T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi: CÀ PHÊ ĐẮNG, BUÔNG?

Cõi người ta (20) – Tranh: Thanh Châu

Sống ở Bắc Mỹ lái xe nhiều. Hàng ngày từ nửa tiếng tới có khi 3 tiếng hoặc hơn để làm ăn. Lại còn những chuyến đi xa, năm mười tiếng lái một mình hay đổi tài để chạy thâu đêm suốt sáng, một hay vài ngày. Xa lộ chằng chịt, thênh thang; đất trời bao la, cảnh trí hùng vĩ; một ngày đàng một sàng khôn; du hành thích thú nhưng có thể cầm chắc là ai cũng đều cảm thấy thân thuộc, an tâm, khi xe về lại gần thành phố, vùng mình sinh sống, người ta có cảm tưởng như về quê. Ngựa bon chân mỏi chứ quê quán gì. Quê quán thường là chỗ khác.

Với tôi, lúc nhỏ là “một làng ngoài nớ”, bây giờ là “một nước bên kia”; chỗ trước được dắt tay bỏ chạy, chỗ sau tự quay bánh trớn mà dông. Quê với quán. Thân thuộc với an tâm. Với nhiều người cùng cảnh ngộ đây là một vấn nạn lớn. Nào là tâm lý, văn hoá…căn cước bản ngã…tôi thì lười động não, thắc mắc đối đầu chi cho mệt. Ông bà dặn “cây lành chim đậu” “nhập gia tùy tục” thì cứ thế mà làm. Nhất là chim ta ở đây đâu có hiếm, không cần một người bạn “ngoại quốc” nào vẫn sống vui, sống khỏe. Tới ở đâu thì khi nói chuyện với nhau cũng coi như đang ở nước mình, còn ai khác là ngoại quốc tuốt. Có vô nước nhà của ai đâu mà tùy tục. Nói tiếng Anh thì không cần tới lưỡi, mũi, họng; chỉ vận dụng sắc huyền hỏi ngã nặng là xử lý được tất. Cuối câu muốn thêm tiếng “nhé”, “hí”, “nha” cũng được (Bye nhé, Thank you hí, Sorry nha); dân “ngoại quốc” gốc vô cớ thêm tiếng “eh” cuối câu đầy ra đấy thôi.

Một người bạn ở đây, gốc Trảng Bàng, thích tìm hiểu mọi chuyện qua YouTube đã có lần đặt câu đố với tôi về một giai thoại khi anh biết tôi đẻ ở đâu. Tôi biết là anh nhầm lẫn Quảng “trong” với Quảng “ngoài” nên nói “chịu!”, “chuyện tình bất hủ của quê anh mà anh không biết!”, “chịu thua anh”; ai lại đi sửa lưng cái hữu tình bạn dành cho mình. Lần này ảnh nhắn:

“chắc anh cũng đã theo các YouTuber trở về quê cũ.

cơn bão số 9 trên đường tới nữa.

tôi rất thán phục tinh thần người ở đây, họ vẫn còn nụ cười khi nhận cứu trơ.

Bravo Miền Trung”.

Đợt này chưa coi YouTube, tính nín nhưng rồi trả lời:

“vùng đất ‘chó ăn đá gà ăn muối’”, cơ hàn năm này qua năm khác! nhìn về thương cảm.

Nghe nói bình thường bây giờ nông dân “mần rọng” không đủ ăn tiêu*, cán bộ không “lấm” mà “ăn” đủ thứ, nên mỗi lần họp chi bộ, đảng viên đông đến nỗi phải ngồi tràn ra đầy sân.”

* tiêu: diện tích “rọng” xưa nay cũng chừng nớ mà nếp sống hiện đại, tốn thêm tiền Internet, điện thoại di động, xe máy, quà cáp sinh nhật lễ nghĩa ăn nhậu…cái “cươi” trước nhà cũng rứa mà xây tường, làm trụ cổng, choán đất cơi thêm buồng cho con lấy vợ, không còn trồng được rau, cà, cải, bầu bí, tre, dừa… ở nhà quê mà văn minh như thành phố: trái chanh trái ớt bó lạt cũng đi mua ngoài… (có đứa con nào mạnh dạn bỏ nhà vô Saigon bán vé số, bớt một miệng ăn là mừng)

Hôm sau anh gõ:

“Hôm nay YouTuber Phạm Dũng sẽ đến Quảng Bình để được cứu trợ trực tiếp tận nhà dân mà ko thông qua chính quyền địa phương.

Just type in Phạm Dung, cứu trợ Miền Trung Tập 7.

Tôi đã follow anh này từ Tập 1 đến tập 6 rồi, trong hành trình đi cứu trợ bằng xe gắn máy từ SG ra miền Trung.

Anh ta và hai bạn đồng hành đã đến vùng sạt lở nặng nhất bờ sông Thạch Hãn Quảng Trị ngày hôm qua (tập 6).

Đúng là cảnh màn trời, chiếu đất, thiên tai mà.

