T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Cái vạ chữ nghĩa

     

Gã biết chữ – Tranh: Thanh Châu

 

Nói dối phải tội, đang búi bấn bài sử sách vì không biết dẫn nhập thế nào? Thì…

Thì đọc được chuyện ông mê sách, ông khoe chứa sách trong bụng như Kê Khang. Hôm nào trời nắng khoe bụng, bảo rằng phơi chữ, hong sách cho khô. Mặc dù không biết Kê Khang là ai, chỉ biết khi có sách mới, ông khăn đống áo dài, đội sách lên đầu đứng trước “Án thư vài tập cảo thơm – Bức tranh thủy mạc đông phương an hòa”.

Và ông cúi đầu xuống, ngẩng đầu lên, kính cẩn vái bốn lạy.

Ông mê sách nghe đồn đãi về tài ngửi mùi chữ, đoán hơi văn của ông thầy bói mù nên tìm tới. Ông lôi quyển sách trong bị cói đưa cho thầỵ. Thầy hít hít mũi, dậy:

– Sách sực nức mùi son phấn, chắc chắn đây là Hồng Lâu Mộng.

Bèn đưa quyển khác, ông thầy bói lại khịt khịt mũi:

– Sách toát toàn mùi sắt thép loảng xoảng của binh khí, ắt là Tam Quốc Chí.

Ông đưa quyển sách mới in của mình thơm mùi giấy mực, ông thầy bói mù không cần ngửi, nói không do dự:

– Đây mới đúng là sách vì ta nghe thoang thoảng mùi…cóc chết.

Từ tích cóc nhái ấy, mụ chữ tôi bật ra kết luận cho bài sử sách Cái vạ chữ nghĩa.

Ngày…tháng…năm 2019, trộm nghĩ xuân bất tái lai, vội đi tìm ông thầy bói.

***

Ngày…tháng…năm 1949, một ngày như mọi bữa, trời đất lùng nhùng, người mang cái vạ chữ nghĩa sống trong chung cư bên này đường, mỗi khi ra phố, bất kể đi đâu ra cửa liền rẽ trái. Đao phủ thủ chữ nghĩa sống trong chung cư đối diện bên kia đường, khi bước ra cửa rẽ phải. Họ chưa từng gặp nhau trong đời.

Mụ chữ tôi đồ chừng “người mang cái vạ chữ nghĩa” là cụ Trần Trọng Kim, tác giả Việt Nam sử lược. Năm 1949, cụ viết hồi ký Một cơn gió bụi về quãng đời của cụ trong giai đoạn 1942-1948. Năm 2017, Một cơn gió bụi được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Phương Nam in lại, nhưng bị cho là “có nhiều đoạn nhạy cảm” nên bị thu hồi.

Còn “Đao phủ thủ chữ nghĩa”, mụ chữ tôi ăn mày chữ nghĩa của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn gọi Tố Hữu là đao phủ thủ mà cụ Nguyễn Tuân là nạn nhân. Cụ thú tội: “Mở đầu cuốn Vang bóng một thời năm 1940, để làm một nghệ thuật vị nghệ thuật tôi ca ngợi tên đao phủ thủ trong truyện Chém treo ngành. Ấy là tội tôi bất lực trước lịch sử. Năm 44, đế quốc Pháp đưa Vang bóng một thời vào giải thưởng Alexandre de Rhodes vì tập truyện có tác dụng đề cao bọn tay sai của chúng”.

Với “đế quốc Pháp” (Trương Vĩnh Ký, nỗi oan thế kỷ), “bất lực trước lịch sử” (Trần Đức Anh Sơn, người chép sử) nằm ở khúc sau với…cùng một lứa bên trời lận đận

Ngày…tháng…năm…, người mang cái vạ chữ nghĩa, đao phủ thủ chữ nghĩa ở hai bên lề đường, họ hướng về khỏang thời gian, không gian thuở trời đất nổi cơn gí bụi…

Một cơn gió bụi (trang 75) có đoạn: “Trong số 22 người có đảng viên Đỗ Thị Lạc có đứa con gái với Hồ Chí Minh. Vể sau người ta nói có 3 trong 22 người ấy bị giết vì không chịu theo cộng sản”, đoạn này bị cắt ở bản của Phương Nam (trang 80), và bị thu hồi vì “có nhiều chi tiết, không phù hợp, không khách quan chưa được kiểm chứng”.

