T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 230)

Chữ nghĩa làng văn

Chỉ với truyện ngắn, người ta mới biết tận dụng từng chữ, lo săn sóc từng câu. Nhà văn mình thường yếu không tạo được phong cách riêng. Truyện ngắn là nơi ta có thể thử tìm phong cách cho mình. Truyện ngắn đòi hỏi hoàn thiện. Ở đây, ta được rèn luyện đến việc dùng từng dấu phẩy, dấu chấm.

(Nguồn : Một thể văn tập…Tô Hoài)

Nốt ruồi ở cổ, có lỗ tiền chôn

Tùy theo nốt ruồi ở đâu ảnh hưởng đến số mạng, như nốt ruồi

“vượng phu ích tử” hay sát phu, sát thê. Riêng nốt ruồi ở cổ,

theo các cụ ta xưa là người có tướng giàu sang.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Chữ nghĩa làng văn

Đã có nhiều cách định nghĩa về truyện ngắn, nhưng nếu nói nôm na, đưa ra một định nghĩa để làm việc thì truyện ngắn chính là cách cưa lấy một khúc đời sống. Ở đây, có thể nói ngắn gọn, nói trực tiếp. Cái ngắn thích hợp với cuộc sống nhanh bây giờ.

(Nguồn : Một thể văn tập…Tô Hoài)

Nước mưa cưa trời

Mưa nhỏ gọt như mưa lâu ngày cũng hư hại nhà cửa, mùa màng.

Ngụ ý câu thành ngữ “nước mưa cưa trời” khuyên người ta đừng

nên coi thường những việc nhỏ nhặt, qua thời gian, lập đi lập lại để “cái sẩy nẩy cái ung”.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Chữ nghĩa làng văn

Viết lách khi đã trở thành một nhà văn nói chung không khó lắm. Tất nhiên bạn phải biết chút đỉnh về cách chấm câu. Giỏi chính tả càng tốt, còn không thì cũng chẳng sao. Có thể ban biên tập nơi nhận đăng bài sẽ chữa giùm, hoặc độc giả sẽ dễ dãi bỏ qua.

(Nhà văn – Phùng Nguyễn)

Cách làm rượu Cognac (2)

Khi cất rượu xong đổ vào thùng gỗ sồi, sau vài năm rượu sẽ dần dần chuyển qua màu vàng vì được thấm nhựa gỗ sồi mọc ở rừng Limousin. Nhựa gỗ sồi của Pháp loại Limousin thơm hơn Mỹ (Oak), ngoài ra thớ gỗ có chất “tannin” là chất đắng của cây. Chính chất này tạo lên mùi vị Cognac không nơi nào có được. Đồng thời sau mươi năm chất alcohol dịu bớt đi (VSOP) không gắt như ban đầu (VS).

(Nguồn: Lê Văn & Nhật Vy)

11 Ngộ chữ với Thiền

Rửa bát

Một vị tăng thưa với Triệu Châu:

“Con vừa nhập thiền thất, Xin chỉ dạy.”

Triệu Châu hỏi: “Ăn cơm chưa?”

Vị tăng trả lời: “Bạch, đã ăn rồi.”

Triệu Châu nói: “Vậy thì đi rửa bát đi.”

Ngay lúc đó vị tăng liễu ngộ.

Chữ nghĩa làng văn

Nếu muốn viết một truyện ngắn hay anh phải vô tư với chính anh và đừng chiều theo đám đông độc giả kia. Anh phải tạo dựng cho độc giả cái mà họ phải đọc chứ không phải chỉ mang đến cho họ cái mà họ muốn đọc. Đó là hai công việc hoàn toàn khác nhau.

Một trong triệu chứng nhận ra mình đã…”già”

Ngại lên xuống thang lầu vì sợ té

Chữ nghĩa làng văn (2)

Cũng như ít san sẻ được với Thụy Khuê: “Bùi Giáng để lại hàng ngàn bài, có những câu thơ tuyệt hay, nhưng chính sự lập lại những khám phá ngôn ngữ buổi đầu khiến thơ ông trở thành khuôn sáo về mặt từ ngữ cũng như tư tưởng”.

(Cái hay cái dở ăn ở thơ Bùi Giáng – Đỗ Quyên)

Bồ bịch

Ðây là hiện tượng mượn âm trong ngôn ngữ bị hiện tượng tỉnh lược chi phối. Tại sao có từ bồ bịch, nghĩa là nhân tình? Nguyên trước đây có một từ ghép bồ bịch, chỉ hai nông cụ. Bồ là dụng cụ đựng lúa, có đáy; còn bịch cũng là nông cụ đựng lúa nhưng là tấm ví khoanh tròn, không đáy vì lấy nền nhà làm đáy.

