T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 224)

Chữ nghĩa làng văn

Nói về nghệ thuật viết truyện, nhà văn Nguyên Hồng nói đại ý rằng: “Viết truyện nó cũng giông giống cái người đan rổ. Anh biết đẵn tre, biết ra nan, chuốt nan, biết gầy, biết đan, biết lát. Nhưng anh lại không biết đánh cạp, không biết “lên” khuôn hình thù cái rổ thì nó vẫn chỉ là cái mê chứ sao có thể gọi là cái rổ được.

Viết văn cần phải có năng khiếu. Nhưng không phải anh có năng khiếu rồi là làm chơi ăn thật được đâu, mà phải lao tâm khổ trí cật lực nữa may ra mới gặt hái được cái gì, không đùa được.

(“Liệu cơm gắp mắm” – Nguyên Hồng)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Nói dài nói dai thành ra nói dại

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao, thành ngữ)

Chữ nghĩa làng văn

Một lần Nguyên Hồng đọc một truyện vừa của một tác giả có thâm niên, trước đó tác giả nói với nhà văn rằng anh sẽ viết tác phẩm đó khoảng 70 trang. Nhưng khi Nguyên Hồng đọc truyện của tác giả kia đã hơn 40 trang mà vẫn chưa thấy hình hài nhân vật đâu cả thì ông than và bảo tác giả rằng: “Cứ đà này có lẽ anh sẽ viết đến 700 trang mất thôi”.

Rồi ông ngừng nói, nhìn tác giả truyện vừa và bọn viết trẻ chúng tôi giọng nhẹ nhàng: “Các anh đọc cái truyện “Đôi móng giò” của ông Nam Cao rồi phải không? Mào đầu thiên truyện đó ông ấy chỉ viết có mấy dòng mà cái nhân dạng, tính cách của cái thằng Trạch Văn Đoành nó đã rõ hiện mồn một ra rồi”.

Nghĩa là khi các anh viết thì hãy đừng có dông dài vòng vo mà truyện nó tãi ra, nhạt lắm.

(“Liệu cơm gắp mắm” – Nguyên Hồng)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Thiên táng

Ngày xưa có người đi làm ăn ở xa nhà, dọc đường chẳng may bị cảm nắng. Cảm gió mà chết đột ngột, có người cùng đi hoặc người qua đường nhận ra, chỉ kịp đánh dấu chỗ người chết nằm xuống, chưa kịp chôn cất, đến nhà báo cho tang quyến. Khi người nhà đến nơi thì mối đã vùi lấp hết tử thi. Thân nhân cho là huyệt đất tốt, trời đã dành cho và chôn giùm nên gọi là “thiên táng”.

Vì tương lai gia đình sẽ phát đạt, vậy cứ để nguyên mà vun cao lên. Không cải táng. Những ngôi mộ thiên táng như vậy, thường ở ven đường cái, lác đác còn nhìn thấy có những ngôi mộ cổ đắp đất, gọi là thảo mộ. Trải qua hàng trăm năm mưa gió dập vùi, nhưng vẫn được tôn cao, trong số đó phần lớn là những ngôi mộ vô thừa nhận vì chết dọc đường, người nhà không tìm thấy. Mộ vẫn được đắp cao, không ngớt hương khói, do những cư dân chung quanh và khách buôn bán đi qua về lại chăm sóc thờ cúng vì tin rằng những âm hồn đó rất thiêng, phù hộ độ trì cho khoẻ mạnh, làm ăn nên nổi.

