T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Thơm mãi mùi hương

(Nguồn: Văn Việt)

Trương Vũ

clip_image001

ĐẤT CÒN THƠM MÃI MÙI HƯƠNG

Thơ Phạm Cao Hoàng, NXB Thư Ấn Quán, 2018

Tôi quen nhiều người làm thơ. Thơ có hay, có không hay. Bạn có thân, có sơ. Thế nhưng, không phải ai cũng để lại trong tôi những ấn tượng đẹp, những tình cảm sâu đậm, dù với người có nhiều thơ tôi thích. Giữa thơ với người thường có khoảng cách.

Tôi nhận được tập thơ “ĐẤT, còn thơm mãi mùi hương”, ấn bản sau cùng, của Phạm Cao Hoàng (PCH) vào đầu thu 2018 khi đang ở San Jose, California. Ấn bản mới đẹp hơn, nhiều thơ hơn, nhiều phụ bản hơn. Mở tập thơ ra xem, tôi có cảm giác như vẫn ngồi đâu đó ở Virginia, với vợ chồng Hoàng, cháu Thiên Kim, với bè bạn thường lui tới, giữa cái rộn ràng của cỏ cây đang rực màu thu của vùng đông bắc. Ở PCH, thơ và người luôn đi liền nhau. Trong tập thơ nhỏ, khoảng 100 trang, tôi thấy ở đó cả một đời người. Có tình yêu đậm đà cho quê hương, nồng nàn cho cha mẹ, vợ con, gia đình, và tình bạn thắm thiết. Nhiều bạn. Người mất, người còn.

Tôi xa quê đã hơn 40 năm. Nhớ quê nhiều. Nhưng, khi đọc thơ Hoàng lần này, tôi lại cảm được ở nơi mình có một nỗi nhớ khác, bình dị nhưng da diết, từ mấy câu thơ như:

bữa đó con về thăm Phú Thứ

gặp lại mùi hương của ruộng đồng

gặp lại những năm và tháng cũ

mây khói quê nhà nhẹ bước chân

(MÂY KHÓI QUÊ NHÀ, trang 61)

Khi đọc những dòng thơ PCH viết cho cha mẹ, cho chị, cho người thân, tôi có thể tưởng tượng ra hình ảnh của những con người này. Hoàng không vẽ chân dung, nhưng qua vài dòng cảm xúc, tôi hình dung ra được ánh mắt của họ, nhận ra được cái bên ngoài mộc mạc đó chất chứa bao tình thương nào, bao hy sinh, bao khắc khoải nào. Như, khi Hoàng viết về cha:

ngày mùa đông cha mặc áo tơi ra ruộng

ngày nắng lửa cha gò mình đạp lúa

những sáng tinh mơ cùng đàn bò lầm lũi đi về phía bờ mương

thương chiếc áo cha một đời thơm mùi đất

thương đất quê mình thơm mãi mùi hương

(CHA TÔI, trang 71)

Và, nỗi đau khi nhớ về các bậc sinh thành đã “về làm cát bụi”:

lớn lên dưới trời khói lửa

mẹ thương, lo từng bữa ăn

cha thương, lo từng giấc ngủ

chị thương, an ủi dỗ dành

nhớ ngày tôi đi biển khóc

bóng cha tôi ở cuối đường

nhớ ngày tôi đi mẹ khóc

ruộng vườn bỏ lại sau lưng

mây mù che ngang đèo Cả

đường xa mưa gió mịt mùng

(MAI KIA TÔI LÀ HẠT BỤI, trang 61)

