T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngọc Tự: tháng năm, gã bệnh nhân người Việt(2)

Ngoc Tu

Sau khi mãn hạn tù trở về đời thường nơi đầu tháng 5/1988, cùng một ngày với anh Duy Trác, tôi lao vào cuộc mưu sinh qua đủ thứ nghề ngỗng, công việc. Cũng đã phất phơ chợ trời thuốc tây nhưng chả đến đâu. Thời gian này, đi bán căng tin trong trường học (nơi bầy bán bánh kẹo, vài thứ giải khát, món ăn vặt cho học sinh) là giải pháp tạm thời cho sinh kế của các gia đình chúng tôi. Chị Vũ Hoàng Oanh, bà xã của anh Dương Hùng Cường (anh chết trong biệt giam trại Phan Đăng Lưu tháng 12/1987_ và chị cũng đã tử nạn khoảng giữa năm 1989, sau một tai nạn giao thông) đã khởi xướng và mở đường cho việc này. Là nhà giáo, nhưng giữa hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống sau tháng 4/ 1975, suốt những tháng năm đó, ngoài giờ dậy học, chị còn phải làm thêm công việc là đi bỏ mối, giao bánh kẹo cho các căng tin trong trường học, nên biết cách thức về kiểu buôn bán như vậy. Chị và các cháu khi ấy, cũng vẫn đang tiếp tục giữ được việc bán căng tin tại trường có tên là Nam Kỳ Khởi Nghĩa (trường Bồ Đề ngày trước) gần chợ Cầu Muối. Tôi thường đùa vui gọi chị là chủ tịch Nghiệp đoàn Căng tin. Mấy người con trong gia đình anh Doãn Quốc Sĩ thì trường Marie Curie. Còn tại trường Lê Quý Đôn có anh chị Duy Trác và các cháu. Tôi cũng có mặt để buôn bán vặt vãnh như vậy, trong căng tin trường Huỳnh Khương Ninh và sau đó, một trường khác nữa, tròn hai niên khóa, cùng với các cháu trong gia đình anh chị Hoàng Hải Thủy. Chú cháu cũng có một thời gian dài chia sẻ vui buồn lẫn mồ hôi ngày ngày, thật nhớ chứ nhỉ, phải không Hoài Nguyên, Kiều Giang và Hoàng Hải Triều thân mến…

Đồ Kẹo tự vịnh

Tấp tểnh theo đòi việc bán buôn

Loanh quanh qua buổi cũng đỡ buồn

Vài ba cục kẹo dăm đồng lẻ

Một lũ trẻ ranh quấy rầy luôn

May ra đỡ vợ được tí gạo

Chợ đời nhấp nhổm khỏi lọt luồn

Ai buôn thất nghiệp mơ triệu phú

Riêng mỗi mình ta một nỗi buồn.

1988.

*

Rồi tôi kiếm được chân thợ lắp ráp đồng hồ treo tường và dần dà leo lên đến Quản đốc xưởng kiêm Thủ kho, tại một công ty của mấy thương nhân Đài Loan, mới đến Việt Nam làm ăn. Công việc cũng tốt nhưng đều đặn, gò bó quá, lại quen lang thang vặt đây đó, nên ít lâu sau tôi bỏ. Kế tiếp đấy, làm Giám sát viên bán hàng cho Công ty sản xuất & kinh doanh về Kem ăn các loại. Ngày ngày, có nhiệm vụ đi kiểm soát lòng vòng khắp lượt, các quầy bán hàng và các tiệm Kem của công ty, tại các Trung tâm Thương mại, các Siêu thị trong thành phố. Đây là quãng ngày thật thống khoái cho tôi, vì có nhiều thời gian tạt ngang về tắt, với bạn hữu nơi này chỗ nọ.

Được vài năm, lúc đời sống gia đình vừa tạm ổn định, thì thêm một lần tật bệnh nhớ đời.

