T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Thân Phận nhược tiểu

clip_image0011.

Một tuần lễ trước ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), vị tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ đã đặt chân xuống Hà Nội, mở đầu chuyến viếng thăm 3 ngày ở mảnh đất mà hơn 30 năm trước đây, người Mỹ còn được coi là kẻ thù không đội trời chung. Mặc dù 6 năm trước đó (2000), vị tổng thống tiền nhiệm của ông cũng đã từng ghé qua nơi này và được dân chúng (ở Hà Nội và cả Sài Gòn) tiếp đón nồng hậu (thậm chí hơn cả vị đương nhiệm là ông), nhưng chuyến đi lần này cũng đã khiến vị tổng thống nổi tiếng là cứng rắn (diều hâu) của nước Mỹ cảm khái. Ông ngạc nhiên (rồi thích thú) trước việc hai cựu thù, cuối cùng rồi cũng bắt tay nhau, quên hết những chuyện cũ, và cùng nhau nhìn về phía trước mặt. Bức hình chụp vị tổng thống tươi cười, đứng bắt tay vị lãnh đạo của nước Việt Nam, phía sau lưng hai người là bức tượng bán thân của ông Hồ chí Minh (người mà khi nhắm mắt nằm xuống vẫn còn nuôi mối thù “giặc Mỹ”) nhìn xuống được các phương tiện truyền thông báo chí phổ biến rộng rãi nhất. Các kỳ gỉa cũng không quên nhắc đến việc đòan xe của ông đi ngang qua một địa điểm gần hồ Trúc Bạch, nơi vị ứng cử viên tổng thống tương lai của nước Mỹ là ông McCain, ngày 26 tháng 10 năm 1967 bị phòng không Hà Nội bắn hạ trong lúc đang bay trên chiếc Skyhawk A-4, ông này sau đó bị cầm tù, hành hạ, tra tấn dã man trong suốt gần 6 năm và chỉ được Hà Nội trao trả sau khi ký kết hiệp ước Paris 1973. Cuộc đón tiếp vị tổng thống Mỹ của nhà cầm quyền Việt Nam được ghi nhận là long trọng, nhưng cũng không kém phần . . . phô trương, với những quân nhân mặc đại lễ tòan trắng và các cô gái trẻ đẹp ôm những bó hoa rực rỡ, cùng với dân chúng đứng chật hai bên đường để xem mặt. Người ta muốn so sánh hình ảnh ấy với việc bộ đội Bắc Việt lôi ông McCain lên từ hồ Trúc Bạch, tay chân bị trói chặt dù cả hai cánh tay lẫn một chân của McCain đã bị gẫy do nhẩy ra từ máy bay, rồi sau đó một báng súng đã làm ông bị lệch bả vai, với những vết đâm ngang hông do các lưỡi lê của những kẻ áp tải ông về  Hanoi Hilton (Hỏa lò Hà Nội).

Hai hình ảnh ấy quả là khác biệt, với khỏang cách thời gian cũng không ngắn, 40 năm. Nhưng chúng vẫn như mới xảy ra hôm qua, vì một lẽ dễ hiểu, hàng mấy chục triệu người trong cuộc, cả hai bên Việt- Mỹ, lẫn Việt-Việt (Nam và Bắc) vẫn còn sống và nhìn những gì xảy ra hôm nay bằng con mắt có pha trộn với những hình ảnh của hôm qua.

2.

Một hình ảnh tương phản khác, cần được chú ý hơn, nhưng dường như nhiều người không thấy. Đó là việc những con đường chính ở Thủ Đô từ hai năm nay đã được sửa chữa lại hầu như mới hòan tòan, có nơi còn được lót bằng những lọai gạch đắt tiền. Những vườn hoa được sắp xếp theo hàng chữ “welcome” đủ màu sắc. Mục đích của những việc sang sửa ấy là nhằm giữ thể diện (facelift) của thành phố được mệnh danh là thủ đô của một nước, sao cho không thua kém Sài Gòn, thành phố lớn nhất phía Nam, vốn trước đây là thủ đô của một chế độ đã “thua trận” và “bỏ chạy”.

