T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: BỆNH… TRÊN ĐƯỜNG

 anh-o-day-1

(Tản mạn)

Tôi bảo đảm với bạn rằng, nếu bạn sống ở xứ sở này mà còn chút liêm sỉ thì bạn không mắc bệnh này thì cũng bị bệnh nọ. Ráo bệnh mới là chuyện lạ.

Tôi không liêm sỉ gì mấy, thấy tiền cũng ham, thấy gái đẹp cũng liếc mắt nhìn ngắm, nhưng chỉ chừng đó và dừng lại, không để cho dục vọng đẩy cao lên, không để những ham muốn thấp hèn che mờ mắt. Nhún nhẩy, toe toét, điếu đóm, xum xoe lấy tiếng, tự tô vẽ là thứ hư danh, danh hão. Bạn tôi, cả đời còn lại, cặm cụi đêm ngày dưới hầm lạnh, moi lại chút di sản có thể moi ra được và dựng lên, đưa ra ánh sáng nhưng đâu nghe kể công huyênh hoang khoe mẽ?

Đọc và nhìn đâu đó, thấy bạn ốm tong teo, một mình trong hành lang lạnh dài hun hút, tay buông thõng, tay kia xách túi đựng cà mèn, chân cà nhắc, đi dép hai quai, chiếc kính dày nặng kéo xệ mái tóc bạc trắng… cứ như bạn đang bay vào vùng không khí loãng ở một tinh cầu khác. Hình ảnh ấy ám ảnh tôi, đẩy lùi tôi về những năm tháng cũ xưa lúc bạn vượt đèo. Vậy đó, quá bảy mươi năm đã để lại một hình hài mòn rọp bởi thời gian gặm rách, cô đơn giữa trùng trùng trắng xoá tuyết phủ, giữa bạn đường đang nằm yên một chỗ! Như giờ đây chai rượu bạn gửi về vẫn nằm yên trong tủ, cũng cô độc như bạn tôi. Chai rượu nhìn tôi. Và, tôi nhìn chai rượu. Cả hai thỉnh thoảng nhìn nhau.Tuyệt không một lời!

clip_image002

Trần Hoài Thư trong hành lang Nursing Home ở New Jersy

Lại nghe giọng nói từ rất xa, phều phào: Bây giờ phải chống gậy, hai chân bị “gao” hành đau nhức, lại phải đỡ bà Th. mỗi lần phải di chuyển,

Một giọng khác, một tối khác, cũng từ nửa vòng trái đất: Ông nói cho tôi coi có cái chết nào thanh thản không, tôi muốn chết! Tôi văng tục, đ.m chết sao được. Muốn chết đâu có xong ngay, đâu có cái kiểu muốn ăn dĩa bánh xèo phóng xe ra quán. Đâu có kiểu dễ dàng vậy? Sống. Phải sống để coi tụi văn nô, sử nô, ca nô, sư nô… cất giọng hợp xướng bài ca thời mạt vận:

Úp mặt – hôn mê – liếm lộc

Ngóc đầu thoá mạ tâm linh

Cưỡng bức ngữ ngôn

Ngợi ca tội ác

Tình nguyện trọn kiếp bút nô

Đương triều khát máu

(Phùng Cung, Trăng Ngục)

Ba ngày sau, một thằng cha gửi tập báo biếu (chả làm chủ bút) có bài tôi viết về một người bạn vẽ tranh, chỉ thấy toàn chữ đen thui, không thấy đâu tám chín cái tranh dán kèm trong bài. Hỏi sao ông cắt bỏ mà không hỏi. Thằng chả nói đang lùng nhùng vụ “phọt”. Mấy cái tranh vẽ con cá đó sợ tụi nó này nọ. Tôi nổi quạu: Phọt với này nọ cái con c. ông đi bài kiểu đó khác nào để độc giả chửi cha tôi là thằng ngoại đạo dám thọc bút viết về hội hoạ. Rành rành chứng cớ, tràng giang đại hải chữ mà không dẫn chứng, không minh hoạ thì đố cái thằng độc giả thông minh tới cỡ nào nó hiểu nổi? Mẹ cứt, vậy cũng đòi làm báo văn nghệ! Tôi trân trọng phục lăn ông nhưng đồng thời tôi cũng văng tục với kiểu cách làm “văn chương ăn nhờ ở đậu” đĩ điếm khốn nạn này.