Một buổi sáng thức dậy chuẩn bị đi làm như thường lệ, sao bỗng dưng mắt phải của tôi có những tia sáng chớp lóe như ánh đèn Flash liên tục. Rồi thì, những chấm đen nho nhỏ cứ di chuyển, đảo lượn lên xuống và xuất hiện một quầng chân trời đen kịt che kín bớt tầm nhìn. Tôi cố dụi mắt, và ngỡ như đang mơ tưởng, nhưng bỗng thoáng nhớ rất nhanh đến bài học về mắt và thị giác hồi đi học nên hơi giật mình, hoảng hốt. Tôi đã đi ngay đến bệnh viện Mắt thành phố, là bệnh viện Saint Paul ngày trước. Bác sĩ soi khám rất kỹ, chẩn đoán thật lâu rồi cho biết Võng mạc của tôi đã bị bong cùng với vết rách phức tạp hình móng ngựa và thêm một vết rách ngắn khác.

Tôi nằm lại bệnh viện luôn ngay trong ngày và sau đó đã được mổ kịp thời. Cũng may cho tôi, người bác sĩ phụ trách phẫu thuật và theo dõi điều trị, tuy còn trẻ nhưng đã từng đi tu nghiệp ở Pháp, nên có nhiều kinh nghiệm trong chuyên khoa đáy mắt. Gọi là mổ theo cách gọi thông thường, nhưng thực ra là sử dụng kỹ thuật tia Laser để dán vá lại phần đã bong ra và các chỗ đã bị rách. Thế là qua khỏi được, thoát cảnh mù dở, nhưng từ đó thì mắt đợi mắt chờ, vì bên con mắt mổ trở thành loạn thị và mắt kia vẫn ở độ cận như cũ. Dẫu sao, vẫn còn hơn là phải khép lại vĩnh viễn một cánh cửa tâm hồn.

Tôi có hỏi và được giải thích về nguyên nhân. Chính yếu là do việc mang kính cận thị với độ cận nặng đã lâu, nên mắt bị khô dần theo năm tháng cùng tuổi tác, dẫn đến việc bong võng mạc _ và bất chợt lại có thêm tác động mạnh nào đó nữa không để ý nên mới tạo ra các vết rách.

Tôi nhớ lại vào khoảng cuối năm đệ Nhị, khi đi khám mắt, đã phải đeo ngay kính cận thị 4 điốp,vì đã bị cận từ trước mà không mang kính, nên độ cận tăng nhanh . Chả là, từ hồi đệ Ngũ đệ Tứ, cứ chúi mắt suốt vào đủ loại tiểu thuyết trong thư viện nhà trường, ở những buổi trốn học và mọi lúc có thể. Rồi nữa,vừa vào đầu niên học đó, dưới ánh đèn bàn học mỗi buổi tối, bên cạnh bài vở trong ngày, còn là việc vùi đầu ngấu nghiến thêm cho đến khuya, những trang tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình Kim Dung, vô cùng lôi cuốn và hấp dẫn, bắt đầu thịnh hành thời gian này.

Chẳng còn gì để nói, vì đúng là thân làm tội đời, nguyên nhân nào cũng sẽ đưa đến một hậu quả. Cái lần phải mổ mắt ấy là năm tôi bốn mươi chín tuổi.

*

Các cụ xưa thường nói, bốn chín chưa qua năm ba đã tới. Có lẽ cũng vận vào trường hợp của tôi chăng, vì bốn năm sau đó, lại thêm một lần bệnh tật khác và cũng may là nhờ biết được bệnh trạng để trị liệu ngay, nên lần này không gặp phải vấn đề gì lớn.

Lần bệnh này, mà thời gian sau giới Y khoa gọi vui là căn bệnh của nhà giầu, vì liên quan đến việc Cholesterol và Triglycerides trong máu tăng cao. Đây là các yếu tố sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Tim mạch với nhiều biến chứng, nếu không biết được sớm để điều trị. Trong khi đó, gã bệnh nhân tôi, vẫn chỉ là một anh chàng dở thầy dở thợ, cuộc sống cũng làng nhàng thôi chứ có xênh xang áo mão gì đâu, nhưng có lẽ nguyên nhân thì cũng dễ hiểu, như thể thần khẩu đã hại xác phàm.

