

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ

Cô duyên đối diện bất tương phùng

Câu thành ngữ Hán Việt trên ám chỉ: có duyên ngàn dặm cũng gặp nhau, vô duyên ngồi ngay trước mặt cũng chẳng quen nhau.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

8 Chữ nghĩa tên đất

Có những tên vùng đất gốc tích Mã Lai hoặc Cao Miên như:

Mỹ Tho – Do chữ Me Sa có nghĩa Bà Trắng.

Sa Đéc – Do chữ Phsar Dec có nghĩa Chợ Sắt.

Trà Vinh – Do chữ Pratapeang có nghĩa Hồ của Phật.

Sóc Trăng – Do chữ Soc Treang có nghĩa xứ hay kho.

Bắc Liêu – Do chữ Po Loenh có nghĩa cây da cao.

(Thái Văn Kiểm – Ai về Gia Định Đồng Nai thì về)

Phần Tửu

Phần Tửu nổi ở Hạnh Hoa Thôn, lúc bấy giờ có 70 nhà nấu rượu. Một thời Lý Bạch, Đỗ Phủ và bao nhiêu thi tài đời Đường tới đây.

Nổi tiếng nhất là Đỗ Mục với bài Thanh Minh về Hạnh Hoa thôn.

(Nguồn: Khuyêt danh)

4 Đi chợ tính tiền

Có một giai thoại trong văn học về Bà Chúa thơ Nôm. Chuyện kể rằng Hồ Xuân Hương thiếu tiền bèn hỏi mượn của Chiêu Hổ 5 quan để tiêu tạm. Chiêu Hổ gởi tiền đến, đếm hoài vẫn chỉ thấy có  3 quan. Nữ sĩ bèn làm bài thơ trách người cho mượn tiền:

Sao nói rằng năm chỉ có ba.        
Trách người quân tử hẹn sai ra.
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt.
Nhớ hái cho xin nắm lá đa.


Chiêu Hổ họa lại:
Rằng gián thì năm, quý có ba.
Bởi người thục nữ tính không ra.
Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt.
Cho cả cành đa lẫn củ đa.

Trong bài họa của Chiêu Hổ có chữ gián và quý. Đây là cơ sở dẫn người viết đi tìm tiếp. Đã “có công tất …chồng không phụ”, kết quả đã tìm được: Khoảng thế kỷ 18, dưới triều Minh Mạng có hai loại tiền lưu hành. Đó là tiền quý và tiền gián, tỷ lệ như sau:

1 quan quý = 600 đồng. 

Quan quý : 3 quan x 600  = 1800 đồng
1800:360 – 5 quan gián
Đây là những số liệu về lương tiền dưới triều vua Minh Mạng.
– Quan Nhất Phẩm lãnh mỗi năm 400 quan, 300 phương gạo, 70 quan tiền Xuân Phục, tức tiền áo quần.
– Quan Chánh ngũ phẩm, hàng tri phủ mỗi năm lương 40 quan, 43 phương gạo, 9 quan tiền Xuân Phục.
– Lính, thơ lại, lương mỗi tháng 1quan tiền, 1 phương gạo.

Qua những số liệu vừa tìm được, ta có thể thấy rõ bài ca dao “Đi chợ tính tiền” xuất hiện sớm nhất phải từ thời Minh Mạng. Bởi từ lúc này mới có “Một quan tiền tốt”mang đi. Tiền tốt chính là tiền quý, phân biệt với tiền gián có giá trị thấp hơn.

Chữ nghĩa làng văn

Theo tôi (Nguyễn Công Hoan) nhận xét, tác giả nên đóng vai người ngoài mà kể lại cho độc giả nghe. Khi một truyện ngắn chỉ dựa vào cảnh vào việc  để nói lên sự diển của tâm lý, người viết truyện dùng hình thức kể chuyện cũng không sao. Nhưng tốt hơn là nên dùng hình thức mình kể chuyện mình. Mình nói tâm lý tư tưởng mình thì được  người nghe dễ tin là thực, là đúng.

(Một số kinh nghiệm – Nguyễn Công Hoan)

Nhận xét tản mạn về Tchekov

Cần phải viết về những gì anh thấy những gì anh cảm thấy, viết một cách chân thực. Người ta hỏi tôi muốn nói gì qua truyện ngắn này hay truyện ngắn khác. Gặp những câu hỏi đó, thường tôi không trả lời. Bởi công việc của tôi (Tchekov) là viết. Dường như tôi có thể viết mọi điều anh muốn. Giả sử anh bảo tôi viết về cái chai này. Thế là sẽ có truyện ngắn với nhan đề ‘’Cái chai’’.

Hình ảnh sinh động làm nên tư tưởng

Chứ không phải tư tưởng tạo ra hình ảnh.

