T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: QUA ỐNG KÍNH VUÔNG CHÀNH CHẠNH

Ảnh: Tác Giả

Gã là nhà thơ, bởi một lẽ mọi người trong giới nghệ thuật hiện nay, nói chung, ai có được một, hai tác phẩm thì có thể trở thành rất nhiều thứ “nhà” chứ chẳng riêng nhà thơ như gã. Cũng giống như nhiều nhà thơ khác quanh gã, gã bị dày vò bởi một nghịch lý: Vừa muốn được xem như khuôn mặt tân hình thức, hậu hiện đại, vừa muốn đại chúng biết đến. Vì có phải ai cũng hiểu thơ đâu, và (lại càng) có phải ai cũng hiểu thiên tài đâu. Chỉ cần gặp một trong hai đã vỡ đầu rồi. Trong trường hợp này, gã có cả hai.

Ước muốn thứ nhất lồ lộ ra rất rõ: Gã luôn luôn trình diễn vẻ hiện thực và cô đơn ở những nơi có đàn đúm văn nghệ ngập khói thuốc với “trăm năm bia đá cũng mòn, bia chai cũng vỡ chỉ còn …bia ôm”. Ước muốn thứ hai lại thậm thụt ẩn kín: Đêm nào gã cũng chiêm bao thấy thơ mình được viết trên tường ở các nhà ga, bến xe, tuyến xe buýt, và được các bà bán hàng rong vừa đọc vừa bắt chấy cho nhau trong giờ nghỉ trưa.

Tháng trước, gã lạnh cẳng khi phát hiện bài thơ của mình được ai viết lên tường chuồng xí của một tiệm phở. Len lén chen vào giữa những dòng chữ rất đại chúng, đại thể như: “Xa quê hương, nhớ mẹ hiền”, “Hận đời đen bạc”, “Hận kẻ bạc tình”, hoặc giả rất hiện thực, hiện đại như “Người lịch sự xin vui lòng dội cầu sau khi dùng“…

       Gã tất tưởi chạy về quơ cái máy chụp ảnh bự sự, chụp cái ống kính tròn xoay. Trở lại tiệm phở. Kêu một tô khác. Trả tiền. Nhưng không ăn phở mà lẻn vào cầu tiêu. Khóac trên vai cái máy to đùng như một nhiếp ảnh gia nghiệp dư, và cũng chẳng quên đội cái mũ đi săn như đi…săn hình. Vừa thong dong bước, gã vừa suy nghĩ lơ mơ: Ấy là đừng băn khoăn nhiều trong lúc nhắm qua ống kính. Ðừng đặt ra tiêu chuẩn gì về cái đẹp. Cứ chụp như người không biết chụp hình. Chính cái hồn nhiên mới đem lại cái tươi mát trong ảnh nghệ thuật.

Theo đúng…truyền thuyết chụp hình học lóm được qua sách báo, gã nhắm một mắt chụp bài thơ 36 góc độ khác nhau. Ánh sáng chìm nổi khác nhau. Gã chụp…chụp…chụp. Và gã chụp… Các cụ ta xưa dậy chả sai bao giờ rằng “Một trăm bó đuốc cũng chụp được…một con ếch”. Xong, chạy đi rửa phim. Sau đó, gã chọn một bức đắc ý nhất, cho phóng lớn, lộng vào khung kiếng, treo trên tường cạnh bàn viết, rồi ngồi bất động hàng giờ để ngắm. Gã rất hài lòng, nhưng vẫn thấy thoáng như bài thơ trong khung ảnh lộng kiếng không có cảm tính như bài thơ trên tường chuồng xí tiệm phở: Quái ! Hình như bài thơ ở chuồng xí nó hiện đại hơn, và ngồn ngộn hơi hướm của đời sống hơn. Tác phẩm ở chuồng xí quá ấn tượng. Nó là sự kết hợp giữa nghệ thuật thị giác, tức “vi-sục-ạc”, và nghệ thuật vị giác, tức “tết-tờ-ạc”, thủ pháp này dùng cho khúc vĩ thanh thật huy hoàng tráng lệ… Bỏ mẹ! Hay là lúc nãy chụp hình, gã nhắm cả…hai mắt.