PCH viết nhiều về bè bạn. Như Đinh Cường, Nguyễn Xuân Thiệp, Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, v.v. Đinh Cường là một người bạn chung. Những năm tháng sau này, trước khi Cường mất, chúng tôi gặp nhau khá thường xuyên, cùng với nhiều bạn bè khác ở vùng Virginia. Tình bạn giữa tôi với Cường trải dài hơn bốn mươi năm, cùng chứng kiến bao thăng trầm, cùng trải qua một thời tuổi trẻ với sức sống hừng hực như hàng ngàn cây phượng nở rực trên ngọn đồi một đại học chúng tôi cùng làm việc với nhau. Và, cùng trải qua những tháng ngày hiu hắt khi trở về thăm ngọn đồi đó chỉ còn thấy vài gốc phượng xác xơ. So với tôi, PCH chỉ thân với ĐC nhiều năm sau, nhưng tình bạn giửa PCH với ĐC lại rất thâm trầm và ẩn chứa một chất tri kỷ rất ít thấy mà chính tôi không có được. PCH đã cảm nhận sâu sắc tâm trạng của ĐC khi sau bao nhiêu năm về lại một chốn cũ, Dran (Đơn Dương), một thị trấn cao nguyên nhỏ mà ở nơi đó Cường có vài năm dạy học. PCH đã viết lên những câu như:

khi trở về chàng đứng ngẩn ngơ

giọt nước mắt rơi trên nền đất cũ

đêm Dran

nhớ tiếng xe thổ mộ

về hướng Kado về phía Lạc Lâm

đêm Dran

nhớ những mảng màu của một thời tuổi trẻ

chiếc giá vẽ gian nan cùng năm tháng sương mù

(DRAN, NGÀY VỀ, trang 44)

Và khi ĐC thình lình ngã bệnh nặng phải nhờ trực thăng cấp cứu đưa vào bệnh viện:

chàng ngã xuống

sau khi đã đi nửa vòng trái đất

và dừng chân bên khu rừng Burke

nghe tiếng chim hót buổi sáng

nghe tiếng lá xào xạc buổi chiều

những ngày mưa hiu hắt

những ngày bão tuyết hoang mang

trong garage

đằng sau giá vẽ

chàng lặng lẽ

vẽ chân dung mình

và nỗi nhớ quê hương

(ƯỚC MƠ CỦA NGƯỜI HỌA SĨ, trang 39)

Tôi thấy được ở đây cả một bức tranh “biểu tượng” vẽ cho ĐC, dù PCH chưa bao giờ thực sự cầm cọ tô màu trên giá vẽ.

Trong bài thơ đề tặng Trần Hoài Thư, tôi thích nhất hai câu sau đây, nói lên được rất nhiều về bạn mình, nỗi niềm lẫn thế sự:

mười năm một thoáng phù vân

tiếng chim vườn cũ mùa trăng quê người

(DÙ SAO VẪN CÁM ƠN ĐỜI, trang 30)

Xếp sách lại, cố nhớ những câu thơ đã đọc, cố mường tượng những hình ảnh ẩn hiện trong sách, tôi thấy ra ngay, rất rõ, hình ảnh của Cúc Hoa. Rất rõ. Không chút liêu trai nào. Và, đây cũng là một yếu tố tạo nên sắc thái riêng của thơ PCH. Yêu một người con gái nay đã thành sương khói hay yêu một người đẹp chỉ có trong mộng, để làm thơ. Tôi đọc được khá nhiều thơ loại này, nhưng cả với nhiều bài nổi tiếng, cái không thật nếu có rất dễ nhận ra, người đọc thấy ngường ngượng. PCH làm nhiều thơ cho vợ mình, một người vợ đã cùng chia sẻ ngọt bùi ba bốn mươi năm nay, cùng chịu đựng bao nhiêu chông gai trong cuộc đời. Tôi thân với họ, tôi hiểu họ, kín đáo, thâm trầm. Tôi đọc thơ PCH, tôi cảm nhận được từ đó một thứ tình yêu chơn chất, đậm đà, nhưng thật, như con người rất thật của họ.

bây giờ nhớ núi nhớ rừng

nhớ sông nhớ biển nhớ trăng quê nhà

thương em ngày nắng Tuy Hòa

chiều mưa Đức Trọng, sáng Đà Lạt sương

thương em và những con đường

một thời tôi đã cùng em đi về

(BÂY GIỜ. trang 32)