Nhưng đằng sau mã ngòai thanh lịch ấy là sự hiện diện của những nhân viên an ninh chìm nổi, như một biểu hiện của những trói buộc chính trị của một chế độ độc tài. Một số ký gỉa và du khách ngọai quốc ngạc nhiên khi thấy  rất nhiều những nhân viên công an trong sắc phục làm việc, vũ khí lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng nhả đạn, qua lại trên đường phố hay đứng dày đặc trước các khách sạn 5 sao, làm như cả thành phố đang bị đặt trong tình trạng báo động quân sự.

Các quầy hàng bán lẻ trên đường phố như quán cà phê, quầy báo, sạp bán trái cây đã bị dẹp bỏ từ nhiều tuần lễ trước. Cả những quán rượu, nhà hàng, rạp hát cũng bị bắt buộc phải  đóng cửa trước nửa đêm. Tất nhiên, số phận những người sống trên hè phố cũng không khá gì hơn. Họ bị gom lại và đưa đi cất giấu ở đâu không ai biết rõ.

Người ngọai quốc đến thăm Việt Nam vào thời điểm này dễ dàng rút ra được kết luận của riêng mình về những hình ảnh tương phản : cởi mở (đổi mới) nhưng bên cạnh đó vẫn còn sự kìm kẹp, hiện đại nhưng vẫn còn dấu vết của sự nghèo khó (truyền thống?), kinh tế thị trường nhưng vẫn còn cơ chế xã hội chủ nghĩa. Đó là hình ảnh điển hình của một xã hội đang tìm cách vươn ra khỏi sự cô lập (vừa bị cô lập vừa tự cô lập) để hòa nhập vào một thế giới mở rộng, vừa về kinh tế lẫn xã hội (phải nhấn mạnh: ngọai trừ chính trị.).

3.

Vị tổng thống Mỹ đương nhiệm, ông George Bush, trong buổi lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 ngày 20 tháng 1 năm 2005 đã long trọng cam kết Hoa Kỳ sẽ đem Tự Do và Dân chủ đến bất cứ nơi nào trên thế giới còn có độc tài và áp bức. Nhưng lần này ông đến Việt nam, một nơi nổi tiếng trên thế giới về sự độc tài, về những áp bức tôn giáo, dân tộc, xã hội, về những vi phạm nhân quyền, hình như ông không quan tâm lắm về những lời cam kết của mình. Ông đã có quá đủ những rối bời của riêng mình về sự “mất lòng dân” (Mỹ) với cuộc chiến tranh ở Iraq. Vì thế, ông chỉ nói về những yêu cầu đổi mới về kinh tế với nhà cầm quyền Việt Nam khi đã được phép gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO), cũng như những cởi mở và quy định theo luật quốc tế với những tổ chức kinh tế ngọai quốc khi họ vào đầu tư ở Việt Nam. Nói cách khác, ông khẳng định và công khai hóa sự chiến thắng của chủ nghĩa Tư bản trên mảnh đất mà hơn 30 năm trước đây quân  đội xứ sở ông đã rút lui bằng sự thua trận. Qua đó, ông không bỏ lỡ cơ hội xác định lại rằng, cuộc chiến tranh ở Iraq hiện nay cũng như cuộc chiến tranh Việt Nam trước đấy, cần đến lòng kiên nhẫn và sự quyết tâm, nếu không, sẽ lại là một sự thất bại khác (ông ám chỉ cuộc chiến Việt Nam) cho nước Mỹ và kéo theo đó là những thảm họa không lường được.

Nước Việt Nam, sau bao nhiêu năm suy nhược vì thảm họa chiến tranh, rồi lại sau bao nhiêu năm tự làm suy kiệt chính mình vì bao nhiêu những sai lầm của giới cầm  quyền, nay đứng trước vấn nạn “đổi mới hay là chết”, đã trải thảm đỏ đón kẻ cựu thù. Hành động trải thảm đỏ ấy, được ông George Bush gọi là hòa giải (theo cách nói của ông để gián tiếp biện minh cho cuộc chiến tranh Iraq), thực ra cũng chỉ là con đường duy nhất để giới cầm quyền giữ được địa vị của mình, trước khi quần chúng nhân dân vốn sắp sửa lâm vào đường cùng sẽ tìm cách lật đổ họ (bằng phương tiện bạo lực hay không bạo lực). Nhờ vậy, đời sống người dân cũng dễ thở hơn đôi chút, so với trước đây không lâu khi chưa có chính sách mở cửa. Đó chỉ là hệ quả tất yếu, kẻ có cơm (giới cầm quyền), người có cháo (dân chúng), chứ chưa hẳn thực lòng những người cầm quyền muốn hòa giải với kẻ cựu thù hay quan tâm đến đời sống của dân.

