T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: VỀ TUY HOÀ

clip_image001

(Hình: Internet)

Ngày 12 tháng 5…

Anh,

Về tới nhà đã xâm xẩm tối. Tắm rửa xong, ngồi nói chuyện với cả nhà một lát thấy người mỏi mệt hung, bỏ vào phòng nằm. Tưởng có thể nhắm mắt ngủ ngay, nhưng dư âm của những ổ gà, bụi đường và chiếc xe đò cọc cạch rung lật bật trên đoạn đường dài đã chống hai mí mắt lên, không tài nào ngủ được. Thao thức và nghĩ ngợi đủ thứ chuyện, nghĩ lung tung như cách để gần anh, thấy như có anh còn ở bên cạnh, đến nỗi đứa em em ra ngả Năm mua tô cháo gà giờ đã nguội ngắt.

Ngoài phòng khách có tiếng cười lích nhích của mấy đứa em, rồi là tiếng lào thào: “Cấi bà này mới lạ, làm như ngoài này không có bánh mì kẹp thịt hay sao mà phải vác từ trỏng về?”. Chúng nó đâu có biết những điều chúng vừa khám phá là do anh bày ra. Anh lo em đói giữa đường, lo xe hỏng đâu đó trên quãng đường vắng. Sự chỉn chu hình như đôi khi cũng hơi phiền phức, anh nhỉ? Duy chỉ có chai dầu Gió Xanh là hết vèo ở đoạn Rừng Lá. Còn hai chai nước thì khi xe đổ đèo Cả mới thanh toán một cách gọn ghẽ bằng cách thò đầu ra ngoài cửa rửa mặt cho tỉnh táo, cho sạch chút son phấn làm duyên. Không rõ nếu như có anh ngồi bên cạnh thì em có can đảm xoá đi cái duyên dáng tạm ấy không? Mà duyên gì được nữa kia chớ? Mấy trăm cây số va qua đập lại thiếu điều gãy cả xương sườn xương sống, mọi thứ trong bao tử cứ tưng tưng đòi nhảy ra ngoài đến phờ phạc thì đến Hằng Nga cũng biến thành Chung Vô Diệm anh ơi!

Đấy, đường ra xứ em nó nhiêu khê là vậy, thử hỏi anh có can đảm trèo tam tứ núi, lội thập lục sông như khi ngồi trong La Pagode anh thề thốt không? Các cụ thường bảo đám đàn ông con trai khi ngồi bên cạnh phụ nữ luôn đầu môi chót lưỡi. Em mong anh không lấy cái thuộc tính đàn ông bị đả kích kia mà đối xử với em. Dòm bộ dạng anh cũng cảm ra được là anh thuộc mẫu người thiệt thà, chắc bụng, chứ không như đám… Ui, em xin lỗi; chỉ là lỡ tay viết ra chớ không có ý định ví von này nọ. Em có thói quen khi viết sai thì cứ để nguyên vậy chớ ít khi dập xoá, đấy cũng là tính xấu không sửa chữa được, dễ gây hiểu lầm.

Bữa ra bến xe lấy vé, anh mua những hai chiếc. Em hỏi mua chi đến hai vé? Anh nói anh cùng đi để hộ tống em khỏi bị bắt cóc và thứ đến là “cho biết xứ em có đẹp bằng em không?”. Mô Phật! Mệnh đề thứ nhất có vẻ như anh bị ám ảnh bỡi những hoang tưởng của phim ảnh mấy ông đạo diễn dựng lên. Còn mệnh đề thứ hai thì thiếu cả hai điều kiện ắt và đủ. Ví như em để anh cùng đi thì sao nhỉ? Em sẽ ăn nói sao với ba mẹ và mấy đứa em em? Một thành viên lạ hoắc tự dưng xuất hiện bên cạnh con gái, chị mình? Họ sẽ nghĩ chắc em hư hỏng lắm khi khăn gói vào Sài Gòn ăn học? Thiệt kinh khủng nếu chuyện ấy xảy ra. May mà em kịp giải thích để ngăn anh lại. Và may là anh cũng chịu khó ngồi nghe lời giải thích vòng vèo không lấy gì làm vui vẻ với anh. Mà nếu như anh thiệt bụng, ngay thẳng thì sớm muộn gì anh không biết, chớ chi mà gấp gáp? Anh không nghe câu thành ngữ “dục tốc bất đạt” muôn thuở kia sao?