Chuyện là mây vẫn bay, ngày vẫn qua đi, suốt cả tuần qua, giới bạn bè văn nghệ thấy gã có vẻ hiện hữu hơn, nhưng cũng cô đơn hơn trước nhiều lắm. Cả tuần nay, chủ tiệm lấy làm lạ vì sáng nào cũng thấy một người đàn ông đến gọi một tô phở. Trả tiền. Nhưng chẳng ăn mà đi thẳng vào chuồng xí. Ở trong ấy rất lâu. Rồi trở ra. Và rời quán mang theo những suy tư vời vợi, bỏ lại tô phở nguội ngắt.

Và sáng nay cũng vậy, gã đang thẫn thờ bên tô phở, bất chợt nhìn qua bên đường, gã nhòm thấy cái băng vải có hàng chữ to tổ chảng “Triển lãm ảnh nghệ thuật”. Gã bần thần nghĩ thế nào là ảnh nghệ thuật? Nghệ thuật là cái đẹp. Vậy chứ dí ống kính vào “đống rác” không đẹp chăng? Thế nên cho đến thế hệ @ này, vẫn chưa có tác phẩm ảnh nghệ thuật nào về…đống rác thì phải? Khó thật chứ chẳng chơi ! Gã lại đâm đầu chợt nhớ đến ông Lê Văn Khoa viết ở đâu đó: “Muốn có một bức ảnh nghệ thuật, nhiếp ảnh gia phải có tâm hồn nhà văn, nhà thơ…”. Chạy trời không khỏi nắng, gã đang là nhà thơ, lại là nhà thơ mang cái sứ mệnh tân hình thức với hậu hiện đại. Trái nắng trở trời thế nào chẳng biết nữa, gã lọ mọ qua bên kia đường trong một ngày ít gió nhiều mây để tìm hiểu thế nào là…ảnh nghệ thuật.

***

Cứ theo gã thì tranh vẽ, ảnh nghệ thuật không có ý gì cả. Họa sĩ không làm việc để minh họa minh triết nào, khi người chụp ảnh thâu vào ống kính để diễn tả ý nào đó, cũng chỉ minh họa như họa sĩ. Mức cao hơn, là cả hai biết chú ý đến bút pháp và bố cục..v..v.. Ảnh chụp cũng không có ý gì cả nên cái tên của ảnh cũng chỉ đặt cho có mà thôi. Không ít lần gã ngắm nghía một bức ảnh đẹp xong, đến gần nhìn thử cái tên, thấy… chưng hửng! Gã cứ lan man như vậy và bước tới trước cửa lúc nào không hay. Nhằm vào giờ ăn trưa, phòng tiển lãm thưa vắng khách thưởng ngoạn. Nhưng đập chát vào mắt gã ở góc phòng có hai nhân vật: Một là ông họa sĩ tháng trước triển lãm tranh ở đây mà gã đã nhẵn mặt: Ông đeo cái kính dâm đen, tay ly cà phê…đen. Ông kia còn trẻ tuổi đeo cái kính cận bẩy, tám độ. Mặt kính cong vòng như cái kính hội tụ, nên mắt như ngây như dại, nên gã đoán chừng là nhiếp ảnh gia. Cả hai đang nhàn tản đứng phê bình một bức ảnh đầy nghệ thuật tính.

Và bỗng dưng không đâu, ôm rơm rặm bụng gã lại chạm trán với câu hỏi “Nghệ thuật là gì?”. Một bế tắc nhức nhối từ thời cổ đại đến giờ, cuối cùng thì gã phải tự đi tìm câu trả lời cho chính gã bằng cách làm như khách bàng quan. Gã chậm rãi đi tới…Gã đi tới gần, hay nói khác đi là vừa tới ngay…

Vừa lúc ông họa sĩ chỉ vào bức ảnh vuông vắn…ngay cạnh cửa cầu tiêu của phòng triển lãm. Chằm bằm ngắm bức ảnh, ông họa sĩ đeo kính dâm diễn giải:

– Bức ảnh là bức tranh để cảm nhận, thay vì để ngắm.

