T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 237)

Kiến văn tiểu lục

Cách đây 300 năm, cụ Tam nguyên Duyên Hà Lê Quý Đôn viết sách Kiến văn tiểu lục (chép vặt những điều thấy nghe) ghi chép lại trong sách những chuyện hay, nhỏ, vui, lạ và khoảng 100 câu người xưa để lại từ đời Trần đến đời Lê những lời khuyên cho người đời như:

“Hiếu nghị luận nhân trường đoản, thị phi, vi đại ác .”

(Những kẻ hay bàn luận hay dở, phải trái của người khác là kẻ gian ác.)

(Nguồn: Hoàng Hải Thủy – Báo Sài Gòn Nhỏ)

Nghiêng lụy

Em ngự trị một góc lớn của Thơ. Em thường ở trong đời. Thỉnh thoảng có Em ra ở ngoài đời, như Em Kiều trong Đoạn trường tân thanh,  Em Sư trong…Nghiêng lụy.

Đời không phải cứ bước ra khỏi là quên được đâu. Mà không phải đã cố ý tránh là sẽ không gặp lại. Cho nên một chiều, dưới mái tam quan, tiếng chim rơi thánh thót, giọt trăng lã chã. Ới Bụt ơi!
(…)

Thấy nàng ăn mặc nâu sồng
Bỗng mơ tưởng tới ruộng đồng hoang liêu
Lầu xanh dứt nhịp phù kiều
Tà xiêm bạo động tư triều giậy cơn
Nâu sồng ăn mặc sớm hôm
Ðêm nằm ngó nguyệt sáng dòm song the.

(Ăn mặc nâu sòng – Bùi Giáng)

Chữ nghĩa làng văn

Thế nào là sống?

“Sống về mồ mả

Không ai sống về cả bát cơm”

Mồ mả đây cũng là làng nước đó. Ở hải ngoại tuy bắt đầu lai rai có mồ mả, nhưng mà nó chưa đủ thành truyền thống, thành nước thành làng. Bát cơm tuy dễ kiếm nhưng làng nước khôn tìm. Hỡi ơi, thân no mà hồn đói. Biết nói thế nào cho hết mọi chua cay. Ta có chữ “ngụ cư” để chỉ người tha phương đến tạm ở một địa phương nào. Vẫn cùng trong một nước, thế mà thân phận đã ngu ngơ. Huống hồ ra khỏi nước. Trước hết là ngôn ngữ bất đồng. Phong tục thói quen đã khác. Cái ăn càng lạ nhá không vô. Đó là chưa kể tình trạng bơ vơ lạ nước lạ non. Thêm cái nhìn, cái thái độ kỳ thị thì chỉ đẩy thêm người tị nạn vào cõi… điên sầu.

Điên sầu có lẽ sẽ là động cơ để viết.

(Sống để viết – Tường Vũ Anh Thi)

Đầu gối đi đâu lặc lè theo đó

Lặc lè: Khớp xương ở đầu gối.

Chỉ việc đương nhiên không gì phải bàn cãi.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Giờ và khắc

Xưa kia ta dùng đồng hồ nước của Tàu. Nguồn gốc cái đồng hồ này được Lê Quý Đôn trong Vân Đài loại ngữ kể như sau :

” Cái đồng hồ gồm có 3 từng, tròn và đều có bề kính 1 thước đặt trên cái thùng hứng nước có góc vuông, có cái vòi rồng phun nước vào cái thùng hứng nước, nước chảy xuống dưới một cái cừ đặt ngang, trên nắp có đặt một hình người đầy đủ áo mão đúc bằng vàng gọi quan Tư Thì (coi về giờ khắc), hai tay cầm một cây tên. Đó là phép lậu khắc của Ân Quỳ.

Lấy đồng làm một cái ống hút nước (khát ô, con quạ khát nước) hình trạng giống như một cái móc uốn cong dẫn nước chứa đựng cho chảy vào một cái vòi rồng bằng bạc, phun vào cái đồ tưới (quán khí), nước rỉ chảy xuống 1 thang cân nặng 2 cân thì trải qua một khắc. Đó là phép lậu khắc của Lý Lan “.

Cái đồng hồ nước Lê Quý Đôn miêu tả chữ Hán gọi là khắc lậu.

