T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: BẾN CHÙA

Vô Ưu _ Tranh: THANH CHÂU

Thẻo đất hẻo mọn nằm trên đồi có nhiều cây cổ thụ, nên được gọi là…núi. Tên núi là Non Nước, ‘’non’’ có thể vì chưa già đủ tuổi. Với nước, người nghe kể chuyện đồ chừng mảnh đất ngập nước là quê của một cụ nhà nho người Bình Lục, Hà Nam.

       Xưa, ở dưới làng xa xa, khởi đầu là nhà tranh, cột tre, vách đất, dựng bên cạnh nghĩa địa thờ vong hồn, nên được gọi là am chúng sinh hay cốc âm hồn. Bởi cốc, am lớn dần theo thời gian thành chùa. Vì lụt lội không chừng ở đất Bình Lục, chùa được dọn lên núi. Chùa nhìn xuống bến sông nên già làng gọi là bến Chùa. Từ chùa nhìn xuống con đò ngang in hịt chiếc lá tre mỏng manh, bập bềnh giữa dòng nước mông mênh đầy bất trắc.

        Bất trắc đến với sư trên con đò ngang ở bến Chùa…      

         Nghe hơi nồi chõ vùng đất đây có năm dột giời, kéo theo nạn đói để có một chú bé hpá thân thành sư ông. Chuyện là trước khi thành sư phải là chú tiểu trước đã.  Chú bị cha mẹ bỏ vào chùa để bớt đi một miệng ăn, chứ chả phải phát tâm thành chánh qủa. Nói thì nói vậy nhỡ chú buồn bỏ đi biết cậy nhờ ai…thỉnh chuông (xem tr 4). Là chú tiểu quét lá đa, chả ai nói với chú đi tu khổ lắm. Chú khổ tu theo tiếng chuông tiếng mõ, tròn tuổi, chú thọ giới thành tỳ kheo. Tùy duyên mà hóa, chú…hóa thành sư ông là vậy. Thôi thì trong đạo hay ngoài đời ai nấy có cái nghiệp mà nhà chùa gọi là biệt nghiệp chẳng ai giống ai. Tuy là sư ông chùa làng vóc người thô mộc, vậy mà trái nắng trở trời ông thường ngẫn ngẫn nhìn mây bay gió thổi…Riêng sáng nay nắng ong ong, mây đơ đơ, sư đờ ra chùa đây xưa kia là am chúng sinh, ma đưa lối quỷ dẫn đường tới cô hồn, cháo thí với cô hồn thất thểu dọc ngang (Văn tế Thập loại chúng sinh – Nguyễn Du). Bởi cúng cả năm không bằng rằm tháng bẩy, nên loáng một cái sư đã khăn gói gió đưa xuống chợ làng cách con sông chỉ một thôi đường.

       Lấy ngắn nuôi dài, người kể chuyện nghe sao kể vậy…

       Thưở ấy chưa có đồng hồ, sư ông ngắm trời đất luận tứ thời bát tiết miết nên trễ đò. Vai khoác tay nải, tay cầm đôi guốc rễ tre gộc, quai da trâu, đứng dưới cây gạo, kêu ơi ới:

      – Đò.

      Gào tướng lên xong, ông thầm nhủ, việc quái gì phải gọi như gọi đò sang sông vì không kêu con thuyền cũng ghé bến đưa khách sang sông là…sư kia mà.

      Trên thuyền có cô lái đò tuổi lỡ thì.

      Cô lái đò môi mím lại, trán lấm tấm mồ hôi, và óc ách đẩy sào đưa con đò tách bến. Như có tiền duyên hậu nghiệp, hay… biệt nghiệp theo nhà Phật chẳng ai giống ai. Vì lắm khi chỉ một chỗ ngồi với cái nhìn lơ đễnh không thôi có thể thay đổi cả một quãng đời: Vì ông đang ngồi trước mặt cô, sát mạn thuyền. Bỗng có con cá lớn quẫy mình tung lên khỏi mặt sông làm nước bắn vào vạt áo nâu sòng của sư. Sư ông giật mình thảng thốt kêu lên: A di đà Phật.