Vung vẩy một hơi, ngó lại thấy đầu bên kia tắt máy tự hồi nào. Té ra nãy giờ mình đang chửi với đầu gối?!

clip_image004

Buồn. Buồn chảy dài nhiều kiểu nhân gian, như cách đây 51 năm Tạ Ký đã từng buồn:

Buồn như ly rượu cạn

Không còn rượu cho say

Buồn như ly rượu đầy

Không còn một người bạnB

Buồn như đêm khuya vắng

Qua cửa sổ trông trăng…

Buồn như buồn như thế

Buồn như một kiếp người

Đây cõi lòng quạnh quẽ

Buồn như đoá hoa rơi

Buồn say sưa chán chê đã đời rồi… bắt đầu chuyển qua trạng thái lạnh tanh, trống rỗng; dòm vào, cố moi nhưng không lý giải được. Thua. Đúng là con người bình thường phải chịu thua nhiều thứ, thua ngay với loại Ma dze in… cờ lờ mờ vờ… thua với đám bồi bút Bằng Việt, Thiên Hà, Quốc Anh… lên giọng nắn gân VĐĐL, cứ y như mấy lão Tố Hữu, Chế Lan Viên,, Huy Cận, Hoàng Trung Thông… đấu tố NVGP ngày trước. Ui trời, xứ sở chi mà từ dân đen đến trí thức đều bị coi là rơm rác, “không bằng một cục phân” !

Lơn tơn nghĩ ngợi lao lung kiểu ba rọi khiến nhiều đêm trằn trọc, mắt thao láo, đầu óc đứng sựng như chiếc xe bị pan giữa đường rồi đổ vật ra. Bệnh.

Con trâu nước mà đổ bệnh kể cũng lạ. Nhưng bác sĩ phán bệnh. Bác sĩ sai hay mình sai, ai sai ta ? Ông thứ hai rồi thứ ba rồi cả một viện, Mẫu xét nghiệm, sinh thiết… rành rành chứng cứ, khiến cái thằng lì lợm phải vâng dạ, nhưng bụng vẫn cà kê tùng tơn kiểu bạt mạng Nguyễn Bắc Sơn: hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ/ ba ngàn thế giới cũng không to. Chừng này năm tháng cũng đủ. Chứng kiến trọn vẹn tấn tuồng đời rồi. Sá gì ba chuyện cỏn con.

Miệng “sá gì”, nhưng tay chân thì vẫn phải đùm túm áo quần leo xe đò dông vào chốn chẳng ai muốn đến. Ông bác sĩ chắc tuổi bằng đứa con đầu vừa tiến sĩ vừa phó giáo sư, mắt đọc hồ sơ, miệng hỏi: Chú hút thuốc nhiều lắm hở? Nhiều, từ hồi cuối năm trung học. Bia rượu hằng ngày? Có, nhưng không hàng ngày. Mới biết uống từ sau 75. Thức đêm nhiều? Ai mà không lao tâm khổ tứ, nhiều ít tuỳ tạng mỗi người. 8 giờ tối vô mùng, 4 giờ sáng bật dậy thể dục, hít thở (ông bạn bác sĩ nhà thơ bày cách) rồi cà phê, trà…. Bác sĩ có biết ông này không. Ai? Tôi đọc:

Khi em cất tiếng khóc chào đời

Anh đại diện đời chào em băng nụ cười

Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc

Trong cùng một cảnh ngộ nghe em

Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc màu nâu

Nói là để ngừa đau mắt

Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thực

Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen…

(ĐHN, thư cho bé sơ sinh)

Ồ, tôi coi BS Ng. như thầy dù chưa có duyên gặp hầu chuyện. Chính xác – tôi cười đêu đểu – có những người ta tự coi là thầy, nhưng thời này cũng lắm kẻ khốn nạn, ma quỷ nhiều hơn người thưa bác sĩ. Căn bệnh vật chất thời đại, chú đừng nhắc đến, suy nghĩ nhiều hại sức khoẻ! Vâng, nó phơi đầy như ruồi nhặng, nghĩ chi mệt óc, bác sĩ cứ coi hồ sơ tôi đọc cho nghe bài này, anh ta viết hồi đầu năm nay thôi, tặng bạn đang làm quan to:

