T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngọc Tự: tháng năm, gã bệnh nhân người Việt(1)

clip_image001

(tạp văn)

Khoảng ba tháng trước đây, tôi bị một lần ngã bệnh bất thường, thoạt đầu tiên, như chỉ liên quan đến đường tiêu hóa và cứ ngỡ rằng không có vấn đề gì, nhưng rồi diễn biến sau đó bỗng nhiên lại trở thành khá nguy hiểm, đã mấp mé bên bờ tử sinh và tưởng chừng đã phải mặc sơ mi gỗ rồi. Đi bệnh viện cấp cứu và nằm lại bốn năm ngày. Không kịp thời gian và cũng không muốn mọi người bận tâm, gia đình chỉ báo tin này cho mấy thân hữu ở gần quanh.

Nhưng mới hôm rồi, bất ngờ tôi gặp lại một người bạn thân quen, đã bặt tin nhau khá lâu, vừa từ nơi khác đến Houston đây thăm gia đình. Tôi thật cảm động trong sự ngạc nhiên khi nghe bạn ân cần thăm hỏi về bệnh tình và sức khỏe. Bạn tôi nói có được biết lần đi bệnh viện cấp cứu gần đây của tôi qua những bạn hữu khác trên các trao đổi email thân tình và hỏi han thêm về việc này. Tôi kể lại vắn tắt diễn biến bệnh tình. Tôi cũng cảm thấy bối rối và hơi xấu hổ khi phải trả lời ậm ừ cho qua chuyện, bởi vì sau đó người bạn còn hỏi về chuyện văn chương chữ nghĩa. Trước khi chia tay, lại nhắc dặn tôi rằng, nên viết ra những trải nghiệm nơi lần đau bệnh này, mà bạn tôi nói là có nhiều điều cũng đáng để ý.

Đây không phải là lần đầu, nhưng từ lâu rồi chẳng hiểu do đâu mà rất nhiều bạn hữu và những người thân quen, khi gặp gỡ thường hay hỏi tôi về việc viết lách, cứ như thể tôi là người cầm bút chuyên nghiệp, hiểu theo cách thông thường của sinh hoạt chữ nghĩa.

Từ câu hỏi của người bạn, tôi đâm ra suy nghĩ vẩn vơ. Rất thật lòng, chưa bao giờ tôi đã nghĩ đến và cho rằng mình là người của làng văn xóm chữ. Cũng chẳng phải là mập mờ khiêm tốn, giả cách làm dáng, nhưng thực sự là như thế. Nơi cuộc sống thường có nhiều những mạo danh và tự xưng rất ồn ào, lố bịch. Phải biết rõ ràng về chính mình để không bị cuốn hút dễ dàng và sa đà vào điều đó.Tôi hiểu như vậy. Bất giác, tôi cười thầm khi tự nhủ rằng nếu có chăng, thì may ra mình cũng chỉ là một anh viết văn lẻ hạng xoàng, chưa kịp nổi tiếng mà đã về chiều vậy thôi.

Có bõ bèn gì những tháng ngày tuổi trẻ, tấp tểnh viết được một ít truyện ngắn đăng báo, vài tập thơ nhỏ rời, in ấn và phổ biến hạn hẹp trong vòng bạn hữu thân quen, hay ngay cả thời gian tham gia ít nhiều nơi các tờ báo sinh viên, cũng như một hai tạp chí văn học thời đàm, rồi các tập san quân đội, được gần cạnh và giao tiếp với nhiều thân huynh, bằng hữu tên tuổi. Hoặc thêm nữa, đâu phải lớn lao cho lắm, sau khi ra khỏi trại tù cải tạo về lại Sàigòn,từ những năm 1981 cho đến 1983, cùng với vài hiền huynh, bạn hữu khác dạo đó, đã theo lời nhắn tìm, gọi mời của anh Trần Tam Tiệp (anh đã mất tại Paris tháng 12/ 2009), thân thiết từ trước ở Không Quân, thời gian này đang tham dự trong sinh hoạt Văn Bút, báo chí hải ngoại, mà hào hứng đầy phấn khích để viết và gửi đi những trang chữ trong nhiệt huyết, sôi nổi của tháng năm ẩn uất, dồn nén dưới chế độ Cộng sản. Các bài viết và kể cả mấy bài phóng sự bằng hình ảnh được ký dưới đủ thứ tên, gửi đi mà chẳng cần biết được đăng tải hay xuất hiện ở đâu. Cuối cùng của việc này, khi chính quyền Cộng sản khám phá ra, là một bản án Tòa và thêm vài năm tù nữa cho tôi.

