T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Sư Thầy và Bà Mệnh Phụ

Nghiệp – Tranh: THANH CHÂU

             Dạo đó ở thị trấn Ryogoku có một tay xâm mình có hoa tay tên Seikichi, tài của y không thua gì những bực sư trong nghề kể cả Charibun ở Asakusa hay Yatshuhei miệt Matsushima. Charibun nổi tiếng xâm mình thể loại trang trí, xâm da thịt người ta như một bức tranh, còn Yatshuhei kỳ tài về xâm son mặt người, muông thú thì dưới đường kim của Seikichi nổi tiếng về thư pháp. Vì trước kia y là họa sĩ. Nay Seikichi là một nhà sư.

     Tăng tịch Nhật không có chức sắc, pháp danh. Gặp ba tháng mùa tu đạo, họ về tổ đình, họ đi tất bằng vải thô với guốc mộc quai rơm, mặc áo bào trắng dầy bên trong, bên ngoài lớp the nâu đen mỏng. Trái áo có thắt miếng vải nhỏ bắt cheo và buông thõng để bàn dân thiên hạ biết ấy là sư. Là sư tu đạo, ngoài kinh kệ không nói làm gì, sư còn phải học múa côn và đánh kiếm như võ sĩ đạo. Ngoài ra, sư còn học y ma thần  tướng nữa, để biết thế nhân là người hay ma. Chín tháng còn lại, sư tự kiếm chỗ mưu sinh lấy, mặc quần áo bình thường như quần ka-ki, áo trắng xuyềnh xoàng như bất cứ ai khác. Nên chẳng ai mấy hay họ là sư. Và nếu ít nữa sư có lấy vợ cũng chẳng là chuyện ngẫu nhiên của đất trời vì miệng lưỡi thế gian đã có câu bụt không dâm sao có hoa dâm bụt. Riêng sư Seikichi này trông coi một lữ quán, thêm nghề tay trái mưu sinh là xâm mình.

     Thế nhưng Seikichi vẫn giữ được cál phong thái của một nhà sư và cái tài hoa phóng khoáng của một họa sĩ, nhưng không phải ai muốn xâm là được, kể cả đàn bà con gái. Sư không bao giờ đặt cái kim lên da thịt người khác nếu như người này không có một làn da hay một cá tính nào đó để thu hút sư, dù có đặt xuống bàn lữ quán một bao vải tiền, sư cũng mặc. Vì sư chuyên xâm thư pháp qua một, hai chữ và kèm một bài thơ. Chỉ một, hai chữ không thôi do sư chọn, gần giống như địa lý hay phong thủy. “Mọi sự đều tùy duyên, thay đổi vô thường”, sư vẫn thường nói với thí chủ như vậy. Và chữ thư pháp của sư, theo như lời đồn có thể thay đổi nhân sinh quan hay thay đổi cả một kiếp người. Có người cho rằng ấy là…bùa chú. Vì chữ thư pháp này luôn luôn chỉ là hai mầu đen, đỏ. Sư nghe vậy, cũng chỉ lững lờ đáp:

     Vậy hả…

     Ngay như thư pháp, với sư cần phải thượng thông thiên văn, hạ thức địa lý, trung trí nhân sự và thâm nho với gốc gác chữ thuộc bộ nào, bộ mộc hay bộ thủy. Rồi đến chiết tự, tức ngắt chữ và ghép chữ, chữ nghĩa nào có khác sợi tóc chẻ làm tư, làm tám. Giả như chữ “Lý”, vừa là một dòng họ ở bên Đại Hàn, còn là hoa lý thuộc bộ mộc, ghép với chữ “y” hay quần áo thành bộ nhân. Gặp ngày mưa gió tong tả, chữ lý rơi mất “y” hay “quần áo” thì tả tơi thành chữ “Trần”, một dòng họ bên Trung Hoa và còn có nghĩa là trần truồng. Vậy đấy. Giống một công án thiền, thí chủ nào thấu đáo được thâm sâu của chữ nghĩa bổ làm đôi ấy, tức đã đốn ngộ. Đã tự mình chữa được khỏi cái căn bệnh trầm kha của mình, chẳng cần đến bài thơ dài ngoằng như…thang thuốc bên cạnh chữ thư pháp với những nét phóng khoáng hay phóng túng này nọ. Riêng chữ thư pháp, thị dân rỉ tai nhau cho rằng sư có hoa tay, nét chữ đầy thần khí, sư viết chữ như vẽ, phóng bút khai họa cứ như vẽ tranh voi quỳ hổ lạy, Phật bà, tố nữ, núi biển sông đồi, chim lồng cá chậu. Sư vẽ phác chữ lên lưng người đời như tưới nước lên giấy, sư viết cực lẹ, sư vẽ tuyệt nhanh. Chữ nào cũng sắc nét, đường nét vun vút như múa kiếm. Tác phẩm hoàn tất, khi cái lưng của thí chủ cử động, chữ như hóa cuồng, rung động theo cứ như rồng bay phượng múa, hay kỳ lân thấy pháo. Đâu có khác gì chén thố Ngọc Tố, dưới đáy vẽ con rồng đang nằm ngủ, rót trà vào. Nhìn xuống lòng chén, qua nước trà lung linh, qua khói trà như bóng mây, con rồng như tỉnh dậy và ngo ngoe như thật, như long thăng, long giáng.

