T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 225)

Chữ nghĩa làng văn

Điều đáng sợ nhất của văn chương ta là căn bệnh nhạt. Đó là căn bệnh trầm kha, nguy hiểm vì rất khó chữa. Nó không phải là cái xấu để người ta có thể dễ nhận biết và loại bỏ. Nó chỉ nhạt nhèo, không có sắc thái và cá tính. Nó yếu đuối, không có sinh khí, nhưng lại có sức mạnh trong việc làm băng hoại mọi sự sáng tạo.

Thêm nữa, bấy lâu nay, không ít người cứ dị ứng với loại truyện người tốt việc tốt. Thậm chí có người còn cực đoan cho đó không phải là văn chương thứ thiệt.

(Nguyên Ngọc – Trần Đăng Khoa)

Về Tchekov

Tchekov nổi tiếng về truyện ngắn hóm hỉnh viết rất ngắn. Nhưng nói chung so với truyện ngắn thì Tchekov vẫn cứ là người còn dài dòng về truyện ngắn. Truyện ngắn cô đọng nhưng vẫn đủ chỗ để đi vào tâm lý, vào cái cõi của nhân vật.

Như trong truyện số 60 đó chẳng hạn chỉ vẻn vẹn có 18 dòng mà phần lớn lại là đối thoại. Khuôn khổ truyện ngắn số 60 ấy (tức là truyện một cái giắm, đầu tiên không thối, rồi cuối cùng mới thật là thối hoắc) đã chật hẹp như vậy, mà vẫn chứa nổi ba nhân vật, mỗi nhân vật đều có tâm lý, có chuyển cảnh….

Bàn về truyện ngắn thì thành công về kỹ thuật, về nghệ thuật dựng truyện ngắn, rất kiệm lời và ý ở ngoài lời thì rất nhiều.

(Nguồn: Nguyễn Tuân)

Lão bất tử thành tặc

Tặc: giặc, tật.

Câu thành ngữ Hán Việt này cho thấy người già đổi tánh, đổi nết

không nhiều thì ít, con cháu liều liệu mà chiều chuộng.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Chữ nghĩa làng văn

(…trích lục lại)

Truyện ngắn đầu tiên không xuất hiện ở Tây phương mà là ở Trung Đông. Lịch sử truyện ngắn bắt đầu bằng Tales of the Magicians của Ai Cập, tiếp đến là Một nghìn một đêm lẻ của Ba Tư. Ở Tây phương, truyện ngắn chỉ xuất hiện khoảng 200 năm.

Tại Việt Nam, truyện ngắn có từ thế kỷ 13 với Báo cực truyện thời nhà Trần. Thế kỷ 16 với Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (*).

Năm 1866, truyện cổ tích bằng chữ quốc ngữ do Trương Vĩnh Ký thu thập, sao chép lại và xuất bản tại Sài Gòn.

(Phụ chú: Theo Trần Văn Tích trong “Sự muôn năm cũ” báo Làng Văn thì tác gỉa “Truyền kỳ mạn lục”  đúng ra là Nguyễn Dư chứ không là Nguyễn Dữ (*) như mọi người vẫn lầm tưởng)

(Trần Bích San – Văn Khảo)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Tôi kể bà nghe…
Tôi với bà tình thương mến thương
Hơn sáu chục năm trời mà thấy vẫn còn chưa đủ…
Lũ trẻ bây giờ chán rồi bỏ nhau, thất tình khóc xong rồi ngủ,
Sáng mai dậy lại rêu rao:”Tìm một nửa thất lạc của đời mình”.

Văn hóa cà phê (4)

Brodard

Còn nhà hàng Brodard nằm ở góc Tự Do – Nguyễn Thiệp, nhìn sang bên kia là vũ trường Tự Do của ông Cường lùn và chị “tài pán” Nhựt, bà chị này hành nghề cai quản các em “ca nhe” từ vũ trường Ritz Hà Nội vào Nam. Ở đây lại đông vui vào những buổi sáng muộn và buổi tối khi “gà lên chuồng”. Nơi lui tới của  những “dân đi chơi đêm” Sài Thành. Những anh hùng “hảo hớn” như Khê – Thăng Long Xích Thố, anh em ông Kim đầu bạc, Kính tennis, Chương Marine cũng lui tới ngồi tán chuyện giang hồ. Các “đại gia, tiểu gia” thời đó không nhiều, chỉ vỏn vẹn một số ông dược sĩ, tu bíp, doanh nhân có “xế bốn bánh” đủ để chở các em đi ăn đêm. Thỉnh thoảng một vài em vũ nữ, thường là loại có hạng như Lệ Hằng, Thủy Điên, Mỹ Khùng… ở mấy cái vũ trường gần đó như Tự Do, Mỹ Phụng, Olympia cũng la cà vào đây tán dóc.

