T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

SỎI ĐÁ…GÓP NHẶT (4)

Con gà và hạt thóc

Một trong các nhà văn bị “tai nạn nghề nghiệp” nặng nhất phải kể đến nhà văn Phù Thăng, tên thật là Nguyễn Trọng Phu.

Năm 1961, Phù Thăng viết tiểu thuyết Phá Vây dầy 500 trang, kể chuyện một tiểu đoàn trinh sát mở trận đánh giải vây cho đồng đội. Không may trong sách có đôi câu phát biểu bị coi là “hòa bình chủ nghĩa” khi ông cho rằng dù nhìn ở góc độ nào chiến tranh cũng không phải là điều tốt đẹp.

Mấy năm sau, nghe nói Phù Thăng viết truyện cực ngắn có tên “Hạt thóc” kể về một gã tâm thần, từng là nhà văn, rồi chẳng biết do ngộ chữ sao đó, gã đâm ra lẩn thẩn, cứ nghĩ mình là hạt thóc hễ trông thấy gà qué ở đâu là… co cẳng chạy. (1)

***

Tác phẩm bị vất trong… cái sọt rác

Nhà văn Ngọc Giao trong khi đợi đám tang đi qua tòa sọan báo Tiểu thuyết Thứ bảy ở phố Hàng Bông. Ông vô tình nhặt được bài thơ Hai sắc hoa ti gôn của T.T.Kh. bị vo tròn vất trong cái sọt rác.

Tác phẩm bị vất trong… cái sọt rác

Nhà văn Mai Thảo đến thăm Trần Phong Giao ở tòa sọan báo Văn. Trong khi hút thuốc lá vặt chờ Trần Phong Giao làm việc. Ông vô tình nhặt được truyện ngắn đầu tiên có tựa đề Rượu chưa đủ của Dương Nghiễm Mậu vất trong cái sọt rác, ông mang về đăng ở báo Sáng Tạo.

Tác phẩm bị vất trong…cái sọt rác

Nhà văn Trân Thị NgH gửi truyện ngắn đầu tay tựa đề Chủ Nhật viết năm 1680, nhưng mãi mấy năm sau mới dám gửi đến báo Văn nhưng bị Trần Phong Giao từ chối. Bà gửi tới tạp chí Vấn Đề của Mai Thảo thì lại được đăng.

Chuyện tự sự của nhà văn Trần Thị NgH không thấy nói đến…cái sọt rác.

***

Đặng Trần Côn và làng Mọc – 1

Về quê ông ở Nhân Mục, hẳn mọi người dựa theo bài thơ của Phan Huy Ích, có câu mở đầu: Nhân Mục tiên sinh Chinh Phụ Ngâm. Cuốn Chinh Phụ Ngâm của ông Nhân Mục – ngày trước người Việt hay có lối lấy tên làng quê để gọi các cụ khoa bảng như cụ Nghè Lai Thạch (Nguyễn Huy Tự), cụ Cử Văn Ấp (Trần Ngọc Lâm) v.v…

Ở ven đô Thăng Long, dọc bờ phải sông Tô Lịch có tới 7 làng Mọc, tên chữ là Nhân Mục. Theo văn bia đời Lê Nguyễn ở đây, đã có “Nhân Mục Xã” lại còn “Nhân Mục cựu Xã”. Tôi đã phải lần mò xuống tận Nhân Mục cựu xã, tên nôm là Mọc Thượng Đình, cũng là quê hương của cụ Tá Lan, thân sinh nhà văn Nguyễn Tuân, vì nghe nói ngôi mộ Đặng Trần Côn có kẻ làm nhà, đào đất làm lò gạch đã phạm phải.

