T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 229)

Chữ nghĩa làng văn

Tác giả “Đợi chờ” là Ha Jin quan niệm, viết văn tức là kể một câu chuyện. Nhưng người kể chuyện không nên hướng dẫn cho độc giả mà cần tôn trọng sự thông minh và khả năng thẩm thấu tác phẩm theo cách riêng của họ.
(Nhà văn không nên giảng giải cho độc giả – Ha Jin)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

An táng

Thân nhân, theo thứ tự nhân sơ quy định, tang phục theo gia lễ, đều xếp hàng đi theo sau linh cữu. Thời xưa có cái bạt bằng vải trắng che trên đầu gọi là bạch mạc. Người con trưởng đi trước hoặc kèm sau xe quan tài theo tục “Cha đưa mẹ đón”.

Hạ huyệt xong, tất cả người đi đưa đều đi vòng quanh mộ một vòng, mỗi người ném xuống một hòn đất.

Đắp mộ xong, mọi người đứng vòng quanh mộ, người hộ tang, người chấp sự tiến hành lễ thành phần.

Nghi thức chung như trên, nhiều nơi còn có tục riêng như cầu kinh, yểm bùa, nhốt con gà, cài cây lá chứa, dựng cây nêu, đóng cửa mả, đốt hình nhân… rắc vàng khẩu dọc đường, cắm hương ở các mộ xung quanh, mời người qua đường ăn trầu hút thuốc, đãi người đắp mộ…

Ở nhà biết ma đau mắt

Xưa nay nhiều người nói chuyện về ma nhưng chưa thấy ma bao giờ. Ấy vậy mà có người “ở nhà biết ma đau mắt”, ám chỉ cái tính khóac lác.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Chữ nghĩa làng văn

Nhà văn giỏi là người biết quan sát và kể chuyện, hé lộ những điểm thắt nút, nhưng chi tiết tinh tế, gợi mở cho những gì sắp xảy ra. Người kể chuyện không nên có giọng điệu giảng giải. Anh ta phải biết tôn trọng sự thông minh của độc giả. Họ luôn biết lý giải câu chuyện theo cách riêng của mình.

(Nhà văn không nên giảng giải cho độc giả – Ha Jin)

Quân tử ứ hự đã đau

Tiểu nhân dùi đục đập đầu như không

Ứ hự: lời phiền trách bóng gió.

Với người quân tử trong giao tiếp, nếu phạm một lỗi lầm nhỏ nào đó, cảm thấy không nguôi ngoai. Trái lại, tiểu nhân bị lỗi dẫu có bị đánh đau, nhưng hết đau là hết…thắc mắc.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Nguồn gốc rượu Cognac (2)

Lái buôn rượu Den Helkenwijik nhờ chủ lò rượu đun rượu vang trắng đến nhiệt độ 78 độ C (173 độ F) thì rượu chát bốc thành ethyl – alcohol. Hơi nóng cách thủy thành một loại rượu mạnh Chính ông lái rượu và chủ lò uống ly đầu tiên thấy quá đã. Nhưng muốn đủ độ (hay…đủ đô) để trở thành “Brandy” phải cất thêm một lần nữa. Lần này uống xong, khà một cái và…khà vào lò, lủa phụt cháy…Từ đó dân uống rượu có từ …Cognac.

(Nguồn: Nhật Vy)

Chữ nghĩa làng văn

Với tôi, một nhà văn quan niệm viết văn tức là kể một câu chuyện. Nhà văn giỏi là người biết quan sát và kể chuyện, hé lộ những điểm thắt nút, nhưng chi tiết tinh tế, gợi mở cho những gì sắp xảy ra. Người kể chuyện không nên có giọng điệu giảng giải. Anh ta phải biết tôn trọng sự thông minh của độc giả: Họ luôn biết lý giải câu chuyện theo cách riêng của mình.

(Nhà văn không nên giảng giải cho độc giả – Ha Jin)

13 Ngộ chữ với Thiền

Cõi Không

Trên nữa là không.

Cõi không. Không còn gì nữa hết.

Dưới nữa là không.

Cõi không. Không còn gì nữa hết.

(Mai Thảo)

Một trong triệu chứng nhận ra mình đã…”già”

Mở báo đọc hay tìm trang cáo phó đọc trước.

14 Ngộ chữ với Thiền

Phật tánh

Một tăng sĩ hỏi Thầy mình: “Ðệ tử có Phật tánh chăng ?” Thầy nói:”Không!” Tăng sĩ hỏi: “Ðệ tử nghe nói rằng: Tất cả sự vật đều có Phật tánh cả … Tại sao riêng đệ tử lại chẳng có Phật tánh?” Thầy nói:”Bất cứ côn trùng, thú vật, cây cối, đá sạn …đều có Phật tánh cả. Trừ ra có một mình Ngươi thôi!” Tăng sĩ ngạc nhiên:”Tại sao có một mình đệ tử là không có Phật tánh? Lạ nhỉ!”

Thầy trả lời: ” Bởi riêng có ngươi mới đem vấn đề ấy mà đặt ra !”