Bạn cũ lâu ngày gặp lại

Chén rượu quê đưa đẩy tẩy trần

Tao ruột ngựa hỏi câu ngớ ngẩn

Mày làm quan chắc kiếm bộn tiền

Chức ấy rẻ mà sinh lắm lãi

Mày học ngu nhưng thủ đoạn tài

Tao học giỏi nhưng mù thủ đoạn

Mãi long đong chức phó dân quèn

Mày nhăn mặt chửi tao thằng đểu

Quá nửa đời mãi chửa hết ngu…

Rượu tới tầm

Mày ghé tai tao

Nói thật nhỏ

Căng tai mới rõ

Làm người khó

Làm quan càng khó

Chốn quan trường chó vịt giống nhau

Mày than đời chỉ rặt những thau

Quan càng lớn chữ nhân càng nhỏ

Vì miệng quan giống trôn trẻ nhỏ

La liếm quen rồi nào biết bẩn nhơ.

Tao gật gù giả bộ ngớ ngơ

Khen các quan vì dân vì nước

Nghe nửa câu mắt mày trợn ngược

Chửi tao khùng hệt “lũ dân ngu”

Mày chửi thề đặc giọng quân khu

Đời đã chó

Quan trường càng chó

Rồi nhăn nhó

Than đời mày nhọ

Mấy tháng trời bổng lộc hụt xơi…

Rượu mày mời

Tao uống khó trôi

Thịt mày gắp

Tao nhai khó nuốt

Trời nhiều gió

Hay lòng tao nổi gió

Rượu đầy vò

Tao ngất ngưởng vờ say.

(Đặng Xuân Xuyến, bạn quan)

Hỏi chú này, giờ thì chú chữa bệnh hay nói chuyện thơ văn? Tôi thấy bác sĩ có vẻ chăm chú căng thẳng, chuyện đưa đẩy đọc vài câu cho vui vậy mà. Căn cốt vẫn là chữa trị. Vậy nghe đây. Tôi nghe thưa bác sĩ. Rất may cho chú là phát hiện sớm, hiếm người như chú; ai cũng để nước tớí trôn mới nhảy. Tên bệnh nghe thót tim, xây xẩm mặt mũi, nhưng không có gì quan ngại. Chịu khó điều trị đúng theo phác đồ sẽ trở lại bình thường sớm thôi. Tôi hiểu. Ôi cái giọng miền Nam nghe ngọt ngào, ngọt như mía lùi mới dễ chịu làm sao, khác với “tụi Pháp” sau 75 tràn vào ồn ào, mất vệ sinh văn hoá văn minh, từ quan chí dân lao động, nhà văn, nhà báo hễ có cơ hội là chụp giựt, vơ vét đầy túi…

Ông bác sĩ dông dài giảng giải. Tôi nghe gù gật bởi một đêm giằng xóc trên xe đò. Ông nói, tôi nghe từ lỗ tai này chạy qua bên kia. Cô y tá trợ lý gõ lốc cốc trên bàn phím, thỉnh thoàng ngưng tay hỏi lại. Bác sĩ nói lại. Tôi nghe lại, lỗ tai này luồn qua lỗ tai kia, trơn tru.

Hết nhẵn buổi sáng.

Bác sĩ đưa tập hồ sơ, tay kia lắc lắc tay tôi, miệng nở nụ cười rất diễn viên ci nê ma: Chú đọc kỹ và làm đúng theo thời khoá biểu ghi sẵn đó. Cảm ơn bác sĩ. Chú nhớ, ngày mai 9 giờ là ngày đầu tiên đó nghe. Nhớ. Mà chú trông ngồ ngộ, rất văn thơ, chú là thi sĩ hở. Sĩ siếc gì đâu, cả đời rặn không nổi câu vần vè sao gọi là thi sĩ, sao có đẳng cấp thi sĩ hở bác sĩ? Tôi thì thỉnh thoảng tôi đọc vài bài trên vài tờ báo, ít ham mê bởi còn bận chuyên môn, cắm cúi đọc, nghiên cứu, hoàn thiện… cũng bù đầu chú à. Vâng, thưa bác sĩ. Có lần tôi cà rỡn với bà nhà tôi, ngẫm lại cũng đúng, rằng thì là “làm thầy thuốc là để cứu người, làm nhà văn thì để cứu đời”. Nghe ngộ đó. Mà chú này, ở VN có ông bà nhà văn nào cứu đời chưa? Chưa thấy, chỉ toàn hại đời thôi. Ông bác sĩ cười cười, nói thôi được, ngày mai chú nhớ đúng 9 giờ. Nhớ. Ngày mai. Buổi sáng. 9 giờ. Chào.