Ngày…tháng…năm…, hình như trời sắp có giông bão. Họ đi ngược chiều nhau ở hai bên đường…Nhưng tình cờ nào đấy họ gặp nhau ở một điểm nào đó……

Lại thêm một quyển sử bị cấm phát hành. Lần này là “Một cơn gió bụi” của học giả Trần Trọng Kim. Không chỉ là “một cơn gió bụi”, mà là một “cơn bão” dưới góc độ kiểm duyệt. Nó tiết lộ chi tiết Việt Minh triệt hạ các đối thủ, họ dùng “mền trùm đầu rồi bắt đi mất tích”. Việt Minh có thủ đoạn quỷ quyệt nhất giai đoạn lịch sử thập niên 1940.

Như cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim đã viết:

“…Cộng sản đảng là một thứ tôn giáo mới, cốt lấy sự mê tín mà tin (…). Vì không có luân thường đạo lý (…) nên cha con, bè bạn không có tình nghĩa gì cả, chỉ biết tôn trọng chủ nghĩa cộng sảnphục tòng đảng, Cộng sản đảng giết hại lẫn nhau: hễ ai làm việc lợi cho đảng là người giỏi. Xã hội, phong tục đều bỏ hết, bỏ đến tận cội rễ, để thành lập xã hội mới không tranh đấu cho quốc gia hay cho dân tộc. Dù có tranh đấu đi nữa, cũng chỉ là cái phương pháp tạm thời trong một giai đọan nào đó mà thôi…”.

Mụ chữ tôi bòn mót sau này, ông Nguyễn Văn Trung là “nguyên mẫu” của cụ Trần Trọng Kim qua Người Cộng sản như một người anh em thù địch: “Theo lối nhìn của tôi về triết học và tôn giáo thì đảng Cộng sản là một tổ chức chính trị mang tính chất tôn giáo (…). Cái cung cách của họ là cái cung cách của các tu sĩ đi giảng đạo, của các Thừa sai bên Thiên Chúa giáo. Đó là những người bỏ hết mọi sự theo lời Chúa: “Ai muốn theo ta thì bỏ hết”. (ý ông Trung là không thì chết với người Cộng sản, như 3 đảng viên trong 22 người bị giết vì không chịu theo Cộng sản ở trên).

Ngày…tháng…năm 1953, ngược về thời gian không gian trống vắng nào đấy, quá quan trời vắng chân mây địa đàng, họ ở gần nhau và có cái nhìn gần như nhau…

Trần Trọng Kim viết cuốn hồi ký này trước khi qua đời năm 1953 ở Ðà Lạt, di cảo in năm 1969 ở Sài Gòn. Trước đó hơn 60 năm, tác giả đã tiên đoán dù có thắng lợi đi nữa, đảng Cộng sản cũng không vững bền. Khi ấy, cụ chưa như chúng ta bây giờ chứng kiến cảnh sụp đổ của các chế độ Cộng sản ở Nga và Ðông Âu từ năm 1989. Ngày nay lớp hậu sinh chúng ta thấy rõ hiện tượng đảng tan rã đang xẩy ra, như lời cụ tiên đoán.

Cụ Nguyễn Văn Tố và cụ Trần Trọng Kim đã có cái nhìn gần như nhau…

Một hôm năm 1947, ông chủ nhà trọ cho tôi biết có cụ Nguyễn Văn Tố qua đây và ngủ lại đêm ở nhà thôn trưởng. Tôi sang đến nơi, ngồi chuyện vãn một hồi lâu, đợi ông thôn trưởng vào trong, hai chúng lặng im suy nghĩ. Lát sau, tôi lên tiếng:
– Ý cụ về cuộc kháng chiến này của ta như thế nào ?
– Ấy, tôi cũng định hỏi ông.

Chúng tôi lại ngồi im, mãi lúc sau cụ mới nói:
– Cuộc kháng chiến này sẽ kéo dài lâu lắm vì thực dân Pháp ngu. Nườc họ đã kiệt quệ vì chiến tranh với Đức, họ sẽ chết vì chiến tranh ở thuộc địa. Rồi ông xem….
– Còn nước ta?
– Ấy, quan tha thời ma bắt, chúng ta sẽ độc lập bề ngoài thôi. Nhưng trong nước sẽ lục đục, có thể bị chia đôi. Ông có nhớ mấy khoản của hiệp ước Postdam không? Gây ra Nam Bắc phân tranh mới rầy đấy. Nước nhà sẽ kiệt quệ, người Việt sẽ giết người Việt như ngóe ấy. Chỉ khổ cho lũ trẻ mà thôi. Lắm lúc tôi nghĩ buồn lắm. Suốt đời ăn hại. Chẳng biết chết rồi (1), về gặp ông bà ông vải, tôi biết ăn nói làm sao với các cụ?