Lúc ấy, kinh tế xã hội đã bắt đầu phát triển một chút, nên sinh hoạt bên ngoài cũng như trong gia đình, đều có nhiều biến đổi phong phú về mọi mặt, mà ăn uống là một trong những điều quen thuộc hàng ngày, thường nhận thấy rõ ràng nhất.

Tôi thường tham dự đủ loại tiệc tùng quanh năm, qua các mối giao tiếp công việc, và trong vòng bạn hữu anh em gần xa, nơi chỗ nào cũng khó lòng mà từ chối để vắng mặt. Hết Tân gia, cưới hỏi, đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, giỗ chạp, tất niên…rồi lại đến khai trương hoạt động hay kỷ niệm ngày thành lập công ty…cứ quay vòng liên tục, ngày này qua tháng nọ. Và từ tiểu yến cho tới đại tiệc, thực đơn nơi chỗ nào cũng rượu thịt ê hề.

Đến những bữa ăn trong gia đình, ngoài các món ăn thông thường, thì rất nhiều thức món, đã từ lâu vắng bóng trên mâm cơm, nay thấy lại thường hơn và thật khoái khẩu. Quả thật là khó lòng mà cưỡng lại sự thòm thèm trước đĩa bê thui, bò tái tương gừng hay nồi thịt kho tầu béo ngậy thơm lừng. Có khi là cái đùi gà luộc tươm mỡ, xé tay để chấm muối tiêu chanh, kèm khoanh hành tây ngâm dấm, thêm đĩa thịt heo quay thật hấp dẫn với lớp da dòn biết mấy, hoặc lúc khác là món thịt đông ăn với dưa chua, chính cống hương vị đất Bắc…Mỗi bữa thêm một tí bia lạnh nữa cho ngon miệng và dễ bề tiêu hóa.

Lại còn những buổi ăn sáng. Chắc không cần diễn tả gì về một tô tái nạm gầu hành trần nước béo quen thuộc, ăn hoài mà có bao giờ biết ngán. Và rồi, tô bún bò giò heo với khoanh chân giò to bự nổi bật trong tô, cắn ngập răng, thì luôn luôn có sẵn ở các quán hàng nơi từng ngã đường thành phố. Đó là chưa kể thêm bao nhiêu thức món khác nữa, món nào thì cũng đều có các loại thịt như một thành phần không thể thiếu.

Ngày qua ngày, cứ ăn uống trong cách thức như vậy, và thấy da thịt, mặt mũi hồng hào phương phi béo tốt, cho là cơ thể khỏe mạnh, nên đâu bao giờ để ý rằng việc ăn uống kiểu đó sẽ có ảnh hưởng không tốt, hay là nguyên nhân dẫn tới các vấn đề liên quan đến sức khỏe như thế nào, cho đến khi xẩy ra chuyện…

Một buổi chiều ấy, đang trên đường đi công việc, tự dưng cảm thấy có triệu chứng khó chịu bất thường, tôi đã phải dừng xe lại bên lề để nôn thốc nôn tháo xuống miệng cống. Mồ hôi vã ra đầm đìa và thấy ớn lạnh quá, lại thêm choáng váng rồi mắt hoa lên từng chập. Hơn nửa giờ sau tôi mới định thần lại được để quay về nhà. Phờ phạc suốt một đêm nằm vật trên giường, cho đến hết ngày hôm sau mới tạm ổn.

Tôi ngỡ rằng bị say nắng và gió máy, cảm mạo thường thôi, nên không để ý cho lắm về tình trạng này.

Thế rồi, vào một buổi tối khác, chỉ một tuần tiếp theo, tôi lại bị vật thêm lần nữa, tương tự như vậy nhưng nặng nề hơn nhiều, gần như ói ra mật xanh mật vàng, bủn rủn cả chân tay, người lả đi và nhịp tim đập mạnh liên hồi. Tôi phải ghé nhà người bạn để gửi chiếc xe gắn máy và đón Taxi về nhà.

