T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Đọc “Hương vị quê nhà” của Nguyễn Thị Mây

clip_image002

Tôi chỉ biết đọc (những câu hỏi trong những tờ đơn xin việc làm); tôi cũng chỉ biết viết những câu trả lời trong những tờ đơn xin việc suốt đời tôi, cái cuộc đời bắt đầu từ khi có ý thức, hễ ra đường là nghe người ta hát, “…tổ quốc ơi, ăn khoai mì chán quá…!”

Nhưng tôi làm gì cho hết thời gian rảnh của một kẻ tha hương. Tôi đọc bất cứ mảnh giấy nào có chữ; rồi tôi đọc trên laptop khi internet trở thành phổ thông trong đời sống nhân loại. Tôi đọc cho tôi nỗi cô đơn, tôi đọc ra nỗi nhớ nhà là nguyên nhân chính của những đêm thao thức, những bình minh chưa ngủ; tôi đọc ra tuổi già gõ cửa từ những nửa đêm nuốt nước miếng trên giường và không ngủ được vì bỗng nhớ bông điên điển, con mắm cá linh, chén mắm còng quậy hột vịt chưng trong nồi cơm vừa cạn nước… Tôi cũng dư biết là mình không thể nào ăn được những món ấy nữa vì cái bao tử, cơ thể đã sống ở hải ngoại mấy chục năm, nó thay đổi rồi, không còn chịu đựng nổi những món thường dân ngày xưa ở quê nhà. Nhưng nỗi nhớ thì bất biến.

Giả sử tôi không đọc thì nỗi nhớ có vơi không? Nhiều khi tôi tự đặt ra câu hỏi đó để trách mình sao cứ làm khổ mình. Nhưng không đọc thì chả lẽ cả ngày chỉ ngồi xem football trên tivi. Tôi có ông bạn khi nghe mấy người làm chung nói chuyện Điếu Cày được qua Mỹ. Ông ấy hỏi, làm mọi người ôm bụng cười, “Vậy, Mỹ cho bán thuốc lào rồi hả?”

Một người biệt xứ bốn mươi năm, ngay cái chuyện ngày xưa đi lính ông ấy cũng không buồn nói tới như những ông trốn quân dịch ngày trước – lại thích nói chuyện chiến tranh. Ông bạn tôi không ăn thức ăn Việt nam-làm ở Mỹ, thì còn nói gì tới những thức ăn chế biến từ Việt nam đưa qua; ông ấy không đọc một trang sách báo Việt ngữ; bất đắc dĩ ngồi chung bàn với anh em Việt nam thì ông ấy mới nói tiếng Việt. Nên tôi không ngạc nhiên khi ông nghe Điếu Cày được qua Mỹ thì hỏi Mỹ cho bán thuốc lào rồi hả? Ông ấy chỉ biết đi làm, về đến nhà là ôm tivi, xem football. Những trận cầu của đội Dallas Cowboy, ông thu hình cất giữ để xem lại cho đỡ ghiền khi đã qua mùa bóng bầu dục.

Tôi để lòng câu hỏi, mình đúng hay ông ấy đúng? Quên hết đi như ông ấy tốt hơn, hay ôm ấp mãi cái không còn? Đúng là không còn cái bao tử có thể tiêu hoá được những món ăn mà ký ức không quên; không còn nằm chiếu qua đêm được nữa sau mấy mươi năm nằm nệm; không còn tắm nước lạnh được nữa giữa mùa hè… Nhiều cái không còn lắm! Nhưng để mất hết như ông bạn thì tôi lại không cam lòng. Tôi có ngụy biện cho cái tánh ham đọc của mình không? Khi từ đời thường đi vào con chữ, nên khi đời không còn thường nữa thì con chữ đi ra để người ta thấy lại đời thường. Như hôm đọc được một bài viết từ trong nước, chỉ nói về hàng cơm bình dân của giới sinh viên nghèo. Tôi thấy lại bạn bè chia nhau miếng tàu hũ kho ở hàng cơm lề đường Sài gòn. Nhớ con nhỏ bạn tru tréo “eo ơi…!” với con sâu trong chút rau xào của nó. Nhưng rồi cũng ăn sau khi thằng bạn trai gắp con sâu ra khỏi dĩa cơm cho nó… Đó là đời thường đã mất mà ngoài con chữ ai đưa tôi trở lại được đời thường; ai trả lại tôi được những gì đã mất. Vì thế tôi đọc. Còn chuyện ông bạn không biết Điếu Cày đang chiếm hết trang nhất của báo chí Việt ngữ ở hải ngoại, cũng có cái lý riêng của ông ấy! Tôn trọng tư tưởng của người khác là điều không dễ trở thành thói quen bằng thói quen chụp mũ những ai trái ý mình.

