T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Thọ: Những Chiếc Mũ

Non-324x235

Mấy hôm nay, tôi cứ bần thần mỗi khi nhìn thấy cái mũ bảo hiểm bị vỡ mà những kẻ bất nhân đã dùng để đập vào đầu cô Đoan Trang.

Cái mũ vỡ đó khiến tôi nhớ đến bức ảnh con gà mái ấp trứng trong cái mũ sắt vỡ của lính viễn chinh Pháp mà ba tôi cho xem hồi bé. Bức ảnh do phóng viên Đức Như, một đồng nghiệp của ba tôi ở Việt Nam Thông tấn xã chụp trong những năm 60 thế kỷ trước, trong một chuyến đi công tác ở nông thôn. Tôi rất mê bức ảnh đó, vì nó nói lên sự thất bại của bạo lực và sức mạnh của cuộc sống. Tôi lùng trên mạng để tìm lại. Tôi tưởng bức ảnh đó đã được giải thưởng nhiếp ảnh, vậy mà nay không còn lại dấu vết của nó.

Những bức ảnh mũ sắt mà google cung cấp cho tôi chỉ là những bằng chứng của chủ nghĩa phát xít đã bị chôn vùi. Duy nhất một bức ảnh của Alamy có hình con gà nằm trong cái mũ sắt, nhưng không phải bức ảnh của chú Đức Như tài hoa năm xưa.

Tình cờ tôi cũng đã tìm được một bài báo trên Tiền Phong nói về số phận của bức ảnh “con gà ấp trong mũ sắt” (1)

Bức Gà ấp trứng của Đức Như, phóng viên ảnh Phân xã Nhiếp ảnh VNTTX cũng bị coi là ‘có vấn đề’. Ảnh chụp một con gà mái đang ấp trứng, ổ trứng đầy rơm trong cái mũ sắt của quân đội Pháp thua trận để lại. Tác giả thuyết trình rằng: Hình ảnh con gà và ổ trứng tượng trưng cho hòa bình chiến thắng, còn cái mũ sắt tượng trưng sự thất bại của quân xâm lược. Nhưng một số người quản lý văn nghệ và nghệ sĩ lại cho rằng bức ảnh có ý đồ ru ngủ, thỏa mãn với hòa bình, quên mất nhiệm vụ đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam v.v…” (Trích bài báo)

Hóa ra vì thế, bức ảnh con gà ấp trứng trong mũ sắt nổi tiếng, nói lên khát vọng yêu hòa bình của người Việt Nam đã biến mất khỏi mọi kho tư liệu nhiếp ảnh của nước nhà. Nếu được phổ biến ra thế giới, chắc chắn tác giả đã được giải thưởng lớn, chứ không phải ngồi kiểm điểm như ở ta.

Hậu quả của việc cấm bức ảnh đó 50 năm trước lại là chiếc mũ vỡ đập vào đầu một cô gái như Đoan Trang?

Cuộc tấn công đầy bạo lực của lực lượng an ninh vào một nhóm người dân đang nghe nhạc tối 15.08 tại Sài Gòn không phải là điều gì mới lạ ở Việt Nam. Cách hành xử bẩn của lực lượng công quyền khi thả người cũng không phải là lạ.

Lạ ở chỗ phản ứng của người Việt trước các hành động bạo lực nhân danh chính quyền đó. Khi một số nhân sỹ đăng bản tuyên bố “PHẢN ĐỐI CÔNG AN TPHCM KHỦNG BỐ NGƯỜI DÂN MỘT CÁCH PHI PHÁP ĐÊM 15/8/2018” thì có một bạn đọc sống ở Đức phát biểu như sau:

Kêu ca, phản đối cái gì? Đất nước phải có luật pháp, các ô, các bà tụ tập không xin phép rồi còn hát hò gây mất trật tự công cộng, chưa kể đến là còn tuyên truyền chống chính quyền, chính quyền và CA họ dẹp lại còn chống đối. Ở VN còn nhẹ chứ ở PT CS họ đập cho chết luôn. Vớ vẩn!”….

Cháu học và sống làm việc tại Tây Đức hơn 30 năm này ạ, cháu không ủng hộ độc tài tham nhũng, nhưng cái kiểu ‘đấu tranh’ của mấy ô bà ‘dân chủ’ xứ mình như kiểu Đoan Trang… cháu cũng không ủng hộ. Kiểu đấu tranh ‘Chí phèo’ như của các ô bà này ở Tây Đức họ dẹp ngay tắp lự bằng vũ lực, ở ta thử hỏi kể cả chính quyền không cấm đoán liệu họ thu hút được bao người có lương tri ủng hộ ngoài một số vô công rồi nghề vỗ tay theo phong trào?”

Kiểu ý kiến như thế này không ít. Họ không phải là dư luận viên mà là những người Việt bình thường. Tôi không hơi đâu mà tranh luận xem ở Đức cảnh sát có được đánh người đi xem ca nhạc? Hay biểu diễn ca nhạc có phải xin phép hay không? Nhưng tôi khẳng định: Cách bênh vực bạo lực một cách thản nhiên như vậy là bệnh hoạn.

