T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn & bạn hữu: tái tân trang “hộ khẩu” văn chương

clip_image002

Hai năm một tháng sau ngày bộ mặt trang Web T.Vấn được “tân trang”, một lần nữa, bộ mặt ấy lại được “tái tân trang”. Lần này, không phải do sự “thúc đít” của con gái T.Ý-Vy – người thiết kế và thực hiện – mà là lời yêu cầu “khẩn thiết” của chính Bố T.Vấn- kẻ thừa hưởng và trực tiếp tu bổ, cập nhật bài vở hàng ngày.

Đã 6 năm, từ ngày trang mạng T.Vấn khiêm tốn góp mặt với thế giới ảo. Khởi đi từ khả năng thiết kế mạng rất ấu trĩ của một cô gái 12 tuổi, với vốn kỹ thuật và vốn tiếng Việt vô cùng ít ỏi, và một ông bố ngòai thì giờ kiếm cơm chỉ ham mê viết lách. Với nhịp bước thời gian, cô bé gái ấy lớn dần cùng sự hiểu biết, tích lũy về ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ mẹ đẻ. Bố của cô cũng lão dần theo mỗi bước lớn lên của con. Dầu vậy, ở mỗi bước nhẩy của con, ông ta cũng đều cố đi theo bén gót. 6 năm, đã 2 lần trang Web T.Vấn đổi giao diện với ngôn ngữ mới hơn, kỹ thuật lên bài (upload) dễ hơn và tốn ít thời gian hơn. Để làm một cuộc chạy đua với con, ông bố đã phải nhiều lần bỏ con đường mòn nhẵn để chọn lối đi mới nhiều trắc trở, gập ghềnh hơn.

Đến nay, dường như ông ta đã không còn sức trụ một mình trên “hộ khẩu văn chương” *của mình nữa (chữ “hộ khẩu văn chương” là một “phát kiến” thật “vĩ đại” và thân ái của người bạn tù, bạn văn Trần Ngọc Tự, cuốn tự điển bách khoa di động, nhằm chỉ cái trang Web mang tên T.Vấn). Một trang mạng, dù là văn chương, điều quan trọng nhất – ngòai những giá trị về nội dung – để tồn tại là khả năng cập nhật nhanh chóng, nếu không mỗi ngày thì cũng phải vài ba ngày, hoặc mỗi tuần. Không có khả năng cập nhật với tốc độ như vậy, sẽ không có độc gỉa. Người đọc mạng đòi hỏi những cái mới từng giờ, từng ngày. Nhưng cùng lúc đó ngừơi viết không được quyền quên khía cạnh “chất lượng”, vì nó sẽ quyết định giá trị nội dung trang mạng của mình. Những đòi hỏi này vượt quá khả năng của một người.

Cô gái 12 tuổi 6 năm trước nay đã đủ trưởng thành để, ngòai khả năng kỹ thuật, góp ý với bố về nội dung, bằng sự tự tin mạnh mẽ sẽ giúp cho bố có được phương tiện cùng với những người bạn của mình biến hộ khẩu văn chương cá nhân thành một tiệm chạp phô văn học nho nhỏ với đầy đủ những bộ môn nghệ thuật Nhạc, Tranh, Thơ, Văn.

Thế là ý tưởng “T.Vấn và Bạn Hữu” thành hình. May mắn thay, ngòai món quà quý báu Ơn Trên ban cho là cháu Y-Vy, tôi còn có những người bạn đồng sở thích và đầy khả năng, nhiệt tình và lòng ưu ái giúp cha con tôi thực hiện ý tưởng ấy.

Quả là một mùa hè bận rộn. Cũng may, cháu Ý-Vy vẫn còn rảnh rang tâm trí (chưa bị tình yêu cấu xé), rảnh rang thời giờ (chưa có những hẹn hò bè bạn trai gái thân sơ) để có thể tòan tâm tòan ý vào công việc rất mất thời giờ và mất năng lượng não là thiết kế một trang mạng cho “người già”, bằng ngôn ngữ Việt (là thứ ngôn ngữ phụ – second language – đối với đứa trẻ sinh ra và lớn lên ngòai đất nước như T.Ý-Vy). Công việc còn bề bộn gấp bội là phải thu xếp ‘ những đồ đạc “tích lũy hơn 6 năm nay từ căn nhà cũ sang căn nhà mới, sắp xếp chúng lại cho phù hợp với diện mạo mới, và nhất là phải thật dễ dàng cho cái đầu óc xơ cứng của Bố từ nay trở đi biết đường mà thêm thắt, sửa sang, cập nhật. Bởi vì, sau mùa hè này, cháu Ý–Vy sẽ đi học xa nhà, nơi cháu chọn (và may mắn được nhận vào học) để trau dồi một cách chính quy khả năng thiết kế mạng là trường đại học Rice ở Houston, cách nhà hơn 11 tiếng đồng hồ lái xe.

