T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tháng 10 Năm 2008

Ngày 27 tháng 10 năm 2008

Từ đó, ta môi mềm rượu cay

Phiêu diêu,

Cạn cho hết tháng ngày

Buồn xưa theo vạc về bên núi

Nghe tiếng hồn run rẩy heo may

Xin hãy cạn,

Dẫu cho đời muốn mỏi

Cứ phiêu diêu,

Theo giọt đắng ưu phiền

Ai rót rượu,

Chút ân tình mời gọi

Hờn trách chi,

Ai cũng một cô miên

Xin khép lại mơ non cùng ước bể

Đừng khóc nhau, thôi hẹn lại một ngày

Đêm sắp cạn,

nhưng buồn sao vẫn thế

Thì em ơi,

Xin rót rượu dùm ngay.

Ngày 15 tháng 10 năm 2008

Cơn gió tháng 10 đã mang theo với nó chút hơi lạnh. Trời lại sắp vào Thu. Khoảng thời gian cho vạn vật chuẩn bị thu mình giữ lại năng lượng của mùa hè vừa đi qua hầu đối phó với mùa đông sẽ đến. Chu kỳ đất trời lại sắp hoàn tất một vòng quay nữa. Trong cái chập choạng của hoàng hôn, cả hoàng hôn của đất trời lẫn hoàng hôn của đời mình, tôi đang đối diện với giai đoạn tạm gọi là hoàng hôn của định mệnh làm người: Bệnh trong chu trình Sinh, Lão, Bệnh, Tử tương hợp với bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông của Trời Đất. Trải hàng ngàn năm, chu trình này đã quay không biết bao nhiêu vòng. Vì lẽ đó, thế giới ngày nay tồn tại trên hương hồn biết bao con người đã nối đuôi nhau bước lên chuyến xe cuối cùng của cuộc hành trình làm người. Đi về đâu trên chuyến xe đó? Câu hỏi được đặt ra từ khi có con người. Và đến nay, có nhiều câu trả lời khác nhau. Dù vậy, người ta vẫn tiếp tục hỏi.

Bên ngoài căn phòng im ắng đến tê người, những giọt nắng chiều đã biến mất tự bao giờ. Chỉ còn lại hai người, cách nhau chỉ có một tuổi, ngồi bó gối đăm chiêu như cách đây 40 năm họ đã ngồi với nhau đăm chiêu bên cạnh xác người cha vừa trút hơi thở cuối cùng.

40 năm sau, một trong hai người đã dọn mình xong để sẵn sàng ra đi. Trời tối dần. Đi về đâu trong bóng đêm thăm thẳm đang sắp sửa bủa vây?

Ngày 9 tháng 10 năm 2008

Căn hội trường rộng rãi chật ních người. Họ từ khắp nơi đổ về. Họ cùng có với nhau một mẫu số chung: sống sót qua một cuộc chiến tranh, sống sót qua một cuộc tù đày. Trong số họ, không có ai còn trẻ. Tất cả đang ở giai đoạn dọn mình cho hành trình trở về nơi từ đó họ đến với cuộc đời này. Một đời người sắp hoàn tất, với những long đong nhọc nhằn cùng vận nước nổi trôi. Một thế hệ sắp đi vào lịch sử, với những dấu ấn oan nghiệt mà các thế hệ đời sau không dễ dàng gì thấu hiểu. Và có thể, họ sẽ không bao giờ hiểu được.

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay !

Những ngày đầu tháng 10 ở Dallas, trong niềm vui gặp lại những bạn tù cũ của một thời chia nhau điếu thuốc, thỏi đường, củ khoai, của một thời chia nhau lo âu, thất vọng, chán chường, tôi còn được dịp nhìn rõ hơn quá khứ của mình, của bạn bè mình, của một thế hệ sinh ra vào thời đại nhiễu nhương nhất trong lịch sử đất nước.

