T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Những suy nghĩ về một thảm kịch

clip_image002

Viết thêm của tác giả:

Ngày 11 tháng 9 năm 2001, khi thảm kịch khủng bố xẩy ra, tôi đã viết vội những xúc cảm của mình với tâm trạng của người “chẳng may sống sót sau một cơn hồng thủy” để chia sẻ với những bạn hữu cùng tâm trạng. Nhiều năm sau ngày khủng khiếp ấy, tôi vẫn chưa hòan hồn và vẫn chưa đủ can đảm đối diện với ý nghĩa đích thực của sự khủng khiếp ấy. Sự mong manh của cuộc sống và sự độc ác của con người, từ cuộc chiến tranh 30 năm trên đất nước tôi đến cuộc chiến tranh khủng bố trường kỳ hiện nay, vẫn là những nỗi ám ảnh theo với tôi đến những ngày cuối cùng.

Hôm nay, 8 năm sau ngày bi thảm ấy, giữa một nước Mỹ vẫn còn bị chấn thương cân não, tôi đọc lại những gì mình suy nghĩ 8 năm trước. Lạ thay, hình như tôi mới vừa viết xong bài này lúc nãy, trước khi bước vào phòng hôn hai đứa con đang say ngủ.

T.Vấn

11-09-2009

Điều tưởng như mặc nhiên

Như thường lệ, sáng nay, vợ chồng chúng tôi hôn nhau tạm biệt. Nàng vội vã lên xe đến sở làm cho kịp giờ, sau khi đã ôm hôn hai con đang ngồi ăn sáng ở trong bếp. Còn tôi, xem lại bài vở, cặp sách các con rồi cũng đưa chúng ra xe đến trường. Và như thế, chúng tôi chia tay nhau. Hẹn gặp lại vào cuối ngày, khi tất cả mọi người đã làm xong bổn phận của mình. Tối nay, gia đình chúng tôi lại quây quần đầy đủ bên bàn ăn như mọi khi. Nhưng khác với mọi ngày, các con tôi không tíu tít nói đủ thứ chuyện trong trường nữa. Vợ tôi không còn càu nhàu vì cái áo bẩn sao anh cứ vắt ở trên ghế thế. Mặc dù, hôm nay tôi đã để cả áo bẩn lẫn vớ bẩn lên bộ Sofa trắng tinh trong phòng khách. Vợ chồng con cái chúng tôi lặng lẽ ăn cho xong bữa cơm chiều. Và mắt dán vào màn ảnh ti-vi. Một thảm kịch vừa xảy ra cho nước Mỹ. Quê hương thứ hai của chúng tôi. Đất nước đã cưu mang chúng tôi trong những ngày cơ cực nhất. Bọn khủng bố đã sử dụng phi cơ chở hành khách như vũ khí đâm vào tòa nhà Ngũ Giác Đài, bản doanh bộ chỉ huy quân đội Mỹ, nơi hàng ngày có vào khoảng 24 ngàn người đến làm việc. Chúng cũng sử dụng hai chiếc phi cơ chở hành khách khác đâm thẳng vào tòa nhà thương mại thế giới tọa lạc tại thành phố Nữu-Ước. Nơi hàng ngày có khoảng 50 ngàn người đến làm việc và khoảng 100 ngàn khách du lịch ghé qua. Một tòa nhà với hai ngọn tháp song sinh cao 110 tầng, trụ sở của hàng trăm cơ sở thương mại lớn nhất nước Mỹ và thế giới. Nhìn tòa nhà khổng lồ này từ từ đổ sụp xuống giữa đám khói lửa mịt mùng mà chúng tôi không thể tin ở mắt mình. Hàng ngàn con người đã vùi thây trong đó. Hàng ngàn con người, sáng nay, cũng như gia đình chúng tôi, hôn nhau tạm biệt, vội vã đến sở làm và hẹn sẽ gặp lại nhau vào cuối ngày. Nhưng hàng ngàn người vợ, người chồng, người cha, người mẹ, người con, người anh, người em, người chị ấy tối nay đã không trở về nhà với chồng, với vợ, với con, với cha, với mẹ, với anh, với chị, với em như đã ước hẹn trong buổi chia tay sáng nay. Họ tưởng ngày hôm nay rồi cũng qua đi đều đặn như ngày hôm qua.Tất cả chúng tôi đều tưởng như thế. Nhưng ngày hôm nay không hề giống ngày hôm qua. Mãi mãi từ nay về sau, những gia đình bất hạnh ấy sẽ không bao giờ có được ngày hôm qua nữa. Và chúng ta cũng thế, những gia đình may mắn của hôm nay, có lẽ cũng sẽ không bao giờ có được ngày hôm qua an bình. Ít nhất là trong tâm thức. Chúng tôi ngồi đó, trong phòng khách an bình, ở một đất nước mà chúng tôi tưởng là an bình. Các con tôi ngồi đó, nước mắt lưng tròng. Vợ chồng chúng tôi ngồi đó, cứng đờ người vì xúc động. Và chúng tôi cảm thấy yêu nhau hơn khi còn sờ thấy nhau, còn thấy hơi ấm tỏa ra từ thân thể nhau mà bấy lâu chúng tôi mặc nhiên coi như là của nhau. Các con tôi ngồi đó, khỏe mạnh và xinh đẹp. Chúng tôi mặc nhiên hưởng cái hạnh phúc làm cha làm mẹ. Các con tôi mặc nhiên hưởng sự yêu thương của bố mẹ. Có phải mọi chuyện đều mặc nhiên nhự vậy không? Chúng ta đang sống trong một thế giới thật mỏng manh và dễ vỡ. Chúng ta không chấp nhận thực tại này hay chúng ta giả vờ rằng mọi chuyện đều sẽ ổn cả thôi! Không, cho đến sáng ngày hôm nay, những điều tưởng chừng như mặc nhiên nhất, đối với hàng ngàn gia đình, đã không còn là điều mặc nhiên nữa. Ảo tưởng đã tan vỡ.

