T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Trống Rỗng – Tiễn Phùng Nguyễn

clip_image001

Chân Dung Phùng Nguyễn (acrylic trên bìa carton) – Đinh Trường Chinh

Hôm thứ ba tuần trước, nhà thơ Hoàng Xuân Sơn gởi đến bài thơ. Đọc nhan đề: Adieu Phùng Nguyễn, tôi giật mình hoảng hốt. Vội vã phóng “chuột” đi khắp thế giới (ảo) dò tìm với cái tên Phùng Nguyễn, nhưng không thấy gì khác lạ. Đành về hỏi lại nhà thơ. Vẫn với sự nhanh nhẹn cố hữu, anh Hoàng Xuân Sơn xác nhận. Đọc thư anh, tôi mang một cảm giác trống rỗng kỳ lạ. Trống rỗng đến không còn tha thiết bất cứ sự gì của trần gian này. Trống rỗng đến muốn buông bỏ hết, xổ tuột hết, cả những việc đã xong và những việc còn dang dở. Chỉ còn đọng lại trong đầu ý tưởng mụ mị.

Nhắm mắt nằm xuống là hết, việc trần gian để người trần gian lo âu quán xuyến. Người đi thì cứ đi, như Phùng Nguyễn. Người còn ở trọ – như tôi – liệu mà thu xếp. Kẻo không kịp. Kịp gì? Lỡ tàu chăng? Thì đã sao?

Tôi và Phùng Nguyễn vốn cùng một lứa bên trời lận đận. Tuổi tuy không còn trẻ nhưng cái chết không, hay chưa, nằm trong tầm ngắm trước mặt. Đó là chuyện của vài năm sau, nhiều năm sau (?), bao giờ thì không biết, nhưng chắc chắn không phải bây giờ. Không phải hôm nay. Không phải ngay ngày mai. Vì thế, vẫn bề bộn những dự định, dài ngày, ngắn ngày.

Sự ra đi của Cao Xuân Huy, của Nguyễn Xuân Hoàng, ít nhất cũng được báo trước. Tâm tư mọi người đã được chuẩn bị để đón nhận. Khi việc xẩy đến, chỉ có nỗi ngậm ngùi choáng ngập. Rồi tự hỏi bao giờ thì đến phiên mình. Rồi thôi. Life goes on. Mình cũng đã đủ một đời bề bộn để sống, để chuẩn bị chết. Còn thì giờ đâu mà khóc mướn thương vay.

Với Phùng Nguyễn, cái tin anh bỏ cuộc chơi đang đến hồi náo nhiệt không dễ dàng được đón nhận như vậy. Một con người bản lãnh, vững chãi, gây cho người khác cảm tưởng anh còn cả một đoạn đường dài trước mặt để đi. Vậy mà nhịp tim anh ngưng đập thật bất ngờ, thật đột ngột. Không một tín hiệu nào báo trước, dù nhỏ. Làm sao mà không hụt hẫng cho được. Cái hụt hẫng buốt lòng đã đành. Còn là cái hụt hẫng làm nghẹn hơi thở. Và sau đó là cảm giác trống rỗng đầy ứ, nặng nề, bỏ mặc . . .

Hôm nay đúng một tuần tuổi bài thơ vĩnh biệt Phùng Nguyễn của anh Hoàng Xuân Sơn. Tôi cố tình vùi thì giờ vào những công việc dở dang của TV&BH. Cố không đọc, không nghe, không bàn tán bất cứ điều gì về Phùng Nguyễn. Như tự đánh lừa mình rằng không có gì đáng để ý vừa xẩy ra. Nên không biết giờ này thân xác anh đã nằm sâu dưới đất lạnh hay hóa tro trong lửa nóng. Hay đang lững thững bước vào quán cà phê Starbucks ở ngã ba đường nơi có Nguyễn Xuân Hoàng vẫn ngồi chờ để đi cùng chuyến đến trạm tiếp liên trên ngọn đồi vĩnh biệt (như anh Hoàng Xuân Sơn tưởng tượng).

Ừ thôi! Đến lúc phải đi thì cứ đi. Đi trước hay đi sau, thì có gì là khác biệt!

Giờ này, trần gian đang ở mốc cuối thu. Bao nhiêu lần cuối thu đã đi qua, tôi vẫn còn ngồi đây, viết về những người bạn đã lên đường. Và tự hỏi, ở cuối thu, đầu đông, giữa hạ nào mình sẽ nhập vào dòng người ngày càng đông đảo ấy trên hành trình về nơi miên viễn?