Ngay sáng hôm sau đi Bác sĩ để khám bệnh và làm các xét nghiệm. Kết quả là gan nhiễm mỡ, thiếu máu một phần cho cơ tim, lượng Cholesterol và Triglycerides vượt quá mức hạn định rất nhiều…Bắt đầu từ đó, tôi gần gũi và quen thuộc với những viên thuốc phải uống đều đặn hàng ngày. Đây là điều mới mẻ vì trước đây, thỉnh thoảng chỉ vài viên thuốc cảm cúm thông thường, chưa khi nào tôi phải dùng bất cứ loại thuốc đặc trị nào trong thời gian dài.

Chưa trầm trọng gì, nhưng cũng là một dấu chỉ nữa, cảnh báo về bệnh tật, sức khỏe và tuổi tác nơi cuộc sống.

*

Qua những lần bệnh tật như thế, kể cả lần bên bờ sống chết vừa rồi của tôi, chẳng hiểu có thuộc về sự tính đếm trong giới hạn quá tam ba bận hay chưa. Và sẽ có cơn bệnh nào nữa không nơi phần đời còn lại, hay ngay cả lần bệnh còn đang điều trị đây, sẽ diễn biến ra sao, đâu thể nào biết trước được.

Những lần bệnh tật đã qua trong đời, dù trong từng hoàn cảnh khác nhau, cũng đều lưu lại trong tôi biết bao điều còn nhớ mãi, và lần nào tôi cũng đã được nhận thật nhiều ơn nghĩa thương mến của nhiều người. Như lần vừa mới rồi, nỗi xúc động bồi hồi vẫn còn nguyên vẹn trong tôi từng phút giờ…

… Khi nghe tin tôi phải đi bệnh viện cấp cứu, bạn hữu và mọi người quen biết, ai cũng vô cùng sửng sốt, vì thường nhìn thấy tôi khỏe mạnh luôn. Có người đã tìm vào thăm ngay, như bà Giám đốc và các Bác sĩ, nhân viên Y tá tại Phòng khám bệnh nơi tôi làm việc, cùng một vài bạn hữu thân tình. Và tiếp theo những ngày sau đó nữa, lúc tôi đã về nhà, có thật nhiều lời thăm hỏi, cầu chúc điều an lành cho tôi. Các con cháu, anh chị em trong gia đình thân tộc, các bạn hữu, người quen biết gần xa khắp nơi. Mọi người đều tỏ vẻ ái ngại, chân tình chia sẻ nỗi âu lo với tôi và gia đình, thật cảm động quá. Chỉ mới nghe qua rằng tôi bị Cancer ở Gan là thấy hệ trọng rồi, không cần biết thêm về tính loại. Tôi cũng nhận được những lời cầu nguyện, lời thăm chúc ân cần của Cha sở người Việt Nam còn trẻ tuổi và nhiều ông bà anh chị em khác, trong Cộng đoàn giáo dân người Việt tại Giáo xứ người Mỹ gần nhà, nơi gia đình tôi đến dự Thánh lễ hàng tuần. Phải kể thêm nữa, mấy người chủ cơ sở thương mãi nằm sát cạnh văn phòng chi nhánh Công ty dịch vụ mà bà xã tôi làm việc, trong Hong Kong Mall. Tôi cũng có chút ít giao thiệp với họ khi ghé đến đây mỗi buổi chiều và thường cùng chuyện trò, bàn luận vài ba tin tức thời sự, để chờ cho đến giờ đóng cửa bên văn phòng bà xã tôi.