Xưa nay Tôi chỉ nghe nói về miền Trung, bây giờ tôi theo vết chân bằng xe máy của PD từ SG ra, qua nhiều thành phố, thị trấn và làng mạc, và tôi cũng có dịp thấy lại vết chân ngày xưa tôi chỉ đến Qui Nhơn mà thôi, gọi là đi công tác, cỡi ngựa xem hoa mà thôi.

Chắc anh cũng tìm lại chút ấm của tuổi thơ”.

Không lẽ cám ơn suông. COVID không cho ngồi quán cà phê. Thôi pha uống một mình. Đắng. Hừ “chút ấm”.

Lũ lụt khắp mấy tỉnh. Lũ lụt khắp Internet. Nhà trìm nóc, người trôi kẻ chết. Ở chốn an lành khoản này, động lòng thì xót, có lòng thì nhín chút. Như khán giả, bàng quan! Lúc còn, mệ ngoại hay chép miệng “cơ khổ” “cơ khổ”, thò tay vô “xà léc” lấy tờ bạc gọi là lá lành đùm lá rách; lúc còn, ôông nội hay kể “năm cũng rứa, bão lụt thì ăn măng, cải kim, ăn cò, ăn vạc, khuyếc khô; nước bạc rút thì lên đường rầy tìm trâu của mềng dắt về”.

Bây giờ thì người còn chạy không kịp nói chi trâu bò. Làm gì còn nước lên từ từ để mắt trâu mà còn nhìn ra chỗ cao cách một cánh đồng, lững thững mò tới. Lũ chồng lũ xả thì làm gì còn thì giờ ra xắn măng, ra hái hết cải mới trổ hai lá. Có bụi tre nào gần đâu mà ra khêu con cò, con vạc bị gió bạt chết dính trên cành gai.

Hồi đầu ra đời kiếm cơm, xin được việc gì là mừng lắm; trên trời rớt xuống cái việc xem ra rất khoa học: tà loọc cho một chuyên viên thủy văn. Ông mượn về một đống tài liệu. Vũ lượng, số đo mực nước…từng sông từng ngày tháng năm. Ông hướng dẫn rồi giao hết. Cứ thế mà lục các con số ra, lần lượt làm các phép toán, lấy căn, bình phương, tổng cộng, trung bình cộng, trung bình nhân trên cái máy tính chạy điện Marchant to bằng máy đánh chữ loại bự. Chấm tròn các số thành lên giấy có in một chiều đơn vị theo lôgarit, xong một tập hợp thì vẽ đường cong biểu trưng cho cả nhóm tọa độ. Trình độ trung học tôi làm được mà thiệt ra không hiểu gì hết. Làm xong nộp, kêu làm lại thì làm lại. Muốn làm bao nhiêu thì làm, muốn nghỉ bao lâu cũng được, phòng lạnh, gạt tàn để trên bàn. Đòi hỏi gì nữa?

Địa bàn nghiên cứu là Vùng I, tới Quảng Trị là hết. Tôi mường tượng thêm vài chục cây số. Người chú vượt tuyến đi bộ chỉ một ngày là tới bờ Bến Hải mà. Vũ lượng bao nhiêu, tháng nào mưa nhiều, có con sông nào. Lấy bản đồ 1/25000 dán lên vách tường, Trường sơn kéo ra tới ngoài ấy, có sông; vậy là chia cùng số phận thủy văn. Bên nây lũ, lụt thì bên nớ lũ, lụt. Phòng bên có chuyên viên về thủy nông, ông ta có loại bản đồ tỉ lệ lớn, có màu. Ông ta có thể từ đó mà ước tính diện tích từng vùng, từng loại thực vật hoa màu. Tôi khoái nhìn loại bản đồ này, hỏi ông cho coi vùng kế phía bắc, tuy không có kính đặc biệt để thấy rõ được như ông, nhưng thỉnh thoảng qua nhìn lén để đoán bên nớ ngoài lúa “thứ nhì hai huyện” người ta có hoa màu gì, nhiều không. Ông để sẵn bản không dùng trên một bàn trống. Không cần chuyện trò.

Thời Google Map, Google Earth, Wikimapia tôi có thể lên Nét là thấy. Con “hói” tôi bị cấm xuống tắm vì ôông nội sợ cháu bị chết trôi (thầy bói nói). Tôi nhớ có lén theo mấy đứa xuống xúc cá. Không cách nào xác định được “trổng” nào trước nhà để đi xuống hói, hướng kia ra đi “đồng”, bứt lá chùi “khu”. Ha ha ha.

Không, không! Tôi không có vấn đề gì gọi là tâm lý, văn hoá hay căn cước bản thân. Chẳng qua nhiều lần nghe ôông nội nói “bún, thịt heo ba chỉ quẹt ruốc trên miếng lá chỉ có ở chợ Tréo” nên chưa từng ăn mà lâu lâu chép miệng nuốt nước miếng chơi vậy thôi. Cà phê đắng, buông?

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search