Lậu nghĩa là nước rỉ ra, khắc là vệt khắc trên cái que.

Nước từ bình trên rỉ thành giọt rơi xuống bình dưới. Dùng một cái que có khắc vạch để đo mực nước và theo đó mà tính giờ. Một ngày được chia thành 12 giờ (tí, sửu…tuất, hợi). Giờ được chia thành khắc (một khắc gần bằng 15 phút của đồng hồ ngày nay). Đêm được chia thành 5 canh (canh một, canh hai…). Làng xã ngày xưa tổ chức việc canh gác, đổi phiên theo canh.

(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)

Lũn

Lũn: thấp, nhỏ

(lũn cũn – lũn đũn)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Ngũ phục

Theo “Thọ mai gia lễ”, có năm hạng tang phục tuỳ theo quan hệ huyết thống và nghĩa tình phân biệt thân sơ:

 Đại tang:

Trảm thôi và tề thôi.

Quần áo sổ gấu gọi là trảm thôi: Con để tang cha.

Quần áo không sổ gấu gọi là tề thôi: Con để tang mẹ, vợ để tang chồng khi cha chưa mất.

Thời hạn: 3 năm, đời sau giảm bớt còn 2 năm 3 tháng (sau lễ giỗ đại tường 2 năm, thêm 3 tháng dư ai).

Áo xô, khăn xô có hai giải sau lưng (gọi là khăn ngang).Nếu cha mẹ đều đã mất thì hai giải bằng nhau, nếu còn mẹ hoặc còn cha thì hai giải dài ngắn lệch nhau.

Con trai chống gậy: Tang cha gậy tre, tang mẹ gậy vông, mũ rơm quấn đầu, dây chuối, dây đai thắt lưng.

Con trai, con gái, con dâu đều để tang cha mẹ. (Kể cả đích mẫu, kế mẫu, dưỡng mẫu, từ mẫu và dưỡng phụ).

Vợ để tang chồng.

Nếu con trưởng mất trước thì cháu đích tôn để tang ông bà nội cũng đại tang thay cha.

Đi học thầy đánh, đi gánh đau vai

Đi học sợ thầy đánh, đi làm sợ nhọc sức. Chỉ hạng người

suốt đời như cây tầm gửi, dựa vào người khác.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Rượu cần

Miền Nam

Rượu Cần còn gọi là rượu “Ché”. Rượu cần là cách gọi của người Việt đối với loại rượu được một số dân tộc thiểu số ủ men trong hũ/bình/ché/chóe/ghè, không qua chưng cất, khi đem ra uống phải dùng các cần làm bằng tre/trúc đục thông lỗ để hút rượu.

Các cần tre, trúc dài cỡ một mét, được hơ lửa vuốt thẳng ra và đục thông ruột sau đó lại được uốn cong. Các dụng cụ đong nước vào ché như ca, sừng trâu đục thủng đáy v.v.

Nguyên liệu chính (cái rượu): cái rượu được làm từ những loại ngũ cốc thông dụng như ngô (bắp), sắn (khoai mì), gạo nếp, gạo tẻ, hạt ý dĩ, hạt bo bo, hạt cào (một loại cỏ), kê v.v. Mỗi loại cho một hương vị ngọt ngào riêng, tuy nhiên ở miền núi ưa chuộng nhất theo thứ tự là rượu cào, bo bo, kê, rồi mới đến gạo, bắp.

Men rượu được làm rất công phu từ các loại lá rừng có tinh dầu, gừng, riềng v.v.

Chum, hũ, bình, chóe, ché (còn gọi là ghè) đựng toàn bộ nguyên liệu đã ủ men. Trước đây người ÊĐê thường dùng các loại ché Tuk, ché Tang màu da lươn là những loại ché quý dùng trong dịp lễ lớn, hiện nay họ chỉ dùng các loại ché thường như ché ba.