Hôm tuần trước, nhà thơ Nguyễn Đình Toàn nhắn hỏi liệu sang năm T.Vấn có định về đây hay không. Định thì đã định anh ạ!
Như bao dự định khác. Định thì cứ định. Nhưng mà cái đêm mùa thu nó dài lắm. Chén rượu cháy cổ uống không chỉ một lần vẫn không làm nó ngắn lại.

Lại chợt nhớ dạo hè vừa rồi về thăm nhà tôi đã định đến gặp anh chị Khuất Đẩu ở Ninh Hòa. Đoạn đường dài, rất dài, chỉ còn một quãng ngắn nữa thôi là có thể ngồi đối diện cùng anh chị Khuất Đẩu hàn huyên đôi điều. Vậy mà cũng không thể đi nốt được! Định thì cứ định. Phải không nhà văn Khuất Đẩu?

Ừ thôi! Đến lúc phải đi thì cứ đi vậy! Lưu luyến chỉ thêm nhọc lòng. Cho kẻ ở, cho cả người đi!

Thế nhé Phùng Nguyễn!

Ngày mai, trong trí nhớ tôi không còn cái tên Phùng Nguyễn. Không còn bất cứ thứ gì khiến tôi nhọc lòng.
Chỉ còn lại cảm giác trống rỗng. Của đêm cuối thu trống rỗng. Của chai rượu vừa rót đến giọt cuối cùng nên trống rỗng. Và màn hình trống rỗng trước mặt.

Thế nhé các bằng hữu của tôi!

T.Vấn

 

Phụ Lục :

điếu văn da màu: chúc anh phùng đi bình an

Da mau selfie

Selfie Không Phải là Tự Sướng- ảnh Lưu Diệu Vân
(từ trái sang phải: Đặng Thơ Thơ, Phùng Nguyễn, Trịnh Cung, Hoàng Chính, Paulina Đàm, Lê Đình Nhất Lang, Lưu Diệu Vân tại nhà Đỗlê Anhđào và Apollo, tháng 6, 2015)

Bài điếu văn sau đây tổng kết những lời từ biệt anh Phùng từ Đặng Thơ Thơ, Đỗlê Anhđào, Lưu Diệu Vân, Trịnh Cung, Thường Quán và Nguyễn Đức Nguyên. Đinh Từ Bích Thúy lược dịch sang tiếng Anh bài điếu văn của Đặng Thơ Thơ và lời từ biệt của Trịnh Cung. Lê Đình Nhất Lang dịch và chú thích bài thơ của Nguyễn Đức Nguyên. Các thành viên khác tự dịch. Bài điếu văn đã được gửi đi với anh Phùng, và đọc trong tang lễ anh ngày 23 tháng 11, 2015, tại Pumphrey Funeral Home, Bethesda, Maryland. Đặng Thơ Thơ đọc phần tiếng Việt, Đinh Từ Bích Thúy đọc phần tiếng Anh.

(1) Đặng Thơ Thơ: Anh  Phùng và tôi làm bạn với nhau từ Văn Học, sang Hợp Lưu, rồi đến năm 2006 tôi rủ anh cùng làm Da Màu với tôi và Đỗlê Anhđào.  Buổi họp của ba anh em chúng tôi,ba sáng lập viên Da Màu ở quán café Java trong Five-Point Plaza ở Huntington Beach. Một mùa hè rất nóng, một buổi chiều rất gió, chúng tôi ngồi ngoài cửa quán, bàn chuyện, đặt tên Da Màu cho website. Chính buổi họp đầu anh Phùng đưa ra tiêu chí Văn Chương Không Biên Giới cho Da Màu. Anh đã đề nghị quy chế làm việc dân chủ cho Da Màu, các biên tập viên luân phiên làm chủ bút, mọi quyết định và hoạt động dựa trên bàn luận và biểu quyết tập thể. Chúng tôi đồng ý chọn ngày 6 tháng 8, tức chủ nhật đầu tiên trong tháng, để ra mắt Da Màu.  Sau đó từng ngày chúng tôi bàn về chủ trương, đường lối, mục tiêu của Da Màu, từng ngày chúng tôi làm việc chuẩn bị  cho số ra mắt vào  đầu tháng. Với tạp chí Da Màu, anh Phùng là người tạo dựng chính. Không có anh Phùng thì không có Da Màu như chúng ta thấy ngày hôm nay. Anh đã thiết kế, cho nó một hiện diện cụ thể, xác thực, cho nó màu sắc, vóc dáng, hình thể. Anh đã xây một ngôi nhà, để sau đó những thành viên khác lần lượt tham gia. Để qua nhiều năm tháng tất cả chúng tôi cùng làm việc, để Da Màu trở thành một gia đình thân thiết.  Và luôn luôn anh Phùng là người anh lớn trong gia đình, là rường cột của ngôi nhà Da Màu. Trong những quyết định, những dự án, những chuyên đề cho Da Màu, chúng tôi cần tiếng nói của anh Phùng, cần ý kiến sáng suốt, sự từng trải, quảng bác, tính hào sảng, và viễn kiến của anh. Mất anh Phùng là một mất mát lớn, lớn lắm, cho chúng tôi.