(Sổ tay truyện ngắn – Vương Trí Nhàn)

Khánh trúc nan thư

Khánh: hết cả. Nan: khó. Thư: sách.

Xưa, tội trạng phạm nhân được viết lên tre cật để lưu trữ.

Nghĩa bóng có nghĩ là tội đồ có tội quá lớn, dùng hết cả tre cũng

không ghi chép hết được.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Truyện chớp: Cải táng

Trước khi qua đời chiều nào ông nội tôi cũng uống rượu. Ông mặc bộ đồ trắng, đi thong thả đến tiệm tạp hóa, làm vài ly đế. Khi về, ông đi loạng choạng, chân nọ xọ chân kia, nhưng không bao giờ ngã té. Những chuyến đi diễn ra đều đặn mỗi ngày trong nỗi buồn vô hạn vì cái chết đột ngột của cha tôi, vì thời thế đổi thay, vì gia đình chúng tôi phải từ thành phố về sống ở thôn quê trước con mắt dò xét của lũ người thô lỗ và xu thời. Chẳng bao lâu ông tôi chết vì rượu, khi tôi ở xa.

Vài năm sau tôi về cải táng mộ. Khi đào lên, người ta dùng rượu rửa sọ ông, rửa rất lâu cho đến khi linh hồn ông say khướt. Trên cánh đồng cát không người, tôi thấy ông nội đi loạng choạng về phía chân trời.

Câu đối Tết

Nực cười thay:

nêu không, pháp không, vôi bột cũng không, mà tết.
Thôi cũng được:

rượu có, nem có, bánh chưng cũng có, thừa chơi .
(Trần Tế Xương)

Chữ và nghĩa

Triết gia linh mục Kim Định như con chim ưng bay lên chín tầng trời để nhìn đời bằng thiên lý nhãn. Lúc đầu ông có dựa vào mấy hòn đá, mấy mảnh gốm và ít trang sách cổ. Sau ngộ ra rằng, những tư liệu đó vừa thiếu chính xác, vừa vụn mảnh, ông từ bỏ chúng rồi bằng giải mã huyền thoại, ông lập thuyết. Phần lớn những gì Kim Định nói ra không bằng cớ, không thể kiểm chứng. Nhưng trong đó ẩn chứa biết bao điều minh triết. Giống như nhà đạo học, bằng chiêm nghiệm, quán tưởng, ông tìm ra Đạo Việt.

Nhưng có điều không bình thường là, tư tưởng Kim Định cứ như hồn ma bóng quế đội mồ đứng dậy quấy quả chúng sinh. Ở ngoài nước thì tập hợp nhau in sách, viết báo, truyền bá tư tưởng ông. Ở trong nước lung lạc những bậc khoa bảng như viện sĩ danh tiếng Nguyễn Khánh Toàn, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Đấy là chưa kể một vị giáo sư già đáng kính khác có tên Bùi Văn Nguyên đã theo chân Kim Định mà viết Kinh Dịch Phục Hy và giải mã những huyền thoại và cổ tích Việt…phát hiện Hà đồ, Lạc thư từ trống đồng, tìm ra Bát quái Lạc Việt và đòi lại bản quyền kinh Dịch cho tộc Việt…

Là người “duy vật sử quan” (chữ của Kim Định) quý vị trên đổ mồ hôi sôi máu mắt thẩm định lịch sử theo phương cách con sâu đo bò sát mặt đất, rà xét từng sự kiện, lật trái lộn phải từng trang sách…Nhờ đó quý vị góp phần minh định lịch sử. Quý vị xây cho mình uy tín nghề nghiệp cao ngất ngưởng. Tuy nhiên có sự thực không thể phản bác là, phương pháp luận thần diệu của quý vị đã bất lực trước những vấn đề của thời tiền sử!

Thử hỏi, suốt một thế kỷ học cổ thư Tàu, tân thư Tây rồi chụp giật những tư liệu khảo cổ, nhân chủng… quý vị đã khai mở được gì cho giai đoạn tiền sử dân tộc? Con số không tròn trịa, nếu không muốn nói quý vị đã dẫn dân tộc lạc đường! Học thày Tây, quý vị coi khinh truyền thuyết “trăm con trăm trứng”, chối bỏ Kinh Dương Vương 2850 năm TCN để nhận láo tổ tiên Việt Câu Tiễn!

(Hà văn Thùy – Thưa chuyện với sử gia Tạ Chí Đại Trường)

Chữ nghĩa làng văn

Thế nào là nhà văn?

Trong mục Sổ tay một tờ báo “văn học” trong nước có câu:

“Những nhà văn, sở dĩ là nhà văn, bởi vì họ biết cách trình bầy

thế nào để những điều hết sức dễ hiểu thành rất…khó hiểu”.

