T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tháng Ba trò chuyện cùng người chết

Gửi người dưới mộ.

Ta là chim biệt xứ

Đậu trên cành bi ai

Nhớ hoài điệu kèn cũ

Hồn tử sĩ u hoài

(Ngọc Phi)

1.

Tháng Hai ngắn ngủi đã qua đi. Cái tháng mà, theo cổ sử La Mã, là tháng người ta đem các phạm nhân ra hành hình. Theo cổ sử, Hoàng Đế Augusta của La Mã được sinh ra vào tháng Tám (August), nhưng tháng Tám lúc nhà vua được sinh ra là tháng thiếu (tức 30 ngày, tháng đủ là 31 ngày. Theo cách tính của La Mã, một năm có 365 ngày, 12 tháng. Đổ đồng ra, cứ 1 tháng đủ rồi lại một tháng thiếu theo sau. Tháng Bẩy là tháng đủ, do đó, tháng Tám sẽ là tháng thiếu.). Nhưng ông Vua không muốn cái tháng mình sinh ra là tháng thiếu, nên ông ra lệnh biến tháng Tám thành tháng đủ, tức 31 ngày. Nhưng một năm chỉ có 365 ngày, tháng này đủ thì tháng khác phải thiếu.

Nhân việc chẳng ai muốn tháng hành hình tội nhân kéo dài (tức tháng Hai, trước đó, tháng này đã vốn chỉ có 29 ngày – do cách tính tháng đủ tháng thiếu nên phải bớt đi của tháng hai 1 ngày cho tròn 365 ngày), và để chiều ý nhà vua, tháng Hai bị các nhà làm lịch cổ La Mã cắt đi thêm một ngày nữa, thành 28 ngày cho có ít người chết (ngoại trừ năm nhuận thì tháng Hai là 29 ngày cho tròn 366 ngày).

2.

Nhưng ít hay nhiều người chết thì tháng tiếp theo – tức tháng Ba – là tháng người ta (ở Đông Phương) vẫn chọn để đi thăm người chết.

Thanh Minh trong Tiết Tháng Ba.

Lễ là Tảo Mộ, Hội là Đạp Thanh.

(Đoạn Trường Tân Thanh – Nguyễn Du)

Năm xưa, nàng Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du nhân tiết Thanh Minh đi tảo mộ, thì gặp hồn ma Đạm Tiên, nguyên là kỹ nữ, hiện về trò chuyện như báo trước số phận long đong của nàng trong tương lai.

Hơn 200 năm sau câu chuyện người chết hiện về nhân Tiết Thanh Minh của cụ Tiên Điền Nguyễn Du, một cách hết sức ngẫu nhiên, lại có một câu chuyện về một hồn ma, nương theo gió trở lại trần gian mà hàn huyên tâm sự cùng người sống. Âu cũng là: Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Một người bạn thân, sau khi đọc bài “Quá Khứ một Thế hệ” của tôi, đã khuyên tôi nên cho phổ biến trên mạng. Nghe lời anh tôi có cho phổ biến ở một số trang Web. Trong số đó có một Trang quy tụ khá nhiều những người viết và đọc ở cả trong lẫn ngoài nước. Bài viết nhận được phản hồi của đôi người. Trong đó, có một người viết ở Việt Nam. Qua nội dung bài viết, tôi đoán ông cũng là một trong những cựu binh của QL/VNCH.

Bài viết được tác giả “viết thay cho Trần Đình Sang, một chiến binh nằm xuống ngày 13 tháng 12 năm 1973. Xác nhận thấy được khi người ta đào móng xây nhà mới, hài cốt thuộc loại vô thừa nhận, đang đựng trong một cái hũ sành tại nhà 4/5 C Chu văn An, Phường 26, Quận Bình Thạnh, Sài Gòn”

Tác giả (lời người lính quá cố Trần Đình Sang) nói sơ qua về hoàn cảnh tử trận của mình:

Sau Mậu Thân 1968, một lần nữa tiếng súng bắt đầu nổ quanh Gia Định, sát Đô Thành Sài Gòn . . .

. . .Bầu trời Gò Vấp vàng vọt ánh hỏa châu. Lạnh lẽo và lấp lánh. Chúng tôi nằm thành từng tốp lẻ, án ngữ con đường xâm nhập của những toán Cộng quân đến và đi từ Đồng Ông Cộ. Sẵn sàng chạm súng xáp lá cà, chúng tôi không được phép lùi. . .

. . . Thời gian đã chết khi một viên đạn AK xuyên cuống họng tôi. Xác tôi nằm lại ngay trên chiến địa Đông Bắc Sài Gòn và chẳng được đưa về Nghĩa Trang Quân Đội. Tôi mãi mãi là một gã đàn ông hơn 30 tuổi, bạn với một số tay già tuổi 63 hôm nay . . .

. . . Chẳng phải người lính nào khi nằm xuống cũng có hàng chữ Tổ Quốc Ghi Ơn với lá cờ vàng ba sọc đỏ phủ ngang chiếc quan tài, đúng như nghi lễ quân cách. Tôi là một trường hợp như vậy. Đã trở về cùng hồn thiêng sông núi, buồn vui chỉ còn là ký ức. Thời gian đã ngưng lại. Tôi vẫn phơi phới tuổi 30. Đêm thức cùng bầu trời tĩnh lặng, nằm bên ao rau muống mà nghe mát lạnh cả người, tấm Poncho liệm theo sao mà mỏng quá. Có hôm nhìn sao băng xẹt rơi ngập trời, chẳng biết anh em còn mấy thằng trụ được, cuộc chiến này quả thật khốc liệt. Phía Sài Thành vẫn rộn rã ánh đèn. Những người lính trận cũng có gia đình. Ngày tôi ra đi, mẹ tôi không còn trẻ nữa. Tôi nhớ mẹ tôi lắm. . .”