Mặt gã đờ ra như cán cuốc, than thầm sao ông này khó hiểu quá thể. Ông tiếp:

– Trong phần dẫn nhập tác phẩm The Essence of Christianity, triết gia Feuerbach nhìn nhận thời đại chúng ta là thời đại “Ưa chuộng hình ảnh hơn sự vật, bản sao hơn bản gốc, biểu tượng hơn thực tế, bề ngoài hơn hữu thể “. Thật ra, cái nhìn vật thể thay đổi theo thời gian và không gian, tất cả bắt nguồn từ hội họa hiện đại chính thức khởi đầu với trường phái ấn tượng (Impressionism) từ năm 1860.  Sau đấy trường phái hiện thực đã có những dấu hiệu xa rời nguyên thủy vì một trong những lý do khoa học kỹ thuật đã thẩm nhập vào đời sống con người, với sự phát minh ra…”máy ảnh” vào những năm giữa thế kỷ 19. Nhiếp ảnh đã giải thoát những họa sĩ khỏi vai trò người kể chuyện và minh họa, cho phép tìm tòi vùng nội tâm bị lãng quên trong hội họa phương Tây, kể từ thời Phục Hưng của Ý.

Người nhiếp ảnh gia đeo kính cận, mặt mày hâm hâm thấy rõ vì có người vừa phát hiện ra cái máy ảnh…của người giữa thế kỷ 19. Gã ngắm bức ảnh làm bộ như chuyện thiên hạ sự, nhưng gã cứ căng mắt ra nghe…người nhiếp ảnh gia, vừa sửa lại gọng kính, vừa bàn góp:

– Lạ! Lạ thật, bức ảnh mang đi triển lãm này lại không có tựa đề.

Làm như một lũ điếc đang đứng với nhau…tọa đàm. Ông họa sĩ tung tẩy:

– Và cái nhìn vật thể qua nhiếp ảnh như bức hình mà Michael Thompson chụp người mẫu Jukianne Moore mà ông lấy cảm hứng từ tuyệt tác hội họa La Grande Odalisque của Jean-Auguste-Dominique Ingres. Bức tranh này được vẽ năm 1814 và được treo trong bảo tàng Louvre. Ảnh chụp được đăng trên tạp chí mỹ thuật Vanity Fair năm 2000.  Hình ảnh chụp trông từa tựa như bất cứ bức tranh cổ điển nào, như bức La Grande Odalisque của Jean-Auguste-Dominique Ingres cả hơn một trăm năm về trước.

Người nhiếp ảnh gia vẫn mê mải với bức ảnh chụp “thiếu kích thước, giữa có một cái lỗ như cái cửa sổ”.  Vẫn còn đang mải mê vật lộn với cái tên:

– Việc đặt tên cho đứa con tinh thần. Tức là tên tác phẩm, điều này cũng vô cùng quan trọng. Tôi đang phân vân giữa “Trăng treo ngoài cửa sổ” hay ” Trăng vỡ trên mặt sông” đây.

Ông họa sĩ gật gù, đồng cảm:

– Hay, quá hay. Giản dị mà khó hiểu. Khó hiểu mà giản dị. Kiệt tác đây rồi, tìm ở đâu xa.

Bèn nhấp một ngụm cà phê:

– Đi sâu vào vật thể, bản thể qua ống kính, theo nữ nhiếp ảnh gia người Nhật gốc Việt Himiko Nguyen thì “Nhìn từ một góc độ nào đó, vật thể, bản thể là một hợp thể của các chức năng luôn tiềm ẩn khả năng xoá nhoà mọi ranh giới của nghệ thuật”  Nói cách khác, điều gì sẽ làm cho vật thể, bản thể trở nên nguồn sáng tạo cho trí tuệ? Câu trả lời của Himiko Nguyen là: Khả năng tự ý thức, tự chiêm ngưỡng của bản thân, của ống kính. Từ đấy, mọi chi tiết và cấu trúc với mọi góc khuất thầm kín đều được bạch hóa…”