Chi tiết về diễn tiến vụ án được mấy ông nhà văn nhà báo Cộng sản viết thành nhiều kỳ suốt vài tháng, trên một tờ tuần báo với tựa đề: “Mặt trận không tiếng súng”. Sau đó tập hợp lại, in thành quyển truyện vụ án: “ Những tên biệt kích cầm bút”, từng tái bản một lần. Trong quyển truyện này, có nhiều trang, nhiều đoạn, nói đến tôi dưới tên một nhân vật được đặt trại đi, với nhiều tình tiết bịa tạo, thêm thắt cho ra vẻ ly kỳ.

Rồi tiếp theo đó, có những bài viết nhiều kỳ và một tập sách nói về vụ án ấy của hoàng huynh tôi, anh Hoàng Hải Thủy, phổ biến tại Hoa Kỳ.Thế là, tự dưng tôi được bạn hữu và nhiều người khác biết đến như thể cũng là một “tên biệt kích cầm bút”, theo cách gọi và gán ghép của các ông nhà văn nhà báo Cộng sản, cùng trong quyển truyện vụ án đình đám một thời ấy, chung với các hiền huynh,hiền hữu trong văn giới. Thực ra thì những bài thơ, những trang viết của tôi trong thời đoạn này chẳng nhiều lắm đâu và có lẽ chỉ mang chút ý nghĩa nhỏ nhoi nào đó mà thôi, bây giờ chuyện cũ cũng đã hơn ba mươi năm. Thôi thì, dẫu sao mọi thứ cũng đã qua rồi, kể cả chút ít thơ văn xuất hiện rải rác đâu đó trên một vài tập san Quân đội hay hội Ái hữu, dạo tôi mới đặt chân đến nơi này, được viết ra trong tâm trạng ngơ ngác của một kẻ ngụ cư nơi chỗ xa lạ và gửi đi theo yêu cầu của các thân hữu phụ trách các tập san này. Tất cả cũng chỉ là từng kỷ niệm êm đềm nhỏ nhoi, theo với tháng năm của mỗi đoạn đời tôi, hoặc thêm nữa là của những bạn hữu thân tình mà thôi.

Chừng như cũng đã lâu lắm, tôi chẳng còn thiết tha việc tìm đến những trang chữ, để phơi trải một đôi điều cho mình và giải tỏa mọi váng vất quẩn quanh. Nỗi mệt mỏi và những chán chường vô hình nào đấy nơi cuộc sống vây bủa mỗi buổi, đã lấy mất đi của tôi nhiều thứ, trong đó có chút vui nhỏ nhoi quen thuộc trước đây, là việc đọc những trang sách mỗi ngày hay thỉnh thoảng mầy mò với những con chữ, sắp xếp và trình bầy cách này cách nọ, để hình thành được từng cuộc rong chơi vào cái thế giới chữ nghĩa cho riêng tôi. Chắc rằng, sự phẳng lặng đều đặn nơi tháng ngày, đã thui chột các tác động và làm mất đi mọi thứ cảm xúc cần thiết. Có lẽ điều các bạn hữu thân tình hay hỏi, tôi tự hiểu ra và câu trả lời là như vậy.

Tôi cũng nhớ lại lần chuyện trò về tí chút văn chương vặt vãnh của mình với một người bạn thân quen, rất say mê chữ nghĩa, mà tôi thường hay ghé chơi nhà. Tôi có nói rằng, với tôi thì không có những điều gì to tát nơi các trang viết và cũng chẳng bao giờ phải loay hoay trong việc sắp đặt, tính toán, dàn trải các yếu tố giả tạo gượng ép. Bất chợt có một cảm xúc rất thật nào đó từ hồi ức ùa về như một gợi nhắc hay cảm nhận được điều gì buồn vui thoáng gặp nơi cuộc sống, rồi phơi trải cho hết vào những câu chữ như là một kể lể, tỉ tê, một tự sự vụn vặt thầm thì. Trước hết là cho chính mình và có thể có thêm được một vài đón nhận đồng cảm nào đấy từ bạn hữu, đã quá đủ cho một thứ hạnh phúc tràn đầy, nhiều khi chỉ tận hưởng lấy một mình trong nỗi cô đơn lặng thinh. Rồi thì sự tham dự hay có mặt ở một nơi chỗ nào đó không phải là điều gì quan trọng. Ví von một chút, nơi góc sân này có bầy con gái túm tụm chơi rải gianh, đánh chuyền và góc sân kia, lũ con trai đang mải mê say sưa bắn bi, đánh đáo. Việc tìm lấy một chỗ ưa thích, vừa với sức mình , dễ hòa nhập, để rồi sà vào đấy mà tham dự trong cùng một niềm vui thật dung dị, đâu cần phải chờ đợi có sự tán thưởng, sẽ không là điều tính toán khó khăn gì, cũng chẳng có một giới hạn ngăn trở hay ràng buộc nào. Và mỗi một trong đám trẻ ấy, dù thật khéo tay thuần thục hay còn vụng về trong các động tác, vẫn được đón nhận và cùng hòa mình trọn vẹn trong cuộc vui chơi thân tình, không phải bận tâm để ý hoặc ngó ngàng vào những chỗ chơi khác, cho dù có thể là hào hứng, đông vui hơn nhiều, nhưng không phù hợp và ở đấy cũng đầy những đố kỵ, kèn cựa, kén chọn hoặc rất dễ ganh ghét chả chừng.