Cách riêng, anh chị Duy Trác ngay từ hôm biết tin, vẫn luôn luôn ghé qua chỗ bà xã tôi để ân cần hỏi han thêm về tôi. Anh chị đi tập dưỡng sinh cách ngày trong tuần tại một phòng tập trên lầu trung tâm Thương mại này. Mấy năm nay, sức khỏe của anh sút giảm, không còn lái xe được nữa, mỗi khi đi đây đó đều do chị cầm vô lăng. Mới ngày nào đây một con người tươi trẻ tài hoa, năng động như anh, theo với thời gian bây giờ cũng đã ở vào tuổi tám mươi rồi, dĩ nhiên là gặp nhiều giới hạn. Bất ngờ vào một buổi sáng, anh chị đến thăm tôi tại nhà. Anh cười vui nói rằng phải đến tận nơi để nhìn thấy tôi khỏe mạnh và để mừng cho tôi đã qua được nguy hiểm, cùng mong rằng mọi điều tiếp theo sẽ tốt đẹp. Thật cảm kích quá, tôi không biết nói gì trước sự thương mến này. Suốt những tháng năm đã qua, từ lúc còn ở Việt Nam cho tới khi chúng tôi qua tới Houston này, bao giờ anh chị cũng dành cho tôi và gia đình thật nhiều yêu mến chân tình như vậy. Sẽ mãi mãi và luôn luôn ghi nhớ điều này trong tâm khảm, thưa anh chị.

Được đón nhận thật nhiều những thương yêu quý mến như thế, tôi như đã vơi bớt xao xuyến và thấy mình vô cùng hạnh phúc. Dắt díu nhau sang đây sinh sống đã hơn tám năm, chỉ có vợ chồng già và cô con gái út, cũng vừa mới ra trường được ít lâu. Gia đình hai cháu lớn vẫn còn lại nơi quê nhà. Anh chị em hai bên thì đều ở xa, tuy rằng huynh đệ như thủ túc nhưng cũng là kiến giả nhất phận.

Những ngày đau bệnh ấy và cả trước đó, khi linh cảm vu vơ về một điều nào đó sẽ tới, tôi vẫn thường cố dấu kín sự lo lắng của mình. Hơn ai hết, tôi biết mọi nỗi khó khăn của một gia đình ít người, như gia đình tôi đây, khi bất chợt có biến cố nào xẩy đến, nhất là tại một nơi chỗ vẫn còn nhiều xa lạ, bỡ ngỡ. Nhưng tôi cũng thấy nhẹ lòng và yên tâm vì cô con gái út, mà tôi cứ nghĩ rằng hãy còn quá non trẻ, đã thật chững chạc và tháo vát khi cùng với mẹ lo toan được tất cả mọi việc cho bố,nhất là trong mấy ngày tôi nằm bệnh viện. Và hơn nữa là, khi nhìn thấy được sự bình tĩnh nơi bà xã tôi, sau chút bối rối, hoảng hốt thoáng qua ban đầu. Có nhiều lần trong mấy ngày ở bệnh viện đó, chợt thức giấc nửa đêm nhìn sang bên cạnh, nơi cái ghế dài thay cho giường nằm, con người đã luôn chịu đựng, nhẫn nhục gánh vác mọi khổ hạnh, lao nhọc vất vả vì tôi, qua bao tháng năm miệt mài cho đến tận bây giờ, đang thiếp đi trong giấc ngủ vùi sau những lo âu mệt mỏi, tôi thấy se thắt và thật nao lòng. Bất giác tôi chạnh nhớ đến hình ảnh mẹ tôi ngày trước, cũng một đời lao đao lận đận vì chồng con như thế.

Cám ơn cuộc đời đã cho tôi được gặp gỡ và nhận lấy tình yêu tuyệt vời này. Một tình yêu đã tận tín trung trong đạo vợ chồng, nghĩa phu thê.