Thế nhưng tùy theo góc độ của người chụp hình, qua ống kính là cửa sổ chiếu thẳng vào một thế giới ngập tràn các mảnh thể rời, được chụp bắt trong nhiều tư thế và từ nhiều góc độ khác nhau. Tất cả các mảnh lẻ rời rạc ấy đều được nhìn gần đến mức mọi thứ ràng buộc con người và sự vật bị loại thải hoặc xoá nhoà hết. Còn lại vô giới hạn của các thể dạng khuấy gợi bừng lên các cảm xúc được dàn dựng đa chiều của ánh sáng, bố cục, đường nét và mầu sắc…

Mặt nặng như đá đeo, người nhiếp ảnh gia càm ràm:

– Theo tôi thì hội họa là mầu sắc. Còn nhiếp ảnh là ánh sáng, thưa ngài.

      Ông họa sĩ được thể lấy lưỡi đá cái miệng:

– Sau ống ngắm như thể đang trong tiến trình dò kiếm, dừng lại, trì néo, giằng co, và dường như đôi khi bất lực qua cái nhìn của bản thân của người bấm máy. Với Himiko Nguyen, đây là một đường nét sáng tạo có đôi nét tương đồng nào đó với họa sĩ. Rõ ràng là ở đây, ta có thể thấy ngay, dù cho người chụp ảnh không hề vẽ, nhưng tìm cách thu vào ống kính, ghi lại cảm thức về sự chuyển động xoay cuộn của vật thể trong các tư thế chuyển động qua bản thể.  Trong việc sử dụng máy hình, các chức năng zoom và macro của nó cùng những thao tác trong phần mềm photoshop tương đương với thao tác trực hoạ của họa sĩ. Qua miêu tả của Himiko Nguyen thì các mảnh vật thể luôn tôn tại ở những ráp giới vô cùng nhậy cảm của bản thể. Một mẫu hình của cái đẹp tự nó, mang tính chức năng, và rung động qua mức sáng tạo nhậy cảm của người thưởng ngoạn. Thí dụ như với bức hình chụp gần đây của Võ Tòng Thông ở Paris là 1 trong 100 bức ảnh được chọn là đẹp nhất thế kỷ 20…

Gã chẳng biết người Võ Tòng Thông là ai, nhưng cứ lót đót với lỗ mỗ kiến thức của gã thì nhiếp ảnh gia hôm nay phải là một nghệ sĩ chân tài. Họ là nghệ sĩ đích thực với bàn tay tài hoa của một họa sĩ. Cái đầu bồng bềnh ôm mây cưỡi gió của một nhà thơ. Cái miệng tráng mỡ nói con kiến trong lỗ cũng phải bò ra như một nhà văn để diễn giải tác phẩm của mình đã bất chấp bố cục, bỏ quên ánh sáng, mà mắt người đời thường chẳng thể thẩm nhận nổi.

Người nhiếp ảnh gia mắt vẫn dán chặt vào bức ảnh vuông bé bằng cái lỗ mũi:

– Thì chính ngài đã bảo bức tranh và ảnh chụp là để cảm chứ đâu phải để hiểu. Theo tôi đây là một sự cách tân đầy sáng tạo. Cũng như tựa đề tác phẩm “Trăng treo ngoài cửa sổ” thật hay. Đa nghĩa mà đầy ẩn dụ với mầu vàng lủng lẳng. “Trăng vỡ trên mặt sông”… cũng hay, ẩn dụ mà đa nghĩa với mầu vàng lan man trong nước, hết còn lủng lẳng. Nhưng ngài nên nhớ, tên tác phẩm vô cùng quan trọng, nó là bộ mặt của tác phẩm, cũng như mặt tiền căn nhà vậy.