Khỏi bàn đến dân chủ hay cộng sản, đến tư bản hay đế quốc, không cần nói đến quyền nọ luật kia, việc sáu thằng đàn ông lực lưỡng xúm vào đánh một cô gái tàn tật là một hành vi man rợ!

Căn bệnh tôn sùng bạo lực đã khiến nhiều người Việt coi việc đánh, tra tấn, hành hạ người, tước đoạt tài sản của công dân là quyền của nhà nước. Từ anh gác cổng bệnh viện, anh quản lý chợ, ông dân phòng đến ông cảnh sát… ai chẳng là nhà nước? Tất cả họ đều có quyền bắt nạt và hành dân.

Lối suy nghĩ đó ngấm vào đầu những người sống trong xã hội, vì họ nhìn quanh, chỗ nào cũng vậy. Nó biến cả xã hội thành một quần thể khiếp nhược. Quen với lối sống khiếp nhược, người ta đôi khi ác cảm với những người ngẩng cao đầu, vì sợ những người này làm cho người ta phải từ bỏ thói quen khiếp nhược.

Nhưng người đã 30 năm sống ở xứ văn minh, nơi mà bố mẹ cũng không được đánh con thì chắc chắn không phải vì khiếp nhược. Việc họ bênh vực bạo lực chỉ có thể giải thích bằng sự tôn sùng cái ác.

Einstein từng phát biểu: “Thế giới sẽ không bị đe dọa bởi kẻ xấu, nhưng nó sẽ bị đe dọa bởi những kẻ nhìn thấy cái ác mà không chịu làm gì”.

Nay bên cạnh những kẻ vì sợ hãi mà không làm gì còn có vô số những kẻ đứng ngoài cỗ vũ cái ác. Đó chính là thảm họa.

Köln 17.08.2018

Tái bút: Ai tìm giúp được bức ảnh “Con gà ấp trứng trong mũ sắt” của phóng viên VNTTX Đức Như chụp vào quãng năm 1964-1965, thì tôi xin vô cùng cảm ơn.

(Nguồn: Tiếng Dân)

Live show đại chiến

FB Nguyễn Đại

1. Trận chiến

Mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản: nếu chúng nó có phát hiện địa điểm thì chương trình đã diễn ra rồi. Thật lòng mà nói, chúng tôi chỉ lo chúng nó biết địa điểm và đe dọa chủ nhân thôi, chứ khi chương trình đã diễn ra, chúng chỉ vào quay phim lập biên bản chứ không thể phá ngang được.

Về phía chúng nó, mệnh lệnh bên trên đưa xuống là “bằng mọi giá không để liveshow diễn ra”. Không làm được điều đó coi như thua. Tại sao lại có mệnh lệnh này thì tôi xin giải thích cuối bài. Và giờ… 2 bên bắt đầu cuộc chiến của mình.

2. Theo dõi đối tượng

Nhìn thoáng qua, công việc của chúng nó quá đơn giản “chỉ việc xem thằng Đại / Tín đặt quán nào và đe dọa chủ quán” là xong. Chúng làm sao ngờ được, việc đó được giao cho một anh em khác. Chúng tôi chỉ việc nhận thông tin chốt các khâu tiền bạc, thời gian.

Đến tối thứ Hai (13/8), chúng nó bắt đầu sốt ruột và canh gác chung cư chỗ nhà Tín ở. Thật ra, ngay từ chiều hôm đó, linh tính đã mách Tín phải “dạt vòm”. Không theo được Tín, chúng nó chuyển qua tôi.

Trưa thứ Ba, tôi phát hiện ra chúng nó lởn vởn trước công trường. Tôi đoán có 2 khả năng. Một là chúng sẽ theo dõi tôi để dò ra địa điểm, hai là nếu không dò được, chúng sẽ khống chế để tôi không đến được nơi cần đến.

Tất nhiên, tôi không thể chấp nhận thua cuộc. Tôi ở lì trong công trường, chúng nó 7 tên ngồi ngoài. Càng về khuya, 2 bên càng sốt ruột… Khoảng 12h đêm, mệt mỏi, tôi ngồi lướt mạng đọc Tam quốc và tôi vô tình thấy một cách mà Gia Cát Lượng đã dùng. Tôi liên lạc với Tín “em thu xếp đồ đạc, ra chỗ này gặp anh”. Tôi gọi tiếp cho một bạn “đến đón anh ở đây…”.