      Sư nghe được chỉ buông hai tiếng:

      Vậy hả…Rồi thôi…

     Vì sư nửa tu nửa tục, nghe nói trong sư từ lâu chôn dấu một khát vọng. Nói cho ngay là một khoái cảm ít ai biết. Một bài thơ, dẫu rằng bài thơ Haiku sáu, bẩy chữ với ba, bốn câu nhưng hao tốn cả sáu, bẩy trăm mũi kim đi theo là những giọt máu li ti đỏ tươi. Khách hàng ai nấy đều đau đớn rên rỉ thì sư càng tỏ ra thống khoái. Nếu cái nghiệp của khách hàng lớn như bị cái vòng kim cô bóp chặt, khó khăn lắm mới thoát ra cái vòng tham sân si thì chữ thư pháp lớn hơn, bài thơ Haiku dài hơn. Máu chảy sẽ ra sẽ dai dẳng hơn, rên rỉ càng nhiều hơn. Niềm khoái cảm khó tả của sư càng bốc cháy qua khuôn mặt lạnh như băng với hơn nghìn mũi xâm. Thế nhưng nào có ai hiểu sư, với sư chỉ có tâm bệnh là bệnh gậm nhấm đến lạnh lùng khắc nghiệt. Dường như có một làn sóng âm u từ địa ngục vờn qua tất cả bộ mặt, chẳng phân biệt trẻ, già, sang, hèn và nhấn chìm con bệnh của sư trong nỗi lo âu khắc khoải khép kín và sư phải cầm đến cái kim là vậy. Rồi thì lời ong tiếng ve đến tai sư, sư cũng chỉ lầu bầu hai tiếng:

     Vậy hả…Rồi lại thôi…Như chẳng có chuyện gì xẩy ra.

     Ấy cũng là lời đồn đãi của thị dân trong thị trấn, chẳng biết có đúng chăng. Nhưng mọi người đều biết rằng: Khát vọng bình sinh bấy lâu nay của sư là tìm được một người con gái có làn da óng mượt để sư đem hết tâm hồn và tài hoa của mình mà xâm một bức để đời. Người con gái ấy, đẹp thì càng tốt, nhưng cần nhất phải có một khuôn mặt ẩn khuất, ẩn ức để sư ra tay cải số, cải nghiệp qua một chữ thư pháp nhất tự thiên kim. Dễ hiểu con người ta chỉ có thể thay đổi tính tình hay nếp sống của mình vì một cái nốt ruồi hay nếu có một biến cố sâu đậm nào đó để nhớ đậm đặc trong tâm não. Như bị cả nghìn mũi kim đâm vào da thịt với máu mê chan hòa chẳng hạn. Suy ra cũng chỉ là lẽ tự nhiên của đất trời. Ấy là chưa kể bài thơ, như một bài kệ hay công án của thiền.

      Vậy mà không dễ, cả ba, bốn năm nay sư mỏi mắt nhìn tìm kiếm không ra.

