T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn thị Kim-Oanh: Tình Muộn

Để ôn lại một chuyện tình, với số tuổi nhiều bó của chị em chúng tôi, thật là vất vả cho trí nhớ. Khó khăn lắm thay! Thôi cũng đành một lần (?) để đáp lại sự ưu ái của bằng hữu, của anh chị em thân thiết, tôi xin gởi đến các anh chị những dòng ký ức về một cuộc tình đầy ắp những buồn vui lẫn lộn.

Và quá khứ đang lần lượt trở về. . . .

 (NTKO – 2008)

Chúng tôi đến với nhau thật muộn màng, mặc đã biết nhau thời còn rất thơ ấu. Tôi theo bố mẹ đến nhà anh vào một ngày trời mưa tầm tã. Nép dưới chân mẹ, nhìn anh đang nghịch mưa dưới máng xối trước sân nhà. Anh mặc vỏn vẹn một chiếc quần xà lõn. Tôi thèm được tắm mưa với anh lúc ấy (tôi 3 tuổi, và anh, 8 tuổi). Đây là những điều mẹ tôi kể lại khi chúng tôi bước vào tuổi trưởng thành. Và, những lần kế tiếp khi đến nhà anh, tôi không thích nữa. Tôi đã phụng phịu với mẹ: con không muốn đến nhà bác Th. (tên bố của anh) nữa, vì nhà bác không có con gái để chơi…

Câu chuyện bắt đầu . . .

Ngày xửa ngày xưa, lâu lắm rồi, khi mẹ tôi và mẹ anh là hai chị em bạn thân chưa lập gia đình; và bố tôi và bố anh là hai người bạn trai vui tính. Sau đó, bố anh lấy mẹ anh. Và một thời gian sau nữa, bố anh giới thiệu bố tôi cho mẹ tôi. Thế là chúng tôi lần lượt ra đời. Bố mẹ anh có 6 người con trai và bố mẹ tôi có 4 người con gái (anh và tôi đều là thứ hai theo lối tính của người Bắc). Trong một buổi họp mặt vui vẻ giữa hai gia đình, hai bên song thân chúng tôi đã nửa đùa nửa thật hứa hẹn với nhau sẽ làm xuôi gia, ít nhất là một cặp: thằng Vấn và con Yến (chị cả tôi).  Câu chuyện xuôi gia chưa thành, thì mẹ anh với căn bệnh ung thư ngặt nghèo đã từ giã cõi đời lúc bà mới 33 tuổi, để lại cho bố anh một đàn con thơ dại (lúc ấy anh được 11 tuổi). Trước khi nhắm mắt, bà vẫn không quên nuối lại với mẹ tôi: “Mày nhớ nghe Kỳ (tên mẹ tôi), thằng Vấn và con Yến”. Xong bà tắt thở trên tay người bạn thân thương nhất của bà. Chồng và các con bà đang mếu máo chung quanh. Thằng Út lúc ấy chưa được 2 tháng tuổi (chú Út này sau đó cũng qua đời vì căn bệnh ung thư cùng năm chú được 33 tuổi). Sau ngày ấy, bố anh thật chật vật với cảnh gà trống nuôi con. Vài năm sau, ông tục huyền với người mẹ sau của anh, mà chúng tôi gọi là Dì Hai. Năm anh 17 tuổi, bố vì thương nhớ mẹ đã ngã bệnh và qua đời trong cảnh nhà rất neo đơn, nghèo túng. Trong cảnh nghèo hàn cùng cực, Dì Hai đã vất vả với xe phở rong khắp nơi để nuôi một lúc 9 đứa con cùng cha khác mẹ (6 đứa con chồng và 3 đứa con của mình). Thật là một phụ nữ hiếm có! Sống trong cảnh gia đình quá cơ hàn, cơm không đủ ăn, chỗ không đủ nằm, anh vẫn ham học và cuối cùng, anh đã làm cho bố mẹ mãn nguyện: hoàn tất mảnh bằng Tú Tài 2. Như nhiều người trai cùng lứa tuổi lúc ấy, anh chọn đời binh nghiệp và theo học Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị tại Đà Lạt.