Đó là một trong những điều anh đã làm cho công cuộc chung của văn học Hải Ngoại. Với riêng tôi, anh Phùng là một nhân tố chính đưa tôi vào con đường của ngày hôm nay. Có hai hoạt động có thể được coi là quan trọng  trong sinh hoạt văn học của tôi, thì cả hai hoạt động ấy đều bắt nguồn từ anh Phùng. Thứ nhất là việc tham gia vào BBT Hợp Lưu năm 2002 theo lời mời của anh Phùng, và thứ hai là làm chủ biên Da Màu nhiệm kỳ đầu tiên 2006-2008, cũng là do anh Phùng “bắt” tôi phải làm. Vào buổi họp đầu tiên ở cafe Java của ba sáng lập viên, khi cả AĐ và anh Phùng đề nghị tôi vào cương vị chủ biên, tôi đã từ chối, lo lắng vô cùng, tự thấy mình không có cả kinh nghiệm, lẫn tài năng để đảm nhận công việc này. Lúc đó, tôi là một người thiếu tự tin, rụt rè, không đủ bản lãnh để làm chủ biên chút nào, thật tình  là vậy.Tôi đã từ chối, khăng khăng, nhưng cuối cùng cũng không thoát khỏi số phận, vì không làm sao cãi lại nổi với một người Quảng Nam. Điều khiến tôi nhận lời, chính là vì kỳ vọng của anh Phùng và AD. Trong những năm sau đó, tôi “lớn” dần lên. Tôi học  hỏi được từ chính công việc tôi làm. Cái tôi của ngày hôm nay là do một quá trình từ  một mùa hè năm 2006, khi anh Phùng tìm hết cách để thuyết phục tôi rằng “Anh tin chắc TT sẽ làm được.” Bây giờ nhìn lại 9 năm về trước, tôi thấy mình đã đi một chặng đường thật dài, mà chặng đường ấy đã bắt đầu từ một cú đẩy của anh Phùng, một cú đẩy tôi văng ra khỏi vùng an toàn của bản thân mình, buộc tôi phải nỗ lực đi tới, vận dụng tất cả những gì còn tiềm ẩn, để khai phá, để tăng tiến bản thân. Tôi luôn biết ơn anh Phùng về điều này, về lòng tin anh ấy dành cho tôi, về gặp gỡ và tình bạn, tình anh em của chúng tôi.

Anh Phùng để lại một dấu ấn không thể nào phai mờ. Cũng không ai thay thế được. Bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu kỷ niệm, chồng chất như “Tháp Ký Ức” của anh.

Tối qua tôi đọc lại  truyện ngắn đầu tay đó của anh. Câu hỏi “Phải chăng hy vọng chỉ hướng về tưong lai?”  chưa bao giờ đập mạnh đến như vậy. Bởi vì, như anh Phùng viết, “nếu phải thì buồn quá”, bởi vì sẽ chẳng còn chút hy vọng nào mở ra cho ký ức, những ký ức thân yêu dành cho nhau, những ký ức chung với nhau.  Không còn anh Phùng nữa để tôi kiểm tra lại những ký ức thiếu hụt do thời gian chồng chất và do sự suy tàn của trí nhớ. Không còn dịp để gọi và hỏi anh Phùng ơi, anh Phùng hỡi, anh Phùng có nhớ điều này điều kia, vv…. Việc trở thành người duy nhất còn lại để lưu giữ ký ức khiến tôi lo sợ. Vì cho đến khi anh Phùng mất, lần đầu tiên tôi ý thức được việc mất mát một chỗ dựa tinh thần là kinh khiếp như thế nào. Sự sợ hãi khiến con người cảm thấy mình thật bé nhỏ bên cạnh những tòa tháp ký ức khổng lồ.