       Cô lái đò nghe vậy bụng bảo dạ rằng sư vẫn còn búi bấn với cái ngã, là sư vẫn còn tham sân si với cái áo, vậy lỡ… ‘’ngã’’ xuống sông thì sao. Bỗng gió đổi chiều, cụm mây mầu cánh vạc làm bầu trời sẫm hơn. Đò rời bến chừng một khắc trời đổ mưa, nước sông chuyển sang mầu nâu đất na ná như cà chua thối. Cô cong người như con tôm he, vừa chèo thuyền vừa liếc xéo ông và hóng hớt bâng quơ: Giông bão gì đâu như quạ xuống núi.

       Quạ đây ắt hẳn là…sư ông chùa làng. Bởi xa chốn phàm tục lâu ngày, nên xuống núi chả thông suốt câu nói ấy. Nhưng nhờ vậy, ông mới nhãn nhục cô kỹ hơn. Luận về con mắt, mắt ông có tròng, tròng nằm trong ổ, ổ lại kẹp giữa hai mi, nhìn thể nào cũng ra những tuyệt tác trong cõi trần tục. Ðối với ông cảnh vật nhân gian phù thế phải là đôi mắt của cô lái đò. Con mắt đó, trong nhân tướng học gọi là ‘’phượng nhãn’’, là mắt rồng, đen và tròn như hột nhãn. Theo ông nhân tướng học sai bét, vi ông cho rằng cô lái đò đẹp ở…con mắt có đuôi.

        Nước mưa ngấm qua manh áo mỏng tang, qua nhân tướng…người, ông dòm dỏ người ngợm cô có ‘’cái gì ấy’’ như quả phật thủ mà thí chủ thường cúng dường tam bảo làm sư bối rối và rối trí. Vì sư.bị bỏ trước cửa chùa rồi lớn lên theo tiếng chuông, tiếng mõ nên chả biết gì sất. Sư cho là trăm sự ở mấy bà địu con lên chùa, vén yếm cho con bú trước chốn thiền môn. Sư bâng quơ, bâng khuâng chuyến này về sư phải cấm tiệt chúng sinh có những bộ ngực như quả mướp già, những bộ ngực bánh dầy bề bộn như vậy làm ô uế chốn thiền môn chứ gì nữa. Cái yếm vừa phất phơ qua đầu…Cái đầu rối rắm của sư lại đẩy đưa đến cái áo của cô sau cơn mưa…Trong một sát na, sư giật mình triệt ngộ được với nhà Phật, mở được huệ nhãn là thấy được cái vô tướng của mọi pháp. Tức là thấy xuyên suốt rõ tất cả, không che đậy được. Nam mô A di đà Phật, đâu cần phải…ngấm nước mưa.

       Chợt nhớ ngày là chú tiểu, sư thầy dậy những cám dỗ cần phải tránh trong giải thoát giác ngộ, trong đó tiền bạc và sắc giới đứng hàng đầu. Ngày ấy chú chưa phải là sư, chỉ là sư mõ…gõ mõ nên chưa đạt tới sắc-không. Tính khắc kỷ đeo theo chú khi thành sư ông chùa làng đã hằn nếp. Vừa nói đến tiền bạc…Vừa lúc thuyền qua đến bờ bên kia….

       Mọi người lục tục trả tiền đò. Đến phiên ông, cô lái đò đòi hai hào, lộ phí nhiều gấp hai bình thường. Ông hỏi vì sao có lý sự này? Cô lái đò cười lủng lẳng:
       – Vì thầy nhìn em…

       Cô viện dẫn lý do ông phải trả thêm tiền dòm trộm phần cơ thể của cô. Ông đành ngượng nghịu bấm bụng trả tiền cho xong chuyện sắc-không, có đấy cũng không đó. Trên hương lộ tới chợ làng, sư gọ gạy: Mô phật! Bến ngộ đâu không thấy chỉ thấy bờ mề bến lú

       Chuyện bờ mê bến lú bám như cua cắp vào sư…

       Vai khoác cái tay nải nặng chĩu đồ hàng mã. Nhưng thiếu vắng…cái đồng hồ nên lại trễ đò. Sư lại đứng bên sông gọi ơi ới:

       – Đò.