Chữ và nghĩa

Đêm nằm ôm gối thở dài,

Thương chồng thì ít, thương trai thì nhiều

Phở Hà Nội (18)

Sao bằng ra đầu phố ăn một bát phở ba của anh hàng phở áo cánh trắng, gi-lê đen, và tóc rẽ mượt? Nồi nước sôi sùng sục, tỏa mùi thơm ra khắp phố. Nếu là gánh phở ngon – cả Hà Nội không có đâu làm nhiều – thì nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh, ớt, với hành tây đủ cả. Chả còn gì ngon hơn bát phở như thế nữa. Ăn xong bát thứ nhất, lại muốn ăn luôn bát thứ hai. Và anh hàng phở chả phải gánh nặng đi đâu cả, chỉ việc đỗ một chỗ nhất định, cũng đủ bán một ngày hai gánh như chơi. Và người hàng phố tìm dấu hiệu để gọi tên anh cho dễ nhớ: anh phở Trọc, anh phở Bê-rê, anh phở Mũ Dạ, anh phở Cao… và dặn thằng nhỏ chớ mua hàng khác về “ông không ăn mà chết đòn!!”.

Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải riêng Hà Nội mới có, nhưng chỉ ở Hà Nội mới thật ngon. Đó là thứ quà suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn phở tối.

Phở bán gánh có một vị riêng, không giống như phở bán ở hiệu. Các gánh phở có tiếng ở Hà Nội đều được người ta đặt tên và tưởng nhớ: phố Ga, phố Hàng Cót, phố Ô Quan Chưởng,  v.v .

Bây giờ nhiều tài năng trẻ trong nghề phở mới nhóm lên và trái lại, những danh vọng cũ trên kia không chắc có còn giữ được “hương vị xứng kỳ danh” nữa. Có người nào thử chịu khó đi khảo nếm lại một lượt xem sao? Một vòng quanh Hà Nội bằng vị phở, chắc có lắm điều mặn, chát, chua, cay đấy.

(Quà Hà Nội – Thạch Lam)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Nam nhậu thịt chó, Bắc chén cầy tơ

Bắc vờ vịt lá mơ, Nam gọi lá thúi địt!

Nam gọi đánh địt, Bắc kêu đánh rắm!

Nam kêu giăng mùng, Bắc lại bỏ màn.

Giai thoại làng văn xóm chữ

Chúng ta, ai cũng thuộc bài sau này của Tú Xương:
Sông kia, giờ đã nên đồng,
Nơi làm nhà cửa, nơi trồng ngô khoai.
Nửa đêm tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò!

Ta thuộc và ta hay ngâm bài đó vì nó đầy âm hưởng u hoài. Song, ta ắt phải đánh dấu hỏi: nửa đêm còn ai gọi đò, mà nghe tiếng gọi đò can chi đến phải giật mình? Ấy là bởi vì: sông Vị Hoàng chảy ở gần nhà ông Tú, về thời ấy thỉnh thoảng được dùng làm chổ hò hẹn của những nhà ái quốc, hoặc từ Thanh Nghệ ra, như nhóm Phan Bội Châu, hoặc từ Hà Nội Hưng yên xuống như nhóm Nguyễn Thiện Thuật.

Những kỳ tụ tập thường vào lúc đêm khuya, mà tất nhiên là có mặt ông Tú. Mỗi khi ông Tú đến họp, lại cũng tất nhiên có tiếng gọi đò để ông sang. Về sau, quãng sông này bị lấp đi, cuộc hội họp phải thay địa điểm. Vả lại thời cục mỗi ngày một khó khăn, rồi ra cũng không gặp nhau được nữa, những người hội họp khi trước đều bị bắt bớ hoặc phải trốn tránh dần mòn. Vì thế, hễ nghe tiếng ếch đêm khuya, ông Tú lại giật mình nhớ lại tiếng gọi đò khi trước. Cho nên câu thơ hoài cổ trên kia, ngâm lên với một tâm trạng ôn cố mới thấy thật là “vô hạn cảm hoài”.

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

Thành ngữ hôm nay

Bia độc hơn rượu, bằng chứng trên thế giới chỉ có “mộ bia” mà không có “mộ rượu”.

Ngon

“Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn không ngon, người ngồi ăn không ngon. Không ngon!

“Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon, người ngồi ăn không ngon. Không ngon!