Mùa này, mỗi ngày đang bắt đầu nóng dần lên, nóng từ từ như một bếp lò mới nhen lửa lúc đầu cho tới khi than đỏ hực lên. Suốt dọc miền Trung chỗ nào cũng như vậy cả: nóng gắt và Nam cồ Nam mái. Mấy nơi khác em chưa tới nên chưa biết, còn Tuy Hoà tới mùa này gió Nam thiệt dữ dội, thấy cả gió cuộn lên trước mắt. Gió đùa giỡn với những chiếc lá rụng cuốn tròn chấp chới những cánh chim tập bay khắp các ngách phố lớn nhỏ, những mẫu giấy rác… ngoắt ngoải vờ vật tung lên, hạ xuống. Gió hốt cát xán rào rào vào những cánh cửa sắt khép hờ, bay lượn trên mâm cơm. Gió thổi thốc cuộn xoắn dọc hai triền cát sông Đà Rằng tung bụi mù mịt cả một đoạn sông dài. Mọi vật đều được thoa một lớp bụi phấn gây nhột nhạt như lấy bông cỏ may quẹt gang bàn chân, ngoáy vào lỗ mũi vậy. Mẹ em kể hồi nẳm gió Nam cồ còn bốc cả mái ngói vảy ném xuống sân nói chi đến mái rạ mái tranh ! Còn ba em thì nói cũng nhờ ngọn gió đó thổi ba bay tuốt vào cầu Bóng để gặp má. Cái thứ gió lạ lùng vừa lãng mạn, thơ mộng vừa gây khó chịu cho lắm người. Mà anh đâu hình dung Nam cồ Nam mái là gì phải không? Nam mái là hiu hiu như kiểu người con gái hờn dỗi. Còn Nam cồ thì ác liệt hơn gấp trăm lần, như thể trận lôi đình của người cha có đứa con hư hỏng vậy. Nói vậy chớ nó chỉ thổi tung chừng vài tiếng thôi, lúc nửa đêm một chặp rồi nửa buổi sáng về trưa một chặp. Còn lại đều lặng lờ yên ả như chưa từng xảy ra chuyện gì cả. Mà tự dưng sao lại đem cái gió tào lao kia nói với anh nhỉ? Đâu có gì nhè nhẹ như ngọn heo may đất Bắc hay ngọn gió chướng quê anh? Cái loại gió ác liệt này đôi khi làm tụi con gái bọn em đến là mắc cỡ mỗi khi tới lớp và tan trường: gió thổi lật tà áo dài phơi ra chút thịt trên thắt lưng, rồi thì cuộn thốc muốn lật tung chiếc quần mặc bên trong. Tay líu quíu chưa kịp khép vạt áo thì hàng trăm cặp mắt bọn con trai dán vào như muốn lột trần ra. Một cảm giác gai rợn cứ len nhẹ từ đầu xuống chân rồi lộn ngược trở lên cho tới khi giữ được vạt áo căng phồng một cách tạm bợ. Cái ngọn gió hung hăng, nóng nảy kiểu Trương Phi ấy cũng góp phần làm tàn phai nhan sắc nhiều phụ nữ: phấn son nhoè với bụi đường, quần áo như dày thêm vài ly mét một cách nhếch nhác, còn đầu tóc thì rối nùi như đụn rơm khô, như những vạt rơm gà bơi, vì vậy tụi em mỗi khi ra đường đều có cái lược để gỡ tóc. Đang đi cũng đưa lược lên chải, đứng cũng chải, ngồi cũng chải. Thiệt phiền phức. Vậy mà nhiều người mới tới Tuy Hoà, mới chạm tới ngọn gió lạ một chút thì có cảm giác như vừa khám phá ra điều mới lạ, thấy nó đẹp. Đẹp bỡi cách nó thổi dọc ngang phóng túng như một gã hành giả trên đường đi tìm sự chứng ngộ cho riêng mình, như một tên lang bạt kỳ hồ trên con đường thiên lý, giày vẹt gót, áo sờn vai; như có một ông nhà thơ kêu lên “Ơi cái gió Tuy Hoà… Cái gió chuyên cần và phóng túng”. Còn em, mỗi năm chỉ giáp mặt với nó một lần thôi mà đã thấy hãi. Em sợ kinh khủng. Mọi người cũng sợ nhưng không thể tránh mặt mà phải chung đụng với nó suốt cả tháng trời. May mà nó không kéo dài lâu để con gái Tuy Hoà vẫn tròn nụ cười, má hồng, mắt lúng liếng…