       Đò cập bến, bận về, thuyền đầy tiền giấy, người giấy và cả chó giấy được khách thập phương mang về để cúng…cô hồn các đảng. Như có duyên phần đẩy đưa, ông vẫn ngồi chỗ cũ và chợt nhận ra nút ngực áo cô lái đò có hơi bị trễ nải, làm như được tháo cởi cho thoáng đãng vì gió nồm, gió hanh. Bày hàng trước mắt ông một cái gì lạ lẫm, trong ông váng vất, mông lung nên nghĩ không ra. Sư khai thông phá ngộ nó thây lẩy trông đến nẫu cả ruột gan, vì nó nhẩy tâng tâng theo nhịp chèo. Cô lái đò cúi xuống, cứ cúi xuống mãi. Cái của nợ ấy lồ lộ, to vật vã, cứ thúc lia lịa vào mặt ông. Bởi thế sư cứ lõ mắt vào vùng mờ ảo diệu vợi ấy.      

       Vì muốn an tịnh trong chốn không, là không thấy gì sất với sắc-không, sư quay mặt dòm xuống mặt nước trong suốt thời gian qua sông. Thân thái gồ ghề của sư như biến đi đâu mất cả, qua sóng nước dập dềnh, mắt sư ông chùa làng bám vào… ‘’bèo bọt’ như cua cắp, ông chỉ thấy xao lòng qua ‘’cái gì ấy’’ chũm chĩm, chỏng chảnh nhấp nhô theo con sóng, theo mạn thuyền. Sư liên tưởng đến đức Bồ Đề Lạt Ma về bến ngộ và sang sông bằng cọng cỏ lau. Sư mường tượng nếu trên cọng cỏ có cô lái đò, ắt hẳn đức Lạt Ma chẳng đắc đạo để sư phải tu tỉnh như thế này. Tu là bể khổ, người đời vẫn nói thế. Bất giác sư buột mồm lâm râm niệm: “Yết đế! Yết đế! Ba la yết đế!”, tạm hiểu theo sư là: Qua đi, qua đi.

       Qua gần bờ bến Chùa, cô lái đò báo cho biết sắp phải trả tiền…

       Sư vạy vọ đức Bồ Đề Đạt Ma chả nói tiếng nào, chỉ dùng mắt tuệ mẫn vào hòn đá mà đạt đạo. Đứng trước cô lái đò…như hòn đá, sư dùng mắt tuệ mẫn có sức nhiếp phục cô với nhiễu sự trả tiền đò. Ông không nói tiếng nào, lặng lẽ đưa cô một hào. Nhưng cô đòi ba hào. Cả một bầu trời viên miễn đổ ập xuống sư. Sư lụng bụng như tụng kinh: “Bận đi bần tăng nhìn thí chủ nên phải trả hai hào. Bận về bần tăng có nhìn gì đâu mà phải trả ba hào”. Cô dĩu môi thắt thẻo: “Bận đi thầy nhìn em bằng con mắt trần thịt. Bận về nhìn em qua sông nước bằng…cái đầu. Khi cái đầu muốn lảng tránh một cái gì tức là luôn nghĩ đến nó. Vì vậy thầy phải trả nhiều tiền hơn”. Trong một sát na, sư giật mình thót người vì triệt ngộ được cô lái đò có con mắt lá răm như chiếc thuyền lá tre…Cô mở được huệ nhãn thấy được cái vô thủy vô chung của sư.