Cách đây khoảng mười năm, Cúc Hoa bị tai nạn xe khá nặng ở Virginia. PCH viết về cảm giác của mình khi đưa vợ từ bệnh viện về, ngồi trên xe lăn:

hôm em ở bệnh viện về

cụm hoa trước ngõ cũng vừa ra bông

đã qua rồi một mùa đông

và qua rồi những ngày không tiếng cười

(ĐÃ QUA RỒI MỘT MÙA ĐÔNG, trang 34)

Tình yêu của họ, gắn liền với tình yêu của đất. Đất ở quê nhà:

ngày xưa, ngày xưa, ngày tôi và em lang thang trong sương mù Đà Lạt

ngày xưa, ngày xưa, ngày em chở con đi học

ngày xưa, ngày xưa, bữa ăn chín phần mười là bắp

đêm em nằm trằn trọc

vì không đủ sữa cho con

(CHIA TAY NGỰA Ô, trang trang 46)

Đất ở tha hương, ngay sau nhà mình, trong tuyết giá:

cùng em ra sân cào tuyết

gió đêm lạnh đến tê người

tuyết nhiều cào xong thấm mệt

và đôi chân bước rã rời

(ĐÓA HOA HỒNG TRONG TUYẾT, trang 67)

Và, nắng gió ở tha hương, khi dừng chân bên dòng Potomac:

gió lồng lộng cả một trời đông bắc

tóc em bay trong nắng thu vàng

(KHI DỪNG LẠI BÊN DÒNG POTOMAC, trang 24)

*

Để qua bên phần chữ nghĩa của bao nhiêu bài thơ, tập sách nhỏ “ĐẤT còn thơm mãi mùi hương” cần được xem là một tác phẩm nghệ thuật với sự sắp xếp, chăm sóc chu đáo và tài tình. Cảm giác này tôi luôn có được khi thường xuyên theo dõi Trang Văn Học Nghệ Thuật Phạm Cao Hoàng trên web. Ở đó không phải chỉ có thơ, có văn, có họa mà ở đó người đọc còn cảm nhận cái thi vị, vi tế lẫn một thứ hồn nhiên rất đặc biệt. Chẳng hạn, đang nghiêm túc với những sáng tác văn học, hội họa, của rất nhiều tác giả, cùng những truyện dịch chọn lọc của Thân Trọng Sơn, v.v. để đi vào một thế giới rộng mở của nghệ thuật, thì thình lình nghe một bản nhạc do Sylvie Vartan hát da diết tự năm xưa, hay một độc tấu tây ban cầm rất thời thượng. Cũng có thể, rất bất ngờ, xuất hiện một lịch trình các trận túc cầu, nếu đang mùa World Cup. Rồi, trở lại ngay với… văn học nghệ thuật. Sinh động! Rất “Phạm Cao Hoàng”, trong thơ hay ngoài thơ.

Về thơ của PCH, tôi đồng ý với nhận xét của Nguyễn Xuân Thiệp trong lời bạt: “Đọc thơ Phạm Cao Hoàng, ta thấy tâm hồn anh đầy nhân hậu, bao dung và độ lượng, luôn mở rộng đón nhận những âm vang của đất trời. Ở Phạm Cao Hoàng, không có sự ganh ghét, thù hận hay ra vẽ trí thức triết lý với đời. Thơ anh trong sáng, tự nhiên, bình dị; nhẹ nhàng đi vào hồn người”.

Xin nói thêm. Thơ PCH có nhạc. Lời thơ chơn thật nhưng vẫn luôn bàng bạc nét cao sang trầm lặng của một tâm hồn đẹp.

Thơ, văn, âm nhạc, nghệ thuật, cùng với những đóng góp và cách đóng góp như nói trên, đã giúp làm cho mảnh đất mà chúng ta đang sống ở đây luôn còn thơm mãi mùi hương. Không có nó, đất cằn cỗi và trơ trẽn.

TRƯƠNG VŨ

Maryland, tháng 12 năm 2018

Bài Mới Nhất
Search