Miệng chào mà bụng thì bảo dạ rằng, mẹ đời sĩ với siếc, thơ với thẩn, cứu với chả cứu gì ở xứ này? Hỗn láo, ăn cắp như luồn vào máu bọn họ từ khi tụi đĩ bợm dạy dỗ bọn dê cừu, cái lũ ăn bám đũng quần dân đen. Một bà nhà thơ tầm cỡ PHT bê nguyên xi bài thơ Buổi Sáng của PNTĐ vào tập VS; một ông nhà thơ dự trại sáng tác ở ĐL bóp vú bà nhà thơ cùng dự trại viết, bị bà ta rút guốc cao gót đập vào mặt, ông khác cũng ở trại này, tối đọc thơ giao lưu với cả trại, lôi thơ (của một nữ nhà thơ cùng dự trại) trong túi áo, nói là của mình mới sáng tác, đọc ra rả, bị bà này đứng lên sỉ vả: ông ăn cắp thơ tôi… Họ là những người nhận lương từ tiền thuế của dân, ngồi nhà mát, cơm rượu ngày hai bận sáng tạo cái kiểu đờm dãi đó, tôi lầu bầu lục bục trong đầu và chỉ có đủ loại mùi tan loãng trong không khí quanh tôi chạm vào chuyện lầu bầu đó (nhưng không dám chắc).

Thoát được ông bác sĩ, ra khỏi cổng bệnh viện, người cảm thấy nhẹ tênh, bắt xe bus về TĐ.

Sáng thuốc. Chiều thuốc như cơm ngày hai bữa. Lại một tuần hai bận bắt xe vô SG chổng mông chích thuốc, vén tay chuyền dung dịch, nghe rần rật tựa hồ nằm úp mặt trên đê nghe nước từ thượng nguồn đổ về, chảy từ từ, lăn tăn mát mẻ mà nóng bức vô cùng.

Nhiều khi tự nghĩ, cứ kiểu này kéo dài, không khéo mình trở thành khỉ hay gà vịt mất; bởi ngày nào cũng phải thộn trái cây, rau củ các loại vào bao tử theo lời dặn dò của thầy thuốc. Ước chi thành sự thiệt, nhưng đâu có dễ, núi rừng đã sạch bách từ tám hoánh còn chỗ nào cho muôn thú? Người vẫn hoàn người, nhưng tan nát xác xơ từ thể xác đến tâm hồn ở thời buổi đảo điên lộn sòng lộn mửa này, trên xứ sở khốn nạn khốn khiếp này, cái xứ sở: “Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn/Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm” !

Sáng, cháu đến trường, con đến sở, chiều tối quây quần bên mâm cơm, nói cười nựng nịu cháu một hồi rồi vô phòng mở sách đọc, nhưng thị lực bắt đầu kém rồi, chừng 5, 10 phút phải bỏ sách xuống, xả hơi.

Cứ tượng tượng, suốt ngày bạn ở trong nhà, một mình với quyển sách với chiếc TV thì bao lâu bạn sẽ phát khùng? Ăn ở kiểu này có khác chi bạn bị nhốt trong “nhà giam cao cấp” hay bạn muốn lên xuống như Trung niên Thi sỹ: “ Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi / Đi lên đi xuống đã đời du côn”? Hẳn nhiên sẽ rất hiếm người muốn thành “du côn”, muốn tự giam trong “nhà giam cao cấp” kia cả. Tôi cũng trong số đó. Nằm đu đưa trên võng mắt dán vào vách tường, chỗ đứa cháu lấy bút màu tô vẽ lung tung. Những vệt ngoằn ngoèo màu sắc ấy, tôi tếu táo tưởng tượng trong mắt nhìn cái ảo giác thấp thoáng bóng dáng tổ Bồ Đề Đạt Ma vai vác cây thiền trượng, toòng ten duy nhất một chiếc dép, bị giam trên bức tường!