Khó lòng mà nói đầy đủ về một con người với  tầm vóc của họ mà không nhắc đến cảm giác mất mát của chính mình, tuy điều này có vẻ ích kỷ, dù là trong nỗi thương tiếc một nhân cách, một tài năng, một thâm tình. Thì thôi, dẫu vô cùng tiếc nuối, tôi mong anh Phùng đi bình an, thảnh thơi, như trong bài thơ “If Then Else” của anh khi chúng ta ở năm thứ nhất của Da Màu, Mong anh  đi với hành trang nhẹ nhàng. Những gì anh đang làm, còn dự định làm, cho cuộc đời này, bạn bè của anh, những anh em trong gia đình Da Màu của anh sẽ tiếp tục  thay anh.

Phùng and I became friends when we used to write for Văn Học Magazine, then Hop Luu, then in 2006 I asked him to co-found Da Mau with me and Đỗlê Anhđào. We met to launch the birth of Da Mau at Java coffee-house in Five-Point Plaza, Huntington Beach. That was an unusually hot summer, on a very windy afternoon, when we discussed the mission of the magazine that we named Da Mau, which, depending on how you pronounce the letter “D”– as a soft Z sound or a hard “D,” can either mean writers and artists of color, or skin of many colors. Even at that first meeting, Phung insisted on the concept of literature without borders for Da Mau, supporting a democratic process in which each member of our editorial board rotates being the editor-in-chief, with all our plans and decisions submitted for discussion and a majority vote. We all agreed on August 6, the first Sunday of the month, to be the launching date. Each day after that we kept finessing our vision and goals for the magazine. Anh Phung was, and has always been, Da Mau’s mainstay. Without Phung there would be no Da Mau as we see it today. He had created its existence, giving it a concrete, unassailable presence, with colors, shape, character. He had created a home, so that each of us could enter and be a family. Always and forever, Phung was and is our big brother. In every decision, every plan of action, every special issue for the magazine, we need his voice, his clarity, his experience and generosity of spirit. Losing him is an immeasurable loss for all of us.

Last night I reread one of his early stories called “Memory Tower,” in which his question, “does hope only look toward the future?” has never been so resonant. For, as he wrote, “If so then it would be very tragic, because there would be no hope for the past, no room for memories of love and friendship, for a shared remembrance.”

Phung is no more, and I have no one to be a witness to my dwindling past, a past that recedes due to time and the unreliability of memory.

It’s difficult to speak fully about the dead without invoking one’s sense of loss. In mourning our dead we express our fear of extinction. So, trying not to be selfish, I wish him safe travel and peace of mind, like the sentiments expressed in his poem, “If Then Else,”

The day after the other day
I packed my things into a thermos
travelled light ….

Godspeed, anh Phùng. What you were doing, planning to do, in the life that you left behind, your friends, your brothers and sisters in Da Mau, will continue on in your stead.

[fn. by ĐTBT: “If-then-else” is java software language. The if-then-else statement provides a secondary path of execution when an “if” clause evaluates to false. You could use an if-then-else statement in theapplyBrakes method to take some action if the brakes are applied when the bicycle is not in motion. In this case, the action is to simply print an error message stating that the bicycle has already stopped:

.]

(2) Đỗ Lê Anhđào: Lần đầu tôi gặp anh Phùng cả mười mấy năm trước. Anh là một người anh từ tạp chí Hợp Lưu, tôi mới bắt đầu viết lách. Anh dẫn đi uống cà phê ở quán Coffee Factory, bắt đầu cho tình bạn bao nhiêu năm. Lúc ấy trước khi làm Da Màu, nhưng anh đã có những ước vọng rất nhiều cho văn chương và anh muốn kết hợp thế hệ trẻ vào những đóng góp tương lai cho văn học Việt Nam. Đó là anh Phùng, nói giọng Nam mộc mạc, kiên trì, và tận tụy hết mình. Anh đơn giản và tài giỏi. Anh bướng bỉnh và rộng lượng. Khi anh đã cho tình cảm thì anh cho hết mình, không khác một người anh ruột trong gia đình. Qua gần một thập kỷ làm Da Màu, tôi đã có thêm một gia đình là BBT, và tất cả đã bắt đầu từ anh Phùng và chị Thơ Thơ. Và như gia đình ruột, cũng có những lúc gần lúc xa, nhưng tất cả đều có gắn bó máu mủ của nghiệp chữ. Và như gia đình ruột, khi anh bắt đầu yếu đi năm ngoái, tôi đã không muốn nhìn nhận sự thật vì không thể chấp nhận những bất trắc có thể xảy ra. Mấy tháng trước họp mặt Da Màu, anh ngồi ở nhà tôi, lần đầu anh đến nhà tôi, ngồi ở patio, ngồi ở bàn ăn, ngồi ở sofa. Hôm nay tôi nhìn cảnh đó, cứ cảm tưởng như mai anh lại về thăm. Anh đã đi xa, coi như ngôi nhà là mất ngói, nỗi nhớ, không có khởi đầu không có kết thúc, anh Phùng ơi.

