T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: Đôi điều về tác giả Ngân Bình

clip_image002

 

Có lẽ tôi không bao giờ quên chị và tờ Ca Dao Magazine từ hôm… trời cũng cuối năm như khi ngồi viết những dòng này. Tôi còn rong ruổi ở Plano với nghề delivery pizza sau khi mất việc ở hãng. Chị Ngân Bình đã gọi tôi, “Phan ơi! Chị tính cho những bài viết của Phan đi thành chuyên mục trên Ca Dao Magazine từ số tới. Nhưng không biết đặt tên gì cho chuyên mục của Phan. Phan có ý kiến gì không?” Chị ngập ngừng làm tôi mừng hụt là chị trả tiền nhuận bút cao lắm nghe Phan, em đừng từ chối chị nha…! Nhưng nghĩ ch?i v?y thơi! Chị Hai tôi nói: “Đã thành chuyên mục là phải viết hàng tuần nghe em… mày cứ đi chơi miết!” Đầu tôi nghẻo sang một bên để kẹp cái phone -đang nói tiếng Việt với chị Ngân Bình; chêm những câu tiếng Anh vớ vẩn với thằng “Cội rễ”. Ai dè, về tới tiệm thì tên chủ người Ý, đuổi việc tôi luôn. Vì vị khách hàng Mỹ đen khó tính đã gọi ông chủ Ý than phiền về tên driver. Sau đó, tôi có gặp lại ông chủ Ý ở cây xăng. Ông hỏi tôi: “Deli sea food không khá sao còn mua vé số?” Tôi chỉ cười mafia với ông, “Tao trúng số là sang tiệm pizza của mày!” “Tiệm tao xuống lắm rồi! Tao tính chạy lên Frisco… mày còn muốn sang làm gì?” “Vậy thì thôi. Tao chỉ tính sang tiệm pizza, để đuổi mày trước tiên!” Đó là kỷ niệm thứ nhất với chị Ngân Bình. Một kỷ niệm treo nồi nhớ mãi. Mất việc lần đầu ở Mỹ thì sợ lắm, nhưng lâu rồi đời mình cũng quen. Huống chi đã tỏ đường đi lối về với đạo quân deli ở Plano, vì anh em kết nghĩa trên từng cây số, thiếu gì hàng chạy mà phải lo. Chỉ trừ gái gọi là hơi phiền, vì deli cái gì mà khách hàng không ưng thì chở về cho chủ hàng, lính chạy vẫn ăn tiền deli không thương tiếc, chia buồn gì ráo. Chỉ deli gái gọi mà bị khách hàng từ hối thì mất cả chì lẫn chài, vì hàng không có chủ! Nhưng mất mối deli pizza mà có được một chuyên mục của mình trên trang báo thì không lỗ. Thằng con của nợ của tôi ra đời mang tên “Chuyện Vỉa Hè” trên Ca Dao Magazine là đổi mất một job deli pizza chớ giỡn sao! Và xui luôn từ dạo ông “Bước thời gian -T.Vấn” ở Kansas, sau khi đọc chuyện vỉa hè đã đặt luôn cho tôi cái tên “Phan Vỉa Hè” mà cho đến hôm nay tôi vẫn còn phải giải thích với độc giả muôn phương khi đi đây đi đó… Mới tức thì, có người chào Phan Vỉa Hè trong nhà hàng Thanh Thanh-Arlington, thì bác sĩ Nguyễn Ý Đức nói nhỏ: Hôm nào anh giải thích cho tôi nghe về cái tên Phan Vỉa Hè. Vì tôi nói đến anh lúc không có anh, có người đã hỏi tôi có phải Phan mà bác sĩ nói là Phan Vỉa Hè, không?” Duyên nợ với Ca Dao và ông Bước Thời Gian còn chưa tính sổ. Đêm nay lạnh về cho tâm tư chùng xuống với ngày tháng cũ. Nhớ Chuyện Vỉa Hè với tháng ngày vui. Nhớ chị Ngân Bình với những trang viết trên Ca Dao Magazine một thời đã qua. Nhưng những dòng viết trên Ca Dao ngày ấy như còn hoài trong độc giả muôn phương khi đi