Thôi thì tôi cứ đọc lai rai như nỗi nhớ đời thường đã mất. Đọc hải ngoại thì ngán những trang trưởng giả học làm sang, chán chuyện đánh bóng tên tuổi, hay chạy tội văn minh qua hình thức viết hồi ký của những người chưa biết hồi tâm đã viết hồi ký.

Chán đến hôm chịu hết nổi thì buồn ngủ gặp chiếu manh, chị bạn đi Houston về, tặng tôi quyển “Những mảnh vỡ” của bác Tiểu Tử. Đọc sướng như được sống lại đời thường ở khu Bà chiểu, chợ Cây quéo với ông thợ mài dao, là lính cũ, sống nghêu ngao với ngày tháng còn lại của đời người bại trận. Ông không viết hồi ký nên bác Tiểu Tử viết thay. Tôi đọc truyện “thằng chó đẻ của má”. Nói hỗn, nếu không phải, xin bác Tiểu Tử đừng trách hậu bối ngu si. -Tôi tưởng tượng ra tuổi thơ của bác ấy… dọc ngang trời biển trên đầu có ai. Nhưng bác ấy là thằng quý tử của má. Câu “thằng chó đẻ của má” là câu mắng yêu, nên bác Tiểu Tử nhớ tới tuổi đã thượng thọ, nhớ má, nhớ người yêu thương mình nhất đời và vô điều kiện… Tôi đọc đến “lồng đèn” Chuyện về tết trung thu, là đời thường của tôi ở vỉa hè Sài gòn, con đường Trần Hưng Đạo được tả lại trong truyện lồng đèn… sống lại trong tôi từng khúc đường – đứt ruột.

Hầu như ở hải ngoại chỉ còn mỗi bác Tiểu Tử còn nhớ đời thường, trong khi “người đi trên mây” ngày càng đông đảo hơn. Nhưng đọc trong nước thì lại như đãi vàng. Văn chương miền bắc khó nuốt vì dư hương Sô viết còn phảng phất trong văn phong những cây viết Hà thành tới bao giờ. Mặt khác, từ ngữ họ dùng lạ hoắc lạ huơ. Đành chịu. Đọc văn trong nam còn thấy quê nhà. Đãi vàng cũng có hôm may, vớ được tập truyện ngắn “Giao thừa” của Nguyễn Ngọc Tư. Đọc biết đã với anh tài xế xe lam cua chị bán dưa hấu ở chợ chiều ba mươi tết. Anh ấy tâm niệm, ra đường thấy cánh hoa rơi/ đưa tay hứng lấy cũ người mới ta. Chuyện chị ấy đã một lửa đâu có nhằm nhò gì! Đó là đời thường mà con chữ ói ra để trả nợ đời. Nhưng đến “Cánh đồng bất tận” thì Nguyễn Ngoc Tư đã là một nhà văn, không còn là con nhỏ nhà quê biết kể chuyện bằng chữ. Tôi delete cái email address của cô em để yêu mãi chữ nghĩa của con nhỏ nhà quê hơn chữ nghĩa nhà văn của một bà nhà văn nổi tiếng trong nước bây giờ.

