T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ngọctự: tháng 12, chút nhớ vụn vặt

Quãng cuối cuộc đời

Quãng Cuối Cuộc Đời – Tranh: Mai Tâm

(tạp văn)

Buổi tối ngồi lặng thinh trên ghế bành ở góc phòng khách, nghe những ca khúc Giáng Sinh tươi vui của ban nhạc Boney M, bỗng dưng tôi thấy mình buồn quá. Nhìn lốc lịch treo tường, tôi đọc mấy hàng chữ số ghi ngày Thứ Năm 14 tháng 12 năm 2017. Một thoáng sững sờ, tôi nhớ ra đúng ngày đến Houston mười một năm về trước.

Không hiểu sao cho đến tận bây giờ, tôi cứ như vẫn còn mãi loay hoay về một điều gì đó thật bảng lảng, quanh việc có mặt tại đây, mà ngay từ khi chưa lên đường, tôi đã có ý nghĩ dường như sẽ không mấy thích hợp cho mình. Tôi vốn là một anh nhà quê rặt, ngại sợ lạc lõng nơi phồn hoa đô hội và rất dễ giao động khi đối diện ngoại cảnh xa lạ. Giờ đây lại đang lúc sang mùa, nao nao nhắc nhớ cho tôi những hình ảnh quen thuộc về tháng ngày bình yên của đoàn tụ sum vầy.

Tôi vẫn còn nguyên nỗi ngẩn ngơ thảng thốt của buổi đầu bỡ ngỡ, khi mới đặt chân tới đất khách quê người. Và mọi thứ điều chuyện của nơi chốn đã giã từ để ra đi ngày ấy, chừng như cũng luôn gần gũi cận kề thiết tha chung quanh.

Nguyên tuần rồi thời tiết Houston trở lạnh rét buốt, dù chỉ mới chớm đông. Vào chiều tối, thành phố vắng lặng đến ảm đạm và thật cô đơn buồn bã. Có một đêm tuyết đã rơi, phủ trắng xóa mái nhà và lớt phớt trên các lùm cây, bụi cỏ ngoài sân. Khung cảnh này càng dễ làm cho người ta cứ phải quanh quẩn với những bồi hồi quên nhớ không nguôi. Tôi cũng đang chìm đắm trong nỗi nhớ loanh quanh về những ngày lạnh giá xa xăm ngày xưa. Loáng thoáng rất nhiều nơi chỗ đã đi qua tháng năm đời mình và mờ nhạt từng mùa đông khuất hút.

Mông lung mơ màng, tôi mỉm cười nhớ lại buổi sáng cuối đông tuổi học trò mới lớn, có cơn bão rớt về qua thành phố,và chút ngỡ ngàng đến tội nghiệp, vì chẳng sao hiểu được ánh mắt giận hờn vu vơ của cô bạn cùng lớp lúc bấy giờ.

Tôi cũng nhớ về những buổi chiều cuối năm Đàlạt xa nhà, co ro chạy vội từ chỗ trọ lên phố, ghé vào cà phê Tùng tìm hơi ấm qua từng điếu thuốc, hoặc có hôm ngồi lại bên Mêkông uống ly Lipton chanh nóng.

Những khi trở trời cũng lành lạnh như thế này đây, nơi tháng ngày phiêu bạc cũ, bước chân tôi đã ghi dấu và giữ lại mãi hoài trong tận cùng tâm khảm, nhiều lắm những nơi chỗ, mà mỗi một là một lãng đãng khôn khuây. Nỗi nhớ cái se lạnh sớm mai nào Đà Nẵng, Nha Trang rồi Phù Cát… những ngày trong lính, vẫn thường luôn phải đi đây đó; hay chuyến công tác có buổi trưa chôn chân ở cà phê Dinh Điền ngoài phố núi Pleiku, vì cơn mưa dai dẳng bên ngoài mãi hoài không dứt. Cũng còn là những ngày mưa Huế dầm dề ướt sũng nỗi buồn tuổi trẻ, cứ mải miết đi lang thang qua các con đường, chẳng biết mình sẽ ghé lại đâu.

Hay những ngày lạnh giá rét cóng chẳng bao giờ quên được, nơi các trại tù đất Bắc suốt mấy năm trời đằng đẵng ấy, đã phải nhẫn nhục chịu đựng nhiều thứ, cho qua hết mọi cay đắng nhọc nhằn, mãi đến tận ngày về.