“Đồ ăn ngon, người ngồi ăn ngon, chỗ ngồi ăn không ngon. Không ngon!

Rượu ngoại…ngoại truyện (2)

Cocktail

Theo truyền thuyết vào thế kỷ 19, ở Mỹ một ông chủ tiệm rượu có một cô con gái cưng và một con gà trống quý tên Washington. Một anh thủy thủ muốn lấy con gái ông bèn bắt trộm con gà khiến ông chủ tiệm phải gả con gái cho anh để lấy con gà lại.

Ngày cưới ông đổ tất cả rượu trong tiệm vào thùng trộn thành một loại rượu khác lạ. Riêng ly rượu của ông cắm lông đuôi con gà hiếm và gọi đó là “Cocktail” (đuôi gà trống)

(Nguồn: Mường Giang)

Văn hóa ẩm thực (2)

Viết về ăn đầu tiên ở nước ta có lẽ là Trương Thị Bích. Khoảng năm 1915 bà cho xuất bản sách Thực phổ bách thiên, là sách dạy nấu ăn viết bằng chữ quốc ngữ, gồm 100 bài thơ tứ tuyệt.(3)

(3) Ví dụ: “Canh bầu thì thích lá rau hao / Cho biết rau hành bỏ bí đao / Hầm mít lại ưa sân với lốt / Bí ngô thời phải tỏi gia vào”.

(Người Việt viết về ăn – Thu Tứ)

Rượu trong văn học (9)

Nhưng để công bằng với bạn, Tú Mỡ cũng “nói xấu” về mình:
“Có một anh,
“Biếng lười như hủi.
“Cờ bạc như tinh,
“Rượu chè như quỉ.
“Trai gái như ranh.

(Xoay hòn đất)

“Tom chát quanh năm vài bốn bận,
“Say sưa mỗi tháng một đôi ngày
“Tính vui trò chuyện cười như phá,
“Lòng thẳng căm hờn nói toạc ngay

(Tự thuật)

(Khuyết danh – Tết nói chuyện rượu)

 

Giai thoại làng văn

Năm 1629, Trịnh Tráng, nhờ vua Lê sai đem vào Thuận Hóa một tờ sắc cũng bằng chữ Nôm nội dung tỏ ý đòi Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên phải nạp thuế nhưng thật ra bắt Chúa Nguyễn phải thần phục bằng cách cho con trai ra Bắc chầu vua.

Chúa Nguyễn nhận sắc nhưng vẫn không nộp thuế. Thấy vậy, cũng trong năm nầy họ Trịnh một lần nữa mượn tiếng vua Lê đòi Chúa Sãi cho con ra chầu, lần nầy chỉ nhắc đến việc góp phần triều cống nhà Lê, nhưng không nhắc gì đến việc thuế má.

“Nộp thuế” hay “cho con ra Bắc chầu vua Lê” chỉ là cớ Trịnh Tráng đưa ra để bắt buộc Nguyễn Phúc Nguyên phải chịu mệnh của mình. Chấp nhận nộp thuế hay cho con ra chầu một vị vua chịu sự áp chế của Chúa Trịnh. Bởi vậy Chúa Nguyễn tiếp sứ, nhận chiếu nhưng tìm cách trả chiếu về cho họ Trịnh.

Đào Duy Từ hiến kế làm mâm hai đáy, giữa để tờ sắc đã nhận từ ba năm trước kèm theo tờ thiếp có bài thơ như sau:

Mâu nhi vô dịch

Mịch bất7kiến tích 

Ái lạc tâm trường

Lực lai tương địch

Phùng khắc Khoan, mưu thần của họ Trịnh đoán được ý của bài thơ trên bằng cách chiết tự thành bốn chữ: Dư bất thụ sắc (Ta không chịu nhận sắc).