Cuối cùng thì cũng tìm ra một chốn khá yên tĩnh. Đó là hồ cá rộng mênh mông, chia từng ô, có lối đi, có cây bóng mát, có những căn nhà sàn bê tông giả gỗ xây thoi loi ra hồ, nơi có ghế xích đu, có chiếc bàn con, một mớ cần câu… Khách tới chốn này khá đông, thuê một ô, kêu ly cà phê, móc mồi quăng cần câu xuống, chờ đợi… vẻ mặt hân hoan hay sầu nhân thế, tôi đâu biết? Tôi mua vé thuê một ô riêng cuối góc xa, không phải để câu cá mà nằm ườn trên xích đu, chân gát lên bàn con nhìn thiên hạ bì bõm. Có những cặp trẻ hôn nhau, cần câu xộc xệch cho có chuyện; những ông già, những người trung niên tay nắm cần nhưng dám chắc đầu óc nghĩ ngợi lung tung đủ loại chuyện nhân gian, toan tính cá nhân… Quan sát lắm, mỏi mắt bèn khép lại lim dim tự hỏi về số phận con người trên trần gian, như kiểu triết gia Héraclite (sinh 544 trước công nguyên) “…hỡi những người xa lạ, tôi xót thương thân phận con người, tôi xót thương tôi, tại sao tôi khóc, tại sao tôi buồn…”. Héraclite cùng thời với Khổng Tử của Tàu nhưng phạm trù triết học của ông là về con người cá nhân về tính nhân bản, trong khi lão Khổng thì bắt con người tức muôn dân phải quỳ mọp tuân phục chế độ đến nỗi vua chúa Tàu làm náo động lịch sử của họ bằng máu và xương cao ngất trời kéo dài cho tới tận thời Thiên An Môn! Những tên trùm sò gian dối lừa đảo ở xứ sở uốn éo này cũng ra sức học tập bọn đàn anh đểu cáng bằng đấu tố, lừa đảo, gian dối, điếm đàng hãm hiếp, điếm đàng cướp bóc…

Ngày hai bận đi và về, từ nhà đến hồ cá, tuần vài ba bận, có khi hơn. Bữa nay, không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà đến ngả tư dừng đèn đỏ, mắt dán lên tấm bàng chỉ đường: Tô Ngọc Vân, một danh hoạ cùng thời với Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Văn Cẩn… Nhưng khốn thay, nếu sự vụ chỉ chừng đó thì không có gì đáng nói, đằng này, mới toanh sáng nay mò đọc FB của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, thấy post bài Tô Ngọc Vân viết 1954: Vẽ Địa Chủ liền đọc một lèo mới tá hoạ về cái “đẳng cấp hoạ sĩ” của TNV dưới chế độ CS, ở thời kỳ mà, trí thức không bằng cục phân, vì vậy nên hoạ sĩ đã bị nhồi nhét đến nỗi ông thốt lên tự tâm can: Phần tôi có làm mấy bức họa. Riêng một bức được anh em nông dân khuyến khích. Sự khuyến khích này đã chuyển vào tâm thần tôi một khí hậu phấn khởi rồn rập. Những đề tài tôi tưởng tượng sáng tác trong phát động trước đây còn chập chờn mờ mỏng, thì nay bỗng vụt lên rõ rệt, thúc bách tôi đem màu sắc đẩy nó hiện hình trên tấm họa. Sư khuyến khích lại tô thắm, thêm duyên cho cái tình giữa người họa và anh em nông dân. Lòng tin ở sức phục vụ cho chuyên môn mình thấy cường tráng lắm”.

