T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: CÁI BẬT LỬA ZIPPO

       Gậy Trúc Khua Cua – Tranh: THANH CHÂU

Sau 75, gã lò dò vào trại cải tạo như bất cứ ai. Gã mặt mũi vêu vao, mồm miệng Bắc kỳ như tép nhẩy. Một ngày, gã bị ới đi làm việc”. Bạn tù bảo cái miệng làm khổ cái thân, cho đáng đời. Của đáng tội chả phải lỗi ở gã, tội vạ ở cái tên cúng cơm mà ông bố gã đặt có vấn đề nhậy cảm và tế nhị với đảng và nhà nước.

       Gã là một trong những người lính trong chiến địa sử ghi chiến tích với kỳ tích. Cuối cuộc chiến có lệnh di tản chiến thuật, gã kéo pháo đội xuôi Nam. Quen thói ra quán chợ “lỳ một lam”…làm một ly với tôm khô củ kiệu. Chưa tàn một điếu thuốc, gã ngớ ra hôm nay là ngày 30 tháng Tư nên đành…tan hàng, khăn gói gió đưa vào trại cải tạo.

       Tết đến, ngụy phe ta được ông chú họ phe địch từ Hà Nội vào thăm nuôi. Đưa quà cáp rôi, ông tót lên văn phòng trại “hủ hóa” với trưởng trại. Gã mừng húm vì ông chú và trưởng trại ắt là “lên kế hoạch” để gã đóng “chèo” tức ăng-ten. Gã nghĩ vụng làm ăng-ten đâu phải cái tội, miễn đừng hại bạn bè thì thôi. Hôm sau gã được gọi lên hội ý với trưởng trại. Bởi gã ngỡ mình được hát chèo, vậy mà bị “làm việc” mới “căng”:

       – Anh thành thật khai báo, nghe rõ.

       Gã miệng lưỡi liến láu “cực kỳ” chuẩn xác:

       – Dạ, nghe rõ. Báo cáo cán bộ.

       Giọng khứa trưởng trại “mềm” thấy rõ:

       – Tại sao anh là…Cu?

       Bỏ mẹ! Gã chưng hửng đến mấy giây, nhưng nhờ “chủ đạo” có chất xám tiểu tư sản, gã “bảo quản” ngay tức thì. Nhưng làm thế nào “làm rõ” cho người thiếu cơ sở văn hóa này “nắm bắt” được phản ứng hóa học thì “đồng” được gọi là “cu”. Nếu khứa hiểu đồngcu mà gã phải ăn chay niệm Phật thêm mươi niên nữa có chết thằng răng đen mã tấu nào đâu. Chẻ hoe trắng phớ ra ở trong trại cải tạo, gã có đảng “no”, nhà nước “no” sẵn bo bo mỗi ngày, gã chả…no gì sất. Chả là kinh thư Tàu dậy rằng nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại quả tình đúng…thấy rõ.

       Thế là gã thun thút làm bản tự khai bằng mồm:

       – Cứ theo bố tôi xưa kia làng nào có truyền thống làng đó. Có làng lắm chữ, có làng mù chữ. Thuở thiếu thời bố tôi có ông bạn làng bên sang học nhờ, tên là Đồng, ngờ đâu bố tôi tốt phúc, có được ông bạn chữ nghĩa lem nhem lại làm tới thủ tướng nhà nước nhân dân. Bố tôi cảm phục quá lắm, nên nhè tôi đặt tên…Đồng.

       Vừa tung tẩy xong gã xanh máu mặt. Vì cái tật nói dài nói dai thành ra nói dại nên gã quên bu mất vừa tiết lộ bí mật quốc gia về tiểu sử lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước. Y chang, người trưởng trại nhăn mặt lý giải:

       – Ở đây anh nói linh tinh vậy. Ở chỗ khác không được đâu ấy nhá.

       Nhá nhem xong, người hất mặt về phía thằng cán gáo. Thằng này chĩa súng AK vào gã dẫn về. Nghe mảng chữ “Ở đây…” với “Ở chỗ khác…” gã sợ bóng sợ gió mai kia sẽ được tống tiễn xuống tầu ra Bắc có dẫy Hoàng Liên Sơn xa tắp mù khơi.