Và như một nghệ sĩ có thật, ông họa sĩ thao tác với đường nét của riêng ông:

– Nói một cách nào đó, những bức ảnh nghệ thuật chính là những hợp thể lạ lùng của nghệ thuật kiểu triết gia Kant về cái đẹp tự nó và cái đẹp nguyên hợp vô cùng rõ nét, rất đậm chất hậu hiện đại với tân hình thức. Cả hai cách tiếp cận của nữ nhiếp ảnh gia Himiko Nguyen và của họa sĩ dường như đã gặp nhau trong những cảm xúc nghệ thuật thuần tuý, và đầy nghệ thuật tính. Hiểu theo nghĩa của Himiko Nguyen là một bức ảnh nghệ thuật với chủ quan hay khách quan thì một phần nào từ cảm xúc nhậy cảm của người bấm máy hơn là vật thể trước ống kính. Nếu triết lý một cách khoa học, nhiếp ảnh gia không nắm bắt sự vật như…máy! Nhưng ngược lại, dễ hiểu là máy không thể bày tỏ nội tâm chủ quan như…người được.

Chỉ cái lỗ như cái cửa sổ, người nhiếp ảnh gia biểu dương kiến thức:

– Cái cửa sổ này nên nhích qua bên phải một tí. Hay nhích lên cao một chút Tại sao tác giả không sử dụng triệt để phép tu từ trong tình huống này? Tu từ, tức là tu sửa, là sửa nhà cửa, là trung tu, đại tu, là… tu hành, tu đạo, thưa ngài.

Ông họa sĩ gật đầu như ngầm đồng quan điểm:

– Ý niệm của nhiếp ảnh gia là một kỹ thuật gia, kỹ thuật của nghệ sĩ là trí óc. Đôi tay là thừa. Mắt và óc đủ rồi. Nó phát triển theo hướng hiện thực, chính xác để hướng dẫn và truyền đạt. Nhiếp ảnh gia cầm trong tay cái máy hình, ngoài là phương tiện gợi hứng bằng con mắt, họ phải có những tiến trình từ lúc chuẩn bị tới lúc hoàn thành đều được phối hợp hết sức tỉ mỉ bằng trí óc và thời gian cùng những trải nghiệm.

Gã nghe rát cả mặt, bụng thầm bảo dạ: Người cầm máy hình đâu cứ bấm cái nút là…chụp hình. Ai chẳng biết họ thu vén cái đẹp tức nghệ thuật. Nhưng ngoài nghệ thuật vị nghệ thuật, còn nghệ thuật vị nhân sinh vì còn người thưởng lãm. Cái đẹp của người bấm máy chẳng hẳn là cái đẹp của tha nhân. Chớ bao giờ coi thường họ, họ thông kim bác cổ, người thưởng lãm là những thức giả thầm lặng. Nhưng họ đang ẩn mình trong hang, trong cốc, và họ không nói đấy thôi.

Ông họa sĩ vẫn lẵng nhẵng:

– Như Feuerbach nhìn nhận: Với sự phát minh ra máy ảnh vào những giữa thế kỷ 19. Nhiếp ảnh đã giải thoát những họa sĩ khỏi vai trò người kể chuyện và minh họa bằng hai mầu nâu của đất và mầu nâu của thân cây qua vẽ phong cảnh với trường phái cổ điển để sau này có trường phái ấn tượng với Renoir. Họa sĩ ấn tượng muốn tạo những bức họa mà máy ảnh thời đó không làm được như những nét nhấn chấm phá, những nét cọ sơn đắp dầy trên mặt tranh như những dấu ấn cá biệt. Ngay như Manet, Degras vận dụng những đặc thù cá biệt của nhiếp ảnh để tìm ra phương thức mới cho ngành hội họa, loại trừ kiểu vờn bóng của Ý thời Phục Hưng, họ phỏng theo các mảng đen trắng tách biệt của ảnh chụp loại bỏ sắc độ trung gian ta vẫn thấy ở tranh cổ điển bằng mầu sắc tươi hơn, nhất là mầu đỏ với trường phái Dada hay Dã thú…

Hay nói khác đi có máy hình thì trong hội họa mới có trường phái ấn tượng từ năm 1860. Nhưng cũng chính máy hình sau này sẽ “cưỡng bức” hội họa. Người ta không biết trong những thiên niên kỷ tới, hội họa có bị…”bức tử” hay chăng?

