T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tuổi trẻ, tuổi già

Vỉa hè Sài Gòn – Tranh: Thanh Châu (2005)

Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ

Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu

(Cung Oán Ngâm Khúc – Nguyễn Gia Thiều)

Mỗi khi nghĩ và nhớ về buổi chiều Sài Gòn với những cơn mưa bất chợt, tôi lại bùi ngùi tội nghiệp cho những người trẻ Việt Nam ở Hải Ngoại. Họ không có một thành phố của riêng mình, với những quán xá hò hẹn, những con đường bụi bậm đứng chờ nhau mong cho trời đừng đổ mưa để không ướt áo, hay buổi trưa hè chở nhau trên những chiếc xe đạp cũ kỹ, dừng lại bên đường cùng nhau uống chung ly nước mía. Những hình ảnh rất đơn sơ nhưng dấu ấn của chúng thì mãi 30 năm sau, khi tôi ngồi trong căn Patio của một người bạn ở Florida – nơi mà vào những tháng mùa hè oi ả, cứ chiều xuống, lại có những cơn mưa bất chợt y hệt Sài Gòn – chúng vẫn có thể hiện ra trước mắt tôi, rõ mồn một như vừa mới xẩy ra hôm qua. Nhưng, có lẽ tôi nhìn thế giới và mọi người bằng con mắt đang ở vào giai đoạn lão hóa, nên mọi sự đối với tôi hình như không được bằng ngày hôm qua. Those are good old days!- Ôi những ngày tháng xa xưa tuyệt vời ấy! Câu nói đầu môi cửa miệng của người bản xứ mỗi khi có điều gì không bằng lòng về cuộc sống hiện tại, họ hay so sánh với ngày hôm qua tươi đẹp và cảm hoài thốt lên những lời biểu lộ sự hối tiếc.

■Tôi không hề nhầm lẫn giữa quá khứ và hiện tại, mặc dù đôi lúc tôi ước ao phải chi tôi có thể bắt đầu lại đời mình một lần nữa thì hạnh phúc biết bao. Dẫu cho, đang mang nặng trên vai muôn vàn hối tiếc, tôi cũng sẽ lại lầm lỡ như đã bao lần lầm lỡ, cũng sẽ lại ngu si như đã hàng vạn lần ngu si.

Tại sao trong những ngày tháng bước qua cái ngưỡng cửa tri thiên mệnh, tôi lại bị ám ảnh bởi những điều xảy ra hôm qua trong cuộc đời tôi, những mối tình vụng dại và một thành phố kỷ niệm, những hoài bão ngông cuồng của tuổi trẻ? Tôi không lý giải được, nhưng mỗi ngày sống qua đi, tôi thấy cuộc sống như nhỏ bé đi, ngắn ngủi, buồn bã và thiếu vắng những điều mới lạ. Cuộc sống vì quá quen thuộc, gần gủi, nên cùng lúc, trở nên đơn điệu.

Có phải vì thế mà Hemingway đã cầm súng tự bắn vào đầu mình? Và nếu quả đúng như thế, thì liệu đó có phải là cách giải quyết đúng nhất cho một người?

Hay có cách nào khác đặt lại vấn đề với cuộc đời?

Tôi đang đi bên lề cuộc sống, như kẻ không đánh bạc nhưng vẫn thức thâu đêm quan sát những con bạc tận tụy, thấy hết được cái phi lý của những canh bạc đời. Hối hả đánh cho hết những đồng tiền cuối cùng. Hối hả sống cho hết những giây phút cuối cùng. Hối hả đi về phía cuối con đường. Ở đó, huyệt mộ đã được đào sẵn, dế giun đã long trọng chuẩn bị bài đồng ca chúc mừng người vừa hòan thành xuất sắc sứ mạng làm người.

Ngày xưa, lúc còn trẻ, những lúc vừa chớm có cảm tưởng buồn chán tương tự, tôi lại bước chân xuống đường phố, hòa mình vào dòng người đang vội vã hối hả giữa dòng sống bất tận, tự đổi mới mình với không khí tươi rói của những bước chân hăm hở đi về phía trước, dẫu tận dưới đáy tâm hồn non trẻ, tôi đã mường tượng ra định mệnh đời mình. Một định mệnh vốn ẩn giấu, cay nghiệt và không hề biết đến bao dung, độ lượng. Nhưng dù cho có biết rõ rằng ngày mai độc ác ấy đang chờ sẵn mình ở cuối đường, vẫn dễ sống hơn, nao nức hơn là không có gì chờ đợi mình nữa, ngoài huyệt mộ lạnh lùng hiu quạnh.