Tôi đi tìm đời thường qua con chữ cho bớt nhớ nhà thôi. Hôm nay gặp con nhỏ nhà quê khác. Thị kể chuyện cũng tài tình bằng cái chân phương, chơn chất của người nam bộ. Tía, má ơi! Nghe cái tên tác giả đã phiêu diêu: Nguyễn Thị Mây. Thà vậy đi, còn hơn bút danh dài dằng dặc như anh đi chiến dịch pờ-lây… hay những Tôn Nữ Thị Mận, Thị Hến… đã Tôn nữ thị trái cây thì Thị Sầu Riêng cho có giá một chút, đã Tôn nữ thị đồ biển thì Thị Tôm Hùm, chứ ai đi Thị Hến, rẻ bèo. Chắc bạn đọc còn nhớ vai Tôn Nữ Ngự Bình đi bán chè đậu ván trên sông Hương, trong vở kịch hay của nhà văn Nguyễn ngọc Ngạn – vở kịch “Chung một mái nhà”, diễn trên sân khấu Thúy Nga. Nhưng biết làm sao với đời trưởng giả học làm sang bây giờ.

Tôi thích Mây rồi đó, như thích Tư hồi xưa vậy!

Đọc “Hương vị quê nhà” của Nguyễn Thị Mây mới thấy hết bản chất vô nghĩa của con chữ. Nhưng người ráp chữ đừng vô tâm thì văn tựu, không văn vữa…

 

Tuyết bao phủ ngọn đồi, bám quanh hàng cây, trùm lấp dòng sông, xóa tan dấu tích con đường. Tuyết trắng trời! Tuyết tràn ngập! Tuyết chở giá rét mùa đông và bão tố về đây vây bọc lấy tôi.

Đặt tờ đô la trên lòng bàn tay, tôi ngắm nhìn nó. Tôi đã giữ tờ giấy bạc này gần năm năm. Đó là số tiền đầu tiên tôi kiếm được từ tuyết. Hôm ấy, tuyết cũng dầy đặc như bây giờ. Người ta trốn buốt lạnh trong những căn phòng cửa kính, có lò sưởi. Bên ngoài, mọi vật như tê đi, ngất lịm vì bị ướp trong khoảng không gian băng giá.

Khác với người lớn, trẻ con háo hức nhìn ra khung kính. Chúng thích thú thấy tuyết biến màu xanh của hàng cây trước ngõ thành một dãy cổ thụ trắng xóa, bạc đầu. Tuyết lất phất. Tuyết bay bay. Tuyết mang những tiếng hú dài vang xa rồi quay vòng lại. Khu phố cũ bỗng dưng lạ lẫm, huyễn hoặc như thành trì trong cổ tích. Tony, một chú bé mơ mộng kể cho cha mẹ nghe mơ ước của mình. Chú muốn chạy ra giữa trời. Tuyết sẽ bám đầy tóc, đóng quanh người chú như hàng cây kia đang đông cứng, hóa thạch. Người ta sẽ gọi Tony là “Người tuyết”.

Đời nào ba mẹ Tony đồng ý nhưng họ nghĩ ra một sáng kiến để làm vừa lòng đứa con trai độc nhất bằng cách thuê người lấy tuyết nắn tượng. Không ai dại gì trong cơn bão tuyết mà ra ngoài trời để nhận số tiền ít ỏi. Một trăm đô la không đủ mua quan tài nếu nhỡ bị chết cóng. Nhưng, tôi lại chính là kẻ khờ khạo ấy. Tôi muốn sống bằng chính đồng tiền của tôi tạo ra. Tôi muốn được hồi sinh!

Tôi đã chết từ khi rời khung cửa máy bay. Nó đã mang tôi từ vùng đất quê hương sang xứ sở giàu có này. Nơi mà Kha, chồng tôi đã định cư và nhập quốc tịch Mỹ. Tôi chờ đợi ngày gặp lại anh như nắng hạn chờ mưa. Tôi yêu anh! Vắng anh, cơm không thể làm tôi no. Áo không đủ ấm cho cơ thể và mọi thứ đều trở nên vô nghĩa. Những lá thư của anh không làm tôi an tâm mà chỉ đốt cháy lòng tôi nỗi nhớ anh. Khi mọi thủ tục xuất cảnh hoàn tất, ngồi trong máy bay sang Mỹ, tôi muốn điên lên vì sung sướng. Trái tim tôi mọc cánh bay bổng ước mơ. Tôi sẽ sà vào lòng anh. Mặc kệ dòng người đông đúc tại phi trường với những nụ cười hóm hỉnh, những đôi mắt tò mò chế giễu, tôi sẽ nhìn tận mặt anh. Tìm lại nét đáng yêu ngày nào hai đứa mới quen. Tôi nắm lấy tay anh, đi bên anh như cô dâu e thẹn sánh vai cùng chú rể. Tôi sẽ…Tôi sẽ rất nhiều thứ.