Tất cả đã chìm sâu vào phía sau lâu rồi, nhưng bất chợt cái khoảng cách thời gian tâm lý như xa như gần,bỗng dưng đang quay về quấn quyện, gần lại trong tôi một điều gì nhắc gọi mơ hồ bâng quơ thật chơi vơi.

Và thế rồi hoài niệm cho tôi được gặp những khuôn dáng ghi dấu rõ nét một đoạn đời, để bàng hoàng nhận ra thời gian qua nhanh và đã lặng lẽ bỏ lại nhiều thứ quá.

Mười một năm lầm lũi quê người xa thẳm, mà sao cũng thoắt vèo như thoáng chốc, và nỗi buồn thì cứ mơ hồ, chênh vênh từng tháng ngày.

Ánh mắt trẻ thơ của mấy đứa cháu nội ngoại ngày tôi đi vẫn hằn sâu trĩu nặng mãi những nhớ thương.Bầy cháu trẻ thơ nay đã lớn thêm và tôi thì đang già cỗi dần mòn trong sự buồn tênh quen thuộc.

*

Tôi cũng đang lặng người sống lại những ngày cuối ở Sàigòn, đầu tháng mười hai biết bao thương nhớ ấy. Sau buổi phỏng vấn ở lãnh sự quán Hoa Kỳ, thủ tục đi định cư hoàn tất nhanh chóng, nên từ lúc bắt đầu có tin tức chính thức về chuyến bay, tôi không còn nhiều thời gian cho lắm. Bên cạnh các thu xếp, chuẩn bị, tôi không quên việc chào giã từ các bạn hữu huynh đệ thân tình.

Trong men rượu và tiếng nói cười buồn vui buổi tiễn biệt giữa mỗi nhóm bạn khác nhau ngày đó, tôi cảm nhận được từng nỗi bùi ngùi của bạn hữu qua ánh mắt, hay những bài thơ vừa vội trao đưa; trước lúc sắp chia xa những tâm giao thương mến một thời. Giây phút giã từ chưa hết, chúng tôi đã hẹn ngày trùng phùng.

Cùng chung chiếu ngồi cạn chén ly bôi với nhau, bây giờ đã không còn anh Hồ Nam cùng Tô Duy Khiêm,Tôn Thất Hải, Hoàng Vũ Đông Sơn, Phổ Đức… của tháng năm dài huynh đệ, bằng hữu. Và nữa, các anh Nguyễn Văn Hảo, Võ Văn Thời, Nguyễn Văn Thuyết… những người anh em tôi một thuở buồn vui phi trường bên nhau.

Và cũng vẫn còn đâu đó nụ cười trẻ trung của anh Kha Thùy Châu, sự sôi nổi quen thuộc của anh Lữ Quốc Văn hay Bùi Đức Dung, Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Văn Tòng, Nguyễn Văn Phát; bên cạnh nét trầm lặng thường thấy nơi Nguyễn Văn Thức, anh Khải Triều và anh Hồ Phong…

*

Buổi chiều muộn một ngày tháng 12 năm xưa ấy, cùng theo ra phi trường Tân Sơn Nhất tiễn tôi, vẻ mặt Tô Duy Khiêm buồn lắm. Bạn tôi nghẹn lời trong giọt nước mắt đọng nơi khóe, ngập ngừng nhắc dặn tôi sớm có một lần về thăm lại bạn hữu anh em, nếu lâu quá sợ rằng sẽ chẳng còn được nhìn thấy nhau. Điều linh cảm ấy đã đến chỉ sau ngày tôi đi vài năm. Người bạn thân yêu của hơn bốn mươi năm giao tình, từ thuở mới lớn tấp tểnh thơ văn, cùng với Phan Lạc Giang Đông, Nguyễn Mai…; đã ly trần giữa những ngày Tết Canh Dần 2010 sau cơn đột quỵ. Tôi đã thất hẹn và là thằng bạn tệ bạc mất rồi.

Nhan Gian PTT

Tôi nhớ mãi cái xiết tay thật chặt của Phạm Thiên Thư, lúc anh đưa tặng tập thơ Nhân Gian vừa in xong, ở buổi chiều cà phê Hoa Vàng lần cuối, sau khi xong cuộc rượu ngoài khu Văn Thánh quay về đây. Đâu thể nào quên nụ cười tươi của anh khi nghe tôi gọi vui là lão nông thi sĩ, lúc nhắc lại hôm giới thiệu tập Hậu Kiều Đoạn Trường Vô Thanh lần tái bản, mới mấy năm trước. Chẳng còn cho tôi nữa rồi, những buổi hẹn gặp hàng tuần, chuyện trò thật vui và từng khuôn mặt bạn hữu nơi quán nhỏ Hoa Vàng thân quen này, phải vậy không ông thi sĩ quán chủ.