Tôi thoát ra được và đến Nhà Bè lúc 1h đêm. Tại đây, tôi tắm rửa, đem quần áo đi giặt, phơi khô và mặc một cái quần rộng gấp… rưỡi bụng. Tín có đồ đem sẵn nên trông khá hẳn. Sẵn ưu thế trẻ trung, hắn ngủ ngon lành; còn tôi thì như thường lệ, luôn mất ngủ khi đến chỗ lạ. Một đêm thức trắng…

Chúng tôi ở lì Nhà Bè đến 4h chiều ngày 15/8 thì bắt taxi vô Thành phố. Đầu tiên là đi ngang công trình. Lúc đó là 5h chiều, mọi người bắt đầu về, bọn chúng nó vẫn đang…canh. Chúng tôi vừa buồn cười, vừa yên tâm là chúng chưa biết gì, và biết chúng đang sốt ruột lắm rồi. Đã gần giờ G mà chưa ra địa điểm, cấp trên chắc đang lồng lộn. Chúng càng sốt ruột hơn khi bên cạnh việc theo dõi thì trước đó “mưu hèn kế bẩn” giả vờ mua vé cũng đã thất bại đau đớn. Chuyện là vầy…

3. Mưu hèn kế bẩn (và ngu)

Để tránh tình trạng đặt chỗ xong không tới, chúng tôi yêu cầu quý khách chuyển tiền vào tài khoản trước, đến ngày hôm đó mới nhắn địa chỉ. Thật ra đây không phải chương trình kinh doanh nên chúng tôi đã tính đến việc khi khách tới coi ca nhạc, chúng tôi sẽ trả lại tiền, quý khách chỉ việc trả tiền nước cho quán. Việc yêu cầu chuyển tiền trước chỉ để quý khách có trách nhiệm đi cho đông đủ. Đồng thời, qua vài tin nhắn, đối tượng nào tỏ ra ngần ngừ chuyển tiền trước sẽ bị đặt dấu hỏi (chỉ là đặt dấu hỏi, chứ chưa kết luận).

Có một đối tượng nằng nặc đòi chính tôi giao vé mời và trả tiền mặt. Ra chỗ hẹn, tôi thấy 2 thanh niên chở nhau, tên ngồi trước đeo khẩu trang, tên ngồi sau mặt mũi rất…an ninh hỏi tôi “cho xem vé”. Cầm tờ vé xem thật kỹ, lật trước lật sau hắn hỏi “sao không thấy địa chỉ”. Ka ka. Lộ mặt rồi nhóc ạ “anh đưa tiền đây, tới ngày đó tôi nhắn địa chỉ cho”. Hai thằng thì thầm bàn nhau cái gì đó và chắc do tiếc tiền nên trả lại tôi “vậy hôm đó anh nhắn tôi địa chỉ. Đến đó tôi đưa tiền luôn”.

Một đối tượng khác còn…ngô nghê hơn. Giả vờ nhắn cho mình “chị chuyển tiền rồi, em nhắn chị địa chỉ đi”. Mình kiểm tra tài khoản thì chưa có. Hỏi lại đối tượng thì 2 ngày sau trả lời “hôm bữa chị nhầm, để chuyển lại”. Lại không có! Đối tượng tung chiêu khác “hay em giao vé cho chị đi, chị ở gần chỗ công trình em nè”. Ka ka. Lại lộ mặt chuột rồi, tự nhiên biết mình làm ở đâu mới ghê!

4. Cay cú làm bậy

Khi đã yên vị trong quán rồi (6h00 tối), chúng tôi mới lần lượt bắn tin ra ngoài cho quý khán giả. Tất nhiên, chúng tôi biết rồi chúng nó cũng biết địa điểm thôi, làm sao giấu luôn được. Việc vô tình hay cố ý để lộ thông tin của 1 trong số gần 100 khách là chuyện rất dễ hiểu. Vấn đề là chúng còn phải tốn thời gian để lập thanh tra liên ngành, tập trung lực lượng về P7Q3 v.v.. Đến lúc đó chương trình đã diễn ra rồi… Đúng như vậy, chương trình được gần 60 phút, chúng nó mới kịp giở trò.

Đấu trí thua, không thể thực hiện mệnh lệnh “bằng mọi giá không cho liveshow diễn ra”, chúng nó cay cú lắm. Nói thật, chỉ cần phá được liveshow, mọi người giải tán là chả có chuyện gì xảy ra. Chả ai bị đánh, chả ai bị bắt, và mãi mãi chúng ta không có tự do. “Chúng ta yếu hơn, ít hơn nhưng phải mưu trí hơn chúng nó”, đó là lời tâm sự của mấy anh em.

Việc đánh đập chúng tôi, chỉ có thể là vì cay cú, vì hận, vì nhục nhã. Cả một bộ máy mà để 2 thằng, một thanh niên ca sĩ và một trung niên kỹ sư qua mặt. Đau lắm chứ!

Thế tại sao chúng nó điên cuồng không muốn liveshow diễn ra. Tôi cũng mới tìm ra được lời giải đáp sau ngày đó. Chúng ta hãy coi lại những video clip hay hình ảnh Tín trên sân khấu. Đó là hình ảnh một chàng trai đẹp về ngoại hình, đẹp về nhân cách và đẹp về tài năng.

Vâng, chân dung một thằng phản động là như thế đấy, và hình ảnh đó sẽ lan tỏa trong quần chúng. Chúng nó không thể chấp nhận được những điều đó. Chúng không dám chấp nhận sự thật!

Bài Mới Nhất
Search