. . . Và cũng nơi đây, anh đã có mối tình đầu đầy thơ mộng và rất tuyệt vời với người con gái mang tên khá ngộ nghĩnh KMT, làm hành trang cho thằng con trai đã trưởng thành, chuẩn bị bước vào con đường . . . dấn thân.

Lúc ấy, chúng tôi coi nhau như anh em, vì mẹ tôi nhận anh làm con nuôi sau ngày mẹ anh mất. Và rồi cuộc đời của tôi và anh đi về hai hướng khác nhau. Tôi tung tăng với tà áo dài kiêu sa của những nữ sinh Gia Long. Còn anh, khoác trên người bộ quân phục vừa hùng, vừa đẹp, vừa trí thức mà tôi đã có dịp trầm trồ ngày anh và các bạn từ Đà Lạt về Sài Gòn tham dự lễ Diễn Hành nhân ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1972. Một hôm, với bộ quân phục dạo phố thật đẹp mắt, anh đã ghé nhà thăm bố mẹ tôi và các em. Anh can đảm xin mẹ cho chị em chúng tôi lên Đà Lạt chơi. Nhưng bà từ chối vì bà rất nghiêm khắc và lễ giáo hàng đầu nên luôn luôn sợ chúng tôi “khôn ba năm, dại một giờ”.

Thế rồi, 30 tháng Tư Đen ập đến. Anh trở về Sài Gòn xác xơ và buồn bã. Chúng tôi vẫn rủ nhau ra phố mua sách chui (thời tranh tối tranh sáng) và vào quán cóc bên đường uống cà phê với tư cách anh em. Trước ngày anh đi trình diện cải tạo một ngày, mẹ tôi đưa cho tôi túi lương khô và bảo tôi đem đến cho anh. Lúc này anh đang ở tạm nhà một người bạn thân tại khu cư xá Lữ Gia và vẫn nặng trĩu trên vai cuộc tình với KMT. Lúc gần ra về, anh hát tặng tôi bài Tình Xa . . .ngày tháng nào, đã ra đi, khi ta còn ngồi lại . . .cuộc tình nào đã xa khơi . . .Tiếng hát ấm áp và ngọt ngào của anh làm tôi rung động. Tôi cảm tưởng như có thể được, tôi sẽ sẵn sàng một sự Hiến Dâng, nếu ánh mắt anh ngỏ lời. Nhưng ý nghĩ ấy chỉ thoáng trong tâm tưởng rồi vụt tắt, vì chợt nghĩ đến mẹ, tôi sợ . . .mất đời con gái. Còn anh, hình như cũng gợn lên chút tình cảm khác thường với tôi, khi tôi cầm tay anh nói lời từ giã. Cùng lúc, tôi có cảm tưởng anh đang cố kìm giữ lại, vì không muốn làm mất nét ngây thơ trong trắng trong tôi thuở ấy. Hơn nữa, hẳn anh không muốn mang tiếng “phụ” KMT.

Ra về, lòng nhiều nỗi bâng khuâng pha trộn chút yêu đương của tuổi mộng mơ. Tôi nghĩ mình đã yêu anh thật rồi, yêu anh qua tiếng hát ngọt ngào, dù tình xa này không phải cho tôi mà là cho người anh yêu dấu. Tối hôm ấy, trên trang Nhật Ký thời con gái, tên anh đã được tôi ghi lại đậm nét, đánh dấu cho một tình yêu vừa chớm mà đã xa.

