T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Hình như trời đã chớm thu

●Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
Trên đường chênh chếch nắng mênh mang
Trôi xuôi một mảnh hồn lưu lạc
Đã chán nhân gian ở cuối đường

(Thơ Cao Tần)

1.

Buổi sáng ra trước nhà ,nhặt tờ báo ngày mà người bỏ báo đã ném vào sân từ lúc trời còn mờ tối, nhìn trên trang nhất, thấy hàng chữ in đậm “Ngày đầu tiên của mùa Thu đã đến“, tôi hơi bị chưng hững vì không ngờ thời gian đi nhanh như thế. Bỗng thấy lành lạnh vì cơn gió nhẹ buổi sáng và chíêc áo mỏng phong phanh trên người. Lại nhớ đến câu văn của một người bạn trẻ viết về nỗi nhớ nhà của anh, đọc rồi thấy gai ốc cứ như nổi khắp người. “Tôi bắc cái thang, leo lên nóc nhà – ngồi nhìn về cố quận. Những lọn gió đêm đầu Thu thỉnh thỏang thốc vào lưng áo, cái lạnh buốt lên da lưng là thời tiết – cái lạnh buốt lên tim là quê hương . . . . Chữ nghĩa – nhiều lúc tôi tưởng chúng chỉ như một thứ xa xỉ phẩm đối với một cuộc sống đầy ắp những bận rộn, những tất bật, những lo toan. Nhưng, quả thật, cũng có những lúc- như lúc này-  chúng làm tôi quên hết mọi chuyện, để chỉ thấy những chữ và nghĩa ấy nhẩy múa trong đầu, nhắc nhở mình về một vết thương vừa kịp kéo da non, thì lại bị cơn gió quái ác làm lay động những cảm xúc chỉ chờ dịp để  tuôn trào. Tay cầm tờ báo, tôi đưa mắt nhìn quanh nhà, nghĩ đến việc phải thu xếp chỗ cho những chậu cây không chịu nổi cái lạnh của thời tiết, đến việc phải tìm thời gian lo cất đi những bộ bàn ghế bầy ra sân hồi đầu mùa hè cho những dịp tụ họp gia đình bạn bè. Và nghĩ đến cả mùa thu của cuộc đời mình, liệu xem khi nào thì là thời gian thích hợp nhất, thuận tiện nhất cho việc thu xếp lại những bộn bề, ngổn ngang mà tôi đã bao lần tự hứa hẹn với chính mình, sẽ dọn dẹp, sẽ gom góp những mảnh vụn vỡ, để nếu không chắp vá được thì sẽ cố khuyên nhủ mình “cầm bằng như không biết mà thôi“. Chưa bao giờ tôi cảm thấy âm thanh Bước Thời Gian rõ ràng như buổi sáng ngày đầu tiên của mùa thu, đứng chênh vênh giữa thời tiết lúc giao mùa, trên mảnh đất đã bao năm tôi cố sức làm quen, cố sức xem nó như mảnh đất quê nhà năm xưa nơi tôi bị buộc phải bỏ mà đi.

2.

Chỉ trong những hòan cảnh khắc nghiệt của đời sống, người ta mới nhìn thấy rõ hình ảnh đậm nét bi kịch của thân phận con người. Cụ thể nhất là con người mang thân phận lưu vong, sống xa quê hương. Điều đó cũng dễ hiểu. Vì thời gian cho những người – như tôi – sống trên mảnh đất xứ người quá ngắn để có thể bám rễ vào được. Mặt khác, thời gian mà chúng tôi sống ở quê nhà cũng đã quá đủ dài để một lần nhổ rễ là một lần nhức buốt, một lần chết đi sống lại. Đã đành là những ngày ấy, nếu không bỏ rễ mà đi thì chưa chắc cái cây ấy còn tồn tại đến ngày nay, nhưng sinh ly cũng đau đớn như tử biệt, sự cắt đứt nào cũng là nỗi đọan trường, để mỗi bước đời còn lại chất đầy cảm gíac chênh vênh như người đi bên triền vực thẳm, một bên là núi, một bên là thung lũng sâu hút, tay quờ quạng tìm hòai vẫn không thấy một cành cây nào để bám vào.