Tôi nợ bà nhiều quá, người tình già ơi, con trâu già yêu dấu của tôi ơi…

*

Tôi vẫn nhớ về những tháng ngày êm đềm ở ĐàLạt buổi ấy, dù đã qua hơn bốn mươi lăm năm rồi. Dưới gốc thông già trên đồi thông một chiều trong cơn mưa nhẹ, chút sương lãng đãng hơi lành lạnh vây quanh, chúng tôi đã bên nhau quấn quít và bối rối, thẹn thùa trao cho nhau nụ hôn đằm thắm của tình yêu vừa đến, có cỏ cây hoa lá và mưa hoàng hôn làm nhân chứng. Tôi đã thì thầm nói rằng, rồi mai đây, theo với năm tháng thời gian, nhất định sẽ phải có lần trở về nơi chỗ này, để ngồi lại dưới gốc thông già trên đồi vắng như chiều nay, ôn nhớ từng kỷ niệm yêu thương xưa cũ. Sẽ nắm lấy tay nhau, thinh lặng trong hạnh phúc mà đi lại những bước chân vòng quanh bờ hồ Xuân Hương của ngày nào. Cũng sẽ chở nhau trên chiếc xe gắn máy, chạy lang thang qua từng dốc phố ngoằn ngoèo hút sâu giữa cơn mưa bụi bay bay, rồi chui vào cái góc quán cà phê nào đó bên đường, co ro ngồi sát vào nhau để thổn thức hòa quyện từng hơi ấm.

Thế mà cái điều tưởng như bình thường nhỏ nhoi ấy đã có bao giờ thực hiện được đâu. Những tháng năm nghiệt ngã nơi đời sống đã cất dấu hết mọi mơ ước đơn sơ của những người tình trẻ. Bây giờ, tất cả chỉ còn là nỗi hoài niệm bâng khuâng, nằm ngủ im đâu đó trên mái tóc đã điểm sương của những người tình già…

*

Tôi cứ bị ám ảnh và suy nghĩ miên man mãi đến những điều thường hay được nói tới về sinh lão bệnh tử, nhất là về cái giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Có lẽ vào độ tuổi này thì điều đó cũng chẳng phải là chuyện nên kiêng dè gì nữa.

Nơi đức tin con nhà đạo, tất cả những vấn đề đó chỉ một tâm tình phó thác trao dâng nơi Chúa là đã đủ. Nhưng trong đời sống con người bình thường cũng như qua sách vở, có bao nhiêu chuyện để nói đến với những cách trình bầy và quan niệm khác nhau. Tôi không dám lạm bàn, cũng như không thấy có ảnh hưởng gì với mình cho lắm, tuy vậy vẫn thấy loay hoay với những ý nghĩ vụn rời. Giữa sự bắt đầu có mặt nơi cuộc sống và đến lúc giã từ ra đi, là một khoảng cách, và cái khoảng cách ấy dài hay ngắn thì vô chừng quá. Trong khoảng cách này là diễn tiến giữa tuổi tác và sức khỏe, bệnh tật _ qua từng chặng đoạn. Có một ấn định hay tương ứng nào, như thể một lập trình, dù thuận hay nghịch về thời điểm sẽ đến giữa hai điều này không, trước khi đi tới giờ sau hết. Có cái chết khi người ta còn non trẻ và cũng có những cái chết bất ngờ nào đó nơi một đoạn đời không biết đã đủ dài hay là mệnh yểu. Và thường ra người ta phải chấp nhận cái chết ở một lúc nào đó của tuối tác hay bệnh tật như một sự an bài và là điều tự nhiên phải đến. Có những người đã chuẩn bị sẵn sàng cho giờ sau hết của mình. Đức tin nhà đạo cũng luôn nhắc bảo về điều này. Tuy thế vẫn có những người chẳng để tâm lo lắng bao giờ, về bất cứ chuyện gì, cũng là điều hay. Sự kể lể trong tiếc nuối và mất mát hay thiệt thòi chung quanh việc ra đi của một người nào đấy, cũng là một chuyện vẫn được nhắc tới.

