T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 232)

Lươn ngắn lại chê chạch dài

Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm

Chạch: cá chạch, giống cá trê, mình nhơn nhớt.

Thờn bơn: cá lưỡi trâu, miệng nhỏ và méo.

(Ý là mình xấu tệ còn hay chê người khác).

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Một trong triệu chứng nhận ra mình đã…”già”

Toàn kể chuyện ngày xưa.

Văn hóa cà phê (5)

Nhà hàng Thanh Thế

Ba nhà hàng La Pagode, Gival, Brodard ấy là 3 sắc thái riêng biệt làm nên cái trục “văn hóa không tên”, cái linh hồn của Sài Gòn, khó phai mờ trong ký ức của những người Sài Gòn.

Còn một địa chỉ nữa ở gần chợ Bến Thành là nhà hàng Thanh Thế, nơi này là chỗ gặp nhau của những ký giả thể thao như đàn anh Huyền Vũ, Thiệu Võ và một số những nhà báo miền Nam.

La Pagode, Gival, Brodard đã trở thành một cái “trục văn hóa không tên” phảng phất mà sâu đậm trong cái hồn của Sài Gòn…

(Văn Quang – “Văn hóa không tên” của Sài Gòn xưa)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Toàn chó cả thôi

Ích Khiêm người làng Phong Lệ, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Vốn dòng dõi người cao nguyên, trước họ Ong đến đời Tự Đức thi đỗ cử nhân, vua cho đổi thành họ Ông.

Bấy giờ vua Tự Đức đã mất, triều chính rối loạn, Tường Thuyết chuyên quyền, văn thần võ tướng chỉ là một lũ cầu an không ai lo đến việc nước. Ông bực dọc bèn đặt ra một tiệc mời khắp mặt đại thần tới dự. Các món ăn đều làm bằng thịt chó.

Lúc vào tiệc, nhiều người không ăn được thịt chó, ngập ngừng hỏi món ăn khác, thì ông trả lời:

– Bẩm, bữa cơm hôm nay toàn chó cả thôi.

Cơm xong, các quan gọi nước, mãi không thấy người nhà đưa lên. Vì ông đã dặn trước đừng đưa nên ai nấy đều khô cổ vì rượu. Một lúc sau, người nhà lên ông mắng ầm:

– Lũ chúng bay chỉ biết ngồi ăn hại, còn thì không biết việc nước là gì cả.

Các quan đều tím mặt.

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Giai thoại làng nho 1963)

Chữ nghĩa làng văn

Cái truyện đầu tay trong đời viết văn của tôi là một truyện dài. Tôi đưa cho bạn hữu xem; xem xong, các anh ấy nói: “Mày dại quá, sao lại bắt đầu bằng tiểu thuyết dài? Phải viết truyện ngắn trước đã mà tập viết cho xong cái đã rồi hẵng hay”.

Tôi chằng biết ất, giáp gì hết về vụ đó, nên lời bạn. Nhưng rồi bạn tôi bèn lấy chương đầu của tiểu thuyết đó, cho đăng báo, và nhà báo ban cho nó một cái danh hiệu là truyện ngắn.

(Vài ý nghĩ về truyện ngắn – Bình Nguyên Lộc)

Mặt mũi méo mó thì có đồng tiền

Mặt vuông chữ điền thì tiền không có

Đàn ông mặt chữ điền thường là người thông minh, cương nghị,

người như vậy không thể nghèo được. Tuy nhiên đôi khi có người

cũng nghèo xác xơ, ngược lại có người mặt hãm tài lại rủng rỉnh

tiền bạc. Vì vậy giàu sang là ở số mạng.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Courvoisier

Đặc biệt hãng rượu này không có ruộng nho riêng của mình. Họ nổi tiếng nhờ mua trữ những hầm rượu mới “đắt tiền”, và “rẻ tiền” mang về pha chế loại rượu này gía trị gần hạng “A”, trên hạng “B” với giá trung bình.

Theo nhiều nguồn khác nhau hãng của ông Felix Courvoisir thành lập năm 1743, 1834, 1843, và 1890. Tuy nhiên dựa vào giai thoại và lịch sử thì Năm 1811, Trung úy pháo binh Napoléon thăm hãng rượu Courvoisier ở Berey. Và tiếp đến, khi Napoléon bị đày ra đảo St Hélène năm 1828. Nên hãng Courvoisier phải được thành lập trước năm 1834 (?).