Hôm đãi riêng vợ chồng tôi bữa ăn ở quán Faifo của Huy Tưởng bên Tân Định, Lý Thụy Ý nói rồi ra không biết có ai tin cậy để giải bầy và dễ nhận được sự chia sẻ cảm thông trọn vẹn, mỗi khi gặp điều khó xử giữa những người thân tình. Tôi nhớ lại chuyện bị hiểu lầm, hơi tế nhị riêng tư, của cô bạn thi sĩ, qua trường hợp đã gặp với anh Nguyễn Thụy Long và chị Hoàng Hương Trang trước đây; mà thật ra cũng chỉ vì hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống lúc ấy.

Cũng đã để lại cho tôi nhiều nỗi nhớ khó quên khác nữa, khi đến thăm chào các hiền huynh quý mến.

Goi giac

Ghé nhà anh Lê Hoàng Long gần ngã tư Bẩy Hiền, anh lấy một bản sao chụp nhạc phẩm Gợi giấc mơ xưa, ghi mấy dòng chữ lưu niệm “…để xa xôi thỉnh thoảng gợi giấc mơ xưa”, nơi góc trang giấy món quà nhỏ tặng tôi. Ở Houston này cũng có nhiều quán cà phê bên đường, nhưng không thể nào có được không khí thân thuộc rất riêng, như cái quán nhỏ vùng Chí Hòa và ngã ba ông Tạ, mà anh em mình vẫn thường hay ngồi với nhau, thưa anh Lê Hoàng Long thân kính.

*

Tôi đã xao xuyến khi ngồi nhà sắp soạn mấy thứ món vật dụng, để như chút kỷ vật tình thân với một vài trong số những người ở lại. Đây là mấy thứ quà tặng mà tôi được các em và bạn hữu ở Hoa Kỳ gửi cho trước đây, chưa dùng đến.

Phần của Hoàng Vũ Đông Sơn, ngoài một bật lửa Zippo mới, có thêm cái píp nhỏ tôi vẫn hút và hộp thuốc 79 còn hơn nửa. Ông bạn tôi vẫn tỏ ra rất thích cái píp đã lên nước ấy ở cả phần cán bằng sừng lẫn nồi gỗ đen bóng.

Tôi cũng chọn một cái Zippo khác đựng trong hộp nhựa đen khá lạ mắt để tặng anh Nguyễn Thụy Long, cùng là dân hút thuốc loại ống khói tầu với nhau. Anh thở dài thật nhẹ, chân tình nói rằng sẽ giữ làm kỷ niệm một thời gian ngắn, rồi bán đi chứ không giữ lại để sử dụng, dù thật quý món quà.Tôi hiểu sự chân tình của anh và chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh sau này, các cháu còn đang tuổi đi học. Cũng như trước đó, tôi cảm nhận được sự phẫn nộ của anh khi nặng lời nhắc đến bài viết có nội dung xa gần gì đó của anh Hoàng Hải Thủy bên Hoa Kỳ, nhân dịp anh được tờ Khởi Hành (California) của nhà văn Viên Linh, người bạn từ thời trẻ với anh, trao tặng giải thưởng về sự nghiệp văn chương.Tôi biết hồi anh Hoàng Hải Thủy chưa xuất cảnh, anh Nguyễn Thụy Long cũng hay ghé nhà để hàn huyên tâm sự và hai anh đều là chỗ thân tình.

Thời gian ấy, vì điều kiện sức khỏe, anh Nguyễn Thụy Long chỉ ở nhà, không còn lui tới đây đó như trước. Những ngày tiện dịp đi qua vùng Bà Chiểu, tôi thường tạt vào nhà anh để ngồi lại chuyện trò và nghe anh khoe các bài viết mới. Bẵng lâu mới đến, anh trách và than buồn vì ít có bạn đến chơi nhà.

Biết việc tôi nộp hồ sơ đi định cư cho lãnh sự quán Hoa Kỳ, anh cũng rủ anh Hồ Nam cùng làm đơn. Anh Hồ Nam và tôi có nói rằng chương trình H.O. này được mở lại, cũng vẫn chỉ dành cho các cựu sĩ quan và công chức đã đi tù Cộng sản, không nhận thành phần tù chính trị, văn nghệ sĩ, anh vẫn gửi hồ sơ. Dĩ nhiên bị từ chối. Anh càu nhàu thất vọng vì không có cơ hội thoát khỏi cuộc sống vây bủa tù túng.