Nơi chỗ nào có niềm vui riêng của nơi chỗ ấy.Từ trước đây vẫn đã thế và cho đến bây giờ, khi tôi tham dự dù rất phất phơ nơi một trang văn trên mạng của người bạn tôi, thì cũng cùng trong cách thức suy nghĩ đơn giản như vậy mà thôi.

*

Tôi cũng nghĩ nhớ đến điều mà người bạn hôm gặp nhau đã nhắc hỏi và hồi tưởng lại lần đau bệnh thập tử nhất sinh vừa rồi. Quả thật là có hơi bất ngờ, vì chẳng có dấu hiệu nguy hiểm gì báo trước. Các triệu chứng thì chỉ như là thông thường, nên đã không tạo được sự chú ý nơi ông bác sĩ mà tôi đến khám bệnh. Là một lão già nông dân đức hạnh, tôi vẫn thường đi khám sức khỏe theo định kỳ với đầy đủ các lệ bộ, từ cân đo cho đến các xét nghiệm, để kiểm soát và theo dõi mọi vấn đề của cơ thể. Luôn tuân thủ việc uống đều đặn những loại thuốc đã được chỉ định. Thêm nữa, nhập gia tùy tục, từ ngày ngụ cư ở xứ người nơi đây, tôi cũng đã phải gương mẫu đàng hoàng hơn lên, với sự giảm thiểu đến mức tối đa, gần như bỏ hẳn thói quen lâu đời, là phì phèo dăm ba điếu thuốc lá lẻ mỗi ngày. Cả cái việc rất phải đạo, là đầy vơi cuộc tửu sự với bạn hữu đây đó những khi có dịp gặp nhau. Vậy mà vẫn không thể tránh được cái điều đã xẩy đến, khiến cho tôi gần như đã phải tới lúc giã từ cõi trần gian. Cũng là thêm một lần nhớ mãi trong đời và chắc cũng là thêm ít nhiều kinh nghiệm cho mấy ông bác sĩ Việt Nam điều trị cho tôi, trong trường hợp tương tự, với các bệnh nhân khác sau này.

Tôi không thể quên từng chi tiết, vì diễn tiến nơi thời gian chưa lâu lắm đâu. Ngay sau những ngày Tết Ất Mùi đầu năm nay, tôi bỗng cảm thấy chán ăn khác thường và cơ thể có dấu hiệu hơi yếu sức đi, mau mệt hơn so với trước đây. Dĩ nhiên là đi gặp Bác sĩ ngay thôi. Lắng nghe tôi khai bệnh rồi căn cứ vào kết quả xét nghiệm một hai ngày sau đó, ông trấn an tôi rằng không có điều gì để lo ngại. Thế nhưng tình trạng cứ xấu thêm, cộng với sự sụt cân và vùng bụng thì luôn bị căng đầy, như có sức ép của một quả banh bên trong.Tôi quay trở lại chừng hơn tháng sau. Ông Bác sĩ gửi đi chụp CT Scan (Computed Tomography Scan) và kết quả sơ khởi cho biết có một cục u nhỏ nơi vùng gan trái, tiếp giáp với dạ dầy. Tôi được chuyển tiếp đến Bác sĩ Chuyên khoa về Gan Ruột Dạ dầy, Mật và Tụy tạng… Vị Bác sĩ này lại làm xét nghiệm và cho siêu âm vùng bụng, rồi chẩn đoán tôi đang có dấu hiệu nhiễm trùng bao tử. Cùng với toa thuốc uống trong mười ngày, gồm hai ba loại trụ sinh dược lượng cao và hẹn tái khám sau một tuần , cũng là chờ kết quả xét nghiệm để có thể biết được là u lành hay ác tính, rồi sẽ định liệu bước kế tiếp. Dường như vì liều lượng thuốc quá mạnh, trong khi cơ thể đang tiếp tục suy yếu, hay gặp phản ứng sao đó, mà chỉ mới uống chưa hết ngày thứ ba, bỗng nhiên tôi bị xuống sức một cách thảm hại và nhanh chóng chưa từng thấy. Mỗi lúc, chân tay tôi càng thêm bải hoải rã rượi thật kỳ lạ. Nghe nói lại, đến buổi chiều hôm ấy, con người tôi trông rất tàn tạ thảm thương, ẻo lả và mỏng tanh, xanh rớt như tầu lá. Cũng may, sau khi liên lạc được với bà Bác sĩ người Việt quen biết tại Phòng Khám bệnh nơi tôi làm việc, để hỏi han về tình trạng của tôi và xin giúp ý kiến, vợ con đã kịp thời đưa tôi đi cấp cứu tại bệnh viện Memorial Hermann Southwest rất gần nhà, trước khi trời sụp tối cũng như quá muộn.