Nhưng thôi, nghĩ vẩn nghĩ vơ làm gì. Thôi, anh em chúng ta về. “.

(1) Tuần sau, cụ Tố bị Pháp bắt và bắn ở bìa rừng bản Nà Pèn, Việt Bắc.

(Ký ức gặp cụ Nguyễn Văn Tố năm 1947 – Cố học giả Nguyễn Thiệu Lâu)

Ngày…tháng…năm 2017, mặt trời ngượng nghịu ló mặt ra…

Đài BBC liên hệ ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành. Ông Hòa cho hay lý do cuốn sách bị thu hồi vì có nhiều nội dung sai với sự thật lịch sử. Vì vậy việc dừng phát hành, thu hồi cuốn sách là…hoàn toàn đúng!.

***

Ngày…tháng…năm 2017, người mang cái vạ chữ nghĩa, và đao phủ thủ chữ nghĩa đều có chung một ký ức lờ đờ như khói, lễnh đễnh như sương…

Gần đây có nhiều sách bị thu hồi như năm 2017, cuốn Trương Vĩnh Ký, nỗi oan thế kỷ của tác giả Nguyễn Đình Đầu do nhà xuất bản Hội Nhà Văn và công ty Phương Nam phát hành. Sách được Cục Xuất bản cấp giấy phép và dự trù ra mắt tại phố Đường Sách, Sài Gòn ngày 8-1-2017. Nhưng giờ chót bị bị hủy theo “một chỉ thị miệng”.

Ngày…tháng…năm 2019, sau một cơn gió bụi trời đất lại sắp có giông bão…

Giống Trương Vĩnh Ký, cũng ở con phố Đường Sách ở Sài Gòn, người mang cái vạ chữ nghĩa Trần Đức Anh Sơn ra mắt hai cuốn “Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” và “Hòang Sa Trường Sa tư liệu & quan điểm của học giả quốc tế”.

Sách…không kịp thu hồi vi lỡ xuất bản từ năm…2014.

Năm 2017, New York Times phỏng vấn ông Sơn qua tiêu đề “Người săn bản đồ”, với nội dung ông ủng hộ lập trường của Việt Nam về chủ quyền trên biển Đông có câu: “Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam là nô lệ của Bắc Kinh, đó là lý do tại sao chúng ta giấu nhiều tài liệu (Hòang Sa Trường Sa) trong bóng tối”. Theo bài phỏng vấn của Mike Ives: “Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ông Sơn bị kỷ luật vì sai sự thật”. (trong luận án tiến sĩ về…Đồ sứ Việt Nam ký kiểu tại Trung Hoa, ông bị tố cáo “tiết lộ bí mật quốc gia” cho…Tàu)

Cũng là chuyện kể lể về bất cứ ai qua những bài viết ngắn dài, nhưng chuyện người mang cái vạ chữ nghĩa Trần Đức Anh Sơn có gì mà làm như…”to chuyện” lắm, làm như luộc cả con trâu trong nồi vậy. Ừ thì dắt trâu qua hàng rào, qua Gs Nguyễn Văn Trung viết trong Nhận định IV…mụ chữ tôi đồ là ông Sơn không có “Cái cung cách của họ (Cộng sản). Họ có cái cung cách của các tu sĩ đi giảng đạo, của các Thừa sai bên Thiên Chúa giáo. Đó là những người bỏ hết mọi sự theo Chúa (theo Cộng sản).

Nói cho lắm tắm cởi truồng ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông mới 6 tuổi, lũn cũn lớn lên theo ngọn cỏ gió đùa với 10 năm trồng cây, 100 năm trồng người…Người đến tuổi tri thiên mệnh trộm thấy từ đồ đá, đồ đồng vắt qua…”đồ đểu” nên đành…“đi với ma mặc áo giấy” là nhẽ thường tình như ông Petrus Trương Vĩnh Ký thế thôi.

Vì vậy họ đã treo “Thanh gươm Damocles” lên đầu ông Sơn từ năm 2017.