Hồi năm 2009, khi nghe tin anh từ trần, rồi đến Hoàng Vũ Đông Sơn năm 2014; tôi đã ngồi thừ ra, lặng buồn hồi lâu. Anh Nguyễn Thụy Long và Hoàng Vũ Đông Sơn qua đời khác năm nhưng cùng trong tháng 9, sau những ngày dài đau bệnh.

Trung tuần tháng 12 này đây, tôi nhớ có ngày giỗ Phổ Đức, một người bạn thân tình dễ mến khác; và cũng là thời gian anh Hồ Nam từ trần mới hai năm trước.

Với anh Hồ Nam, tôi luôn quý trọng và thật ngưỡng mộ tháng ngày tuổi trẻ vẫy vùng của anh.Anh thường cười bảo chỉ nên nhớ giữa anh và tôi là vong niên giao tình, không cần một điều gì khác.

Buổi chiều đem tặng anh cái đèn để bàn dùng loại bóng néon nhỏ, vẫn còn đựng trong hộp, anh rất vui vì tiện dụng cho việc ngồi gõ bài vở bằng computer. May cho tôi là chị đã về dưới Mỹ Tho hồi sáng. Hai anh em hể hả ngồi nhắc lại câu chuyện mới tháng trước đó, hôm trời đã về chiều, tôi chở anh bằng xe Honda sang thăm vợ chồng Lý Thụy Ý bên Tân Thuận. Dù bị tiểu đường khá nặng, nhưng quá vui và chủ khách thù tạc tận tình, quên cả việc kiêng giữ, anh đã uống đến say mèm, chẳng còn biết gì. Lúc tối khuya ra về, chưa tới ngoài con đường lớn, anh đã không còn có thể ngồi vững nơi yên sau, tôi phải đỡ anh lên tắc xi rồi chạy hụt hơi bám theo phía sau, kịp dìu anh vào nhà khi về đến nơi. Khật khừ hai ba hôm liền anh mới tỉnh hẳn, chưa kể tưởng đã phải đưa đi cấp cứu. Lần ấy chị thật giận và trách cứ tôi nhiều lắm. Từ hôm đó, tôi đâm ra ngại ngần, ít dám ghé anh thường như  trước.

Anh đưa tặng báo Viễn Tượng Việt Nam số mới vừa hoàn tất và hỏi tôi có dám mang đi làm kỷ niệm.Đây là tờ báo đóng tập mà anh thực hiện từng kỳ, chỉ phổ biến hạn chế trong vòng thân hữu. Một mình anh cặm cụi đảm nhận mọi thứ việc, từ viết bài, thu thập thêm bài vở của thân hữu hoặc lấy trên mạng; rồi sắp xếp, đánh máy và in bản, đóng thành tập. Anh âm thầm thực hiện như để thỏa mãn tính cách con người phản kháng luôn thôi thúc trong anh, dù khá nguy hiểm. Tôi và bạn hữu có góp phần ủng hộ chút ít giấy mực cho công việc của anh.

Sau ngày tôi đi được đâu hơn năm, anh lại bị chính quyền Cộng sản bắt giữ thêm một lần nữa, tuy ngắn hạn. Tôi biết điều này qua các bạn tôi bên nhà, và những ai có giao tiếp với anh đều bị công an tra hỏi hạch sách đủ điều. Mọi chuyện tạm êm xuôi, anh dùng một địa chỉ email khác kể lại với tôi, trước khi email của tôi gặp vấn đề rồi bị hỏng luôn, không còn sử dụng được và mất hết tất cả các chi tiết liên lạc.

Ngày gia đình tôi lên đường, anh cũng đã email báo tin cho mấy anh em ở bên Hoa Kỳ có thân quen anh và tôi, về việc tôi sẽ đến Houston, cùng với số điện thoại để liên lạc. Vì vậy, vừa tới nơi được khoảng hai tuần, anh Đào Vũ Anh Hùng từ Dallas đã ghé xuống tìm thăm, thật cảm động quá.

Đang nhớ tưởng thật nhiều về anh đây, anh Hồ Nam ơi. Cũng là nén tâm hương của đứa em xa, nhân ngày giỗ anh trong tháng 12 này.