       ***

       Theo vô thủy vô chung sư hóa thân thành sư sụ…Một ngày rằm tháng bảy, sư cụ thả bộ quanh sân chùa tòan là cây rừng, cụ lụi đụi câu não người thay buổi chiều thu, ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng (Văn tế Thập loại chúng sinh) để đốt lò hương cũ cho ngày nào năm ấy. Trên đường xuống bến đò, cụ thu vén câu cổ thi của Nguyễn Gia Thiều:

Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê
Mùi tục lụy lưỡi tê tận khổ
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô

Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh

         Cớ sự gì sư cụ tìm lại ‘’bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê’’, ngập ‘’mùi tục lụy lưỡi tê tận khổ’’. Thì như người kể chuyện đã thưa thốt: Không ai trở về tắm hai lần cùng một dòng sông, nhưng vì ‘’chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh vẫn còn neo ở bến Chùa’’, vẫn như ngày tháng cũ, cụ tay cầm đôi guốc rễ tre gộc, vai khoác tay nải cũ kỹ của mười năm trước.

       Đứng dưới cây gạo, giọng sư cụ không còn dóng dả như xưa nữa:

       – Đò.

      Con đò tách bến,, cụ đi vội xuống cuối khoang, không kịp hong hanh mắt dòm bà lái đò. Sư cụ chùa làng xa lánh cõi đời ô trọc đã lâu, đã an nhiên tự tại, nên thầm nhủ không còn điều gì khiến cụ bận tâm nữa. Vì vậy gặp một người đàn bà dung nhan xinh đẹp, cụ chỉ tội nghiệp cho mấy gã đàn ông trong làng. Họ giống như đạp nhầm phải cái cối xay rồi lăn quay ra, rồi nhập vào cảnh giới vô tâm, vô ngã, vì vừa mới…ngã, họ không ‘’ngã’’ được giữa mê và ngộ để vướng vào vòng phiền não, nổi trôi trong mê lầm.

        Ở cuối thuyền, cụ tẩn mẩn nhìn mạn thuyền ‘gỗ bạc phếch, rạn nứt’…, cụ chột dạ như thế này vẫn là con đò cũ. Gà gà mắt như người say thuốc lào về phía mũi thuyền. Dường như con đò cũ nhưng chỉ khác là bà lái đò, từ sau lưng, bà luộm thuộm áo the thâm bạc mầu, chùm hụp khăn mỏ quạ đen ngòm. Bà như con quạ mới bay về đây nhập vào nghề sóng nước. Câu hóng hớt bâng quơ năm nào của cô lái đò nhập hồn nhập vía vào cụ: ‘’Giông bão gì đâu như quạ xuống núi’’. Thế là cụ gằm mặt xuống mặt nước, bồng bềnh nổi trôi về cái năm động giời ấy: Trong cõi mụ mị, với cảm xúc phồn thực cùng những hình ảnh cũ…

       Với quá khứ vị lai, cụ quay quả trở về buổi đi chợ qua sông ngày ấy, cấu vào mắt cụ bộ ngực của cô lái đò như một kiếp nạn. Mây vẫn trôi, ngày vẫn qua đi, cho đến lúc này huệ nhãn sư cụ không còn bị giao động trước hình hài của tha nhân, vì sư cụ ngỡ rằng đã thóat được nghiệp chướng. Hồi tưởng lại chuyến đò đi về cái ngày cụ là sư ông, mặt sông chỉ thoáng gợn sóng lăn tăn, sư tĩnh tâm phép thủy quán tưởng, niệm đức thế tôn, nhưng chỉ thấy những vọng tưởng ngoi lên mặt nước khuấy động. Nay cụ tự nhủ hình dáng bộ ngực xưa kia chỉ là bào ảnh như cụ Nguyễn Gia Thiều đã dậy, còn xác thịt đó hiện ra trong chốc lát như…”bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê” rồi ra sẽ tan lõang vào ‘’sóng cồn cửa bể nhấp nhô’’. Vì từ tuổi hoa niên, nhờ sự tiết dục với bản thân, cụ hiểu rằng xác thịt đàn bà không có gì khác hơn là nhục dục. Bởi xác thịt là…bào ảnh, không thật nên cụ…dửng dưng.

