T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Người phụ nữ Cuba và trang Blog làm rung chuyển chế độ

clip_image002

Năm 2002, cô gái 27 tuổi người Cuba, Yoani Sánchez, sau khi tốt nghiệp khoa Triết trường đại học Havana, đã chọn sinh sống ở Thụy Sĩ. Hai năm sau, 2004, cô quyết định trở về quê hương, tụ nhủ lòng rằng cô sẽ sống trên mảnh đất chôn nhau cắt rún từ 50 năm nay chưa hề biết đến nào là dân chủ tự do với tư cách một con người hòan tòan tự do. Bước chân hồi hương chưa kịp nghỉ ngơi, cô bắt tay ngay vào việc thực hiện một trang Blog: Generation Y (thế hệ những người có tên bắt đầu bằng chữ Y – như cô: Yoani). 4 năm sau, 2008, tạp chí Times của Mỹ chọn Yoani Sánchez vào trong danh sách “100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trên thế giới”. Tây Ban Nha trao tặng cô giải thưởng danh dự cao nhất trong lãnh vực họat động báo chí mạng: Giải Ortega y Gasset. Năm 2010, Yoani được Tổ chức Báo Chí Quốc Tế trao tặng danh hiệu “Chiến sĩ tranh đấu cho tự do báo chí thế giới” (the World Press Freedom Hero) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) gọi cô là “nhà lãnh đạo trẻ tòan cầu” (Young Global Leader).

Năm 2009, Yoani là người viết Blog (Blogger) đầu tiên – cho đến nay là duy nhất – được tổng thống Mỹ Obama dành cho một cuộc phỏng vấn, và là người đã bình luận rằng “trang Blog của cô đã cung cấp cho thế giới cửa sổ duy nhất để mọi người có thể nhìn thấy thực tại cuộc sống hàng ngày của người dân Cuba”, ông cũng ca ngợi những cố gắng của cô “đã khuyến khích những người đồng hương Cuba của mình can đảm bộc lộ ý nghĩ của mình qua việc sử dụng những phương tiện khoa học kỹ thuật”.

Trang Blog Generation Y ra đời

clip_image004

Yoani sinh năm 1975 tại thành phố Havana. Cha mẹ cô lúc ấy cũng chỉ mới già hơn cuộc cách mạng do Castro phát động chỉ vài tuổi. Cô thừa hưởng ở người cha, một kỹ sư đường rầy xe lửa, lòng ham mê đọc sách, tính siêng năng chăm chỉ ở trường học và luôn hãnh diện quấn quanh cổ chiếc khăn chòang thiếu niên tiền phong, và tâm nguyện “sống như Che”*.

Yoani được 14 tuổi khi bức tường Bá Linh sụp đổ và Liên Bang Xô Viết hầu như cắt hòan tòan khỏan trợ cấp hàng năm 6 tỉ Mỹ kim cho Cuba. Fidel Castro lên tiếng khuyến cáo đất nước rằng Cuba đang phải đối diện với “một tình hình đặc biệt của thời bình”. Yoani trưởng thành trong giai đọan đặc biệt này, giai đọan của những sự khan hiếm khủng khiếp. Cũng trong giai đọan này chữ Alumbrón ra đời. Alumbrón vốn có nguồn gốc từ chữ Alumbrar (tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là chiếu sáng). Khi thành phố bị mất điện, thay vì gọi là “cúp điện” thì người dân Cuba gọi tình trạng không có điện này là bình thường, có điện mới là ngoại lệ. Vì thế, mỗi khi có điện trở lại, có nghĩa là sự xuất hiện của một tình trạng ngọai lệ, bất thường, và chữ Alumbrón phản ánh được tâm trạng ẩn ức của người dân khi phải liên miên sống trong sự thiếu hụt mọi nhu cầu căn bản. Thời kỳ này cũng là thời kỳ người dân Cuba phải ăn nho khô thay cho khẩu phần thịt trong bữa ăn đạm bạc hàng ngày. Những câu chuyện đồn đãi còn kể việc người ta dùng “áo mưa” (condoms) nấu chảy ra thay cho cheese trong các món ăn hổ lốn trông giống như Pizza nhưng không phải là Pizza.

Yoani học xong trung học trong thời kỳ khốn khó này và được nhận vào trường đại học Havana. Cô vốn mơ ước trở thành một ký giả, nhưng lại thấy mình bị chôn vùi giữa đống chữ nghĩa của môn triết học khô khan. Năm 17 tuổi, Yoani gặp gỡ người chồng tương lai của mình, Reinaldo Escobar, vốn là một ký giả bị mất việc phải chuyển qua làm thợ sửa cầu thang máy. Hai năm sau, Yoani làm mẹ với sự ra đời của cậuu con trai khi mới vừa 19 tuổi.