      Một ngày như mọi hôm, sư Seikichi dậy sớm ra vườn thiền. Trên vai sư khoác cái túi vải nặng chĩu những kinh sách, túi thơ và giấy bút. Vì sau đấy nếu có cảm hứng tao ngộ với trời đất, sư sẽ thảo dăm câu thơ. Sư đi nghiêm trang, bình thản qua những lùm cây. Sương mù phủ khắp lối, bồng bềnh ôm quanh cỏ mềm. Hương rượu saké đang hâm nóng len lén nhè nhẹ chui ra từ khe giấy rách của lữ quán. Sư ngồi bên hòn đá cạnh ao cá Koy để thiền định. Trong buổi khoảng không tĩnh mịch lạ thường của buổi sớm mai, sư nghe có tiếng khua động. Chưa kịp thiền, sư vẫn ngồi kiết già, mặt cúi xuống ngắm làn sương mỏng là là bay trên thảm cỏ và lắng nghe. Ngày là gió tháng là mây đọng một chút bâng khuâng, qua những tia nắng muộn màng, sư cảm khái u hòai nhân thế qua những bọt bèo ngủ yên nơi tàng thức với nhân sinh bách tuế vi kỳ, rằng đời người lấy trăm năm làm hạn có là bao…Sư trầm ngâm nghe ngóng, sự cảm nhận tiếng động là những bước chân đi cô đọng khác thường. Sư chậm rãi nhìn khắp chốn, đặt ánh mắt thầm lặng lên từng ngọc cỏ, chồi non rồi ra tới cổng. Sư bắt gặp một bóng đàn bà hay cô gái đi tới. Càng gần tiếng chân thanh thản dẫm bước một và không đều đặn, với từng gót sen một, từng tiếng guốc rời dẵm nhẹ lên sỏi đá khiến sư lao xao, sư nghe ra như tiếng gõ mõ, mõ sớm chuông chiều. Âm thanh lắng đọng trong chân không thì có đấy, nhưng có một cái gì vướng víu của vô ngã, đang lần mò từng bước trở về với chân ngã. Sư nhìn kỹ hơn thì hóa ra người này bị thọt chân, một chân nhỏ, ngắn hơn hẳn chân kia. Trong sư sự xốn xáng càng tăng theo những bước chân. Mặt trời đã bắt đầu rót những tia nắng yếu ớt lên cây sakura. Theo tia nắng, ngước đầu lên một chút nữa, sư thấy một bà mặc quần áo như mệnh phu phu nhân của giới thượng lưu hay quan quyền nào đó ở cố đô. Bà ắt hẳn là có nghe đến sư nên sáng nay mới tới đây, vì cả thị trấn chỉ có một lữ quán, một sư…

       Sư thở nhẹ theo gió cho vào lồng ngực. Tâm hồn sư đang ngả nghiêng theo cây cảnh lung lay nhẹ tênh qua một cơn gió lạ, nên trong cũng bị lay động những bâng khuâng, những nôn nao khó tả…vì mắt sư vừa chạm vào mặt bà ấy. Một khuôn mặt lãnh đạm ẩn tàng những khắc khỏai nhưng lại chứa chan sầu bi như Phật. Sư ngỡ là ảo ảnh của sương sớm vì ngay lúc ấy sư cảm nhận ngay đây là một tác phẩm sống của sư đang mong đợi. Theo cái nhìn thoáng qua của sư, bà có một khuôn mặt lãnh đạm. Dưới mắt sư qua nhân tướng, qua sắc diện, thần sắc, sư biết những biến động của kinh mạch, chân khí trong lục phủ ngũ tạng từ đó suy ra trạng thái, bệnh lý, tâm thần. Với sư đúng ra là bà bị…lãnh cảm.

      Bà cũng vừa đi qua hòn đá, đứng trước ao cá.

      Sư nhắm mắt và nói vào tĩnh không:

–  Bà cần được tịnh độ.

Vẫn quay lưng về phía sư, trong tĩnh lặng bà đáp:

–  Để làm gì thưa thầy?

Sư trong hư vô:

–  Để tháo bỏ những cái cần tháo bỏ.

Bà hững hờ:

–  Có gì để tháo bỏ?

Sư hờ hững:

–  Tâm động.