Quả thật đã có một ngôi mộ đã bị vi phạm. Bia mộ cũ có hay không thì không biết nhưng không thấy, chỉ thấy một tấm bia tương đối mới (đầu thế kỷ XX), với tên họ Đặng Trần Côn và chức danh Tri Phủ. Khi chưa đến Kẻ Mọc, tôi đã thắc mắc: Thế con cháu Đặng Trần Côn đâu mà để người ta phạm đến mộ tổ như vậy? Khu đất này trước là bãi tha ma mộ địa, giờ đây người đông, đất chật, người ta lấn ra để làm nhà, vô tình phạm phải ngôi mộ Đặng Trần Côn tiên sinh.

Tôi lại gặp một bất ngờ: làng Mọc Nhân Mục không có họ Đặng, không còn con cháu gì của Đặng Trần Côn. Dân làng hiện nay bảo: Ông Đặng là người nơi khác, không biết ở đâu đến làng Mọc ở ngụ cư. Làng Mọc là làng ven đô, vốn nổi danh giàu “Tiền làng Mọc, thóc làng Khoang” và sang “Quan Kẻ Mọc, thóc Mễ Trì”.

Chắc Đặng Trần Côn là một hàn sĩ ở đâu đó đến làng Mọc ven đô ngồi dạy học và học thêm để thi Hội (và trượt). Cũng chắc rằng sau lời tỏ tình thất bại với Đoàn Thị Điểm, tức Hồng Hà Nữ Sĩ, thi nhân họ Đặng đã không xây dựng gia đình với ai khác, lại mất tương đối trẻ (35 tuổi) nên không có con cháu nối dõi tông đường, chăm lo hương hỏa và phần mộ tổ tiên…

Ở làng Mọc còn một gia đình, gốc nhà Nho, có gia phả, còn giữ lại được một vài câu đối và liễn, tương truyền là chữ của Đặng Trần Côn tiên sinh, viết tặng cũ tổ họ Nguyễn này, vốn là bạn của Đặng tiên sinh. Con cháu cũng được truyền lại là Đặng Trần Côn tiên sinh từ nơi khác đến Kẻ Mọc ngồi dạy học và là bạn thi tửu với cụ tổ Nguyễn nhà này…

(khuyết danh)

***

Nguyễn Tuân bình luận về Nguyễn Triệu Luật

Nguyễn Tuân nêu lên mấy nhược điểm của Nguyễn Triệu Luật: chú thích nhiều khi thừa, trích dẫn tiếng Pháp lạc lõng, kể chuyện riêng về mình không ăn khớp. Hơn nửa thế kỷ sau, đọc lại Nguyễn Triệu Luật, thấy những nhận xét của Nguyễn Tuân vẫn đúng.

Thí dụ ông * Nguyễn Triệu Luật đưa quá nhiều chi tiết về năm tháng, tên người và đất, thỉnh thoảng lại bình luận cắt đứt hứng thú người đọc. (Hữu Ngọc)

***

Hát Cô Đầu


Nhân sinh quí thích chí
Chẳng gì hơn hú hí với cô đầu.
Khi vui chơi năm ba ả ngồi hầu,
Chén rượu cúc, đánh chầu năm ba tiếng.
Tửu hậu khán hoa nhàn bất yếm,
Hoa tiền chước tửu hứng vô nhai.

(Trần Tế Xương)

***

Trần thị NgH trả lời phỏng vấn của Minh Thúy

Truyện ngắn đầu tiên được gửi đến tạp chí Văn – lúc đó anh Trần Phong Giao làm tổng thư ký – không được chọn đăng; nhưng cũng truyện đó khi gửi sang tạp chí Vấn Đề của Mai Thảo thì được chọn.

Truyện có tựa là Chủ Nhật, được viết năm 1968 mãi mấy năm sau mới dám gửi đăng.

***

truyện kiếm hiệp như Long Hình Quái Khách hoặc Hỏa Thiêu Hồng Liên Tự hoặc truyện trinh thám của Phạm Cao Củng (Hà Nội)

Phim Tarzan hú vang trời vang đất đu rễ cây rừng giải cứu cô Jane thoát khỏi nanh vuốt của con khỉ đực.

