T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Trăm năm cô đơn -Gabriel G. Marquez


Theo lịch những ngày lễ trong năm của liên bang ( Hoa Kỳ ) hôm nay, 15 tháng 9, là ngày bắt đầu cho những họat động kéo dài trong một tháng để kỷ niệm, vinh danh những thành tựu, những danh nhân mang trong mình dòng máu ít nhiều có liên quan đến sắc tộc Hispanic trong cộng đồng đa chủng, đa tộc của Hiệp chủng quốc (Hoa Kỳ).

Sở dĩ tôi “am tường” như vậy là vì cơ quan nơi tôi làm việc, Bưu Điện Hoa Kỳ, như bất cứ một công sở liên bang nào, đều ít nhiều mang bệnh “hình thức”, thứ căn bệnh trầm kha của mọi guồng máy chính quyền, dù đó là chính quyền nước Mỹ, một quốc gia dân chủ nhất thế giới. Cái căn bệnh hình thức mà tôi nói đến, là sự hiện hữu của một ủy ban “chuyên trị” về các vấn đề “sắc tộc”, tức những nhóm người được cho là thiểu số (so với đa số da trắng) trong các nhóm người được cho là hình thành nên dân số nước Mỹ. Tôi là người châu Á, tương đối “tuổi tác”, nên được mời vào ủy ban đó với tư cách đại diện cho nhóm sắc tộc châu Á (người Mỹ gốc Á). Ủy ban còn có một người da đen (người Mỹ gốc Phi châu , African – American), một người gốc Hispanic (tiếng gọi chung những người Mỹ có gốc gác từ các quốc gia Trung và Nam Mỹ Latinh, chứ không riêng gì người Mễ Tây Cơ, dù người Mễ chiếm tỉ lệ cao nhất trong sắc tộc này) và tất nhiên, có một hoặc hai người Mỹ trắng. Họat động của ủy ban cũng như tên gọi của nó, rất “hình thức”. Thí dụ như từ giữa tháng 9 (ngày 15) đến giữa tháng 10 hàng năm, được gọi là tháng Hispanic. Đúng ngày này, chúng tôi có một buổi họp . . . long trọng, để phát động. Vì thế, trưa nay, ủy viên người Hispanic (đó là một anh bạn gìa người Mễ Tây Cơ Jesse Montonegro sắp về hưu của tôi) phân phát cho chúng tôi mỗi người một xấp tài liệu đủ thứ nói về Hispanic ở Mỹ, những danh nhân, những con tem của Bưu Điện đã phát hành vinh danh các danh nhân gốc Hispanic. Ngòai ra, còn có những Celebrities của Holywood, chẳng hạn như nữ minh tinh có cặp môi nhìn chỉ muốn ở tù Cameron Diaz người gốc Cuba (của Fidel Castro) hoặc tài tử Martin Sheen (tên thật là Ramon Estevez người gốc Nam Mỹ la tinh). Thực ra, những thứ này chúng tôi đã chất đầy văn phòng làm việc từ nhiều năm nay rồi (năm nào mà chả nói đến Hispanic). Anh bạn Mễ của tôi cũng thừa biết như thế, làm công việc vừa tốn giấy, tốn mực, vừa mất công vất đi, trong khi Bưu Điện Hoa Kỳ đang than lỗ mỗi giây (second) là 11 ngàn 500 đô la Mỹ, nhưng anh cũng chẳng biết làm gì để kỷ niệm tháng Hispanic cho khỏang gần 55 ngàn gốc Hispanic trong tổng số 600 trăm ngàn nhân viên trên tòan quốc của Bưu Điện Hoa Kỳ. Tôi bảo anh bạn sao không tổ chức một buổi giới thiệu những tác phẩm lừng danh thế giới của người Hispanic, như nhà văn đọat giải Nobel Văn Chương Gabriel Garcia Marquez người gốc Columbia chẳng hạn. Anh cười cười bảo maybe next year! Tôi hiểu đó là một cách thóai thác dễ chịu, vì anh bạn sẽ về hưu vào cuối năm nay.

Sáng nay, trên đường đi work-out, tôi ghé qua thư viện để mượn mấy quyển sách cho đứa con gái lớn tham khảo việc nộp đơn học đại học, thấy chễm chệ ngay lối ra vào một cái bàn nhỏ, trên đó trưng bày tòan những sách của các tác gỉa Hispanic. Thư viện cũng bắt đầu kỷ niệm tháng Hispanic trong năm. Đập vào mắt tôi là mấy tác phẩm đình đám của Gabriel G.Marquez: Trăm năm cô đơn (One hundred years of solitude), Tình yêu trong thời thổ tả (Love in the time of cholera), Sống để kể chuyện (Living to tell the tale) . . . Tôi tiện tay quơ hết mấy quyển sách ra quầy check-out mà không biết mình có thì giờ để ngồi đọc hết chúng không và dù tôi cũng đã từng đọc những quyển ấy qua bản dịch tiếng Việt của mấy dịch gỉa trong nước.