       Mãi đến ngày cận Tết, thằng cán gáo vào buồng tìm gã nói lên văn phòng trại…“lên

khung” bổ túc lý lịch. Vừa bước vào, người hỏi ngay:
       – Văn hóa anh học đến đâu?

       Hơ! Câu hỏi thuộc khâu văn hóa chứ còn khỉ gì nữa, khâu này trong hồ sơ lý lịch gã đã bổ sung rồi, ấy là Trường mỹ thuật Gia Định. Nhưng gã đồ là người ba đời bần cố nông biết gì chuyện vẽ rết thêm chân. Người loạn chữ với Mỹ thuật, chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ đánh chữ quá… quá đà hóa thành…Mỹ ngụy thì bỏ bố.

      Cùng một thổ ngơi với địa linh nhân kiệt, gã trả lời quấy quá cho xong:
       – Trường vẽ Lê Văn Duyệt.

       – Vẽ chuyện! Anh học vẽ chúng tôi tiếp thu rồi. Nhưng…đến đâu?

       Đến đây gã quíu lên:      

       – Đến…đến…Lăng Ông Bà Chiểu
       – Này, không đùa đâu nhá.

       Tiếp, người rất ư “động thái”:

       – Anh vẽ…bác được chứ?

       Gã muốn nhẩy lên…

       – Bác…bác…

       – Bác thì chúng tôi làm phong phú rồi, chỉ muốn anh…cải tạobác thôi.

       Xong, người lôi mấy bao thuốc Vàm Cỏ đưa cho gã. Từ bọc giấy rách…rách giời rơi xuống cái bật lửa. Người vội chụp lấy dấu biến vào ngăn kéo. nhưng gã cũng nhận ra  cái bật lửa Zippo khắc huy hiệu Thủy quân lục chiến

       Chuyện “quan hệ” với trưởng trại bay về đến buồng. Vì gần Tết, bạn tù bày hàng đợi sẵn, và hỏi bạn ta “quy hoạch” sao? Gã đớp hít thả dàn, no căng rốn rồi, gã nổ như tạc đạn: “Rất khẩn trương, người anh em dẫn ông đi cải tạo bức tranh vẽ năm ngóai, to bự sự bằng ba, bốn cái chiếu.Leo lên thang mười thước cao nghệu, ông quẹt dăm phùa “nâng cấp” bác là xong ngay. Bạn cùng buồng hỏi làm việt tốt, công tác tốt, có “tranh thủ”…tốt chăng? Gã vung tay đầy thuyết phục với…“bài nói” đầy ấn tượng: “Nói chung là tốt, vẽ ma khó, vẽ bác dễ. Vì nghệ thuật vị nhân sinh, ông cứ soi mặt ông vào gương mà “phản ánh” bác: Vai so, ngực lép, mặt khói, má lõm, môi thâm cũng…tốt thôi”. Bạn tù láo ngáo nhìn nhau: “Ủa, trong tù làm gì có gương ta?”.

       Sáng ra, người trưởng trại lò dò tới, ngắm “bác” một hồi lâu. Lát sau, người đưa gã mảnh giấy, miệng oang oang làm như “báo cáo anh, báo cáo chị” cho mọi người nghe:Ban chỉ huy trại dự kiến và nhất trí chiêu đãi đồng chí giấy phép về nhà cải thiện một tuần. Tết đến, đồng chí về lại bổ sung liên hoan với trại ta nhá”.

       ***

       Về đến nhà đất trời…nhá nhem, lại đúng ngày ông Táo về trời nên nhà lo cúng kiếng sẵn. Ăn uống xong chưa kịp hàn huyên đã giục gã đi ngủ sớm. Sáng hôm sau, trời còn tối đất, mẹ gã gọi dậy, và xì xầm: “Con phải vượt biên ngay, người ta đang đợi”. Gã chưa kịp ngậm ngùi với mẹ, có tiếng xe ôm nổ máy bạch bạch ở ngoài. Bên kia ngõ có quán xá chưa đỏ đèn, vậy mà có một bóng người ngồi đấy đang lặng lờ cúi xuống mồi điếu thuốc, ánh lửa lóe lên trong tranh tối tranh sáng. Gã lại có giấc mơ đời người, gã mơ có…cái bật lửa Zippo để đốt thuốc lá Vàm Cỏ trong những ngày vượt biển.