Phim Zorro bịt mặt phi ngựa rầm rập kịp tới chỗ cứu người đẹp

***

Hát bội – Đào Tấn

Lối hát tuồng, còn gọi là hát bội du nhập vào Việt Nam vào thời điểm nào chưa được minh xác nhưng có truyền thuyết ghi rằng vào thời Tiền Lê năm 1005, một kép hát người Tàu tên là Liêu Thủ Tâm đến Hoa Lư và trình bày lối hát xướng thịnh hành bên nhà Tống và được vua Lê Long Đĩnh thâu dụng, bổ là phường trưởng để dạy cung nữ ca hát trong cung.

Sang thời nhà Trần, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn bắt được một tên quân nhà Nguyên tên là Lý Nguyên Cát vốn là kép hát. Vương tha tội chết cho Cát và sai dạy lối hát đó cho binh sĩ. Cát cho diễn vở Vương mẫu hiến đào để vua ngự lãm cùng các triều thần xem. Ai cũng cho là hay.

Tuy nhiên người đầu tiên đặt nền móng cho nghệ thuật tuồng Việt Nam là Đào Duy Từ (1572-1634). Ở Miền Trung Việt Nam trở ra gọi “tuồng” do chữ “liên trường” là kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn. Từ “liên trường” do ngôn ngữ địa phương mà thành “luông tuồng”, “luôn tuồng”…

Chúng ta không biết chính xác bộ môn hát bội đã từ miền Trung vào miền Nam (1) từ năm nào, nhưng theo sử sách ghi lại thì vào năm 1760, khi người con trai thứ chín của chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765) tên Hạo (Hiệu) bị bịnh chết, chúa vô cùng đau xót nên hạ lịnh cấm dân gian không được ca hát trong một trăm ngày. Sau một trăm ngày đau buồn đó, chúa cho người vào Trấn Biên (đất Biên Hòa ngày nay) gọi những “con hát” (hát bội) ở đó ra Phú Xuân để biểu diễn cho chúa xem, như vậy là vào năm 1760, tại miền Nam đã có những đào kép hát hay và nổi tiếng nên chúa mới biết đến. 

(1) Theo Vương Hồng Sển… “hát bội” phát sinh từ người Minh Hương ở miền Nam. Chiều chiều họ nhớ cố quốc, họ tụ tập trước sân nhà để hát và múa may theo điệu bộ tuông tích cũ ở bên Tàu.

Vì vậy mới có “hát bộ”, sau gọi là…hát bội.

***

Giai nhân di mặc

Những bài thơ Nôm đầu tiên được coi là của Hồ Xuân Hương, xuất bản ở Hải Phòng, năm 1913, như một tài liệu không chính thức.

Bốn năm sau, năm 1917, Đông Khê Nguyễn Hữu Tiến xuất bản Giai nhân di mặc, toàn những chuyện hư cấu… trong đó có chuyện Hồ Xuân Hương và thơ Hồ Xuân Hương… dĩ nhiên, cũng là những “hư cấu”.

Ấy thế mà có nhà phê bình lại dựa vào đó mà soạn ra Thân thế và sự nghiệp của Hồ Xuân Hương và đánh giá thơ văn của bà, như một tác giả chính thức và tác giả đó có mặt thực sự trong đời sống xã hội. Thấy bán được, các nhà xuất bản tiếp theo in thơ Hồ Xuân Hương như một tác giả “có thật” và số bài mỗi lần in một tăng lên, cuối cùng đến hơn 200 bài.

***

Tứ đại danh tác của Trung Hoa

Tứ đại danh tác chỉ bốn tác phẩm văn học cổ điển được cho là danh tiếng nhất của Trung Hoa, xếp theo thứ tự: 

1.Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa của La Quán Trung; 

2.Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân; 

3.Thủy Hử của Thi Nại Am và La Quán Trung (hiệu đính); 

4.Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần.

