T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Những kẻ hoang tưởng


Hôm nay, 10 tháng 9 . Bỗng dưng tôi lại nhớ ngày tháng. Hình như lý do không phải vì hôm nay là sinh nhật của tôi. Sinh nhật của một anh gìa vô tích sự thì có gì đáng phải nhớ. Nhưng tôi cũng chớp chớp mắt cảm động vì người đầu tiên gởi lời chúc mừng sinh nhật đến tôi lại là của một vị độc giả chưa bao giờ biết mặt . . . nhau. Điều này tuy thật ấm lòng cho một người vốn không quen lắm với những hình thức sinh nhật sinh nhiếc nhưng nó không phải là lý do cho tôi viết những dòng ghi chép này.Hôm nay, 10 tháng 9, có nghĩa là ngày mai 11 tháng 9, kỷ niệm 9 năm ngày quân khủng bố Hồi giáo cướp 2 chiếc máy bay dân sự rồi đâm thẳng vào tòa nhà World Trade Center ở New York gây thiệt mạng cho hơn 3 ngàn người dân vô tội. Trong khi đó, bọn chúng cũng cướp một chiếc máy bay thứ 3 tấn công tòa nhà Ngũ Giác Đài ở Hoa Thịnh Đốn.

9 năm đã qua, thủ phạm chính của vụ khủng bố ấy vẫn chưa bị bắt, nỗi đau của người thân những nạn nhân có thể vẫn chưa nguôi ngoai, nhưng cuộc sống vẫn cứ trôi về phía trước. Vùng đất trước đây tọa lạc tòa nhà World Trade Center, sau khi sụp đổ đã biến thành mồ chôn tập thể những nạn nhân của một tội ác khó tha thứ trong lịch sử nhân lọai. Người ta gọi vùng đất ấy là Ground Zero.

Gần đây, những người Hồi gíao Hoa Kỳ dự định xây một ngôi đền ở ngay gần bên khu Ground Zero. Qủa là một quyết định “nhậy cảm” (sensitive). Sự kiện 9 tháng 11 là một vết thương rất sâu, nó tạo nên một ấn tượng rất đáng tiếc trong tâm lý người Mỹ về hình ảnh người Hồi giáo trên thế giới, dù rằng những người theo đạo Hồi ôn hòa chẳng có gì liên quan đến hành động độc ác của một thiểu số cực đoan ấy. Luật pháp Mỹ cũng không hề ngăn cấm việc xây một ngôi đền Hồi giáo bên cạnh Ground Zero, mồ chôn tập thể của những nạn nhân vô tội của một thiểu số Hồi giáo cực đoan.

Câu hỏi được đặt ra: tại sao lại dựng một ngôi đền Hồi Giáo bên cạnh một tượng đài kỷ niệm tội ác của một nhóm những người theo đạo Hồi? Không có một chỗ nào khác trong thành phố New York mênh mông để làm công việc ấy sao?

Cũng không thể không nói đến một nhà thờ Thiên chúa giáo nhỏ ở Florida với số giáo dân chỉ khỏang 50 người và vị chủ chiên là một mục sư rất quá khích. Họ dự trù sẽ đốt kinh Quran (thánh kinh của người Hồi giáo) để kỷ niệm ngày 9 tháng 11.

Trong thời đại Internet, mọi chuyện lớn nhỏ xấu tốt lan nhanh như . . . điện (mà điện thật). Cả thế giới xôn xao, nhất là thế giới Hồi Giáo. Họ xuống đường biểu tình phản đối, dù viên mục sư này chỉ sở hữu một công đòan nhỏ bé với 50 giáo dân và dự định của ông bị hầu hết công luận Mỹ lên án. Đích thân viên tướng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Afganistan cảnh cáo rằng nếu hành động đốt kinh Quran xẩy ra, sự an ninh của người Mỹ trên khắp thế giới và nhất là quân đội Mỹ đang tham chiến ở Afganistan, ở Iraq sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Đích thân Tổng thống Mỹ Obama lên tiếng không tán thành việc làm này.

Luật pháp Hoa Kỳ cũng không cho là vi phạm luật về hành động đốt kinh sách bất cứ một tôn giáo. Đây là nước Mỹ, xứ sở của mọi thứ quyền tự do mà con người có thể hưởng.

Những kẻ mắc bệnh hoang tưởng không thiếu trong thời đại này. Viên mục sư ở thành phố Gainesville nhỏ bé thuộc tiểu bang Florida có lẽ cũng chỉ là một kẻ hoang tưởng mới nổi muốn gia nhập hàng ngũ những kẻ muốn được cả thế giới biết đến mình với bất cứ gía nào, bất cứ phương tiện nào, kể cả xấu xa độc ác.

Viên mục sư biện minh cho dự định của mình “không phải tình thương cũng không phải thù hận” mà chỉ là một lời cảnh cáo cho những phần tử Hồi giáo quá khích đang muốn đe dọa cả thế giới. Thêm một vấn đề “nhạy cảm”. Hành động ấy, nếu xẩy ra, chắc chắn sẽ biến cả thế giới Hồi giáo, người chân chính cũng như kẻ quá khích, thành kẻ thù của người Mỹ. Không ai lường được hậu quả của nó, nếu người ta chịu khó nhìn lại nhiều sự kiện liên quan đến thế giới Hồi giáo mấy chục năm qua.

Cũng may, cuối cùng ông ta nhượng bộ, tuyên bố tạm hõan thi hành ý định ấy.

Thế giới chúng ta đang sống tuy bao la mênh mông nhưng cũng chỉ như một khu láng giềng nhỏ bé nhờ vào sự phát triển vượt bực của khoa học kỹ thuật. Một tiếng khóc bật ra là có ngay những sự đồng cảm an ủi. Ngược lại, một hành động điên cuồng của những kẻ mắc bệnh hoang tưởng cũng làm cho thế giới rúng động.

Liệu chúng ta có nên tập làm ngơ trước những hành động điên khùng ấy không? Bởi vì, càng được chú ý, những kẻ hoang tưởng càng bị kích thích làm tới.

T.Vấn

10 tháng 9 năm 2010

T.Vấn© 2010

Bài Mới Nhất
Search