Có lẽ tôi vẫn còn bị “lơ mơ nửa tỉnh nửa mê ” với quyển Trăm năm cô đơn, mà khỏang năm 1986, 87 ở Sài Gòn tôi đã được đọc qua bản tiếng Việt của Nguyễn Trung Đức, Phạm Đình Lợi và Nguyễn Quốc Dũng. Dạo ấy, đọc Marquez là một thứ thời thượng. Quyển tiếng Anh, in giấy mỏng gần 500 trang đã nặng tay, quyển tiếng Việt gần 700 trang, in giấy dầy và xấu, cầm đến mỏi cả tay, nhưng . . . khóai. Lúc ấy, tôi chỉ có một thứ đem lại niềm vui là đọc sách, nhất là thứ sách viết bằng lối văn “nửa hư nửa thực” của Marquez. Trong thế giới nửa hư nửa thực ấy, tôi quên hết thực tại đói khổ, tương lai mù mịt của một anh tù “Ngụy” vừa được tha ra khỏi trại cải tạo. Sau này, cũng có một hai nhà văn trong nước viết bằng lối văn như thế , như Nguyễn đình Chính với Đêm Thánh Nhân, Nguyễn Bình Phương với Những đứa trẻ chết già.

Cũng không nên vội cho rằng các nhà văn Việt Nam đã bắt chước Marquez. Vì từ khi ra đời, lối viết kết hợp thật tự nhiên giữa cuộc sống đời thường hàng ngày với những sự kiện có tính cách phóng đại, thần thọai, qua lăng kính tâm lý siêu thực  bay bổng, Marquez đã gây một ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều nhà văn trên khắp thế giới.

Lối hành văn “lãng đãng sương mù, nửa tỉnh nửa mê ” ấy của Marquez đã được ông giải thích như sau:

“Không khí mà tôi sử dụng để viết Trăm Năm Cô Đơn dựa trên cái cách mà bà tôi dùng để kể chuyện. Những câu chuyện kể của bà có hơi hướm siêu thực, lập dị nhưng được kể với một phong cách rất tự nhiên. Quan trọng hơn cả là sự biểu lộ trên mặt khi bà kể chuyện. Khuôn mặt bà hòan tòan bất động, không biểu lộ xúc cảm theo với dòng truyện. . . Trước đây, tôi cố tìm cách kể chuyện mà không tin một chút nào câu chuyện mình kể. Rồi từ từ tôi khám phá được rằng, điều tôi phải làm là hãy tin vào chính câu chuyện tôi đang kể, và ghi chúng lại với cùng một cung cách mà bà tôi đã sử dụng: giữ một bộ mặt lạnh như tiền. . . “


Tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn là tác phẩm đầu tiên và cũng đóng vai trò quan trọng nhất trong sự nghiệp của Marquez. Xuất bản lần đầu năm 1967 bằng tiếng Tây ban Nha. Năm 1970 được dịch sang tiếng Anh bởi dịch giả lão luyện Gregory Rabassa, xuất bản cùng lúc ở Mỹ và Anh, ngay lập tức được cả thế giới chú ý. Đây là tác phẩm đầu tiên của một tác gỉa châu Mỹ Latin có số bán kỷ lục: 20 triệu ấn bản trên tòan thế giới và được xem như là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất thế kỷ (20). Tác phẩm cũng đọat nhiều giải thưởng quốc tế, mà quan trọng nhất là giải Nobel Văn Học năm 1982.

Làm nhà văn, tức chấp nhận cô đơn. Nhưng một trăm năm cô đơn quả là quá nhiều để đạt được những thành tựu, dù là thành tựu trong lãnh vực văn học, vì thành tựu ấy sẽ tồn tại mãi mãi kể cả sau khi người tạo ra nó lìa đời. Từ hơn 20 năm nay, sau Trăm Năm Cô Đơn, những tác phẩm của Marquez tiếp tục được chào đón nồng nhiệt và đánh giá cao bởi hầu hết độc gỉa trên thế giới. Tuy vậy, nhà văn vẫn không thể sống ở quê nhà, tức Columbia, nơi ông chào đời ngày 6 tháng 3 năm 1928. Năm 28 tuổi, ông bắt đầu cuộc sống rày đây mai đó qua Mễ Tây Cơ, qua các quốc gia trong khu vực. Cuối tháng 2 năm 1997, vài ngày trước lễ sinh nhật thứ 70, ông chính thức tuyên bố sẽ sống lưu vong ở Mexico City, thủ đô nước Mễ. Quê nhà Columbia của ông, như ông nói, quá khó khăn, quá bất ổn, quá rắc rối cho ông tồn tại với tư cách nhà văn.

Như một định mệnh, ông phải sống đủ trăm năm cô đơn trước khi trở thành bất tử. Và anh bạn già gốc Mễ của tôi, cuối năm nay về hưu, tuy không có mặt để kỷ niệm tháng Hispanic năm tới với Bưu Điện Hoa Kỳ (và giới thiệu Gabriel G.Marquez như tôi đề nghị), nhưng hẳn anh sẽ có dịp về thăm cố quốc, và biết đâu sẽ có dịp đối diện Gabriel G.Marquez bằng xương bằng thịt trong một căn phòng khách nào đó của Mexico City và kể với ông câu chuyện một anh chàng châu Á đến từ xứ sở Việt Nam đã từng say mê những trang sách nửa mê nửa tỉnh của Trăm Năm Cô Đơn và cũng nhờ anh chàng châu Á mọt sách đó mà anh biết đến một nhà văn Hispanic đọat giải Nobel Văn Học cao quý là Gabriel Garcia Marquez.

T.Vấn

15 tháng 9 năm 2010

T.Vấn© 2010

Bài Mới Nhất
Search