***

Lá diêu bông

Ảo thanh?

Theo Hòang Cầm: “Đặc biệt, riêng có bài thơ Lá diêu bông, duy nhất một bài này là những lời văng vẳng bên tai, từ đầu chí cuối, quá nửa đêm mùa rét 1959, trên giường ngủ, trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ 6 oát, bên cạnh người vợ đang ngủ ngon và các con những giường bên đang ngủ say (…).

Giọng nữ vẫn đọc, không vội vàng mà cũng không quá chậm, và tôi ghi lia lịa trong bóng tối mờ.

Đến lúc giọng nữ im hẳn, lòng tôi nhẹ bẫng, tôi ngủ thiếp đi. Sớm hôm sau nhìn lại thì có chỗ rõ, đọc được, nhiều chỗ dòng nọ đè lên dòng kia, chữ nọ như xoá mất chữ khác. Phải mất gần nửa tiếng đồng hồ, tôi mới tách được ra theo thứ tự đúng như những lời người nữ kỳ diệu nào đó đã đọc cho tôi viết nửa đêm qua”.

(Phanxipăng)

***

Marcell Proust Đi tìm thời gian đánh mất.

Hermann Hessem với Không ai về tắm lại hai lần cùng một dòng sông

***

Lợn

 Bên cạnh cái bùa “thái cực âm dương” để bảo vệ ông ỉ, dân gian còn có thêm một cái bùa khác cũng để bảo vệ lợn.  
– “Lợn không ăn, lấy giấy vàng viết mấy chữ “Khương Thái công tại thử” (Khương Thái công ở tại đây) dán ở chuồng thì khỏi”  
Khi làm nhà, làm lễ cất nóc (thượng lương), dân quê cũng thường treo bùa “Thái công tại thử” (1).

Lợn được nâng lên ngang hàng với người à? Khương Thái công là ai?  
Khương Thái công là Khương Tử Nha, tên chữ là Lữ Vọng, người đời Châu, học đủ sáu thao. Thuở hàn vi bị vợ bỏ đi lấy chồng khác. Tử Nha không màng, cứ ngồi bàn thạch ở sông Vị Thuỷ câu cá chờ thời. Tới 80 tuổi, vua nhà Châu rước về làm thừa tướng đánh Trụ, dựng nghiệp cho nhà Châu hơn tám trăm năm

Tại sao Khương Thái công hay Thái công Vọng là một nhân vật lịch sử có thật lại trở thành một vị thần hộ mệnh như vậy?

(Nguyễn Dư)

(1)– Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Đông Nam Á, 1985, tr. 179.  

***

Lợn

Tại sao Khương Thái công hay Thái công Vọng là một nhân vật lịch sử có thật lại trở thành một vị thần hộ mệnh như vậy?

(Thái Công tại thử)

– Vì đời sau… bắt chước Ngô Thừa Ân!

Ngô Thừa Ân (1500-1581) là tác giả bộ Tây du kí, kể truyện Đường Tăng đi thỉnh kinh Phật. Ngô Thừa Ân đã biến đổi một truyện có thật thành một truyện thần tiên ma quái, phù phép biến hoá.  
Tây du kí được nhiều người thích. Nhân vật Tôn Ngộ Không được tôn lên hàng Tề thiên đại thánh và được một số nơi thờ.

Noi theo Ngô Thừa Ân, nhiều tiểu thuyết thần tiên ma quái được ra đời, trong đó có Phong thần diễn nghĩa

Phong thần diễn nghĩa dựa vào truyện lịch sử “Vũ Vương diệt Trụ”, nhưng tác giả đã cho quan thừa tướng Khương Tử Nha phò trợ Vũ Vương tha hồ tung hoành đánh dẹp đủ thứ ma quỷ yêu quái, để cuối cùng là chiến thắng Trụ Vương. 
Thái công Vọng, một nhân vật lịch sử bỗng dưng được dân gian tôn lên là đứng đầu các thần, bảo vệ tất cả mọi nơi, chống lại ma quỷ. 