Vị đắng của những năm tháng Thái Nguyên, Yên Bái, Lào cai, Vĩnh Phú, Gia Trung, Cà Tum, Trảng Lớn, Long Giao, Xuân Lộc … sẽ còn đọng lại mãi mãi trong tâm tư chúng ta. Vị đắng của những năm tháng khoác bộ quân phục của chính mình nhưng không phù hiệu, không cấp bậc. Thay vào đó là những mảnh vá của mồ hôi. Của máu và thù hận. Của đói khát và nhục nhằn.

“Đời ta tha hương ngay trên quê hương …“ Lời bài tù khúc thở than cho một số phận? cho những mảnh đời đã mất? hay nỗi uất ức vì đã không trọn lời thề năm xưa khi lần duy nhất trong đời chúng ta quỳ xuống long trọng tuyên thệ TỔ QUỐC – DANH DỰ – TRÁCH NHIỆM. Lời thề bất tử cùng với thời gian và cả không gian. Nhưng nước thì đã mất, nhà đã tan, dân đỏ rên xiết giữa đọa đầy của “Tù Ngoài“. Còn chúng ta, trong “Nhà Tù Trong“ cúi đầu uất hận.

Đời ta tha hương ngay trên quê hương. Bước chân trần thất thểu giữa cát sỏi lưu đầy ngay trên đất Tổ Hùng Vương của những chàng trai tóc bời lộng gió ngày nào đã để lại những dấu ấn đậm nét trong Lịch sử. Những dấu ấn của một nỗi bất lực khủng khiếp. Những dấu ấn của một trách nhiệm không được chu toàn. Những dấu ấn của những đêm mê sảng vì sốt rét rừng mơ thấy ngọn cờ Tổ Quốc vẫn ngạo nghễ giữa Cổ Thành Uy Nghi.

(Trích: Đoạn trường thất thanh)

Hôm rồi, có người bạn hỏi tôi về một bài thơ của một tác giả thời Tiền Chiến, vô tình trong lúc lục kho lưu trữ để tìm câu trả lời, bắt gặp một bài thơ của Nguyễn Bính nhưng không hề có chút gì chứng tỏ là tác giả của Lỡ Bước Sang Ngang. Đó là bài Hành Phương Nam. Có những câu như:

Nợ thế, trả chưa mòn một món

Sòng đời, thua đến trắng hai tay

Quê nhà xa lắc xa lơ đó

Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay

……………………………………………………

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ

Uống say mà gọi thế nhân ơi!

Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ

Ta với nhà ngươi cả tiếng cười

Dằn chén hất cao đầu cỏ dại

Hát rằng phương Nam ta với ngươi

……………………………………………………..

(Nguyễn Bính)

Quả thật, thế nhân mắt trắng như ngân nhũ, ta với nhà ngươi cả tiếng cười.

Riêng tôi, ngày mai, mùa Thu vẫn chưa đủ muộn màng để làm rụng đầy lá vàng trước sân nhà, nên tôi vẫn chưa phải dậy sớm, khoác áo ấm vào người mà đi gom hết những chiếc lá vàng thành đống, bỏ vào bao, cuối tuần, sở rác cho xe đến lấy đem đi một nơi nào đó cho khuất mắt. Thế nên, đêm nay, tôi vẫn còn được thức đêm dài đã thành tật của tôi mà gom lại những mảnh vụn của tâm tư mình, chắp chắp vá vá. Chỉ không thể bỏ chúng vào bao, chờ sáng đem ra ngoài để cạnh thùng rác, cho sở rác cuối tuần đến đem đi. Thế nên, những mảnh vụn tâm tư của tôi vẫn còn đó, để đêm đêm tôi gom lại, chắp chắp vá vá, bẹo dạng bẹo hình.

Để mai đây, khi tôi nằm xuống, các bạn tôi sẽ có được chút gì để lại trần gian của tôi mà đem ra cái quan định luận, trong những lần có được cái khoảng nghỉ hiếm hoi của dòng chảy cuộc đời. Thế cũng đã mãn nguyện lắm rồi!

Bài Mới Nhất
Search