       Tới Bà Rịa, gã được thằng ôn con cầm khẩu Ak dẫn đường. Vừa đi gã vừa bụng bảo dạ thằng cán gáo ở lỗ nẻ nào chui lên lại có mặt ở đây?! Đang búi bấn, bỗng từ trong bụi rậm có con gà xám đen đập cánh bay là là sang rặng trâm bầu, vừa bay vừa kêu “tác tác”. Khi không thằng nhô chửi đổng: “Tiên sư nó chứ, gà gáy trưa thế nào cũng có đứa chửa hoang, hay cũng bị chìm thuyền cho mà xem”. Nghe lạ! Gã chưa kịp hỏi vừa lúc đến nơi. Chui vào căn nhà trống hóac. Thằng ôn vật chỉ gã chiếc võng, nói phải đón thêm khách nữa. Gã ngả mình xuống đánh một giấc, mở mắt, nhìn góc bếp có hai bóng người đang co ro quanh ánh lửa. Gã lọ mọ tới để sưởi ấm, bắt gặp hai mẹ con đang ngồi cù rũ như hai con cò ốm. Thằng con mặc áo lùng thùng, đội mũ thùm thụp. Khi bỏ mũ ra gã thấy thằng con mặt mũi nhem nhuốc như thoa nhọ nồi trông…lọ thấy rõ. Lát sau, thằng ôn vật đưa cả đám ra bãi mua sẵn, lên cá con ra cá lớn.  

        Ra đến biển, gã nháo nhác xem có…“gái chửa cửa mả” không? Vì gã…”tư duy” từ thằng sư ôn nói vượt biên mà gặp ai “đeo ba lô ngược” thì…chìm thuyền! Nghe hãi quá thể! Đến gần sáng, mạn thuyền chỗ gã dựa lưng chao qua chao lại vì sóng vỗ. Dám…chìm thuyền đến nơi. Sấm ầm ầm vang vọng, bà con âm u gọi nhau, hòa lẫn tiếng ho khục khục đứt quãng như cóc cụ gọi mưa. Mưa bão thật. Bà mẹ ngất ngư từ hồi nào, thằng con cứ ôm chặt cứng lấy gã như cua cắp. Thêm đợt sóng lớn nữa, thằng con lật ra cái đùng, kéo theo gã nằm đè lên nó. Gã choáng người, hoa mắt vì tia chớp lóe lên một cái, cái áo dính nước lồ lộ hai quả phật thủ thụi vào mặt gã cái chát.

       Giờ ạ, ông giời có mắt xuống đây mà xem: Thằng con là…là…con gái.

       Lên đến bờ, gã như con còng, con cáy chui vào hang chỉ biết con cua, gã cứ bám riết con cua…gái ấy. Ếch vào cua ra thì mới chân ướt chân ráo tới trại tỵ nạn Palawan, hai mẹ con mở ngay hàng phở tươi. Phở thuộc thể loại văn hóa ẩm thực đa văn hóa, thuyền nhân với…nhân tâm tùy mạng mỡ, cứ mặc tình hoang tưởng mình đang ăn bánh canh giò heo cũng được hay bún bò Huế nước lều bều cũng xong. Một ngày cô con gái vén quần lên tới tận bẹn, đang hở lưng phơi rốn thái bánh phở, bà mẹ răng đen mắng xa xả: “Cha bố cô nhá, đã nàm thì nàm thật, chứ đừng nàm nấy nệ, trông ngứa mắt bà nắm”. Chung cuộc gã bắt ếch vồ được cua, thế nhưng ngu lâu đần dai cách mấy, gã hiểu ra “em” là…Bắc kỳ hai nút. Được thể gã tìm về thời “ri cư” có câu “Bắc kỳ ăn cá rô câyĂn nhằm lựu đạn…chết cha Bắc kỳ”. lớn lên từ canh chua cá kho tộ với…rau muống, bún riêu với…giá sống. Hiểu theo nghĩa từ tấm bé, gã tứ bề thọ địch với Nam kỳ quốc nên nhằm nhò chi ba lá hẹ mãi đến ngày lưu lạc vào đảo gặp…em.

