T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tháng 2 Năm 2009

Cõi người ta (10) – Tranh: Thanh Châu

Ngày 25 tháng 02 năm 2009

Ký ức hơn 30 năm chiến tranh, ký ức những ngày tháng sống dưới sự kìm kẹp của chính quyền Cộng sản Việt nam, ký ức về những ngày lênh đênh trên biển cả vừa đói, vừa khát, vừa sợ lọt vào tay hải tặc, chỉ biết trông mong vào phép lạ đến từ trời vẫn không chịu phai nhòa… trong tâm thức người Việt hải ngọai. Thứ trí nhớ ấy đã hành hạ chúng ta mỗi khi đối diện với một con số ngày tháng quen thuộc (30 tháng 4), với một hình ảnh tượng trưng cho chế độ (lá cờ) hoặc đôi khi chỉ vì những nhắc nhở bâng quơ. Từ đó, chúng ta bị lệ thuộc vào những cảm tính được biểu lộ bằng những hình thức khó tạo được sự thông cảm nơi những người chưa từng kinh qua những hòan cảnh mà chúng ta đã kinh qua.

Đắng cay về những đau khổ cũ có lẽ chỉ là một cách nói văn vẻ, trừu tượng về một tâm thức luôn bị dằn vặt bởi những gì đã xẩy ra trong quá khứ, tâm thức không thể quên được quá khứ, không muốn quên đi quá khứ. Nói cách khác, đó là thứ tâm thức bị khống chế bởi chính hồi ức mà một thời nó đã góp phần tạo ra.

Từ câu chuyện người phụ nữ thành Frankfurt nước Đức với câu nói buồn bã “Tôi đã đánh mất mình“ đến câu chuyện những “tù nhân của quá khứ “ như người đàn bà trung niên của thành Los Angeles nước Mỹ cách nhau cả trăm năm đã chỉ nổi bật lên được cái tên Alzheimer, nay đã trở thành quen thuộc với cả thế giới vì người ta sợ “đánh mất mình“ chứ không (hay chưa) sợ làm “tù nhân của quá khứ“ .

Tôi, một người Việt Nam chẳng may thuộc về cái thế hệ sống trong thời đại nhiễu nhương nhất của lịch sử, hiện đang bước vào ngưỡng cửa của nguy cơ “đánh mất mình“ (với những triệu chứng rất thuyết phục của bệnh mất trí nhớ Alzheimer) lại không nhìn thấy cái tên Alzheimer là đáng sợ mà lại ngao ngán nhìn bóng tối của quá khứ cứ ngày một dầy đặc thêm .

Tôi trộm nghĩ, thà rằng tôi “đánh mất mình“ vì mất trí nhớ còn hơn là “tự giam mình“ trong nhà tù kiên cố của qúa khứ. Đằng nào cũng “mất mình“ thì mất mà không biết mình mất vẫn dễ chịu hơn “còn mình “ mà kể như đã mất trong “ngục tù của đau thương“.

Ngày 09 tháng 02 năm 2009

Hồi tưởng lại những tháng ngày quá khứ. 30 năm như một giấc ngủ đông muộn màng. Đời chúng ta đã sang trang.

Và từng người tình … bỏ ta đi, như những dòng sông nhỏ.

Biết bao dâu bể, bể dâu, vẫn còn đó, những người bạn đời của chúng ta. Có người đã đi chung ”Đoạn đường chiến binh” với chồng kể từ cái ngày ”tấm mẵng năm xưa, có chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung“. Trải bao gió dập mưa vùi, cay đắng ngọt bùi của ba mươi mấy năm binh-lửa-ngục-tù-lưu-vong vẫn đứng bên cạnh chồng rạng rỡ thủy chung hãnh diện được là nàng dâu Nguyẽn Trãi. Có những người bạn đời đã đến với chúng ta trong những ngày khốn khó. Những ngày chúng ta mất tất cả chỉ còn có nhau. Để chỉ nghe kể về quá khứ của chồng mà tưởng như mình đã là một phần trong đó không thể thiếu. Những dòng này tôi đã hơn một lần ghi lại trên trang giấy trắng. Nay lại muốn được viết lại một lần nữa mà vẫn không cảm thấy thừa . . .

Hồi tưởng lại những ngày ấy. Có những điều chỉ nói một lần rồi thôi. Nhưng có những điều không chỉ nói một lần cho đủ. Dù chỉ là lập lại những điều đã nói. Tôi đang nói về những ngày những tháng những năm của một cuộc điêu linh. Điêu linh không chỉ riêng cho chúng ta mà còn cho cả những nàng dâu tội nghiệp. Ôi cánh hoa mong manh trước phong ba bão táp. Làm sao nàng vượt qua được trong nỗi cô đơn khôn cùng – cả thể xác lẫn tâm hồn. Cà phê đắng bỏ thêm đường thì ngọt. Đời đắng cay em biết bỏ thêm gì. Tiếng khóc nỉ non ngày nào tay xách nách mang dắt con lên trại cải tạo thăm chồng bóng gầy xiêu đổ giữa hai hàng cây so đũa đứng lặng câm dọc hai bên đường dẫn vào cổng trại. Lên xe về con hỏi. Mẹ ơi đến bao giờ, lên thăm ba lần nữa, mắt em nhòa hơi mưa. Mắt em nhòa hơi mưa. (lời tù khúc: Hai hàng cây so đũa – Nguyễn Trọng)

Tôi như nghe thấy người tù Phạm Ngọc Hiệp than thở: ”Chuyện đời người là trăm vạn đường chia. Nên lời yêu đương đôi khi vội vã. Thiết tha trên bước chân về . . .“

Ngày xưa, có những gã từ quan – lên non tìm động hoa vàng ngủ quên. Ngủ quên một giấc ngủ ba mươi năm mộng mị. Nay nhớ người quay về, để hồn mộng du.

Anh nằm gối cỏ chờ hoa/ áo em bạch hạc la đà hải hư ( Phạm Thiên Thư ).

Bài Mới Nhất
Search