đâu, nghe độc giả thăm hỏi Ca Dao và chị Ngân Bình. Phải chăng chất sống trong văn chương, ngoài những từ ngữ bóng bẩy, văn phong lả lướt… thì lời bình dị như đời thường có chỗ đứng riêng. Những câu văn nói trong văn viết của Ngân Bình làm cho người đọc quên đi biên giới của người cầm quyển sách, báo – với nhân vật trong truyện; sự hoà quyện, nhập vai vào tác phẩm từ ngôn ngữ đời thường. Làm cho người đọc gần gũi hơn với tác giả và tác phẩm… như: “Mình sững sờ đứng dừng lại một cách đột ngột. Cô Chi đẩy lưng mình, bước tới trước. -Con nhỏ này!… sao khi không “thắng” bất tử vậy?”- Trích: Một đời tương tư. Từ “thắng” dùng cho xe đã được vận tả hành động cho người. Bật lên tiếng cười ý nhị như thực trong đời. Người ta thường nghiêm trang khi cầm cây viết và ngồi trước tờ giấy trắng nên chữ nghĩa căng thẳng! Thì Ngân Bình lột xác vào nhân vật để bật lên những thầm kín riêng mang mà không dễ ai cũng nói ra được! Thử đọc lại một đoạn trong truyện ngắn “Hãy đưa em đi”. Câu chuyện của ba người ngang trái vì chiến tranh không phải hoà bình trên quê hương cũ. “Cuộc tương phùng không biết nên vui hay nên buồn này, tưởng sẽ long trời, lở đất khi anh chồng đã hiểu được tận cùng ý nghĩa của hai chữ thủy chung mà người vợ yêu dấu của anh, ngày trước vẫn viết trên từng lá thư. Nhưng không, sau một thoáng bối rối, Tại cúi đầu, nhặt cái túi xách vừa rơi xuống đất, giọng khẽ khàng: -Thôi tôi đi! Khâm kéo tay bạn lại: -Người đi là tao… chứ không phải mày! Dùng dằng đi đi, ở ở, nhưng không có chân của người nào bước tới. Lệ ngồi đó, mắt đã hết tròn, da đã thôi tái. Cô nhìn chồng trước, rồi nhìn chồng sau, cái nhìn nào cũng quyến luyến, thiết tha. Hai người đàn ông đứng yên chờ đợi. Cuối cùng, lời phán quyết đã thoát ra từ đôi môi còn màu son đỏ chói: -Không ai đi hết…” Trích đoạn trong chuyện người chồng lính mất tích trong chiến tranh. Người bạn của chồng thực hiện lời nhắn gởi trước đó, “Nếu tao chết trận thì nhờ mày chăm sóc vợ tao.” Chuyện người đàn ông nào chăm sóc vợ bạn mà không phát sinh tình cảm, vì tâm lý hụt hẫng của người được chăm sóc sẽ dễ biến lòng biết ơn thành tình cảm sâu đậm. Và người thay bạn không may để chăm sóc người vợ bạn bơ vơ trước dòng đời nghiệt ngã của goá phụ thơ ngây thì bao giờ chả hết lòng. Họ thành vợ chồng trong tình cảm chân thật hơn cả những vợ chồng đến với nhau sau tìm hiểu, vì họ đã đến với nhau trong chia sẻ. Như bạn nhậu có chỗ ngồi trong lòng mỗi lưu linh, trong khi bạn hãng xưởng cùng lắm chỉ có chỗ đứng trong nhau là vậy! Tâm lý nhân vật rất thật, thật đến cảm động người đọc – cứ nghĩ như chuyện của mình. Chính mình cũng không muốn rời xa người vợ đã chia chung nhiều đau khổ. Chính mình cũng không muốn phụ lòng bạn bè. Người vào vai ác lại là người đáng thương hơn đáng giận -là người vợ lính. Người phụ nữ trong chiến tranh và ngục tù. Tâm lý từng nhân vật diễn biến tự nhiên