(Văn Quang – “Văn hóa không tên” của Sài Gòn xưa)

Khóc chồng (*)

Thiếp từ thuở lá thắm xe duyên, khi vận tía lúc cơm đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ;

Chàng ở dưới suối vàng nghĩ lại, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh (1)

(*) Tương truyền cụ Nguyễn Khuyến làm hộ cho vợ một người thợ nhuộm khóc chồng

(1) trong hai vế đối này, nhà thơ đã dùng những tiếng: “ thắm, tía, đen, điều, đỏ, vàng, hồng, trắng, tím, xanh …” hầu hết màu sắc để tả nghề thợ nhuộm .

Rémy Martin

Rémy Martin được thành lập năm 1724 do Rémy Martin (nay có thêm hãng Cointreaux). Hãng này chỉ dùng nho ở 2 vùng Grande Champagne và Petit Champagne nên dùng chữ Fine-Champagne in ở chai rượu của họ. (Hãng không sản xuất rượu tương đương 3 Stars (V.S.) mà chỉ có các loại rượu V.S.O.P. (5 tuổi trở lên).

Cũng như Martell, rượu Rémy Martin được nhiều người Việt biết đến vì được chuyên chở qua Tàu, Việt Nam, Nhật (đặc biệt chỉ rượu Napoléon mà thôi), Đài Loan, Tân Gia Ba, v…v…Tổng cộng trên toàn thế giới khoảng 165 quốc gia.

(Nguồn: Nhật Vy)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Bướm rừng sờ cái là bay

Bướm nhà sờ cái lăn quay ra giường

Giai thoại làng văn xóm chữ

Cua chơi trăng

Tam Nguyên Yên Đổ người làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Sinh năm 1835, nguyên tên là Nguyễn tất Thắng, sau thi không đỗ mới đổi ra Nguyễn Khuyến.

Tương truyền rằng khi còn ít tuổi, mắt ông đã kèm nhèm, vậy mà ngấp nghé cô con gái của ông Cử ở làng bên. Cô này bèn đem chuyện mách cha, ông Cử bèn cho mời ông đến, buộc làm một bài thơ, lấy đầu đề là: Cua chơi trăng.

Lấy chữ trăng làm vần…Thấy cái đầu đề có vẻ dè bỉu, ông tuy bực mình, song vẫn ngâm ngay tám câu:

Vằng vặc đêm thu ánh xế chừng.

Ham thanh, cua mới muốn chơi trăng.

Nghiêng mai lách ngược qua dòng biếc.

Ghé yếm bò ngang nhởn bóng hằng.

Cung quế chờn vờn hương mới bén.

Vườn đào thoang thoảng gió như nâng.

Một mai cá nước cua vui phận.

Trăng muốn tìm cua có được chăng.

Ông Cử thấy lời thơ hoạt bát và ý thơ khẳng khái, sinh lòng mến phục, sai học trò vác năm quan tiền theo Yên Đổ đến tận nhà, giao xong mới được về. Không rõ về sau, cua có được chơi trăng không, nhưng cua cũng đã được dịp trổ tài nói ngang.

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Giai thoại làng nho 1963)

Chữ nghĩa với ca dao

Cô kia cắt cỏ bên sông,
Cái váy thì cộc, cái lông thì dài.
Thuyền chài nó trả quan hai,
Cô không chịu bán để dài quét sân…

Tín ngưỡng phồn thực (3)

Tục thờ ông Đùng bà Đà

Tục thờ nầy được tổ chức tại làng Đông Sát, tỉnh Hưng Yên. Cả hai đều là Thành hoàng của làng nầy. Câu chuyện ông Đùng, bà Đà được kể lại như sau: Hai người vốn là hai chị em ruột. Nhưng cả hai tuổi đã cao mà chưa thành gia thất. Mọi người trong làng cũng muốn giúp đỡ cho cả hai. Cuối cùng cả hai đều cùng nhau hứa rằng: Cả hai theo hai chiều ngược nhau đi quanh hòn núi trước làng; bất cứ gặp người nào khác giống thì bắt buộc phải kết hôn. Dân làng đồng ý và sẽ giúp họ toại nguyện.

Họ lên đường nhưng lại không gặp một người nào, để rồi sau cùng thì hai chị em gặp nhau. Vì trung thành với lời thề cho nên họ chuẩn bị lấy nhau. Dân làng đồng ý cuộc hôn nhân; nhưng bà Đà thì cho việc làm nầy là chuyện “loạn luân” cho nên bỏ đi trốn. Hai lần trốn thì cả hai đều được ông Đùng đưa về. Chẳng may hai người gặp thú dữ tấn công và thề sống chết để giải nạn. Việc giải nạn phải nhờ đến một vị thần giả làm một phụ nữ bắt ếch hiện ra đúng lúc để giúp họ. Câu chuyện chẳng may loan truyền đến kinh đô và nhà vua xuốngchiếu bắt cả hai để hành hình. Cả hai đều bị khoét mắt rồi bị sát hại. Hai người chết nhưng hồn rất linh thiêng, thường hiện ra báo mộng cho dân làng; mọi người đều đồng ý lập đền thờ; từ đó dân chúng đến lễ bái và cầu gì được đó nên được tôn làm hai vị Thành hoàng.hằng năm từ ngày 6 tháng 3 cho đến ngày 10 tháng 3 là lễ tế ông Đùng, bà Đà. Dân chúng làm hai hình nộm để rước quanh làng; cho đến đình làng, thì họ đưa hai hình nộm ra ôm chầm lấy nhau. Tìm cảm được bộc lộ công khai, khác với lệnh của nhà vua ngày trước.