Không tài nào nhắm mắt được, nên ngồi viết lung tung. Viết để kéo cơn buồn ngủ xích lại gần và kéo anh xích gần hơn với khoảng cách cơ học dằng dặc.

Đầu óc phờ phạc và tay mỏi rồi. Em đi nằm đây.

Ngày 14 tháng 5…

Anh,

Tạm nghỉ một ngày để dưỡng tâm. Chính xác là để phục hồi cơ thể vốn dĩ không lấy gì làm mạnh mẽ như cánh đàn ông các anh, để chịu đựng mọi thứ gian khổ trên đời, dù đó là thứ gian khổ cấp tính.

Hôm qua và sáng nay anh làm những gì, đi những đâu hay là ngồi gõ trước máy chữ? Riêng em, sau một ngày được nghỉ ngơi thấy người khoẻ hẳn ra. Lũ bạn học cũ hay tin em về, lập tức tới rủ đi ăn cháo hàu kêu là “tẩm bổ cho con bé ốm yếu” rồi đi đi rảo phố. Anh biết không, mới vắng chừng một năm nhưng khi trở về thì thành phố đã khác trước nhiều, cứ như trái bầu trái bí lớn thêm mỗi sáng. Phố xá sầm uất, nhà cửa đủ mọi kiểu dáng : cao ngất, kênh kiệu của phương Tây; ẩn núp trong vườn cây lá um tùm, trầm mặc phương Đông… Đi qua chừng vài đường phố, em kêu nhỏ bạn “ê, cứ chạy vòng vòng kiểu này thì biết bao giờ mới hết, thôi thì chịu khó leo đốc lên núi Nhạn có thể nhìn khắp lượt mà không phải hít bụi đường”. Nó đồng ý và quay xe chạy lên đầu phố. Chiếc xe máy cà tàng chở hai đứa, không đầy tạ nhưng ì ạch, phì phèo như con ngựa già. Có lú em phải nhảy xuống xe phụ đẩy một đoạn ngắn, muốn hụt hơi. Lên tới đỉnh mồ hôi dầm dề, ngồi bên phía bóng mát nền tháp há miệng mà thở, bẻ cành lá phe phẩy làm quạt. Biết vầy, hồi nãy cứ chạy lòng vòng coi bộ khoẻ hơn nhiều.