Trong Nam, tùy theo buôn, thượng, họ làm rượu cần bằng nếp, bắp (để nấu rượu ngô). Rượu ngô đằm hơn rượu cần

Phụ nữ và văn chương

Trong cuốn Thi nhân Việt Nam xuất bản năm 1942, trong tổng số 46 nhà thơ được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu, chỉ có 7 người là phụ nữ. Con số ít ỏi các nhà thơ nữ ấy sau đó bị Vũ Ngọc Phan loại bỏ hoàn toàn trong bộ Nhà văn hiện đại xuất bản đầu thập niên 40 của ông. Trong suốt giai đoạn văn học thời 1930-40, Vũ Ngọc Phan chỉ chọn được một nhà văn nữ: Thuỵ An. Còn giai đoạn trước đó, ông chỉ chọn một nhà thơ nữ duy nhất: Tương Phố. Như vậy, trong danh sách 79 tác giả chọn lọc từ cuối thế kỷ 19 đến khoảng năm 1940 của Vũ Ngọc Phan, vỏn vẹn chỉ có hai tác giả nữ.

(Khuyết danh)

 Địa danh

Các địa danh như Hà Nội, Sơn Tây, Hà Đông, Trường Sa tại nước ta đã được dùng tại Trung Quốc, và được dùng trước ta lâu đời, về sau ta bắt chước?.

 (Ngự Thuyết – Dòng dõi người Việt gốc Hoa?)

Chữ và nghĩa

Bốn chữ Việt trong tiếng Tàu:

1 – Chữ Việt nguyên thủy cuối đời nhà Thương có thể có nghĩa là cái rìu Việt là phiên âm danh từ dân Việt dùng để chỉ món đó.

2 – Khi Khổng Tử san định Kinh Thư thì chữ Việt bộ Mễ mới thấy xuất hiện. Chữ Việt thứ nhì là Việt bộ Mễ, dùng để chỉ dân Việt ở nước Sở, tức là thứ dân Việt hỗn độn trong đó có chi Âu mà cũng có chi Lạc.

3 – Đến đời Xuân Thu chữ Việt nguyên thủy biến thành cái đuôi của chữ Việt bộ Mễ, dân Việt đời Chu đã tiến lên nông nghiệp thì không chỉ họ bằng lưỡi rìu độc đáo của họ nữa, mà bằng lúa gạo. Năm 672 T.K. Khổng Tử chữ Việt thứ ba có nghĩa là vượt qua.
Họ thấy Âu có khác nhau chút ít với Lạc nên bày ra tự dạng thứ ba không dùng tự dạng bộ Mễ nữa mà dùng để chỉ dân Âu (mà thôi) còn (Lạc) thì chỉ bằng tự dạng mới. Việt Vượt chỉ chi Lạc.

4 – Chữ Việt thứ tư xuất hiện vào đời Hán, trong quyển Hoài Nam Tử của Lưu An. Lưu An nói chuyện Tần Thủy Hoàng đánh Lĩnh Nam mà ở Lĩnh Nam thì người Tàu phải điên đầu với lu bù thứ Việt: Nước Ðông Âu, nước Tây Âu, nước Mân Việt và hằng chục nhóm Việt nhỏ chưa lập quốc sống cài răng lược giữa hai ba quốc gia đó. Tự dạng thứ tư nói lên cái ý niệm Bách Việt, cái ý niệm không còn phân biệt được nữa hay nhất là nó trở lại với ý niệm lưỡi rìu thuở ban đầu.

(Trích Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam)

Chữ nghĩa làng…nhậu

Còn trời, còn nước còn non. 
Còn có bạn rượu, anh còn say sưa

Chữ và nghĩa

Tôi có hai người bạn, một không thích dùng chữ Hán-Việt, một lại rất thích thú và giỏi chữ Hán-Việt. Tôi gọi người không thích là “Anti-HV”, còn người kia là “Pro-HV”.

Mà cái sự ở đời nó lạ lắm, khi mình ghét cái gì thì mình sẽ lại chú ý tới cái đó hơn, hơn cả những cái mình ưa thích nữa, nên Anti-HV từ khi treo bảng “Nói không với chữ Hán-Việt” thì đâm ra phải tìm hiểu chữ Hán-Việt tỉ mỉ hơn để hòng cãi lại người thường dùng chữ Hán-Việt là tôi.