Ngày…tháng…năm…, cơn bão lạc mùa không tới. Vì vậy người mang cái vạ chữ nghĩa và đao phủ thủ chữ nghĩa leo lên xe bus ở trước chung cư… ….

Ông Trần Đức Anh Sơn, sinh năm 1967 tại Huế. Cha ông tử trận năm 1970 trong khi chiến đấu cho quân miền Nam Việt Nam. Ông lớn lên trong nghèo khó, sau đó ông tốt nghiệp cử nhân lịch sử, chuyên ngành Dân tộc học, Đại học Tổng hợp Huế. Tốt nghiệp tiến sĩ lịch sử, chuyên ngành Khảo cổ học, Đại học Quốc gia Hà Nội..

Ngày…tháng…năm…, trời hom hom, đất đơ đơ, xe bus chạy dọc theo đường Lê Lợi. Trước năm 75, khúc giữa Công Lý và Pasteur là đường bán sách cũ…

Ông Sơn đã bỏ ra 10 năm đi các nước nhờ có học bổng để đi nghiên cứu như Mỹ (2015-2016, học bổng tòan phần Fulbright), Pháp (2004), Bồ Đào Nha, Đức (2004), Hà Lan, Ý, Nhật Bản (1997-1998, học bổng Sumitomo Foundation), Hàn Quốc (1999)…Ông tìm được 95 bản đồ liên quan đến chủ quyền VN với Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là 56 bản đồ do các nhà hàng hải phương Tây biên soạn từ thế kỷ 16 tới 19.

Từ đó ông viết hai cuốn Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng SaHòang Sa Trường Sa tư liệu & quan điểm của học giả quốc tế, và trên 1.500 bài bài báo, bài nghiên cứu, đăng tải trên khoảng 300 tờ báo và tạp chí khác nhau ở trong và ngoài nước, tổng hợp các tài liệu chứng minh chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam.

Ngòai ra ông còn viết Facebook về biển Đông, theo ai đấy Facebook của ông có 180.000 người tham dự. Khốn khổ cho ông trong số ấy lại có đao phủ thủ chữ nghĩa vào…“tham quan”. Đúng 30 phút sau, ông bị bứng ra khỏi Facebook. Như họ bứng bức tượng Petrus Ký ở sế Nhà thờ Đức Bà mang về Bảo tàng Mỹ thuật Sài Gòn, tức biệt thự cũ của ông Hứa Bổn Hòa (chú Hỏa). Ông hình tượng ông là…bức tượng đồng đêm đêm đứng nói chuyện biển Đông với…”Con ma nhà họ Hứa” thì hãi thât. Khi không ông cảm hòai ông Petrus Ký cùng một lứa bên trời lận đận…lọ đã quen nhau.

Mụ chữ tôi góp nhóp những “nổi cộm”…”có khả năng” để ông Sơn lận đận …

Một là ông là học trò ruột của giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, người bị treo bút vì viết tiểu sử Hồ Chí Minh. Bài khảo sử của người mang cái vạ chữ nghĩa Trần Đức Anh Sơn Thầy Vượng với nhà Nguyễn bị cho là “xét lại” về mặt lịch sử với nhà Nguyễn. Vì từ năm 1954, sử gia Hà Nội theo “chỉ thị” ca tụng nhà Tâty Sơn, chống nhà Nguyễn theo Pháp như Petrus Ký. Như năm 2018, gần cuối đời, sử gia Phan Huy Lê viết bài Khách quan, trung thực, công bằng với nhà Nguyễn, ông cũng bị dòm dỏ là “xét lại”.

Hai là ông “liên hệ linh tinh” đến ông Nguyễn Đình Đầu, tác giả cuốn “Trương Vĩnh Ký, nỗi oan thế kỷ” vừa bị khai tử. Năm 2014, cùng năm với ông Sơn ra mắt sách, ông Sơn “móc nối” với ông Nguyễn Đình Đầu này trình làng sách Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hòang Sa – Trường Sa. Ba là ông Sơn “liên hệ” đến ông Nguyễn Nhã, người chủ biên sách của ông Sơn. Ông này viết trong sách của ông Sơn: “Xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, v…v…”. Ông đây lại là người chủ trương Tập san Sử Địa (Sài Gòn), tập san đã đưa bằng chứng Hòang Sa Trường Sa (1973) không phải của Tàu mà thuộc về…VNCH.