Do đó, ca dao VN có câu:

Bởi anh chăm việc canh nông

Cho nên mới có bồ trong bịch ngoài.

(Lê Trung Hoa – Hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ)

3 Hồng Bàng thị 1

“Bản kỷ” về Hùng Vương lần thứ hai xuất hiện sơ lược trong Lĩnh Nam Chích Quái (1) trong truyện Dưa hấu, Bánh dầy bánh chưng, Chử Đồng Tử, Tiên Dung  và Truyện Hồng Bàng của Trân Thế Pháp dựa vào Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên.

Cội nguồn tộc Việt của Trần Thế Pháp như sau:

“…Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh, nhân tuần thú phương Nam đi với người con vợ cả là Đế Nghi. Rồi đến núi Ngũ Lĩnh, gặp Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục.  Đế phong cho con bà cả Đế Minh là vua phương Bắc, con bà hai Lộc Tục là vua phương Nam. Lộc Tục lấy hiệu là Kinh Dương Vương đặt tên nước là Xích Quỷ.

Kinh Dương Vương xuống thủy phủ lấy con gái hồ Động Đình sinh ra Sùng Lãm Lạc Long quân. Lạc Long quân thay cha trị dân, còn Kinh Dương Vương không biết đi đâu . Dân lúc nào có việc cần kêu Lạc Long quân: “Bố ơi không đến mà cứu chúng tôi”.

Một ngày Lạc Long quân gặp nàng Âu Cơ ở một mình, vì thấy đẹp lạ lùng, yêu quá, nên lấy làm vợ. Giáp một năm, sinh ra bọc trứng và nở ra trăm con (2). Chia đều làm hai, 50 theo Âu Cơ lên núi, 50 theo Lạc Long quân trở về thủy phủ, Âu Cơ lại nhắn gọi: Bố ơi không về để mẹ con ta thương nhớ. Lạ Long Quân về và nói: Ta là rồng ở thủy tộc. Nàng là giống tiên, ở trên đất. Thủy hỏa tương khắc khó mà ở cùng nhau. Âu Cơ trở lại huyện Bạch Hạc, phong cho con trưởng là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, truyền được 18 đời và được gọi là thời Hồng Bàng.

Về bờ cõi thì đông giáp Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc tới Động Đình hồ, nam giáp Hồ Tôn…”

(Giáo sư Lê Hữu Mục: Lĩnh Nam Chích Quái – 1959)

Mốt

Mốt: ngày kia

(mai mốt)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

3 Hồng Bàng thị 2

Cũng theo nhà biên khảo, giáo sư Lê Hữu Mục bình phẩm thì:

Trước Trần Trọng Kim, Ngô Sĩ Liên cũng viết như thế. Điều đó cho ta suy gẫm là nội dung của truyện được ghi chép bởi Trần Thế Pháp, người Hoa sống vào thế kỷ 14, dù có muốn xóa bỏ dấu tích Việt tộc cách mấy cũng không thể bỏ dấu tích được Việt tính như cách gọi tên: Đế Minh, Thần Nông nếu gọi theo cách người Hoa là Minh Đế, Nông Thần. Chuyện của Trần Thế Pháp chỉ muốn gán ghép nguồn gốc Hoa cho Sùng Lãm Lạc Long quân. Thành ra chúng ta chỉ nên coi chuyện Họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam Chích Quái như dựa trên chuyện dân gian nào đó, thêm thắt tình tiết cho có vẻ ly kỳ.

Các nhà viết sử cho thời cận đại chỉ tin vào những gì do Trung Hoa ghi chép nên cũng đã lập lại gần như nguyên văn những ý kiến cũ.

(1) Trong Lĩnh Nam Chích Quái không không nói tới Hùng Vương bắt đầu lên làm vua từ khi nào? Và vương vực của đất nước mà Hùng Vương thành lập mở rộng đến đâu? Theo truyền thuyết khẳng định rằng triều đại Hùng Vương kéo dài tới…2000 năm !?.

(2) Với Họ Hồng Bàng, sử nhà Nguyễn chép từ sử nhà Lê 300 năm trước với phụ đính:

“…Nhưng hẵng cứ chép lại để truyền nghi. Riêng chuyện bà Âu Cơ đẻ ra 100 trứng, vua Tự Đức phê trong Ngự chế vịnh sử tổng luân:  Kinh thi có câu tắc bách tư nam, đó là lời chúc tụng cho nhiều con trai đấy thôi. Xét đến sự thực cũng chưa đến số ấy. Huống chi lại nói đến trăm trứng! Nếu quả vậy thì khác gì chim muông, sao khác gì lòai người được…”

(Giáo sư Lê Hữu Mục: Lĩnh Nam Chích Quái – 1959)

Chữ nghĩa làng văn (3)

Trong một dịp ngồi chuyện phiếm với Phạm Duy, tôi (Đỗ Quyên) nhắc đến thơ họ Bùi với ý ca, họ Phạm gật gù vẻ cho qua, rồi không đừng được ông hơi nhăn mặt: “Nhưng lắm câu nhàm! Lặp lại quá, cậu ạ!”. Cái nhàm ở cấu tứ, nhịp điệu, ngôn từ trong thơ Bùi Giáng, nhiều người nhận ra như thế.