Năm tháng trôi mau. Anh trong lao tù ôm ấp nhiều kỷ niệm với người tình Đà Lạt mộng mơ và mong ngày trở về để xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân. Còn tôi, bắt đầu một phần đời mới. Vì những bất an của cuộc sống những ngày sau khi Cộng sản chiếm đóng miền Nam, tôi vội vã chọn thân phận đàn bà năm 23 tuổi. Tôi bước chân vào một nơi mà định mệnh khắc nghiệt đang chờ sẵn. Tôi đã trải qua nhiều đắng cay, tủi nhục, nước mắt. Những nỗi xót xa này tôi đã trải dài trên nhiều trang thư gởi đến anh, để mong nghe ở anh một lời khuyên tha thiết. Anh an ủi tôi: “. . .hãy cố gắng sống bằng tất cả nghị lực và can đảm, rồi em sẽ tìm thấy hạnh phúc . . .”. Những lời chân thành của anh làm tôi tăng thêm sự sống. Nếu không có anh, nếu tôi không là người Công giáo, có lẽ ngày nay chẳng còn tôi hiện diện nơi đây. Nhưng sự tuyệt vọng càng lúc càng mãnh liệt. Tôi không còn chịu được hơn nữa. Tôi không muốn ở lại thêm một giây phút nào nơi tôi đang ở nữa. Và trước khi trở về sống lại cùng bố mẹ, tôi đã thư cho anh: “cà phê đắng cho thêm đường thì ngọt. Đời đắng cay em biết bỏ thêm gì?”. Lần này, anh xót xa cho cô em gái má hồng phận bạc, anh viết: “. . .Cuộc sống là khổ đau và hạnh phúc. Nhưng nỗi buồn bao giò cũng nhiều hơn niềm vui, phải thế không em? Nhưng, nếu từ giữa nỗi đau khổ, em biết nhìn được chính mình và đứng thẳng người lên, thách đố những ti tiện, lọc lừa, dối trá . . .Vì thế, – đời cho em biết thương đau, nhưng cũng cho em hạnh phúc – Hạnh phúc sau thương đau bao giờ cũng đầy và ngọt hơn. Bởi vì lúc này em đã nhận chân ra được giá trị của nó . . .” (Sau này, khi được tha ra khỏi tù, anh đã hát cho tôi nghe bài nhạc ngoại quốc nổi tiếng Tennessy Waltz, với lời Việt anh viết riêng cho tôi trong tù – thời gian tôi đang đương đầu với nỗi bất hạnh này. Vì giá trị tình sử của bài hát, anh bằng lòng cho tôi chép lại lời bài hát này ở đây. Dù riêng tư, nhưng theo tôi, nhiều người con gái khác có thể tìm thấy ở đây đôi nét riêng của mình.

Ngày xa xưa ấy, người em thơ ngây

Màu môi thắm ngát hương xuân đời

Khi mê say người, tình vẫy tay réo mời.

Mộng mơ ân ái, tàn đêm mê mải

Giọt trinh dâng hiến cho tay người

Cơn truy hoan tàn, tình bỗng dưng vỡ tan

 

Đời cho em biết thương đau, nếm men u sầu phút giây

Trong cơn mê đời, lệ đắng sao đong đầy

 

Chìm trong thương tiếc, ngày xưa thôi hết

Lệ đau than oán những u tình

Xin nâng niu mình một ngàn năm mãi sau

. . . . . . . . . . .  .

 Cũng trong thời gian này, chúng tôi – anh và tôi – hai cuộc đời mà một thân phận, vừa đúng lúc anh được tin người yêu KMT – lấy chồng bỏ cuộc chơi.

Anh chới với một nửa hồn thương đau (nửa hồn kia hình như anh đã dành . . . cho ai rồi thì phải). Thế là, từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Éo le thay, định mệnh đẩy đưa chúng tôi nhập vào nhau làm một. Bạn bè trong trại tù đọc ké thư KMT và thư tôi. Họ đùa và kháo nhau chọc anh. Tao biết chắc, thằng Vấn sẽ tìm đến em gái nó và nơi đó sẽ là bến đậu của nó.

