T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tính Luân Lý của khoa học kỹ thuật

1.

Mức độ phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong công nghệ thông tin, mà điển hình là mạng lưới toàn cầu (Internet) và sự lan rộng với tốc độ nhanh chưa từng thấy ở số lượng người sử dụng đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến mọi hoạt động của xã hội con người, từ chính trị, quân sự, kinh tế, đến văn hóa, xã hội, kể cả các hình thái giao lưu có tính cách cá nhân của con người như thư từ, quan hệ tình cảm, hẹn hò v.v..

Nhờ mạng lưới toàn cầu, một sự kiện nổi bật nào đó vừa xảy ra trên quả đất (như động đất, chiến tranh, những cuộc tàn sát nhau vì lý do tôn giáo, địa phương v..v..), chỉ vài phút sau, cả thế giới đã biết tường tận về sự kiện ấy, như thể nó vừa xảy ra bên khu vườn của người hàng xóm.

Vì thế, cùng một sự kiện xảy ra hiện nay và cách đây nhiều năm (thuở chưa có truyền hình vệ tinh, mạng lưới toàn cầu), người ta đã có những cách nhìn nhận khác biệt hẳn. Nguyên do chính của sự khác biệt không phải vì những cuộc chiến tranh hay tàn sát lẫn nhau xảy ra hiện nay khốc liệt hơn ngày trước, mà là vì ngày nay, người ta có thể xem bằng mắt, nghe bằng tai, đọc những tin tức còn nóng hổi về những sự chết chóc ấy trực tiếp trên truyền hình vệ tinh, trên mạng lưới điện tử. Ngồi trong căn phòng riêng của mình, người ta có thể cảm tưởng như mình đang đứng giữa những đổ nát của động đất, bão lụt hay thậm chí cả cảm giác ngửi được mùi thuốc súng đang nghi ngút ở một trận địa, hay cuồng nhiệt theo với những cổ động viên thể thao đang có mặt tại một sân chơi thể thao quốc tế nào đó. Nói cách khác, về mặt tâm lý, cái tác động tức thời ấy có một ảnh hưởng không nhỏ đến cách nhìn nhận sự việc so với thời mà người ta chỉ được biết đến những sự kiện vào sáng hôm sau, khi cầm tờ báo phát hành trong ngày trên đường vội vã đến sở làm. Mặt khác, phản ứng của người ta trước những sự kiện ấy cũng rất tức thời , nhanh chóng và có những tác động to lớn không kém cái cách người ta đón nhận chúng. Thí dụ như những chế độ độc tài đang tìm cách đàn áp, bịt miệng những tiếng nói dân chủ phản đối lại họ (như Việt Nam, Trung Quốc . . .) chẳng hạn. Một sự kiện vừa xảy ra ở những nơi đó, lập tức, nhờ mạng lưới toàn cầu, khắp nơi trên thế giới, những người ủng hộ tự do dân chủ đều đã có đầy đủ thông tin và có những phản ứng thích hợp. Điều ấy làm cho những người phản kháng không cảm thấy cô đơn và yên tâm vững bước trên đường tranh đấu. Ngược lại, phía giới cầm quyền độc tài, cũng phải e dè, tính toán, chứ không dám đàn áp bừa bãi như trước. Và để đối phó với mặt trận thông tin ấy, họ dựng lên những bức tường lửa (firewalls) bằng kỹ thuật tin học tinh vi.

Từ đó, một vấn đề mới được đặt ra. Cùng một lúc, khoa học kỹ thuật phục vụ cho con người và khi nó ở trong tay những thế lực xấu, nó sẽ quay lại không chế con người. Nhận định này không có gì mới, nhưng ở tầm mức phát triển của mạng lưới toàn cầu hiện nay, tình trạng con dao hai lưỡi ấy thực sự đi vào từng ngõ ngách của đời sống con người.

2.

Hôm giữa tháng hai vừa rồi, 4 đại công ty hàng đầu trong lãnh vực thông tin kỹ thuật toàn cầu của nước Mỹ là Yahoo, Google, Microsoft và Cisco Systems đã phải ra điều trần trước Tiểu Ban về Quan hệ Quốc tế (International Relations) tại Hạ Viện Hoa Kỳ về mối quan hệ “mật thiết” (cozy) của họ với cơ quan cảnh sát kiểm soát mạng Internet của Trung Quốc.

Cisco Systems đã cung cấp cho Trung Quốc những trang thiết bị để chính quyền nước này sở hữu một hệ thống kiểm soát mạng lưới toàn cầu – mà, theo lời các chuyên gia – thuộc vào loại tinh vi nhất thế giới (the world’s most sophisticated government-run Internet-filtering System). Hệ thống này nhằm theo dõi trực tiếp mọi sinh hoạt trong thế giới ảo của hơn 100 triệu người ghi danh sử dụng Internet trong tổng số 1 tỉ 3 trăm triệu người dân Trung Quốc. Đó là chưa kể hằng hà sa số những trang mạng do chính quyền thiết lập nhằm chi phối những giao lưu từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài trên siêu xa lộ thông tin.