Mún

Mún: miếng nhỏ

(chặt măm, chặt mún

băm mún, manh mún)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

15 Ngộ chữ với Thiền

Phép khinh thân

Ngày xưa Phật cùng các đệ tử đi qua một khu rừng, vừa đến mé sông thấy một đạo sĩ du già ngồi ở cội cây. Phật hỏi: “Ông ở đây bao lâu và đã tu được gì?” Ðạo sĩ nói: “Tôi tu 40 năm và đã được phép khinh thân đi qua sông không cần phải ghe xuồng gì cả.”

Nói đoạn đạo sĩ niệm chú bước qua sông nhẹ như chiếc lá trước những cặp mắt thán phục của các đệ tử Phật .

Phật nói với đạo sĩ: ” Tưởng gì lạ, chứ để đi qua con sông như thế mà phải tốn công tu luyện 40 năm, thật là uổng phí công phu vô ích quá! Chỉ với đồng tiền nầy, người đưa đò sẽ đưa chúng tôi qua bên kia sông một cách rất dễ dàng!

5 Mười tám đời vua Hùng Vương

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên chỉ gọi 18 đời vua Hùng Vương theo thứ tự số, như Hùng Vương thứ 6, Hùng Vương thứ 18, v…v… Vậy các sử gia sau này tìm ở đâu ra 18 tên và niên đại? Để trả lời cho câu hỏi này, Giáo sư sử học Nguyễn Phương trích đoạn trong Sử Ký của Từ Mã Thiên (1) quyển 40, trang 141, cột ba:

“…Đời Thành Vương nhà Chu có họ Hùng đất Sở được vua phong cho đứng đầu các giống man di ở đấy. Họ Hùng truyền được 20 đời: Hùng Dịch, Hùng Nghệ, v…v…”

Với ghi chép trên của Tư Mã Thiên, các sử gia ta sau này tạo dựng lên đầy đủ tên 18 vua Hùng (2) và tuổi thọ mỗi vị vua trung bình là…145 năm.

(1) Sử Trung Hoa trước sau không hề nhắc đến 18 đời vua Hùng Vương của ta.

(2) Hiện trong tay người sưu tầm có tới 3 (ba) bản tên của vua Hùng…khác nhau.

(Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng – Thuyền ai đợi bến Văn Lâu)

Chữ nghĩa làng văn (6)

Lúc Bùi Giáng đại ngôn với Nguyễn Du:
– “Đọc ông Nguyễn Du mãi cũng chán. (…) Thơ Nguyễn Công Trứ là một con zéro. Thơ Cao Bá Quát là một con zéro rưỡi (…) Hàng vạn bài na ná giọng điệu giống nhau. Chỉ còn mấy bài của Ngân Giang nữ sĩ và Vân Đài nữ sĩ là có linh hồn” (trang 30, cuốn Hai); “Người Việt Nam có thể không đọc Nguyễn Du, nhưng không thể nào không đọc bài thơ kia (bài Rằm Tháng Giêng – ĐQ) của Hồ Dzếnh” (trang 36, cuốn Hai);
(Cái hay cái dở ăn ở thơ Bùi Giáng – Đỗ Quyên)

Tình cà (4)

Anh cà rề chờ đón em mỗi tối

Cùng sánh vai cà thọt tới cà ri

Em cà sàng lại chỉ muốn ăn mì

Ðành cà rịch cà tang đi quán khác

Chữ nghĩa làng văn

Thỉnh thoảng trong bài viết đâu đó có những câu: “chuyện nổ như gạo rang, chuyện dai như giẻ rách, chuyện đổ bốn chân giường, chuyện long ba bức vách”. Những câu ấy. nguyên bản nằm trong bài thơ chúc tết, mừng xuân của Trần Tế Xương:

Ngày xuân mừng quý khách

Khi vui lọ đàn phách

Chuyện nở như gạo rang,

Chuyện giai như chão rách,

Gẫy cả bốn chân giường,

Xiêu cả mấy bức vách

(Mừng Tết con Ngựa – Trà Lũ)

Cơm – Phở (1)

Sáng đèo cơm đi ăn phở

Trưa hăm hở rước phở đi ăn cơm

Chiều cơm về nhà cơm, phở về nhà phở

Tối nằm với cơm, nghe thơm mùi phở

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Đừng mơ hão cho…hao mỡ.

Từ Hồ Biểu Chánh đến Khái Hưng

Khi Nguyễn Văn Trung công bố văn bản Thầy Lazaro Phiền năm 1987, tác phẩm của Nguyễn Trọng Quản nghiễm nhiên trở thành tiểu thuyết quốc ngữ sớm nhất viết theo lối Tây phương, xuất hiện một trăm năm trước (1887) ở Nam Kỳ. Những lập luận vẫn coi Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách (viết 1922, in 1925) là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên không còn đứng vững.