Tôi được nhận vào bệnh viện ngay trong tình trạng khẩn cấp và qua khỏi sự nguy kịch, sau mấy ngày đêm liên tục được tiếp bốn đơn vị máu, cùng với đủ thứ dịch truyền các loại, thường xuyên treo lủng lẳng trên đầu giường, cộng thêm các y cụ, máy móc chung quanh và chằng chịt các dây nhợ, đầu kim nối, ghim đầy nơi cánh tay.Tôi đâu ngờ những hình ảnh thường thấy trong phim ảnh ấy lại có lúc đến với mình. Chưa hết, một lần vào giữa đêm khuya trong mấy ngày ở bệnh viện, âm thanh báo động từ hệ thống máy theo dõi nhịp tim cho tôi bỗng hú vang lên ầm ĩ. May sao, y tá trực đã có mặt để can thiệp ngay lập tức, với một liều thuốc tiêm vào tĩnh mạch và mọi thứ lại ổn định. Khi đó giọng tôi cũng đã hơi đơ đớ trong lưỡi, khi nói lời trấn an bà xã tôi đang lo lắng đứng bên cạnh giường và thất thần nắm chặt bàn tay tôi. Tôi được biết rằng, trên màn hình máy báo nhịp tim mạch, biểu đồ lên xuống liên tục, bất thường, và bỗng dưng đã có lúc nhẩy lên con số 175 rồi, nếu không kịp hạ xuống thì có lẽ…Cũng như buổi chiều mấy hôm trước đó, nếu nhập viện cấp cứu trễ thêm một chút nữa, thì coi như tôi không còn cơ may qua khỏi, hoặc là sẽ rơi vào tình trạng coma, vì khi ấy chỉ số Hemoglobin đã xuống đến mức 5., trong khi với người sức khỏe bình thường thì con số này phải ở trong khoảng từ 12.5 – 17.

Xong mấy ngày nằm bệnh viện, chưa có kết luận rõ ràng bệnh lý, dù cũng lại chụp thêm CT Scan, nội soi_ và làm nhiều xét nghiệm, tôi được cho về nhà. Phải chờ thêm hơn nửa tháng nữa, sau khi lui tới mấy bác sĩ chuyên khoa khác, từ Nhiễm Trùng rồi Ung Bướu, cùng với việc chờ kết quả các xét nghiệm và thêm một lần chụp PET Scan (Positron Emission Tomography Scan), mới có được kết luận cuối cùng và chi tiết về bệnh trạng, để quay trở lại bệnh viện làm Biopsy. Chỉ vì tôi không có tiền sử, hoặc một dấu hiệu gì liên quan đến các bệnh về Gan trước đó, nên các Bác sĩ mới thận trọng như thế. Và Bác sĩ chuyên khoa đã ngờ rằng có thể tôi đã bị một lây nhiễm bất thường nào chăng.

Lần chụp theo cách PET Scan này là sự khổ sở nhất cho tôi so với mấy lần khác trước đó. Tôi đã phải nằm đuỗn đờ hơn một giờ đồng hồ trên giường trượt, dưới vòm ống máy chụp và khi chụp thì giường trượt di chuyển thật chậm chạp, cứ dừng lại từng cách đoạn một, cho hết độ dài vùng bụng.

Và cùng với hôm làm Biopsy lấy mẫu sinh thiết nơi cục u để đem đi xét nghiệm, ông Bác sĩ phụ trách cũng rút ra được từ chỗ cục u khu trú, một dung dịch lỏng gì đó, khoảng 30cc, chứa trong cái bong bóng nước do cục u này tạo ra. Đây chính là cái thứ đã đè ép vào dạ dầy, làm cho lúc nào bụng tôi cũng cảm thấy no ứ, không ăn nhiều được, dẫn đến tình trạng sụt cân, xuống sức. Kết luận sau cùng về trường hợp bệnh trạng của tôi, thấy ghi trong hồ sơ có chi tiết là Liver Cancer, Gastrointestinal Stromal Tumor, cũng thuộc một loại trong số hàng trăm thứ Cancer theo thống kê chuyên ngành và là dạng thường thôi, không đến nỗi nào. Riêng phần mình, tôi cho rằng chỗ gan phát bệnh, nhiều khi là do việc đã dùng thuốc trị Cholesterol lâu dài mà ra.

