T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tháng 3 Năm 2009

Cõi người ta (5) – Tranh: Thanh Châu

Ngày 28 tháng 3 năm 2009

Mà máu xương buồn vấy,

Chân em thơ dại

Và trên đường nơi em qua lại,

Sao lòng chắc không ai,

Đã nằm chết nơi đây,

Duới mặt đất này

Để đừng đạp trên,

mặt người ngủ yên

( Nụ Vàng – Nguyễn đình Tòan )

30 tháng 4. Những bóng ma , những oan hồn của cuộc chiến tàn khốc. Họ còn nằm đâu đó bên cạnh đạn bom của qúa khứ. Họ cũng bị đóng băng cùng với ngày tháng và trí nhớ của cả bên này lẫn bên kia. Nhưng họ không nói được. Người chết có bao giờ nói được. Họ nhiều và nằm chật hết cả mảnh đất chữ S khiến người nhạc sĩ phải hỏi thế hệ mai sau rằng, trên những con đuờng em bước qua có chắc là em sẽ không đạp lên những mặt người đang nằm ngủ yên từ cuộc chiến khi em chưa sinh ra đời. Vì không nói được nên những người sống đã dành nói hết. Nói từ mấy chục năm nay rồi, và sẽ còn nói nữa cho đến khi . . . chết.

Ngày 19 tháng 3 năm 2009

■ Tháng Tư. Bao lâu chúng ta còn nhắc đến tháng Tư, có nghĩa là chúng ta chưa sẵn sàng quên những cuộc chiến của quá khứ và những cuộc chiến tương lai vẫn sẽ còn chờ đợi trước mặt. Vết thương mấy chục năm chưa kéo da non. Hơn cả một vết thương, đó là khối u ác tính của ung thư, càng để lâu càng lở lóet, đau đớn cho đến khi chết đi. Thuốc chữa thời gian đã vô hiệu. Không biết đã đến lúc tôi nên dẹp ước vọng làm người qua một bên (quá muộn?) mà rộng lượng tha thứ cho chính mình (chưa chắc đã dễ dàng hơn là tha thứ cho kẻ thù cũ!) chưa? May ra, nhờ vậy tôi tỉnh ngộ, biết rằng mấy chục năm nay mình chơi một trò chơi điên rồ (nói theo cách nói của một nhà văn nữ trẻ tuổi), nay đã đến lúc nên chấm dứt nó đi, để thảnh thơi dọn mình sám hối (?), thảnh thơi đón nhận những bất trắc khác đến từ trời (tuy độc ác nhưng không cố ý), đến từ người (bao giờ cũng đầy ác ý) chăng ?
Ai chẳng biết tháng Tư là tháng độc ác nhất ! Ai chẳng biết rằng, ở miền Trung Tây nước Mỹ, tháng Tư là tháng bắt đầu cho những trận gió xóay sát nhân!
Ai chẳng biết rằng tháng Tư là tháng mà người Việt (nước trong cũng như nước ngòai ) bắt đầu kể lể, than khóc, cười hể hả về tháng Tư ! .

Ngày 11 tháng 3 năm 2009

Những cái chết trong chiến tranh là điều không thể tránh khỏi, khi người lính đã chọn lựa một con đường mà anh tin rằng đó là con đường đúng nhất để phục vụ tổ quốc, thì mọi sự hy sinh đều đáng được tuyên dương , dù ở bên này hay bên kia của chiến tuyến. Dù sao, chiến tranh luôn luôn chỉ là giải pháp cuối cùng khi người ta không còn lựa chọn nào khác . Và những cái chết trong chiến tranh, vì không thể tránh khỏi, chỉ chứng minh tính bi kịch của thân phận con người.

Nhưng những cái chết năm xưa trong trại cải tạo vùng biên giới, sau khi tiếng súng đã chấm dứt, là sự nhắc nhở đến bản chất vô nhân của một chế độ. Những cái chết hôm nay của những người họat động dân chủ ở trong nước như ông Hòang Minh Chính, nằm xuống rồi mà mắt vẫn mở trừng trừng vì không an lòng với tương lai các thế hệ mai sau, là một sự nhắc nhở đến bản chất tham quyền cố vị để trục lợi của cùng một chế độ ấy .

Chính vì thế mà những người chết còn cần phải được nhắc đến. Vì những cái chết ấy là hệ quả của bao sai lầm chết người, của sự thiếu phục thiện trong việc nhìn nhận lại lịch sử. Nhắc đến những người chết, chính là sự quan tâm thiết thực đến người còn sống. Vì sau mọi tội ác, sự quan tâm cần phải được dành cho người sống sót. Chứ không phải người chết. Càng không phải là kẻ sát nhân.

(trích: Nhân một cái chết)

Bài Mới Nhất
Search