Vì không có con trai nên sau khi mất bán cho Anh (1909).

Chữ nghĩa làng văn

Truyện ngắn giả hiệu ấy xuất hiện trên mặt báo là bạn đọc có cảm tình với nó ngay, và tôi được người trong làng văn đếm xỉa tới ngay. Nhưng cái may mắn đó, thật ra không làm cho tôi sáng mắt đâu. Tôi tự sáng mắt ra sau khi nghiên cứu cái truyện của tôi: bạn hữu của tôi đã sai lầm to. Truyện ngắn không hề là bài tập vỡ lòng trong văn nghiệp của một người nào đó.

Truyện ngắn là một loại văn riêng biệt, có kỹ thuật riêng, có nghệ thuật riêng, chớ không là một đoạn văn ngắn nào đâu, cũng không phải là truyện dài rút cho ngắn gọn, và nhất là không phải là cái bậc thang dùng để leo lên địa vị tiểu thuyết dài.

(Vài ý nghĩ về truyện ngắn – Bình Nguyên Lộc)

Chữ nghĩa với ca dao

Cô gái hái chè 

Hôm qua em đi hái chè

Gặp thằng phải gió nó đè em ra

Em lạy mà nó chẳng tha

Nó đem đút cái mả cha nó vào

Bấy giờ em biết làm sao?

Nếu em càng giẫy nó vào thêm sâu

Cái gì như thể củ nâu

Cái gì như cái cần câu vật vờ

 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Chim rừng bóp cái chết ngay

Chim nhà mà bóp càng ngày càng to

 Tình dục trong văn chương cổ (3)

 

“…Một đêm ánh trăng trong trẻo, hai nàng bèn sai Hoa, Nguyệt đi mời Sinh. Sinh đến, Lan bảo:

– Đêm nay cảnh xuân dần đến, trăng sáng giữa trời, cho nên chị em thiếp thết tiệc mời chàng, gọi là Lan Đình thắng hội.

Sinh nói:

– Đối ẩm trước hoa, vào xuân dưới trăng có thể gọi là việc vui thú trên đời đó.Nhưng ta nay được cuộc gặp gỡ tốt lành này, thì cô Hoa cô Nguyệt quả là có công. Đêm nay hãy cùng các cô chung vui, hai nàng thấy thế nào?

Hai nàng đồng ý. Bèn cho trải đệm Phù Lưu, rót chén thuỷ tinh, ba người vào tiệc. Rượu đã ngà ngà, Sinh ôm Lan vào lòng, sai Hoa, Nguyệt chúc rượu. Huệ thì hát mời Sinh…

Ca vừa xong thì Sinh kéo Huệ đè xuống. Huệ nói:

– Trăng sáng giữa trời thế kia, sao có thể làm vậy?

Sinh nói:

– Bể biếc trời xanh cũng chiều lòng, Quảng Hàn muốn vậy mà không được, há lại ghen nhau sao?

Rồi đẩy ngã vào trong đệm, hỉ sức mây mưa. Xong rồi Sinh lại kéo Lan, Lan cũng không chống lại. Bắt chước theo hình dáng chim âu chim vụ, phỏng học theo tư thái uyên ương, quả là niềm cực lạc trong cõi nhân gian. Sau đó đến Xuân Hoa. Lúc Xuân Hoa giao hợp với Sinh, lòng xuân rạo rực, mặc cho Sinh muốn làm gì, không hề mảy may khó khăn. Sau đó đến Nguyệt, Nguyệt không chịu. Sinh nói:

– Đất đai trong thiên hạ, mười phần ta đã có được tám chín, nay chỉ còn mảnh đất nhỏ bằng viên đạn, sao dám chống cự vương sư?