giữa ích kỷ bản năng và những ràng buộc xã hội cũng như đạo lý làm người. Mỗi người thể hiện ra hết bản năng trong kềm chế của lòng tự trọng của những người tử tế. Người đọc đau chung với cái đau thời thế tạo ra éo le, trớ trêu cho con người. Nhưng từ đó bật ra xử thế nhân bản, là tinh túy trong văn xuôi Ngân Bình. Câu chuyện diễn theo lẽ thường khi người chồng cũ trở về. Người bạn chồng cũ đã là chồng mới, đã khẳng khái nam nhi, “Người đi là tao… chứ không phải mày!” Trong khi người chồng cũ – lẽ thường là đấm vỡ mặt thằng bạn mà mình đã tin tưởng gởi gấm vợ con, khi mình đời lính biết lên bàn thờ lúc nào. Nhưng người lính có sỏi đá mới thấm nghĩa nhân sinh, “Thôi tôi đi”. Ba chữ nhẹ nhàng, nhưng nói lên hết được sự thấu hiểu cho bạn, cho vợ. Đặc biệt từ “thôi” cho mình vừa thê thảm, chấp nhận định mệnh; vừa bao dung, khả kính hơn ngàn lời hoa mỹ đầu môi chót lưỡi… Hệ lụy chuyện đời thường trong văn xuôi Ngân Bình thì vô thiên lủng, nhưng không như gió thoảng mây bay… hậu quả chiến tranh không lành da khi im tiếng súng. Đứa con ra đời không biết con ai, khi người vợ đã nói, “Không ai đi hết…” thì sắc xuất có bầu đương nhiên tăng gấp đôi. Nhưng ai đi bây giờ! Ai cũng đáng thương khi chân chùn tình lụy; ai cũng không bằng người mang tiếng ác mà lòng lại nhân, “Không ai đi hết…”. Kết cấu câu chuyện lên đỉnh điểm, thắt gút đã không thể chặt hơn. Thì bức phá đường xưa lối cũ, cổ tục phong vân… chứ không cúi đầu trước số phận. Người vợ nhặt túi xách tay của người chồng cũ – trao tay cho người chồng mới. Tay còn lại, quàng vai chồng cũ, đi vào… buồng! “Không ai đi hết…. Một phút im lặng trôi qua. Có lẽ ba cái đầu đều đang làm việc dữ dội, nên đôi mày ai cũng nhíu lại. Không biết ba người họ nghĩ gì? Chỉ thấy vài phút sau, Lệ cúi xuống, cầm túi xách lên, trao qua tay Khâm, tay còn lại quàng vai Tại đi vào buồng.” Đọc đoạn văn này của Ngân Bình không thể nhịn cười thầm. Thì người ta đi vào nhà đã, tối rồi vào buồng. Nhưng nghĩ kỹ lại, bức xúc của anh lính mất tích cả năm trời thì vào buồng phải hơn vào nhà. Tâm lý con người được nhìn qua lăng kính Ngân Bình vừa ý nhị, vừa sâu sắc và một chút hóm hỉnh làm cho bớt khô khan những con chữ vốn không hồn. Đôi khi, người đọc bị ma thuật của từ vận và ẩn dụ trong văn Ngân Bình dẫn đưa ngay tâm lý người đọc vào cuộc -nhập vai nhân vật bị ngược đãi. Làm như chính mình bị ức hiếp không bằng. Trong viết lách không đơn giản, vì viết thì ai cũng biết viết; nhưng lách thì không phải ai cũng biết lách. Ngân Bình vừa viết như chuyện của mình; vừa lách qua rào cản cổ hủ, bảo thủ của những phong tục tập quán lỗi thời. Làm cho người đọc say mê như chuyện của chính mình đang được kể ra như ý! Nói một cách khác là Ngân Bình hiểu được nhân vật của mình. Không bị tình trạng đầu voi đuôi chuột của những tác phẩm xây dựng nhân vật quá lớn để bế tắc dẫn nhập và kết thúc hời hợt vì lose