(Hội tết làng xưa – Kiêm Thêm)

Lưng chữ cụ, vú chữ tâm

Lưng chữ cụ: nôm na như “lưng cánh phản”.

Vú chữ tâm: vú tròn trĩnh, gọn gàng và cân đối

Câu thành ngữ Hán Việt hiểu là: con gái “lưng chữ cụ vú chữ tâm”

thì…mắn đẻ và khéo nuôi con .

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Meo

Meo: xanh xám, bụng rỗng

(mốc meo, meo cau: phấn xanh nổi ở thân cây cau

đói meo, đứng lên ngồi xuống lại nằm meo)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Hú hồn hú vía

Vì đã có những trường hợp bị choáng, ngất, bất tỉnh nhân sự. Người ta dùng mọi thủ thuật để kích thích thì hồi tỉnh, trong đó có thuật hú hồn hú vía. Cũng có trường hợp đã tắt thở, tưởng là đã chết rồi nhưng sau một thời gian bỗng nhiên sống lại.

Do đó với một hy vọng dầu mỏng manh, mặc dầu trong muôn một, người sống tiếc thương muốn cứu vãn… nên cầm chiếc áo quần của người đã tắt thở, leo lên mái nhà chỗ cao nhất hú “Ba hồn bảy vía ông” hoặc “Ba hồn chín vía bà” về nhập xác. Hú ba lần không được thì cũng đành lòng chịu khâm liệm mà tin rằng như vậy hồn đỡ vất vưởng, biết tìm đường về nhà (Khâm liệm xong vẫn chưa nỡ đóng chốt áo quan). Đây là một phong tục về tâm linh.

Chữ và nghĩa

Tại sao có từ bồ bịch, nghĩa là nhân tình? Nguyên trước đây có một từ ghép bồ bịch, chỉ hai nông cụ. Bồ là dụng cụ đựng lúa, có đáy; còn bịch cũng là nông cụ đựng lúa nhưng là tấm ví khoanh tròn, không đáy vì lấy nền nhà làm đáy. Do đó, ca dao VN có câu:
Bởi anh chăm việc canh nông
Cho nên mới có bồ trong bịch ngoài.

Chúng tôi gọi đây là hiện tượng mượn âm.
(Vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt – Lê Trung Hà)

Bà Nữ Oa và ông Tứ Tượng (1)

Bà Nữ Oa và ông Tứ Tượng là hai người – thần khổng lồ có mặt ở nước ta, ở trên thế gian từ thời thái cổ, nghĩa là từ thuở mới khai thiên lập địa và mới có loài người.

Muốn biết vóc dáng của ông và bà to lớn đến chừng nào, chỉ việc luận từ hai câu vè dân gian này ra là đủ hiểu:

L. bà Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng,
B. ông Tứ Tượng mười bốn con sào!

Trời giao cho bà Nữ Oa việc đắp núi, khơi sông và ươm trồng nên rừng rú để tạo nên hình thù của cõi đất. Lúc ấy ở cõi trần gian chỉ có một người đàn ông ngang tầm vóc với bà Nữ Oa. Đó là ông Tứ Tượng. Vừa gặp bà Nữ Oa, ông đã “cảm” ngay, và muốn kết thành vợ chồng. Bà Nữ Oa thách ông Tứ Tượng: Trong thời hạn ba ngày, mỗi người phải đắp xong một quả núi thật cao, sao cho đứng trên đỉnh có thể nhìn suốt cả mặt đất và biển cả!

Hai người chia địa phận, ông ở đằng bắc, bà ở đằng nam. Ông Tứ Tượng, mỗi bên quang gánh là cả một cồn đất lớn, ông gánh quá tải làm cho chiếc quang mây chắc bền mà phải đứt phựt, đất vung vãi ra thành chín quả núi to nằm rải rác khắp miền Bắc nước Việt ngày nay!

Bà Nữ Oa thì khác, bà cẩn thận làm đến đâu được đến đấy. Chưa hết ba ngày đã đắp xong một quả núi tròn trịa và to sừng sững như một cái mâm xôi vĩ đại ở phía nam nước ta ngày nay.

Đó chính là ngọn núi Bà Đen thuộc tỉnh Tây Ninh bây giờ.

(Nguồn: Kiều Văn)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search