Khi môn đệ Quí Lộ hỏi Thầy mình về sự chết, ông Khổng Tử nói rằng sự sống còn chưa biết, làm sao biết được về sự chết *. Cũng thật mông lung xa vời khi nói rằng, có những người từ ngàn xưa, đã hiểu rõ được về cuộc sống, nên không thấy sự sống là điều mừng vui, không thấy sự chết là điều lo sợ**. Có lẽ gần gũi với thực tế đời thường và rõ nét nhất, là trường hợp của triết gia Socrate nơi giờ lâm chung. Thời đó, vì là nhà lãnh đạo tinh thần của phe nổi loạn, và khi phe này thất bại trong cuộc nội chiến, ông đã phải nhận lấy bản án tử hình bằng cách uống một chén thuốc độc. Trước giờ biệt ly, các học trò đau buồn thương tiếc và khóc lóc bi thiết. Ông từ tốn nói rằng con người ta cần phải chết trong thanh tịnh. Ông khuyên họ hãy bình tĩnh và nhẫn nại. Và chỉ trối lại cho người học trò Criton, duy nhất một điều là còn nợ người kia (Asclepius) một con gà, nhớ trả món nợ ấy cho ông. Khi thuốc đã ngấm đủ, ông thanh thản ra đi***. Hình ảnh và thái độ nơi giây phút cuối cùng của bậc minh triết đã soi sáng thật nhiều điều cho tôi.

Tôi nhớ ra mình cũng còn nhiều món nợ chưa trả được. Có món nợ là một ly cà phê đá và gói thuốc Bastos de Luxe ở cái quán cóc vỉa hè, khoảng xế trưa ngày 26.6.1975. Quán dựa sát bờ tường Đại học Dược Khoa, nhìn sang bên trường Văn Khoa đối diện, một địa điểm trình diện đi tù cải tạo mà chính quyền Cộng sản ấn định. Tôi ngồi đấy uống cà phê và hút những điếu thuốc lá suy nghĩ vẩn vơ cũng đã cả tiếng đồng hồ, nhưng chưa muốn đứng dậy để đi vào nơi này. Thấy tôi như vẫn còn ngần ngừ mãi, trong khi nhìn sang bên kia đường, mấy tên bộ đội đang chuẩn bị đóng cổng, cô quán vội lên tiếng nhắc. Đứng lên tôi đưa tiền trả nhưng cô mỉm cười nói không kịp thối lại đâu, cứ để đó ít bữa quay về trả sau cũng được và giục tôi phải bước sang đường thật nhanh lên kẻo trễ. Chừng như tôi là người cuối cùng bước vào nơi đó thì phải.

Cái thông báo mười ngày của một thủ đoạn mập mờ, che dấu âm mưu nham hiểm thâm độc ngày ấy làm sao quên được.

Gần sáu năm sau tôi trở lại chỗ này, thành phố thân quen của tôi đã mất hút qua bao vật đổi sao dời, cay đắng và nghẹn ngào. Chẳng còn một chút dấu tích gì của cái quán bên đường năm xưa và cô quán chủ ngày cũ. Món nợ còn đó tôi chưa trả xong và chắc rằng không bao giờ có thể trả được nữa rồi.

Và không chỉ một món nợ này. Vẫn còn thật nhiều nữa ở nơi tôi đây, biết bao nhiêu là những món nợ của ân tình ân nghĩa, mà một con người mọn hèn nhỏ bé tầm thường như tôi, đã được nhận lấy trong suốt những tháng năm đời mình, nhất là qua mỗi lần bệnh tật đau yếu.

Tất cả những ân nợ đó, cùng bao nhiêu thương mến mà mọi người đã dành cho, tôi vẫn hằng luôn ghi nhớ và giữ mãi trong lòng, rất chân thành và vô cùng trân trọng. Bồi hồi và rưng rưng quá.

Không biết rằng chỉ như vậy, rồi mai đây khi đến lúc tôi phải giã từ cuộc đời, đã đủ để cho tôi có được một tâm thái thanh tịnh và thanh thản. Tôi không dám trả lời đoan chắc cho câu hỏi này.

Houston tháng 8/2015.

ngọctự.

(hết)

 

* vị tri sinh,yên tri tử _( Luận Ngữ, Thiên XI.11)

** cổ chi chân nhân,bất tri duyệt sinh,bất tri ố tử_(Trang Tử)

*** Câu Truyện Triết Học (The story of philosophy_Will Durant)

Bản dịch Trí Hải và Bửu Đích_ Nha Tu Thư và Sưu Khảo

Viện Đại học Vạn Hạnh Sàigòn, 1971

(trang 23, 24)

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search