      Sư khề khà ngâm nho nhỏ bài kệ:

                                    Cát lên người cô lữ

                     Cho đường bớt quạnh hiu

                            Cứ mặc kệ gió chiều

                          Thổi tiêu sầu vọng lại

                         Dặm đường còn xa mãi

                         Hãy thêm một dấu hài

                                  Cứ mặc kệ ngày mai

                                Xóa trôi tàn vết tích

      Bà quay lại… Sư nói với bà giọng trầm đục:

      –  Phật đã dậy: Tâm vô vọng động. Bà mang theo cái nghiệp, cái tâm vọng động lên theo, không hòa hợp được với thân động.

      Bà chậm rãi bước tới. Đồng thời cùng lúc ấy sư lấy trong túi ra tờ giấy và cây bút. Bà đến gần hơn. Vừa đến nơi thì cũng vừa lúc sư trải tờ giấy lên hòn đá. Bà đứng ngay cạnh sư và nhìn xuống. Sư phất tay múa bút một chữ Tâm. Sư nói với bà, vẫn cái giọng khàn đặc của một ông thầy xem tướng là đã tìm ra cái vô ngã tiềm ẩn của bà cất dấu trong bản ngã.

     Ấy là sự nhút nhát và e dè.

     Xong sư chậm rãi đọc bài thơ Haiku.

                                 Vạn vật khởi từ tâm

                                  Tâm biến ảo khôn lường

                                 Dẫu là bụi trần vương

                             Nhớ:

                                     Chỉ là hạt bụi

      Bà như hiểu ra bài kệ này sẽ được xâm lên lưng bà.

      Sư nhướng mắt nhìn bà.

      Bà nhíu mày nhìn sư và bà gật đầu. Sư cũng gật đầu: Vậy hả…

      Từng vết kim một. Rồi từng vết kim một như những vết khắc. Mặt trời lay láy rọi vào căn phòng tám chiếu như muốn đốt cháy tấm lưng của bà. Bà cắn răng, không vật vã, không một giọt nước mắt. Trong sư đem cả tâm hồn nghệ thuật vị nhân sinh vào từng đường nét chấm phá. Từng giọt máu, từng giọt máu hòa lẫn với mầu sắc đen, đỏ của tác phẩm vờn nhau nhẩy múa…Trời quá ngọ từ lúc nào, sư cứ mải miết chẳng hay. Mái tóc bà điên loạn xổ tung xuống hai gò má. Nhưng hai bờ vai chịu đựng chẳng mảy may động đậy. Dồn hết tâm ý vào một chữ to đậm, mặt sư trắng bệch rồi tái dần, chuyển qua xanh nhạt, xanh như đít nhái. Trong sư trống rỗng như có một lỗ hổng lớn và sư cũng chẳng biết là gì. Sư cứ mải miết, quên đi những thống khoái khi hành hạ những thí chủ khác mấy năm nay. Có một lúc chân tay da thịt đụng chạm qua xát, xoa, lăn, vê. Sư bị bấn loạn, bị đẩy vào giữa cõi ta bà và thế tục. Giữa cái thực và cái ảo. Trong não bộ sứt mẻ sư nóng hổi với cuồng si với sự sống, da thịt đàn bà, cõi trần tục, cõi cực lạc. Sư đắm chìm trong tình cuồng qua những đường nét mạnh vũ bão như những nhát kiếm. Kỳ nhân này là một thi sĩ ẩn mình trong áo nâu sòng của một nhà sư, thế nên ngay lúc này, trong sư cũng đang ẩn hiện những dòng thơ bất chợt:

                  Có những câu thơ gặp bất ngờ
             Như là đường kiếm tuyệt chiêu xưa
                   Chém hoa lìa cuống mà không rụng
              Đụng thấu hồn ta đến ngẩn ngơ

       Sư đang ngơ ngẩn vấn vương về một nhánh hoa xưa cũ…lưng bà lấm tấm mồ hôi lung linh như những nhụy hoa anh đào. Nhưng mồ hôi hòa với mực ngấm vào da thịt qua vết chích, ngâm ngẩm xót, ngâm ngấm đau, khiến bờ vai bà giật giật theo phản ứng của thân thể nửa kín nửa hở qua cái lưng trần trắng nhễ nhại. Tay sư cũng giật giật theo quán tính nửa tu nửa tục. Cũng vì những cái giật giao hòa ấy, dăm ba sợi tóc lạc lõng lòa xòa vương vấn qua khuôn mặt của bà bay bay, toát ra một vẻ đẹp man dại khiến sư lâng lâng giao động. Sư giật mình nhớ lai chuyện trong kinh điển, lần ấy Lục Tổ Huệ Năng đến chùa kia, mọi người đang nghe giảng kinh, bỗng có ngọn gió thổi đến làm lay động lá phướn. Một thầy tăng nói: Gió động. Một thầy tăng khác nói: Phướn động. Thế là mọi người đua nhau tranh cãi.. Lục tổ bấy giờ mới bước lên nói rằng. Không phải gió động, cũng không phải phướn động. Chỉ có cái tâm của chư vị động mà thôi.