(Nguyễn Văn Sâm – Văn học xứ Đàng trong)

Nhem

Nhem: không rõ

(lem nhem, nhá nhem)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Lúc đêm khuya (7)

Năm 75 quê hương như trong ca dao coi như thôi rồi. May mắn, khá nhiều “lời quê” đã được kịp thời chép xuống. Sau đây là ít lời ngẫu nhiên nhặt ra từ một số “cảo thơm”, với nhan đề tạm đặt. Khi nào có điều kiện, lại xin nhặt nữa.

Bài hát xẩm sau khi bớt sửa cho thành lục bát chỉnh thể:

Đêm khuya, trăng lạnh, sương mờ, 
Canh tàn, rượu tỉnh, bấy giờ thương thân! 
Tiếc thay trong giá, trắng ngần, 
Nỡ gieo vào chốn bụi trần mà chơi. 
Hang sâu lẩn khuất hương trời, 
Non xanh nước biếc ai người biết cho. 
Chim khôn đã mắc phải dò, 
Còn vui chi nữa, giang hồ, em ơi! 
Thoắt đây quá nửa xuân rồi, 
Đầu xanh mấy lúc da mồi tóc sương. 
Hồng nhan, càng nghĩ càng thương, 
Tài tình chi lắm vấn vương nợ đời. 
Trông non sông thẹn với Trời, 
Khi vui, vui gượng, khi cười, cười suông. 
Ruột tằm, trăm mối tơ vương, 
Bên trời góc biển, can trường gửi ai…

(Thu Tứ – Ca dao tuyển 1)

Chữ nghĩa làng văn

Một lần khác Nguyên Hồng khuyên chúng tôi phải tự biết mình. Ông nói: Các cụ ta xưa có câu “liệu cơm gắp mắm” nghĩa thùng thạp nhà anh chỉ vét được có hai lẻ gạo nếu anh bỏ vào cái nồi tèo hương (niêu đất nung loại nhỏ xíu) mà nấu may còn thành cơm được. Chứ hai lẻ gạo mà anh bỏ vào cái nồi 12 mà nấu thì chắc chắn cơm chẳng thành cơm, cháo chẳng thành cháo mà hồ cũng chẳng thành hồ được đâu.

Ý Nguyên Hồng muốn nhủ chúng tôi muốn viết văn thì hãy lượng xem cái vốn sống của anh nó dày mỏng, có ngần nào. Vốn sống còn nghèo mà tài lại hẻo mọn thì vội ham bốc giời là không ổn.

(“Liệu cơm gắp mắm” – Nguyên Hồng)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Ả đào

Thời xưa, các cụ những lúc cao hứng, hay lui tới “xóm chị em” thường được gọi văn vẻ là “quán Sở lầu tân”. Ả đào là những người vì cảnh ngộ xui nên mà phải làm cái nghề buôn phấn bán son. Nhiều cô lấy làm vạn bất đắc dĩ, là vì đã từng theo đòi bút nghiên, nên những lúc cảm thương thân thế, thường viết ra những vần ai oán:
Chốn ca lâu đèn dong một ngọn,
Đêm năm canh hao tổn tinh thần.
Ngủ ngày thức tối hư thân,
Biết đâu quán Sở lầu Tần thế gian!
Thân như thể hoa tàn nhị rữa,
Bỏ bên đường làm của chơi chung.
Sang hèn có bạc thì xong,
Tha hồ vợ vợ chồng chồng chén son.
May gặp khách nha môn quyền quý,
Chẳng may ra, gặp kẻ ngu hèn.
Tháng ngày ẻo ọe chè men ,
Bẻ hành bẻ tỏi chị em đến điều …

Nhưng, khi gặp khách tri âm, thì đến lúc chia tay có cô níu “anh” lại mà ngâm:
Anh về, em chẳng cho về,
Em níu vạt áo, em đề câu thơ …

Thơ rằng:
Ta chửa xa nhau đã nhớ nhau,
Nhớ nhau vì nỗi phải xa nhau.
Xa nhau chi để cho nhau nhớ,
Mà có xa nhau mới nhớ nhau!
(Tản Đà?)

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search