       Nói cho ngay em là tàn dư của cuộc chiến Nam Bắc còn rơi rớt lại. Theo binh pháp em thuộc diện ngực tấn công, mông phòng thủ. Không…vật vã như đạn 105 ly, chỉ bằng…trái lựu đạn M26. Ấy vậy mà tất cả những dư thừa phía trước rất…xung kích. Những gì bè bè, hây hẩy phía sau rất…đặc công. Cơ bản thì phần “ngoại vi” có nhiều khiêu khích đáng nể. Hồi tưởng với mưa gió bão bùng, gã mắt như mắt lợn luộc dòm ngực em: Chật chội, choáng ngộp. Gã phăm phở với cái buổi ban đầu lưu luyến ấy: Em thô, em khô. Nhưng gã phát hiện em nồng ấm, ướt đẫm nước mưa thật hoang dại và…hoang sơ. Em có kiểu nằm ngửa ra tênh hênh, hơ hớ nhiều ái ngại, người mướp máp, ngực thây lẩy. Gã phất tay đuổi ruồi: Thôi cũng…được.

       Sau này đối tác rồi, gã lôm côm: “Hàng họ gì đâu cứng như…gỗ tạp”. Em chanh chua: “Ối giời ơi! Ai bảo nhòm”. Em xỉa xói: “Rõ dơ”. Em lộ rõ cái đanh đá cá cầy của gái Bắc. Ấy là chưa kể thể hiện bàng bạc qua em cái cốt lõi ăn nói tùng tục, đi đứng…điêu đứng thấy muốn nổ con ngươi. Vậy mà gã chịu đèn mới đau. Trộm nghĩ Bắc kỳ 2 nút mới chân ướt chân ráo vào Nam biết khỉ gì trại cải tạo, nên gã huếch gã là quản giáo nguyên một buồng tù. Em cười tũn nín khe. Nói chung là tốt vì em chả biết gì thật, để gã có thêm giấc mơ đời người, có chuyện tình nào hiện thực hơn một quản giáo như gã được…quản lý đời em. Hiện tượng hơn trông tướng tá em gồ ghề, nếu em là…cán binh gái thì có thể viết thành truyện tình thời chiến được chứ đâu có bỡn.

       Trong thời chiến gã ăn nói năng nổ…nổ như tạc đạn cũng có đấy, nhưng sự thể gã vẫn còn là tân binh. Hiểu theo nghĩa không có kinh nghiệm chiến trường, vì bài học căn bản đoạn trường chiến binh với di hành là mìn bẫy. Lạng quạng nó nổ một phát miểng văng tứ tung từ chết đến bị thương. Nên gã cứ ngó chừng em, mớ thịt bụng cứ bì bì ra chẳng giống như cái bong bóng lợn tí nào. Thế nên một chiều trên bến nước gã và em ngồi bó gối trên đụn cát như du kích đắp mô. Chợt có đàn chim biển kêu “quạc, quạc”. khiến gã quay quắt đến tiếng gà gáy trưa “tác tác” qua chuyện thuyền xúyt bị đắm, vì thuyền nặng quá bởi có đứa chửa hoang mang bầu này kia, kia nọ.

Máu đề-lô pháo binh nổi dậy, gã bắn trái khói điều chỉnh mục tiêu tác xạ:

       – Phấn đấu đến đâu rồi?

       Em ngay đơ, dĩu mỏ:

       – Lính phòng không.

       Chết mẹ! Gã dấu biến mặt ra bãi vắng biển xa. Em thăm chừng:

       – Ngáo gì thế anh giai?

       Gã đờ đẫn như người mất hồn:

       – Anh nhớ bố anh.