Nói thế chớ lên đứng trên độ cao 70 mét dòm xuống thành phố bên dưới thấy y như bức tranh đẹp, giống như hồi anh dẫn em vào Gallery ở dường Tự Do xem tranh Phố Phái hay Phái Phố gì đó. Thành phố của em đẹp đến mê hồn, rực rỡ trong nắng sáng trong vắt. Bên này là chân núi dựng đứng, bên kia thì xoãi ra gần đụng đường quốc lộ như cái với tay níu giữ người thân nán lại vài phút trước khi rời căn nhà, góc phố để đi xa. Con sông Chùa ngắn và nước ửng xanh màu ngọc bích, vắt ngang qua nửa ngực thành phố in hệt nét chì tô xanh quầng mắt, như tấm khăn của người thiếu nữ vắt qua vai thả rơi lưng lửng xuống ngực; xa hơn chút, về hướng Bắc, ngọn Chóp Chài vút lên như núm vú căng tròn tuổi dậy thì. Mùa này nó là chiếc vú phơi trần nhưng mùa mưa thì cứ như có chiếc khăn trắng thả trễ tràng phí dưới. Đằng Đông, biển trải dài mênh mông mượt màu cỏ non, còn phía Tây thì những gốc rạ màu đất kéo thành vạt rộng, làm nền cho những rặng cây xanh thấp thoáng xa xa. Phố xá thì màu đỏ mái lợp ngạo nghễ nhô cao hơn những mái nhà màu xám rêu. May mà đường phố có những táng cây xanh, níu giữ màu đỏ choàng vai màu xám mốc kia chứ tuyền một màu đơn điệu thì coi bộ chướng mắt. Em chẳng biết tí gì về màu sắc hội hoạ như anh, nhưng xem ra những nhận xét này không sai mấy. Còn nữa, trước mắt em là cây cầu dài thườn thượt nối hai bờ con sông Đà Rằng. Giữa hai con sông là cồn phù sa tạo thành làng hoa Ngọc Lãng bốn mùa rực rỡ sắc màu. Cái tên Ngọc Lãng đẹp và coi bộ lãng mạn thiệt anh hẻ? Còn cây cầu bắt qua sông Đà Rằng đó dài tới hăm mốt nhịp lận, mà có ai đó đã ứng tác ra “cầu dài hăm mốt nhịp, anh theo không kịp, đợi anh với em ơi!?”. Xạo, làm gì mà “anh” không theo kịp “em”? Thiệt là nhức đầu vì ở đâu cây cầu cũng sinh chuyện, nào đếm cầu mấy nhịp lòng dạ sầu thương bấy nhiêu, nào là qua cầu gió giựt bay mất áo. Cây cầu đâu có sinh sự như vậy? Chỉ tại con người thôi. Nhưng chuyện gió giựt tung áo thì em đã viết cho anh ở đoạn trước. Giờ đứng trên đỉnh núi, gió chỉ hiu hiu, phía dưới là giòng sông lặng lờ, coi bộ hiền lành kiểu như Sơn Tinh và Thuỷ Tinh trong thời gian hưu chiến vậy.

Nhưng mà, nói gì thì nói, dân Tuy Hoà em rất tự hào có cây cầu dài nhất miền Trung. Cầu đường bộ và đường sắt cặp song song nhau mà hôm trước em chỉ cho anh trên tờ lịch treo tường. Và anh buộc miệng “may, chỉ là hai cây cầu chớ chàng và nàng thì thiệt là tội nghiệp!”. Em cãi “trên thực tế đầy ra đấy chớ không có sao?”. Anh cười cười mà không nói gì. Anh biết không, chếch lên một đoạn ngắn lại một cây cầu dài mới bắc qua sông Đà Rằng đâu hồi năm ngoái, đứng lẻ loi dòm xuống hai cây cầu phía dưới như than thở cho số phận cô đơn của mình. Mấy năm trước cầu Đà Rằng dưới này là nơi hóng mát của người dân trong thành phố, hẹn hò của các cặp tình nhân khi mặt trời chìm khuất sau dãy núi phía tây. Mùa hè, gió từ sông đưa lên mát rượi. Những đêm giữa tháng bọn em hay tới đứng trên vai cầu nhìn mặt trăng nhô lên từ phía biển Đông như thể đó là viên hồng ngọc của nàng tiên cá nâng lên khỏi làn nước xanh thẳm. Ban đầu, trăng to bằng chiếc bàn tròn hai đứa mình hay ngồi uống cà phê những sáng chủ nhật ở đường Nguyễn Du, soi một quầng sáng loá vàng hực màu trái cam chín. Quầng sáng ấy kéo dài từ từ loang rộng những vạt vàng sóng nhấp nhô còn mặt trăng thì nhỏ lại, tròn như cái cão đựng kim chỉ của bà nội em, rồi nhỏ dần như trái banh như thể những mảnh vàng sáng chia sớt cho mặt nước? Những hình ảnh ấy cứ dội vào tâm trí em như những cuộn sóng đập vào bờ đá khiến cái ý nghĩ ngô nghê này cứ ám ảnh em hoài, tới tận bây giờ vẫn không đẩy ra khỏi đầu em được, không hiểu vì sao?