Rồi bế vào trong đệm, mặc sức mây mưa. Hoa binh nguyệt trận, nhung mã tung hoành. Giao hoan xong, Sinh lại cùng hai nàng đối ẩm. Uống mãi cho đến khi trăng lặn sau núi, bất giác say mèm. Các nàng vực chàng vào ngủ”

Qua một số đoạn trích trên thấy người xưa cũng sex táo bạo quá. Nhà nho mà viết về sex như thế thì thật quá lắm. Ta lý giải làm sao, khi đặt Cuộc gặp gỡ ở vườn hoa vào trong văn chương cổ Việt Nam, đột khởi một cái mấu ghê gớm như vậy. Sách thì Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang lưu trữ. Các nhà nghiên cứu xếp nó vào tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam. Nội dung sách có địa danh Nam Xang, Sơn Nam là những địa danh Việt Nam. Các chuyên gia về văn học cổ đều cho rằng đây là một tiểu thuyết sex táo bạo nhất trong cổ văn Việt Nam. Thế thì sex Việt cũng đáng gờm lắm!

 (Hoa viên kỳ ngộ – Nguyễn Xuân Diện)

4 Ngộ chữ với Thiền

Hãy nhìn thẳng vào sự vật!

Thời Lý, có người hỏi đại sư Vô Ngôn Thông thiền là gì; thiền sư lặng lẽ trỏ ngón tay vào cây thoan lư. Bằng ngôn ngữ cứng nhắc của quy ước, ai mà phơi bày cho được những bản chất sâu thẳm nhất? Như thể cây kia, muốn hiểu, hãy nhìn thẳng vào sự vật!

Tín ngưỡng phồn thực (4)

Tục rước sinh thực khí

Làng Đông Kỵ, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh có nhiều tục lệ lạ đời trong đó, tục rước sinh thực khí được xem là quan trọng nhất. Làng nầy cũng thờ hai vị Thành hoàng, một nam, một nữ. Trong ngày chánh lễ, thoạt tiên là tế hai vị Thành hoàng (hai dâm thần) sau đó là lễ rước long trọng. Người dẫn đầu trong buổi rước là vị tiên chỉ, hay bô lão lớn tuổi nhất và được trọng vọng nhất trong làng. Vị nầy cầm trên tay hai hình sinh thực khí, một của nam và một của nữ, được cách điệu hoá. Dân chúng đi theo sau, vừa đó vừa hát. Tiếng trống đại hướng dẫn; mỗi khi có tiếng trống gióng lên thì vị dẫn đầu là xỏ hai sinh thực khí với nhau, hình ảnh của sự giao hợp.

Sau khi lễ xong thì việc đốt hai sinh thực khí bắt đầu. dân trong làng chia nhau những tro của sinh thực khí, nhất là những gia đình hiếm muộn con cái. Tro nầy cũng mang ý nghĩa phồn thực mùa màng. Nông dân lấy tro rắc trên thửa ruộng của mình và hy vọng năm tới mùa màng sẽ tốt đẹp.

Tục thờ và rước sinh thực khí còn được tổ chức tại nhiều làng khác miền Bắc. Chẳng hạn như tại hai làng Khúc Lạc và Dị Nậu trong địa phận của tỉnh Phú Thọ. Mỗi năm, trong lễ tế, họ rước đến 36 hình biểu trưng sinh thực khí, 18 hình sinh thực khí đàn ông và 18 hình sinh thực khí đàn bà. 36 sinh thực khí nầy được gọi tên là “nõn nường” (do chữ “nọ nàng” đọc trại ra). Những sinh thực khí đó sau khi rước xong cũng được đốt thành tro, chia cho dân trong làng.

(Hội tết làng xưa – Kiêm Thêm)

5 Ngộ chữ với Thiền

Cư trần lạc đạo

Trần Nhân Tông (1279-1284)

Phái Trúc Lâm

Bụt ở trong nhà, chẳng cần tìm xa

Vì quên mất gốc, nên ta tìm Bụt

Nay mới hay: Bụt chính là ta

Mom

Mom: chỗ đất nhô ra sông

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Trần Tế Xương

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Bà Nữ Oa và ông Tứ Tượng (2)

Sau ba ngày, đứng trên núi của ông Tứ Tượng, bà Nữ Oa nhìn thấy biển Đông và các quần đảo của các nước lân cận. Ông Tứ Tượng đứng ở đỉnh núi của bà Nữ Oa chẳng những nhìn thấy biển cả mà còn nhìn thấu được cả bốn phía chân trời! Bà Nữ Oa thấy núi ông Tứ Tượng làm chẳng ra trò trống gì cả, bèn co cẳng đạp cho mấy đạp: núi ông Tứ Tượng đổ sụp và bắn vung vãi khắp nơi, tạo nên vùng thượng du và và trung du ở phía Bắc nước ta. Bà Nữ Oa đòi ông Tứ Tượng phải làm một công trình khác. Để làm đẹp lòng người bạn gái, ông Tứ Tượng hì hục đắp không biết cơ man nào là núi đồi, suốt từ Bắc chí Nam. Hiện nay trên các sườn núi ở miền Bắc và miền Trung vẫn còn hằn rõ mồn một những dấu chân to đùng bát vại của ông.