       Và gã cũng thăm dò như em, gã tậm tịt xa vời:

       – Bố anh dặn lỡ mai này gặp đằng ấy. Thì ráng nhớ nằm lòng: “Con ạ, cuộc tình con người ta như canh sóc đĩa, khi lật bát lên mới biết sấp hay ngửa”.

       Gã bâng quơ với mây trời sóng nước:

       – Đằng ấy biết chơi sóc đĩa không?

       – Chơi…Còn phải hỏi, mà hỏi…chơi hay thật?

       Gã ỡm ờ động tình:

       – Thích sấp hay ngửa.

       Im ắng. Tĩnh lặng. Em lặng lờ thả mắt về một bến nước. Nước thủy triều dập dờn. Từng đợt sóng này…đè lên lớp sóng kia. Em hiểu ra, vả vào miệng gã cái bốp:

       – Ôn vật gì đâu! Nỡm ạ.

       Với gái Bắc: “Nỡm ạ” là chịu quá rồi. Máu đề-lô rậm rật trong người, ngón tay gã chấm tọa độ kích động tác xạ…Em giẫy nẩy lên như bị cù nách, cười khục khục như chó gậm xương, và kêu toáng lên:

       – Rõ khỉ. Hủ nút vừa chứ.

       Chưa kịp bú mồm, chẳng kịp đánh chiếm mục tiêu. Tối đến ngụp lặn với gái thở dài, trai nằm sấp, thân xác gã vật vã với thơ Bút tre: “Chị em du kích giỏi thay – Bắn máy bay Mỹ rớt ngay…cửa mình “. Sáng ra, với…cái quần đùi ướt nhẹp. Tỉnh dậy gã dầm dề “bức xúc”: Gã thấp, lùn. Em mặt dài, cũ kỹ. Gã pháo binh chưa…pháo quả nào. Em phòng không lại…phòng không đơn chiếc. Đời có bao lâu mà hững hờ…người ơi.

      Đêm tới…Hai cái ghế bố kê sát nhau như hàng rào phòng thủ, đặc công bò vào là banh xác. Bà mẹ đang ôm em như ôm súng sơn pháo ba càng và dò la:

       – Thằng ấy thế nào vẩy?
       – Thằng nào?
       – Thằng vẫn tí toáy với mày ấy.
       – Làm gì có.
       – Mày náo. Tao biết cả dồi.
       – U biết, sao còn hỏi tôi?
       – Đồ chết bầm! Coi chừng thầy mày gọt đầu bôi vôi đấy.


       Em nằm ườn ra. Bà mẹ dỗ dành:

       – Nói đi. Nó thế nào?
       Em tấm tức:

       – Nó nói phải lòng tôi.
       – Nói thối inh. Nhà nó kìa?
       – Ngụy.
       Bà mẹ gắt:

       – Biết dồi. Thầy u nó cơ?
       – Bắc “ri cư”, năm nhăm tư.
       – Tên nó là gì?
       – Cu.
       – Hả.


       Chiều hôm sau, cũng ở cái cồn cát đắp mô như mả Đạm Tiên. Học mót bà cụ, gã cũng tìm hiểu về em, kiểu tìm hiểu dấm dớ bờ bụi trong một ngày ngứa ngáy:

       – Bố?

       – Bố anh hay bố tôi.

       – Còn ai trồng khoai đất này. Bố em.

       – Dào ôi! Vẽ! Đây gọi là thầy.

       – Ừ thì thầy. Cán ngố?

       – Hỏi như cứt ấy. Thối mồm vừa chứ.

       Rồi em tháo ống cống, thổ lộ tâm tư:

       – Cái giống đàn ông gì mà chán cơm nguội chỉ thích ăn phở.

       Bỗng khi không cái lưỡi đá cái miệng:

       – Thích nhể.

       Em ba máu sáu cơn:

       – Đang điên tiết đây!

       Và gã hiểu là bố em đang ở đâu đó bên kia biển và đang…ăn phở. Gã cũng hiểu mù u là từ giờ trở đi đến chót đời, với em: gã chỉ được…ăn cơm nguội.