Nhưng, Kha không đi một mình đến đón tôi. Bên anh là người đàn bà lạ. Bàn tay đeo đầy nhẫn vàng nắm lấy cánh tay Kha. Khuôn mặt chẳng có nét gì sắc sảo nhưng nhờ trang điểm khéo léo đã trở nên quyến rũ. Nghiêng đầu tựa vai anh, bà ta nũng nịu thì thầm gì đó khiến Kha mỉm cười thích thú. Khi nhìn thấy tôi, Kha không dám chạy đến mừng. Anh mỉm cười, gật đầu chào lễ độ như người lạ. Và, tôi biết, từ lúc đó, tôi mất anh. Tôi đã chết! Họ đưa tôi về một căn phòng tiện nghi bằng chiếc mercedes của người đàn bà Việt Nam mang quốc tịch Mỹ ấy. Kha giải thích:

– Đây là nhà của em. Cathy thuê cho em đó. Anh rất tiếc! Trong lần đi lo giấy tờ cách đây một tháng, anh đã gặp Cathy và yêu cô ấy. Anh không thể sống thiếu Cathy. Anh định viết thư xin lỗi em, đề nghị em ở lại Viêt Nam. Nhưng, giấy tờ đã xong. Vả lại, Cathy bảo rằng dù sao cũng tốn kém rồi, nên để em sang đây, giúp em làm ăn hầu chuộc lại lỗi lầm của anh và cô ấy. Anh hứa sẽ lo hết mọi thứ cho em. Em được sống trong giàu sang, sung sướng.

Ngừng giây lâu để xem tôi phản ứng ra sao, thấy tôi im lặng, anh tiếp:

– Em muốn gì anh cũng chiều, miễn là…

Tôi ngắt lời:

– Ly hôn?

Kha nhìn tôi, mặt đỏ ửng, không biết vì xấu hổ hay xúc động :

– Em vẫn thông minh như ngày nào! Chắc em cũng hiểu rằng dù em không đồng ý cũng không thay đổi được gì. Anh mong em hiểu là anh muốn đôi bên đều có lợi. Rồi em sẽ thấy New York là thiên đường.

Khi họ đã về nhà riêng, tôi khép cửa “thiên đường” bắt đầu công việc biến thân thể mình thành xác chết. Và làm cho cái “thiên đường “ này thành một “ngôi nhà mồ”. Tôi mở tung hành lý tìm chai thuốc ngủ. Sơ ý, tôi đánh rơi hộp mứt sầu riêng xuống nền nhà. Mùi hương ngào ngạt lan tỏa khắp nơi, gợi nhớ quê hương với vườn sầu riêng của ngoại. Những hàng cây khẳng khiu, cành ngang xấu xí, màu lá xanh vàng, héo hắt, mệt mỏi khép hờ, khiến thoạt nhìn cứ ngỡ cây sắp chết khô. Vậy mà, khi gió mùa thổi về, cây trở mình chìa ra những chùm hoa trắng tinh khôi. Đứng giữa vườn lúc ấy, tôi phải ngẩn ngơ tưởng là xuân đã về rồi. Hoa sầu riêng thơm chẳng khác hương bưởi lan tỏa trong vòm lá quấn quýt bên tôi. Tôi tha hồ tung tăng giữa khoảng không gian thơm lừng. Những cánh hoa nhỏ tàn dần, nhường cho trái xuất hiện. Lạ làm sao! Cuống hoa bây giờ ngày cứ một to hơn để giữ chặt trái trên cành. Mỗi lần nhìn dáng méo mó, gai góc của trái sầu riêng. Tôi ngạc nhiên chẳng hiểu vì cớ gì bên trong nó lại ẩn chứa một hương vị độc đáo, diệu kỳ. Tôi thích ăn sầu riêng lắm. Cứ đến tháng năm là tôi về thăm quê ngoại. Bà hay đùa:

– Nhớ ngoại hay nhớ sầu riêng vậy?