The first time I met anh Phùng was more than ten years ago. He was a part of the editorship in the literary magazine Hợp Lưu, one of the many publications to which he contributed his brilliance. He took me to Coffee Factory, the first coffee outing in our friendship. That was before we worked together in Da Mau, but he already had many dreams and ideas for the world of Vietnamese literature and he wanted to incorporate the young generation into his future contributions. That’s anh Phùng, his pastoral Southern accent, his persistent commitment and his perseverance to complete his plans. He is simple and brilliant. He is stubborn and generous. When he plans to give, he plans to give all of himself, not dissimilar from an older brother from your own family. After a decade of doing Da Mau, I have gained a family from all the editors, and it all started with anh Phùng and chi ThoTho. And just like a family, there were times of closeness and times of distance but there was always the blood bind of the people who toiled with words. And just like a family, when he started to have physical challenges, I was in denial of reality because my fear ran so deep of what could happen. A few months ago, we had a Da Mau get- together, anh Phùng visited my house, his first visit, he sat on the patio, he sat at the table, on the couch… Now I have those scenes in front of me, and I keep thinking he will return to visit again. He has begun his travels, our house feels without a roof, the loss and longing, it is without a beginning, without an end.

(3) Thường Quán

(…) Nhưng bạn yêu sự thành thực tới chết,

nên cũng là khó. Bạn ngẫm nghĩ, như là trong cái gien

bảo quản qua tháng năm

đã có sự dị ứng

với lừa gạt, dối mị, tùy tiện,

bất cứ từ đâu.

Đông Ki-Hô-Tê! Bạn từng tự cười.

Nó đó, gien, biết làm sao chừ

Âm tiếng một chữ vừa rớt ra

(…)

Chữ cuối là chính âm vọng của bạn

trong một phòng đợi:

Chiếc phone, tấm vé, Air muôn hướng

‘Mr. ‘- người ta thông báo, cô ấy đang trên đường tới.

Cửa kiếng trong suốt, ngày của cánh đồng bông vải

của những ngồi xuống sau gặt hái.

Màu vàng ấm hai bên lối đi

hai người, bạn sánh bước

nói với nhau điều gì, giữa những cột trụ mùa màng.

Đi tới đêm, đêm đang dâng lên một độ cao, rộng mở;

đêm ngủ trong mắt một thành phố sau những thành phố,

một cuốn sách đặt sang một bên, thư thản biết

một chốc nữa, trong ngời nắng

sự trở về đông đủ, ly tách, bàn ghế, những tiếng nói, những mùa, & tiếng chuông.

*

A word just uttered is lucidly forming an echo

in the wide chamber

of this waiting room.

Mobile phone. Ticket. Air – usual

‘Mr. – .’You’re being informed: she’s on the way.

The glass window is particularly kind, easy on the eye: plain level of regards,

a running down a lowland of cotton fields, a day of harvest

warming autumnal colours and hues

two people walking side by side

you and her, and the casual chats

towards an evening

which continues rising and open;

eyes being lured, the sense of being at rest

a night in the eye of a city

a book half-read lay aside, an assuring calming knowledge

all’s there, being ready, in the sun

the return of people, friends,

enjoined tables, glasses, plates, music, conversations, human voices

voices and sounds of seasons

and quietly, if one listens,

a peal of bells.