Anh biết không, nhiều người hay nhái từ “nẫu” địa phương em. Nhưng đó là chuyện nhỏ. Cái lớn là một số khá đông bạn đồng lứa cũng thẳng thừng quay lưng lại với “nẫu”, xấu hổ mỗi khi có ai đụng chạm đến “nẫu”. Em chưa có dịp dùng từ này với anh, nhưng em luôn yêu nó vô cùng. Mỗi khi nhớ quê, em hay xuống Tân Bình ngồi nói chuyện với mấy người già gốc Phú Yên. Họ vì cuộc sống mà phải bỏ xứ vào đây, nhưng họ không bỏ giọng nói, bỏ những thói quen trong mọi sinh hoạt thường ngày. Tất cả như đã thấm đẫm vào trí óc họ từ những gốc rạ vùng lúa Tuy Hoà, từ những con thuyền đánh cá ở Lò Ba, Mỹ Á, Sông Cầu. Cứ như thể em đang hít thở không khí ở miền quê yên tĩnh, nơi em sinh ra và lớn lên. Có bữa ra chợ cầu ông Lãnh mua cá, gặp bà cụ đang trả giá. Khi nghe bà cụ kêu lên “me chay, mắc dữ be…e” làm em giật thót tim. Từ “be” thoạt nghe như tiếng than nhưng không phải là lời than thở mắc rẻ, mà còn hàm chứa sự ngạc nhiên, dò hỏi, một chút giễu cợt trong sự phân vân thường thấy ở các bà nội trợ phải lo toan hàng trăm thứ cho gia đình, chồng con… Gặp người đồng hương, em mừng quýnh. Một già một trẻ hỏi han, nhắc nhở đủ thứ chuyện bên ly nước mía đầu đường. Khi chia tay bà ấy còn dặn “bữa nào huỡn cháu ghé lại nhà bác chơi”. Chiếc xích lô chở bà cụ đi xa, nhưng quanh quẩn bên em vẫn cứ ong ong những từ “me chay, dẫy na…” như thể đang hít mùi thơm khói đốt đồng căng đầy lồng ngực với sự khám phá thiệt mới lạ hương khói xa xôi ấy …

Cứ để ý đi, khi nào anh ra bến xe bến tàu đón người thân, hễ thấy ai kè kè bên nách gói giấy tròn căng phồng, khổ bằng chiếc sàn thì chắc chắn đó là dân Phú yên trăm phần trăm. Họ mang quà cho người thân đấy! Có nhiều thứ khác quý hơn, nhưng đi đâu họ cũng mang chồng bánh tráng, dường như đó là niềm tự hào của mọi người bất luận giàu nghèo, khi được sở hữu cánh đồng lúa mênh mông và phì nhiêu của Tuy Hoà, đã nuôi dưỡng họ, nuôi dưỡng vùng cả một vùng rộng lớn chung quanh. Đó là biểu tượng của hột gạo trên một xứ sở từng trải nhiều khổ đau, vất vả mà dân quê em đã từng nếm trải, khổ đau và hạnh phúc trong chiến tranh và hoà bình. Mà năm rồi em không mang vào cho anh chồng bánh tráng là gì? Khi nướng phồng lên thì là tình là nghĩa, khi nhúng nước cuốn là dẻo thơm niềm hạnh phúc tròn đầy đó anh ơi. Mẹ em nói vậy.