Tôi được điều trị theo cách uống Gleevec 400mg (imatinib mesylate) mỗi ngày một viên. Đây là loại thuốc đặc biệt, nên giá cả khá cao, hơn $ 400 dollars/viên. Cũng may đã có chương trình của chính phủ dành cho tuổi già giúp chi trả mọi thứ.

Chừng hơn tuần sau có dấu hiệu kết quả khả quan bước đầu, qua việc tôi ăn uống được nhiều lên một chút và hồi phục dần dần. Tuy vậy, phải chờ cho hết đợt trị liệu 3 tháng, rồi mới chụp CT scan lại để biết rõ ràng hơn.

Thế là hai lần liền gần nhau trong mấy ngày, như thể đã dợm bước lên chuyến xe cuối cùng của cuộc đời, nhưng rồi lại phải xuống ngay vì chưa có vé. Và từ bây giờ trong con người tôi, ngoài dòng máu đỏ da vàng sẵn có, không biết đã được hòa trộn thêm dòng máu của các ân nhân thuộc mầu da nào khác nữa. Đâu chừng điều này là nguyên nhân gây nên sự rối loạn tim mạch bất thường nơi cái đêm hôm ấy chăng. Rồi mai đây, còn điều gì xẩy đến nữa cho một con người mang trong mình hai ba dòng máu như vậy. Tôi cười vu vơ với ý nghĩ lẩn thẩn này.

Bỗng nhiên, cùng trong suy nghĩ thoáng qua về sự sống và cái chết, tôi cũng chợt hồi tưởng lại và kiểm đếm những lần đau ốm bệnh tật khó quên, qua từng đoạn đời trước đây, với biết bao nhiêu điều chuyện chung quanh.

*

Khởi đầu trong trí nhớ là vào năm 1960, lúc tôi đang học đệ lục và mới mười hai tuổi. Một trận ốm thương hàn kéo dài hơn tuần lễ, rồi bỗng bị thêm từng cơn đau quặn bụng bất thường, thật dữ dội. Tôi đã được mẹ tôi đưa ngay đi bệnh viện và được mổ cấp cứu kịp thời trước khi quá muộn, vì triệu chứng nhiễm trùng đường ruột bắt đầu đến mức báo động trầm trọng. Còn nhỏ quá nên tôi đâu đã hiểu được hiểm nguy của bệnh tật, ranh giới giữa sự sống và cái chết, dù rằng trong một đêm ở Bệnh viện Nhi Đồng khi ấy, tôi có chứng kiến cảnh người bạn nhỏ giường cạnh bên hấp hối, co giật đau đớn từng lúc trước khi tắt thở hẳn.

Tôi vẫn nhớ mãi dáng người cao gầy, khuôn mặt trẻ trung với cặp kính trắng và nụ cười thật tươi của người Bác sĩ tên Hà, đã trực tiếp tham gia trong ca mổ cho tôi và thường ghé vào phòng mỗi ngày để theo dõi bệnh tình, cũng như ân cần thăm hỏi chuyện trò. Sau này, lớn lên một chút, tôi biết ra những người như anh, là sinh viên Y Khoa nội trú năm cuối và còn nhớ đến hàng ngôi sao đỏ thêu nằm ngang cạnh tên nơi túi áo.

*

Thế rồi, tôi lớn lên cùng trong những tháng ngày lửa đạn binh đao của quê hương, đất nước. Mỗi ngày nhìn thấy biết bao nhiêu tang thương chết chóc, qua tin tức hình ảnh chiến sự trên báo chí, truyền hình và ở ngay chung quanh thành phố nơi tôi sinh sống. Sau nữa, khi đã vào quân đội làm lính công chức ở văn phòng, giữa lúc chiến cuộc mỗi lúc càng thêm khốc liệt, quanh tôi vẫn đầy rẫy những cái chết không rời của bạn hữu tôi và biết bao con người khác đây đó. Và những giờ phút lặng người suy nghĩ thật xao xuyến, trong mấy ngày tang sự chú em ruột cũng như một cậu em vợ, liên tiếp nhau chết trận khi còn quá trẻ, chỉ mới vừa giã từ quân trường được vài tháng, tôi vẫn chưa cảm nhận được trọn vẹn về cái chết. Rất thật lòng, cho đến thời gian này, không biết tại sao, sự chết đối với tôi, dường như cũng chỉ bàng bạc ở đâu đó, chưa có gì rõ nét và gần gũi cho lắm.