3.

Vì thế, trong cái buổi sáng đầu thu nhợt nhạt ánh mặt trời mới hôm qua còn rực rỡ trên những khóm hoa mười giờ đỏ chói trước sân nhà, tôi bâng khuâng nghĩ về một ngày mới trước mặt mà đầu óc bỗng mệt mỏi vô cùng. Không có cuộc sống nào đáng sống cả. Lỡ sống thì phải sống cho hết đời thôi. Dường như một nhân vật của Vũ Khắc Khoan đã nói như vậy. Vô tình, trên mặt bàn nhỏ trước hiên nhà, nằm trơ trọi tờ tạp chí (Cadao) với hình bìa chú hai câu thơ của Cao Tần:

Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc

Nặng trĩu ngàn cân nhớ nước non.

Bài thơ Cao Tần viết từ tháng 5  năm 77, mới chỉ hai năm sau những ngày di tản hỏang hốt. Từ ấy đến nay, đến buổi sáng mệt mỏi này, đã 30 năm. Ba mươi năm một phận đời lưu vong, cây vẫn chưa chịu bám rễ vào mảnh đất mới, dù đã ba mươi năm tưới bón mỗi ngày. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà 30 năm sau khi bài thơ Chốn Tạm Dung của Cao Tần ra đời, anh bạn tôi lại chọn hai câu thơ cuối cùng và hay nhất của bài đưa lên trang bìa một số báo kỷ niệm 30 tháng 4. Trong đầu tôi, những đọan thơ xóay lòng của bài thơ hiện ra mồn một:

Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
Trên đường chênh chếch nắng mênh mang
Trôi xuôi một mảnh hồn lưu lạc
Đã chán nhân gian ở cuối đường
Chiều về lên dốc thân tơi tả
Một quả hoàng hôn đỏ kín trời
Mình mới ngoi lên ngày đã ngả
Đêm phờ lăn lóc ngủ thay chơi
Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
Ngược xuôi ngơ ngẩn một linh hồn
Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc
Nặng trĩu nghìn cân nhớ nước non

(Chốn tạm dung. Thơ Cao Tần. Tháng 5-1977)

Những ngày ấy, giữa không khí còn sôi sục bao uất ức vì một miền Nam bị bức tử, với tin tức từ quê nhà hàng trăm ngàn quân nhân công chức phải khăn gói đi vào những trại cải tạo không biết đến ngày về, dân chúng bên ngòai thì bị ép buộc đi kinh tế mới, bị các cuộc đổi tiền, đánh tư sản của chính quyền làm kiệt quệ hòan tòan, thì những bài thơ của Cao Tần bị đánh gía là thiếu tinh thần chiến đấu, thiếu sự hun đúc cần thiết cho một tinh thần phục quốc, một tinh thần giải phóng quê hương. Nhưng thời gian đã chứng minh rằng, con người không phải là một cái máy vô tri vô giác, không phải lúc nào cũng cố lên gân cổ mà hô to những khẩu hiệu hực lửa. Người chiến sĩ ngày đêm xông pha lửa đạn, xem cái chết như là số phận không thể tránh khỏi của mình, nhưng vẫn có lúc chùn bước khi nhìn thấy kẻ thù đang ào ào tràn tới như biển người; cũng có lúc ngồi buồn bã nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ em, nhớ cô bạn gái hàng xóm khi ra đi chưa kịp nói lời yêu thương. Và nỗi lòng trong thơ Cao Tần có thể được ví như những giây phút lãng mạn ấy của một người lính. Nỗi lòng ấy có thật, tuy buồn bã, mệt mỏi .