       Ngày đó, cụ lờ đờ như gà ban hôm nên vật lộn bằng mắt với thân xác cô lái đò. Bây giờ thấp thóang ẩn hiện qua bà lái đò, mờ nhân ảnh giống…cái bánh dầy, hay quả mướp già của mấy bà thí chủ nạ dòng. Qua cô lái đò ngày xưa, sư cụ cảm thấy sức sống đang chuyển động nhập sâu vào vòng lai sinh của kiếp hiện tại. Theo sóng nước lao xao, cụ bắt gặp mình đang nổi trôi. Cụ nhìn đám mây bay xa xa, và thấy trong cụ đang rối bời như đám mây. Vừa tháo động đến đây vừa lúc con đò cập bến, vì ngồi ở đuôi thuyền nên cụ lên sau cùng. Để tránh cái cảnh mặc cả, đôi co năm nào, cụ lần trong ruột tượng quấn quanh bụng 3 hào. Nhưng bà lái đò chỉ nhún nhín lấy 1 hào. Cụ lẫn đẫn hỏi sao vậy? Bà đang nhai trầu bỏm bẻm, làm như có gì suy nghì lung lắm, bà nhổ tọet bã trầu xuống sông theo nước trôi đi…

      – Vì cụ không nhận ra tôi.

       Từ chợ làng trở về lại bến, cụ lụm cụm xuống thuyền. Lại vẫn ngồi một chỗ bên mạn thuyền lặng lờ nhìn xuống mặt nước, sư cụ thử lại phép thủy quán tưởng một lần nữa. Từ phía dưới làn sóng lăn tăn, khuôn mặt cô lái đò năm xưa loáng thoáng ẩn hiện qua bà lái đò. Vô hình chung sư cụ nhận ra sự mê lầm có thật, hình ảnh kiếp lai sinh lôi kéo sư cụ trở lại. Sư cụ mong ngóng được về cõi tịnh độ ai ngờ giống như nhục cảm mê lầm với hiện tại. Đèn lu dầu kiệt, cụ lâm râm: Nam mô thường tinh tấn Bồ Tát Ma Ha Tát”.

       Đột nhiên đàn cá đồng tiền, cá ba trầm to vật quẫy mình tung lên khỏi mặt sông làm nước bắn vào vạt áo nâu sòng. Sư cụ giật mình thảng thốt: A di đà Phật.Làm như không nghe, bà chỉ cây gạo báo cho cụ biết sắp về đến chùa. Cụ lai sa đà dường như chiếc khăn mỏ quạ này, cái áo the thâm kia, năm thỉnh mười thỏang có ghé chùa thì phải. Cụ bước chậm rãi lên mũi thuyền, tay móc ruột tượng nắm khư khư trong tay. Đò cập bến, cụ dúi vào tay bà.

        Bà khóat tay, và khẽ khàng:

        – Mười năm nay mới gặp lại.

        Miệng cắn chỉ trầu đỏ tươi, bà tươi như hoa nở muộn:

        – Qua sông ai nỡ quên đò.

        ***

       Cụ chỉ cần có bấy nhiêu những u u, minh minh. Nhưng sư cụ phân vân một hồi lâu vì không biết về chùa trên núi hay xuống làng.

       “B..o..o..ng”

       Bỗng có tiếng chuông từ trên chùa vọng xuống, cụ biết đấy là tiếng chuông của chú tiểu mới nhập cửa thiền. Chú là hình ảnh của cụ mấy chục năm trước: Ngày ấy cụ…có mỗi câu kinh học mãi cũng không thuộc, lại mắt nhắm mắt mở, nên tiếng chuông cứ gà gật, gà gật. Mặc dù ở bên sông nhưng nó không đủ sức ngân nga để làm thực tỉnh nhà thơ tên gì ấy trên chùa Hàn San ở bên Tàu. Dù vậy có tiếng chuông vẫn hơn. Chùa mà không có tiếng chuông sao gọi là chùa. Giờ không còn là chú tiểu nữa, với tuổi già, sư cụ chỉ tụng một ngày, một bài kinh. Hơi thở ngắn, tay lại run nên…khác tiếng chuông, cụ chỉ nghe tiếng rè rè như tiếng thở của người bị bệnh hen. Ngày còn bé, cụ bị bỏ vào chùa để bớt đi một miệng ăn, lúc này cụ vì biếng ăn nên gầy nhom như con muỗi đói.