Mụ chữ tôi bèn “tiếp thu”: Thế là ông Sơn có…“vấn đề” rồi.

Với VNCH, có lẽ hàng “độc” như thế dưới đây là…

Là ông Sơn đi 3 thư viện lớn ở Mỹ và tiếp xúc nhiều nhân chứng cho thấy nhiều dữ liệu về Trường Sa – Hoàng Sa trước đây đưa ra chưa chính xác. Vì vậy ông Sơn tiết lộ bức điện mật lý do Quân lực VNCH không thể oanh kích tái chiếm Hoàng Sa: Đó là công điện đại sứ Mỹ gửi cho Nhà Trắng sáng 21-1-1974: “VNCH đã chuẩn bị 5 phi đội máy bay tập hợp tại Đà Nẵng để chuẩn bị tái chiếm Hoàng Sa”. Cuối cùng cuộc tái chiếm không thành vì Mỹ đi đêm với Trung Quốc, trong đó có việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc không được bắn giết những tù binh VNCH bị bắt trước đó. Tại buổi thuyết trình 19-1-2016 đánh dấu 43 năm Trung Quốc đánh Hòang Sa ở huyện Hoàng Sa (132 Yên Bái, Đà Nẵng), ông Sơn nhận định: “Qua những tài liệu chúng tôi tìm kiếm thấy Mỹ biết thế nào Trung Quốc cũng đánh xuống Trường Sa thời điểm đó, nhưng Trung Quốc đã biết động thái của Mỹ nên dừng lại  và sau này tiến hành đánh Trường Sa năm 1988.

Vì vậy theo đài BBC, ông Sơn bị cảnh cáo: Đừng nói xấu về Trung Quốc:

Mụ chữ tôi bòn mót, có thể vì cha ông trong quân lực VNCH bị tử trận, nên ông cứ ngay đơ dùng những từ “nhạy cảm và tế nhi”, hay nói khác đi “kỵ húy” với đao phủ thủ chữ nghĩa như: chính phủ VNCH, quân lực VNCH, không lực VNCH

Trong khi ấy bộ Lịch sử Việt Nam tái bản năm 2017 gồm 30 tác giả, toàn bộ 15 tập chỉ đề cập đến danh xưng VNCH hai lần. Lần nào cũng trong ngoặc kép, biểu thị sự khinh thường và nhạo báng. Lần thứ nhất ở trang 177 trong Tập 12 và lần thứ hai nơi trang 19 trong Lời nói đầu Tập 13 của một tác giả nào đấy. Danh xưng quân đội VNCH  cũng vậy, chỉ một lần được viết ở trang 191 trong Tập 12 và cũng trong ngoặc kép của tác giả nào đó. Vậy mà trong nước đã có nhiều người ồn ào phản đối.

Ngày…tháng…năm…, gió nồm rồi lại gió hanh, bể dâu thì đành bể dâu, người mang cái vạ chữ nghĩa và đao phủ thủ chữ nghĩa ngồi trên xe bus nhìn theo ngọn khói vu vơ, đất trời như trùng hẳn xuống theo con đường “Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do”. Xe bus rẽ trái, rẽ phải  tới Nhà thờ Đức Bà…

Qua đài VOA, Trần Đức Anh Sơn nhiều lần trả lời những vấn đề hóc búa về Hoàng Sa hay Trường Sa. Sự thẳng thắn của ông chỉ gói gọn trong một mục đích: trả lại cái gì của Caesar và đừng vin vào bất cứ lý do gì để biện minh hành động trí trá của mình.

Với New York Times: “Ông là một nhà sử học trung thành với những dữ liệu chính xác và đáng tin cậy. Từ cách nhìn của người ghi lại lịch sử ông đã lặn lội tới Nhật để tiếp tục nghiên cứu và trình luận án tiến sĩ. Thành công này giúp ông thực hiện hòai bão của một người muốn đóng góp cho quê hương bằng chính sở học của mình”.

”…Tôi là người học sử và đã nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Nay, tôi bắt đầu học làm người chép sử. Tôi sẽ ghi chép trung thành tất cả những gì mà tôi có thể ghi chép được về giai đoạn lịch sử hiện tại của nước nhà…”.