control. Trong truyện “Hãy đưa em đi”, tâm lý “nhân vật hê quả” là người con gái của người vợ hai chồng. Cô bé sống suốt tuổi thơ trong mặc cảm về mẹ mình; xấu hổ với bạn bè, làng xóm về xuất thân… Những con chữ vô tình và khô khan, nhưng được Ngân Bình thả chữ theo nhịp đập đồng cảm với nhân vật. Ta không quen mà cũng xót xa cho phận đời hờn tủi. “Năm hai mươi mốt tuổi, tôi nhận được lá thư tỏ tình của Bảng, một người con trai bình thường, không có gì nổi trội, nhưng tôi yêu Bảng sâu đậm, vì anh đã dám đạp lên dư luận để quyết định tiến tới hôn nhân với đứa con gái của người đàn bà hai chồng. Anh thẳng thắn nói với tôi: -Mỗi người có cuộc đời riêng. Cha mẹ có đời sống của cha mẹ. Con cái có đời sống của con cái. Anh bỏ ngoài tai những gì thiên hạ nói. Tôi nắm chặt tay anh như nắm chặt lấy niềm tin vừa tìm thấy. Nhưng rồi mẹ Bảng tìm đến nhà tôi. Bà nhìn tôi từ đầu đến chân, lạnh lùng nói: -Cô đừng bám theo con tôi trai nữa. Tôi không thể nhận đứa con gái xuất thân từ một gia đình thiếu đạo đức làm dâu nhà tôi.” Người thiếu nữ tội nghiệp vừa nắm được niềm tin cứu rỗi sau hai mươi mốt năm tủi hờn của cuộc đời thì cũng là lúc vụt mất với những định kiến hẹp hòi của xã hội chậm tiến; với những hủ tục khắt khe… Tôi đoán là tác giả cũng rớt nước mắt xuống keyboard khi gõ những dòng này, vì đọc ra sự sẻ chia, thấu hiểu của người viết qua ngôn từ sử dụng: “…tôi yêu Bảng sâu đậm, vì anh đã dám đạp lên dư luận để quyết định tiến tới hôn nhân với đứa con gái của người đàn bà hai chồng”; “Tôi nắm chặt tay anh như nắm chặt lấy niềm tin vừa tìm thấy”; Gặp người mẹ chồng hụt, ác miệng như quân chụp mũ, “Cô đừng bám theo con tôi trai nữa. Tôi không thể nhận đứa con gái xuất thân từ một gia đình thiếu đạo đức làm dâu nhà tôi.” Không hiểu đạo đức của bà ta để đâu mà đi xúc sỉ người con gái vô tội! Nhất là con trai bà theo gái, chứ gái theo quý tử của bà bao giờ! Xã hội đặt trên tảng lề thói hơn là đạo đức cần thiết cho một xã hội đạo đức. Người ta chỉ biết tuân thủ những lề thói là đạo đức như bà mẹ chồng hụt. -Ngân Bình rất khéo trình bày cho người đọc sâu sắc với câu chữ. Vì cáo trạng ẩn tàng trong văn Ngân Bình, không tố cáo mà tố giác những định kiến hẹp hòi do cổ hủ. Ngoài ra, thoang thoảng trong chuyện đời thường của Ngân Bình nhưng lại ghi dấu một thời đại, một thời kỳ lịch sử theo thời gian. Như qua câu chuyện đang bàn, Người đọc tự dưng đặt ra câu hỏi: “Không có chiến tranh thì không có cảnh người chồng mất tích trong chiến tranh để dở khóc dở cười với người bạn thân và người vợ yêu dấu khi anh may mắn trở về – trong xui xẻo hơn cả chết trận cho tiện bề sổ sách, như ý nghĩ thầm kín của người con tội nghiệp, có một mẹ hai cha. “Tôi là người sống nội tâm, nên trong lòng cứ băn khoăn hoài một câu hỏi, sao ngày đó mẹ không gắng chờ ba Tại thêm một năm nữa? và tàn nhẫn hơn nữa… sao ngày đó ba Tại không trở về bằng