Sau khi sinh con, cô vẫn tiếp tục theo đuổi việc học và tốt nghiệp, nhưng cô không chọn sống bằng khả năng chuyên môn trong học vấn của mình. Luận đề tốt nghiệp đầy tính khiêu khích của Yoani (Chữ nghĩa dưới những áp lực – Nghiên cứu về văn học chuyên chính ở châu Mỹ Latin ) chắc chắn sẽ không giúp cô chút nào trong việc kiếm một chân hàn lâm trong ngành giáo dục Cuba. Cô cũng chẳng tỏ ra hối tiếc .

Cô vừa dậy học tiếng Tây ban Nha, vừa làm hướng dẫn viên du lịch cho du khách nói tiếng Đức. Công việc đủ giúp cô có thu nhập nuôi sống gia đình nhưng vẫn không bù đắp được những thất vọng về một cuộc sống thiếu thốn đủ mọi thứ gây ra bởi chế độc độc tài của Fidel Castro. Khi cô và gia đình rời bỏ đất nước để đi định cư ở Thụy sĩ năm 2002, cô đã đi theo con đường không thể tránh khỏi mà mỗi năm hàng chục ngàn người Cuba đã đi . Nhưng quyết định hồi hương của cô thì lại là một trường hợp hiếm hoi.

Trước khi đi Thụy Sĩ, Yoani đã tự ráp lấy một chiếc máy Computer bằng những phụ tùng mà cô lúc ấy có thể xoay sở được. Trở lại quê hương, bằng chiếc máy computer tự tạo đó, Yoani, Reinaldo và vài người bạn, thực hiện một tạp chí mạng có tên Consensus (sự đồng lòng). Yoani đảm nhiệm vai trò người thiết kế kỹ thuật và thực hiện.

Tháng 4 năm 2007, kết hợp lòng ham mê chữ nghĩa và khả năng computer Yoani trau dồi thêm trong thời gian sinh sống ở Thụy sĩ, cô mở trang Blog có tên: Generation Y (Generation Y lấy ý từ những người như Yoani, có tên khởi đầu bằng hoặc có chữ Y, sinh ra ở Cuba những năm 70s và 80s)

Mỗi lần muốn đưa lên mạng một bài viết mới, cô phải giả dạng là một du khách người Đức, chỉ nói tiếng Đức, để lẻn vào quán cà phê Internet của khách sạn dành riêng cho người nước ngòai nơi người Cuba không được phép bén mảng đến.

Tuy nhiên, mãi đến tháng 12 năm 2007, trang Blog của cô mới hòan thiện được chức năng dành cho độc giả viết nhận xét của mình. Như Yoani đã mô tả:

“ . . . Cái khỏanh khắc mà những ý kiến của độc giả xuất hiện lần đầu tiên, tôi cảm thấy trang Blog của mình thực sự có sự sống. Nó có đời sống riêng của nó. Bất kể tôi đang ở đâu, làm điều gì, kể cả khi tôi ngủ, người ta cũng ghé vào trang Blog, nói chuyện với tôi, nói chuyện với nhau, kể lể những câu chuyện riêng của mình . . .”

Tầm ảnh hưởng và sức mạnh của trang Blog Generation Y mỗi ngày một tăng trưởng nhanh chóng và lan rộng ra khắp thế giới. Chỉ vài tuần lễ sau khi Yoani được vinh danh bởi tạp chí Times ở Mỹ và nhận giải thưởng của báo chí Tây Ban Nha, guồng máy đàn áp của chế độ Fidel Castro đã thành công trong việc ngăn chận không cho người đọc từ trong nước Cuba vào được trang Blog Generation Y. Thế là chính Yoani cũng không mở được trang Blog của mình. Một nhóm bạn hữu, vốn trước đây từng theo học ngành báo chí ở trường đại học Havana với Reinaldo, nay sống lưu vong ở Canada, đã giữ cho trang Blog được tiếp tục hiện hữu. Kể từ lúc này, Yoani phải trông cậy vào sự giúp đỡ của bạn bè, nhờ họ đưa lên trang Blog những bài viết cô gởi qua e-mail.

clip_image006Tháng 8 năm 2008, Gorki Aguila, trưởng ban nhạc Rock Porno Para Ricardo bị nhà cầm quyền Cuba bắt giữ với tội danh “có tiềm năng gây nguy hiểm cho xã hội”. Yoani và bạn bè ở Cuba cũng như khắp nơi trên thế giới, lần đầu tiên đã trắc nghiệm sức mạnh của Bloggers và khả năng truyền tin của Internet. Chỉ hai ngày sau, tin tức về việc Gorki bị bắt đã được biết tới hầu như ở mức độ tòan cầu. Nhà cầm quyền Cuba buộc phải tạm hõan ngày xử Gorki, đợi cho không khí bên ngòai lắng dịu lại. Dù vậy, vào ngày xử án, các phóng viên truyền hình quốc tế đã có mặt đầy đủ bên ngòai tòa án. Kết cuộc, Gorki đã được tòa tha bổng, chỉ với án phạt vi cảnh 25 đô la thay vì hầu như cầm chắc bản án 4 năm tù nếu không có sự phản đối của cộng đồng mạng trên tòan thế giới với sự mở màn của Blogger Yoani.