Gã nhủ thầm chuyện đâu còn đó vì trong đầu cứ “zoom” tới, “zoom” lui với…cái máy hình: Vì nó là cái gạch nối giữa nhiếp ảnh gia và người thưởng lãm. Trần trụi chỉ là cái máy hình. Mà cái máy hình lại không biết nói. Đó là chức năng của người cầm cái máy hình. Họa sĩ phẩy một vài nét ký họa chân dung là ra cái hồn người. Nhà văn chỉ vốc chữ, nhưng vẫn có hồn, có cốt, có tráng qua văn chương. Ngắn gọn và dễ hiểu là Tầu đã dậy khôn Ta qua sách vở rằng: “Chụp hình ma quỷ dễ, chụp hình người khó”. Vì vậy cho đến nay chỉ có duy nhất một nhiếp ảnh gia thành danh chụp chân dung. Còn lại thường chụp phong cảnh, tĩnh vật, giản dị như cái máy hình, vì cây cỏ và tĩnh vật cũng không biết…nói nốt. Gã lẩn mẩn với những nhiếp ảnh gia sau mươi năm, họ vẫn vác máy trên con đường mòn xưa cũ. Họ không đi tìm con đường riếng lẻ như Thu Nguyễn, Thái Phiên, Brian Do, Himiko Nguyen, Yang Zing, Li Bot, v..v..

Thế nhưng người nhiếp ảnh gia lại biết nói. Người nói như gió thoảng mây bay:

– Cái khung cửa sổ còn thiếu sức sống, chưa đủ da thịt. Nó có phần lủng củng, không ăn nhập với cái toàn thể. Hay nói khác đi là không có …bố cục. Cái này cần khắc phục, cần…điều chỉnh. Muốn sửa chữa dễ thôi, nó thuộc về “tẹc-ních…”

Bụng dạ gã tức như bò đá vì cái cửa sổ là…cái cửa sổ. Bố cục thế chó nào được…Bỗng gã muốn nhẩy nhổm lên vì khi không bị ông họa sĩ bê vào chuyện phê bình ảnh nghệ thuật:                                                                       

– Một hiện tượng ảnh chụp gần đây rất phổ biến như thơ. Là có hằng hà những bài thơ cứ ngồn ngộn chữ, cứ lấp lánh mầu sắc và trầm trầm bổng bổng hơi nhạc nhưng lại rỗng tuyếch, không nói lên được điều gì cả. Nó ném xuống ao ào ạt lá vàng nhưng không làm cho người ta thấy được mùa thu. Nó khua động ầm ĩ nhưng không làm thành âm vang của tiếng hát. Nó dựng lên ùn ùn những khói nhưng không tượng hình nổi một làn mây. Nó có dáng dấp của hoa nhưng lại thiếu hẳn một làn hương. Như chụp hình. Nó có tất cả. Chỉ trừ một điều: Cảm xúc.

Ông họa sĩ vẫn đều đều tiếp, làm như không có gã đứng ở đấy:

– Thơ, họa, ảnh cũng vậy: Không có cảm xúc thì không có hồn: Chỉ là một tác phẩm chết.

Nhìn quanh quất quanh tường, ông trầm ngâm:

– Một bức họa, một bức ảnh là một “biểu tượng”. Là cái gạch nối của tĩnh vật và người thưởng ngoạn. Như thơ, bức ảnh có “ngôn ngữ” riêng của nó để gửi gấm, nói lên một cái gì đó sâu kín của người sáng tạo. Mà ngôn ngữ của ảnh chỉ cô đọng trong bốn cái khung hình. Thế nên như nhà thơ, cả đời chỉ có một bài thơ thành danh và nhiếp ảnh gia cũng vậy.