Công trình nghiên cứu Lục châu học của Nguyễn Văn Trung dẫn đến việc nhìn lại chức năng khai phá của vùng Lục Tỉnh trong nền văn học quốc ngữ, và định vị lại vai trò của Nguyễn Trọng Quản như nhà văn quốc ngữ đầu tiên, và Hồ Biểu Chánh như nhà văn tiên phong xây dựng nền tiểu thuyết hiện đại Việt Nam (với tác phẩm Ai làm được, viết ở Cà Mau năm 1912, in năm 1922 ở Sài Gòn). Từ những mốc mới này, sự phân chia các thời kỳ tiểu thuyết Việt Nam, có lẽ nên sắp xếp như sau:

1887-1912: Từ Nguyễn Trọng Quản Thầy Lazaro Phiền đến Hồ Biểu Chánh Ai làm được: thời kỳ phôi thai tiểu thuyết quốc ngữ.

1912-1932: Từ Hồ Biểu Chánh Ai làm được đếnKhái Hưng Hồn Bướm Mơ Tiên: Thời kỳ hình thành tiểu thuyết hiện đại.

1932-1946: Từ Khái Hưng Hồn Bướm Mơ Tiên đến Chùa đàn của Nguyễn Tuân: thời kỳ toàn thịnh của tiểu thuyết hiện đại.

(Khái Hưng 1896/1947 – Thụy Khuê)

Chữ nghĩa làng văn (7)

Bùi Giáng với những nhà văn nữ:
– Không thuyết phục: “Thơ Nguyễn Thị Hoàng trang nhã như thơ bà Huyện Thanh Quan, mà lại cũng cay đắng như thơ Hồ Xuân Hương, nhiều lúc nghe thống thiết như thơ bà Đoàn Thị Điểm” (trang 124, cuốn Một).
(Cái hay cái dở ăn ở thơ Bùi Giáng – Đỗ Quyên)

Phở (1)

Năm 1838, từ “phở” chưa xuất hiện trong từ điển, bởi vì trong năm này, quyển Dictionarium Anamitico Latinum của AJ.L Taberd (Từ điển Taberd) được xuất bản lần đầu, nhưng trong đó không có từ “phở”. Chữ phở lở xuất hiện trong từ điển Đại Nam Quấc Âm Tự Vịcủa Huình-Tịnh Paulus Của (1896) với nghĩa là“nổi tiếng tăm” (trang 200).Năm 1898, phở có mặt trongDictionnaire Annamite-Françaiscủa  J.F.M. Génibrel với nghĩa là “ồn ào” (trang 614). Trong bài Essai sur les Tonkinois(Khảo luận về người Bắc Kỳ) đăng trên Revue Indochinoise (Tạp chí Đông Dương) ngày 15-9-1907, Georges Dumonutier đã giới thiệu nhiều thức ăn uống phổ biến ở miền Bắc vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nhưng không hề nhắc tới món phở.

Năm 1931, từ phởcó nghĩa là một món ăn mới bắt đầu xuất hiện, ít nhất là trong quyểnViệt Nam Tự Điểncủa Ban Văn học Hội Khai Trí Tiến Đức : phở “do chữ phấn mà ra. Món đồ ăn bằng bánh thái nhỏ nấu với thịt bò: Phở xào, phở tái”.

Một khi từ phởđã xuất hiện trong từ điển thì ta có quyền tin rằng món ăn này đã phổ biến. Thật vậy, trong tác phẩm Nhớ và ghi về Hà Nội, nhà văn Nguyễn Công Hoan viết: “1913… trọ số 8 hàng Hài… thỉnh thoảng, tối được ăn phở (hàng phở rong). Mỗi bát 2 xu (có bát 3 xu, 5 xu)”. Từ yếu tố này ta có thể khẳng định phở đã ra đời từ đầu thế kỷ 20.

(Vương Trung Hiếu – Nguồn gốc phở)

Phú

Phú là một loại thể văn có hai vế thuận nhau hay đối nghịch nhau, số âm tiết trong mỗi câu và số câu trong bài phú không hạn định.

“Nhập gia vấn húy”

Vua Minh Mạng nhà Nguyễn có 142 người con. Để tránh rắc rối cho đời sau, ông có sáng kiến làm một bài thơ 20 chữ (Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh… Thế Thuỵ Quốc Gia Xương), mỗi chữ sẽ được dùng làm tên đệm cho một thế hệ con trai. Chỉ những người có tên đệm kiểu này mới thuộc dòng chính thống, mới có thể được lên làm vua. 

Sẵn hứng, vua làm thêm 10 bài thơ khác cho 10 anh em của vua. Được vài đời, có người cách tân, dùng luôn chữ đệm thay cho họ. Từ đây, xảy ra trường hợp cha con mang họ khác nhau. 
Thí dụ ông Ưng A, đặt tên con là Bửu B. Con Bửu B sẽ có tên là Vĩnh C v.v… Người Việt có người hiểu, người không hiểu. Như:
Vua Duy Tân (Nguyễn Phước Vĩnh San) bị thực dân Pháp đày sang đảo Réunion. Ông lấy vợ người Pháp. Con trai ông là Georges Vĩnh San. Vĩnh San được dùng làm họ. 
Lịch sử Việt Nam tới chữ Vĩnh của bài thơ của Minh Mạng thì bị đứt đoạn (Bảo Đại tên là Nguyễn Phước Vĩnh Thuỵ). 

(Nguyễn Dữ – Người đâu tên họ là gì?)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search