Lần đầu tiên, người dân Cuba chứng kiến sức mạnh của kỹ thuật Internet. Ngay từ trong lòng chế độ, nó đã khiến nền độc tài phải nhượng bộ.

Tuy Yoani tự cho mình chỉ là “người viết blog bất đắc dĩ”, quả thật cô đã tìm được niềm hứng khởi từ sức mạnh của chữ nghĩa lơ lửng trong thế giới ảo (Cyberspace) mà cô không nhìn thấy được. Từ những kết quả rất khích lệ ấy, cùng với chồng, Yoani đã bắt đầu một lọat những khóa học xây dựng trang Blog cho những người đồng hương cùng chí hướng. Năm 2010, với sự giúp đỡ của bạn bè khắp nơi, hai vợ chồng thành lập “the Blogger Academy”, có bản doanh là phòng khách gia đình. Nỗ lực của họ đã có kết quả, cộng đồng mạng những người viết Blog ở Cuba ngày một đông đảo thêm những thành viên.

Đến nay, trang Blog Generation Y của người phụ nữ Cuba kiên cường Yoani Sánchez đã trở thành một điểm hẹn quốc tế của những người quan tâm đến nhân quyền, đến dân chủ, đến tự do đặc biệt là cho đất nước Cuba, một dân tộc đã sống quá lâu dưới ách độc tài của anh em nhà Fidel Castro. Trang Blog Generation Y đã được các tình nguyện viên khắp nơi trên thế giới dịch ra 18 thứ tiếng, ngòai những ngôn ngữ thông dụng như Pháp, Anh, Đức, Ý, Nga, Tây Ban Nha, còn có Tàu, Ba Lan, Hung Gia Lợi, Nhật Bản, v..v..

Cách đây 6 tháng, tôi mua lại được cái laptop cũ từ một tay lái tầu. Anh ta cần tiền để mua một cái đầu máy khác. Cuộc hải hành của anh ta bị thất bại, nhưng chiếc láptop đã thuộc về tôi, nên không thể có sự đảo ngược xẩy ra. Với chiếc laptop đó, tôi khởi sự bắt tay vào những trang blog đầu tiên của mình. Tôi bắt đầu bằng những điều đang nung nấu trong tôi, những điều nửa như là câu hỏi, nửa như là tiếng kêu thét của một người đàn bà yếu đuối, đã mất hết mộng mơ, chỉ còn biết nhớ đến thực tại một cuộc sống tẻ nhạt chưa hề bao giờ được phản ánh trong những chương trình truyền hình đơn điệu hay những trang báo ngày nhạt nhẽo.

Trước khi viết những dòng chữ đầu tiên nói về một thực tại đang phơi trần mọi ảo tưởng, một giọng nói lãnh đạm đã cảnh cáo tôi rằng những điều tôi sẽ viết chẳng thay đổi được chút gì những thứ tôi đang nói đến. Một giọng thì thầm đầy hãi sợ khác nhắc tôi nhớ rằng tôi còn có một đứa con 12 tuổi và những điều tôi làm có thể gây hại đến tương lai của nó. Tôi nghe cả tiếng mẹ tôi trách móc: “Con ơi, sao con lại vướng vào những thứ này làm gì?”. Tôi nghĩ đến mình sẽ bị gán cho là điệp viên của CIA hay sở an ninh Hoa Kỳ. Sự cảnh giác trong đầu tôi hiếm khi nào lầm lẫn, nhưng ngặt nỗi, phần người điên khùng trong tôi chẳng bao giờ chịu nghe theo.

Vì thế, tôi thấy mình quẩn quanh mãi ngay ở những hàng chữ đầu tiên, quẩn quanh với những giỏ đi chợ trống không, những tòa nhà công sở cao ngất nhưng vô dụng, những cơn đói cồn cào gặm nhắm và những chiếc thuyền dập dềnh ngòai Vịnh . . .

Tôi chỉ mới viết được vài hàng chữ, vậy mà giờ đây tôi đã trở thành một người viết blog (blogger). Tôi mang cảm giác chông chênh của một người tự phong cho mình chức năng nhà xuất bản lẫn vai trò người tổng biên tập. Cũng chỉ cách đây mới vài tháng thôi, tôi được đọc một bài blog đầu tiên của một người đồng hương có bút danh “Người của Đảo”. Những câu chuyện anh ta kể giống hệt như cuộc sống của tôi, khiến tôi có cảm tưởng anh ta là một trong những láng giềng sống chung với tôi một khu phố. Nhưng không phải, anh ta là một đảng viên của đảng Cộng sản, mà khả năng sử dụng chữ nghĩa của một đảng viên chỉ là điền những chi tiết vào bản báo cáo những con buôn họat động bất hợp pháp đáng bị trừng phạt.