       Vừa thả hồn theo tiếng chuông… ‘’gà gật, gà gật’’ của chú tiểu vọng xuống, cụ hiểu rằng cụ nghe tiếng chuông ấy theo nhẽ riêng của cụ. Thoáng như tiếng chuông có chút dè dặt. Vừa đánh vừa dò dẫm, như thể không muốn có người nghe…

       “B..o..o..ng”      

       Lại thêm một tiếng chuông nữa, tiếng chuông muốn cụ nghe. Rằng mỗi người đều muốn có những lắng đọng cho riêng mình. Tiếng chuông nhắc nhở sư cụ tất cả chỉ thoáng qua thoáng chốc. Vì thế cụ cố ý chờ đợi tiếng chuông…. Im lìm, ắng lặng. Vì nó có thật. Ở một chuỗi thời gian, không gian nào đấy. Tiếng chuông lại vang lên trong vô định…Với cụ, dù sao có đôi chút muộn màng như bà lái đò với nụ cười nở muộn.

       Với muộn màng, cụ lưỡng lự không biết đi đâu đây…

       Ừ thì hãy ghé quán nước dưới cây gạo cái đã. Ngồi xuống, cụ với tay kéo cái điếu cày và bập bập từng hơi thuốc lào. Khói thuốc chất ngất, lâng lâng. Cụ lim dim tìm lại nhân dáng ai đò qua khói thuốc…, cụ đi tìm khói lam chiều ẩn hiện ở làng dưới kia.. Thoáng như có tiếng chuông vật vờ lạc lõng…Bà hàng nước ngước mắt lên ngơ ngác hỏi cụ tiếng âm ba đồng vọng ấy là gì vậy. Vì rằng với bà ngày tháng như quạ bay, hàng ngày chỉ quen với tiếng chuông báo ngọ để mời khách đi chùa ăn xôi chè hay tiếng chuông báo tử từng tiếng rời rạc bao tin có người trong làng vừa mới mất. Cụ lụi đụi đến đức Bồ Đề Đạt Ma chín năm diện bích chỉ quán chiếu ra một nhẽ: Muốn hiểu vật thể hãy nhìn thẳng vào sự vật. Rít xong cối thuốc, cụ dòm cây gạo già cỗi, mà theo già làng thân cây để làm tăm sỉa răng hay làm…quan tài..

       Cụ đứng dậy, đi về làng, xa sông, xa núi. Và xa chùa…

       Vẫn theo già làng kể lại: Vì cụ muốn hiểu sự thể nên quay về lại con đường làng cũ. Ngày là chú tiểu từng bước trên con đường ấy, mỗi khi vào làng, chú theo luật chùa dậy, nhìn trước mặt, cứ vậy cất bước đi thẳng nên có vào làng chú cũng chả gặp ai. Hay nói khác đi từ tuổi hoa niên, sư cụ biết giữ giới, chế ngự dục vọng để chối bỏ những đòi hỏi. Nhờ sự kềm dục với bản thân, cụ hiểu rằng sắc giới chỉ là nhục dục. Nói vậy nhưng chả phải vây, vì còn …rượu nữa.