Mấy ông biết đọc sách Tàu ngày xưa, đọc xong Tam quốc chí bèn rủ nhau thờ Quan Công. Đọc xong Tây du kí là thờ Tề thiên đại thánh. Đọc xong Phong thần diễn nghĩa là thờ Khương Thái công. Bụt chùa nhà không thiêng, đi cầu Thích Ca ngoài đường.

(Nguyễn Dư)

***

Một mặt, Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895)

Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931)

Việt ngữ chánh tả  tự vị của Lê Ngọc Trụ (1960)

Việt Nam tự điển của Lê Văn Ðức (do Lê Ngọc Trụ hiệu đính) (1970)

***

Giờ thứ 25 của Gheorghiu

Mười bốn năm trước khi được truyền chức thánh để trở thành linh mục chính thống giáo, và bốn năm sau khi bị quân đội Hoa Kỳ còng tay vì tội danh “ngụy quyền” trong tư cách là một thư ký sứ quán thuộc Bộ Ngoại giao Romania có quan hệ với phe trục của Hitler, nhà văn Constantin Gheorghiu đã xuất bản tác phẩm “Ora 25” (Giờ thứ 25).– Giờ thứ hai mươi lăm. Giờ mà mọi cứu cấp đều vô ích. Dầu cho Chúa Cứu Thế ra đời cũng không giải quyết được. Không phải giờ chót: ấy là giờ kế sau giờ chót. Thời giờ chính xác của xã hội Tây phương. Ấy là giờ hiện tại. Giờ thật đứng.”

Như thế, cái tên “Giờ thứ 25” đã đi vào lịch sử văn học và phim ảnh, với nội dung câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là một nông dân trẻ tên Johann Moritz, dù không muốn nhưng đã phải trải đời mình qua chế độ cai trị của Đức quốc xã, của Liên bang Xô Viết và của Hoa Kỳ khi lính Mỹ chiếm đóng trung Âu sau Thế chiến Hai. Johann từng bị quăng vào trại lao động khổ sai vì tội có vợ đẹp, và vì nhan sắc của chị vợ Suzanna lọt vào mắt xanh của một đại úy công an của nhà cầm quyền. Anh bị đấu tố tội “là dân Do Thái”. Từ nhà tù, anh cùng một số tù nhân Do Thái vượt ngục, trốn sang Hungary, để lại bị nhốt vào chuồng rệp lần nữa, vì tội là “công dân của một quốc gia thù địch”. Từ nhà tù, anh bị chính phủ Hungary gởi sang Đức Quốc Xã dưới danh nghĩa “công nhân tình nguyện”. Số mệnh Johann không dừng lại ở đó. Anh “được” một sĩ quan Quốc Xã giải phóng sau khi tay nầy xác định Johann là một người mang dòng máu Aryan tuyệt vời trong huyết quản – dòng giống tối ưu của chủ tể Hitler. Từ đỉnh điểm đó, anh không chỉ được bố trí vào quân số một đơn vị Waffen-SS (Lực lượng vũ trang SS) của Thống chế Heinrich Himmler, mà còn được bơm lên thành một nhân vật điển hình mang màu sắc thần thoại và hào hùng của hệ thống tuyên truyền quốc xã. Đức bại trận, toàn bộ binh sĩ 39 sư đoàn SS bị kết án thực hiện các tội ác chiến tranh trong đó có việc tàn sát nhiều triệu người Do Thái. Cũng như các chiến hữu khác cùng màu áo Waffen-SS, anh bị tước mất những quyền lợi mà các cựu binh phục vụ trong hàng ngũ Heer (Lục quân Đức), Luftwaffe (Không quân Đức) và Kriegsmarine (Hải quân Đức) được hưởng; thành phần như anh đã bị quân Đồng minh biệt giam, và lãnh đủ đòn trừng phạt gay gắt của Liên Xô. Chiến tranh đã ngừng, nhưng các đối tượng Waffen-SS như anh còn trải qua thêm hai chế độ cầm quyền khác nữa: bị đánh đập dã man bởi hồng quân Liên Xô, rồi bị tòa án Mỹ dành cho bản án nặng nề nhất. Cuối cùng, một số cựu binh SS đã tự tử để tránh các đòn thù, còn Johann phải đứng trước một trong hai lựa chọn do phía Mỹ đưa ra: hoặc là phải gia nhập quân đội Mỹ, hoặc bản thân anh cùng thân nhân trực hệ phải bị giam giữ vô thời hạn vì là thành phần “công dân của một quốc gia thù địch của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ”.

