T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: ĐỂ NHỚ MỘT NGỌN NÚI – HỌA SĨ VÕ ĐÌNH

Họa sĩ Võ Đình (Ảnh: Sangtao.org)

Tôi có một vài ký ức về họa sĩ Võ Đình. Gặp nhau thực sự không nhiều, nhưng hình ảnh về anh vẫn khắc sâu trong trí nhớ.

Trong những ngày tôi cư trú ở Virginia, gặp họa sĩ Võ Đình thường là trong một số sự kiện cộng đồng, có khi tại nhà một vài người trong giới văn nghệ — mà thời đó, những năm cuối thập niên 1980s, tôi là một người tuổi nhỏ, so với các bậc tôn túc có dịp quen thân và làm việc chung, như Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, nhà văn Trương Anh Thụy, nhà bình luận Trương Hồng Sơn (bây giờ là họa sĩ Trương Vũ)…

Không khí văn nghệ thời đó ở Virginia vui lắm: mọi người, cho dù nổi tiếng thế nào đi nữa – thí dụ, giỏi nhiều ngôn ngữ xuất sắc như GS Nguyễn Ngọc Bích và phu nhân (chị Đào Thị Hợi cũng là một giáo sư về ngữ học tại một đại học ở thủ đô Washington DC), vẫn là những hình ảnh gần gũi, dễ thấy, dễ nói chuyện.

Nhưng hình ảnh của Võ Đình khác hơn và là cái gì độc đáo, dị thường hơn. Nghĩa là, không đời thường. Ngay cả khi nói chuyện với anh Võ Đình, tôi vẫn thấy như dường anh đang đứng lơ lửng trên núi tuyết.

Thử nhắm mắt lại, hình dung về anh, tôi nhận ra trong trí tôi các hình ảnh gắn liền với Võ Đình: kính trắng, đôi mắt sáng đăm chiêu, tay cầm tẩu thuốc, những khoảng trời tuyết trắng, những rặng cây xanh. Và đặc biệt, là hoa sen và mặt trăng. Hoa sen thì dễ hiểu, vì Võ Đình có quan tâm nhiều về Phật giáo. Nhưng còn mặt trăng? Kể cả khi gặp anh ban ngày, giữa trưa, tự nhiên tôi vẫn nghĩ tới mặt trăng. Có thể vì Võ Đình thường vẽ trăng? Có lẽ, nhưng không hẳn. Bởi vì trong nhiều bức tranh trừu tượng, Võ Đình có khi vẽ như là mặt trời đang rọi sáng rất phức tạp. Cũng có thể, khi nói chuyện với tôi (lúc đó, tôi đã có vài bài viết về Thiền Tông đăng trên vài báo ở California) và rồi anh Võ Đình kể về mặt trăng, vì anh là bạn thân với Thầy Thích Nhất Hạnh và có dịch một số bài của thầy này sang tiếng Anh – vì Thiền Tông thường nói về mặt trăng rọi sáng khắp sông hồ mà không phân biệt.

Nên ghi chú rằng, lúc đó, tôi quen gọi tất cả những người hoạt động văn nghệ Virginia là anh hay chị, vì khi rãnh rỗi là tôi thiện nguyện giúp anh Giang Hữu Tuyên (khi sinh tiền anh Tuyên là chủ bút Hoa Thịnh Đốn Việt Báo) làm chuyện linh tinh trong nghề báo.

Trong cương vị nhà báo khi rãnh rỗi (hình như chữ trong nước gọi là không-chuyên, hay nghiệp-dư, toàn những chữ lạ, tới giờ tôi vẫn chưa hiểu hết) hễ đi tới, đi lui là quen gần như hầu hết giới văn nghệ cả vùng. Nhưng ít gặp, vì họa sĩ Võ Đình ở xa khu vực cộng đồng. Nhớ có lần, anh Trương Vũ nói với tôi rằng anh Võ Đình ở trên núi mà. Hình như là có cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Vì nơi anh Võ Đình cư ngụ nơi hẻo lánh, nơi núi xa. Và cũng mang nghĩa bóng, là anh Võ Đình ở gần mây hơn người thường.

Tôi rời Virginia, về California khoảng cuối năm 1989. Khi tôi cưới vợ năm 1992, anh Võ Đình có điện thoại, chúc lành, hỏi địa chỉ, và rồi anh gửi qua bưu điện chúc mừng — một tấm tranh vẽ trên giấy bìa cứng, hình chiếc ghe, mang họa tiết hoa sen nơi mũi thuyền, và mặt trăng trên cao có lấm tấm bụi. Tuyệt vời không ngờ. Mặt trăng lấm tấm bụi… Sao anh Võ Đình vẽ như thế? Ám chỉ rằng đời Phan Tấn Hải phải lấm bụi mới học thêm nhiều? Có lẽ. Hay anh Võ Đình muốn trình bày gì khác? Dĩ nhiên, tôi không bao giờ hỏi anh những chuyện bận tâm trong lòng anh.