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này

clip_image004

Trong thời đại siêu xa lộ thông tin này, thế giới thật nhỏ bé. Ngồi trong phòng khách an bình của mình, nhìn những cảnh xảy ra trên màn ảnh nhỏ mà như đang chứng kiến cái thảm kịch của người hàng xóm. Tôi nghe thấy những tiếng khóc thảng thốt. Tôi nhìn thấy những khuôn mặt méo xệch vì nỗi đau xé lòng. Tôi nhìn thấy những đôi mắt thất thần vì vừa trải qua một khoảnh khắc kinh hoàng nơi địa ngục. Như bất cứ người Việt Nam nào đã từng kinh qua cuộc chiến ba mươi năm tàn khốc, khi nhìn thấy cảnh tượng xảy ra tại thành phố Nữu-Ước, tôi lại liên tưởng đến cuộc chiến tranh của riêng đất nước mình. Cũng chết chóc, đổ nát. Cũng đau đớn, tan hoang. Không chỉ một ngày mà là gần mười ngàn ngày. Những tưởng rằng sẽ không còn những chết chóc, đổ nát, những đau đớn, tan hoang. Những tưởng rằng loài người sẽ trở nên nhân hậu hơn sau một thời gian dài đối đầu thù địch như dã thú. Và nỗi đau ba mươi năm chiến tranh Việt Nam lại nhói lên cùng với nỗi đau của nước Mỹ trong ngày mười một tháng chín năm hai ngàn lẻ một này.Đâu đó trên màn ảnh truyền hình tôi thấy những người Palestine ăn mừng nhảy múa trên những xác người giữa một Nữu-Ước đổ nát hoang tàn. Đâu đó trên màn ảnh truyền hình tôi loáng thoáng nhìn thấy một người trang phục theo lối Ả-Rập đang hùng hồn nói về những cái chết của đồng bào ông từ bao nhiêu năm nay, về cuộc chiến tranh bị nguyền rủa với ước mơ một ngày về đất hứa. Ông than phiền rằng tại sao cả thế giới thương xót những người dân Mỹ chết ở Nữu-Ươc, chết ở D.C. mà không ai nhỏ giọt lệ nào cho dân tộc ông, đồng bào ông cũng đang ngã xuống hàng ngày. Phải chăng chỉ có người Mỹ mới là con người, còn đồng bào ông không phải là con người, ông hỏi. Có lẽ ông không biết rằng, cả thế giới đang nhỏ lệ khóc thương không phải chỉ cho những nạn nhân của một tấn thảm kịch tàn khốc mà còn cho những giá trị nhân bản chung của toàn nhân loại đang bị đè nát dưới đống gạch vụn của tòa tháp sinh đôi. Ôi Bạo Lực! Ôi mắt trả mắt! Ôi răng đền răng! Nhưng mắt của ai? răng của ai? Người ta không thể nhân danh nỗi đau khổ của mình để buộc người khác phải chịu đựng cùng một nỗi đau khổ.