*

Một buổi sáng khác, tôi sang Bình Thạnh chào anh Lữ Quốc Văn rồi ghé đến nhà cũ của anh Văn Quang trên tầng lầu khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật. Anh đã về lại đây chứ không ở trên Lộc Ninh nữa.Trên ấy có ngôi nhà với vườn cây ao cá, nơi anh chọn để dự định vui thú điền viên lâu dài.Anh thật vui khi tôi đến chào từ giã. Ngồi trò chuyện, anh tỏ ý tiếc vì nhiều lần tôi đã lỡ hẹn, như vậy không còn có dịp lên Lộc Ninh, ở lại chơi với anh một đêm trăng vùng quê tĩnh mịch. Anh lấy đưa cho tôi một ít cạc vi dít, thân mật dặn rằng sang tới Hoa Kỳ, khi nào cần thiết cứ giới thiệu tôi là em anh. Từ lâu, anh vẫn thường nói với nhiều người, tôi là anh em trong gia đình. Có thể vì tôi thân thiết với người em con ông chú ruột của anh, từ ngày bọn tôi còn học đệ Ngũ, đệ Tứ những năm 1962,1963; và ngay dạo đó tôi đã bắt đầu biết ông anh nhà văn quân đội của bạn mình.

Anh cũng còn nói với tôi về việc cô Hồng Vân, con gái ông Quốc Phong, mà anh thân tình, đang sinh sống tại Houston và có căn nhà lầu rất rộng, tầng trệt luôn bỏ trống không ai ở, sẵn sàng cho chỗ thân quen trú ngụ; thêm nữa cô này cho biết cũng thường hay đi vắng luôn, nên chẳng có gì bất tiện hay phải ngại ngùng. Bởi thế sang tới nơi, nếu buổi đầu khó khăn trong việc đi tìm nhà, anh sẽ hẹn cho tôi gặp để giới thiệu. Cô Hồng Vân về Việt Nam chơi và vẫn còn ở Sàigòn.

Cả hai điều anh Văn Quang nói, tôi không cần đến, nhưng thật cảm kích và nhớ mãi sự thương mến của anh.

Trước khi về, anh rủ tôi xuống quán vỉa hè dưới khu tầng trệt, đãi tô hủ tíu mì và uống ly cà phê xóm nhỏ.

Sang bên này, tôi vẫn đọc bài anh viết được đăng tải trên mạng hay báo in. Gần đây, sức khỏe không còn cho phép, anh đã chào từ giã bạn đọc, chính thức gác bút sau mấy mươi năm chữ nghĩa.Chắc hẳn anh cũng buồn chứ, nhưng đâu thể nào tránh được việc đến lúc phải dừng lại công việc mình yêu thích, dù đã gắn bó gần như suốt cả cuộc đời.

Tôi ngẩn người trong nỗi u hoài man mác vì thời gian qua nhanh và xa hút đến vậy, từ hình ảnh anh Văn Quang nơi thời khoảng cũ. Tất cả như mới vừa đây, mà đã là bây giờ vào lúc nào không hay.

*

Cũng thế, tôi nhớ đến anh Thế Phong khi hồi tưởng về những đoạn đời mình, trải dài theo tháng năm xưa, như một dấu mốc nữa trên nẻo đường thời gian, khi tôi đang nhớ về Sàigòn sau mười một năm xa cách.

Ha noi 40

Khoảng một tuần trước ngày lên đường, tôi đến nhà chào anh. Nhân có Hoàng Vũ Đông Sơn bạn tôi cùng đi và rủ mời, chúng tôi tới quán cà phê quen bên ngã tư Phú Nhuận, ngồi uống cà phê và chuyện trò. Rất thân tình, anh ký tặng tập thơ Nếu anh có em là vợ và bút ký Hà Nội 40 năm xa, vừa tái bản thêm lần nữa. Đây là hai trong số những tác phẩm của anh. Anh ghi mấy dòng chữ nhắc lại một thời Không Quân ở Tân Sơn Nhất, cùng lời chúc đi xa may mắn.

Tôi biết anh Thế Phong và tủ sách Đại Nam Văn Hiến từ những năm 1966, 1967 qua các anh Cao Thế Dung, Khải Triều, Chu Vương Miện.Và rồi sau dạo ấy, nơi nhiều hoàn cảnh khác nhau, đã có những lúc tôi được gặp lại anh như bất ngờ trong ngày tháng của cuộc sống.