hòm gỗ cài hoa cho tôi bớt khốn khổ. Mẹ và hai Ba đâu biết tôi rất xấu hổ. Xấu hổ đến nỗi không dám ngẩng mặt nhìn ai vì cái gia cảnh quá đặc biệt của mình.” Tâm lý nhân vật trù ẻo cha mình sao không chết quách đi cho xong, nhưng người đọc không oán ghét cô gái vô tội, bởi khổ đau của cô không kém gì mẹ cha. Chung quy người hậu chiến không có chiến thắng như rêu rao bác cùng chúng cháu hành quân… Điều thú vị khi đọc Ngân Bình là đọc ý, chứ không đọc lời, phần kết của câu chuyện đời thường – đại diện cho bao nhiêu câu chuyện thương tâm do chiến tranh gây ra. Nếu là đất nước đã Độc lập-Tự do-Hạnh phúc thì sao xã hội không thăng hoa văn minh cho kịp nhân loại. Bao nhiêu năm xây dựng xã hội chủ nghĩa thì xã hội Việt nam vẫn cổ hủ, lạc hậu với những phong tục tập quán hẹp hòi. Sự cứu vớt những mảnh đời tàn dư chiến cuộc trên diện rộng là những chương trình di dân nhân đạo; sự cứu rỗi một linh hồn nhỏ nhoi của cô gái tội nghiệp là một anh Việt kiều về thăm quê hương. – Cũng chỉ là một người Việt, nhưng lớn lên trong xã hội tây phương, không bị ràng buộc bởi những điều phi lý của lề thói và tuyên truyền thì mới thực sự bước qua được rào cản tối tăm và u mê của bốn ngàn năm ta vẫn là ta/ từ trong hang đá chui ra… vươn vai một cái lại chui ngay vào. Đọc văn xuôi Ngân Bình trong một chiều khoan thai, rảnh rỗi. Chợt nhận ra nhiều điều trước mắt mà rất xa vì mình không, chưa nghĩ tới. Chân giá trị của cuộc sống ở quanh ta với những đời thường. Ngân Bình không viết văn chương kồ khy như những lão bình vôi ngồi kỳ khô ra mớ chữ vay mượn. Chữ trong văn Ngân Bình là những mảnh đời ghép lại để chia chung những ngậm ngùi của một trong muôn vàn những riêng mang. Mỗi bi hài cuộc sống trong từng tác phẩm của Ngân Bình đều có ánh sáng cuối đường hầm. Tự câu chuyện mở ra lối thoát theo nhân duyên, hay tác giả đưa ra hướng giải quyết cho nhân vật, -cả hai đều bật lên cái tâm người viết không thù oán. Ước mơ thái hoà, muôn người hạnh phúc. Hay nhỏ nhất cũng là một hướng (cách) giải quyết tích cực nhất cho câu chuyện trên giấy – ngoài đời. Đọc Ngân Bình để thêm yêu thương, tha thứ cho người thân kẻ thuộc; đọc đôi điều xài được trong bất trắc, rủi ro… như không may, một hôm nào phát hiện được cha mình có con rơi thì xử sự ra sao cho tròn chữ hiếu mà không lỗi chữ đạo; không để lại ận hận trong lòng người con cũng như người cha; không phải kể lể suốt đời còn lại về những lỗi lầm của nhất thời mà vạn đại không xóa hết được như người con trong truyện “Một đời tương tư” “Trong nhà quàn. Cũng như ba đã từng đứng bất động bên mẹ hai năm về trước, tôi quỳ sụp dưới quan tài của ba khóc thảm thiết với những tiếng gào thét trong lòng, ba ơi! là lỗi của con, lỗi của con…” ; “Tôi cũng tự dặn dò mình, đừng bao giờ nói cho cô Kiều biết sự thật. Bởi vì, tim cô sẽ thêm một lần tan nát, nếu biết được người đàn ông mình hết lòng yêu thương suốt