Tiếng súng đã im từ 1945, nhưng xã hội Romania chỉ mới thực sự nhen nhúm sự phân hóa. Cuốn sách được ra mắt tại Pháp vào năm 1949, và mãi đến năm 2004, mười hai năm sau khi tác giả qua đời, “Giờ thứ 25” mới được phát hành tại chính quê hương Romania của người viết. Ngay từ ấn bản đầu tiên, cái tên “Giờ thứ 25” đã đồng nghĩa với “giờ cuối”, “giờ không có trên đồng hồ”, và cách nói nầy trở thành hết sức phổ thông trên toàn địa cầu, trên miệng mọi người. (NgyThanh)

***

Hồng Lâu Mộng

Tứ đại kỳ thư của Tàu gồm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Tây du ký của Ngô Thừa Ân, Thủy hử của Thi Nại Am và Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần.

Hồng lâu mộng (hay tên gốc Thạch đầu ký) là một trong bốn kiệt tác (tứ đại kỳ thư) của văn học cổ điển Tàu (3 kiệt tác kia là Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Tây du kí của Ngô Thừa Ân và Thủy Hử của Thi Nại Am). Tác phẩm được Tào Tuyết Cần sáng tác trong khoảng thời gian giữa thế kỉ 18 triều đại nhà Thanh của Trung Hoa.

Tác phẩm xoay quanh câu chuyện tình duyên trắc trở giữa hai anh em con cô con cậu: Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, từ đó mô tả cuộc sống nhiều mặt của một đại gia đình quý tộc đời Minh từ lúc cực thịnh cho đến lúc suy vi trong vòng tám năm. Với hơn 100 triệu bản được xuất bản, tiểu thuyết này trở thành một trong những sách bán chạy nhất của mọi thời đại.

***

Thủy Hử của Thi Nại Am:

Với 108 anh hùng lương sơn bạc gồm Tống Giang, Lý Quỳ, Lỗ Trí Thâm, v.v…

***

Đền thờ phụ nữ thì gọi là Phủ, như Phủ Giày thờ Liễu Hạnh ở Nam Định chẳng hạn. 

***

Hai vế đối trong văn học sử

Tương truyền Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường có quen biết với nhau nhưng sau vì hiềm khích khi Ngô Thì Nhậm được Quang Trung trọng dụng thì Đặng Trần Thường đến xin Ngô Thì Nhậm tiến cử nhưng Ngô Thì Nhậm từ chối. Sau khi nhà Tây Sơn mất, các võ tướng và một số quan văn bị giải về Hà Nội để bị xử phạt đánh bằng roi ở Văn Miếu, trong số đó có Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm. Cuộc phạt đánh đòn đó lại là Đặng Trần Thường.

Vốn có thù riêng, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế câu đối cho Ngô Thì Nhậm:

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai

(Vế đối hiểm hóc vì có 5 chữ ai và có chữ trần là tên đệm của Đặng Trần Thường).