      Tận trong đáy của tâm thức, tâm sư như bị lay động, sư nhắm mắt quán tưởng, miệng sư lẩm nhẩm tụng kinh bát nhã, hết cứu nhân độ thế cho ai đó, đến cứu khổ cứu nạn cho cái nghiệp chướng của chính sư. Rồi thì trong vô thường, vô ngã, tay sư vung bút lên, chẳng phải là hoa nhát kiếm cuối cùng “Chém hoa lìa cuống mà không rụng – Đụng thấu hồn ta đến ngẩn ngơ“, mà sư hạ bút nhanh như chớp…Chấm một nét nhỏ li ti như hạt bụi cho chữ thư pháp. Sư buông người, buông bút xuống, không hẹn mà gặp, bà và sư đều lăn ra chiếu lặng ngất. Ánh sáng chiều chiếu qua khung cửa sổ tre rơi xuống tấm lưng bà loang loáng những vệt mờ ảo vàng óng, chữ tâm rún rẩy như vừa thoát ra cái kiếp lai sinh.

      Bao lâu thì sư chợt tỉnh…Sư cũng chẳng hay.

            Sư chỉ biết rằng bà mệnh phụ phu nhân bước ra từ phòng tắm. Bà đứng trước mặt sư. Khuôn mặt kiều diễm của bà không còn khắc khoải ưu tư nữa. Bà xoay lưng lại sư. Bà kéo cái áo kimono nửa lưng. Bà hỏi sư có phải chữ “Tâm” của người đời không. Sư trả lời đấy là chữ “Tâm động” vì có một dấu chấm. Và sư tiếp: “Tất cả đều mê lầm. Khi bà soi gương, hãy nhìn từ phía sau. Và thinh lặng…”. Sư nhíu mày: “Nếu không, chữ sẽ chuyển động theo làn da, mất đi cái dấu chấm hay chỉ là hạt bụi, biểu tượng cho cái nốt ruồi. Nên chỉ còn một chữ….”.

      Một chữ…. Bà nhíu mày như hiểu ra…

      Rồi bà từ từ quay lai. Bà như muốn nói với sư điều gì nhưng còn ngại ngùng. Bà nhìn sư từ trên xuống dưới. Sư nhủ thầm chắc là bà ta muốn cám ơn gì đây.

      Nhưng bà chỉ thổn thức:

      –  Thầy ơi….Bây giờ…”em” hết “sợ” rồi.

      À ra thế, hóa ra bà đã thấu đáo được chữ nhất tự thiên kim của sư. Bà tự chữa được cái tâm bệnh của mình qua một chữ thư pháp. Bà đã ngộ. Bà trở về với bản ngã của một người trần tục. Sư mỉm cười, nụ cười rất hiếm hoi trên khuôn mặt nặng những trầm lặng, đầy rẫy những méo mó khép kín của sư.

      Sư trả lời: Vậy hả…

      Cùng vừa lúc bà buông rơi mảnh kimono xuống chân.

      Bà rên rỉ:

      –  Thầy…” yêu” tác phẩm của thầy đi…

                                                                   ***

       Trong căn phòng vách giấy tĩnh lặng trong chân không. Không một ai nghe được tiếng sư buông xả: “Vậy hả…” rồi thôi như mọi lần, mọi bữa.

       Chỉ thấy ánh nắng ban mai vật vờ bò lên manh chiếu cói…

    Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Nguồn: Bài viết được dựa theo truyện Su Triệt Học Lận, Đận Nơi Nao của tác giả Lê Thiệp, truyện Xâm Mình của Nhật. Nhưng rất tiếc người viết đã  không nhớ danh tính dịch giả .

Bài Mới Nhất
Search