Cái bức hoạ mà TNV vẽ, ông mô tả lại thần sắc: “Bức tranh tôi nói trên tả một cảnh đấu trường ở đấy trình bày đóng khung vào hai nhân vật: bủ cố nông đang đấu và tên địa chủ phản động gian ác Đỗ Văn Hiện cúi gầm, quỳ gục dưới mắt bủ. Cảnh này đã đập vào xúc cảm tôi cực kỳ mạnh. Thằng Hiện, tôi nhìn chỉ có phảng phất bóng dáng con người. Đầu nó cúi, cái sọ trơn trọc hung hãn, hai tai nhọn hoắt như tai ác thú, quai hàm nó rộng bạnh ra, cánh tay thả xuống dài bằng chân, đôi mắt đỏ ngầu máu. Tâm hồn thú vật của nó tiết tỏa khắp thân hình… Cánh tay dài kia đã quặp chiếc búa tạ đuổi theo chị người làm bị nó định hiếp nhưng vùng chạy được, thằng Hiện ném như thế nào tôi đã rõ. Miệng nó há ra thế nào để nốc từng lít rượu, quai hàm nó bạnh ra sao để hốc từng cân thịt ăn cướp của nông dân để rồi phun ra những giọng gian ác, phản động đối với kháng chiến, anh em bần cố đã chi tiết vẽ hộ tôi cả… “

(Nguồn: /www.facebook.com/notes/lại-nguyên-ân/tô-ngọc-vân-viêt-1954-vẽ-địa-chủ/10209666730163893).

Giọng văn đặc sệt với tác giả các bài: Địa Chủ Ác Ghê hay Giấc Ngủ Mười Năm. Rập khuôn một cách đến “tài tình, tài hoa…” điếm đàng…

clip_image006

Đấu Tố, tranh Tô Ngọc Vân (Nguồn: Internet)

Chạy xe tới được vòng rào hồ cá, mệt muốn đứt hơi. Mệt không phải vì đường chen chúc, khói bụi, còi xe chát chúa… mà, bởi tên đường đập chan chát vào vào đầu tôi từ bài viết Địa Chủ (vừa đọc) của ông trên báo Văn Nghệ (Việt Bắc) hồi tháng 3 năm 1954. Thật kinh khiếp!

Gửi xe, mua vé, ra ô quen thuộc với chiếc ghế quen thuộc, nhắm mắt, lắc đầu cho mọi sự rơi rụng… Đang lơ mơ, có tiếng chuông reo, số của Nguyễn Viện. A cái thằng cha Đĩ Thúi, Nhảy Múa Để Chết đây …: “Ông vào SG hả, mình gặp nhau nói chuyện chơi” . Ừ, SG nhưng chừng nào khoẻ đã, chớ báo cho bạn bè biết, mình cần nghỉ ngơi. Ok. Máy tắt. Thằng cha đã 8 lần hơn đến số 4 Phan Đăng Lưu cam kết không viết bậy nữa; sống trong chung cư luôn có người canh giữ, đi một bước có người dòm chừng, làm như hắn là thằng ăn trộm hay sắp sửa làm tên giết người không bằng. Vậy mà hắn không tởn, vẫn lù lù với Sinh Ra Từ Trứng, lại còn tí tởn hạ bút: “ Ông họa sĩ với khả năng bẩm sinh đã nhìn thấy cái đẹp choáng ngợp nhưng thô sơ của cô bé chăn trâu. Bộ quần áo ướt đẫm đã bộc lộ tất cả sự giản dị và phi thường của một thân thể mới lớn. Ông xúc động sâu xa và không thể rời mắt khỏi cô bé. Cô bé cũng nhìn ông như thể nó nhận ra ông là người đàn ông đích thực của nó. Ông hỏi nó: “Em có lạnh không?” Cô bé lắc đầu. Nhưng ông không thể nào từ khước ham muốn được ôm nó vào lòng, sưởi ấm một linh hồn mong manh. Và ông đã làm như thế. Cô bé yên lặng không nói năng. Nhưng giống như con gà con tìm được đôi cánh của mẹ, nó vui sướng ẩn nấp trong cánh tay người đàn ông xa lạ. Rồi trong cơn mưa của trời đất có một cơn mưa khác ấm áp hơn và nồng nhiệt hơn đã rơi xuống trên cánh đồng ngô, rơi xuống trong tử cung của cô bé.” (Nguyễn Viện, Sinh Ra Từ Trứng)