Trong trí tôi, họa sĩ Võ Đình luôn luôn là một ngọn núi. Anh ở hải ngoại nhiều thập niên, triển lãm khắp thế giới, viết sách tiếng Anh, dịch và minh họa sách Thầy Nhất Hạnh qua tiếng Anh. Tôi nghiệm ra một điều, giới họa sĩ Việt Nam ít chịu đọc sách tiếng Anh, ít chịu viết tiếng Anh. Có ngoại lệ trong những họa sĩ tôi có cơ duyên quen biết là họa sĩ Võ Đình và họa sĩ Nguyễn Quỳnh, hai người đều đọc nhiều, và viết tiếng Anh tuyệt vời. Dĩ nhiên, không nói tới giới trẻ làm chi.

Thời ở Virginia, tiếng Anh của tôi còn kém lắm. Có lần, ngồi trong lớp, nghe bà giáo nói liên tục nửa giờ mà không nhận ra được một câu, tôi gục đầu xuống bàn và khóc. Mình học hoài sao dở quá, tôi nghĩ như thế, lại nhớ tới họa sĩ Võ Đình viết sách tiếng Anh mà lòng cứ thôi thúc, tự xấu hổ vì sẽ không làm gì được cho đất nước. Nhưng tự rầy mình, cũng đâu có làm cho mình giỏi được, và tôi liên tục học ngày, học đêm, đọc đủ thứ sách, và hễ nghĩ tới nhu cầu học tiếng Anh là tự nhắc về GS Nguyễn Ngọc Bích và họa sĩ Võ Đình – hai đỉnh cao về ngôn ngữ.

Thời đó chưa có Internet, niềm vui là cầm lên các trang giấy. Mở trang sách ra, hay trải tờ báo ra, nghe tiếng loạt soạt của giấy là lòng tôi vui. Nhưng thời đó, có một sự kiện tôi tránh né, không bàn tới, phần nữa, tự biết mình chỉ nên dựa cột mà nghe. Đó là khi anh Võ Đình tranh luận về lý thuyết hội họa với một họa sĩ khác ở địa phương, về trường phái nét vẽ bằng mực tàu và cọ tre. Trí nhớ của tôi mơ hồ về chuyện này, vì mình không hiểu tận tường, tự biết không trang bị nhiều về lý thuyết hội họa. Cũng không nhớ lại về các tấm tranh nào dẫn tới tranh luận.

Cuộc tranh luận kéo dài nhiều tuần lễ. Lúc đó tôi vẫn đọc đều đặn các bản tin từ hai tờ báo, tờ của anh Giang Hữu Tuyên và tờ của anh Ngô Vương Toại. May mắn, các báo có chuyện tranh luận để làm sôi nổi một nơi Miền Đông Hoa Kỳ thường rất im vắng. Lúc đó, tôi tự biết mình kiến thức còn quá kém… đọc và chỉ thấy mơ mơ hồ hồ.

Đó là lần đầu tiên tôi đọc họa sĩ Võ Đình về lý thuyết hội họa. Sau này về Quận Cam, tôi mua sách lý thuyết hội họa đọc đủ thứ, lại ra thư viện công cộng mượn sách đọc. Ngồi đọc sách nửa đêm, thỉnh thoảng lại gặp một vài điểm lạ trong lý thuyết hội họa mới nghiệm ra rằng, mình chỉ là dân ngoại đạo đối với hội họa và thẩm mỹ, trong khi anh Võ Đình du học ở Pháp, từ nhiều thập niên trước đã hít thở không khí của màu sắc các trường phái hội họa Châu Âu… Và nhìn các tấm tranh của Võ Đình, nhận ra rằng anh vẫn là một tổng hợp của Đông phương và Tây phương.

Nhìn kỹ, Võ Đình vẫn rất là trừu tượng Paris cho dù anh vẽ hoa sen và trăng. Và cho dù anh vẽ, hay viết, Võ Đình vẫn là một  chiếc ghe chở trăng, nơi mũi ghe là một khắc họa hoa sen để hướng về một nơi bình an bên bờ kia. Đối với tôi, họa sĩ Võ Đình là một ngọn núi để tôi ngước nhìn lên. Tôi đã khâm phục nét vẽ thơ mộng dị thường của anh, đã khâm phục trình độ tiếng Anh tuyệt vời của anh. Và tự biết mình, tôi vẫn luôn luôn nhìn anh Võ Đình như một ngọn núi. Nơi đó, một thời tôi có cơ duyên quen anh – một ngọn núi.

Phan Tấn Hải

(Trích Bản Thảo Khoảnh Khắc Chiêm Bao)

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search