Chỉ có sự nhân hậu mới cứu rỗi được thế giới này

clip_image006

Cả thế giới chết lặng khi chứng kiến tận mắt chiếc phi cơ chở đầy hành khách được dùng làm vũ khí đâm thẳng vào tòa nhà chọc trời, nơi có hàng chục ngàn con người đang cặm cụi làm việc để dựng xây thế giới. Chỉ có lòng thù hận hoặc sự sùng bái tin tưởng mù quáng mới sai khiến được con người phạm vào tội ác lớn lao dường ấy. Chúng ta đã chứng kiến tận mắt sức mạnh của những thế lực đen tối trên mặt đất không hoàn hảo này. Và vì thế giới chúng ta đang sống không bao giờ là một thế giới hoàn hảo, nên đã nẩy sinh ra những tội ác. Nhưng cũng nhiệm màu làm sao, từ những tan hoang, đổ nát , chết chóc, tôi vẫn thấy con người hiện ra sừng sững. Cái con người mang tính bản thiện, mang hình ảnh Thượng Đế xuống trần gian để cải tạo trần gian. Để giúp con người nhận chân được rằng, dù thế gian này không hoàn hảo nhưng là nơi duy nhất xứng đáng để vinh danh con người. Những con người sừng sững mà tôi muốn nói đến đây là những người lính cấp cứu thuộc Sở Cứu hỏa thành phố Nữu-Ước. Những người cảnh sát thuộc Sở Cảnh sát thành phố Nữu-Ước. Là những con người vô danh, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để bảo vệ mạng sống những người khác. Là những con người nhân hậu, yêu người khác như chính bản thân mình. Đó là những bông hoa đẹp nhất trong những bông hoa đẹp nhất của nhân loại nở giữa cái xấu xa nhất trong những cái xấu xa của nhân loại trong cái ngày đáng nhớ nhất trong những ngày đáng nhớ của nhân loại.

Người ta đang xưng tụng họ là những anh hùng. Không, những con người đang xả thân mình để cứu giúp những nạn nhân vô tội của một tội ác điên khùng không phải là những anh hùng. Tôi đã quá khốn khổ vì những anh hùng. Đất nước tôi đã quá khốn khổ vì có quá nhiều những anh hùng. Tôi muốn gọi họ là những Con Người Nhân Hậu. Chữ Con Người viết hoa. Chữ Nhân Hậu viết hoa. Thời đại chúng ta đang sống không cần những anh hùng nữa. Hãy để những anh hùng an nghỉ với lịch sử. Chúng ta cần sự nhân hậu. Vì Chỉ Có Sự Nhân Hậu Mới Cứu Rỗi Được Thế Giới Này. Cái thế giới đang tự thiêu hủy chính nó vì hận thù. Cái thế giới bất toàn vì bạo lực. Cái thế giới bé nhỏ vì tưởng mình có thể thay quyền Thượng Đế. Ôi làm sao cắt nghĩa được điều không thể cắt nghĩa nổi ?

Xin chắp tay nguyện cầu

clip_image008

Khổ đau chồng chất đã làm khô kiệt những tuyến nước mắt. Tôi chẳng có gì để khóc nữa. Tất cả đã đổ ra cho ba mươi năm chinh chiến người chết từng giờ trên đất nước thứ nhất của tôi. Cho mười lăm năm gian khổ nhục nhằn lênh đênh trên sóng biển tìm đến bến bờ tự do của đồng bào ruột thịt của tôi. Tôi chẳng còn gì để nhỏ xuống khóc thương cho nỗi đau của đất nước thứ hai của tôi nữa. Tôi cảm thấy mình có lỗi khi không thể khóc được. Tôi cảm thấy mình có lỗi khi không thể làm gì được cho những người ra đi mãi mãi ngày hôm nay.

Chỉ xin được đốt nén hương lòng, nguỵện cầu thế giới bình an, nguyện cầu lòng người bình an, nguyện cầu lòng tôi bình an.

Wichita 11-09-2001

©T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search