 
 

Lần khác, tôi viết chữ “bao tử”, Anti-HV không chịu, bảo phải gọi là “dạ dày” vì chữ “bao tử” có chữ “bao” nghĩa là “bọc” và chử “tử” nghĩa là “con”, vậy “bao tử” nghĩa là “bọc lấy con”. Anti-HV còn bảo rằng chữ “bao tử” vẫn được dùng để chỉ động vật còn là thai trong bụng mẹ như “heo bao tử” hoặc trái cây còn rất non như “mướp bao tử”. Kết luận, “bao tử” đúng ra phải là “dạ con”.

Tôi bèn vào tự điển tìm, chỉ thấy chữ “vị” là chữ Hán-Việt chỉ dạ dày, như trong câu “ăn cháo nấm hương để bổ tỳ vị” (lá lách, dạ dày) mà thôi, không thấy chữ “bao tử”.

Tôi đuối lý nhưng cố vớt vát, cãi rằng người mình quen dùng chữ “bao tử” rồi, dù có sai cũng rất khó sửa lại, như chữ “cải lương” trước kia vẫn được dùng với nghĩa tốt là “thay đổi [cải] cho tốt hơn [lương]”, thế nên mới có bộ môn nghệ thuật hát Cải Lương, nhưng bây giờ thì ai cũng dùng chữ “cải lương” với ý chê bai là “(ăn mặc) lòe loẹt sặc sỡ (như đào kép hát Cải Lương)”. Bây giờ có ai dám dùng chữ “cải lương” theo nghĩa ban đầu nữa hay không? Cũng thế, “dạ dày” là “bao tử”, còn “dạ con” là “tử cung”, xài lẫn lộn thiên hạ lại bảo rằng mình hâm.

(Ngũ Phuơng – Tản mạn chuyện chữ Hán-Việt)

Chữ Nho

Có thể coi “Nho học”, nghĩa gốc của từ “Nho” trong tiếng Hán là “Sách” viết theo chữ Hán. Người Việt không gọi chữ  đó là chữ Hán mà lại gọi là chữ Nho và “Nho giáo” là để chỉ lối học hành bằng chữ tiếng Hán, những người có học thức “Nho sĩ” là người đọc sách Nho, như người học nhữ Hán là “Nho sinh”, “Nho gia”.

Cái nghĩa gốc xa xưa của chữ “nho” trong tiếng Hán vốn chỉ những người học hành, những người có học thức. Sách “Pháp ngôn” có câu: “Thông thiên địa nhân viết nho” (người thông tỏ mọi lẽ của trời, đất, người gọi là nho). Về sau, “nho” thường được dùng để chỉ các Nho gia.

(Nguyễn Trung Thuần – Tại sao gọi là “chữ nho”?)

Tên đường phố Hà Nội

Ngày 20 – 7 – 1945 bác sĩ Trần Văn Lai nhận chức Đốc Lý Hà Nội không đầy một tháng, ông đã làm được một việc “có những phút làm nên lịch sử” như:

1 –  Kéo đổ một loạt tượng đài như tượng Bà Đầm Xòe (Thần tự do) ở vườn hoa cửa Nam, tượng Paul Bert ở vườn hoa Paul Bert.

2 – Sửa đổi lại toàn bộ hệ thống tên đường phố, ông đã bỏ hết các tên phố do Pháp đặt, đổi thành tên các danh nhân nước ta theo quy tắc cho đến nay vẫn được coi là mẫu mực: Tầm nhìn của ông thuộc loại “có những phút làm nên lịch sử”, do cách đặt tên có tính khoa học (hợp lý) khiến cho đường phố Hà Nội được hệ thống hóa lại. Như được đặt theo từng cụm (khu vực), mỗi cụm tương ứng với một thời, một triều đại nhất định trong lịch sử. Vì thế có thể nói là tạo ra 1 cách học lịch sử trên đường phố: ví dụ:

– Quanh Hồ Gươm là khu vực các triều đại mở đầu lịch sử đất nước “Ngô, Đinh, Lý như các phố Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ đều là những đường lớn nằm gần nhau”. Đi về hướng khác là địa phận của nhà Trần với các phố Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Dã Tượng, Đỗ Hành, v…v…

Như ở Brisbane (Queensland – Úc) thì các phố trung tâm được đặt theo tên nhà vua và nữ Hoàng, các phố tên vua song song nhau và cắt các phố có tên nữ hoàng.

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search