T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 233)

Kiến nghĩa bất vi

Kiến: trông thấy – Vi: làm.

Nguyên câu thành ngữ Hán Việt là: “Kiến nghĩa bất vi dũng giả”,

là thấy việc nghĩa không làm là người không dũng khí.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Truyện chớp: Đời sống

Con người ta sống trên đời, vô danh thì dễ.

Nhận xét tản mạn về Tchekov

Anh có biết không, muốn đánh giá một nhà văn mới vào nghề, hãy xem ngôn ngữ của anh ta. Nếu văn anh ta không có cái giọng riêng, anh ta khó lòng có thể trở thành một nhà văn thực thụ. Còn khi đã có giọng riêng, có tiếng nói của mình, với tư cách một nhà văn, anh ta đáng để ta hy vọng.

Khi ấy ta có thể xem xét mặt khác những gì anh ta viết.

(Sổ tay truyện ngắn – Vương Trí Nhàn)

Chữ và nghĩa

Hồ Biểu Chánh (1885-1958) đã khởi đầu sự nghiêp văn chương bằng tập thơ U Tình Lục. Trong đó có chú thích khác rất thú vị về tên của Sài Gòn xưa:

“Buồm cao lèo thẳng nhắm miền Ngưu Giang”. 

Nhắm miền Ngưu Giang:Trực chỉ lên Sài Gòn. Ngưu Giang hay Ngưu Chữ, Ngưu Tân, tức Bến Nghé, tức Sài Gòn. 

(U tình lục – Hồ Biểu Chánh)

Nhận xét tản mạn về Tchekov

Không việc gì phải lo tìm bằng được những cốt truyện cho thật lắt léo. Những truyện ngắn mà anh gửi cho tôi toát ra một vé giả dối ghê gớm.  Cốt truyện không thể có được.

Đừng cố viết khi óc lười nghĩ. Hãy chỉ viết không quá hai truyện ngắn trong một tuần rồi tìm cách thu bớt nó lại. Đừng viết về những đau khổ mà anh chưa từng trải qua, đừng vẽ nên những khung cảnh mà anh chưa nhìn thấy, vì trong truyện sự giả dối hiện ra còn tẻ nhạt hơn nhiều, so với khi trò chuyện.

(Sổ tay truyện ngắn – Vương Trí Nhàn)

Văn hóa cà phê (3)

Givral

Có một nhà thơ hàng đầu VN thời đó là thi sĩ Đinh Hùng, bình thường ông hay ngồi ở La Pagode, nhưng khi “hữu sự” ông lại ngồi ở Givral. Dáng người “thanh thoát” nhỏ nhắn rất thư sinh. Lúc nào ông cũng chải chuốt, complet, cravate, đầu chải mượt gọn gàng, tay luôn xách chiếc cặp da, ông còn giữ nguyên vẻ đỏm dáng, lịch lãm của “công tử Hà Nội” những năm 50.

Ông thường hẹn gặp những người ái mộ ở đây. Tôi để ý thấy hầu hết là những nữ độc giả rất trẻ, đẹp. Khi ông ngồi cùng 3-4 cô, khi ông lại rù rì với một người đẹp duy nhất. Đúng là ông có số đào hoa và dù đã ngoại ngũ tuần nhưng trái tim vẫn còn rất trẻ. Những lúc nhìn ông “say” như thế, tôi có cảm tưởng như ông cũng giống như những cậu trai 20 ngồi bên cô gái 18. Ông sống thật với rung cảm của mình. Có lẽ vì vậy thơ ông bao giờ cũng mang cái óng mượt, thần thoại rất đặc trưng. Có thể, Givral chính là nơi bắt ngưồn cho những cánh thơ thăng hoa của cảm xúc này.

Hôm nay ngồi ở Givral, hình bóng anh Đinh Hùng vẫn quanh quẩn đâu đây. Nhớ lại, khi tôi viết truyện dài “Đời chưa trang điểm”, tiêu đề này chính là đã mượn trong câu thơ “đời chưa trang điểm mà xuân đã về” của anh. Lúc gặp nhau, anh nói với tôi: “Ừ, cái tít ấy có vẻ tiểu thuyết lắm, cứ lấy xài đi, đóng thuế cho tớ một cuốn thôi”. Mới đây mà đã hơn nửa thế kỷ rồi anh Đinh Hùng ơi!