Đài BBC khi hay biết ông Trần Đức Anh Sơn bị tước bỏ đảng tịch, gọi điện thọai ông Sơn không được nên phỏng vấn Luật sư Phùng Thanh Sơn từ Sài Gòn. Luật sư nói với BBC: “Khi so sánh với các vụ án hình sự liên quan đến hành vi tuyên truyền chống phá nhà nước gần đây, về mặt pháp lý, ông Trần Đức Anh Sơn và những người bị cáo buộc trước đây đều có điểm chung là đăng tải nội dung sai sự thật, bịa đặt, không đúng với quan điểm của đảng, pháp luật của nhà nước. Nhưng pháp luật chưa có định nghĩa thế nào là tuyên truyền và thế nào là chống nhà nước. Ngày 31-1, ba nhà hoạt động Trần Hoàng Phúc, Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển nhận án lần lượt là sáu, năm và bốn năm tù”. (theo lệ muốn đưa đảng viên ra tòa, phải tước bỏ đảng tịch trước)

Để quy tội nào đấy (như tước bỏ đảng tịch) A25 phải “điều nghiên” cả mấy tháng, “điều động” cơ quan này cơ quan nọ để có sức ép. Theo Đại tá Công an Thái Kế Tọai, người điều hành A25 trong vụ Nhân văn Giai phẩm (NVGP): “A25 tạo ra rất nhiều cơ quan cảnh sát văn hóa với tư cách là cơ quan chủ quản (sic) của nhà xuất bản. Khi sức ép với nhà xuất bản của A25 và cơ quan Tuyên giáo (sic) không thành, người ta dùng quyền lực của cơ quan chủ quản ép nhà xuất bản tiêu hủy cuốn sách. Trong trường hợp Chúa Trời ngủ gật của nhà thơ Thứ trưởng Nguyễn Khoa Điềm, ông đã có công văn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho sách được xuất bản. Nhưng các phần tử chủ chốt của A25 vẫn gây được sức ép từ cơ quan nào đó ở cấp trên buộc bóp chết cuốn sách”.

Nghe khiếp quá thể, mụ chữ tôi lọ mọ chui vào ban kiểm duyệt văn hóa thuộc Bộ Nội vụ có “bí danh” là: “Bộ 4T”. Mụ chữ tôi láo ngáo thấy ban kiểm duyệt tạo ra nhiều, rất nhiều cơ quan như A25 thật để thu hồi các ấn phẩm sách báo, tạp chí, v…v….Để kiểm duyệt văn hóa mỹ thuật, đã có cảnh sát văn hóa Bộ 4T về hội họa, điêu khắc, kịch nghệ, điện ảnh nay lại có thêm…Facebook đầy ấn tượng. Vì vậy cảnh sát văn hóa Bộ 4T Facebook đầy sáng tạo học theo vua Dionysius thời trung cổ La-Hy, treo thanh kiếm lửng lơ trên trần nhà bằng sợi lông đuôi ngựa, mũi kiếm chĩa thẳng vào đầu Damocles. “Thanh gươm Damocles” cùng nghĩa với “ngàn cân treo sợi chỉ (Hanging by a thread) để diễn tả tình huống bấp bênh, rơi xuống bất cứ lúc nào. (chỉ mành treo chuông).

Bộ 4T được trấn giữ bởi hai ông thần giữ đền: “ông thiện” và “ông ác”…

Luận về hai ông thần này thì sau 54, ông thiện mang phong thái in hịt như mấy ông nhà văn trong Hội Nhà Văn ăn lương nhà nước, mấy ông nhà văn ăn không ngồi rồi hút thuốc vặt, ngồi cả năm có một tác phẩm là…ngon ăn rồi. Sau 75, ông ác mang tác phong của bên thắng cuộc, ông ngôi chồm hổm trên ghế kiểu ngồi nước lụt như đóng đinh vào ghế để giữ cái ghế phán quan, muốn vậy ông phải…bịa ra việc để làm.

“Làm việc” gặp ông thiện ngồi uống chè vối, hút thuốc lào tanh tách lãnh án treo cũng đỡ khổ. Cũng một chữ nhất tự thiên kim: “treo”. Số ruồi, “làm việc” với ông ác bất cứ lúc nào (dựa vào Ls Phùng Thanh Sơn), ông ác ngó chừng ông Sơn thấy ngứa mắt quá lắm, bèn ngứa tay cầm cái kéo…(cái kéo kiểm duyệt thời VNCH)

