T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : bão hoà…

clip_image002

Khói Lam Chiều – Tranh : Mai Tâm

Bất chợt một chiều hè cây yên gió lặng, cái nóng bớt dần theo mặt trời lặn được chút ít. Nhà ai đốt đồng phía xa xa, làn khói mỏng vươn lên trời cao như dải lụa. Nhưng cái buồn không sợ thời tiết cứ âm ỷ trong lòng. Nói theo Xuân Diệu là, “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”? Tôi cố phân tích càng thấy mình giả dối vì cứ gần chạm được tới câu trả lời thì lại mất dấu… hay né tránh. Nên tôi vẫn không hiểu lòng buồn vì những chuyện buồn cứ như qủy ám; hay buồn vì sợ mất nỗi buồn thì thành đười ươi, mới thật là buồn.

Bất chợt điện thoại reo, tên người gọi là anh bạn đã lâu lâu không gặp…

“Trời ơi! Hên quá! Ông bắt điện thoại… thiệt là hên. Ở đây (trên farm của tui chứ không phải ở nhà tui), hiện có bảy người thì sáu người là bạn ông; thiếu người thứ bảy… là ông!”

“Sắp tối rồi cha nội, tôi không không lên farm của ông đâu. Mai còn đi làm.”

“Không được đâu! Không có ông là không xong…”

“Mà chuyện gì?”

“Tụi tui bắt được con rắn… bự như cây cột đèn! Dài bằng từ dưới đất lên tới cái bóng đèn…”

“…Con rắn hình vuông hả cha nội?”

“Tui nói thiệt đó! Không có ông thì ai giải quyết chuyện củi lửa. Thương anh em chút đi mà… làm ơn đi. Please!”

“Tối tới rồi, làm sao đi chợ…”

“Thì, thì… cây nhà lá vườn của ông. Ngoài ông, anh em có ai đủ tài tùy cơ ứng biến…!”

“Thôi. Xạo quá đi! Mấy ông thui, mổ, rửa sạch sẽ cho tôi, là tôi tới… Xa chết mồ.”

“…Công nhận ông dễ dụ thiệt!”

“…”

Đường lên farm của ông bạn tôi cũng như bao con đường làng xứ Mỹ. Nhưng tôi nhớ một người bạn đã qua đời. Những ngày cuối đời, anh lên farm chơi lần cuối nên đi chung xe với tôi để khỏi lái. Người quá cố đã tả, “… thằng hám gái đi mua farm cũng khác người. Để chút tới nơi, tôi nói cho anh em biết: Đường lên farm của nó, qua đoạn rừng rú như lông Mỹ lại đến những ngọn đồi bạt ngàn như ngực Mỹ, mông Mỹ là mấy cái hồ mênh mông…”

Tôi hài lòng với mình trong quyết định nhận lời lên farm với bạn bè vào cái giờ… làm khó ngày mai dữ lắm, vì biết chừng nào về, làm sao đi làm nổi. Nhưng nhớ tới người bạn đã qua đời cũng là bất chợt hôm đó, anh chủ farm không rủ anh em lên farm nhậu ở truồng, mà hớt hải báo tin… Hình như người ta đến lúc sắp mất hết là lúc sợ hãi nhất; nhưng khi không còn gì thì dí dỏm, vui vẻ, như anh bạn đã qua đời… Những ngày cuối đời anh là bài học qúy giá mà tôi học được từ bạn bè. Đơn giản là bác sĩ chê, chuẩn đoán khoa học tân tiến của xứ Mỹ cho anh ba tháng thì anh chơi xả láng ba tháng cuối đời…

Tôi suy đi tính lại chắc mình đúng! Giờ này, nơi xa phố thị, không thể ngược đường về khu Việt nam để đi chợ. Tôi ra sau hè nhổ bụi sả, vô nhà trút ít đường, muối, tiêu vô chung cái ly togo – thế là lên đường… bất chợt.

Phải lái xe cả tiếng mới tới farm của ông bạn. Mùa hè nơi thôn dã dễ thấy hơn ở thành thị nhờ mùi khói đốt đồng vào những ngày lặng gió. Chẳng có cây phượng nào ở ven đường như làng quê bên Việt nam. Nhưng mùa hè ở nhà quê Mỹ là những đứa trẻ trai mặc quần bơi, ở trần; những đứa bé gái mặc đồ tắm như ở hồ bơi… rồi chúng chơi xịt nước vòi với nhau trước sân nhà. Hay vài đứa trẻ đi chơi nước ở nhà hàng xóm về, chúng quấn mình trong những chiếc khăn lông to… À! Mùa hè ở Mỹ là màu sắc sặc sỡ của những chiếc khăn tắm, tiếng líu lo của bọn trẻ không còn vướng bận sách đèn… Thì ra. Bất chợt một hôm nào người ta sẽ tự hiểu được cảm giác không vui trong lòng vì mùa hè sặc sỡ, líu lo đã bặt tăm trong dĩ vãng mù khơi; khi mọi người được vui mà một người không còn gì để vui… thì đó là buồn.