Lạc đạo vong bần

Lạc: là vui – Vong: là mất. Ở hành ngữ này có nghĩa là quên.

Có nhiều người trong cảnh nghèo mà họ vẫn vui vì tìm được niềm

vui với đạo lý. Khi có niềm vui, họ tạm quên khuất đi…nỗi buồn.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Martell

Những hãng rượu Cognac sếp theo thứ tự thời gian sáng lập:

Hãng rượu lâu đời nhất của Pháp do ông Jean Martell sáng lập năm 1715.

Chuyến tàu đầu tiên qua Anh năm 1831 là chai rượu có nhãn hiệu “Very Special Old Pale (VSOP) – Chai Medaillon mang nhãn hiệu vua Louis XIV “Sun King”.

Martell được nhiều người Việt biết đến vì là hãng rượu đầu tiên chuyên chở qua phương Đông: Tàu (1861), Việt Nam (1867), Nhật (1868), tiếp đến là Mã Lai, Nam Dương, v…v… Tự Đức thứ 20, Pháp chiếm 3 tỉnh miền tây Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Từ đó (năm 1867) Nam kỳ thành thuộc địa của Pháp. Cũng như trước đó, năm 1860, Tàu phải ký hòa ước Thiên Tân với Pháp và Anh nên sau đấy hãng Martell mới có cơ hội để có mặt ở xứ này.

Chữ nghĩa với ca dao

Của tôi tôi để đầu hè,
Bỗng dưng anh đến anh đè tôi ra,
Kêu lên, xấu mẹ hổ cha,
Nín thinh, ướt của tôi ra thế này…

Tín ngưỡng phồn thực (2)

Cướp nõn nường

Cướp nõn nường vừa là trò chơi, vừa là tục lệ liên quan đến nghi lễ “Cầu Đinh”; thường được diễn trong một số các hội làng miềnBắc Việt. Nõn nường (hay kén) mỗi tấm làm bằng mo cau ở giữa có đường rạch (tượng trưng cho âm vật) xỏ vào một cái chày ngắn bằng gỗ vuông tước xơ một đầu (tượng trưng cho dương vật), gọi là kén “mo đai” và kén “chày kình”. Sau khi rước các bộ kén vào tế lễ Thành Hoàng, người chủ đám tế tung kén ra giữa sân đình; mọi người chen lấn nhau tranh cướp.Theo dân làng ai cướp được kén, năm đó sẽ làm ăn khá. Những người đến kỳ sanh đẻ, nếu cướp được “chày kình” hy vọng sinh con trai; cướp được “mo đai” hy vọng sinh con gái. Nghi lễ hội lễ nầy mang tín ngưỡng phồn thực.

(Hội tết làng xưa – Kiêm Thêm)

Chữ và nghĩa

Hồ Biểu Chánh (1885-1958) đã khởi đầu sự nghiêp văn chương bằng tập thơ U Tình Lục. Trong câu thơ:

“Vội vàng đội níp đề huề thẳng xông”Níp hay niếp là cái rương nhỏ dùng để đựng sách vở và quần áo của người học trò xưa. Người ta có thể đội trên đầu hay quảy trên vai mà đi đường xa. Ông Hồ Biểu Chánh nói đội níp, nhiều tác phẩm Nôm thế kỷ 19 về trước nói quảy níp cũng đều là cách di chuyển của học trò nghèo. Thơ xưa có câu: Chí thà níp đội bầu mang.

(U tình lục – Hồ Biểu Chánh)

1 Ngộ chữ với Thiền

Kệ và thơ Thiền

Thơ có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ cuả các Thiền sư từ  thời Lý (1010-1225 ) -Trần (1225-1400) vẫn còn được truyền tụng  đến ngày nay, bởi vì nó chưá đựng vẻ đẹp tư tưởng và nghệ thuật rất riêng. Nhưng đọc thơ Thiền không dễ, cần một cách tiếp cận khác với cách đọc thơ thế tục.