Người nhiếp ảnh gia cũng ngó quanh quất:

      – Nhưng nghệ thuật nhiếp ảnh chọn nghệ sĩ và đầy đoạ họ. Nghệ sĩ không có quyền chọn lựa. Đấy là mối tương quan giữa nghệ thuật và nghệ sĩ. Nghệ sĩ, đáng thương thay kẻ lữ hành với ống kính vuông chành chạch trên vai, với khối cô đơn vĩ đại. Nếu không đủ cô đơn, họ không sáng tạo mà chỉ…chế tạo thôi.

Hoa tay chỉ vào bức ảnh nghệ thuật có một không hai, và thở ra …như tiếng thở dài…

      – Zarathustrainsara, nhà phê bình ảnh nghệ thuật  Ba Tư đã đề ra bốn tiêu chuẩn cần phải có là: Kiến thức rộng rãi; tâm hồn nhậy cảm; vốn sống và cuối cùng là…không biết thì đừng nói. Vi tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật này đây toàn bộ bố cục mang dáng vẻ siêu hình, là đỉnh cao của trường phái… hiện hình. Nó có kết cấu đa tầng, đa thanh…, giống… giống với kết cấu giao hưởng của Betnhetoven. Về mặt tổng thể, đây là một siêu văn bản nói lên cái siêu ngã để qua đó khẳng định cái siêu tôi. Tóm lại là tuyệt. Tuyệt vời trên cả tuyệt vời.

     Mắt gã đảo tít như lạc rang và…lạc theo ngón tay của người nhiếp ảnh gia. Và…nhòm ra bức ảnh nghệ thuật là…chỉ là…cái “công-tắc”  điện. Giữa có cái núm bằng mủ như…cái cửa sổ. Có bật đèn lên mới thấy “Trăng treo ngoài cửa sổ” chứ. Gã bật ra bài thơ siêu hình thức:

Ngoài. Cửa. Sổ. Trăng. Vẫn. Đang. Treo.

Treo. Lủng. Lẳng

Lẳng. Lủng. Lẳng

Tõm…Tõm.

     Mà cái cửa sổ bé tẹo như thế này thì…bố cục thế chó nào được. Bố nó chứ! Gã nhìn nháo nhác…vì chả hiểu mình rủa bậy ai đây, lỡ có ai nghe thấy thì lại vạ mồm và miệng.

***

      Ông họa sĩ và người nhiếp ảnh gia, không ai bảo ai, đột nhiên ngừng nói chuyện. Gã nhìn nháo nhác bắt gặp cả hai bước qua cánh cửa cầu tiêu, bên kia có một bức ảnh trắng đen khác. Cả hai đều đăm chiêu, tư lự ngắm bức ảnh ấy. Ông họa sĩ chậm rãi bước đến gần. Ông ngửa cổ uống hế ly cà phê như voi uống thuốc gió. Ông chọc thủng mội lỗ ở đáy ly giấy. Tháo kính dâm ra, nheo một mắt qua ly cà phê giấy như cái ông kính. Ông lâm râm: “Một tĩnh vật ảo đầy ấn tượng”. Tiện mồm, ông ngâm nga :

Khi ta vẽ trừu tượng

Cái đầu ta hiện thực

Khi ta vẽ hiện thực

Cái đầu ta trừu tượng

Khi ta vẽ em

Đầu ta bay đâu mất

(họa sĩ Chóe)

      Người nhiếp ảnh gia, cũng tháo cái kính cận bẩy, tám độ. Người lùi ra xa một chút như một kiến trúc sư và cũng nheo mắt, ngón tay đưa về đằng trước như đo…chiều sâu của tác phẩm qua không gian ba chiều…Đầy đủ lễ bộ, lễ bái xong, người xuýt xoa:

      – Quá xuất sắc, quá “rồ man tích”…, tôi thật không ngờ. Toàn bộ tác phẩm là một bi kịch vĩ đại. Những chi tiết éo le mà không hề bi lụy. Toàn bộ tác phẩm thấm đẫm chất thơ tân hình thức, hậu hiện đại. Đặc biệt, người chụp ảnh đã sử dụng thủ pháp gram đỏ rất tài tình, mầu đỏ của mặt trời rất đắc địa. Bố cục hiện lên với vẻ bi tráng như một nhân vật, một số phận. Rất vô thức. Không vô thức là không đạt. Tác giả đã đi tìm cái “không” trong cái không “có”.