*

Cho đến lần đi tù cải tạo sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đã qua hai ba trại từ đất liền ra Phú Quốc rồi lại đưa về vùng Xuân Lộc Long Khánh. Khoảng giữa tháng 5 năm 1977, từ Long Giao trong Nam tôi bị chuyển ra trại AH 106 NT ở Yên Bái. Mới được chừng đâu ba tháng, là một trận tiêu chẩy rồi thành kiết lỵ, hành hạ tôi dữ dội quá. Giữa khung cảnh của trại tù vùng núi rừng âm u, bất cứ thứ gì cũng đều thiếu thốn chứ không riêng gì thực phẩm, thuốc men. Và khi cơ thể đã suy yếu thì nguyên nhân nào cũng dễ dàng dẫn đến bệnh tật. Ít đồ ăn gia đình tiếp tế còn sót lại đã cạn hết. Tôi ngã bệnh và phải nằm bẹp trên cái sàn nứa ọp ẹp của Trại, dễ chừng cũng khoảng nửa tháng, không ăn uống được gì ngoài những ca cháo lõng bõng, do nhà bếp nấu riêng cho. Ngày ngày, từ gian nhà tre vách nứa tạm bợ trống hoác trong dẫy trại giam, tôi cứ phải đi vào đi ra khu vệ sinh phía sát mãi bờ rào ngoài xa không biết bao nhiêu lần. Tất cả số sách truyện mà gia đình đã gửi vào ở những lần tiếp tế hồi còn ở trong Nam mang theo được, tôi đem ra xử dụng cho đến hết, không còn chút tiếc nuối. Từ Sông Đông êm đềm, Thép đã tôi thế đấy, Xa Mạc Tư Khoa yêu dấu, Bông hồng vàng… cho đến mấy tập truyện ngắn văn học Nga thời ấy, mà tôi vẫn thường cẩn thận giữ gìn và thỉnh thoảng lấy ra đọc lại, lúc đó chẳng còn một chút giá trị nào. Những viên trụ sinh dự trữ cũng đã uống hết, nhưng bệnh trạng chưa thấy có dấu hiệu suy giảm gì.

Tôi đã thoi thóp lắm rồi, dường như chỉ còn chờ chết. Cái chết cứ lởn vởn gần gũi trong đầu từng ngày, nhất là giữa khung cảnh vắng lặng im ắng mỗi buổi, các bạn tù đã ra ngoài đi làm hết, thỉnh thoảng nghe văng vẳng chút âm thanh nào đó thật xa, vọng về từ khu nhà bếp. Tôi hoàn toàn kiệt quệ, suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần. Nhiều lúc rã rời quá, thân hình đã thật gầy còm tiều tụy, như hoàn toàn bất động, tôi cũng chẳng còn đủ sức để mà gượng gạo trở mình một lần cho đỡ mỏi. Tôi cũng không còn cảm xúc nào, khi mỗi buổi các bạn đi làm về, ngang qua chỗ tôi nằm, rất nhiều người đã ân cần vỗ nhẹ hay nắm lấy bàn chân tôi hồi lâu.

Nhớ lại trước đó, lúc mới ra tới đây, tôi còn khỏe mạnh và sung sức biết mấy. Nhiều buổi sáng tôi rời trại đi làm bên ngoài, giữa hương thơm ngan ngát của nắng ban mai tươi mát, hòa quyện trong chút lãng đãng sương sớm còn thoảng quanh đâu đó, nơi từng lùm cây hốc đá. Nắm hờ cán con dao rựa đặt trên vai, tôi nghêu ngao hát vu vơ vài đoạn tình ca, rồi hân hoan khe khẽ huýt sáo, khi băng ngang các khe suối, bước đi dưới những tàn cây cao che kín khuất ánh mặt trời và giữa các bụi cỏ dại ken dầy chằng chịt, của bạt ngàn hùng vĩ núi rừng chung quanh, chưa thấy có dấu chân người, mà trong lòng thấy sảng khoái lạ thường. Tôi đâm ra lãng mạn vặt và cứ ngỡ như mình đang trong một trò chơi lớn của lần đi trại Hướng đạo nào đó, hoặc đang lạc vào trong khung cảnh phiêu lưu kỳ thú của một quyển tiểu thuyết đường rừng. Có lần tôi nằm tựa vào bờ vách đá thoai thoải, nhìn theo đám mây bay bay lững lờ trên đầu, rồi dõi mắt về phương Nam xa vời vợi, nhớ đến gia đình yêu thương mà se thắt cả lòng. Nhưng sau đó lại ngẩn ngơ, mơ tưởng ngay đủ thứ điều chuyện khác. Tôi đã quên đi việc đang bị tù đầy mà ngày về thì vô định và mọi nỗi hoang mang xao xuyến vẫn thường luôn ám ảnh trong tâm trí…