Kệ là một hình thức văn chương nghi lễ cuả Phật giáo,  như Kệ dâng hương , Kệ dâng hoa , Kệ vô thường buổi sớm.. Các Thiền sư thường làm  kệ “ thị tịch “ để căn dặn đệ tử trước lúc qua đời . Tiểu truyện về các Thiền sư thường có những bài kệ. Những bài kệ ấy vưà nói về giáo lý Phật vưà chưá đựng chỗ độc đáo chứng ngộ cuả mỗi người. Thiền Uyển Tập Anh nổi tiếng với những bài kệ như Thị Đệ Tử cuả Thiền sư Vạn Hạnh, Cáo tật Thị chúng cuả đại sư Mãn Giác. Khoá Hư Lục cuả Trần Thái Tông (1218 – 1277)  có Kệ ngũ giới , Kệ bốn núi …

Kệ dạy giáo lý Phật bằng ngôn ngữ khái niệm. Nhưng khi chuyển  thành ngôn ngữ hình tượng , Kệ trở thành thơ Thiền , ý nghiã tư tưởng chuyển hoá thành ý nghiã nghệ thuật. Chẳng hạn:

Bát Nhã chân vô tông

Nhân không, ngã diệc không

Quá, hiện, vị lai Phật

Pháp tính bản lai đồng. (1)

(Lý Thái Tông. 1028-1054)

“Bát Nhã” Thực vô tông

Người không, mình cũng không

Phật trước, nay, sau nữa

Pháp tính vốn tương đồng

(Ngô Tất Tố)

Bài kệ này chỉ diễn đạt giáo lý  về Chân Như. Ngôn ngữ kệ là ngôn ngữ khái niệm, không có hình tượng . Kệ cuả sư Vạn Hạnh đã có bước chuyển hoá thơ .Ngày 15 tháng 5 năm Thuân thiên thứ 9 (1018) sư không bệnh, gọi đệ tử đến đọc bài kệ:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phôi (1)

(Vạn Hạnh Thiền sư)

Sư lại bảo các đệ tử: – Các ngươi muốn đi đâu? Ta không lấy chỗ trụ mà trụ, cũng chẳng dựa chỗ vô trụ mà trụ.

Một lát sau sư qua đời.

(Cách tiếp cận thơ thiền – Bùi Công Thuần)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Bánh không cẳng sao gọi bánh bò?…

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Đám cưới chạy tang

Đó là trường hợp “Ưu hỷ trùng phùng”. Vui và buồn dồn vào một lúc. “Sinh hữu hạn, tử vô kỳ”, cuộc đời thì có hạn nhưng ai biết trước chết vào lúc nào. Theo lễ nghi thì khi trong nhà còn tang, trên đầu còn có vành khăn trắng, nhất là đại tang thì tránh mọi cuộc vui. Nhưng lễ cưới đã chuẩn bị sẵn, nếu quá câu nệ cho cả hai gia đình, nhiều trường hợp tình duyên đôi lứa dở dang, nhất là các gia đình cả đôi bên đều ông già bà cả, có khi đợi đến bảy, tám năm sau chưa hết tang. Vì vậy tục lệ xưa cũng có khoản “trừ hao”: “Cưới bôn tang, tức là cưới chạy tang”.

Khi đó người chết nằm tạm trên giường, đắp chăn chiếu lại, chưa nhập quan, hoặc gia đình có thể tự làm thủ tục khâm liệm, nhập quan nhưng chưa làm lễ thành phục. Theo nghi lễ, nếu chưa thành phục thì trong nhà chưa ai được khóc. Hàng xóm tuy có biết nhưng gia đình chưa phát tang thì chưa đến viếng, trừ thân nhân ruột thịt và những người lân cận tối lửa tắt đèn có nhau, coi như người nhà.

Trong khi đó, cả hai gia đình chuẩn bị gấp đám cưới cũng làm đủ lễ đưa dâu, đón dâu, yết cáo gia tiên, lễ tơ hồng… nhưng lễ vật rất đơn sơ, thành phần giản lược, bó hẹp trong phạm vi gia đình và một vài thân nhân. Công việc cưới, gả xong xuôi mới bắt đầu phát tang. Cô dâu chú rể mới, trở thành thành viên của gia đình, chịu tang chế như mọi con cháu khác. Nếu hai gia đình thông cảm cho nhau, có thể trong một ngày, từ sáng đến trưa cưới dâu, chiều tối phát tang cũng xong.

Chữ và nghĩa

Ở miền Bắc có một loài cá giống và to bằng cá chép, nhưng có đặc điểm là tươi rất lâu tên là cá rói. Dù bị bắt ra khỏi nước từ sáng đến trưa cá vẫn còn tươi nên có thành ngữ tươi như cá rói, về sau tỉnh lược thành tươi rói.

(Vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt – Lê Trung Hà)

Văn sử với truyền thuyết (I)

Khi đọc loạt bài bàn về văn bản truyện Mỵ Châu – Trọng Thủy, Đặng Văn Lung cho rằng một số tác giả: Thường đồng nhất truyền thuyết với lịch sử, lấy truyền thuyết làm lịch sử, thậm chí có người đã đồ truyền thuyết lên lịch sử, sửa lịch sử lại cho đúng với truyền thuyết”, truyền thuyết là truyền thuyết, lịch sử là lịch sử, không thể đồng nhất được”. Ngay trong sử thời Hồng Bàng của ta dường như cũng có hiện tượng này.

Đặng Văn Lung từng viết: “Theo chủ quan tôi suy luận ra, thì truyền thuyết cái bọc trăm trứng là của dân tộc, nhưng đoạn đầu nói Lạc Long Quân là con Lộc Tục, và Lộc Tục là con vua thần nông, một vị vua mở đầu lịch sử Trung Quốc, theo sử cũ, thì đó là do các sử gia thêm thắt vào (…) Lại lối đặt tên như những tên: Hồng Bàng, Hùng Vương, Lộc Tục, Kinh Dương Vương, Thần Long, Lạc Long Quân, Âu Cơ v.v… cũng là do các sử gia ấy bịa ra, đến cả những tên An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy cũng vậy…”

Đặng Văn Lung cũng nhấn mạnh: “Nói chung, những người nghiên cứu đều biết !”.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ghe không tay sao kêu ghe vạch?

Chữ và nghĩa

Chúng ta chỉ có thể giải đáp câu trên dựa vào cuốn Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, xuất bản cách đây trên 110 năm. Trong sách này, tác giả ghi bánh vú bò và giải thích vì bánh đổ vào chén, trông giống như cái vú con bò. Về sau rút gọn thành bánh bò. Ðây là hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ.

(Vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt – Lê Trung Hà)


2 Ngộ chữ với Thiền

Lời nguyện cầu cho một thế giới hư vô

Sau khi mẹ tôi về hưu, bà trở nên mê tín đến kỳ cục. Bà có một niềm tin mãnh liệt vào những sinh thể ở một thế giới khác đang điều khiển ý chí của chúng ta giống như người ta điều khiển những cỗ máy. Hàng tuần, bà và những người bạn của bà tụ tập lại, cùng đọc những bài kinh không rõ xuất xứ, có nội dung phức tạp và rối rắm đến mức tôi tin rằng trên đời này không ai có khả năng lĩnh hội được chúng. Họ nghĩ rằng bằng cách đó, họ có thể giao tiếp một cách vô thức với những sinh thể bí mật kia.

Họ muốn cha tôi tham gia vào những buổi đọc kinh ấy.
“Cũng được thôi.” Cha tôi nói. “Tuy nhiên, là một người làm công tác nghiên cứu khoa học, tôi cần có bằng chứng về sự tồn tại của cái thế giới mà các vị đang cầu nguyện. Nếu không, chẳng hóa ra chúng ta đang thờ cúng cái hư vô hay sao?”
“Tại sao bác lại nói vậy?” Họ kêu lên, giọng đầy phẫn nộ. “Làm sao thế giới ấy có thể là hư vô khi chúng tôi tin vào sự tồn tại của nó. Bản thân niềm tin ấy há chẳng phải là một bằng chứng xác thực nhất hay sao?”

Lý lẽ của họ cuối cùng đã thuyết phục được cha tôi. Ông ngồi đọc kinh cùng họ. Ngày thứ nhất đọc kinh, ông nhìn thấy những thiên thần bay ra từ cuốn sách kinh, lượn trên mái nhà của chúng tôi và cười ha ha. Ngày đọc kinh thứ hai, những thiên thần nhảy múa xung quanh ông và thì thầm vào tai ông những lời tục tĩu.
Ngày thứ ba, những thiên thần nói những điều gì đó mà ông không thể hiểu nổi, rồi bọn chúng khóc hu hu. Chỉ đến khi đó, cha tôi mới nhận ra rằng người ta đang đọc kinh cầu cho linh hồn ông được siêu thoát.

Mén

Mén: vật mới sinh

(dế mén, nhái mén)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search