Với Facebook là con dao hai lưỡi với ông thiện, ông ác…

Trên mạng Facbook, thời gian qua, ông Sơn viết nhiều về lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông được nhiều ngườ chú ý. Từ giữa tháng 11.2017, ông Sơn nhận được ông thiện yêu cầu giải trình về những gì ông viết trên Facebook trong 3 năm vừa rồi. Sau đó ông đã trải qua 3 vòng kiểm điểm ở 3 cấp khác nhau trong 2 tháng theo quy trình vì đã vi phạm một số điều trong Quy định 47 “Về những điều đảng viên không được làm”. Tữ năm 2017 đến 2019, ông thiện để ông Sơn ngồi ngáp ruồi. Hai năm sau, tháng 3-2019 ông thiện ra thông báo nửa nạc nửa mỡ và tối nghĩa ai muốn hiểu sao thì hiểu: “Dù anh Sơn có đơn xin từ chức hay không có đơn từ chức thì Ban Tổ chức Thành ủy vẫn làm theo quy định”. và ông Sơn hiểu thật thà như đếm là với án treo, ông chỉ bị cảnh cáo, hay cách chức thôi.

Trong khi ấy ông ác ngồi búng ghét đuổi ruồi đợi ông Sơn làm việc gì ngứa mắt…

Một ngày không có mây sao có mưa, ông Trần Đức Anh Sơn mang cái vạ chữ nghĩa vì chuyện không đâu. Chuyện xảy ra ngày 2-9-2018. Số con rệp, vì theo ông Sơn cho hay có ai đó tag vào Facebook của ông bức hí họa với status có hàng chữ “liên hệ” đến ông Hồ: “73 năm trước lùa dân tụ tập đông người để nghe Tuyên ngôn độc lập – 73 năm sau ngày lễ độc lập lại cấm tụ tập đông người”. Lúc đó khoảng hơn 12 giờ trưa. ChỈ 30 phút sau ông ác gọi điện thoại ra lệnh ông Sơn xóa cái status có hình vẽ trên.

Ông ác như “Con ma nhà họ Hứa” có ba đầu sáu tay ở biệt thự Chú Hỏa…

Ông ác bỏ ra 2 tháng tổ chức 1 đoàn kiểm tra. Từ ngày 20-11-2018, ông ác yêu cầu ông Sơn kiểm điểm 6 lần, qua nhiều cấp khác nhau. Mụ chữ tôi không thấy người mang cái vạ chữ nghĩa Trần Đức Anh Sơn nói gì về chuyện mình bị kiểm điểm thế nào! Nhưng theo ông Thái Kế Tọai: “Cách thức đánh NVGP mô phỏng cách Trung Quốc đấu tố phái hữu, ông Hồ chứng kiến việc này ở Bắc Kinh, và Tố Hữu áp dụng ở Việt Nam. Đó là cách tra tấn tinh thần, do sức ép nặng nề về tâm lý để đối tượng tự nhận tội”.

Như cuộc đấu tố Ngô Tất Tố diễn ra gay gắt căng thẳng, vu cáo những chuyện tày trời, dồn ông vào tận chân tường, ông đã phải thắt cổ vào đêm 20-4-1954 tại nhà ở Yên Thế, Bắc Giang”. Ông Sơn cũng không cho biết với 6 lần, qua nhiều cấp khác nhau kéo dài bao lâu. Đến ngày ngày 5-3-2019, tức gần 4 tháng sau ngày 20-11-2018: ông ác ngứa tay cắt béng “sợi lông đuôi ngựa” để thanh gươm Damocles…rơi xuống.

Giữa sân pháp trường, mọi người hồi hộp đợi người mang cái vạ chữ nghĩa hô hóan: “Ba hồi trống giục đù cha kiếp – Một nhát gươm…rơi bỏ mẹ đời”. Bỗng trời đất nổi cơn gió bụi, một trận gió lốc xoáy rất mạnh, gió soắn tít (Chém treo ngành) nên không ai biết thanh gươm rơi xuống thế nào. Vì vậy không ai mảy may hay người mang cái vạ chữ nghĩa Trần Đức Anh Sơn có hóa thân thành con ma nhà họ Hứa hay chăng?

Chắc phải hỏi ông thầy bói mù quá!