Với tính chịu thương chịu khó của ông Tứ Tượng làm bà Nữ Oa động lòng và bằng lòng cho ông Tứ Tượng chuẩn bị làm lễ kết tơ hồng! Ông Tứ Tượng và đoàn người của họ nhà trai mang đến nhà bà Nữ Oa xin dẫn cưới. Đoàn người vượt một quãng đường từ Bắc vào Nam, khi đến sông Gianh mà chẳng có đò giang gì. Ông bèn dùng luôn cái… “của quý” của mình làm cây cầu bắc từ bờ này sang bờ bên kia! Cả đoàn theo nhau đi được nửa chừng. Bỗng có một người cầm đuốc, quên béng đi mất, lại tưởng mình đang đi trên một cây cầu bằng tre bằng gỗ, bèn dụi tàn đuốc còn đỏ lửa xuống sàn cầu…Ông Tứ Tượng đột nhiên bị bỏng, giật nảy mình, làm cho “cầu” rung lên bần bật khiến một nửa đoàn người dẫn cưới rơi tõm xuống sông!

Cuối cùng thì việc dẫn cưới cũng suôn sẻ. Bà Nữ Oa trở thành vợ ông Tứ Tượng.

(Nguồn: Kiều Văn)

Chữ và nghĩa

Trái sầu riêng có nguồn gốc từ Malaysia là đu-riêng. Ban đầu (thế kỷ 19) người Việt dùng cả hai từ, sau loại hẳn từ đu-riêng.

(Vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt – Lê Trung Hà)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Nhập quan

Theo kinh nghiệm dân gian: Hơ lửa và nắn dần cho thẳng ra, hoặc dùng cồn, rượu xoa bóp, nếu vẫn còn cứng lại thì có thuật dùng hai chiếc đũa cả để hai bên mép áo quan rồi cho thi hài lọt xuống dần, khi thi hài đã lọt vào áo quan rồi thì phải cắt bỏ những dây buộc chân, buộc tay, buộc vai, buộc mông để người chết có thể nằm thoải mái.

Văn sử với truyền thuyết (1)

Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng từng khẳng định: “Truyền thuyết không phải là lịch sử”. Theoông không ít truyền thuyết còn được chuyển thành chính sử. Ví dụ lịch sử thời Hồng Bàng: “Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ đã từ truyền thuyết dân gian đi vào chính sử”. Ông cho lịch sử là câu chuyện : “Kể lại những bước đi của con người, sự việc thực được ghi lại bằng chữ viết”. Chức năng của sử: “Sử là tác phẩm viết về các sự kiện và nhân vật lịch sử. Mục đích của sử là ghi chép sự thật, không hư cấu như văn nghệ thuật, nhằm cung cấp những sự kiện lịch sử của dân tộc và bày tỏ thái độ khen chê của sử gia đối với các nhân vật lịch sử để đời sau lấy đấy làm gương”.

Hình thức đầu tiên của những câu chuyện lịch sử là biên niên sử. Sau biên niên là kỷ sự. Sách Ngữ văn 10 giải thích rõ hơn: “Sử xưa có hai thể: biên niên và kỷ sự. Biên niên là lối viết sử theo trình tự thời gian (Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư…).

Kỷ sự là lối viết sử theo các sự kiện hoặc theo từng sự việc của nhân vật lịch sử. Thể kỷ sự có ba tiểu loại: Bản kỷ (ghi chép về các vua), Liệt truyện (ghi chép về các bề tôi), Chí (ghi chép cả về vua và bề tôi)…”

Tình cà (1)

Cà khịa hoài anh chưa thể kiếm chác

Nên cà khùng chửi em giống cà na

Chộp cà mên em giộng anh dập cà

Tình cà đong cà đưa xa từ đó

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search