Nhìn những đứa trẻ quấn khăn tắm, líu lo trên đường làng. Không biết nghĩ cho chúng hay nghĩ cho tôi… bất chợt một hôm nào, ngồi nắn nót lá thơ, trải lòng ngây ngô lên trang giấy học trò. Sau đó, gấp phong thơ bằng hết mấy năm trời học hình học phẳng, sao cho khít khao với đợi chờ. Nhưng phong thơ dần dà quăn góc trong túi quần, túi áo mà lòng thì chơi vơi theo áng mây qua, vạt lục bình trôi không biết về đâu, ghe hoa lục tỉnh cặp bến Sài Gòn báo xuân sang… Mùa xuân năm ấy đến thật gần, đêm xuân thơm thoảng hương ngọc lan ngoài cửa sổ thổn thức, nhưng những cơn mơ về sáng vụt bay theo ánh sao hôm. Chợt nhớ đến phong thơ tình ngây dại trong ngăn tủ còn đây thì cơn mưa vào hạ đã đỏ sân trường, “màu hoa phượng vĩ như máu con tim…” thôi đành. Phong thơ tình ngây dại khép lại chuyện hẹn hò, lặng lẽ một mình trong quán vắng. Bật quẹt.

Bất chợt một hôm nào, từ chân trời góc biển, phong thơ còn lạnh giá băng tan. Lời chúc xuân gởi về căn gác gỗ, đèn dầu. Nét chữ thân thương chỉ còn thương thân, con dấu bì thư xa muốn khóc. Phong thơ tình ngây dại như bàn tay che được mặt trời, vói qua đại dương. Đại dương hoài mênh mông, mặt trời không nhỏ lại. Bàn tay nhớ bàn tay, rải mấy cung buồn. Ngày tháng như dấu lặng trên dòng kẻ. Phong thơ gấp lại, căn gác đìu hiu…

Bất chợt một hôm nào, trong hành tung bất định, gió chướng, nắng hanh hao vàng, ngồi lên nỗi nhớ một quê xa, nhớ thời gấp phong thơ sao mà dễ thương. Hình như ai cũng đã từng ngồi gấp một phong thơ tình ngây dại, để từ đó về sau, chỉ còn những phong thơ nhọc nhằn: Xin xỏ, từ chối, trách móc, than van… Những phong thơ trần thế làm cho khối óc lớn lên bao nhiêu thì trái tim nhỏ lại cũng ngần ấy. Hết rồi, những phong thơ trắng muốt, thẳng thớm như người gởi; trân trọng như người nhận… Từ đó, khó tính hay vui nhộn thì lịch sự cũng đi đầu trong giao tiếp xã hội. Nhưng con người không được tôn trọng trong một xã hội không tôn trọng đạo lý, văn minh,… người ta gởi đến nhau những phong thơ trần trụi, thô lỗ nhiều hơn trần tình, xẻ chia, “phải thi hành, phải đóng góp, phải thực hiện…” Sống trong xã hội bắt đầu bằng chữ “phải” nên người ta “phải” bỏ nước ra đi.

Những người mang nặng tư tưởng phương đông bỗng trở thành thường trú nhân ở phương tây. Nên lại bất chợt một hôm nào, ngồi đọc lá thơ viết tay trong thời đại gõ phím. Lòng mềm xuống, hết muốn đua chen, mắt không nhìn đồng hồ. Thời gian lắng đọng như cái phong thơ thẳng thớm muôn đời. Người ta chứa đời nhau trong cái phong thơ vô tội, “cảm ơn, nhớ nhiều, ước gì, mong gặp…” Những từ ngữ đẹp đẽ như từng nhát dao cứa vào “vô ơn, bạc bẽo, thất hứa, mau quên…” Bao nhiêu thành bại có nghĩa gì không? Những đổi dời, thời gian, ngậm đắng.

Bất chợt một hôm nào, thấy mình đã chết sao còn thở ở cái xứ sở văn minh này, là cầm tấm check trần từ tay ông chủ vô học nên không có phong bì.

Bất chợt một hôm nào, nằm vùi sau mấy ngày cảm cúm. Hôm trở dậy nổi thì tự hỏi ai trong gương chải đầu, những sợi tóc trắng từ đâu tới…? Những phong thơ nhập nhòa đầy ắp trên bàn viết, chúng phẳng phiu hơn cả sự thẳng thớm là thẳng thừng, cái nào phải thanh toán ngày nào là hạn chót; cặp kính lại đòi tiền thay tròng sau mấy ngày chủ nằm liệt giường…

Bất chợt một hôm nào, phong thơ không đợi lại đến tình cờ. Chính là phong thơ tình ngây dại của cuộc tình quá dài mà không đi đến đâu. Ngồi nhớ những hẹn hò cuống quýt, thì đã… trên lối xưa thiên đàng.

Bất chợt không còn nữa khi khái niệm về thời gian đã miên viễn…

Là bất chợt trong đời. Cuộc gọi vừa rồi của ông bạn là bất chợt may nên tôi đã có mặt để hầm cho mấy ông bạn một nồi rắn hầm sả. Rồi tôi về ngủ vì ngày mai còn đi làm sớm. Có lẽ đã tới lúc không bỏ qua những bất chợt may; để không quá tiếc nuối khi bất chợt buồn xồng xộc nhảy vào điện thoại với tin một người bạn nào đó vừa qua đời. Khi đã hiểu ra những bất chợt trong đời đã qua sẽ không bao giờ trở lại… hình như trạng thái vui-buồn cũng bão hoà.

Phan

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search