Rồi hắn giải thích sự thể ông hoạ sĩ hãm hiếp cô bé Ngọ qua câu trả lời câu hỏi của Đặng Thơ Thơ trên DM, rằng thì là:”… Nếu nhân vật cái Ngọ có thể được coi là biểu tượng cho linh hồn dân tộc, thì nhân vật ông họa sĩ hẳn phải là đại biểu cho nhân dân. Tôi rất muốn nhân dân hùng hổ hãm hiếp linh hồn dân tộc mình, hiểu cả về mặt chính trị lẫn nghệ thuật, không phải để đánh đĩ, tự sướng như huyền thoại tiên rồng, mà chính là cuộc vận động tự thân cho sự sinh thành, tạo dựng nhằm làm thay đổi hiện trạng đang rất bi đát hiện nay. Nếu nhân dân không dám hiếp linh hồn dân tộc của nó thì lịch sử sẽ chỉ là một xác chết và nghệ thuật cũng chỉ là phường tuồng.

Lịch sử dân tộc Việt giống như một dụ ngôn về sự hãm hiếp trường kỳ của Tàu, Tây và Mỹ. Nhưng chính người Việt lại từ chối cái “vinh quang” này. Tôi tin rằng chỉ khi nào người Việt dám “bạo hành” với cái “ngàn vàng” cao quí của dân tộc mình, thì khi đó lịch sử Việt mới được viết bởi chính nhân dân của mình. Lý lịch của những đứa con lai sẽ được gột rửa. Chúng ta tái sinh trong ánh sáng hoan lạc của cái “loạn luân” tông truyền, nội huyết.

Ông họa sĩ của tôi đã hiếp dâm cái Ngọ như tôi mong muốn nhìn thấy tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ dù dấn thân hay trùm mền dám sống thật. Nhưng tiếc thay, tôi chỉ thấy sự bất lương trong kiểu sống hai mặt của hầu hết họ. Tôi thích phát biểu một cách “nhân dân” hơn: Bọn thủ dâm lịch sử hay ngậm miệng ăn tiền chỉ là bọn chó chết”.

Vâng, bạn cứ sống ở xứ sở này suốt từ 75 đến nay, nếu không điên thì cũng bệnh, đủ kiểu bệnh, như ông bạn già Nguyễn Viện đã từng điên tiết lột truồng mọi chuyện. Đó. Thiên chức của nhà văn là không hề run sợ, không hề đánh đĩ, bẻ cong ngòi bút. Vậy đó, hắn có thể bị bắt bị tống vào xà lim bất kỳ lúc nào, nhưng vẫn lì lợm, gan bẩm đúng với thiên chức nhà văn, không giơ tay đầu hàng, chẳng khom lưng quỳ gối, cũng chẳng thể khốn nạn như những tên ma cô, sai nha, quy nô… mạt hạng dâng vợ cho sếp xài như một con điếm cao cấp để mua chiếc ghế, nhặt nhạnh từng hột cơm thừa canh cặn, chút bổng lộc! Những lần ngổi chung cà phê hay nhâm nhi vài lon, đâu nghe hắn mở miệng lên giọng đẳng cấp nhà văn lì lợm, dẫu cho BBC, RFA ba lần bày lượt phỏng vấn, viết bài tán tụng. Hắn cũng còn chút liêm sỉ đó chớ, đâu khoe mẽ sự nổi tiếng này nọ như cái đám nhà thơ nhà văn nhí nhố, khoác lác, lên giọng sặc mùi môi trường văn chương bị ô nhiễm?

Ui chao, xứ sở uốn éo rồng rắn này, từ thượng từng xuống tới hạ đẳng, từ vua chí quan chí dân đen, chí đến các thầy các loại đã biến thái hết trơn trọi, xã hội trở thành một bãi rác khổng lồ bốc mùi, giấy bút không đủ sức để viết để tải,,,

Mãi mê cà kê đầu gà đít vịt, tí xíu là quên giờ uống thuốc.

Xin hết kể lể dông dài, hởi những người bạn chơn tình chốn xa xôi.

(Xương Rồng, tháng 12/ 2016)

Nguyễn Lệ Uyên

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search