(4) Lưu Diệu Vân: Anh là một chiến sĩ hết mình tranh đấu cho sự công bình và thể chế dân chủ, và anh tin tưởng tuyệt đối rằng mỗi người đều nên có được một cơ hội đồng đều, mỗi người xứng đáng được dành cho sự tôn trọng ngang nhau, và mỗi người đều có khả năng tác động đến thế giới chung quanh, như anh đã tác động bao nhiêu người trong chúng ta. Người ta kể rằng những ngôi sao cưu mang những câu chuyện của mình và mãi mãi trường tồn trong vòng ôm dịu dàng của mảnh chăn đêm, nếu đó là sự thật, thì những câu chuyện về Phùng Nguyễn, người anh và người thầy quý mến của chúng tôi, vẫn muôn đời rung động, lóe sáng trong tháp ký ức mà anh đã xây bằng những viên gạch rắn chắc từ những sáng tác, sáng kiến, lòng từ tâm, sức mạnh và viễn ảnh của anh. Những kỷ niệm thân yêu về anh tiếp tục cuộn vòng, và một ngày, sẽ biến thành nguồn an ủi tinh nguyên…

He was a devoted defender of equality and the democratic process, and a firm believer that everyone merits an equal chance, deserves an equal respect, and possesses an equal ability to touch the world, much like how he had touched many of us. It is often said that our stories are written in the stars and forever contained in the soft embrace of the night sky’s blanket. If that is true, the stories of Phung Nguyen, our beloved brother and mentor, are forever pulsating, giving off light in the memory tower that he has built through solid blocks of his work, his ingenuity, his compassion, his strength, and his vision. Loving memories of him keep on regenerating, and one day will form a newly found comfort…

(5) Trịnh Cung: Phùng đối với tôi là một tấm gương về tự do tư tưởng, về dân chủ và chống lại chủ nghĩa phân biệt. Tôi mới quen Phùng chỉ vài năm gần đây nhưng rất gần gũi về các vấn đề văn học và chính trị theo hướng tự do và văn minh. Đặc biệt Phùng rất tôn trọng quyền tự do chọn lựa quan điểm chính tri của người khác nhưng cũng rất sòng phẳng giữa tội ác và nhân bản vốn là mục đích của nhà văn chân chính …. Sự ra đi đột ngột của Phùng Nguyễn đã để lại bao nhiêu tiếc thương cho giới làm văn chương và các nhà phê bình ….

To me Phùng is a shining example of freedom of thoughts, democracy and anti-discrimination. I have only known Phùng during the last few years of his life but become quite close to him when it comes to literature and politics that look toward freedom and progress. He is unique in that while he respects someone’s freedom to choose his or her political opinion, he would not tolerate violence in the name of art or ideology. His sudden departure has left a great void for writers and critics yearning for a better Vietnam.

(6) Nguyễn Đức Nguyên

Tưởng nhớ anh Phùng Nguyễn

            Giã từ –

ta đi qua như vạn vật

sương trên cỏ

                                Banzan

Từng hàng ghế lại từng hàng

xếp ngay ngắn

trắng tinh trên cỏ xanh

trong sân chơi nơi ta tự do lang thang

thảnh thơi &

vui thú

anh bên kia

hoa anh túc đỏ trên tay

đặt một bông trên mỗi chiếc ghế trống

rồi bình thản chọn chỗ ngồi

nhưng tôi không trông rõ nơi nào

qua những đám khói

như những đám bóp ngạt California một mùa hè nóng

một mùa hè khi bay sang

tôi đã nghĩ đến gặp anh

với cuộc hẹn cà phê

hay rượu vang nếu tôi muốn uống một ngụm nhỏ.

than ôi, tôi đã không gặp anh

được tin

anh nói

‘hoka-hey’*

đêm nay tôi sẽ ra ngắm trăng

phía bên này quả đất

hy vọng gặp một thoáng

Đêm Oakland

lướt bay qua

In Memoriam to anh Phùng Nguyễn

Farewell –

I pass as all things

the dew on grass

                                     Banzan

there are row and row of chairs

arranged neatly

white against green grass

in a playground where one can roam

free &

with gaiety

there’s you

red poppies in hand

laying one on each of the empty chairs

then calmly take your place

but I can’t see exactly where

through the smokes

like those that smothered California one hot summer

one summer when flying in

I had thought about meeting you

under the promise of coffee

or wine if I chose to have little sip.

alas I did not.

with the news

that you have said

‘hoka-hey’

tonight I will come out to watch the moon

on this side of the earth

hoping to catch a whiff of

Oakland Night

flying by

(*) ‘hoka-hey’: Tiếng của người Sioux bản địa Mỹ, nghĩa là “Hôm nay là ngày tốt để chết.”

Lê Đình Nhất-Lang chuyển ngữ và chú thích. Tác giả hiệu đính.

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search