Ngô Thì Nhậm khảng khái đáp:

Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế

(Vế đối lại cũng có 5 chữ thế, nói lên được hoàn cảnh và khí phách của người anh hùng. Và vế đối cũng có chữ thời là tên đệm của Ngô Thời Nhiệm).

Thường tức giận sai người đánh ông. Sau trận đòn về nhà, ông về quê dậy học.

***

Hoàng Lê Nhất Thống Chí 

Hoàng Lê nhất thống chí tên khác là: An Nam nhất thống chí, là tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Hán trong tùng thư của Ngô gia văn phái, một tùng thư bao gồm nhiều tác phẩm văn, sử, triết có giá trị của các tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm viết bằng chữ Hán ghi chép về sự thống nhất của triều đại nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt chúa Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê của Ngô gia văn phái. Đây có thể xem như là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của Việt Nam, được viết theo lối chương hồi. Tác phẩm không chỉ dừng ở sự thống nhất của nhà Lê mà còn được viết tiếp, tái hiện một giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam vào khoảng 30 năm cuối thế kỷ 18 và mấy năm đầu thế kỷ 19.

(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

***

Gánh vàng đi đổ sông Ngô

Ngoài câu ca dao trên con những câu như:

Vua Ngô bám sáu tấn vàng

Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì

Chú Chổm uống rượu tì tì

Chết xuống âm phủ khác gì vua Ngô

Nước ta bị Tàu đô hộ bắt đầu từ thời nhà Hán vào năm 11 trước công Nguyên. Nhưng cuối đời nhà Hán thì Tàu chia làm 3, gọi là thời Tam Quốc (Tam Quốc Chí) với Nguỵ (Tào Tháo), Thục (Lưu Bị), Ngô (Tôn Quyền). Nhà Ngô thay thế nhà Hàn (thời Hai Bà Trưng) cai trị nươc ta (thời Bà Triệu). Nhà Ngô thời Tam Quốc bên Tàu “nổi tiếng” trong cà dao như “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bền chồng”, Hay “Hoài con mà gả cho Ngô, cho Lào”. Hoặc giả như “Tham giàu phải lấy thằng Ngô, đêm nằm như thể cành khô chọc vào”, v…v…

Những câu ca dao trên chỉ nhà Ngô (tức Tàu) vì thời ấy ta chưa có từ “Tàu”.

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Ngạn)

***  

Tây Du Ký hình thành vào đời Minh, thời của tứ đại tiểu thuyết, là tứ đại kỳ thư, ngang hàng với Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa, Thủy Hử Truyện và Kim Bình Mai.

Tứ đại danh tác chỉ bốn tác phẩm văn học cổ điển được cho là danh tiếng nhất của Trung Quốc, xếp theo thứ tự: 

1.Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa của La Quán Trung; 

2.Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân; 

3.Thủy Hử của Thi Nại Am và La Quán Trung (hiệu đính); 

4.Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần.

***

Kim Bình Mai: Truyện Kim Bình Mai của Tiếu Tiếu Sinh bắt nguồn từ một chi tiết trongThủy hử, tích Võ Tòng giết chị dâu Pham Kim Liên để trả thù anh Võ Đại. Ba chữ trong tựa là tên ba nhân vật trong đó Kim là Phan Kim Liên, chị dâu Võ Tòng, Lý Bình Nhi và Bàng Xuân Mai. Có người coi Kim Bình Mai là danh tác thứ năm, có người xếp Kim Bình Mai vào hàng tứ đại danh tác thay vì Hồng Lâu Mộng.

Tây Sương Ký (truyện ký mái Tây), còn có tên đầy đủ là Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt Tây Sương Ký  (truyện về Thôi Oanh Oanh chờ trăng dưới mái Tây), là vở tạp kịch của Vương Thực Phủ, sáng tác trong khoảng những năm Đại Đức (1297-1307) đời Nguyên Thành Tông (1295-1307), miêu tả cuộc tình duyên vượt qua môn đăng hộ đối và lễ nghi phong kiến của Thôi Oanh Oanh và chàng thư sinh Trương Quân Thụy.