       Thiền sư Thủy Nguyệt, người họ Đặng, quê phủ Tiên Hưng, Thái Bình, đỗ hương cống, không chịu ra làm quan mà đi tu. Năm 1664, ông sang Tàu và được Thiền sư Nhất Cú Tri Giáo phái Tào Động nhận làm đệ tử và truyền tâm ấn cho. Phái Tào Động đây không câu nệ đẳng cấp với tăng thống, thượng tọa, đại đức, mà chỉ gọi trần sư cụ là… sư cụ, sư ông, sư thầy. Không câu nệ hình thức có gì ăn nấy, có rượu trắng càng hay, có thịt thà lại càng vui. Dòng Tào Động là một trong dòng thiền tông lớn của Phật giáo ở bên Tàu. Đến cuối thể kỷ 17, dòng Tào Động truyền được 35 đời. Thiền sư Nhất Cú Tri Giáo đời thứ 36, thiền sư Thủy Nguyệt đời thứ 37 của Tàu hay đời thứ nhất ở nước ta. Nói cho ngay, sư cụ không biết chùa làng có tu tỉnh theo phái Tào Động hay chăng, mà chỉ biết giới luật dậy những cám dỗ trong giải thoát giác ngộ thi…”sắc giới” và…”rượu” đứng hàng đầu. Ngày ấy sư cụ là chú tiểu nên chưa đạt tới sắc-không, không thể uống rượu mà đạt tới cõi…chưa hề uống trong cõi ta bà.

       Nói tới sắc giới, vào làng không thể không gặp…cụ nhà nho Bình Lục…

       Một buổi cụ nhà nho đi qua vũng nước, nhởn nha thở ra thơ đầu làng Ngang có một chỗ lội, đàn bà qua đó vén váy lên, chỗ thì đến gối, chỗ đến háng….Để rồi sư cụ dều người ra với sư tổ dạo nào kể chuyện ‘’ông sư già và ông sư trẻ’’ đi qua vũng nước khi cụ là sư mõ…gõ mõ. Vừa đi, cụ vừa nhớ lại câu của ông sư già nói với ông sư trẻ: ”Ông còn mang cô gái đó theo sao? Tôi đã bỏ cô ta lại đằng kia rồi mà”. Qua sư tổ thì ông sư già vô ngã, vô chấp sẽ được an lạc, giải thóat. Còn ông sư trẻ vì chấp nhất, không giác ngộ được. Sư tổ còn…“hoằng pháp” thêm, nào khác gì câu ca dao hỡi cô tát nước bên đàng, sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi được ông nhà thơ nào đấy sửa lại sao cô lại múc trăng vàng đổ đi. Ông nhà thơ luận rằng người ta không thể “múc ánh trăng vàng” mà là “múc trăng vàng” ở dưới nước. Khi cái gầu của cô gái trong câu ca dao dìm xuống thì mặt trăng tan vỡ, hòa với nước, sóng sánh với nước. Thế là cô gái múc nước tát lên ruộng, đồng thời múc luôn cả vầng trăng tan vỡ trong đó.

       In hệt như công án thiền về cái đầu không…”lành lặn” của ông sư trẻ nên không giác ngộ được như sư tổ răn dậy. Nhưng sư tổ không hay khi cụ chỉ là sư mõ không mảy may tin cho mấy. Rằng khi ông sư già cõng cô gái có thể quên cái va chạm da thịt nhột nhạt…êm như mơ, cồm cộm…mềm như bông từ sau lưng! Bởi nhẽ ông sư già chỉ là người…như cụ. Cụ nhủ thầm: Muốn hiểu ông sư già hãy đặt cái ngã của mình vào ông ta để…cõng cô gái, nếu chúi xuống…ngã thì cũng chả sao.

       Đi trên con đường sống trâu ngoằn ngoèo vết trâu đái, đến vũng nước đầu làng mà trâu hay dầm mình tắm. Bỗng không cụ hoang tưởng mình là ông sư già trong công án thiền trên. Cụ tưởng tượng trước mặt có cô lái đò đang lúng túng tìm cách đi qua vũng nước để về làng. Trong đầu củ chuối cụ mọc măng ra hình ảnh lưng cô thót lại như bát chiết yêu. Mới đầu cô rón rén bước một chân chạm mặt nước, rồi do dự, ngập ngừng. Thoáng như cô có chút dè dặt, dọ dẫm…Cô e dè bước hẳn vào vũng nước, nước đến bắp chân. Cô thấy gai gai lạnh nổi da gà. Cô vén váy tới đầu gối. Cô vén lên đến tận bẹn để lộ cặp đùi trắng như ếch lột. Từ sau lưng, cụ vừa tính kêu tóang lên: “Có con…”. Vừa lúc cô quay ngoắt lại. Cúi xuống. Cô gỡ…con đỉa trâu to bằng cái dùi mõ bám sau bắp chân và…búng đi cái vèo.