Vì, nếu thực lòng, hẳn họ phải thành tâm hòa giải với những người Việt đã từng một thời đứng ở về một phía đối đầu với họ, đã từng một thời là nạn nhân của sự trả thù tàn bạo của họ. Những người này, ngoài ý nghĩa cùng chung một dòng máu đỏ da vàng, cũng là những người đã ra tay cứu vớt đất nước vào thời điểm suy nhược nhất ở những năm đầu 80s bằng những đồng tiền gởi về cho thân  nhân ở Việt Nam. Từ bấy đến nay, mỗi năm, từ 3 đến 4 tỉ Mỹ Kim ngọai tệ đổ vào nền kinh tế trì trệ của Việt Nam, đã góp phần đưa Việt nam đứng hàng thứ hai trong những nước có tỉ lệ phát triển cao ở  Đông Nam Á. Số ngọai tệ này lớn hơn nhiều so với sự đầu tư nhỏ giọt của các công ty tư bản ngọai quốc ở Việt Nam hiện nay.

4.

Giòng sông Bến Hải trong lòng người (Việt)  vẫn còn đó, và ngày cứ một rộng ra. Trong khi đó, kẻ cựu thù mắt xanh tóc vàng lại được đón tiếp niềm nỡ, dù chưa hẳn những gì ông ta đem theo làm quà đều là do thiện chí. Nhìn hình ảnh vị tổng thống Mỹ cao lớn đứng tươi cười vỗ vai ông chủ tịch nước Việt Nam bé con nhỏ người, ngay phía dưới bức tượng ông lãnh tụ cộng sản quá cố, mà tôi, một người Việt Nam thấy khó chịu (và bùi ngùi)  trong lòng. Khó chịu là vì cái cường điệu của bức tượng (lãnh tụ cộng sản) và sự tươi cười (để che dấu vẻ ngạo mạn?)  của vị lãnh đạo lớn nhất khối tư bản chỉ làm cho vị chủ tịch nước Việt Nam càng bé nhỏ, tội nghiệp thêm mà thôi. Bùi ngùi là vì sau hơn 30 năm chiến tranh thù hận với hơn 3 triệu dân và lính của cả hai miền Nam Bắc bỏ mạng vì cuộc chiến tranh ấy, cộng thêm 30 năm sau chiến tranh cố chấp, lầm lẫn, trì trệ khiến đất nước ngày càng kiệt quệ, chỉ để bắt đầu lại từ đầu là rước ông Tư Bản vào nhà hầu cứu vãn một sự suy sụp không thể tránh khỏi hay sao? Và tôi cũng không thể ngăn ký ức của mình nhớ lại hình ảnh ông cựu Đại sứ Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam Henry Cabot Lodge (2 nhiệm kỳ: 1963-64 và 1965-67) màu mè mặc bộ khăn đóng áo dài sau khi đã góp phần giết chết vị tổng thống chủ nhà,  lúc nhìn thấy trên màn ảnh truyền hình các ông các bà tư bản thượng khách của chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa xúng xính trong những bộ quốc phục cổ truyền của nước Việt Nam, đi dạo trên đường phố Hà Nội, trước những cặp mắt hiếu kỳ của người dân thủ đô.

clip_image002

Nhưng tôi lại không dám tin rằng, trong lúc hân hoan chào mừng hội nghị Hợp Tác Kinh tế các nước khu vực Châu Á Thái bình dương (APEC) gồm các nhà lãnh đạo của 21 quốc gia, các giới chức lãnh đạo Việt nam hiện nay (mà không ít người đã trực tiếp tham dự cuộc chiến tranh khốc liệt Quốc Cộng Tư Bản Cộng sản 30 năm trước) có lúc bình tâm nghĩ về những điều nghịch lý đau xót ấy mà tiếc cho sự hy sinh vô ích của các đồng chí của mình, của đồng bào mình và sự mỉa mai của bức tượng vị lãnh tụ cộng sản quá cố đang chua chát nhìn những nhà tư bản gộc của  thế giới ngang nhiên bước vào dinh chủ tịch nước trên những tấm thảm đỏ với ly rượu chát mang nhãn hiệu đế quốc trên tay.

Tôi chỉ thấy thương cho cho thân phận nhược tiểu của đất nước mình quá đỗi!

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search