Vào một ngày cuối năm 1983, anh được tha về. Nỗi vui mừng khi gặp lại anh không sao kể xiết. Anh vừa đen vừa ốm. Tôi vừa gầy vừa héo. Chúng tôi đã mặc tình tâm sự. Trăm nỗi sầu được trải dài trong nhau. Tưởng như đời bây giờ là trọn vẹn. Nào ngờ nỗi buồn vẫn đeo đẳng tôi. Dì Hai trót hứa với một bà bạn thân trong xóm (lúc anh còn trong trại tù). Bà có cô con gái hơn tôi một tuổi vẫn còn độc thân. Cô đang làm chủ một tiệm may khá lớn ở Sài Gòn. Cô cũng biết về anh khá nhiều và cô cũng chờ đợi ngày anh về. Ba tháng đầu anh về vui đùa với chị em chúng tôi. Dì Hai tưởng chỉ là anh em, vì bà không hiểu gì về hoàn cảnh của tôi lúc ấy. Tôi cũng không muốn lý giải một điều gì với ai về thân phận bọt bèo của mình. Đó cũng là điều mà bà hiểu lầm và ghét tôi. Linh tính báo cho bà biết khi bà thấy tôi đến với anh thường hơn. Vì lúc ấy, anh không có xe. Còn tôi, có chiếc xe Mini Vespa, nên đến đón anh đi mỗi lần chúng tôi có hẹn. Bà bắt đầu nghi ngờ, hay nói đúng hơn, bà bực tôi đã làm ý định của bà không thành. Trong anh lúc này có tôi, và chỉ có tôi. Anh bị bà đuổi ra khỏi nhà – cái nhà lúc ấy chỉ là căn gác lửng được một người quen thương tình cho mướn, cái khoảng của gác lửng chỉ vừa đủ cho 6 người nằm đâu chân vào nhau. Anh bị đuổi, phải về ở tạm nhà người chị họ ở khu ngã bảy, Chợ Lớn. Ở bên bà chị, vì nghe Dì Hai kể chuyện, nên bà chị cũng không mấy có cảm tình với tôi lắm. Bà giới thiệu cho anh một cô chủ tiệm bán máy may ở quận Tân Bình. Cô này vừa gặp anh một hai lần đã mến anh. Nhờ sự yểm trợ của bà chị, cô mạnh dạn tấn công tình cảm tới tấp nơi anh. Cô đã bộc lộ rất chân tình. Nếu anh đồng ý, cô sẽ sang cho anh đứng tên một căn nhà và một chiếc xe Dream màu mận chín. Trong khi đó tôi chỉ là một công nhân nghèo và an phận. Cô đã tìm mọi cách để chinh phục anh, thậm chí đến cả sự hiến dâng nếu anh sẵn sàng. Cô thất vọng. Vì cô không biết rằng, khi làm như thế, vô tình cô đã nâng cao hình ảnh tôi trong anh. Anh không ham giàu sang hay bất cứ thứ gì khác. Anh đang yêu thương một cô em gái rất đáng tội nghiệp. Từ sau đó, tôi đã trở thành người tình bất diệt trong tim anh. Qua bao cảnh đoạn trường, nào là áp lực của những người thân chung quanh anh, nào là sự tấn công tình cảm của các cô gái. Đã có lúc tôi nghĩ tôi muốn xa rời anh. Tôi thực sự chán nản tột cùng. Lúc ấy trong sở tôi làm việc cũng có không ít những gã đàn ông si tình theo đuổi tôi. Cũng có kẻ thật giàu, cũng có người đầy địa vị. Những ý tưởng này như đang giằng co, cấu xé tôi. Lúc tôi sắp sửa bị đánh gục, thì anh chợt xuất hiện. Anh đến với sự tức giận tột cùng vì ghen. Từng chiếc ly nhỏ bị anh ném mạnh vào góc bếp bể tan trước mặt tôi. Tôi thức tỉnh và hối hận vì tiếng thủy tinh vỡ. Anh đã yêu tôi nhiều hơn tôi tưởng. Anh đã đánh đổi tất cả để có tôi.

Sau lần ấy, chúng tôi cảm thông nhau và xích lại gần nhau hơn nữa. Để rồi vào một đêm 30 Tết, anh đến thăm tôi. Lợi dụng cả nhà đi lễ giao thừa, anh “phục rượu” tôi và hát tặng tôi một bài hát. Anh đến thăm em đêm ba mươi. Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi. Anh nói với người phu quét đường. Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em. Men rượu nồng làm tôi ngây ngất. Và anh đã đi qua đời tôi từ ngay đêm ấy. Để kỷ niệm “cái kỷ niệm của thú đau thương này”, anh đã viết tặng tôi một bài hát rất cảm động. Và cũng vì giá trị tình sử của nó, một lần nữa anh cho phép tôi được chép lại bài hát ở đây, để mọi người cảm được hơn nữa cuộc tình của chúng tôi những ngày ấy.

 

THÚ ĐAU THƯƠNG

(Cuộc đời rách nát nhưng tâm hồn không rách nát, vì nó vẫn còn những rung động tinh tế nhất của một con người. Có nghĩa là anh vẫn còn được sống, được yêu, được vui và được buồn. Cám ơn cuộc đời, cám ơn em đã cho tôi viết được khúc nhạc này bằng cả sinh lực con người mình. Như thế là khổ đau hay hạnh phúc?)