Ông họa sĩ đồng cảm, gật gù:

– Mầu đỏ của mặt trời. Hay, quá hay. Cũng là mầu sắc của trường phái Dã thú. Giản dị mà khó hiểu. Khó hiểu mà giản dị. Kiệt tác ngay đây, tìm ở đâu xa.

Ông họa sĩ vừa đắm đuối với bức ảnh, vừa ư hử tiếp:

Anh lang thang em…

Anh mini em…

Anh xanh xao em…

Anh tiết canh em…

(họa sĩ Dương Tường)

Gã nghĩ quái thật! Hay là họ vừa khám phá ra một tác phẩm mới trong một trăm tác phẩm của thế kỷ 21. Một tác phẩm đã bất chấp bố cục mà mắt người đời thường như gã chẳng thể thẩm nhận nổi. Gã lại vẩn vơ ngày nào bên tường chuồng xí. Ấy là đừng băn khoăn nhiều…”lý thuyết” trong lúc nhắm qua ống kính. Ðừng đặt ra một tiêu chuẩn gì về cái đẹp. Cứ chụp như người cố tình làm như không biết…chụp hình. Ấy là chưa kể ảnh nghệ thuật của các bậc sư là cần cả nội dung đến hình thức. Không tạo được hình thức sẽ làm hỏng nội dung. Hình thức càng tốt, càng giảm được số chữ phải ghi cho cái tựa đề, hiểu theo nghĩa là một cái tên cho tác phẩm. Ảnh nghệ thuật cần nhất là phải dễ nhìn, dễ bắt mắt, tập trung làm nổi bật ý chính, tạo cho người thưởng ngoạn bắt mắt ngay về sự khập khiễng của hình thức…Rồi mới dẫn dắt họ đến cái phi lý, cái lố bịch của nội dung.

Như tìm ra nguyên lý là làm thế nào để có một bức ảnh nghệ thuật. Thế là gã lom khom nhòm…Hóa ra bức ảnh ngôn ngữ “nói” về…người tình không chân dung: Chẳng có những nét xa vắng. Chẳng có những nét chấm phá đậm nhạt như tranh thủy mạc. Nhưng người sáng tạo đã phổ hết tâm ý, cũng như xúc cảm vào tác phẩm. Nếu người thưởng lãm không nắm bắt được, không nhìn ra những dấu ẩn mật đó, sẽ không hiểu được tác phẩm.

Nhiều khi còn hiểu sai…tác giả nữa.

Gã như phiêu phiêu: Một bức ảnh là một “biểu tượng”. Là cái gạch nối của tĩnh vật và người thưởng ngoạn. Như thơ, bức ảnh có “ngôn ngữ” riêng của nó để gửi gấm, nói lên một cái gì đó sâu kín của người sáng tạo. Trong gã sâu thẳm hơn vì ngộ ra rằng: Ảnh là “phản ảnh” của chữ. Chữ nói lên tất cả nên nó không có tựa đề đèm đẹp như “Giọt mưa trên lá”, “Hư vô”,  “Mắt xưa” như bất cứ tác phẩm nào khác. Trong gã cũng mông lung hơn vì gã vừa nhận thức ra rằng: Nghệ thuật là đi tìm cái đẹp, ngay như cái đẹp của một đống rác. Và bức ảnh nghệ thuật này đây dường như rất quen thuộc với gã. Phải nói ngay là quen biết…chết luôn với ngôn ngữ của bức ảnh cô đọng trong bốn cái khung hình…

“Người lịch sự xin vui lòng dội cầu sau khi dùng”

Và như hôm nào tháng trước, gã thấy lạnh cẳng khi…

    Thạch trúc gia trang

    Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Bài Mới Nhất
Search