Tây Sương Ký có chủ đề là câu chuyện tình duyên giữa nàng Thôi Oanh Oanh và thư sinh Trương Quân Thụy. Thôi Oanh Oanh là tiểu thư xinh đẹp, con gái của một vị tướng quốc. Khi bố chết, hai mẹ con nàng về quê, nhưng gặp loạn đành tạm lánh ở chùa Phổ Cứu, đất Bồ. Trương Quân Thụy, một thư sinh nghèo, cha mất sớm, vãn du sang đất Bồ chơi, khi ngoạn cảnh chùa đã gặp Oanh Oanh. Chàng đắm đuối trước sắc đẹp của nàng bèn tìm cách vào chùa xin trọ. Đêm đến, họ Trương ngâm thơ tỏ tình, Oanh Oanh họa lại. Khi Tôn phu nhân làm chay cho chồng thì Trương Quân Thụy cũng nhờ sư cụ của chùa thêm một phần lễ làm chay cho cha mình để có dịp gần Oanh Oanh.

***

Liêu Trai Chí Dị (những chuyện quái dị chép ở căn nhà tạm) là tập truyện ngắn gồm 431 thiên, ra đời vào đầu đời nhà Thanh (cuối thế kỷ 17) của Bồ Tùng Linh (5*). Bộ truyện này được coi là một kì thư và được đánh giá là đỉnh cao của tiểu thuyết văn ngôn thời cổ đại. Dựa trên cơ sở tập Liêu Trai chí dị – Hội hiệu hội chú hội bình do Trung Hoa thư cục Thượng Hải biên tập và ấn hành năm 1962, các dịch giả như Nguyễn Huệ Chi, Cao Xuân Huy, Phạm Tú Châu, Đỗ Ngọc Toại, Nguyễn Đức Lân, Trần Thị Băng Thanh, v.v… đã dịch nhiều truyện sang tiếng Việt và lưu truyền rộng rãi tại Việt Nam.

Bồ Tùng Linh:Bồ Tùng Linh (1640-1715), tự là Liêu Tiên và Kiếm Thần, cũng có người gọi ông là Liễu Tuyền cư sĩ. Bồ Tùng Linh sinh ra trong một gia đình tiểu thương ở huyện Truy Xuyên (nay là huyện Truy Bác, Sơn Đông). Năm 19 tuổi, ông đỗ tú tài trong khoa thi, nhưng phải mãi đến năm 71 tuổi ông mới đỗ cống sinh.

Thân phụ của Bồ Tùng Linh là Bồ Bàn vì lận đận nơi khoa trường, nên đã từ bỏ nghiệp nho theo nghiệp thương gia. Sinh con đầu lòng là Triệu Kỳ nhưng chẳng may chết yểu. Đến tuổi trung niên thì coi như ông đã tuyệt tự. Nên ông đóng cửa chuyên tâm đọc sách và làm từ thiện. Nhưng kỳ lạ thay lúc đó ông lại có bốn người con lần lượt là: Triệu Chuyên, Bá Linh, Tùng Linh và Hạc Linh. Bồ Tùng Linh là con dòng thứ.Ông dành hầu hết thời gian trong việc dạy học tư, và sưu tầm những câu chuyện mà sau này được viết trong tác phẩm Liêu trai chí dị, bao gồm 16 quyển chia làm 431 tập truyện chính và 17 truyện phụ, vị chi 448 tập về những truyện kỳ quái mà ông sưu tập được. Đây cũng được coi là một đỉnh cao trong thể loại truyện ngắn cổ điển Trung Quốc.

NGỘ KHÔNG PHÍ NGỌC HÙNG (Biên Soạn)

Bài Mới Nhất
Search