Ngày 15 tháng 5…

Anh thân yêu,

Thư hôm qua em quên một chi tiết về dòng sông chảy ngang qua thành phố. Cùng một dòng chảy nhưng có tới hai tên gọi khác nhau. Đoạn từ đập Đồng Cam ngược lên thượng nguồn, đâu tận Phú Bổn, Cheo Reo gọi sông Ba, còn xuôi về phía hạ lưu thì là Đà Rằng. Dầu sông Ba hay Đà Rằng gì đi nữa thì con sông này chỉ có một dòng chảy và như cái bọc trăm trứng của mẹ Au Cơ và cha Lạc Long Quân trong huyền thuyết “đồng bào” của dân tộc. Mùa mưa, nước ơi là nước! Nước mênh mông như biển cả. Nước cuồn cuộn đổ ra biển, đỏ quạch phù sa. Nước gầm réo dưới chân cầu thiệt là hung hãn, cuốn trôi tất cả những gì chúng đi qua, tưởng chừng như chiếc cầu dài ngằn ngặt này cũng bị đẩy phăng ra biển trong phút chốc. Cũng may, sự hung hãn này chỉ diễn ra có vài bữa thôi và xem ra cũng có ích: nó mang lớp phù sa dày đặc bồi thêm lớp màu mỡ cho cánh đồng “thẳng cánh cò bay”.

Nhớ hồi năm 93, lúc đó em còn là đứa trẻ con. Mấy bữa trước mưa dầm đề như cầm chĩnh trút nước vậy. Đến đêm nước ở đâu bò vào khắp nới, vào các đường phố, bò lên thềm, nhảy tọt vào nhà, dâng lên cao đuổi bọn em chạy lên gác. Đứng ở cầu thang nhìn xuống thấy nước tới đầu gối rồi bò lên tới thắt lưng, rướn lên tới gần ngực ba. Điện bị cắt, đèn đóm tối thui. Có tiếng người la ơi ới, tiếng gõ xoong nồi gọi nhau như chạy giặc. Đồ đạc chuyển từ tầng dưới lên cái được cái không, ướt ngoi ngót. Sáng ra đứng trên balcon ngó ra đường, thôi thì nước là nước, chỉ có ghe sõng xuôi ngược khắp các ngã phố, còn xe lớn xe nhỏ mọi ngày như chìm mất đâu đó trong làn nước đục ngầu. Tụi trẻ con được dịp tắm lụt: chúng ở trần lội nước, chặt những đoạn chuối ngắn xiên cây làm bè chống ngang dọc khắp các nơi như thể chúng đang vào mùa hội đua bè, khiến em nghĩ thành phố bữa trước giờ là giòng sông mênh mông nước, nhà cửa phố phường mọc lên từ mặt hồ rộng. Đứa em trai em cũng nhập bọn, la hét cười đùa thoả thích, coi mọi hư hại do trận lụt băng qua chỉ là chuyện bình thường. Tới chiều xẩm nước mới rút từ từ, để lại những vạt bùn dẻo quánh trên vách, trên nền nhà, lòng đường … Hôm sau một cái chợ mọc lên ở ngả Năm, ồn ào náo nhiệt như thể trận lụt vừa rồi chỉ là bữa tắm gội cho thành phố. Bọn em đi coi họp chợ rồi rủ nhau lên đầu phố đứng nhóng qua chiếc cầu dài coi chiếc cầu còn hay trôi mất ra biển. Nỗi lo sợ vu vơ không thành sự thật. Nó vẫn bình thản nối hai bờ nam bắc dù cho giòng nước cuồn cuộn kia chỉ cách mặt cầu đâu hơn hai gang tay! Vậy mà đến mùa khô, dòng nước lừ đừ như con trăn no mồi, lười biếng nép mình giữa hai bãi soi vàng rực bông mướp, bông bí, cỏ lông lan tận ra mép nước xa. Hồi mới bước chân vào trung học, tụi con trai lớp em thường hay rủ nhau ra soi hái trộm dưa. Chúng giả đò đi tắm. Bọn chúng tắm thiệt. Cả bọn vẫy vùng trong làn nước trong vắt, cạn tới ngang bụng nhưng kỳ thực là để quan sát những trái dưa hấu chôn lấp đâu đó dưới lớp cát sâu. Chỉ cần những cái liếc mắt như kiểu con chim bói cá là một đứa bò lên, kéo sợi dây, moi cát và bứt gọn trái dưa to bự chảng, trong khi tụi kia vẫn cứ té nước, la hét ỏm tỏi. Tụi con gái bọn em chỉ dám thọc chân xuống mép sóng lăn tăn giỡn với làn nước mát lạnh. Những trái dưa ăn trộm ngon hơn là đi ăn đám giỗ, ruột đỏ mọng, ngọt lừ. Uở mà sao tự dưng lại đi nhắc chuyện “xấu hổ” này với anh hẻ?