(Cái hay cái dở ăn ở thơ Bùi Giáng – Đỗ Quyên)

Một trong triệu chứng nhận ra mình đã…”già”

Ði đứng nằm ngồi chậm lại

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Lẽ thành phục

Thời xưa, có những nhà giàu sang để năm bảy hôm trong nhà, chờ con cháu về đông đủ, để họ hàng, làng xã, hàng tổng hàng huyện đến phúng viếng; để dựng rạp trước sân, dựng nhà trạm dọc đường từ nhà đến mộ để chuẩn bị mọi thứ khí tế và cỗ bàn thết đãi linh đình; để thày cúng chọn ngày, thày địa lý chọn đất an táng, phân kim lập hướng hẳn hoi. Có nhà còn sắm đủ trong quan ngoài quách, quàn tạm trong vườn, vài tháng sau mới làm lễ an táng.

Trong thời gian chưa chôn có “Lễ triêu tịch điện”:

Buổi sáng dậy bưng khăn lược vào linh sàng, các con quỳ khóc ba tiếng rồi quấn màn lên cáo từ rằng: “Ngày đã sáng rồi xin rước linh bạch ra linh toạ”. Sau đó rước hồn bạch ra đặt vào ỷ, vắt màn, dọn chăn gối, chiều tối lại rước linh bạch vào, đắp chăn thả chiếu, màn xuống. Thờ như lúc sống, chỉ lạy hai lạy (chỉ sau khi an táng, làm lễ thành phâng xong mới lạy bốn lạy theo nghi lễ người chết).

Các buổi tối trước khi chưa chôn, có “Lễ chúc thực” (Trồng bó đuốc trước sân):

Phường bát âm tấu nhạc, con cháu thay nhau túc trực bên linh cữu, trong nhà ngoài sân đèn đuốc sáng trưng.

Khi thân bằng cố hữu đến phúng điếu, người chủ tang và người chủ phụ đứng cạnh linh toạ và ngoảnh mặt về phía khách, hễ khách lạy hai lạy thì chủ lễ tạ lại một lạy. Khách vái cha mẹ mình ba vái thì vái tạ một vái. Trách nhiệm tiếp trầu, nước, cỗ bàn thuộc về người hộ tang.

Nếu có người con trai nào đi vắng chưa kịp về thì để mũ, khăn xô và gậy cạnh hương án.

Trước khi làm lễ chuyển cữu để chuẩn bị phát dẫn thì áo quan vẫn trở đầu vào trong, coi như lễ người sống, đọc văn cũng chưa dùng chữ “Hiển thảo” (cha) “Hiển tỷ” (mẹ) mà con dùng chữ “Cố phụ” (cha), “Cố mẫu” (mẹ).

Điều quan trọng nhất là người trị tang phải có kinh nghiệm: áo quan vỏ dày, gỗ tốt, trám thật kín, không để một khe hở nào. Đáy áo quan lót những chất chống ẩm như lá chuối, giấy bản, than, vôi, bỏng nếp… Các khe hở của áo quan được bịt kín trước bằng sơn ta, nhựa đường, dán giấy tráng kim. Nếu để lâu phải có trong quan ngoài quách, giữa quan và quách đổ cát vàng rang khô nóng. Phủ trên thi hài có các thứ hương vị để khử uế khí.

Trước ngày an táng còn có thêm tục “Lễ yết cáo tổ tiên”

Nếu không đưa được linh cữu, phần lớn các gia đình rước hồn bạch đến nhà thờ họ. Hồn bạch chỉ được đặt phía trước bàn thờ, để ở dưới, không được đưa lên bàn thờ tổ. Nội dung: Báo cáo với gia tiên có thân phụ hoặc thân mẫu về chầu tổ. Xong lại rước hồn bạch về nhà mình, đặt lại trên linh toạ.

Tình cà (2)

Anh cà tửng nên quen em cà chớn

Anh cà phê, cà pháo, em cà chua

Tình cà giựt cà rem phơi nắng trưa

Em cà khịa đòi anh mua cà rá

(Internet)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search