Từng giọt đời, đàn ơi sao nguôi

Tình một ngày, còn thơm trên môi

Ta hôn em, màu son thắm đầy lời ca ngây dại

Ơi giọt tình ơi, còn đâu em ơi!

Từ một ngày, gọi nhau trao tay

Từ một lần, vòng tay ngất ngây

Sâu trong em, giọt trinh úa gầy hồn anh rã rời

Ơi người tình ơi, nợ nhau suốt đời

 

Ơi, giọt hạnh phúc chắt chiu

Ơi nụ hôn ướt mềm bàn tay khát thèm

Xin được gần nhau xin được gần nhau.

 

Giọt rượu sầu, làm tê đôi môi

Lời tình buồn, làm tim vỡ đôi

Ta yêu nhau, đời tan nát rồi vòng tay cũng gầy

Ơi giọt tình ơi, còn đâu em ơi!

Tình gọi tình, nghìn đêm cho nhau

Dù chỉ là nụ hôn đớn đau

Em yêu ơi, đời em úa sầu đời anh úa sầu

Ơi giọt lệ ơi, còn rơi suốt đời.

 

Xin đừng cho nhau dối gian

Xin nụ hôn rất mềm, bàn tay rất thèm

Xin được gần nhau xin được gần nhau

 

Mười ngàn ngày, chờ nhau trong đêm

Người trở về, tình xưa sao quên

Trong tan hoang, đời hoa bẽ bàng, đời trai úa tàn

Yêu chỉ là mang niềm đau trong tim

Ngày từ ngày, tìm quên bên nhau

Nhìn đời mình đầy thêm hư hao

 Trong tim nhau, mộ bia cúi đầu chờ câu kinh sầu

Xin hẹn cùng nhau ngày vui bắc cầu

 

Sau đó, chúng tôi đã âm thầm đưa nhau ra ủy ban phường làm tờ giấy kết hôn, chính thức cho tôi một chỗ bên cạnh anh đi định cư ở Mỹ – và quan trọng hơn – cho tôi được gia nhập gia đình Nàng Dâu Nguyễn Trãi. Trước ngày qua Mỹ khoảng một tháng, được sự cho phép của bố mẹ tôi, chúng tôi đã tự ý đứng ra in thiệp và tổ chức một buổi lễ cưới đơn giản với sự tham dự của hơn 100 bạn bè (không có một người lớn nào của cả hai họ).

Và cũng sau ngày cưới ấy, chúng tôi vẫn chưa được ở bên nhau, vì không ai có chỗ ở riêng của mình, chỉ toàn là ăn nhờ ở đậu.

Ngày tiễn đưa chúng tôi đi định cư ở Mỹ, chỉ có gia đình bên tôi và bạn bè. Sau khi qua Mỹ được 3 tháng, món quà tinh thần đầu tiên được gởi về gia đình anh kèm theo một lá thư dài của anh phân tích ngọn ngành. Lúc ấy, Dì Hai mới thực sự hiểu tôi, và bây giờ bà yêu thương tôi hơn bao giờ hết. Bà nói với bạn bè còn lại của anh ở Việt Nam: “Nhờ có nó (tôi), thằng Vấn mới no đủ mập mạp như hiện nay”.

Bây giờ thì, như mọi người đã thấy, và như một người bạn của anh ở Denver đã khen tặng khi nghe tôi “tuyên bố” một câu xanh rờn: “Tụi em già rồi nhưng vẫn thèm khát nhau như hồi mới cưới”. Đó cũng là bí quyết làm chúng tôi trẻ mãi, cả thể xác lẫn tâm hồn.

Cuối cùng, chúng tôi cũng được tắm (mưa) chung và sẽ tắm chung cho đến ngày cuối cuộc đời mà không cần bố mẹ cho phép.

Có phải thế không?

Kim-Oanh

(phu nhân Vấn Xệ – Viết nhân Hội Ngộ 35 năm 2008)

 (T.Vấn xem lại, sửa chữa lần cuối nhân ngày người bạn đời của mình ra đi mãi mãi 24/1/2022)

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search