Tôi bẽn lẽn thưa:

– Con nhớ ngoại nhiều hơn!

Sau đó, tôi tha hồ thưởng thức sầu riêng. Bao giờ, tôi cũng phải hít hà:

– Thật là tuyệt, hả ngoại!

Ngoại cười hiền lành rồi đem mớ vỏ ra sân phơi, bà bảo:

– Khói sầu riêng cũng thơm lắm. Nhưng bọn gián, rận rệp, lại sợ mùi thơm ấy. Nếu đem treo một cái vỏ sầu riêng dưới gầm giường thì lập tức mấy chú rệp sẽ bồng bế nhau di tản sang nơi khác.

Tôi đùa:

– Ngoại ơi! Sau này, con lập gia đình, nếu chồng con có vợ bé, ngoại cho con vài quả sầu riêng nhé! Con sẽ ném vào mặt tình địch cho nó rỗ mặt mới được.

Bà phì cười:

– Làm vậy ác lắm cháu ơi!

– Chứ làm sao hả ngoại?

Bà lặng đi giây lâu. Có lẽ bà nhớ lại hoàn cảnh của bà:

– Cháu hãy về đây sống với ngoại!

Tôi ném chai thuốc vào tường. Mảnh thủy tinh vỡ cùng những viên thuốc ngủ văng tứ tung. Đứng bật dậy, tôi thảng thốt gọi:

– Ngoại ơi!

Ngay hôm sau, khi Cathy và Kha trở lại, hai người đều phải kinh ngạc trước thái độ bình tĩnh của tôi. Họ đồng ý cung cấp tiền bạc, sắp xếp cho tôi đi học ngoại ngữ và mọi thứ khác với điều kiện tôi phải ký tên vào tờ đơn xin ly dị.

Ngoài giờ học, tôi lân la làm quen những người gần đó để tìm việc làm. Và, công việc đầu tiên của tôi là “nắn tượng tuyết”.

Với cây xẻng nhỏ, tôi băng ra ngoài trời. Hai hàm răng run lên va vào nhau nghe cồm cộp. Bàn tay tê cứng đánh rơi cái xẻng xuống nền tuyết. Tôi muốn chạy vào nhà, từ chối công việc điên rồ này nhưng nhớ đến vẻ lạnh lùng của Kha, ánh mắt khinh bỉ của ả Cathy mỗi lần trao tiền cho tôi, tôi cương quyết phải tiếp tục làm cho bằng được để có thể sống bằng đồng tiền của chính mình.

Bỗng dưng, tôi cảm thấy cái lạnh như giảm đi, máu nóng chảy dồn dập. Nhấc xẻng lên, tôi hăng hái đắp tuyết thành một cột trụ cao lớn. Tôi dùng con dao nhỏ khắc họa khuôn mặt người lên tuyết. Tôi khắc đôi mắt lãng mạn, đa tình, cách nhếch mép đểu cáng lên môi hình tượng và tôi đội cho nó chiếc nón nỉ, khoác lên vai người tuyết cái áo dạ cũ dành cho việc hóa trang. Tôi bàng hoàng nhận ra Kha trên hình tượng tuyết. Tôi run rẩy vuốt ve đôi má lạnh buốt. Tôi hôn đắm đuối đôi môi cứng đờ, không cảm xúc ấy rồi tựa đầu lên vai anh, tôi ngất lịm.

Tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trong căn phòng sang trọng của biệt thự. Người ta đã đưa tôi vào đó, cho tôi sưởi ấm. Vị bác sĩ giúp tôi hồi sức cũng là người gốc Việt đã chân thành khuyên bảo:

– Tôi sẽ tìm việc làm giúp cho cô. Nhưng cô nên xem tiền chỉ là phương tiện trong cuộc sống hơn là mục đích của đời mình.

Tôi ngậm ngùi giải thích:

– Ở đây, mục đích của tôi là tiền. Khi nào được hồi hương, tiền sẽ biến thành phương tiện, thưa ông.