Để em kể chuyện này chắc chắn là anh chưa biết, chưa từng nếm bao giờ: Hồi sáng này mẹ con em đi chợ. Mẹ kêu lâu cả nhà chưa ăn sứa. Vậy là mẹ thực hiện ngay. Anh ở đồng bằng thì làm gì biết con sứa? Nó là sinh vật sống ở biển. Toàn thân mềm và trong suốt. Mẹ mua toàn sứa chân mang về chần nước sôi, trộn với rau thơm, chuối chát xanh, đậu phộng rang, da heo xắc nhỏ, thêm chanh ớt xúc vào chén ăn với bánh tráng nướng bóp nát. Nó ngon không thể chê vào đâu được. Thịt sứa mát lạnh, dòn dưới chân răng, thơm mùi rau húng đứng húng duỗi và đậu phộng. An tới no mà không thấy ớn, vì không có mỡ như cá tra cá ba sa trong quê anh. Khi nào anh là thành viên chính thức trong gia đình, hẳn mẹ em sẽ đãi anh món này trước tiên. Anh ăn một lần sẽ nhớ đời. Mà biết đâu sau khi ăn anh sẽ bỏ xứ mà ra làm con dân trên mảnh đất hai mùa đầy những mưa cùng nắng này?

Nói đến chuyện ăn uống thì Tuy Hoà của em có nhiều món lạ lắm. Tỉ như món cá thài bai nấu cháo đậu cút thì cả nước này và cả trên thế giới không đâu có cá thài bai. Nó nhỏ bằng cọng tăm. Người ta bán không phải cân ký, đếm con mà lật ngược cái chén lên, đong bằng khu chén để tính tiền. Giá trị là ở chỗ đó. Chỉ cần ba khu chén cá thài bai nấu cháo đậu cút là ngọt lừ, thơm, mát, bổ… Mẹ em nói cháo cá thài bai nấu đậu cút tàu dành cho người ốm mới dậy ăn sẽ mau phục hồi sức khoẻ. Loại cá này hiếm nên rất quý. Mỗi năm chỉ xuất hiện một lần khoảng nửa tháng trước và sau tết âm lịch. Đám cá mẹ xuống tận cửa biển đẻ trứng. Nở ra, tự kiếm ăn được thì chúng bơi ngược dòng sông lên thượng nguồn, nên người ta dùng những tấm đăng nhỏ, tạo dòng chảy sát mép bờ cát để lũ thài bài nương theo đó mà vượt lên, phía trên có chiếc đó dày chặn lại bắt kỳ hết. Con nhỏ Nghi giỏi môn sinh vật kêu thài bai là thài bai chớ không phải là cá bống con như tụi em nghĩ. Cãi với nó mấy bận không thắng đành thôi, miễn sao loại cá này đừng mất để thỉnh thoảng còn được ăn: kho tiêu, làm chả ram những năm được mùa cá.

Toàn nói chuyện ăn chắc làm anh mệt? Giờ chuyển sang đề tài khác: nói về thành phố của em, anh nhẻ?