Cuối năm 1969, tôi về phục vụ cùng phòng với anh tại văn phòng Chiến Tranh Chính Trị Bộ Tư lệnh Không Quân Tân Sơn Nhất. Anh đã được đồng hóa gia nhập Không Quân mấy năm trước và tôi thì bên trường Bộ Binh Thủ Đức chuyển sang sau khi mãn khóa. Tôi gặp anh hầu như thường ngày, mãi cho đến thời điểm 30 tháng 4 năm 1975 của những tan tác.

Vào một buổi sáng sau Tết Nguyên đán năm 1981 chừng hai ba tháng, tôi đang đạp xe dọc theo đường Phan Đình Phùng cũ, vừa ngang qua chỗ sân vận động thì hình như nghe mơ hồ có tiếng ai gọi tên mình từ đằng xa phía sau. Vừa mới trở về từ trại tù cải tạo ngoài Bắc, hãy còn lơ mơ chưa hoàn toàn định thần, tôi không ngừng xe lại chờ vì không chắc cho lắm. Anh Thế Phong chạy chiếc mobylette lên sát ngang tôi, cất tiếng gọi lần nữa, giọng mừng rỡ thật vui. Tôi cùng anh tạt vào quán cóc bên đường ngồi uống cà phê, chuyện trò thăm hỏi qua lại.

Thời gian ấy anh đang làm lơ xe buýt và rồi tôi cũng vất vả ngược xuôi sinh kế, thành thử sau lần đó, ít có dịp gặp nhau thêm.

Mãi khi ra tù lần nữa trở về hồi giữa 1988, cho đến hôm chào từ giã anh; tôi mới cónhiều cơ hội gặp lại anh, ở các buổi tụ họp nơi này chỗ nọ trong vòng thân hữu quen biết, như tại nhà anh Lữ Quốc Văn bên Bình Thạnh.

Cuộc sống đất khách quê người cô đơn mệt mỏi của gã ngụ cư già nua, che khuất mọi thứ trong tôi suốt thời gian dài thinh lặng, không duy trì liên lạc với bạn hữu đây đó, để rồi tưởng chừng hết thẩy chìm dần vào lãng quên.

Khi biết được trang mạng VIRGIL GHEORGHIU của anh Thế Phong trên internet, tôi đã theo dõi và đọc rất đều. Điều này gợi lại cho tôi bao chuyện quên nhớ một thời. Tôi như được trở về từng tháng năm ngày cũ, vì thỉnh thoảng qua các bài viết, anh nhắc đến những khuôn mặt bạn hữu huynh đệ của tôi. Bên cạnh đó là nhiều tác giả quen thuộc của sinh hoạt văn chương chữ nghĩa qua các giai đoạn, đưa người đọc như tôi, cũng được quay về sống với khung cảnh của riêng mình nơi không gian và thời gian ấy.

Đôi lần, anh cũng giới thiệu lại một vài sáng tác xoàng xĩnh nào đó của tôi đã đăng tải trên trang mạng bạn hữu, chỗ tìm vui đôi chút chữ nghĩa vặt vãnh, mà tôi tham dự cũng không đều đặn gì. Cũng là thêm niềm vui cho anh chàng thơ văn lẻ hạng bét. Xin cám ơn những thiện cảm thân tình mà anh đã luôn nhớ đến và dành cho, thưa anh Thế Phong.

Nhìn dấu vết thời gian hằn sâu trên khuôn mặt anh ở những hình chụp mới gần đây, tôi thật xúc động. Tôi thẫn thờ liên tưởng đến tháng năm đời mình. Lại thêm một lần thấy tuổi già đến nhanh, ngang qua biết bao dấu mốc nhớ quên, bỏ lùi về nơi xa khuất thăm thẳm sau lưng, từng bóng dáng xưa cũ chơi vơi chập chùng.

Tôi biết đâu thể nào níu giữ mãi những điều gì đã xa mà như vẫn gần, trong mênh mông cuộc đời. Sự có mặt rồi giã từ nơi chỗ này để đến một nơi chỗ khác, cũng chỉ là những khoảnh khắc tiếp nối nhau, trước lần dừng lại hẳn ở đâu đó.

Và còn quên nhớ được những gì vụn vặt như hôm nay, rồi phải tới lúc vơi bớt dần đi, và cuối cùng sẽ mất hút tất cả vào hư không. Thì thôi, thế là xong và cũng đành như vậy.

ngọctự.

Houston, tháng 12/2017

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search