Yahoo thì xác nhận rằng họ đã cung cấp tin tức cho nhà cầm quyền (Trung Quốc) dẫn đến sự bắt giữ và bản án 10 năm tù dành cho một trong những khách hàng của mình, một ký giả người Trung quốc. Mới đây, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới có bản doanh ở Pháp tố cáo Yahoo đã cung cấp những thông tin khiến một nhà hoạt động phản kháng hàng đầu của Trung Quốc phải nhận bản án 8 năm tù bởi nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc.

Microsoft thì ngăn cản một trang Nhật Ký mạng (blog) được nhiều người tham dự trên hệ thống MSN vì trang nhật ký này điều hành bởi một ký giả Trung Quốc với chủ trương phê phán nhà cầm quyền Cộng Sản.

Còn Google thì hôm tháng giêng đã lưu hành một ấn bản mới cho hệ truy tìm (Google Search) rất được ưa thích trong thế giới ảo. Ấn bản mới của Google Search, đặc biệt chỉ dùng ở Trung Quốc, đã không cung cấp cho người có nhu cầu tìm kiếm trên mạng lưới điện tử những nội dung mà nhà nước Cộng sản Trung Quốc ngăn cấm thí dụ như những từ có đề tài liên quan đến cuộc nổi dậy Thiên An Môn, Phong trào Pháp Luân Công, hoặc Phong Trào đòi độc lập ở Tây Tạng v.v..

Cốt lõi của vấn đề “hợp tác kỹ thuật” giữa 4 công ty Hi-tech nói trên với nhà cầm quyền Trung Quốc mà Hạ Viện Hoa Kỳ muốn xoáy vào là khía cạnh luân lý (morality) của việc hợp tác. Một dân biểu đã so sánh hành động của Yahoo tương tự như việc bắn tin cho Đức Quốc Xã (Nazis) về nơi ẩn náu của Anne Frank (*).

Các nhà điều hành của 4 công ty này biện luận rằng, mặc dù họ không thích chế độ kiểm duyệt mạng lưới điện tử của nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc, nhưng họ phải tôn trọng luật pháp nơi xứ sở họ hành nghề. Mặt khác, theo họ, được nhận những thông tin đã bị kiểm duyệt còn hơn là người sử dụng Internet ở Trung Quốc không nhận được thông tin nào cả.

Thực ra, vấn đề chính với các công ty tư bản này là lợi nhuận. Đối với người hoạt động kinh doanh, lợi nhuận trước đã, rồi sau đó hãy nói tới các vấn đề khác. Đó là điều mà các công ty Yahoo, Microsoft, Google và Cisco Systems đã không nhấn mạnh trong cuộc điều trần của họ trước hạ viện Hoa Kỳ.

3.

Mới đây, Yahoo lại một lần nữa giới thiệu Yahoo bằng tiếng Việt trên mạng lưới toàn cầu, mà họ gọi là Yahoo Việt Nam. Người xử dụng (tiếng Việt ) từ nay có thể mở hộp thư điện tử Yahoo bằng cách gõ vào Yahoo Việt Nam, ghi tên, mật mã như trước đây xử dụng Yahoo tiếng Anh, nhưng với trang Yahoo Việt Nam, tất cả các mệnh lệnh đều bằng tiếng Việt. Và kèm theo đó là những trang quảng cáo, tin tức, giải trí bằng tiếng Việt. Mọi dịch vụ này đều đến từ Việt Nam.

Vấn đề được đặt ra là liệu sự riêng tư (privacy) vốn được tôn trọng tuyệt đối từ những quốc gia nơi người Việt hải ngoại cư ngụ sẽ ở mức độ nào khi họ xử dụng hệ thống Yahoo lọc (filtering systems) bằng tiếng Việt trong những hoạt động giao lưu với người trong nước.