Thành phố bây giờ đã khác nhiều. Chẳng trách hồi em mới lững chững tập đi, mẹ kể thành phố chỉ toàn gai bàn chải, xương rồng và cồn cát. Trường Nguyễn Huệ hồi ba mẹ em học nằm lọt thỏm giữa rừng gai bàn chải lởm chởm. Nay anh có ra đi tìm gai bàn chải trong thành phố làm thuốc cũng không còn. Những cây gai lởm chởm nhọn hoắc kia giờ đã là những ngôi nhà cao tầng, biệt thự, xưởng máy và vô số những thứ khác mang dáng dấp hiện đại hơn, gần gũi với thời đại tên lửa, internet hơn. Nó cũng hối hả, nhộn nhịp như một góc nhỏ Sài Gòn chẳng kém.

Em thì mong cho thành phố to hơn, giàu hơn, mọi người dân có đời sống sung túc hơn, nhưng đồng thời em muốn những hình ảnh, nếp cũ của Tuy Hoà xưa vẫn luôn được tồn tại trong góc khuất nào đó của đời sống tinh thần, như ba em hay kể chuyện hồi nhỏ ông và đám bạn hay rủ nhau lên núi Nhạn giành chuối giành chè với lũ khỉ núi và đánh nhau với chúng ngay trước am thờ thần gần cửa tháp, kể về những cuộc hẹn hò với mẹ em trên bãi soi sáng rực bông mướp vàng đầy ắp giọng hò khoan của những nông dân cắt cỏ bò bên mép nước sông Đà Rằng. Hồi đó chắc khổ hơn bây giờ, nhưng lãng mạn. Con người lãng mạn để thành phố cũng trở nên lãng mạn, thơ mộng hơn. Còn thế hệ của bọn mình, sự lãng mạn ấy đã được cách tân hoá bằng cách chui đầu vào các quán cà phê tối om, các sàn nhảy nêm cứng người cùng tiếng nhạc phát ra ầm ầm như động đất!

Sẽ có người cho rằng em có những ý nghĩ cổ hũ, ích kỷ. Mượt kệ. Em yêu cái cổ hũ, ích kỷ ấy lắm lắm.

Ước chi bữa đó em đừng trả lại một chiếc vé để anh thấy tận mắt thành phố quê mùa này, em khỏi cà kê…”

Bức thư chấm dứt đột ngột, dài hơn 10 trang, viết trên giấy prelure gập đôi, bằng màu mực xanh bút bi kẹp trong cuốn sách Phong Lưu Cũ Mới của cụ Vương Hồng Sển tôi mua lại trong tiệm sách cũ ở Bình Thạnh. Chỉ chừng ấy, không có chữ ký, không có tên người gửi, người nhận; chỉ xưng hô anh em, kể về thành phố Tuy Hoà bằng niềm thương nhớ, tự hào. Không rõ khi nhận thư, anh chàng đã lơ đễnh bỏ quên trong quyển sách cũ, hay cô nàng chưa kịp gửi tới tay người yêu? Tôi không quan tâm chuyện tại sao bức thư kia được kẹp trong cuốn sách, tại sao cuốn sách có bức thư đó lại ra nằm ngoài tiệm bán sách cũ. Và vợ tôi thì cứ khăng khăng đó là trang nhật ký của cô bé đang tuổi mộng mơ. Còn tôi thì nhất định đó là lá thư chứ nếu là nhật ký thì chẳng ai ngồi viết trên những tờ giấy mỏng dính? Trong thư không thấy bày tỏ lời yêu thương, nhưng quặn thắt nỗi nhớ nhung cũ mới chồng lên nhau.

Tôi vẫn giữ lá thư một cách cẩn thận và cầu mong cho hai người luôn bên nhau và tràn đầy hạnh phúc như những lời bày tỏ chân tình trong lá thư kia. Tôi cũng mong được hoàn trả lại nếu như các chủ nhân của nó là “em” và “anh” nhận biết được tung tích bức thư được cất trong chiếc hộp, khoá chặt trong tủ kính.

(tháng 3.2005)

Nguyễn Lệ Uyên

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search