Hôm nay, ngày cuối cùng tôi sống trên đất Mỹ. Nơi mà nước mắt và máu tim tôi bị vắt đến khô cạn. Nơi mà tôi lăn mình trên đớn đau, vật lộn với công việc để tìm lãng quên và hái ra tiền. Những tờ giấy bạc được xếp cẩn thận trong ngăn tủ. Chúng nằm yên chờ giờ hóa thân thành phương tiện để biến nơi tôi trở về thành một thiên đường nhỏ.

Ngày mai, New York ở lại sau lưng, cùng với quá khứ xa xôi, phiền muộn. Ngày mai, tôi về với quê hương. Khi rời khung cửa máy bay, tôi sẽ lại là tôi năm nào. Vườn sầu riêng của ngoại mùa nầy chắc nở đầy hoa trắng! Ôi, hương sầu riêng rồi lại bủa vây tôi! Và, ngoại tôi lưng còng, tóc bạc ra tận ngõ dang tay thì thầm:

– Cháu đã về với ngoại!

Nguyễn Thị Mây

 

Có phải Thị nhà quê này kể chuyện nhẹ như… mây. Không có từ sáo rỗng, không có chữ mơ hồ để người đọc phân vân là mình dốt – không hiểu; hay người viết dốt – không biết dùng từ, hoặc dùng từ tối nghĩa để che đậy cái dốt, (bí) của những nhà văn đầu voi đuôi chuột, thích đặt vấn đề lớn nhưng lại không đủ sức giải quyết vấn đề cho thỏa đáng. Viết văn chứ đâu phải viết kịch bản phim Hàn mà cứ rập khuôn: đầu voi đuôi chuột. Viết văn chỉ cần cốt truyện có tư tưởng, có nội dung, từ xây dựng nhân vật, bối cảnh, tình tiết… không thể ngẫu hứng, vì ngẫu hứng đẻ ra hoang tưởng mà kết thúc không cân xứng thì thành đầu voi đuôi chuột, còn nếu kết thúc cho xứng đôi vừa lứa với sự hoang tưởng thì… để dành đọc một mình.

Mây, không thả chữ ngẫu hứng như người lái xe biết chạy quá tốc độ sẽ bị cảnh sát phạt, nhưng đường dài do anh ta cầm lái cũng có những đoạn (những lúc) tài xế ngẫu hứng nên xe vượt tốc độ cho phép. Cái bản lĩnh của người tài xế là nhìn địa hình không có chỗ nấp cho xe cảnh sát thì nhấn ga một đoạn cho đỡ buồn. Nhưng tài nghệ của bác tài ở chỗ biết khúc quanh, gầm cầu sắp tới,có thể có cảnh sát, thì buông ga. Người viết cũng tung hứng cho đỡ buồn với chữ nghĩa đêm dài, nhưng yếu bóng vía, để quá trớn, thì cũng ăn ticket.

Với câu chuyện Mây kể (viết). Nó là chuyện đời thường. Không cần cốt truyện lâm li bi đát, hay đài các, vương giả… Đời thường thành chữ để chữ đưa người đọc về đời thường – với hoàn cảnh tương tự thì biết đối phó ra sao?

Khuynh hướng sau này của những cây viết ở hải ngoại, và cả trong nước (nhất là nữ) ưa cho nhân vật chết – một cách thảm khốc, hay ít nhất cũng không minh bạch. Để chọc tức người đọc thì người đọc mới nhớ đến tác giả và tác phẩm. Đừng hòng tìm ra văn hay ý đẹp trong những áng văn hiếp dâm tư tưởng đó.

Ở Truyện ngắn “Hương vị quê nhà” , ta thấy tác giả Mây, chọn một câu chuyện đời thường, (thời đại), có thể xảy ra với bất cứ ai. Đó là nghệ thuật vị nhân sinh. Viết cho người mới là độ lượng – mà muốn độ lượng thì phải có lượng thì mới cáp độ được chứ. Tác giả chọn sự kết thúc không ngoài bất trắc của cuộc đời. Nhưng giết nhân vật để nổi tiếng thì không đủ trí trá như nói ở trên. Cái lý lẽ muôn đời là con kiến cũng ham sống, nhưng sống thế nào (đối phó với bất trắc) như thế nào để giữ gìn phẩm hạnh, phẩm giá của mình. “Tôi muốn chạy vào nhà, từ chối công việc điên rồ này nhưng nhớ đến vẻ lạnh lùng của Kha, ánh mắt khinh bỉ của ả Cathy mỗi lần trao tiền cho tôi, tôi cương quyết phải tiếp tục làm cho bằng được để có thể sống bằng đồng tiền của chính mình.”