Tôi đặt tên cho trang Blog của mình là Generation Y, một trang blog được dựng nên, có hứng khởi từ những người như tôi, những người có tên khởi đầu bằng hoặc trong những mẫu tự của tên có chữ Hy lạp Y, vốn không được thông dụng trong tiếng Tây Ban Nha. Chúng tôi là một thế hệ sinh ra ở Cuba những năm 70s, 80s, giống nhau ở chỗ theo học những ngôi trường làng, chỉ biết họat họa của Nga, lén lút vượt biên và tràn đầy thất vọng. Vì thế, tôi đặc biệt muốn mời những Yanisleidi, Yoandri, Yusimi, Yunieski và tất cả những ai đang kéo lê chữ Y bên mình, hãy đến cùng tôi và viết cho tôi.

Trong những thập niên bị kềm kẹp chặt chẽ ấy, chỉ có một khỏang tự do rất nhỏ bị bỏ quên không nhòm ngó tới: đó là cái việc đơn giản đặt tên những đứa trẻ vừa được sinh ra. Vì thế, cha mẹ của chúng tôi – tất cả đều mặc quần áo có nẹp giống nhau, hưởng cùng một chế độ phân phối nhu yếu như nhau – đã tìm cách khẳng định mình bằng cách đặt tên con cái có những chữ Y ngọai lai này. Mặc dù chúng tôi thuộc về những nhóm người khác nhau, nhưng chúng tôi có chung với chữ Y gốc Hy lạp. Hàng ngũ của chúng tôi bao gồm cả những viên chức điều tra của sở công an chính trị đến những cô gái điếm đuổi theo những du khách nước ngòai. Nhưng một sợi dây đầy giễu cợt đã trói chặt chúng tôi lại với nhau, một sự giễu cợt cần thiết để sống trong một xã hội đã cạn kiệt mơ ước, và thấy được cả tương lai của mình trước khi chính thức đặt chân tới.

Chúng tôi, những người có tên mang chữ Y đã đến tuổi trưởng thành khi bức tường ô nhục Bá Linh bị kéo sập, và Liên bang Xô Viết chỉ còn là cái tên của tờ tạp chí nhiều mầu sắc bìa bám đầy bụi trên kệ một cửa hàng sách. Không hề có một chút tham vọng nào đến thế giới không tưởng, chúng tôi bị kéo xuống đặt hai chân vững chắc trên mặt đất và bị tiêm ngừa không cho nhiễm phải những ước mơ cuộc đời.

Tôi đưa lên mạng blog trang viết đầu tiên của mình. Và cùng với phần còn lại của thế giới ảo, chúng tạo thành một cái sườn: Một cái sườn của những dòng ghi chép bên lề, từ Cuba, vào thời điểm bắt đầu của thiên niên kỷ. Những ghi chép này – kết quả tạo thành từ những ký hiệu nhị phân – bắt đầu vẽ nên một bức tranh. . .”

Những dòng chữ in nghiêng ở trên trích từ lời mở đầu của quyển sách mang tên: “Thực tại Havana – Câu chuyện một người phụ nữ tranh đấu để nói lên sự thực về nước Cuba ngày nay” tập hợp những bài viết tuyển lựa của Yoani Sánchez trên trang Blog Generation Y từ năm 2007, được xuất bản năm 2011 tại Hoa Kỳ.

Vì giá trị cả về xã hội lẫn chính trị của những bài viết trong một thời kỳ Cuba vẫn còn bị tách rời với xã hội văn minh và tự do bên ngòai, nên Trang Web T.Vấn & Bạn Hữu sẽ lần lượt chọn lọc và trích dịch một số những bài Blogs của Yoani Sánchez mang nội dung miêu tả những hình ảnh tiêu biểu nhất cho đời sống hàng ngày của người dân Cuba.

Trông người lại nghĩ đến ta. Sự kiện nhiều trang Blog giá trị ra đời ở Việt Nam, tầm ảnh hưởng của những trang blog ấy được đánh giá qua sự bắt bớ, những nhiễu của nhà cầm quyền Việt Nam đối với những Bloggers can đảm này là một bằng chứng cho thấy khoa học kỹ thuật đang giữ vai trò hàng đầu trong việc hình thành một sách lược tranh đấu chống lại các chế độ độc tài tòan trị trong thời kỳ tòan cầu hóa hiện nay.

T.Vấn

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search