Một con người bị bứt ra khỏi quê hương, như cái cái cây bị bão làm cho trốc gốc, không thể nào còn xanh tươi như xưa được nữa, dù được cắm vào mảnh đất mới, có đầy đủ phân bón mầu mỡ. Cái bi kịch phân thân giữa những hồi ức về quê nhà và hiện tại tuy đầy đủ về vật chất nhưng không vừa ý về tinh thần, giữa tình cảm gắn bó quê cha đất tổ  và lý trí của sự tồn sinh, giữa những ước vọng thời thanh niên còn sót lại và thực tại phũ phàng đã là nguyên nhân của nỗi lòng buồn bã, tâm trạng mệt mỏi ấy.

4.

Đã 30 năm từ ngày ấy. Bao mái đầu sương muối nay chỉ còn một màu trắng như tuyết những ngày đông xứ người. Vẫn những nỗi lòng buồn bã, tâm trạng mệt mỏi ấy. Thứ đặc tính không thể thiếu của những thân phận lưu vong. Cùng với thời tiết bốn mùa thay đổi, những tâm trạng người thay đổi theo, khi đậm, lúc nhạt. Như buổi sáng đầu tiên của mùa thu, tôi nghĩ đến mùa thu cuộc đời mình, cuộc đời những người cùng một lứa cũng như tôi. Chớm thu thì trời chưa lạnh lắm, buổi sáng dậy sớm, pha xong ly cà phê đầu ngày, có thể mang ra ngồi trước hiên nhà, vừa nhấm nháp cà phê, vừa nhìn những chiếc lá đang từ từ thay màu giữa không gian thật im ắng không có  đến cả tiếng xe chạy vọng về từ ngòai con lộ chính, im ắng đến độ có thể nghe được tiếng chiếc lá rơi xuống trên mặt sỏi xào xạc. Tôi lại nghĩ đến những người quen biết đã lần lượt theo nhau rơi rụng xuống đồng đất xứ người. Không biết tâm tư họ lúc ấy có “rơi“ nhẹ nhàng như chiếc lá nửa xanh nửa vàng đầu mùa thu vừa rơi xuống trước mặt tôi hay không. Nhưng mùi cà phê thơm phức lại khiến tôi đâm sợ hãi ý nghĩ ấy, không dám nghĩ tiếp. Tôi nhận ra sự liên hệ giữa mùi cà phê đầu ngày và âm thanh chiếc lá rụng đầu thu. Một bên là mùi ngào ngạt của sự sống và bên kia là âm thanh  của cái chết. Tuy từ những ngày còn mài đũng quần trên ghế trường trung học, tôi đã thuộc nằm lòng câu triết lý thời thượng không có cuộc sống nào đáng sống cả, lỡ sống thì phải sống cho hết đời thôi phát ra ở cửa miệng một nhân vật của Vũ Khắc Khoan, nhưng đến bây giờ sống gần hết một đời người – dù là đời một người lưu vong mệt mỏi buồn bã – tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ sự lầm lỡ ấy. Ngoại trừ mai đây khi nó lừng lững bước vào hiên nhà gõ cửa, thì tôi đành phải mở thôi.

5.

Buổi sáng, đầu thu trời đất và đầu thu cuộc đời, chiếc lá nửa xanh nửa vàng rơi rụng và mùi cà phê đầu ngày, sự sống và cái chết, hồi ức quê nhà và thực tại quê người, cùng với câu văn quái ác của người bạn trẻ cái lạnh buốt lên da lưng là thời tiết – cái lạnh buốt lên tim là quê hương đã làm tôi ngầy ngật như người vừa quá chén đêm hôm trước, sáng hôm sau tỉnh dậy thấy tòan thân ê ẩm. Tiện tay lật trang trong tờ tạp chí nằm trơ trọi trước mặt, thấy cái tên mình kệch cỡm nằm trước  tấm hình có bước chân người con gái nhẹ lướt như ma trơi những bước thời gian thật vô tình.

Tôi bỗng nghe thấy tiếng một giọt sương vừa rơi xuống hồn mình.■

 

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search