Nhân vật “tôi” chỉ là một cô gái quê bên Việt nam, lạc lõng trên đất khách quê người vì lòng tin yêu vào một kẻ có mới nới cũ. Nhưng ý chí, tư tưởng… thừa kế từ những người đi mở đất phương nam đã sống dậy, “…làm cho bằng được để có thể sống bằng đồng tiền của chính mình.” Đó là di truyền tính hào sảng, khẳng khái của người phương nam. Rộng hơn, có thể tác giả gởi gấm lời nhắc nhở tế nhị với thời đại lấy chồng ngoại của người con gái Việt nam da vàng dưới triều đại đương thời.

Tính triết lý ở chỗ đấu tranh cùng nghịch cảnh để vươn lên mới có ý nghĩa. Nếu cuộc đời êm xuôi như Thúy Vân thì Thúy Kiều đâu còn chỗ đứng! Sự tự từ chối chuyện tự tử là bản năng sinh tồn của nhân vật “tôi”. Cũng như muôn người khi lâm vào thế bí, nhưng chọn thái độ sống, cách sống, mới là điều đáng nói.

Tính nhân văn ở nhân vật “tôi” là không oán trách số phận, chấp nhận nghịch cảnh, hiểu rõ nghịch cảnh để đứng lên, -qua hình ảnh sức sống của cây sầu riêng ở quê nhà; qua hình ảnh và (tâm sự đời ngoại) không cần nói ra cho lạt truyện mà dùng cú pháp giải quyết. “Bà lặng đi giây lâu.Có lẽ bà nhớ lại hoàn cảnh của bà…” Hai từ “có lẽ” vừa là câu hỏi tu từ cho người đọc tự suy nghĩ, tự trả lời; vừa là cú pháp viết văn kiệm lời thông minh của người biết viết.

Hương vị quê nhà làm người ta đứng dậy được trước đổ nát nơi quê người. Có trách thì trách căn nguyên, cội nguồn nào đưa đến thảm cảnh mấy triệu người bỏ phiếu bằng chân, với câu nói bất hủ, “cây cột đèn biết đi cũng vượt biên”. Nhưng “đỉnh cao trí tuệ” vẫn để con đen xảy ra những thảm cảnh lấy chồng Đài loan, Nam hàn vì khó khăn gia cảnh. Chuyện của “tôi” chưa đến độ bị ngược đãi tới nhảy lầu, đâm đầu vô xe lửa, hay uống thuốc trừ sâu… bên mấy xứ mọi rợ hơn Việt nam trước 1975. Chỉ là Việt nam bây giờ, mới thua xứ kim chi, hay xứ Xiêm mà ngày xưa, Nguyễn Huệ đã đánh tanh bành hai mươi vạn quân Xiêm theo ông vua không cốt nhục đã cõng rắn cắn gà nhà vì ông vua này chỉ có da với lông (Gia Long).

Trở lại với “Hương vị quê nhà”. Vốn dĩ của con người là tệ. Nhưng nhân vật Kha và Cathy chưa đến nỗi bạc. Tác giả đã khéo léo chứng minh ở đâu có văn minh thì kẻ tệ cũng không đến nỗi bạc. Chỉ có thế lực thù địch của dân oan mới vừa cướp đất vừa bỏ tù người bị cướp.

Đọc. Những con chữ hoàn toàn vô nghĩa nhưng người ráp chữ có tâm thì kết hợp thành văn. Nên người ta nói văn là người – cũng có lý!

Với tôi, đọc như đãi vàng ở Việt nam bây giờ trắng mắt, nhưng vẫn có vàng ròng là mấy bông hoa đồng nội như Nguyễn Ngọc Tư, như Nguyễn Thị Mây…

Cảm ơn đời và cảm ơn người.

Phan

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search