       Nhờ cô quay lại và cúi xuống, cụ nhòm thấy như cụ nhà nho Bình Lục:     

       Con gái nhà ai tắm vệ sông (1)

       Vú vê để hở váy quai cồng

       Uớc gì ta được mà ta để…

       Ta…để mà ta lại…để chung

       Cụ bã bời “Ta…để mà ta lại…để chung” là nghĩa lý gì? Chưa kịp hanh thông, con đỉa trâu bị búng bám cứng lấy cụ, cụ giật mình thảng thốt kêu lên: A di đà Phật. Nhờ vậy, nhờ Phật độ, cái mà cụ đang nhìn thấy là ký ức mờ nhân ảnh của dòng sông ngày xưa, nghĩa là cụ đang trở về tắm lại hai lần cùng một dòng sông. Bỗng từ ngõ ngách thâm u nằm ngủ quên trong tâm khảm thức dậy. Cụ bật ra một chữ “nhất tự thiên kim” qua âm vọng xa vắng:

       – Đò.

       Thế nhưng không phải dòng sông cũ mà là vũng nước trâu…ấm áp. Cụ hình tượng đến ấm áp của da thịt. Từ cảm giác này qua cảm nhận kia để đến hôm nay sư cụ hiểu tại sao bước chân hoằng pháp lại đẩy đưa sư cụ đến vũng nước này, nơi mà nghiệp chướng đang ngóng cổ cò chờ cụ. Cụ chớm ngộ đã ấp ủ bầu ngực ấy biết bao năm trời trong tiết dục khắc kỷ..

       Và khốn khổ thay, cụ vừa nhận ra cụ đã dối nhăng dối cuội với chính cụ…

       Đúng lúc cô quay mặt lại, cúi xuống, cô đưa tay vén vạt váy sau lưng nhét vào cạp váy để mọi sự thóang đãng. Khi không cụ hoá thân là ông cuội của cụ nhà nho Bình Lục ông Cuội ngồi trông mỉm miệng cười, cái gì trông trắng giống con cúi. Bò vào mắt cụ là dáng dấp lúi cúi, lui cui như…Như cô gái đợi ông sư già cõng qua vũng nước. Như cụ đã ngộ ra ông sư già không thật với ông sư trẻ qua những đụng chạm, cọ xát của hai thân xác trần tục. Làm như nghiệp ngão xúi dục, cụ bước vội vào vũng nước, len qua cô, khom lưng trước mặt cô. Cụ lọm khọm định è lưng ra…, nhưng lại sợ chúi xuống…ngã, thì.

        ***

       Thì có tiếng chuông điểm một tiếng: “B..o..o..ng”.  Thoáng như tiếng chuông có chút dè dặt, dò dẫm. Tiếng chuông xuyên qua cây, qua lá, nhỏ dần, trầm lắng như thế, cứ thế…

       Cứ thế theo già làng kể lại không biết cụ trở về chùa nữa hay chăng.   

                                                                                                                                                            

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

  Thạch trúc gia trang

                                                                                                        

Nguồn: Bài viết vay mượn từ “Sang sông” của Nguyễn Huy Thiệp.

“Mối tình của vị cao tăng chùa Shiga” (Shiagadera Shônim No Koi)

của Mishima Yukio. Ngoài ra còn dựa dẫm vào Nguyễn Đăng Thục,

Khuất Đẩu, Lê Thiệp, laiquangnam (Lai Quảng Nam), Bàng Bá Lân.

Ghi chú của người sưu tầm (1):

Qua ông cậu trong lúc trà dư tửu hậu thì còn một bài thơ không có

ghi trong sử sách và được thuật lại qua một bà, con của người

con gái nhà ai tắm vệ sông mà cụ Tam Nguyên (người làng Vị Hạ,

Vị Thượng), đã gặp trên con đường làng Phú Đa.

Bài Mới Nhất
Search