Chữ “mình” trong ca dao (1)

Mình nói dối ta mình hãy còn son

Ta đi qua ngõ thấy con mình bò

Con mình những trấu cùng tro

Ta đi xách nước tắm cho con mình

Hay nhất bài ca dao trên là chữ “mình” và mang nhiều ý nghĩa khác nhau: 4 lần đầu “mình” là “em”, ngôi thứ hai số ít. Lần cuối: “mình là…chúng mình, số nhiều (thêm ca dao có câu “Mình với ta tuy hai mà một – Ta với mình tuy một mà hai).

Bài ca dao mở đầu bằng chữ “mình”. Kết thúc cũng bằng một chữ “mình”. Câu nào cũng có chữ “mình” và tổng cộng có tất cả năm chữ “mình”.

(Nguyễn Hưng Quốc – Đọc..chơi vài bài ca dao)

Mày

Mày : Chỉ người là con nuôi hay cha nuôi

(con mày; con nuôi – cha mày: cha nuôi)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn

Thấp với cao, lắm khi chỉ là chuyện kỹ thuật. Viết giản dị, ai cũng hiểu được, có thể coi là thấp; viết thế nào mà ít người đoán ra ý của tác giả là cao. Kỹ thuật, nhiều người có uy tín chê nó thậm tệ: văn nghệ sĩ mà chỉ những lo ngay ngáy về kỹ thuật, về khía cạnh nghề nghiệp, thì sẽ tầm thường mãn kiếp, rồi không hơn gì những thợ thịt khéo tay trổ tài múa dao mổ lợn mổ gà.

Kỹ thuật không làm nên tác phẩm lớn. Anh cao anh thấp tha hồ chê nhau khinh nhau, rốt cuộc vẫn không phân biệt được lớn với bé. Tuy vậy, thiết nghĩ vấn đề lớn bé có thực. Khen một tác phẩm là lớn lao, là vĩ đại, không phải nói chuyện vu vơ, vô bằng.

(Tác phẩm lớn, tác phẩm nhỏ – Võ Phiến)

Làm sao để viết một bài thơ Tàu

Một thi sĩ nổi tiếng của Nhật được hỏi làm thế nào để làm một bài thơ Tàu.
“Thơ Tàu thường có 4 hàng,” thi sĩ giải thích.

“Hàng đầu là câu đầu tiên; hàng thứ nhì là tiếp tục của câu đầu; hàng thứ ba bỏ chủ đề này và bắt đầu chủ đề mới; và hàng thứ tư liên kết ba hàng đầu với nhau.

Hai tiểu thơ nhà bán lụa ở Kyoto
Cô chị hai mươi em mười tám
Chiến binh giết người bằng gươm dáo
Hai cô giết người bằng đôi mắt
.

Bình:

• Bốn câu thơ trong một bài tứ tuyệt là: Khởi, thừa, chuyển, hợp.

Chữ nghĩa làng văn

Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân.
Câu thơ trên của Nguyễn Du trong bài Dạ hành:

Sư già yên giấc đỉnh mây Hồng,
u trắng nằm yên ấm bãi cồn.
Trăng xế biển Nam ngàn dậm chiếu,
Đường xa gió lộng, một người trông.
Đêm đen mờ mịt, bao giờ sáng,
Đầu bạc mà còn, vụng dấu thân.
Khuya khoắt không lo sương ướt áo,
Râu mày mừng chẳng bụi phong trần.
(Thơ chữ Hán, Nhất Uyên dịch thơ)
(Nguyễn Du ra Bắc 1796 – Phạm Trọng Chánh)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Cá không giò sao gọi cá leo?

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Tang bên cha mẹ nuôi:

Kỵ bên cha nuôi thì 3 tháng, cụ bên cha nuôi thì 5 tháng, ông bà thì một năm.

Cha mẹ nuôi thì áo bằng gấu, hoặc sổ gấu 3 năm có cả gậy.

Từ ông bà trở lên nếu mình thừa trọng cũng sổ gấu 3 năm.

Ông bà sinh ra mẹ nuôi thì 5 tháng, còn thì đều không có.

Giai thoại làng văn

Văn Cao còn nhớ buổi chia tay Nguyễn Thi. Bữa đó, ông rủ Nguyễn Thi ra phố. Ông muốn mời bạn ăn một bát phở bò. Văn thời đó nghèo xơ xác, trong túi chỉ đủ tiền cho một bát phở thôi. Chả lẽ chỉ bạn ăn, còn mình thì ngồi suông ngắm bạn? Hình như cũng hiểu được nỗi băn khoăn của Văn Cao, Nguyễn Thi bảo ông chỉ thèm khoai lang luộc thôi.

Trời, tưởng gì, chứ khoai lang thì rẻ lắm. Số tiền trong túi Văn Cao đủ để hai ông ăn no khoai lang.

Thế là họ ngồi sụp xuống bên đường, làm một đĩa khoai mật.
(Nguyên Ngọc – Trần Đăng Khoa)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search