Tôi khắc khoải lịm dần đi trong nỗi vật vờ cơn mê tỉnh và nghĩ rằng chỉ còn lại đôi chút thời gian ngắn ngủi nào đó cho mình. Tất cả, thôi đành buông xuôi. Bất chợt một buổi sáng, người bạn tù phụ trách y tế cho trại mà tôi thân quen từ ngày ra đây, vốn là sĩ quan trợ y hồi trước, đến ngồi bên cạnh và nói với tôi rằng anh còn mấy ống thuốc loại tốt, nên sẽ lên văn phòng Trại mượn bộ kim tiêm ống chích để tiêm cho tôi, hy vọng tình trạng có thể đỡ hơn. Anh nói cũng đã suy nghĩ và giằng co lắm, dằn vặt suốt mấy hôm liền, vì các ống thuốc này anh vẫn luôn giữ kín từ trước đến nay, để dành phòng thân cho riêng mình. Nhưng, thấy trường hợp tôi, một người mà anh rất quý mến, nên không thể cầm lòng được nữa. Trước sự chân tình ấy, tôi lặng người đi trong nỗi xúc động. Và rồi sau đấy ít ngày, một phần có thể do cơn bệnh đã hết mức tác hại, nhưng chắc chắn là nhờ thêm mấy ống thuốc chích đó, không còn nhớ rõ được tên và loại, của người bạn tù tốt bụng, tôi hồi phục dần dần.

Vào thời gian này, đời sống đức tin và tâm tình cầu nguyện của tôi với Chúa hãy còn hời hợt, lỏng lẻo lắm, nhưng tôi vẫn cảm nhận được về một ơn lành mà mình vừa đón nhận.

Ở trại Yên Bái đó khoảng bẩy, tám tháng là thêm lần chuyển trại kế tiếp nữa và rồi chúng tôi không còn ở chung với nhau. Khoảng đầu năm 1981, khi ra tù, tôi có lên xứ đạo vùng Xóm Mới Gò Vấp đi tìm anh, theo địa chỉ còn nhớ trong đầu, nhưng cũng không gặp lại được. Hàng xóm nói gia đình anh đã dọn đi Bảo Lộc, Lâm Đồng. Tuy vậy, dẫu thế nào đi nữa, mãi mãi và chẳng bao giờ, tôi có thể nào quên được con người nhân hậu như anh, thưa anh Nguyễn Doãn Tân thật quý mến.

Cũng phải kể thêm rằng cùng trong cái lần đau bệnh sống chết này, còn có một người bạn tù nào đó khác nữa, giữa đêm khuya vắng mịt mùng, đã lặng lẽ đến dúi vào tay tôi mẩu đường tán cỡ đầu ngón tay cái. Cái vị ngọt hiếm hoi có được giữa lúc ấy, ngay tức khắc đã len lỏi thấm nhập rất nhanh vào khắp châu thân, làm dậy lên trong tôi một sức sống diệu kỳ. Tôi vẫn cố công dò hỏi nhưng không thể biết được người bạn tù yêu thương nào đã cho tôi cái mẩu thần lương đêm hôm ấy.

Đã qua được một lần để cảm nghiệm rõ ràng hơn về sự sống và cái chết.

Trong phần đời tiếp theo, tôi còn bị vài lần bệnh tật nữa, tuy không đe dọa gì lắm đến tính mạng, nhưng cũng là những lần phải ghi nhớ mãi, khó có thể nào quên được.

*

Như cái lần đầu tháng 5 năm 1984, cơ quan an ninh Cộng sản đã đến nhà lục soát, khám xét rồi bắt tôi, trong vụ án đã nói qua ở trên. Tôi bị đưa vào trại Phan Đăng Lưu và đem sang biệt giam bên Khu B, khu tù nữ giới. Dẫy biệt giam nằm đối diện với mấy phòng tập thể nữ, cách nhau một khoảnh sân. Căn phòng biệt giam nhỏ hẹp chỉ có mình tôi, giống như cái kim tĩnh nổi, với tường gạch kín bưng chung quanh, trần bê tông và cánh cửa sắt im lìm, có ô cửa vừa cỡ bìa một quyển sách, chỉ để đưa cơm nước mỗi buổi, ngoài ra đóng mở thất thường. Nơi này lại quay mặt về hướng Tây, nên hứng trọn cái nắng gay gắt trưa chiều mùa hè mỗi ngày, thật bức bách khó chịu. Bên trong luôn luôn hầm hập cái hơi nóng oi nồng, khô khốc đến điên người. Đôi khi từng cơn mưa rào bất chợt lại phả thốc vào cái mùi ẩm ngái, ngốt ngộp vô cùng. Lúc nào mồ hôi cũng có thể rịn vã ra như tắm.Trong điều kiện khắc nghiệt như thế, chừng hơn một tháng sau là tôi ngã bệnh. Mới đầu chỉ chảy nước mũi sụt sịt cảm cúm nhẹ, sau đó đâm ra ớn lạnh và sốt li bì mấy ngày liền, bỏ cả ăn uống. Báo bệnh và được Trại phát cho vài viên Aspirin nội địa chả thấm thía gì. Nhưng rồi sau đó tôi đã khỏi ngay khá mau chóng, là nhờ những viên Tylenol và trụ sinh bên phòng tập thể gửi sang cho, qua một chị tù nữ làm lao động bên ngoài. Đây là những loại thuốc quý hiếm thời đó. Tôi thật cảm động và chỉ nghe nói đến tên, chứ không thể nào biết được mặt của người đã cho mình những viên thuốc.