       ***

       Ở trong trại làm ăn thế quái nào, gã địu theo cái nồi để góp gạo thổi cơm chung. Qua đất tạm dung, gặp buổi tửu lạc vong bần, gã vồ được tôi như xẩm vớ được gậy, gã rỉ rả chuyện gia cang nhà gã: Một ngày, gã định đóng thùng gửi ít quà cho ông bố vợ. Vợ gã cau cảu rằng ông cụ nghe tin lấy Ngụy nhỡ lăn quay ra thì đổ nợ. Ấy vậy mà ông cụ vẫn sống nhăn…răng cạp đất. Thay vào bất ngờ, vợ gã bị ung thư, bỏ gã về trời. Ông bố vợ chẳng hay vợ gã không còn trong chốn dương gian này nữa.

        Một bữa thấy gã buồn ngu ngơ, bà mẹ vợ kể chuyện quá khứ vị lai cho gã nghe: “Anh không hay ấy chứ, chứ trưa cái ngày ba mươi tháng bốn…cái Gái, vợ anh ý mà, em nó đang ở khẩu đội phòng không nghe tiếng loa: Bộ đội ta vào tới Sài Gòn rồi. Nghe rồi, em nó mừng quá đỗi. Vậy là hết đánh nhau, thầy cái Gái không còn phải chiến đấu trong B nữa. Em nó phóng xe đạp về quê báo tin cho u biết. U lấy tấm ảnh đen trắng cho em nó xem: Ông ấy mặc bộ đồ bộ đội đóng quân ở Căm Bú Chim. Năm nhăm bốn, chả biết vụng tính vụng suy thế nào, u lại để thằng anh cái Gái theo gia đình bà sím của u “ri cư” vào Nam. Ngày ấy u nhớ thằng cả đến đứt ruột, đứt gan ra, anh Cu ạ.

       Vào Sài Gòn, u được ông ấy cho hay thằng anh cái Gái cũng học trường bộ đội Thủ Dầu Một (Thủ Đức) như anh ý mà. Rồi đi lính thủy đánh bộ Ngụy, đóng đến quan hai. Ông ấy đi tìm khắp nơi, từ nhà thương, nghĩa trang, viện phục hồi, trại cải tạo”.

      Nhắc đến ông cụ, gã chỉ biết chuyện cơm với phở nên hỏi sao cụ không đi:

       “Dào! Anh hỏi, u cũng chả dấu gì, ông ấy ở lại vì hy vọng tìm thấy thằng anh cái Gái còn sống ở đâu đó. Để u kể cho anh chuyến vào Sài Gòn, hai mẹ con u bấm tay nhau nhìn phố phường, xe cộ như mắc cửi, hơn hẳn Hà Nội nhều. Bấy giờ mẹ con u mới mở mắt ra, cứ nghe họ nói trên loa thì cứ đổ thóc giống ra mà ăn. Cái Gái xin thầy em nó vượt biên. Nghe vậy, gần Tết nhất, thầy cái gái chả nói năng gì, lẳng lặng bỏ vào trại cải tạo. Mà cái Gái tính thế cũng phải, cũng phải nhúc nhắc thôi anh ạ, đời cua, cua máy, đời cáy, cáy đào. Em nó vắn số bỏ anh mà đi, u cho là tại ông giời cả. Giời có khi nắng khi mưa, nước có lúc đục lúc trong, có sao u nói vậy, anh còn trẻ hay là anh đi bước nữa, u nói thật đấy. U già rồi, chẳng sống được bao lâu nữa“. U già rồi, chẳng sống bao lâu nữa…như điềm báo trước. Tháng sau, chỉ một cơn cảm xoàng, bà cụ mất.

         Gã thở ra như tiếng thở dài là…hết chuyện.

       Hết thế nào được vì gã ở gần kho đạn Long Bình, mà những người hay nổ bậy bị cái tật hay quên nên tôi quần gã: “Còn cái cái bật lửa Zippo thì sao?”. Gã ngớ ra. Tôi là thằng ngu lâu đần dai cách mấy nhưng cũng biết cách sắp xếp lại từng khúc, từng đọan qua chuyện gã kể: “Ông chú gã lui tới văn phòng ông trưởng trại. Gã được ông trưởng trại cho về ăn Tết. Về đến nhà, bên kia ngõ trong quán có bóng người lặng lờ hút thuốc. Tiếp đến gã vượt biên gặp…thằng con gái”. Vậy thì: Ông thủ trưởng là…ai?.

