T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Thiên Nga: “THIÊN ĐƯỜNG Ở TRÊN CAO”- THIÊN ĐƯỜNG Ở NƠI NAO?

Sau gần 15 năm long đong lận đận, năm 1987 tác phẩm “Thiên Đường Ở Trên Cao” của nhà văn Võ Hồng mới được phát hành.

Khi tôi cầm trên tay tác phấm này của ông, tuổi tôi cũng có thể làm bạn, làm chị của nhân vật chính – Băng Trinh. Có lẽ vì thế mà từ đầu đến cuối, tôi cùng xót xa, đau khổ và thương cô ấy thật nhiều.

Chiều nay, một chiều mưa buồn phố núi, một lần nữa tôi ôm cuốn tiểu thuyết nhỏ này và lại rưng rưng niềm thương cảm, đau xót của một người mẹ.

Trinh như cánh hoa phù du; sống phiêu bạt, dựa dẫm và quay lưng với cuộc đời bằng khói thuốc Heroin. Tôi quan sát Trinh bằng ánh mắt thông cảm. Tôi nắm tay cô ấy bằng những ngón tay ngắn dài biết sẻ chia. Tôi lắng nghe cô ấy bằng cả trái tim. Suốt chiều dài tác phẩm, chiều dài cuộc đời Trinh, cả cái khoảng trống vô vọng của Trinh, tôi nhiều lần để nước mắt lăn dài trên má.

Lúc đầu tôi đã tiếc. Lẽ ra Trinh đã có một cuộc đời quá tươi đẹp. Bầu trời dành riêng cho cô ấy ngập tràn hoa thơm và nắng hồng. Gia đình giàu có, được gửi lên thành phố mù sương Dalat học Lycée Yersin – một trường danh tiếng; học giỏi, xinh đẹp…Nhưng tiếc sao được, đôi khi điều đó lại chính là cái nguyên nhân đẩy cô ấy vào vũng lầy sớm như thế. Tôi nhói đau khi thấy Trinh sợ hãi, tránh né ba mẹ và các em lúc cô theo Khải về Sài Gòn, sống ngay trong khách sạn đối diện với ngôi nhà thân yêu của mình. Nỗi nhớ gia đình, người thân luôn cháy bỏng; thế mà đành để nước mắt tuôn rơi. Vâng, sự mặc cảm tội lỗi…

Tôi thương Trinh. Cô còn quá trẻ để mọi người gọi cô là đàn bà, thậm chí là người đàn bà hư hỏng bị nguyền rủa theo mỗi bước chân.  Thật chua xót. Tuổi mười tám đôi mươi đẹp nhất của một đời người con gái đã bị đánh cắp hay chính cô đánh mất (?!) Tôi đã dõi theo và kịp nhìn thấy Trinh muốn làm lành với cuộc đời, muốn lăn về phía mặt trời. Khó lắm! Càng khó hơn đối với một con người có học, có lòng tự trọng như Trinh và trong một chừng mực nào đó, tôi đồng tình với cách chọn sự giải thoát của cô. Nhờ vậy, cô phút chốc trở nên đẹp lung linh từ ánh sáng của một tình yêu đẹp, vị tha giữa cô và Khải. Ánh sáng ấy theo cô bay lên thiên đường. Ở đó không có khổ đau, không còn những cơn vật vã đói thuốc để phải buông thả mình vào hết vòng tay này đến vòng tay khác; không còn cả những tiếng nguyền rủa, mỉa mai…

Dù muốn hay không, tôi vẫn cứ phải nhớ đến cái xã hội thu nhỏ xung quanh Trinh. Những cậu ấm cô chiêu lừa cha dối mẹ làm bạn với nàng tiên nâu. Những viên sĩ quan vóc dáng oai hùng, những doanh nhân thừa tiền lắm bạc. Trong tay họ, những cô gái như Trinh chỉ là những món đồ chơi xinh xắn. Thảng hoặc, xuất hiện một James Huỳnhbất chợt hướng thiện khi biết Trinh đang khát khao một cuộc sống giản dị và bình yên thật sự. Một linh hồn cứu rỗi một linh hồn, tôi đã nghĩ ngây ngô như thế. Bản chất con người sinh ra vốn thiện, môi trường sống góp phần nặn tròn bóp méo. Đừng vội lên án, mỉa mai. Cần lắm một bàn tay, dẫu hơi ngập ngừng. Cần lắm một ánh mắt an ủi, dẫu còn hơi nghi ngại…

Khải với vòng tay dịu dàng, trái tim ấm áp đã có thể níu giữ Trinh, bao bọc và giúp đỡ Trinh trở về với đời thường. Hình ảnh luật sư Khải là điểm nhấn đặc biệt, nhờ đó ta còn chút lòng tin về tình yêu, về cuộc sống.

Xin nghiêng mình kính cẩn ngỏ lời cảm ơn nhà văn Võ Hồng rất nhiều lần. Phải đau đáu bao nỗi niềm với thế hệ trẻ ông mới có những trang viết đẹp như thế, bao dung như thế. Ông ra đi vào cõi vĩnh hằng đã hơn chín năm, có lẽ ông kịp ngờ rằng cái bối cảnh văn học ông dựng nên từ trước 1975 sao mà có nhiều nét tương đồng với hiện tại đến thế! Cũng quay cuồng ánh đèn vũ trường. Cũng bạch phiến hồng phiến. Cũng những tà áo trắng trinh nguyên sớm nhuốm bụi hồng trần, rơi theo chiều thẳng đứng xuống vực sâu thương đau…

Giá trị của đạo lý làm người, của nền tảng đạo đức gia đình vẫn luôn được rung những hồi chuông cảnh tỉnh.

Nhức nhối.

Nguyễn Thiên Nga

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search