Dần dà ít lâu sau này, tôi được biết ra rằng các cô các chị bên ấy phần đông dân Sàigòn, đa số đều còn trẻ thôi, là những người đi vượt biên không trót lọt, bị bắt giữ và từ nhiều nơi khác nhau chuyển về. Số còn lại thuộc những vụ việc về kinh tế. Ít hơn nữa là thành phần xếp vào loại tù chính trị, có liên quan đến các tổ chức hoạt động hay như trường hợp hai cô bạn trong vụ án với tôi, Lý Thụy Ý và Nguyễn Thị Nhạn, ở nơi phòng tập thể cuối dẫy đằng kia…

Và rồi, không chỉ những viên thuốc ở lần ngã bệnh đó, vào những ngày có thăm nuôi tiếp tế hàng tuần, tôi còn luôn luôn được san sẻ đủ loại thực phẩm thức ăn, bù đắp cho các bữa cơm tù nhạt thếch, nguội tanh chán ngắt, cũng từ những con người nhân ái bên phòng tập thể các cô, các chị tù nữ ấy. Thêm nữa là những lời thăm hỏi ân cần hay đôi lúc đùa vui, trêu chọc gán ghép với người này người kia, thân tình như thời học trò, vẫn thường được nhắn chuyển qua lại.

Nhờ vậy, dù không được trại cho phép nhận tiếp tế và bặt tin tức của gia đình, vì vẫn còn đang trong giai đoạn điều tra chưa kết thúc cung từ, nhưng suốt gần tám tháng biệt giam ở khu B này, tôi có nhiều niềm an vui nho nhỏ và đủ sức khỏe cần thiết để tỉnh táo chịu đựng, vượt qua những lần thẩm vấn, tra hỏi căng thẳng của các viên sĩ quan an ninh. Rồi cũng vì là gã tù biệt giam khá lâu ở nơi đây, tôi trở thành thân quen hơn với nhiều người bên kia những bức tường ngăn cách, dù chưa một lần trực tiếp chuyện trò gì nhiều với nhau. Có chăng, chỉ là nụ cười nhẹ, khi thỉnh thoảng nhìn thấy nhau, lúc tôi quay trở về sau những buổi bị gọi đi thẩm vấn. Hoặc nữa, qua ô cửa gió bên tôi mỗi chiều tối chưa bị đóng lại, vời trông qua bên kia cánh cửa sắt phòng tập thể đối diện, có những ánh mắt u hoài xa vắng, trao đổi được vài lời thăm hỏi, chuyện trò ngắn ngủi vội vàng.

Tôi nhớ những buổi sáng có đợt chuyển đi Trại lao động, cái vuông sân nhỏ đằng trước lại thật ồn ào, rộn rã những tiếng khóc cười vui buồn từ giã nhau. Tôi thường cố dán mắt qua khe cửa hẹp để nhìn xem trong đám đông ấy, có ai thân quen, ai ở ai chuyển đi, nhưng chỉ thấy lô nhô những dáng người, không rõ được mặt. Đôi lúc có tiếng gọi số phòng của tôi và lời nói chào tạm biệt. Cũng thấy buồn vui theo và bâng khuâng biết mấy.

Bây giờ không biết ở những phương nẻo nào và đã ra sao rồi, các chị Kiều, chị Mai, chị Vũ…và những Vân, Mai Thanh, Minh Châu, Thanh Loan, Hằng, Kim Châu, A Muối…và nữa Ngọc Lan, cô cháu nhỏ mà tôi vẫn nợ ly soda chanh đường, như một lần đã hứa …có còn chút nhớ quên gì về thời gian ở cái Khu B, chúng cư Phan Đăng Lưu năm tháng ấy. Và có còn nhớ cái gã biệt giam số 14, mà ngay buổi tối hôm gã vừa được đưa vào, các cô các chị đã lao xao í ới hỏi vọng sang vì tò mò muốn biết tội danh, rồi sau đó thì im bặt khi nghe gã lớn tiếng nói bị bắt vì âm mưu đi ăn cướp…cướp chính quyền.

Xin thêm một lần cám ơn đời, vì đã cho tôi có được những điều vui nhớ nữa, giữa một mùa khổ hạnh mới.

Ngọc Tự

(Còn một kỳ nữa)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search