Tôi vốn không bao giờ đồng tình với quan điểm nhìn đâu “cũng thấy Việt Cộng thâm nhập” xem “Việt Cộng như những phù thủy ba đầu sáu tay pháp thuật cao cường”, nhưng trước sự kiện Trung Quốc đang làm chủ một hệ thống kiểm soát mạng lưới toàn cầu tinh vi vào bậc nhất thế giới với sự cung cấp công nghệ tin học (cả phần cứng lẫn phần mềm) của các công ty Hi-tech Hoa Kỳ (vì lợi nhuận), tôi cũng không loại trừ khả năng kiểm soát hoạt động Internet một cách hữu hiệu (trong đó có hoạt động giao lưu về thư từ giữa trong và ngoài nước giữa người Việt với nhau, hay các trang mạng cổ vũ cho việc tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam) của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam với các hoạt động vừa nêu. Có tiền mua tiên cũng được. Không ai chối cãi rằng, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam sẵn sàng dùng tiền của nhân dân để trang bị cho mình những vũ khí tinh xảo nhất hầu bảo vệ thành công sự tồn tại của chế độ, tức sự tồn tại và làm giàu của chính họ cùng với gia đình. Trên mạng lưới toàn cầu, mặt trận mà họ lo sợ nhất hiện nay, vũ khí ấy phải là kỹ thuật tin học. Về phía các công ty sở hữu chủ của những sản phẩm trí tuệ ấy, với bài học Trung Quốc, hẳn nhiên là họ không từ chối những cơ hội khiến giá cổ phần của công ty họ nhảy vọt mỗi ngày.

Do đó, không có gì khó hiểu và ngạc nhiên nếu một quốc gia mà theo lời viên Trưởng Văn Phòng Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam đã công khai nhận định rằng phải cần tới 197 năm nữa mới có thể theo kịp Singapore về mặt phát triển kinh tế và thu nhập đầu người chỉ có 522 đô la Mỹ 1 năm lại có trong tay một hệ thống Hi-tech tinh xảo vào bậc nhất nhì thế giới (sau Trung quốc) để dùng nó làm công cụ kiểm soát, ngăn ngừa, và đàn áp các sinh hoạt tranh đấu cho dân chủ, tự do, nhân quyền trong nước và ngăn chận sự góp sức, chia lửa từ ngoài nước.

4.

Tất nhiên, dù là ở một xã hội vật chất như nước Mỹ, những thế lực của đồng tiền không phải là vạn năng. Trong tương lai gần, các giới chức lập pháp Hoa Kỳ sẽ có biện pháp để ngăn chặn những việc làm tương tự như của Yahoo, Google , Microsoft, Cisco Systems hiện nay. Một đạo luật đang được thai nghén, trong đó, các công ty dịch vụ Internet sẽ bị giới hạn trong những giao dịch với Trung Quốc và các quốc gia khác mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho là vi phạm các quyền căn bản của con người như tự do tư tưởng, báo chí hay có những biểu hiện vi phạm nhân quyền khác (trong danh sách đó, hẳn sẽ có tên Việt Nam). Chẳng hạn như, các công ty ấy sẽ được khuyến cáo nên dời địa điểm của máy chủ (network servers) ra khỏi Trung Quốc (chẳng hạn), dù cho việc làm ấy có làm cho thời gian nối mạng chậm lại (ảnh hưởng đến phương châm làm việc của họ). Trong thực tế, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đang tìm cách có biện pháp với việc khai thác các thành tựu trong lãnh vực công nghệ (technology) Mỹ của Trung Quốc.

Khoa học kỹ thuật phát triển nhằm mục đích giải phóng con người khỏi mọi sự chế ngự của thiên nhiên, và giúp con người cải thiện sinh hoạt hàng ngày của mình, để con người có thì giờ hưởng thụ cuộc sống vốn ngắn ngủi. Nhưng trước hết, khoa học kỹ thuật không thể tiếp tay cho một thiểu số con người chế ngự chính con người (đa số), lại càng không thể tiếp tay duy trì sự tồn tại của thiểu số lấy bạo lực, áp bức làm công cụ cai trị.

Đã đến lúc người ta phải coi trọng hơn nữa những tiêu chuẩn đạo đức có tính phổ quát để hướng dẫn việc sử dụng thành tựu khoa học trong lãnh vực truyền thông, thông tin đại chúng, mà nổi bật hơn hết là mạng lưới toàn cầu.

T.Vấn

________________________________________________________________

* Anne Frank, tên một cô gái Đức gốc Do thái 15 tuổi bị buộc phải sống lẩn lút dưới hầm trong một tòa nhà ở thành phố Amsterdam, Hòa Lan, trong thời gian đệ nhị thế chiến để tránh sự tàn sát của cơ quan cảnh sát Đức Quốc Xã (Gestapo). Trong thời gian này, cô đã viết nhật ký. Sau khi cô và gia đình bị bắt và bị đày vào trại tập trung, rồi chết trong trại 8 tháng sau đó, thân nhân may mắn còn sống sót của cô đã cho công bố tập nhật ký này. Tập nhật ký có tên “Nhật Ký Anne Frank” đã mau chóng được cả thế giới biết tới, được dịch sang 67 thứ tiếng và nằm trong danh sách những tác phẩm được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Từ đó , cái tên Anne Frank trở thành biểu tượng tố cáo các chế độ độc tài, phi nhân như chế độ Đức Quốc Xã.

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search