Cái cay nghiệt của kiếp nhân sinh là người già nào cũng từng có một thời tuổi trẻ. Thuở mắt sáng, môi tươi và đôi gò má ửng hồng đầy đặn. Thuở những thiết tha của trái tim cũng là những thiết tha của cuộc đời. Thuở mỗi con đường đi qua, mỗi quán xá ghé vào, mỗi người khác phái được cầm tay đều trở thành kỷ niệm không phai nhòa. Và người già hôm nay ngồi trong buổi chiều nhìn về tuổi trẻ hôm qua . . .

Thở than nuối tiếc ư? Có ai sống lại được quá khứ của mình đâu! Như vậy có ích gì không khi cứ quay đầu ngỏanh lại? Tại sao lại không lầm lủi cúi đầu mà đi thẳng, cho dễ sống, cho dễ chết?

■Tôi không hề nhầm lẫn giữa hạnh phúc và khổ đau, dù, quả thật, có rất nhiều khoảnh khắc trong đời sống, hạnh phúc và khổ đau đổi chỗ cho nhau, như sao hôm sao mai không hề gặp, mà thực chất, cũng chỉ là hai mặt của một hệ lụy đời người. Cho đến khi tôi nhận ra được điều này thì đã quá muộn cho tôi quyết định từ bỏ cuộc sống mà tôi vẫn sống, như người con gái đã qúa quen thuộc với vết chàm trên khuôn mặt, không nỡ để cho nó bị tấy xóa đi vì sợ mình không có thì giờ làm quen với một nhan sắc không hằn tì vết.

…. Ngày xửa ngày xưa, khi tôi còn trẻ, khi tôi còn tin rằng mình có thể lật ngược quả đất này chỉ với đôi bàn tay (trắng) và khối óc (rỗng), khi tôi còn tin rằng, những ngắn ngủi tạm bợ của trần gian sẽ là những phân tử cấu thành sự vĩnh cửu cho nhân loại, khi trái tim tôi còn thành thật, ngây thơ tin rằng chỉ dưới đáy tận cùng của đau khổ, người ta mới nếm được vị ngọt tuyệt vời của hạnh phúc, chỉ sau những đớn đau thắt ruột của mất mát, người ta mới trân trọng những gì còn sót lại sau một đoạn đường tân khổ. . .

Đến bây giờ, khi không còn trẻ nữa, nhìn lại những suy nghĩ của hôm qua, tôi bỗng thấy tội nghiệp mình quá đỗi!

Tuổi trẻ vốn cả tin, đáng yêu và ngờ nghệch. Nếu không thế thì làm sao người ta có thể sống cho hết đời mình. Làm sao tôi có thể sống hết đời mình. Cho đến lúc nào đó, tôi bỏ cuộc đời này – mọi người bỏ cuộc đời này – như người thức dậy sau giấc ngủ trưa hơi muộn . . .

Người già sống trong đời sống, như người mù đi trong đêm. Con đường thăm thẳm dẫn về huyệt mộ, tuy tối đen, nhưng chưa có ai bị lạc đường. Đó là con đường một chiều thẳng tắp. Không có những ngã rẽ, chỉ có những quán nghỉ chân, những nhà trọ. Và những bóng ma áo trắng tóc dài bay dật dờ hai bên đường dẫn lối.

Cuối cùng, dù có yêu thương tha thiết trần gian điên dại này, tôi – và mọi người – cũng không được trần gian ưu ái giữ lại làm biểu tượng bất tử. Cũng như tình yêu, dù đã thề thốt yêu thương nhau đến hơi thở cuối cùng, những kẻ yêu nhau cũng không giữ được nhau mãi mãi.

Lẽ hữu hạn của kiếp người. Lẽ hữu hạn của nhan sắc một nhân loại đang tuột dốc xuống đến lằn mức hủy hoại. Từ bao giờ mà chúng ta đã ngông cuồng mơ về cõi trời đất không bao giờ có thực? ở đó, thi ca và âm nhạc là những biểu tượng của bất tử? ở đó, tuổi già là biểu tượng của tinh chất nhân loại cô kết mọi lẽ khôn ngoan (nếu quả thật có những điều gọi là khôn ngoan)? ở đó, tuổi trẻ là biểu tượng của sóng biển ào ạt tiến về phía trước xóa sạch mọi dấu vết của buồn đau quá khứ?

Tôi tự nhủ lòng mình. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng tốt nhất là hãy quên đi.

Tuổi trẻ cần một sân chơi rộng rãi để thử nghiệm những ngông cuồng, cho nên, tuổi già – vốn đã từng có một thời tuổi trẻ – hãy khôn ngoan bước né sang một bên.

Nếu quả thật có một sự khôn ngoan ở người gìa, thì đây có lẽ là điều khôn ngoan nhất, trên hết mọi sự khôn ngoan.

Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng sao tôi vẫn thấy nhói ở trong lòng. ■

©T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search