clip_image004

Rồi đây đường xa vạn dặm, con gái sẽ không ở cạnh để khi cần “cứu bố” (hay cứu bồ) như trong 6 năm qua. Ngược lại, T.Vấn không còn cô đơn nữa, vì đã có những người bạn cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn với mình. Những người bạn mà chúng tôi ít có dịp gặp gỡ do đường sá xa xôi, cách trở. Thậm chí có người tôi chưa từng biết mặt như người bạn trẻ Lưu Na, như anh Hòai Nam (tác giả 70 năm Tình ca trong tân nhạc Việt Nam) ở tận bên xứ Úc Thòi Lòi biền biệt, hoặc nữ họa sĩ Hà Huỳnh Mỹ ở Việt Nam, biết nhau cũng nhờ qua cái duyên chữ nghĩa, nghệ thuật. Những người như Như Hoa, Đỗ Xuân Tê, Phila Tô, Trần Ngọc Tự, Ngọc Phi, Trần Lê Việt, chúng tôi từng chia nhau nhiều năm tháng lưu đày Thượng du Bắc Việt. Những người bạn đồng khóa ngày còn học một quân trường ở thành phố miền cao đất nước như Phạm Chinh Đông, Trần Thanh Châu, Trần Trung Hậu và chị Ngân Bình là một nàng dâu trong đại gia đình Nguyễn Trãi chúng tôi. Phạm Doanh là người bạn cùng mài đũng quần 7 năm trường Petrus Ký, Sài Gòn. Đặc biệt nhất, anh Ngộ Không Phí Ngọc Hùng, chúng tôi chỉ gặp nhau một lần qua trung gian Trần Ngọc Tự trong chuyến đi Houston cho con gái Y-Vy thăm trường Rice, đã trở thành tri kỷ.

Chữ nghĩa vốn bạc bẽo. Nhưng ít nhất, chúng đã đem chúng ta lại gần nhau. Chúng đã đem những kẻ lạ đến với nhau. Vì vậy, tôi trân trọng chúng, như trân trọng những điều đẹp nhất trên đời, như tôi đã rất trân trọng những bằng hữu của mình.

Chỉ một tuần nữa, cháu Ý-Vy lên đường, sau khi đã trải gần hết những ngày hè hạnh phúc nhất đời mình (vì không còn phải lo toan điều gì ngòai chuẩn bị tâm tư cho 4 năm đại học trước mắt, vì vẫn chưa biết vị đắng ngọt của cuộc đời, vì những ước nguyện thời trung học đã được số phận đáp ứng đầy đủ . . .) để thực hiện cho bố món quà mà cháu biết chắc chắn bố sẽ yêu thích và chăm sóc cho đến ngày bố vĩnh biệt trần gian ra đi, là trang Web T.Vấn & Bạn Hữu được ra mắt đúng ngày tháng như lời hứa với bố.

Xin trân trọng những góp sức của bằng hữu, hôm nay và ngày mai, cho những cái đẹp của cuộc đời mà chúng ta cùng nhắm tới.

Xin cám ơn những độc giả thân thuộc của trang Web T.Vấn từ 6 năm qua và vẫn tiếp tục là độc gỉa của trang Web T.Vấn & Bạn Hữu kể từ hôm nay .

Xin cám ơn những con chữ, những nốt nhạc, những nét cọ đang làm công việc nối kết người sáng tạo và người thưởng ngọan vào cùng một thế giới mà chúng ta cùng quan tâm.

Chúng ta sẽ gặp nhau trên những trang viết mỗi ngày.

T.Vấn

Ngày 29 tháng 7 năm 2011

____________________________________

*Chú thích:

Trong ý nghĩa những hệ lụy đi kèm theo từ này, đặt trong nội dung “hộ khẩu văn chương”, tôi không tìm được từ nào khác thay thế, đành xin thêm vào hai ngoặc kép “hộ khẩu” văn chương . . . Những ai đã từng đau khổ, khốn khổ, gian khổ vì “hộ khẩu” ở Việt Nam trước ngày đi định cư ở hải ngọai, sẽ hiểu được hàm ý này trong “hộ khẩu văn chương”. Nó không đơn giản theo nghĩa “tờ khai gia đình”, hay một “địa điểm” mà “văn chương” tọa lạc. Nó là tất cả những hệ lụy đau đớn, dằn vặt, lệ thuộc mà kẻ “mê văn chương” phải chịu đựng (và hưởng nó như một thú đau thương) kèm theo với “hộ khẩu văn chương”.

**Phụ lục bài ghi chép cách đây đúng hai năm khi “hộ khẩu văn chương T.Vấn” được con gái tân trang lần cuối cùng.

clip_image006
Ngày 26 tháng 6 năm 2009

Một lần nữa, bộ mặt trang Web T.Vấn lại thay đổi. Đẹp hơn hay xấu hơn, vẫn lại tùy người đối diện. Nhưng chắc chắn có một bước tiến về vấn đề sắp xếp lại các bài viết. Ngày tháng trôi đi, tuổi đời chồng chất, số lượng những bài viết cũng chồng chất. Như tủ sách gia đình, mỗi ngày mỗi nhiều thêm những ấn phẩm mới. Đôi lúc không còn nhớ mình… đã có những gì, để ở đâu! Thế nên, nhu cầu sắp xếp là cần thiết.

Thực ra, tôi, mang đặc tính của người không còn trẻ, ngại sự thay đổi, đúng hơn, sợ sự thay đổi. Mặt khác, tôi sợ mình không đủ sức theo kịp bước đi của kỹ thuật. Ngày nay, đó là những đôi hia bảy dặm. Cố cho lắm đám gìa chúng tôi cũng chỉ lẽo đẽo theo sau. Nhưng, sau lưng tôi, đứa con gái nhỏ không ngừng “thúc đít” bố. Nó muốn, cùng với bố, chứng tỏ khả năng tiếp nhận những cái mới. Ở con, đó là kỹ thuật. Ở bố, như một nhắc nhở, không phải đi mãi một con đường mòn nhẵn. Không thể để con thất vọng, tôi phải rán hết sức mình.

Thế là, sau nhiều tuần lễ hì hục ngày đêm, khi hân hoan khi thất vọng, bố con tôi đã cùng khuyến khích nhau trong tinh thần Nguyễn Thái Học “không thành công cũng thành nhân” hòan tất tòan bộ công việc thiết kế, sắp xếp, chuyển bài từ trang cũ sang trang mới cho kịp trước ngày lên đường về  thăm quê hương, nhất là để gặp lại bà ngọai trước khi qúa muộn.

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search