       Thêm một lần gã ớ ra trông thấy. Nghe thủng rồi, gã nháo nhào vào phòng bà cụ. Đúng là cái  thằng khôn có khúc, khờ có có lúc, nhè vào lúc cái kim trong bọc lòi ra…cái bật lửa Zippo khắc huy hiệu Thủy quân lục chiến. Lòi tói thêm tấm ảnh  “thầy của cái Gái”, còn ai trồng khoai đất này: Ông trưởng trại xưa kia là…bố vợ gã.  

       ***      

       Chuyện gã kể như…bịa, cách đây trên dưới mười năm.

       Từ ngày ấy đến bây giờ, tôi và gã thường rủ nhau nón lá áo tơi ra quán chợ. Tôi vợ mất, gã mất vợ, nên rất ư rảnh rỗi. Một chiều gã chơ vơ trên bến nước sông đầy, bỗng gã ậm ừ cho hay sắp về Sài Gòn. Ăt hẳn không ngoài chuyện bà mẹ vợ xúi dại gã: “anh còn trẻ hay là anh đi bước nữa” vì vậy tôi chẳng bận tâm. Vì tôi chắc như cua đinh ba bẩy hai mươi mốt ngày đường ai nấy đi, dòm dỏ làm gì cho rách chuyện.

       Nói cho ngay gã trở lại Houston lúc nào tôi cũng không hay. Chợt nhớ có thằng bạn đời 20 năm có lẻ. Tôi ghé nhà để ôn lại những ngày mưa gió cũ, những chiều quán trọ, những đêm say. Bấm chuông, dợm bước vào. Trong căn phòng gần cửa ra vào: Tôi thoáng bắt gặp một bóng người khuất sau cánh cửa, dáng lom khom già lão, quần đùi, áo may ô. Trong một thoáng giây: Tôi có linh cảm hình bóng ấy là ông…bố vợ gã.

      Mắt tròn dấu hỏi? Gã ậm ừ: “Qua chơi ít lâu rồi về”. It lâu sau, tôi tạt qua xem sao, khi làm một hai hồ trường, lúc dăm điếu thuốc. Vẫn gặp ông chập chờn sau khe cửa, như không có mặt trong cõi người ta, vẫn bóng dáng ấy, vật vờ trong căn phòng cô quạnh như cái bóng. Tôi trộm nghĩ trẻ dôi ra, già rụt lại là thế đấy, như thế đó.

      Hàng năm anh em sĩ quan Thủ Đức tụ về đây họp mặt. Giữa cờ xí lộng gió ở bục hội trường, thấp thoáng qua ánh đuốc bập bùng, gã gọn ghẽ trong bộ đồng phục sinh viên sĩ quan màu vàng, đầu đội mũ lưỡi trai, vai đeo “an-pha” đen, tay mang găng trắng. Trong cái mênh mang của đất trời qua tiếng kèn âm ỉ, âm hưởng u uẩn của bài Chiêu hồn tử sĩ , âm vọng “hồn tử sĩ gió ù ù thổi” mang mang trong một cõi đi về.

       Trời đất vào khuya, ánh trăng vàng ệch nấp sau áng mây èo uột. Trong bóng đêm có bóng người ẩn mình sau hàng cột dưới mái hiên của phố chợ. Bất chợt cái bóng ấy lặng lờ cúi xuống, quyẹt cái bật lửa Zippo đốt một điếu thuốc.

Thạch trúc gia trang

Nhâm Thìn 2012

 Ngộ Không Phí Ngọc Hùng                                              

(viết lại 2014, 2020, 2022)

Nguồn: Nguyễn Công Hoan, Huỳnh Thạch Thảo, Lâm Chương, Nguyễn Hữu Huấn Phạm Thắn, Phạm Tín An Ninh, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Thị Thảo An.

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search