Ngày…tháng…năm…, xe bus tới bên hông Bưu điện nay là phố Đường Sách, ngồi trên xe người mang cái vạ chữ nghĩa bất chợt nhìn thấy…

Mụ chữ tôi cũng nhìn thấy đao phủ thủ chữ nghĩa hóa thân là Khổng Minh, dùng Kỳ môn độn giáp thiên thư bày binh bố trận trong trận Xích Bích từ năm 2017 với cụ Trần Trọng Kim và ông Nguyễn Đình Đầu. Đến giữa tháng 11-2017, Khổng Minh lại đưa ông Trần Đức Anh Sơn vào Hoa Dung tiểu lộ. Ông Sơn ngồi trên ngựa Xích Thô, tay cầm thanh long đao tư lự: “Tôi được yêu cầu giải trình những gì tôi viết trên Facebook qua nhiều lần, nhiều cấp khác nhau”. Ông xuống ngựa, gác thanh long đao sang một bên, ông rửa tay gác kiếm: “Vì vậy tôi nộp đơn xin từ chức ngày 1-2-2019”. Ông gật đầu tắp lự ông đang thong dong được trở về với chính ông.

“Người săn bản đồ” một mai sẽ âm thầm đi vào con ngõ nhỏ của quên lãng, như tên đường Nguyễn Văn Bình vừa thuộc về quá vãng. Trên đường không còn những cây me lá rơi rất mỏng như là rơi nghiêng, mụ chữ tôi bèn đi tìm ông thầy bói.

        Ngày…tháng…năm…, nắng thủng thỉnh, mây lang thang, trên xe bus tới con phố Đường Sách Sài Gòn, đao phủ thủ chữ nghĩa cũng vừa bất chợt nhìn thấy…

Mụ chữ tôi là người lái xe bus cũng nhìn thấy tấm bảng hiệu uy nghi cao hơn đầu người với hàng chữ: “Không cần phải đốt sách để phá huỷ một nền văn hoá. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc thôi”. Trên xe bus, người mang cái vạ chữ nghĩa và đao phủ thủ chữ nghĩa nhìn ra ngòai phố thị. Mọi người điên cuồng hò reo đếm ngược từng con số của năm cũ cho đến 0 giờ 0 phút 0 giây…năm 2020. Người mang cái vạ chữ nghĩa và đao phủ thủ chữ nghĩa ôm chặt nhau trong giây phút…xuân bất tái lai.

Mụ chữ tôi bỏ xe bus đi tìm ông thầy bói mù ngồi bên phố sách, ông ngồi đấy, qua đường không ai hay. Và đưa ra một bài phú gần như thất truyền

Ông thầy bói giương cặp mắt trắng dã, hít hít mũi:

– Giọng văn mạnh mẽ, ý chí thì hơi văn hùng hồn, có mùi sắc lạnh như gươm mài dưới nguyệt của Đặng Dung.

Tiếp, đưa tập cổ thi giấy hoa tiên đã ố vàng, ông khịt khịt mũi:

– Câu chữ khí phách, hương văn thì thoang thoảng tài trí bất khuất, một đời chỉ biết khấu đầu bái mai hoa ắt là Cao Chu Thần.

Mụ chữ tôi đưa bút ký Con đường sách Sài Gòn và câu chuyện đốt sách của ông lang Tây Ngô Thế Vinh, ông không ngửi, nói ngay:

– Hơi văn có mùi binh đao, khói lửa thì ra gặp thời hôn quân bạo chúa đốt sách chôn nho. Chữ nghĩa có hơi hướm điêu tàn thì ra gặp buổi loạn lạc.

Nói xong, ông thầy bói mù…nháy mắt hướng về bến xe bus

Ngày…tháng…năm 2020, nắng muộn màng oai oải bò lên tới tàng cây, gió thổi mây xoắn tít, người mang cái vạ chữ nghĩa rời xe bus, bước xuống phố sách, vẫn giữ thói quen rẽ trái. Đao phủ thủ chữ nghĩa cũng giữ thói quen rời xe bus rẽ phải…

Cùng trên lề đường phố thị, họ đi về hai hướng khác nhau. Khỏang cách càng ngày càng cách xa và làm như từ trước đến nay cả đời họ chưa từng bao giờ gặp nhau.

Thạch trúc thảo lư                                                                                      

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Nguồn: Chung Mốc, Cung Vĩnh Viễn, Nguyễn Huyền Thọai Vy

Cơ Mẽ, Gió Bắc, Đỗ Quyên, Lê Đình Dũng, Mạnh Kim, Mạc Lâm

Đào Bích, Trần Anh Tuấn, Dương Cầm, Trần Đăng Khoa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search