Đến đây thì tôi có cảm tưởng oan hồn người lính ấy sau khi đọc những ý nghĩ của tôi trong bài “Quá Khứ một thế hệ “, ông – cũng như Đạm Tiên hơn 200 năm trước – ngỏ lòng mình ra:

” . . . Cuộc chiến này chưa thể thành quá khứ. Có cái gì đó đổ vỡ trong lòng người tham chiến, trên đất Việt này mà chưa bao giờ được thực tâm sòng phẳng giải quyết. Một số không nhỏ vội đẩy mọi chuyện vào quá khứ, nơi có những bóng ma, một khi không ai có ý tìm cho những bóng ma ấy một nơi ngủ yên. Những khập khiễng trong cách đối xử về thương binh tử sĩ giữa các bên tham chiến sẽ đọng lại như một vết dơ trong lịch sử. Kẻ chiến thắng không bao giờ thực lòng làm huề, hoặc xử dụng hòa giải như một luận điệu dụ khị hòng hốt tiền Đô. Còn phe thua trận thì lòng người ly tán, không ít kẻ nghiến răng để chửi nhau, thuận đà chẳng tiếc lời mạt sát cả những người đã xả thân vì dân tộc này. Đấy là chưa kể có dăm anh ngớ ngẩn vuốt đuôi chủ trương hòa hợp, trong khi không có gì hơn ngoài hai bàn tay trắng và một cái mồm ngoác tới mang tai.

Tôi có thể là một chiến binh thiếu quả cảm, song không thể kết án hèn nhát cho một người lính đã hoàn thành trách vụ của mình ngay trên mặt trận. . .

Lịch sử vẫn còn để ngỏ, dầu có muốn hay không. Dẫu đành thời gian của tôi đã chết, song mỗi ngày vẫn trôi qua trong cuộc đời này. Những người đang sống chẳng lẽ không nhận ra điều này, tại sao ông cứ ngồi yên? Mấy ông đang trông mong vào cái gì, hãy tự cứu chính mình đi, chẳng lẽ đợi những thằng đã chết như tôi đi làm thay cái sứ mạng chưa hoàn thành của các ông?”

Oan hồn Trần văn Sang sau khi thốt lên những lời tâm huyết của mình xong, lặng lẽ theo gió bay đi. Bài viết kết thúc bằng một câu văn ngắn gọn, mà tôi đoán là chính tác giả, người còn sống, lúc này không còn nhân danh người chết nữa, viết cho chính mình (hay viết cho tôi?):

“Có một gã đàn ông bật khóc, đi soạn lại bộ quân phục rách bươm của mình.”

3.

Tháng Ba vẫn có những ngày rét ngọt. Hôm qua Đài truyền Hình loan báo một trận bão tuyết nữa đang đổ ập xuống các thành phố khu vực phía Đông. Nhiệt độ ban đêm xuống rất thấp. Trong khi đó, ở quê nhà là mùa khô, và mọi người đang chuẩn bị cho cái nóng cháy da sắp tới, cùng cảm giác ngột ngạt ẩm ướt. Tôi nhớ lại lời than thở của người chết Trần văn Sang: “Đêm thức cùng bầu trời tĩnh lặng, nằm bên ao rau muống mà nghe mát lạnh cả người, tấm Poncho liệm theo sao mà mỏng quá.”

Anh lính chết trận nằm bên ao rau muống chỉ có tấm Poncho mỏng quấn quanh người, còn tôi nằm bình yên trong căn phòng có lò sưởi và tấm chăn thật dầy phủ kín từ đầu đến chân, nhưng không biết ai lạnh hơn ai, không biết ai trăn trở hơn ai, khi anh hỏi tôi “Mấy ông đang trông mong vào cái gì, hãy tự cứu chính mình đi, chẳng lẽ đợi những thằng đã chết như tôi đi làm thay cái sứ mạng chưa hoàn thành của các ông?”

Chưa bao giờ tôi cảm thấy sự sống sót của mình sau cuộc chiến lại bất hạnh như lúc này, lúc đối diện với oan hồn người lính Trần văn Sang trong một đêm tháng Ba giữa Tiết Thanh Minh .

4.

Người cựu binh VNCH, tuy ở quê nhà, nhưng ông vẫn còn giữ thật kỹ bộ quân phục đã rách bươm, như một nhắc nhở về quá khứ của mình. Ông bật khóc vì, quá khứ ấy không phải chỉ của mình ông, mà còn là Quá Khứ một Thế Hệ. Cũng trong tháng Ba này, tôi lại có dịp nói những điều đó với anh em bạn bè mình ở một thành phố có rất đông đảo người Việt. Có nên hay không, kể cho họ nghe về cuộc chuyện trò với người chết hôm nay của tôi và hình ảnh một gã đàn ông bật khóc, đi soạn lại bộ quân phục rách bươm của mình”?

T. Vấn

  • Những đoạn trong ngoặc kép và in nghiêng đều trích từ trong bài “Khi thời gian chết” của Việt Lang xuất hiện trên Diễn Đàn Talawas. (T. Vấn)

(c)T.Vấn 2006

_______________________________________________________

Bài Mới Nhất
Search