hơn ba mươi năm vẫn còn sống và đã có một mái ấm gia đình thật hạnh phúc…” chính là ba tôi. Hối hận của nhân vật “Tôi” trong truyện “Một đời tương tư” thật đáng nhớ để xử sự vì chuyện của cha cô… là chuyện của những người cha ăn bánh quên trả tiền cũng được mà nghĩ là vô tình cũng không ít trong đời thường. Hay truyện “Tưởng như chuyện đùa” nên đọc như chuyện đùa để rồi không đùa được với chuyện y chang mình. Vợ chồng nào không đắm đuối trong hạnh phúc mới cưới. Nhưng thời gian sỏi đá cũng mòn. Công ăn việc làm và áp lực đời sống tây phương không biết mấy đời nữa thì người di tản buồn mới thực sự hội nhập. Sự tưởng mình dễ đưa dắt con người từ những nước phong kiến bảo thủ sang văn minh tây phương choáng ngợp với thành tựu bản thân, -làm lu mờ đạo lý. Chỉ khi đã muộn màng mới thức tỉnh chân quê. Người chồng nói: “Có bao giờ em nghĩ rằng, chia tay là một giải pháp tốt nhất cho hai đứa mình không?” Người vợ, “OK …. nếu anh muốn.” Phong cách tây phương nhưng của người Việt, nên cả hai cùng không chịu nổi hậu quả của sự tây phương hóa. Nửa đời còn lại của mỗi người sau ly dị là bài học cho những ai không rõ sức mình. “Biên nhìn tôi dịu dàng. Đây nhất định không phải là ánh mắt vô cảm của ngày hai đứa nói chuyện chia tay. Tôi cố ngăn nỗi xúc động trong lòng. Đưa Biên ra cửa, tôi trở vào bằng tâm trạng buồn vời vợi. Tôi thật sự muốn biết cuộc sống của Biên bây giờ ra sao? Anh có hạnh phúc không? nhưng không tiện hỏi.” … Đêm đó, Biên gọi cho tôi lúc ba giờ sáng. Tôi hốt hoảng: “Tammy (con của hai người) có chuyện gì hả anh?” “Không có, bỗng nhiên anh buồn quá nên muốn nói chuyện với em.” Một khoảng im lặng rất lâu… Biên chào tôi và hẹn sẽ gọi lại. Một chút âu yếm trong lời nói, tôi ngọt ngào: Em chờ anh.” Từng mẩu chuyện nhỏ trong tác phẩm Ngân Bình là những bài học cho dài lâu, vì tác giả chắt lọc từ cuộc sống để độc giả suy nghiệm hơn là rao giảng sáo rỗng. Hãy đọc thử “Gậy ông đập lưng bà” là một truyện ngắn “bà Tám”. Nhưng nhiều bà Tám thức tỉnh, há chẳng là nghệ thuật (văn học) vị nhân sinh. “Không! tôi không muốn giữ làm gì chuyện buồn trong quá khứ. Tôi về đây là theo lời năn nỉ của hai đứa con muốn tôi đến thăm ba nó đang bệnh nặng trong lúc cô độc chỉ có một thân, một mình. Nhiều lần nó hỏi tôi, má có nghĩ, sẽ có ngày ba má trở lại không? Trở lại làm gì phải không chị? Dù có nhiều đổi thay trong cuộc sống, nhưng vết thương thì vẫn mãi nằm ở đó, không thể xóa mờ được. Dẫu biết rằng mình cũng có lỗi trong việc gãy đổ gia đình, nhưng đau vẫn cứ đau. Mà hễ càng nhìn thấy nhau lại càng đau hơn.” Đôi điều về tác giả Ngân Bình trong một đêm thu trở lạnh sang đông. Gió thu đông đã về, vài hôm nữa Lễ Tạ Ơn gõ cửa. Có lẽ tôi cũng bỏ qua cho chị Ngân Bình tội xúi tôi viết mà không chỉ tôi lách, nên tôi mãi là Phan Vỉa Hè.

Phan

Thanksgiving 2011

 

 

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search